Mục lục
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nhưng làm như vậy cũng chỉ có tác dụng chốc lát. Đã ba lần, một đối thủ của tôi hùng hổ chồm lên và bà vợ ông ta vất vả lắm mới làm ông ta bớt nóng, tóm lại chỉ chừng mười phút nữa, là cuộc tranh luận giữa chúng tôi có thể kết thúc bằng đấm đá nhau nếu, bỗng nhiên bỗng nhiên bà C…, bà mệnh phụ già người Anh, tóc bạc trắng, đầy vẻ sang trọng, mặc nhiên đã trở thành người chủ toạ danh dự của bàn chúng tôi mà không phải bầu. Đối với ai, bà cũng tỏ ra nhã nhặn, bà ngồi thẳng trên ghế, nói ít nhưng đã nói thì cực kì thú vị và dễ nghe; chỉ nhìn vẻ ngoài của bà cũng thấy dịu dàng; ở con người quý phái, kín đáo này, toả ra một vẻ điềm đạm, thư thái tuyệt vời. Bà giữ một khoảng cách nhất định đối với tất cả; đối với từng người, bà lại có sự chú ý riêng biệt một cách tế nhị; bà thường hay ngồi ở ngoài vườn với sách vở; đôi lúc bà chơi dương cầm và rất ít khi người ta thấy bà ở giữa một đám đông hay bị cuốn hút vào một cuộc nói chuyện ồn ào. Người ta ít chú ý đến bà nhưng đối với chúng tôi, bà có một uy quyền khác lạ. Bởi vì, khi bà can thiệp lần đầu tiên vào câu chuyện của chúng tôi, tất cả chúng tôi có cái cảm giác nặng nề là đã quá lớn tiếng và không tự kiềm chế được bản thân mình.

Bà C… đã tranh thủ phút tạm ngưng bực tức khi ông người Đức chồm khỏi ghế, bị nhẹ nhàng kéo về chỗ cũ. Bà bất chợt ngước đôi mắt nâu và sáng, do dự nhìn tôi một lát để sau đó tự đặt vấn đề với sự chính xác của một nhà chuyên môn.

- Nếu tôi hiểu đúng ý ông, thì ông nghĩ rằng bà Hăngriet… rằng một người đàn bà, dù không muốn, cũng không có thể bị xô đẩy vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ? Ông nghĩ rằng có những hành động mà một người đàn bà như vậy cho là không thể nào tới với họ một giờ trước đó và bà ta không phải chịu trách nhiệm về hành động ấy.

- Thưa bà tôi đã nghĩ đúng như vậy.

- Vậy thì mọi sự phán xét về đạo đức sẽ hoàn toàn không có giá trị, mọi vi phạm những quy luật về luân lí sẽ được bảo vệ. Nếu ông thật sự chấp nhận, coi án mạng vì tình không phải là tội phạm như người Pháp vẫn nói, thì duy trì toà án để làm gì? Cũng không cần nhiều thiện chí lắm (mà ông thì có quá nhiều thiện chí, bà mỉm cười nói thêm) để tìm thấy trong mỗi vụ trọng tội, một sự đam mê đó, tìm ra một lời biện bạch.

Giọng nói trong trẻo, hơi vui vẻ của những lời nói đã làm tôi thấy ấm lòng lạ thường; tự nhiên bắt chước thái độ khách quan của bà, tôi nửa đùa, nửa nghiêm trả lời:

- Chắc chắn là toà án sẽ nghiêm khắc hơn tôi về những vấn đề này; họ có sứ mệnh phải bảo vệ đến cùng những phong tục và các điều quy ước chung; điều đó buộc họ phải kết án thay vì tha lỗi. Nhưng tôi, một người bình thường, tôi không hiểu tại sao tôi lại phải tự đảm nhận vai trò công tố viên. Tôi muốn làm người chuyên đi bảo vệ hơn. Bản thân tôi, tôi thích hiểu con người hơn xét xử họ.

Bà C… nhìn thẳng vào tôi một lát bằng cặp mắt sáng và nâu, rồi bà ngập ngừng. Tôi sợ bà không hiểu rõ tôi và tôi định nhắc lại bằng tiếng Anh điều tôi đã nói. Nhưng với vẻ nghiêm nghị đặc biệt và như trong một kì sát hạch, bà tiếp tục hỏi:

- Thế ông không thấy rằng, một người đàn bà, bỏ cả chồng con để đi theo một kẻ nào đó, chưa biết có xứng đáng với tình yêu của mình không, là đáng khinh và bỉ ổi ư? Ông có thể tha thứ một hành vi liều lĩnh và nhẹ dạ đến thế của một người đàn bà không còn trẻ nữa, lẽ ra bà ta phải biết học cách tự trọng lấy mình, dù chỉ vì các con?

