Sang ngày hôm sau, vừa tảng sáng tôi đã nghe tiếng pháo đì đùng vang lên bên tai, với tay kéo rèm cửa, bỗng thấy trước mắt mờ mịt, chỉ xòe tay ra ngoài một chốc đã âm ẩm lành lạnh hơi sương.
Tôi lay Quốc Chẩn tỉnh dậy, mặc cho nó một bộ viên lĩnh màu trắng viền đỏ thêu hàn mai ngạo tuyết, áo bông lót bên trong cho khỏi lạnh, lại đeo trên cổ một chiếc kiềng vàng có chạm chữ phúc. Tôi vừa thay áo cho Quốc Chẩn vừa ngắm nghía hồi lâu, đến lúc trông thằng bé trắng trắng tròn tròn như cục bông, thơm tho sạch sẽ ưa nhìn mới hài lòng cho nó ra gian trước.
Hôm nay tôi cũng đặc biệt búi tóc cao trên đỉnh đầu, trâm cài hình phượng, tai đeo khuyên ngọc trai, bên hông lại treo một túi hương bằng lụa. Thụy Hương ở bên ngoài đã đợi sẵn, thấy tôi ra thì bước đến dắt tay Quốc Chẩn, miệng tươi cười cất giọng khen:
- Hiếm thấy phu nhân ăn vận chỉnh chu như thế!
Tôi cũng cười đáp lời:
- Hôm nay đúng dịp đặc biệt, tốt xấu gì cũng không nên xuề xòa!
Cũng khá lâu rồi tôi không chải chuốt ăn dọn, ngày thường nếu ở trong Quân Hoa cung cũng chỉ tùy ý xõa tóc, mặc trung y rồi khoác tràng vạt bên ngoài. Trên chiến trường lại càng đơn giản, đa số thời gian toàn mặc giáp minh quang, mái tóc dài thường xuyên trong tình trạng bám đầy bụi cát, tôi dứt khoác cột đuôi ngựa sau đầu, thỉnh thoảng còn cảm thấy nó cứng hơn cả lông chổi. Sau này chiến thắng trở về, cả người đen đúa thô kệch như một gã đàn ông, suốt nửa năm mới khôi phục lại được dáng vẻ ngày nào.
Vừa bước ra nhà chính, đã thấy thằng nhóc Thuyên xếp đầu hàng nhận lì xì, tôi chậc lưỡi, thằng nhóc này ỷ mình là hoàng thái tôn định hớt tay trên đây, trong khi theo vai vế trong nhà, thì thằng bé Tự con của anh cả mới là người lớn nhất. Nó nhìn thấy tôi và Quốc Chẩn bước ra, liền há miệng cười hì hì, cha tôi bèn gọi Quốc Chẩn tới bên cạnh.
Quốc Chẩn lần này tài sản lại tăng lên không ít, bên nội đã xem như hào phóng lắm rồi, không nghĩ tới bên ngoại lại còn phóng khoáng hơn. Ông bà ngoại, các bác và các dì đều thương yêu khiến sáng nay túi áo của nó đã rủng rỉnh.
Trong sân bọn trẻ từ các nhà quan lại tề tựu chơi trò chơi hết sức náo nhiệt, mấy trò trong dân gian cũng có, thanh nhã hơn là cầm kỳ thi họa cũng có, ầm ĩ lên hết cả, thằng nhóc Thuyên cũng kéo Quốc Chẩn sà vào một đám đang chơi ô ăn quan, trong đó có vẻ Mạc Đĩnh Chi đang là đứa cầm đầu. Tôi lại xung phong giữ tiền lì xì cho Quốc Chẩn, nó hết nhìn tôi rồi nhìn đám trẻ đang chơi, cảm thấy có lẽ bản thân cũng không có khả năng gìn giữ nên giao cho tôi tất cả. Đúng là một đứa trẻ ngoan.
Khắp nơi trong vương phủ đều treo đèn kết hoa, dán câu đối đỏ, giống như còn trong xuân nên không khí tự nhiên cũng tưng bừng tươi mới hơn hẳn. Tôi nhìn chị Trinh và thằng nhóc Thuyên một người thì bận rộn cắt giấy hỉ, một người thì cắm hoa bàn thờ gia tiên, chính mình bèn xung phong ra tiền viện đón khách, dù sao mấy việc nữ công kiểu như vậy tôi cũng không giỏi, có lẽ vì vậy mà dạo trước ở nhà họ Tô tôi chẳng chiếm được chút cảm tình nào.
Nhưng cuối cùng cũng không phải chỉ riêng mình tôi là vụng về chuyện hậu viện, ngoài chị Anh Nguyên hôm nay phải làm một cô dâu nền nã đoan trang chỉ ru rú trong khuê phòng ra, thì vẫn có một kẻ còn mạnh mẽ hơn tôi đang chạy loanh quanh phụ việc. Tôi nhìn chị ta hết chạy đông chạy tây, lại xoắn tay áo làm chân sai vặt cho thằng nhóc Thuyên thì rốt cuộc phải buông ra một câu: có cố gắng!
Cũng may Trần Nhật Duật là một vị khách bề trên chỉ ngồi gian trước, nếu không chẳng biết chị ta phải giấu mặt đi đâu, dù sao trước mặt người nọ chị ta luôn làm ra bộ dáng như hùm như hổ. Tôi lại cảm thán trong lòng, khách đến nhà còn phụ giúp việc cho chủ, chị ta cũng chẳng phải đến để làm dâu.
Ngày hôm nay quý tộc khắp nơi đã tề tựu về gần như đông đủ, nhưng quý nhất phải kể đến một kẻ từng là môn khách của vương phủ, nay đã làm đến chức An phủ sứ Thiên Trường. Đó chẳng ai khác chính là Trần Thì Kiến. Trần Thì Kiến đã đi theo Trần Khâm từ lâu, nay lại được bổ nhiệm làm đến chức này cũng xem như đã chiếm được sự tin cậy nhất định từ vị quan gia trẻ, bởi hành cung Thiên Trường so ra chỉ xếp sau kinh đô.
Trần Thì Kiến quay về lần này phải nói là nở mày nở mặt, anh ta chưa cần đợi đến trước cổng đã vội cho dừng xe đằng xa, bước chân vừa khoan thai lại giống như có chút vội vã đến trước cha tôi bái lạy. Cha tôi đỡ anh ta lên gật đầu hài lòng. Tôi lại nhìn ánh mắt rưng rưng của Trần Thì Kiến âm thầm cười trộm.
