Năm tôi lên ba tuổi, tôi rất mê súng. Cái này cũng không ngạc nhiên gì, là thằng con trai đứa nào chả thích súng, bản tính này do trời quyết định. Nhưng vào một ngày nào đó, tôi bắt đầu lăn lộn dưới sàn nhà đòi mua khẩu súng mới, mặc cho mẹ tôi mắng mỏ nhất quyết không cho. Dù có cưỡng chế hay đe dọa cũng đều thất bại, bà nói: “Người tốt chỉ có một khẩu súng, người xấu mới có nhiều súng. Hạo Nhiên, trong nhà con đã có một khẩu súng lục rồi, mua thêm nữa sẽ trở thành người xấu đó”.
Tôi nhớ đến có lần xem TV, cũng đúng như mẹ nói vậy, nhưng khát vọng muốn có súng đã vượt qua phẩm chất yêu cầu của chính mình, cho nên tôi trả lời, “Con muốn làm người xấu”.
Cuối cùng tôi cũng có được khẩu súng mới, mà cuộc đời tôi cũng đặt phương hướng quyết định từ đó – tôi muốn làm người xấu.
Không cần hoài nghi hoặc là thấy mình may mắn, cái người lớn cho rằng không cần quan tâm mà đánh giá thấp quyết tâm của đứa trẻ ba tuổi đã khiến mẹ tôi đã lơ đễnh với câu nói sớm gieo vào đầu tôi, vì thế đó là sai lầm lớn, là thời cơ tốt nhất để tôi xoay chuyển phương hướng cuộc đời.
Từ đó về sau, mỗi lần xem TV tôi đều đặc biệt chú ý so sánh sự khác biệt giữa người tốt và kẻ xấu, càng xem càng kiên định quyết tâm tôi muốn làm người xấu. Cứ nhìn người xấu trên tivi kia kìa, ăn uống thoải mái, tâm tư thoải mái tùy tiện ham muốn mọi nơi. Trái lại người tốt thì bị người xấu bắt nạt, hãm hại đến chết đi sống lại, nếm hết mùi đau khổ.
Tôi muốn làm người xấu! Từ ba tuổi trở lên, tôi đã cố gắng hướng đến mục tiêu này, quán triệt chấp hành đủ loại thủ đoạn của người xấu. Tôi cướp lấy que kẹo của em gái hàng xóm, tôi thống trị trường mẫu giáo không cho bạn học chơi đồ chơi, tôi bắn súng cao su vào cửa kính nhà người ta, tôi gắn pháo vào đuôi con mèo….
Mỗi ngày đều có khiếu nại của mọi người xếp hàng đến nhà tôi. Ba mẹ tôi đã lập thành thói quen một là làm động tác khom người xin lỗi, hai là tặng quà lần lượt, ba là nói, “Thật xin lỗi, không biết cách dạy con”.
Nhưng bọn họ không có cách nào bắt tôi, giống như viên ngọc bội gia truyền quý giá được tổ tiên bao bọc cẩn thận, bà nội tôi cũng coi như thế. Nhà của tôi từ năm đời nay đều đơn truyền chỉ có tôi là con một, bà không thương tôi thì thương ai? Hơn nữa mẹ tôi còn hay bị sẩy thai, trước tôi có hai cái thai cũng không giữ được. Đứa đầu tiên nghe nói bởi vì những lúc cởi áo, tay toàn hướng lên trên, đứa nhỏ không giữ được ; thêm một bài học về đứa thứ hai, mẹ tôi sống cũng không phạm cái gì, duy chỉ có một lần sau khi ăn xong đã ném cái hột mận xa hơn một mét vào thùng rác nhà hàng xóm, kết quả ngã rầm một phát, thế là anh trai và chị gái tôi đều ra đi. Đến lúc mang thai tôi, mẹ tôi ngoài việc động miệng, thì cái gì cũng không dám động. Bà nằm trên giường bảy tháng, mọi việc từ ăn uống đều giải quyết hết trên giường, như thế mới bảo vệ được dòng máu nhà họ Lý.
Gian khổ như thế mới có tôi, là con một trong nhà nên được mọi người rất mực cưng chiều. Bà nội coi tôi còn quan trọng hơn so với trái tim bà, mọi chuyện xấu tôi làm đều có thể tìm ra được ưu điểm. Tôi nói thô tục thì bà cho là lượng từ ngữ phong phú ; tôi đánh vỡ đầu người ta thì bà cho là có sức khỏe… Mẹ tôi mặc dù không cưng chiều mù quáng như bà nội, nhưng khi tôi làm chuyện xấu cũng chỉ mắng tôi vài câu, nhưng mắng thì mắng thôi, cho đến bây giờ bà không đánh tôi cái nào, ở trước mặt bà tôi luôn làm vẻ ngoan ngoãn nghe lời.