- Thưa bà, tôi xin nhắc lại - tôi khăng khăng - là tôi từ chối không có một sự phán xét hay lên án ở trường hợp này. Nhưng trước mặt bà, tôi có thể bình thản thừa nhận rằng lúc nãy, tôi có hơi nói quá. Cái bà Hăngriet tội nghiệp kia, chắc chắn không phải là một nữ anh hùng; bà ta không có cả bản chất một con ngưòi phiêu lãng, bà ta còn kém một người đa tình nồng nhiệt. Theo tôi hiểu về bà ấy, bà ta chỉ là một người đàn bà yếu đuối, bình thường, mà tôi có đôi chút kính nể vì bà ta đã can đảm làm theo ý muốn của mình, nhưng tôi còn thương xót bà ta hơn vì ngày mai, nếu không phải là đã xảy ra hôm nay rồi, bà ta sẽ đau khổ một cách sâu sắc. Có thể bà ta đã hành động ngốc nghếch, dù sao bà ấy cũng quá hấp tấp nhưng tư cách của bà không có gì là hèn hạ, thấp kém và trước sau, tôi cũng không cho ai được quyền khinh rẻ người đàn bà đáng thương và đau khổ này.

- Thế ông, ông còn có đủ sự kính nể, lòng tôn trọng đối với bà ấy không? Ông có phân biệt người đàn bà nết na mới hôm trước ông còn gặp, với người hôm qua đã đi theo một gã đàn ông hoàn toàn xa lạ không?

- Thưa không, tôi không có chút phân biệt nào dù là nhỏ nhất.

- Thật vậy sao? (11)

Tự nhiên, bà nói bằng tiếng Anh, cuộc nói chuyện làm bà có vẻ thú vị lạ thường. Sau một giây lát suy nghĩ, cái nhìn trong sáng của bà lại nhằm vào tôi.

- Nếu ngày mai, ông gặp bà Hăngriet ở Nixơ (12) chẳng hạn, khoác tay với chàng trai ấy, ông có chào bà ta không?

- Tất nhiên là có chứ.

- Ông có nói chuyện với bà ấy không?

- Tất nhiên là có!

- Nếu ông… nếu ông có vợ, ông có giới thiệu vợ ông với người đàn bà ấy, như không có gì xảy ra không?

- Tất nhiên là có.

- Ông sẽ làm như vậy thật ư? (13) – Bà lại nói với vẻ ngạc nhiên, hồ nghi và sửng sốt.

- Nhất định tôi sẽ làm như vậy? (14) – Tôi đáp lại bằng tiếng Anh mà không để ý thấy nữa.

Bà C… nín lặng. Bà vẫn chìm lắng trong suy nghĩ và đột nhiên nhìn vào tôi, bà nói, như ngạc nhiên về sự dũng cảm của chính mình:

- Tôi không biết tôi có làm như vậy không? Có lẽ tôi cũng phải làm như vậy. (15)

Và với vẻ tự tin không sao mô tả nổi, mà chỉ người Anh mới biết dùng để chấm dứt cuộc nói chuyện một cách dứt khoát nhưng không đột ngột, thô lỗ, bà đứng dậy, thân mật chìa tay ra cho tôi. Nhờ có bà can thiệp, yên tĩnh đã trở lại, về phần chúng tôi, chúng tôi thầm biết ơn bà, vì dù còn là đối thủ của nhau, chúng tôi vẫn có thể chia tay nhau có lễ độ và không khí căng thẳng nguy hiểm cũng tan dần sau vài lời bông lơn vớ vẩn.