Trần Thì Kiến đã đứng dậy, cha tôi bỗng vỗ vai anh ta:
- Việc anh làm đã nổi tiếng gần xa, đúng là không phụ lòng ta mong mỏi!
Nói xong thì lớn giọng cười gật đầu. Trần Thì Kiến cũng cung kính cúi đầu mỉm cười, khiêm tốn đáp:
- Cũng nhờ ngài khéo dạy dỗ ạ, Quốc công khen tặng làm Thì Kiến hổ thẹn vô cùng!
Tôi nhìn hai người kẻ xướng người họa, trong lòng cũng bất giác vui vẻ theo, lại không nén được tò mò, chẳng biết anh ta đã làm gì mà được cha tôi – một người kiệm lời khen như vàng có thể mở miệng hào phóng như vậy.
Anh cả tôi giống như nhìn ra được chỗ thắc mắc của tôi, bèn ghé tai tôi nói nhỏ:
- Chỉ nghe ngóng được chú ta nổi tiếng là thanh liêm khắp một vùng, tuy hành xử nhiều lúc lạ lùng nhưng cũng chẳng thể nào khiến người khác cãi lại được. Ngẫm lại ngày trước Thì Kiến đúng thật là người như thế, tính tình thẳng thắng chẳng nể nang ai, còn suýt nữa là bị anh tư em tẩn cho một trận!
Nghe anh cả nói thế, anh Quốc Hiện của tôi bèn hừ một tiếng, hằn hộc buông ra một câu:
- Biết đâu là mèo mù vớ được cá rán thì sao?
Tôi liếc anh ta một cái, mặc dù hai người chẳng ưa gì nhau nhưng đừng hở một chút là mỉa mai có được không? Trần Thì Kiến hôm nay được mang tiếng thơm, dù sao cũng đem lại vẻ vang cho vương phủ, môn khách ở Vạn Kiếp sau này nói không chừng cũng dễ dàng được triều đình tiếp nhận hơn.
Lúc này Trần Thì Kiến đã ôn chuyện với cha tôi xong, đương lúc quay lại thì nghe Quốc Hiện châm chọc mình như thế, thản nhiên cười đáp:
- Cờ đến tay ai thì người đó phất, chứng tỏ vận may của tôi cũng không tồi!
Tôi nghe Trần Thì Kiến nói tới đó liền lôi kéo anh ta rời đi, chỉ sợ chốc lát nữa anh ta mồm miệng đi xa rồi không còn giữ được bộ mặt tươi cười như thế này nữa. Ngày trước không ít lần anh ta thoát khỏi móng vuốt của anh tư tôi, vậy mà đến nay vẫn không biết sợ, vẫn cái thói thích cà khịa người ta, dù thật ra anh tư tôi là kẻ khơi mào trước. Nhưng biết làm sao được, Trần Thì Kiến vẫn là kẻ yếu thế hơn.
Đến khi tránh khỏi tầm mắt của Quốc Hiện rồi, bản tính buôn chuyện của tôi liền nổi lên, vội hỏi:
- Chuyện đó là sao thế?
- Chuyện gì? – Trần Thì Kiến hỏi lại.
- Thì là chuyện đồn đại về anh đấy. Sao, vị An phủ sứ thanh liêm chính trực đến mức lạ lùng trong miệng mọi người là bắt đầu từ đâu, đừng có nói cái tiếng đó đột nhiên từ trên trời rơi xuống đấy nhé?
Trần Thì Kiến nghe đến đó thì à lên một tiếng, lại có vẻ ngại ngùng gãi đầu:
- Thật ra là do kẻ đó quá đáng ghét, dạo trước bên cạnh nhà tôi có kẻ làm giỗ, cuối ngày bèn đem biếu một mâm. Tôi thấy giữa mình và anh ta trước giờ cũng không giao thiệp, nên mới lập tức hỏi lý do, anh ta lại hết mực nhiệt tình đáp rằng chỉ vì là hàng xóm nên biếu. Ấy thế mà thời gian sau lại đến xin tôi ban cho chức câu đương. Em nói thử xem, tôi chỉ là một An phủ sứ nho nhỏ, sải tay cũng không dài tới mức này, truyền đến tai quan gia thì một chút tài sản ít ỏi của tôi cũng không thể giữ nổi.
Tôi nghe thế thì gật gù, Trần Thì Kiến nói vậy có hơi khiêm tốn. Cả nước ta tính từ thời tiên đế chia làm mười hai lộ, anh ta chí ít cũng là quan đứng đầu lộ Thiên Trường, tuy không gần Trần Khâm nhưng lại ở dưới mắt Thượng hoàng, kẻ nọ không đến xin anh ta thì xin ai đây, chẳng lẽ lại đến hành cung của Thượng hoàng mà xin xỏ. Tuy là Trần Thì Kiến vẫn giữ cái điệu bộ không màng thế sự, nhưng trải qua khoảng thời gian rời khỏi phủ đệ Vạn Kiếp, thoạt nhìn anh ta đã toát ra loại khí chất của kẻ hiền tài rồi.
- Vậy sau đó thế nào, anh làm thế nào nôn ra mâm cỗ đó thế? – Tôi cười hi hi ha ha hỏi.
Trần Thì Kiến tỉnh bơ đáp:
- Tôi móc họng nôn!
- ...
Tôi nheo mắt nhìn anh ta đầy nghi hoặc, anh ta biết tôi đang mông lung, liền mạnh dạn nói:
- Nói thẳng ra thì tôi cũng lời một phen, mâm cỗ của gã đó toàn sơn hào hải vị, còn bữa cơm hôm nọ tôi chỉ xơi ít cơm trắng với dưa cà, lúc nôn ra xong nhìn vẻ không thể tin trên mặt gã ta, chắc là cảm thấy mình đã làm một vụ mua bán lỗ lã. Dù sao ăn một đằng trả một nẻo cũng chẳng lấy làm vinh dự gì, tôi đã cố bưng bít chuyện đấy lại nhưng chẳng hiểu sao càng ngày càng đồn ầm ra...