Cái duy nhất tôi không thích là ba tôi, ông ấy luôn làm vẻ mặt người cha nghiêm khắc mà kêu la tôi. Nói thật tôi có chút sợ ông, nhưng cũng may ông ấy là một người con hiếu thảo, vài lần ông ấy giơ gậy lên, tôi chạy ngay sau chỗ bà nội và mẹ tôi trốn, hai người nói thêm câu, “Muốn đánh nó thì đáng tôi trước đi”. Vì vậy nhát gậy ấy mới không đập lên người tôi. Ba tôi đã từng lấy đạo lý của bậc hiền thê ra để giảng giải cho bà và mẹ tôi, kết quả bà nội tôi căn bản không thông, mẹ tôi biết sai không sửa, ông vài lần thất bại cũng bất đắc dĩ buông tha việc giáo dục bằng đả cẩu bổng pháp đối với tôi, tập trung để giải quyết hậu quả thiên tai của tôi.
Ỷ có mẹ và bà nội làm chỗ dựa, hơn nữa được di truyền vóc cơ thể cường tráng từ ba tôi, tôi không hề nghi ngờ lúc trưởng thành nhất định là một tiểu bá vương.
Nhà của tôi ở nơi gọi chung là phố Bàn cờ, bởi vì có rất nhiều ngõ nhỏ rẽ khắp nơi, giống như hình dáng bàn cờ. Mỗi ngày tôi ở phố bàn cờ nam chinh bắc chiến làm chuyện xấu, biến khu bàn cờ kia thành chướng khí mù mịt. Có một lão già ở khu Đũng Quần đã nói tôi là minh chứng hùng hồn cho “Nhân chi sơ tính bản ác”. Hàng xóm láng giềng đặt một biệt danh rất vẻ vang cho tôi là “Quỷ Kiến Sầu” [1], bọn họ đều nói sau này nhất định tôi sẽ trở thành kẻ xấu xa, tôi cũng quang vinh cho là vậy.
Phố bàn cờ có bao nhiêu trẻ con cơ bản đề bị tôi bắt nạt, chỉ trừ có cô bé nhà họ Trần ở khu Đèn Lồng.
Trần gia là đối tượng dân tình trong phố Bàn cờ hay dị nghị, nữ chủ nhân của nhà đó là người cực kỳ không biết phân rõ phải trái trắng đen, mọi người đều rất ghét bà ta, so với tôi còn ghét hơn. Nghe nói người đàn bà kia còn không bằng gà đẻ trứng, tôi cũng không hiểu phép so sánh này, chỉ nghĩ người đàn bà kia là biến thân từ gà yêu tinh, bởi vậy khu Đèn Lồng thường may mắn thoát khỏi việc quấy nhiễu của tôi nhiều năm nay. Đương nhiên tôi hiểu rõ hàm nghĩa kia, khu đèn lồng vẫn bị nhét vào phạm vi thế lực của tôi. Nhưng điều tôi muốn nói bây giờ, chúng ta trở lại chuyện chính đã.
Nói con gà kia nhiều năm không đẻ trứng, đột nhiên lại nhặt được trứng, chính là cô bé đó. Bắt đầu thật may mắn, ai biết được hai năm sau, con gà bỗng nhiên đẻ trứng, còn sinh trứng trai, cái quả trứng bé nhỏ kia nhặt được trở thành dư thừa. Từ nay về sau cay đắng chịu “Em trai ăn mỳ chị húp nước”.
Khu Đèn lồng tôi đi ngang qua 10 lần, thì ít nhất có 9 lần người đàn bà kia đánh chửi cô bé đó. Ngay cả khi cô ấy đến trường, hay ở ngã tư đường phố vẫn chịu phương pháp giáo dục điên rồ của bà mẹ. Cũng từng có một người hàng xóm trông thấy khuyên người kia không nên hà khắc như vậy, nhưng người đàn bà kia chống hông, nói, “Bà có trái tim thiện lương thì đem con bé ngu ngốc này về mà nuôi đi!”.
Không có người nào muốn nhận gánh nặng này, cũng chỉ có rầm rì bàn tán sau lưng.
Người đàn bà kia gọi cô bé ấy là “con ngốc”, mọi người cũng hoài nghi việc cô bé bị ngược đãi đến choáng váng. Trước kia bị đánh còn biết khóc lóc, sau đó đến tiếng cũng không cất lên, đi lại đều sợ hãi rụt rè dựa sát vào tường, ai đến gần cũng đều khiến cô bé sợ hãi. Lại còn mặc miếng giẻ rách, đầu tóc rối bù, chẳng ai nhìn ra cô bé trông như thế nào. Toàn bộ làm cho người ta có cảm giác chỉ như sương khói mờ ảo, gió to thổi một phát là tan biến.
Tôi và cô bé ấy so sánh như sư tử và châu chấu, lực lượng chênh nhau quá lớn, nên tôi cũng không thèm bắt nạt cô bé. Hơn nữa bà nội tôi còn cố ý dặn tôi, “Cô bé nhà họ Trần kia đã đủ đáng thương rồi, con đừng chọc cô bé nữa”.
Mẹ tôi cũng nói cô bé rất đáng thương, nói cô bé ở nhà ăn không đủ no mặc không đủ ấm. Người khác tốt bụng đưa quần áo cũ hay cái gì đó cho cô bé, sẽ bị người đàn bà chanh chua kia chửi rủa, theo thời gian trôi qua cũng chẳng ai dám giúp cô bé.
Cô gái đó và tôi không quan hệ gì, nhưng khi tôi vừa 12 tuổi, bản tính trời cho của giống đực tranh cường háo thắng bắt đầu thức tỉnh, cho dù là làm người xấu, cũng luôn hy vọng mình có thể tệ nhất, cho nên đối với người đàn bà kia thực sự làm cho tôi cảm thấy cực kì khó chịu. Cái khiến tôi bốc hỏa nhất là, bà ta còn sinh hạ một tên con trai tà ác Trần Vĩnh Khang. Trần Vĩnh Khang nhỏ hơn tôi ba tuổi, hắn được vinh dự có mặt trong danh sách xếp hạng những kẻ đáng ghét của tôi. Theo như nhân sĩ giang hồ cùng nhau phân tích thời kì lịch sử của tôi và Trần Vĩnh Khang đều cho rằng: Tôi có bản tính xấu xa được hình thành, còn Trần Vĩnh Khang có bản tính xấu xa do trời sinh. Tốc độ Trần Vĩnh Khang trở nên xấu xa nhanh hơn tôi, tiến bộ của hắn cũng xuất xắc hơn tôi. Chỉ cần một ít thời gian không dài, hắn đã đuổi kịp tôi trên tất cả địa bàn khu, và tất nhiên vượt qua tôi là kết quả không tránh khỏi.
Chuyện này sao có thể? Bản tính xấu xa như mẹ nó tôi cũng biết, dù sao bà ta đã tu luyện hơn ba mươi năm so với tôi, khi tôi bắt đầu học cái xấu thì bà ta đã muốn thành đại ma vương. Tên nhóc con này nhỏ hơn tôi ba tuổi mà đã sánh bằng tôi, tôi cũng không muốn sau này đi phía sau hắn làm tiểu đệ, tôi nhất định phải đem cái xấu xa đó bóp chết trong nôi.
Tôi mang theo thủ hạ bắt đầu dẫn dắt Trần Vĩnh Khang trở về con đường chính diện, sử dụng thủ đoạn lấy độc trị độc. Hắn mà ném nước mũi lên người khác, phân chó sẽ bay lên người hắn ; hắn tốc váy con gái, hắn sẽ bị kéo vào một con hẻm sau đó cởi truồng đi ra ; hắn vứt rác vào sân nhà người khác, cách vài ngày sau toàn bộ rác của phố Bàn cờ đều tập hợp ở cửa nhà hắn … Cứ khi nào hắn làm chuyện xấu thì đều phải gánh chịu sự trừng phạt.
———————————
[1] Quỷ Kiến Sầu : có nghĩa là quỷ thấy còn phải buồn. Trong truyện kiếm hiệp Thư kiếm ân cừu lục của Kim Dung có một nhân vật là Quỷ kiến sầu Thạch Song An. Hắn ta là một nhân vật rất xấu, võ công cao cường, thiết diện vô tư, nên được giao cho làm Hình đường chủ của Hồng Hoa hội . Ai bị tội, đưa vào nhìn thấy mặt của hắn là mất viá rồi. Quỷ còn chán, huống chi người…