Mặc dù cuộc tranh cãi chấm dứt một cách lịch sự, giữa những địch thủ và tôi vẫn còn một chút lạnh nhạt do chỗ điều qua tiếng lại hằn học và sôi nổi. Cặp vợ chồng người Đức tỏ ra dè dặt, còn ông người Ý, những ngày sau đó, cứ luôn hỏi tôi với vẻ giễu cợt, xem tôi có tin tức gì về “cái bà Hăngriet không?” (16). Dù cho chúng tôi có giữ lễ độ đến chừng nào, đã có sự đổ vỡ không sao cứu vãn nổi trong quan hệ trung thực và thẳng thắn giữa chúng tôi. Vẻ lạnh lùng châm biếm của các đổi thủ cũ của tôi, lại càng nổi bật hơn sự nhã nhặn thật đặc biệt mà bà C… dành cho tôi sau cuộc tranh cãi đó. Bình thường bà ta cực kì dè dặt và ngoài bữa ăn, hầu như không bao giờ bà nói chuyện với những người ngồi cùng bàn, bây giờ, bà nhiều lần tìm cơ hội để trò chuyện với tôi, ở ngoài vườn; có thể nói bà đã tôn tôi lên bằng cách tách riêng tôi ra, bởi vì dáng điệu dè dặt, quý phái của bà làm cho cuộc nói chuyện riêng có tính chất như một đặc ân. Thật ra, tôi phải nói là bà đã tìm đến tôi, bà không bỏ qua cơ hội nào để bắt chuyện với tôi, điều đó rõ ràng đến nỗi, nếu đấy không phải là một bà già tóc bạc trắng, tôi có thể có những ý nghĩ kiêu căng và kì cục. Nhưng mỗi lần nói chuyện như vậy, câu chuyện của chúng tôi, không sao tránh khỏi là trở lại từ đầu, về bà Hăngriet. Bà C… có vẻ ngấm ngầm khoái trá buộc tội người đàn bà đã quên bổn phận của mình, là không đứng đắn, là vô luân. Nhưng đồng thời bà cũng có vẻ vui vì tôi, trước sau như một, vẫn dành cảm tình cho người đàn bà mảnh mai và dịu dàng đó, và không gì có thể làm tôi chối bỏ tình cảm ấy. Bà luôn lái câu chuyện về cái hướng đó. Cuối cùng, tôi không biết nghĩ ra sao về sự cố tình lạ lùng và hơi bệnh hoạn ấy.

Tình hình đó kéo dài độ năm hay sáu ngày, không có một lời nào của bà để lộ lý do cho thấy đề tài câu chuyện ấy quan trọng với bà đến như vậy. Nhưng rồi tôi cũng thấy rõ điều quan trọng đó, trong một cuộc đi dạo, khi tôi vô tình nói với bà rằng thời gian ở lại đây của tôi đã sắp chấm dứt và tôi dự tính sẽ rời khỏi đây vào ngày mốt. Thế là mặt bà, thường vẫn bình thản, bỗng có một vẻ căng thẳng khác lạ, như một bóng mây đi ngang qua cặp mắt nâu của bà:

- Đáng tiếc thật! Tôi còn biết bao nhiêu điều muốn bàn luận với ông, – bà nói.

Từ lúc đó, một vẻ bối rối, một vẻ xao xuyến cho thấy rằng, miệng nói, nhưng bà nghĩ tới một điều gì đã làm bà bận tâm nhiều, làm bà xao lãng trong câu chuyện với tôi. Rồi tình trạng lơ đãng cũng làm bà ngượng ngùng, vì sau một lát đột ngột lặng thinh, bà bất chợt đưa tay cho tôi và nói:

- Tôi thấy tôi không thể trình bày rõ ràng điều tôi định nói với ông. Tôi muốn viết cho ông hơn.

Rồi bà rảo bước nhanh hơn thường lệ, về phía khách sạn.

Quả nhiên, trước bữa ăn chiều một chút, tôi thấy trong phòng tôi, một lá thư viết bằng một thứ chữ rắn rỏi, và rõ ràng. Đáng buồn là tôi hay lơ là với những thư từ nhận được trong thời thanh niên, nên tôi không sao chép lại được nguyên văn lá thư đó, – tôi chỉ có thể ghi lại đại khái nội dung của nó – trong thư bà hỏi tôi xem tôi có cho phép bà kể cho tôi nghe một đoạn đời của bà.

Bà viết, sự kiện ấy lâu đến nỗi nó không còn thuộc về cuộc sống hiện tại của bà và do ngày mốt, tôi đã đi rồi, bà thấy dễ dàng nói về một việc đã hai mươi năm nay cứ luôn làm bà phải bận tâm và cắn rứt bà. Cho nên nếu một cuộc nói chuyện như vậy không làm phiền tôi, bà mong tôi đến tìm bà vào một giờ bà định.

Bức thư đó, tôi chỉ nói sơ qua nội dung, hấp dẫn lạ thường; riêng việc bà viết bằng tiếng Anh, đã cho thấy nó rất rõ ràng và đầy quả quyết. Tuy nhiên tôi trả lời cũng không dễ dàng, và tôi đã xé ba tờ nháp mới đạt tới hình thức cuối cùng.