Trần Thì Kiến nói tới đó lại thở dài, thở dài xong bỗng nhìn thấy vẻ mặt chưng hửng của tôi, vội thốt lên:
- Đó, chính là vẻ mặt đó, lần trước gã kia cũng nhìn tôi y như vậy!!
Tôi hít vào một hơi rồi thở hắt ra, tuy nói như vậy, nhưng dù sao mặt dày một chút còn hơn mang tiếng tham quan, sợ là sau này Trần Thì Kiến chẳng dám nhận không của ai thứ gì. Còn riêng tôi lúc này phải giơ ngón cái ra mà tán dương anh ta, quyết đoán lắm, không hổ đi theo Trần Khâm bấy lâu!
Đương buôn chuyện, bỗng từ phía sau anh hai Quốc Uất của tôi loạng choạng bước tới, khoác tay lên vai Trần Thì Kiến lôi đi, trông bộ dạng có vẻ uống không ít. Tôi lắc đầu, ngày mai phải đi rước dâu rồi, tôi nhắm chừng sang nhà gái muốn rước được nàng dâu về ắt hẳn không dễ dàng, nên hôm nay luyện tập trước cho quen đây. Có điều anh ta như thế vẫn còn hơn hẳn Quốc Tảng, kẻ đã chiến bại sớm bị đưa về phòng. Về mảng này phải công nhận là Quốc Tảng không giỏi, có lẽ là do anh ta chẳng có ham mê đến tửu sắc, những thứ chuốc vào chỉ tổ hại thân.
Còn nhớ dạo trước trong lúc say bí tỉ anh ta còn vô thức mò vào phòng tôi tỏ tình, chẳng biết tỉnh lại có nhớ ra mấy lời mình nói không. Riêng khoản này thì Phạm Ngũ Lão lại có thể cho mấy ông anh vợ thành kẻ chiến bại hết, trước giờ tôi vẫn chưa thấy được lúc Phạm Ngũ Lão thật sự say, có điều ngày lại mặt năm nay thì chưa chắc.
Bận rộn cả một ngày, chừng đến chập tối thì cũng xong xuôi mọi việc. Lúc này nam nữ quyến đều ăn vận đẹp đẽ ăn cỗ, trong lòng tôi vui vẻ cũng đặc biệt uống vài chén, rượu tới đâu là cả người đều ấm lên hết cả. Trời xuân lành lạnh, ngồi dưới tán cây hoa đào uống chén rượu ấm, phải nói là sướng hết cả người.
Cha tôi ngồi ở gian chính cùng với các bậc bề trên, đèn đuốc sáng trưng nên cảnh trí nhìn hết sức là vui mắt. Bên kia thì say sưa xem tuồng, bên đây lại đàn hát réo rắt, lại có chỗ thách đố uống rượu, ầm ĩ hết cả lên. Tôi liếc thấy Trần Nhật Duật ngồi xếp bằng trên sập nghe ca kịch, tay nâng chén rượu hồi lâu nhưng đầu mày cuối mắt vẫn mơ màng, bộ dáng đúng là nổi bật hơn hết thảy mấy người ở đây. Dù sao mấy kẻ sinh ra trong hoàng tộc ít nhiều gì vẫn mang loại khí chất cao quý, khiến người khác không thể chạm tay.
Cô nàng Ngọc Châu thì ngồi sập dưới, đang ngủ gà ngủ gật.
Tôi mặc dù đã uống mấy chén, đầu óc đã lâng lâng, nhưng chẳng hiểu sao từ tận nơi sâu nhất trong tâm hồn vẫn cảm nhận được một niềm vui khó tả, có thể là vui cho mấy người anh chị cuối cùng cũng tìm được tình yêu viên mãn, cũng có thể là vui cho bản thân trong ấm ngoài êm. Nghĩ thế bèn không nén được ôm hôn Quốc Chẩn một cái, nó ngước mắt lên nhìn tôi, lập tức nhíu mày:
- Rượu là mấy thứ hại thân, uống nhiều không tốt đâu ạ! Xem mẹ đã say rồi kìa!
Tôi cười ha ha với nó, cảm giác bên tai lùng bùng, lớn giọng nói:
- Cái thằng nhóc này, tới cha con còn không ngăn nổi mẹ đâu nhé!
Quốc Chẩn cúi mặt xuống, đôi má phụng phịu căng tròn, làm tôi không kìm được thơm thêm mấy cái.
Lúc này ánh sáng trước mắt tôi bị che phủ bởi một bóng dáng cao lớn, tôi ngẩng đầu lên thì thấy anh Quốc Tảng đã tỉnh táo không ít, quần áo thẳng thớm bước tới ngồi xuống bên cạnh tôi, khoé miệng ẩn ẩn ý cười. Lúc này thằng bé Quốc Chẩn rất lễ phép thưa "bác ba", rồi đứng dậy chạy tới chỗ đám nhóc phía trước tụ họp.
Trần Thì Kiến ngồi bên trái lại giơ lên một chén, tôi cũng sảng khoái nâng chén rượu với anh ta, bỗng nhiên cổ tay bị giữ lại, quay sang thì thấy Quốc Tảng nhìn tôi nhíu mày:
- Em uống nhiều rồi, nên nghỉ ngơi đi thôi!
Tôi lắc đầu, hăng hái bảo:
- Vẫn còn uống được, hôm nay là ngày vui của anh ba, uống nhiều một chút cũng không sao!
- Quan gia mà biết được lại trách phạt anh dung túng em đấy! – Quốc Tảng cười khổ.
Trần Thì Kiến ở bên cạnh lại ló đầu sang cười hì hì:
- Quan gia ấy à, chưa chắc đến đây được đâu, công việc trong triều nhắm chừng phải ba tháng nữa mới ổn thoả. Em Tĩnh cứ việc vui chơi thoải mái, mai này trở về Phượng thành rồi có mấy khi được tụ họp thế này nữa đâu.
Tôi nghe Trần Thì Kiến nói cũng có lý, anh chị em trong nhà lập gia đình rồi thì ai cũng có cuộc sống riêng, chẳng mấy khi mà gặp gỡ nhau được. Huống hồ đất phong của các anh tôi còn ở những nơi xa xôi, còn tôi thì lại trói chân trong cung cấm. Nghĩ thế rồi tự mình phạt một ly, hương rượu hoà quyện với hương hoa đào thoang thoảng thơm trong khoang miệng. Cổ nhân nói không sai, chỉ khi trong người có tí men rượu mới biết trong lòng mình nhớ ai.
Rượu quá ba tuần, ăn đủ năm vị, nhưng có vẻ quan khách vẫn chưa muốn dừng. Tôi nhìn sắc trời tối mịt, nhắm chừng đã đến giữa khuya, nhưng tiếng đàn hát vẫn còn réo rắt, lại quét mắt qua hướng đám nhóc ban nãy thì thấy trống trơn, bèn gọi Thuỵ Hương đỡ dậy, chuếnh choáng định rời đi.
Trước khi đi vẫn không quên chúc anh hai và anh ba trăm năm hoà hợp, anh Quốc Uất liền cao hứng bảo:
- Ngày mai anh sẽ đợi bao lì xì của em.
Tôi nghe thế thì bật cười:
- Còn chưa nghe được đạo lý em út phải tặng tiền mừng cưới cho các anh đâu đấy! Các anh lấy được vợ đẹp, đáng ra còn phải lì xì tiền mừng lại cho em!
- Ấy ấy, lấy bối phận là phu nhân thì em cũng phải hào phóng với bọn anh một chút phải không?
Thấy Quốc Uất vẫn đùa dai, anh Quốc Hiện liền cau mày nói:
- Thôi được rồi, đứng còn không vững nữa, mau trở về nghỉ ngơi đi!
Lúc này tôi mới coi như thoát nạn, vội nắm lấy Thuỵ Hương từ giã cuộc vui trở về, bây giờ trước mắt tôi không những có một mà tới ba Thuỵ Hương, mới chịu thừa nhận là mình đã say thật.
Ngủ một giấc tới gần sáng, bên ngoài bỗng nổi gió rồi rả rích mưa, giống như đem lại sức sống cho vạn vật sau mùa đông cằn cỗi. Mưa rơi trên mái hiên nghe lộp bộp tí tách, không khí lành lạnh thanh thanh, rồi như có cơn gió thốc vào cửa, tôi theo thói quen kéo chăn trùm kín người Quốc Chẩn cho khỏi lạnh, lại kề mặt mình áp vào gò má mềm mại của nó. Một loạt động tác làm hết sức thuần thục, sau đấy lại kê cao gối ngủ ngon.
Đột nhiên "kẽo kẹt" một tiếng, cánh cửa mở ra rồi lại khép vào, tôi nhướng đôi mắt nhập nhèm lên nhìn, chỉ thấy trong căn phòng mờ mờ thấp thoáng bóng một người đàn ông mặc áo dài màu trắng, trong lòng bỗng chốc căng thẳng, cái này cũng là quá kinh dị rồi.
Dụi mắt nhìn kỹ, hoá ra chẳng ai khác chính là Trần Khâm, tôi lại dụi mắt lần nữa, không khỏi suy nghĩ rằng mình vẫn còn hơi men trong người nên nhìn gà hoá cuốc.
Cái bóng cởi áo ngoài rồi bước đến nằm xuống bên cạnh tôi, thấy tôi đã tỉnh liền cất giọng phàn nàn:
- Mùi rượu nồng quá, chẳng biết tiết chế chi cả!
À thế này thì đích xác là Trần Khâm rồi, chỉ có anh ta mới hay cằn nhằn tôi như thế. Tôi quay sang thấy mái tóc của anh ta vẫn còn ươn ướt, có lẽ là không tránh khỏi bị ướt mưa. Trong lòng bỗng nhiên có dòng suối ấm áp chảy qua.
Tôi lại giả chết, liều mình nhắm nghiền mắt, anh ta cũng không lật tẩy tôi, từ phía sau vòng tay ôm lấy hai mẹ con tôi, giống như cũng mệt mỏi lắm. Vòng tay rộng lớn ấy, như muốn bao bọc cả cuộc đời tôi.
Lúc trời tạnh mưa thì cũng vừa sáng hẳn, tôi lại ghé mắt vào phòng chị Anh Nguyên, thấy chị ta sáng nay đã thay một bộ đồ cưới đỏ rực, tóc búi phượng kế, mặt mày cũng đặc biệt trang điểm kỹ càng. Trông chị ta lộng lẫy như đoá hoa sen vừa mới nở, lại mang khí chất thanh tao, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tôi nhìn chị ta một hồi, liền đánh giá:
- Đúng là người đẹp nhờ lụa!
Chị Anh Nguyên sắc mặt thay đổi, nhưng thoắt cái lại tươi cười, tôi biết hôm nay chị ta không thể để mặt mày mình méo mó, hôm nay chị ta là một nàng dâu đoan trang. Tôi còn định chòng ghẹo chị Anh Nguyên thêm vài câu, nhưng nhìn chị ta trợn mắt bặm môi nhìn mình, đột nhiên cảm thấy áp lực, bèn cười hì hì lấy lòng.
Chị An Hoa thì xinh đẹp khỏi phải nói rồi, từ trước đến nay chưa có lúc nào mà chị ấy không đẹp, cho dù là lúc ủ dột mày chau, vẫn đẹp như một đoá hoa lê dưới mưa, mang một nỗi u buồn man mác. Lại thêm bản tính hiền lành chung thủy, thì nói ra anh Quốc Tảng vẫn còn có lời.
Đêm qua mưa thưa gió dữ, thấy Trần Khâm và Quốc Chẩn vẫn còn ngủ say, tôi bèn để yên không gọi. Nhưng vừa từ phòng của chị Anh Nguyên bước ra đã thấy cha con anh ta ngồi chễm chệ ở gian trước thưởng trà, cùng với cha tôi và Trần Nhật Duật phải nói là vô cùng hòa hợp, thằng nhóc Thuyên nhìn thấy tôi lại còn giơ tay vẫy vẫy.
Tôi có chút ngại ngùng, thấy Trần Khâm đã quay sang nhìn mình, nét cười vẫn còn vương trên gương mặt. Tôi bèn gọi hai đứa nhỏ quay lại, sai Thụy Hương đưa bọn chúng đi ăn sáng, lại an bày những món nhẹ mang lên. Dù sao vẫn còn một ngày dài phải tiếp khách đón dâu, cũng nên ăn chút gì lót bụng trước.
Thông thường cưới xin trước tiên hai bên phải xem ngày sinh tháng đẻ, lại cùng nhau chọn ngày rước dâu, chọn ngày xong lại còn phải xem giờ, đúng giờ đúng giấc lạy tổ tiên mới được xem là thành lễ. Bởi thế nên cho dù xêm xêm nhau, nhưng chị Anh Nguyên phải rước dâu vào giờ khác, chị An Hoa lại được rước vào giờ khác nữa.
Đang nghĩ ngợi thì phía bên ngoài nghe tiếng kèn trống dập dìu, bọn người hầu trong phủ chạy vội ra xem thì thấy quả nhiên là nhà họ Phạm đã rình rang ngựa xe đưa lễ tới. Phạm Ngũ Lão dáng dấp oai phong đĩnh đạc, cao lớn hiên ngang, đặc biệt một bộ đồ cưới màu đỏ sẫm khiến anh ta càng thêm đẹp đẽ. Phạm Ngũ Lão gia thế đơn bạc, quê nhà chỉ có anh ta và mẹ già sống nương tựa lẫn nhau. Sau đó nhờ mấy trận đánh giặc vẻ vang mà làm tới chức Hạ phẩm phụng ngự, nay phải mỗi ngày kề cận vua nên Phạm Ngũ Lão chuyển hẳn lên kinh thành, đón mẹ già theo phụng dưỡng, coi như cũng đạt tới thành tựu của đời người. Một người tài năng và đức độ như anh ta, ắt hẳn là còn tiến xa hơn được nữa.
Phạm Ngũ Lão nghe đâu là cháu tám đời của một vị trung tướng tên là Phạm Hạp thời nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn mười hai sứ quân thời ba trăm năm trước. Thời đó Phạm Hạp còn có danh xưng là một trong Giao châu thất hùng, nay đến thời Phạm Ngũ Lão, âu cũng là từ dòng dõi lương tướng sinh ra được một người hiền.
Bình thường trong nhà Phạm Ngũ Lão chỉ có hai mẹ con, hôm nay đón dâu đặc biệt mời tới mấy vị chú bác trong họ làm chủ hôn bên đằng trai, rước dâu về Phù Ủng ra mắt tổ tiên, sau đấy ba ngày lại mặt rồi cũng trở lại kinh thành. Trong lòng tôi cũng có chỗ mừng, chị Anh Nguyên về kinh thì tôi và chị cũng được gần nhau hơn một chút.
Hôm nay nhà tôi có cô con gái đi lấy chồng, của hồi môn năm rương, một rương vàng bạc, hai rương vải vóc tơ lụa, hai rương còn lại là mấy vật dụng trang sức linh tinh, kèm đất đai được phân chia rành mạch rõ ràng. Chị Anh Nguyên gả đi trong vẻ vang, vừa là bởi chị là đứa con gái cuối cùng trong nhà, lại vừa nhờ mặt mũi của Phạm Ngũ Lão – chàng rể quý được cha tôi hết mực tin yêu. Anh ta tuy là người ngoại tộc nhưng lại được lấy con gái họ Trần, mặt mũi cũng được xem là lớn lắm. Tôi đứng khoanh tay nhìn bọn họ làm lễ, bèn đẩy vai anh Quốc Hiện, cười mỉa:
- Thế nên trong phủ hiện tại chỉ còn mỗi anh tư là vẫn lông bông đơn thân lẻ bóng.
Anh ta liếc xéo tôi một cái, không thèm đáp lời. Lại nghe thằng nhóc Thuyên trêu:
- Không khéo lại còn sau hơn cả con!
Tôi nhìn bộ dạng lúc nào cũng khó ở của anh ta, nghĩ bụng không chừng như vậy thật.
Lại nhìn chị Anh Nguyên tươi cười gả đi, nhớ tới dạo đó mình vào cung cũng không được tính là vui vẻ, trong lòng đầy nỗi muộn phiền, còn có chút không cam tâm tình nguyện. Nay thấy chị Anh Nguyên cười tươi như đóa hoa đào hé nở bừng bừng sức sống, trong lòng bất giác thay chị cản thấy vui mừng.
Mẹ tôi tựa vào chị Trinh khóc rưng rức, thấy chị dâu cũng lấy khăn tay lau nước mắt sụt sùi, thầm nghĩ dù chị Anh Nguyên chỉ là con gái nuôi của cha mẹ, nhưng khoảng thời gian chị Anh Nguyên sống ở vương phủ còn nhiều hơn cả tôi nữa, thế nên việc cả nhà tôi lưu luyến chị thì cũng là việc dễ dàng hiểu được.
Cha tôi chỉ cười gật đầu căn dặn Phạm Ngũ Lão mấy câu, rồi để hai người họ đi cho kịp giờ lành. Lúc chị Anh Nguyên cùng Phạm Ngũ Lão quỳ xuống bái lạy, Trần Khâm bỗng nắm lấy tay tôi thỏ thẻ:
- Hình như ta cũng chưa từng cùng em bái lạy như thế!
Tôi quắc mắc nhìn anh ta, được rồi, cha mẹ tôi không có phước phận được anh bái lạy có được không?
Tiễn chị Anh Nguyên theo chồng xong là đến giờ rước chị An Hoa vào cửa, Trần Khâm lại thì thầm bên tai tôi:
- Cuối cùng em cũng yên lòng!
Tôi lập tức quay sang nhìn anh ta, thấy Trần Khâm vẻ mặt giống như cười nhưng cũng giống như không, mịt mờ khó đoán, lại chẳng biết anh ta nói vậy là có ý gì. Có thể Trần Khâm vẫn còn nhớ trước đây chính mình đoạt tôi khỏi tay Quốc Tảng như thế nào, dù vô hình trung nó đã ngăn cản được một tấn bi kịch xảy ra, nhưng cũng không thể phủ nhận động cơ ngay từ đầu có phần không đúng. Có lẽ vì vậy mà cả tôi, cả Trần Khâm từ sâu trong nội tâm đều cảm thấy có lỗi với người anh trai này. Hiện tại thấy anh cuối cùng cũng được hạnh phúc, trong lòng bỗng chốc nhẹ nhõm như từ trên ngực dỡ xuống một tảng đá to, lại nói:
- Dù sao anh ấy đến bây giờ mới cho bản thân cơ hội, một phần cũng do em.
Trần Khâm âm thầm xiết lấy eo tôi, muốn truyền cho tôi sự an ủi. Tôi gật đầu nhìn anh, trong giờ phút này những quá khứ ngày xưa cũng đã trôi vào quên lãng từ lâu lắm, chỉ có hiện tại là thay lá đơm hoa.
Sang ngày hôm sau thì anh Quốc Uất cũng rước được cô dâu về, tôi cứ tưởng với cái tính cách cà lơ phất phơ của anh ta thì sang bên đằng gái ít nhiều sẽ bị làm khó làm dễ. Nhưng theo như lời kể của anh Quốc Nghiễn, người trực tiếp đi theo đoàn rước dâu cho hay, thì Quốc Uất lại khá được lòng người của phủ Chiêu Minh vương. Vậy mới nói con người ta khi yêu thì khó khăn cách mấy cũng đều muốn vượt qua cho bằng được, yêu ai thì yêu cả đường đi.
Anh Quốc Uất vừa sang thì mấy ông anh vợ liền tay bắt mặt mừng, ba cô chị em vợ cũng hết sức tự nhiên cười nói vui vẻ, đích thị là chàng rể quý của bên thông gia. Tôi lại nghĩ tới chị Thuỵ Hữu dù sao cũng là cô con gái được bên thông gia thương yêu nhất, lại bất hạnh gặp phải chuyện đau lòng kia, anh Quốc Uất lại không màng tất cả đưa chị ta ra khỏi bóng ma tâm lý, lại cưng chiều hết mực, thì ắt hẳn bên kia phải nhìn anh ta với một ánh mắt khác rồi. Không thể không nói tới anh tôi mấy năm qua cũng lăn lộn chiến trường khiến tính tình trầm ổn hơn hẳn.
Chị Thuỵ Hữu gả qua nhà tôi, nghe đâu mẹ của chị ta là Phụng Dương công chúa khóc nức nở từ lúc anh tôi mới dẫn theo đoàn rước dâu tới trước cửa, khóc tới khi chị Thuỵ Hữu đã đi xa ngoái lại bà ấy vẫn còn trông theo. Tôi thở dài một tiếng, mấy ai hiểu được tấm lòng cha mẹ, cho dù bà ấy đứng trước gian khổ mạnh mẽ cỡ nào thì trước con trẻ vẫn là một người mẹ hiền từ mà thôi.
Vua quan từ sau khi đánh đuổi xong bọn Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, suốt nửa năm nay dốc lòng khôi phục lại giang sơn xã tắc, bận tối mắt tối mũi chẳng có ai là có tâm trạng nghỉ ngơi. Đến nay nhân dịp phủ đệ Vạn Kiếp có việc mừng, bèn nô nức kéo nhau đến từ mấy ngày hôm trước, tới nay đã tàn tiệc cũng chẳng ai thật sự muốn về, cứ người nạnh ta ta nạnh người lôi lôi kéo kéo nằm lì chẳng chịu đi. Chơi từ khi vương phủ còn chưa kịp giăng đèn kết hoa tới lúc cô dâu trở về lại mặt cũng còn hơn một nửa khách từ kinh thành vẫn còn lưu lại.
Tôi ngày ngày ra ra vào vào, nhìn thấy cảnh bọn họ vui vẻ chè chén vẫn là cảm thấy nhót hết ruột gan, lại nhìn tới vị quan gia không có tiền đồ thì thở dài trừng mắt với Trần Thì Kiến, chẳng biết là ai đã nói vị đại phật này bận phải ba tháng nữa mới được rảnh tay, còn người đàn ông vận viên lĩnh màu ánh trăng, thắt đai lưng màu hổ phách cùng với cha tôi và Trần Nhật Duật ngày ngày nhàn nhã thưởng trà, chơi cờ vây kia là ai thì tôi không biết.
Trần Thì Kiến nhìn tôi, gãi đầu cười trừ. Trần Khâm lại bình thản bảo tôi:
- Chịu khổ lâu rồi, để cho bọn họ thoải mái một chút!
Tôi khinh thường trong lòng, cũng không phải là hoàng cung nhà anh, anh không xót nhưng tôi xót. Đừng nói cha tôi làm quan thanh liêm, cho dù là núi vàng núi bạc có khi cũng phải lở.
Tôi mang tâm tình buồn chán ngồi chống cằm ở toà đình giữa hồ sen phía sau vương phủ, xung quanh là mấy người chị ruột, chị nuôi, chị dâu cũ, chị dâu mới đang tâm sự chuyện của mấy cặp vợ chồng mới cưới, rôm rã khiến người ta phải đỏ cả mặt. Đầu óc tôi ong ong hết cả lên, cái gì mà mạnh mẽ cái gì mà dịu dàng gì đó, thật làm một mầm non như tôi không dám nghe. Lại có tiếng chị Anh Nguyên cao giọng nói:
- Ngũ Lão nhà em không phải khen, bữa sáng đầu tiên sau khi về nhà đã xuống bếp nấu bữa ăn sáng cho em và mẹ chồng, làm em ngại đến mức không dám nhúc nhích. Lúc này mẹ chồng mới giải vây, bảo rằng xưa nay đều là anh ấy chăm sóc bà như thế, chẳng việc gì phải ngại.
Xung quanh liền có tiếng trầm trồ, mấy chị của tôi ở đây căn bản đều là gả cho cái đám anh trai quyền quý, không ba vợ bốn nàng hầu thì thôi. Phạm Ngũ Lão chẳng qua là do nhân khẩu đơn giản, cuộc sống trước đây lại không mấy sung túc, nên đương nhiên so ra sẽ tháo vát hơn. Nói một thôi một hồi, hóa ra là đang khoe khoang, tôi khinh thường liếc mắt nhìn chị ta một cái, nói:
- Tốt thôi, người là của chị, chị giữ cho chặt đấy nhé, kẻo lại bị thiên hạ dòm ngó!
Chị Anh Nguyên liền quắc mắt:
- Em Tĩnh, em xấu tính quá đấy!
Tôi hừ một tiếng, lại đột nhiên cảm thấy cuộc tình của chị ta cũng xem như là viên mãn nhất rồi. Sợ là đêm nay các anh tôi phải chịu không ít dằn vặt. Tôi nhìn vẻ mặt chị Thụy Hữu, thấy chị ta có vẻ đăm chiêu, đoán rằng là đang nghĩ cách để quản giáo ông chồng của mình, lại giật mình kinh ngạc nhìn chị Ngọc Châu hình như cũng mang vẻ mặt đó.
Ngược lại chị An Hoa lại chỉ cười cười, nhìn chị Anh Nguyên nhẹ giọng nói:
- Chỉ cần lấy được anh Quốc Tảng thôi là đủ với chị rồi.
- Mấy đôi vợ chồng son này thật khiến người ta ngưỡng mộ. – Chị Trinh cũng tươi cười tham gia.
Tôi bất giác nhìn chị Trinh, trong lòng đột ngột chua xót, từ nhỏ đến lớn chị luôn là người trầm ổn nhất trong số mấy người bọn tôi, buồn vui ít khi lộ ra sắc mặt. Tôi không biết và chị Trinh cũng chưa từng hé môi với tôi tại vì sao chị lại chọn con đường đơn độc như thế, thái độ với Trần Khâm trước giờ cũng là không mặn không nhạt. Thằng nhóc Thuyên sinh ra giống như là để làm tròn trách nhiệm với dòng họ mà thôi. Trần Khâm không nói, nhưng tôi nghĩ nguồn cơn có lẽ anh ta cũng rõ ràng.
Phía xa là đám nhóc đang chơi đá bóng da, thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi vừa chơi vừa luôn miệng nói:
- Cái trò này ngày xưa thầy năm của thần là người chơi hay nhất Phượng thành đấy!
Mạc Đĩnh Chi là lớn tuổi hơn cả trong bọn, nhưng ngặt nỗi xung quanh nó toàn là đám con cháu quý tộc, lại thêm hoàng tử, hoàng tôn, nên xét ra thì bối phận lại ở bậc thấp nhất. Có điều triều ta trước giờ không nề hà mấy việc lễ nghĩa rườm rà như người phương Bắc, thành ra bọn chúng chơi với nhau rất tự nhiên.
Đang lơ đãng nhìn bọn trẻ, bỗng nghe tiếng vó ngựa vang lên xa xa, tôi lập tức chồm người lên nheo mắt nhìn, thì thấy đám đàn ông trong phủ đang ở bãi đất trống phía trước chơi mã cầu, xung quanh là các bô lão quý tộc vây xem. Đám trẻ con nô nức chạy đi xem, chị Anh Nguyên cũng dắt tay tôi nhanh chóng chạy về hướng đó.
Trò chơi mã cầu này thật ra là một môn bóng trên lưng ngựa, mục tiêu là dùng gậy đánh bóng vào vòng tròn của đối phương. Trò này nghe đâu chỉ mới xuất hiện từ thời tiên đế, sau khi đuổi được giặc Nguyên ra khỏi nước ta từ hồi gần ba mươi năm trước, giống như để khẳng định lại trước đây đánh giặc vẻ vang như thế nào. Có điều bộ môn này hiện tại chỉ có công hầu quý tộc mới được quyền chơi.
Ngày xưa lúc tôi còn nhỏ, đã từng nhìn thấy cha cùng với Chiêu Minh vương, Thượng hoàng cùng những vị vương hầu khác từng chơi qua, có điều đã quá lâu rồi nên không còn nhớ rõ là khi nào nữa. Ngày ấy cha tôi và mấy vị vương hầu vẫn còn trẻ trung, phong thái ngời ngời, tôi nép trong lòng mẹ đứng từ xa ngước lên xem, chỉ thấy ai nấy đều cao lớn, bụi đất mù mịt dưới chân ngựa là thứ gì đó khiến tôi ngưỡng mộ vô cùng. Mãi tới hôm nay, thật sự là lần đầu tiên trông thấy lại một cuộc mã cầu sau bao nhiêu năm xa cách.
Chị Anh Nguyên lại càng hưng phấn hơn, chị vừa chạy vừa nói:
- Trời ơi mấy năm rồi các anh của em mới chơi lại môn này, hôm nay mặt trời mọc ở đằng tây!
Nghe giọng điệu có vẻ các anh tôi chơi môn này cũng rất gì và này nọ, tiếc là từ trước tới nay tôi còn chưa có dịp xem, hôm nay trông thấy đúng là một phen mở mang tầm mắt.
Đứng ở gò cao nhìn xuống phía dưới, thấy được cả mặt sân bao phủ bởi màu cỏ xanh, mà bên trên hai đội người ngựa đang quần lấy nhau giẫm đạp lên cỏ, những nơi mặt sân còn ướt nhanh chóng lớp đất bị bới lên trên. Xung quanh quang cảnh thoáng đãng thanh thanh, gió mát thổi rì rào qua đám cỏ xanh rì vừa mọc lên sau mấy đám mưa xuân, mà phía dưới kia trận đấu cũng dần dần đi vào những giây phút đầy kịch tính.
Trên cổ mỗi con ngựa có cột một dải băng quấn quanh, phân biệt ra làm hai đội. Mỗi đội gồm có bốn người, có vẻ như Trần Khâm đang dẫn đầu đội màu vàng, cùng với Trần Nhật Duật, anh Quốc Nghiễn cuối cùng miễn cưỡng là Trần Thì Kiến trông có vẻ mất lợi thế kia. Bên đội màu đỏ thì gồm Phạm Ngũ Lão cùng với ba người anh còn lại của tôi. Tôi phấn khởi nhìn chị Anh Nguyên, nhanh chóng nhìn ra những điểm sáng trong đội hình:
- Màu vàng thì có quan gia, chú Chiêu Văn, ngay cả anh cả cũng là những người có thể tin tưởng. Nhưng lại vấp phải hố đen là Trần Thì Kiến. Ngược lại bên phía đội đỏ tuy chỉ có hai người chơi tốt là anh ba và Ngũ Lão, nhưng căn bản là đội hình đồng đều, hai người còn lại vẫn có khả năng tạo ra bứt phá. Ngang tài ngang sức đấy!
Chị Anh Nguyên gật gật, cũng tán đồng với tôi. Lúc này bên dưới anh ba Quốc Tảng đã ghi một điểm mở đầu, quả không hổ danh là người thầy từng dạy cho tôi mấy môn cưỡi ngựa tập võ. Nhìn anh ta phi ngựa mượt mà như bay, ánh mắt chăm chú vào quả bóng toát ra sức hút ghê người, thật khiến toàn bộ quần chúng xung quanh mãn nhãn.
Thoắt cái mấy vị nữ quyến ban nãy cũng đuổi theo chúng tôi đến xem, đều tập trung đứng trên gò, chị Anh Nguyên và Thuỵ Hữu còn hò hét với mấy thành viên đang tham gia thi đấu bên dưới, đám đàn ông đó cũng chẳng biết xấu hổ, có người còn huýt sáo với đám con gái bọn tôi. Tôi dỡ trán, cũng thật sự là khoa trương quá đi.
Chơi một hồi quả nhiên những người mà tôi đánh giá cao ban nãy đều đã ghi điểm, thế cục trước mắt tạm thời nghiêng về đội màu vàng, tôi nhìn chị Anh Nguyên đứng nhấp nhổm bên cạnh, cảm thấy dù sao cũng chỉ là trò chơi, thế mà chị ta lại có vẻ căng thẳng vô cùng. Không phụ lòng chị Anh Nguyên lo lắng, quả nhiên anh tư Quốc Hiện mất đà một cái, cả người cả ngựa ngã sóng soài, vừa đúng lúc cha tôi gõ một dùi hết hiệp một, bọn tôi liền trong chớp mắt lao xuống. Cũng may chỉ bị trầy tay và đau chân nhẹ, nhưng có vẻ như hai đội lúc này đã rơi vào trạng thái không cân bằng. Trần Thì Kiến bỗng lên tiếng:
- Hay là thay người đi, tôi cũng mệt lắm rồi!
Trông bộ dạng anh ta đúng là không có tiền đồ. Bọn tôi anh nhìn tôi tôi nhìn anh, cũng không biết thay kiểu gì cho phải. Trong đầu tôi nảy ra một ý, bèn nói:
- Vậy mỗi đội hai nam hai nữ là công bằng!
Vừa vặn hợp ý với phần đông người có mặt ở đây, thế nên mấy người bọn tôi nhanh chóng đã cử ra được một đội hình mới. Đội vàng thay thế bằng tôi và Trần Khâm một cánh, bên kia là Trần Nhật Duật cùng với chị Ngọc Châu, còn chị Anh Nguyên và Phạm Ngũ Lão kết hợp với chị Thuỵ Hữu và anh ba Quốc Uất là vào đội đỏ. Và dù đang là tháng Giêng nhưng cái nóng ở mặt sân làm cho máu huyết của tôi cũng sục sôi.
Bên ngoài cổ vũ reo hò còn lớn hơn khi nãy, mấy người bọn tôi leo lên ngựa, gậy cầm chắc trong tay sẵn sàng bước vào cuộc chiến. Tuy không phải là cuộc chiến sống còn phải nhất định giành thắng lợi như trận chiến năm trước, nhưng cái nghiêm túc của một trận đấu trước mặt bao nhiêu người thật làm tôi không thể lơ là.
Đang sửa lại dây cương ngựa, chị Anh Nguyên phía bên kia bỗng hét lên:
- Em Tĩnh, mau chịu thua đi!
- Còn chưa biết mèo nào cắn mỉu nào! – Tôi hét lên đáp trả.
Trần Khâm phì cười dong ngựa bên cạnh tôi nhẹ giọng nói:
- Lát nữa không cần phải cố quá, cứ tin tưởng vào ta là được.
Ái chà, câu này Trần Khâm nói ra đúng là có chút tự mãn đó nha.
Tôi kéo kéo dây cương hai ba lần, thấy hết thảy mọi thứ đều đã ổn thoả thì nhoài người lên ngựa, lại dong ngựa đến trước mặt Trần Khâm, híp mắt cười đáp:
- Quan gia đừng vội coi thường người khác, lát nữa ai ghi điểm vẫn còn chưa biết đâu!
Trần Nhật Duật vẫn im lặng nãy giờ bỗng chen vào một câu:
- Cũng đừng ngăn cản ta ghi điểm là được!
Nghe Trần Nhật Duật nói thế, có vẻ cuộc chiến này sẽ thú vị lắm đây.
Rốt cuộc cha tôi cũng ra hiệu lệnh bắt đầu cuộc chơi, cùng với tiếng hò hét của thằng nhóc Thuyên và Trần Thì Kiến, chúng tôi nhanh chóng tập trung cao độ, ai nấy đều hưng trí bừng bừng. Quả bóng lúc này như có mắt, lúc thì ở dưới gậy của tôi, lúc lại chạy tới gậy của chị Anh Nguyên, lúc thì nằm trên gậy của anh Quốc Uất, cuối cùng chị Ngọc Châu lại là người bắt được bóng, chuẩn xác đánh thẳng vào vòng tròn của đối phương.
Tiếng chiêng vang lên một cái, Trần Nhật Duật liền lên tiếng đánh giá:
- Học chẳng hay, thi may thì đỗ!
Chị Ngọc Châu trừng mắt nhìn anh ta, không thèm trả lời, lại quay mặt mải miết thúc ngựa đuổi theo trái bóng. Tôi nhìn ánh mắt Trần Nhật Duật dõi theo chị Ngọc Châu, để lại cho anh ta sáu chữ "nghĩ một đằng, nói một nẻo" rồi cũng nhanh chóng đuổi theo. Có vẻ anh ta vẫn còn suy nghĩ lung lắm, bởi tôi nghe từ đằng sau tiếng Trần Khâm lớn giọng nhắc anh ta tập trung. Trần Nhật Duật lúc này mới bừng tỉnh, giật mình nhìn lại thì vòng tròn đã bị Phạm Ngũ Lão đánh vào một quả rồi.
Chị Anh Nguyên ở bên kia liên tục cười ha ha đắc chí. Trần Nhật Duật nhếch môi, cười nói:
- Chỉ là nháp thôi!
Nói xong anh ta liền thúc ngựa chạy nhanh như bay, từng động tác nhanh nhẹn và đẹp đẽ tới mức khiến tôi ngây người, kể cả Phạm Ngũ Lão và anh Quốc Uất cùng nhau áp sát cũng không thể kìm hãm anh ta được. Lúc này quả bóng bỗng nhiên từ chỗ Trần Nhật Duật thoắt cái bay đến trước mặt tôi, gần như ngay tức khắc tôi liền vung gậy đánh chuẩn một phát vào vòng tròn của đối thủ.
Tôi gào thét trong lòng, Chiêu Văn vương, anh đúng là có bản lĩnh.
Danh Sách Chương: