Ai muốn được làm si tình lang?
Nơi chiến trường giữa chốn hồng trần,
giữa thiên quân vạn mã ai là người xưng vương?
Hận thiên cổ, nỗi đau luân hồi
khi nhắm mắt, ai mới là kẻ si cuồng?
Thế đạo này thật vô thường
khiến cho người dám yêu một đời phải bi thương.
灯花不堪剪
nguyên tác: Vương Thập Nhất (王十一)
thể loại: cổ trang đam mỹ, Chiến Quốc dã sử, ngược tâmDựng.
Lịch sử cổ đại Trung Hoa mở ra bằng thuở hồng hoang nguyên sơ nhuốm màu thần thoại của Tam Hoàng Ngũ Đế: Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng; Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Khi vua Thuấn qua đời, Hạ Vũ lên ngôi, bắt đầu triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử.
Nhà Hạ cùng với truyền thuyết Hậu Nghệ – Hằng Nga kéo dài 439 năm, đến đời vua Kiệt thì mất vào tay Thương Thang. Nhà Thương tiếp nối cai trị Trung Hoa 644 năm, cho đến lúc vị vua thứ ba mươi Trụ Vương bị hồ ly tinh Đát Kỷ mị hồn, bộ tộc Chu ở sông Vị nổi dậy chống Thương. Vua Trụ chạy lên Lộc Đài tự thiêu, nhà Thương diệt vong, Cơ Phát trưởng tộc Chu lên ngôi gây dựng nhà Chu, triều đại dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Nhà Chu khởi nguồn ở sông Vị phía Tây nền văn minh Thương, vì vậy sử sách gọi giai đoạn này là Tây Chu. Sau khi Chu U Vương bị quân Khuyển Nhung giết chết, mỹ nhân “nghìn vàng đổi một nụ cười” Bao Tự thắt cổ tự vẫn, thái tử Nghi Cữu lên ngôi, dời đô về thành Lạc Dương phía Đông. Từ đây bắt đầu giai đoạn Đông Chu. Đông Chu lại được chia làm hai thời kỳ là Xuân Thu và Chiến Quốc.
Tên gọi Xuân Thu bắt nguồn từ cuốn Kinh Xuân Thu được cho là của Khổng Tử. Ở giai đoạn này, Trung Quốc lấy sự cai trị của nhà Chu làm trung tâm, quần tụ xung quanh là nhóm các tiểu vương quốc còn gọi là các nước chư hầu. Sau khi dời đô về phía Đông, quyền lực của nhà Chu liên tục suy giảm, dần dần không thể khống chế sự nổi loạn của các nước này. Vua nhà Chu bấy giờ chỉ còn cai trị trên danh nghĩa, quyền lực thực sự nằm trong tay các chư hầu hùng mạnh. Các chư hầu đó đánh nhau để giành ngôi bá chủ, thay nhà Chu điều khiển các nước yếu hơn, dù trên danh nghĩa họ vẫn mượn tiếng nhà Chu để áp chế các tiểu quốc yếu. Thời Xuân Thu là một giai đoạn lịch sử nguy hiểm và đầy biến động, biến giới lãnh thổ bị chuyển dịch tới lui, các cuộc xâm lấn thường xuyên xảy ra, các liên minh được lập nên rồi giải tán với sự nhanh chóng đáng kinh ngạc.
Năm chư hầu mạnh nhất thời kỳ này được xưng là Xuân Thu Ngũ Bá, bao gồm Tề Hoàn Công (nước Tề), Tấn Văn Công (nước Tấn), Sở Trang Vương (nước Sở), Tần Mục Công (nước Tần), Tống Tương Công (nước Tống). Sau giai đoạn huy động chiến tranh ở mọi góc độ, Tề, Tần, Tấn và Sở cuối cùng đã đi đến một quyết định liên minh đình chiến, biến Tống và các nước khác trở thành nước vệ tinh.
Tuy nhiên, giai đoạn hoà bình ngắn ngủi này chỉ có tính chất tạm thời, đóng vai trò bước đệm giữa Xuân Thu và một thời kỳ loạn lạc khói lửa bi thương sau này: thời Chiến Quốc.
Tên gọi Chiến Quốc bắt nguồn từ cuốn Chiến Quốc Sách được nhà Hán đời sau biên soạn. Chiến Quốc chính thức bắt đầu khi ba họ lớn nhất ở nước Tấn là Triệu, Ngụy và Hàn phân chia đất nước; triều đình bất lực nhà Chu bắt buộc phải công nhận quyền lực của họ.
Lúc này cục diện Trung Quốc đã có sự biến đổi: rất nhiều nước chư hầu vừa và nhỏ đã bị thôn tính, chỉ còn lại bảy thế lực hùng cứ các phương bấy giờ là: Tề, Tần, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn và Yên, sử gọi là Chiến Quốc Thất Hùng. Trái với thời Xuân Thu, sự tăng cường quyền lực của các nước chư hầu lúc này được đánh dấu bằng việc thay đổi danh hiệu: trước kia các lãnh chúa vẫn xếp mình vào bậc công (公) hay hầu (侯), chư hầu của vua nhà Chu; nhưng trong giai đoạn này họ đã lần lượt tự xưng vương (王), đồng nghĩa với việc ngang hàng thiên tử nhà Chu.
Mộng bá chủ trung nguyên như trăng khuyết lại đầy, triền miên không bao giờ chấm dứt. Loạn thế xuất anh hùng, biết bao học giả, thuyết khách, mưu sĩ, tướng quân đã bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực. Không ít người nhận lấy kết cục bi thảm như Khuất Nguyên trầm mình dưới sông Mịch La, Hàn Phi bị tiểu nhân đầu độc, Tô Tần bị người đâm chết, Vệ Ưởng bị xử phanh thây. Các nước đưa Thế tử của mình sang nước bạn làm con tin chính trị, mười người đi tám chín chẳng trở về. Các công tử con cháu chư hầu vương thi nhau nuôi thực khách trong nhà làm chỗ nhờ cậy và khuếch trương danh tiếng. Thực khách trong nhà các công tử, cũng như các nhà quyền quý khác, có ăn ngon thì đến, không ăn ngon thì đi; hoặc chủ đắc sủng thì tới, chủ thất sủng thì bỏ. Tuy nhiên đám thực khách đó không phải người nào cũng sống ăn bám và bạc bẽo. Sự ngưỡng vọng, trung thành và trả ơn của một vài người trong số họ đã vượt quá cả bốn chữ “kết cỏ ngậm vành”…
Cho đến khi Tần Doanh Chính lần lượt diệt hết sáu nước phía Đông, thống nhất Trung Hoa trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử, thì vẫn là một câu chuyện dài cần phải kể…