“Tôi coi việc bà tin tôi đến như vậy là một vinh dự cho tôi và tôi xin hứa sẽ đáp lại một cách thành thật trường hợp bà yêu cầu tôi. Tất nhiên tôi xin bà hãy chỉ nói những điểm bà muốn bộc lộ với tôi, đúng với sự thật hoàn toàn. Tôi xin thưa với bà, tôi coi sự tin cậy của bà là một điều quý trọng đặc biệt”.

Ngay buổi chiều, lá thư nhỏ của tôi đã ở bên phòng bà và sáng hôm sau, tôi nhận được câu trả lời:

“Ông nói rất có lý: sự thật nửa vời không có giá trị gì bao giờ cũng là một sự thật hoàn toàn. Tôi sẽ cố nghiền ngẫm hết sức để không giấu giếm chút gì với bản thân tôi và với ông. Sau bữa ăn, ông hãy đến phòng tôi (với tuổi sáu mươi bảy, tôi không sợ bị hiểu lầm), vì ở ngoài vườn hay nơi nào có người, tôi không thể nào nói được. Ông hãy tin là tôi quyết định không phải dễ đâu”.

Chiều ngày đó, chúng tôi gặp nhau tại bàn và đã trò chuyện vui vẻ với nhau về những chuyện khác. Nhưng, ở ngoài vườn, bà đã tránh gặp tôi, với vẻ lúng túng rõ ràng; tôi vừa ái ngại vừa cảm động khi thấy bà già tóc bạc trắng này lướt vội dọc lối đi có trồng thông, e lệ như một thiếu nữ.

Buổi chiều, đúng giờ hẹn, tôi gõ cửa phòng bà, cửa mở ngay tức khắc. Gian phòng chìm trong bóng hoàng hôn, mờ mờ, chỉ có một cây đèn nhỏ đặt trên bàn, toả ra một chùm ánh sáng vàng. Bà C… mời tôi tới chiếc ghế phôtơi và không chút lúng túng, bà ngồi trước mặt tôi; tôi thấy mỗi cử chỉ của bà đều có tính toán; nhưng có một phút im lặng, rõ ràng là không định trước – phút im lặng trước một quyết định khó khăn, phút im lặng kéo dài rất lâu, và tôi không dám lên tiếng, sợ phá vỡ nó vì tôi cảm thấy lúc này đây, một ý chí mạnh mẽ đang đấu tranh kiên cường chống một sức đề kháng cũng mạnh mẽ. Tại phòng khách ở tầng dưới, thỉnh thoảng lại vọng lên, những âm thanh yếu ớt, rời rạc của bản luân vũ, tôi lắng nghe, tập trung đến căng thẳng để sự im lặng đó bớt nặng nề. Bà ta như cũng thấy khó chịu với sự yên tĩnh nhọc nhằn, trái với tự nhiên này, vì bỗng nhiên bà thu mình lại như để lao tới và bà bắt đầu:

- Chỉ câu đầu tiên là khó khăn. Đã hai hôm nay, tôi chuẩn bị để cho thật rõ ràng và chân thật; tôi hi vọng sẽ đạt được kết quả. Có lẽ ông chưa hiểu được vì sao tôi lại kể tất cả chuyện này cho ông là người xa lạ đối với tôi; nhưng không một ngày nào, không một giờ nào, tôi lại không nghĩ đến việc này; xin ông hãy tin ở tôi, một bà già, khi tôi nói với ông rằng việc cứ phải chăm chú suốt đời chỉ nhìn vào một điểm, vào một ngày của đời mình, thật không sao chịu nổi. Vì tất cả những điều tôi sắp kể với ông chỉ chiếm thời gian hai mươi bốn giờ trong sáu mươi bảy năm, và tôi thường tự nhủ đến phát điên lên là: “Nếu trong khoảng thời gian dài đó, người ta có một lúc cuồng dại, chỉ một lần thôi, thì đã sao!”. Nhưng người ta không thể gạt bỏ cái mà chúng ta gọi bằng một từ ngữ rất mơ hồ là lương tâm; khi tôi nghe ông cân nhắc trường hợp Hăngriet một cách khách quan như vậy, tôi nghĩ rằng cái lối cứ luôn nhìn về dĩ vãng rồi không ngừng buộc tội mình, là vô lí, nó sẽ chấm dứt nếu tôi được nói chuyện thoải mái với một người khác về cái ngày duy nhất trong đời mình. Nếu tôi theo đạo Thiên Chúa thay vì theo đạo Anglican (17), việc xưng tội đã từ lâu tạo cơ hội chuộc lại điều bí mật của tôi; nhưng điều an ủi đó tôi cũng không có được, cho nên hôm nay tôi thử làm cái việc kì quặc là tự giải tội cho mình bằng cách coi ông là người tâm phúc. Tôi hiểu rằng tất cả những cái đó thật lạ lùng, nhưng ông đã chấp nhận không do dự đề nghị của tôi và tôi xin cảm ơn ông.

Như tôi đã nói với ông, tôi chỉ đơn giản kể cho ông nghe một ngày trong cuộc đời tôi thôi; ngoài cái đó ra, không có gì là quan trọng mà còn nhàm chán đối với người khác, không phải là tôi. Cuộc đời tôi cho đến năm tôi bốn mươi hai tuổi hoàn toàn bình thường. Cha mẹ tôi là những nhà quý tộc giàu có, nhiều ruộng đất ở Êcốt (18). Cha mẹ tôi có những nhà máy lớn và những trang trại lớn; chúng tôi sống lối sống của giới quý tộc địa phương – gần suốt năm, trên đất đai của mình, và ở London, trong Mùa ăn chơi (19). Năm mười tám tuổi, tôi quen chồng tôi trong một cuộc giao tế; anh là con thứ hai của gia đình ông R… vốn có tiếng tăm và anh đã phục vụ mười năm ở Ấn Độ. Chúng tôi lấy ngay và sống cuộc đời vô tư của giai cấp chúng tôi: ba tháng ở Lơnđơn, ba tháng tại đất đai của chúng tôi; thời gian còn lại là từ khách sạn này đến khách sạn khác ở Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Không một gợn nhỏ nào khuấy động cuộc hôn nhân của chúng tôi; chúng tôi sinh được hai con trai, nay đã trưởng thành. Tôi được hơn bốn mươi tuổi thì chồng tôi chết hơi đột ngột. Qua những năm sống ở vùng nhiệt đới, ông ta đã mắc phải một chứng bệnh gan. Tôi đã mất ông ấy sau hai tuần đau khổ ê chề. Con trai lớn của tôi đã đi làm, đứa nhỏ còn đi học. Thế là chỉ qua một đêm, tôi đã hoàn toàn cô đơn và cảnh cô độc ấy đối với tôi, vốn được mọi người thương mến là một nỗi đau khổ ghê gớm. Tôi tưởng không thể ở thêm một ngày trong căn nhà trống trải, mỗi đồ vật đều gợi cho tôi cái chết bi thảm của người chồng yêu dấu; cho nên tôi quyết định sẽ đi du lịch thật nhiều trong những năm tới, chừng nào các con tôi chưa cưới vợ.

Từ lúc đó, trong thâm tâm, tôi coi đời tôi không còn mục đích gì và hoàn toàn vô ích. Người đã chia sẻ từng giờ, từng ý nghĩ với tôi trong suốt hai mươi ba năm trời đã chết; các con tôi không cần đến tôi, tôi sợ làm xáo trộn tuổi trẻ của chúng do tính tình ủ rũ và nỗi buồn của tôi, bản thân tôi không ham muốn gì hết. Thoạt đầu tôi đến Pari, trong cảnh nhàn cư, đi lướt qua các cửa hàng và các nhà bảo tàng; nhưng thành phố và đồ vật đối với tôi thật là xa lạ, tôi tránh mọi người, vì bộ đồ tang của tôi chỉ đem lại cho tôi những cái nhìn thương hại, làm tôi chẳng thích thú gì. Giờ đây, tôi không thể nào kể lại được những tháng ngày lông bông buồn tẻ, u uất, đã trôi qua ra sao; tôi chỉ biết rằng ý nghĩ muốn được chết luôn ám ảnh tôi; nhưng tôi không đủ sức tự xô đẩy mình tới cái kết thúc mong mỏi đau khổ ấy.

Năm góa bụa thứ hai của tôi, nghĩa là năm tôi ở tuổi bốn mươi hai, trong cảnh lầm lũi lẩn trốn trước cuộc sống vô nghĩa đối với tôi, thời gian thì không biết làm gì cho hết, tôi đã đi Môngtơ Cáclô (20), hồi tháng ba. Thành thật mà nói, đó là do buồn chán, muốn thoát khỏi cảnh trống rỗng đang dày vò tâm hồn mình như một cơn ói mửa và muốn tìm ra ít nhất là sự khuây khoả do những kích thích nhỏ bên ngoài đem lại. Tôi càng ít nhạy cảm bao nhiêu thì lại càng thấy cần lao vào nơi mà cuộc sống tỏ ra quay cuồng nhất; đối với người không còn quan tâm đến gì sâu sắc thì chỉ hoạt động say mê của những người khác, như sân khấu hay âm nhạc, mới tác động được tới trí não.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang