Đi vào là một thanh niên thân hình cao ráo, nói là thanh niên, kỳ thực có phần gần với thiếu niên, giữa chân mày vẫn còn chút non nớt chưa mất đi, cả người toát lên vẻ thư sinh.
Ẩn đằng sau quầy hàng chất đầy đồ linh tinh, một gã đàn ông vạm vỡ hoàn toàn không ăn nhập gì với phong cách cổ xưa của căn tiệm nghe tiếng bèn ngẩng đầu lên: “Tiểu Cố?”
Người thanh niên được gọi là tiểu Cố mỉm cười, gật đầu chào: “Lão Tề, lâu quá không gặp, gần đây có đồ nào tốt không?”
Lão Tề lên tinh thần ngay: Cậu thanh niên tên Cố Tích Triều này tuy chỉ là sinh viên năm 2 khoa kinh tế thương mại của trường đại học Z ở gần đây, nhưng gia học uyên thâm, có nghiên cứu khá sâu về cổ vật, sớm đã có tiếng tăm trong ngành đồ cổ, khả năng phân định cổ vật đã vượt qua không ít những người được coi là học giả chuyên gia.
Thấu Thạch Trai này của lão Tề mặt tiền không lớn, nhưng ở thành phố H này cũng có thể xem là có đẳng cấp, nguồn hàng nhiều, trên quầy có không ít hàng tốt, càng có không ít hàng tốt không thể bày lên quầy, đương nhiên, đường đường chính chính bày ra trên quầy đều là mấy món hàng nhái chất lượng cao.
Lão Tề cười ha ha chào hỏi: “Đúng là mấy ngày không gặp rồi! Đúng lúc hôm nay có hàng về, đang đợi cậu tới xem đó!” Nói rồi, quay người lấy từ trong cái rương bên dưới quầy ra một cái hộp sắt dài khoảng 30 cm, đặt lên trên bàn: “Cậu là chuyên gia, giúp tôi xem xem có gì đặc biệt không!?” Vừa nói vừa nhẹ tay cẩn trọng lấy mấy món đồ vụn vặt từ bên trong ra.
Mới nhìn qua, toàn là mấy thứ đồ linh tinh màu sắc nhạt nhòa, nhưng Cố Tích Triều lại rất tập trung chăm chú, bởi vì những món cổ vật thật sự giá trị, đều có vẻ ngoài rất tầm thường như vậy.
Cố Tích Triều lấy từ túi áo ra một cái hộp nhỏ, từ bên trong lấy ra một đôi bao tay rất mỏng mang vào, mang xong mới nhấc đồ lên, xem kỹ từng món.
“Đây là lọ sứ phấn thái thị nữ phi thiên thời dân quốc.”
(Phấn thái: một kỹ thuật vẽ màu lên đồ sứ Thị nữ phi thiên: trang trí hình thiếu nữ bay lên[Hình1])
“Đây là ống gác nón trang trí hình hoa điểu viền vàng thời Quang Tự nhà Thanh, chỉ tiếc là thiếu mất một chiếc, không thành cặp rồi…”
(Ống gác nón: ống hình trụ, dùng gác nón triều phục gắn lông chim của quan viên thời Thanh, thường được làm thành cặp để trang trí Hoa điểu: trang trí với đề tài hoa lá chim chóc[Hình2])
“Đây là tàn tích bản viết tay Tấn Thư do hậu thế phỏng lại, có điều ít nhất cũng có 300 năm lịch sử rồi… chắc là được làm ra vào cuối thời nhà Thanh.”
“Đây là hũ phấn thái vẽ hình hoa điểu thời dân quốc, tiếc là mất đi một bên quai cầm, kém giá trị đi rất nhiều.”
Cố Tích Triều nói luông tuồng liền mạch, rành rọt giảng giải, rất nhanh đã nói ra hết lai lịch của những món chưa được định giá kia.
Đột nhiên, tay Cố Tích Triều ngừng lại, cẩn thận quan sát một hồi, từ trong mớ đồ linh tinh nhặt ra một cái hộp nhỏ.
Cái hộp này dài khoảng 2/3 bàn tay, rộng chừng một ngón tay, ánh lên sắc kim loại mờ đục, nhất thời nhìn không ra là đồng hay sắt.
Cái hộp có vẻ khá xưa, toàn thân hộp đã bị rỉ sét, lưu lại lốm đốm hằn tích của thời gian.
Cố Tích Triều hơi nhíu mày, cất tiếng hỏi: “Lão Tề, mấy món này là lấy từ đâu vậy?”
Lão Tề nhún vai: “Cậu biết đó, người làm trong ngành này không thể lúc nào cũng đi đường sáng. Mấy món hàng này lai lịch hỗn tạp, tôi cũng từ trong một đống đồ chọn ra được mớ này, phàm là món nào tôi nhận không ra lai lịch, nhưng dựa vào cảm giác thấy có giá trị thì đều gom hết vào đây.”
Cố Tích Triều cầm lấy hộp đặt trong lòng bàn tay, nghiên cứu kỹ lưỡng trên dưới trái phải, thử mấy lần cũng không mở được, nhẹ nhẹ lắc hộp, bên trong vang ra tiếng lạo xạo như là cát, hình như là một hộp đựng cát mịn.
Chân mày đẹp đẽ của Cố Tích Triều nhíu lại, suy nghĩ một thoáng, quả thực trong lòng thấy ngứa ngáy nôn nao. Cậu tuổi đời không lớn, nhưng nghiên cứu cổ vật cũng đã gần mười hai năm, lại không thể nhìn ra được lai lịch của cái hộp này? Nhưng lại cứ cảm thấy món đồ này tuyệt đối không phải hàng làm nhái gần đây.
Cố Tích Triều nghĩ ngợi, rồi nói với Lão Tề: “Trong mớ đồ này chỉ có cái hộp này là tôi nhìn không ra xuất xứ, niên đại cũng không chắc được. Cái hộp này ông bán bao nhiêu? Tôi muốn mua, đem về tra tư liệu xem sao.”
Lão Tề sảng khoái nói: “Tiếu Cố, cậu cũng xem như một nửa cố vấn của tiệm tôi, lấy cậu giá vốn, 50 đồng.”
Cố Tích Triều gật đầu, trả tiền rồi lấy hộp mang về.
“Soạt” một tiếng, cánh cửa mở ra, ánh sáng rực rỡ trong phút chốc tràn ngập căn phòng.
Nhà của Cố Tích Triều cách trường đại học không xa, vì vậy tuy ở trường học có phòng ký túc, nhưng để thuận tiện cũng hay về nhà ở.
Cha mẹ đều là dân cuồng sử học, quanh năm suốt tháng ra ngoài làm khảo cổ, hôm nay cũng như mọi khi đều không có ở nhà.
Cố Tích Triều nấu qua loa một tô mì gói để ăn tối, xong ngồi xuống bàn làm việc trong phòng sách, lấy ra cái hộp nhỏ kỳ lạ đó.
Dưới ánh đèn, Cố Tích Triều cẩn thận dùng cái bàn chải nhỏ chuyên dụng quét sạch bề mặt cái hộp.
Sau một hồi quét nhẹ nhàng khéo léo, hoa văn mờ mờ trên hộp dần hiện rõ lên.
Hoa văn trên hộp khá tinh tế, có hoa văn hình mây và hoa lan truyền thống được khắc một cách tinh xảo, bốn mặt của hộp khắc liên miên hoa văn nước và một số hình trang trí giống như vỏ sò.
Cố Tích Triều ngẩn người, đặt công cụ trong tay xuống, lấy một quyển sách tham khảo mở ra lật lật tra tra, chẳng mấy chốc đã tìm thấy cái từ mà mình nhớ mơ hồ đó: Thận khí: đồ tế trang trí bằng vỏ Thận.
(Thận: một sinh vật thần thoại có thể biến hình, thường được mô tả dưới dạng một con sò khổng lồ, nên vỏ Thận ở đây cũng tương tự vỏ sò. Chi tiết về Thận sẽ giải thích thêm trong chương 2)
Cố Tích Triều quan sát cái hộp trong tay: Vậy ra, đây là đồ tế?
Nhưng không biết có công dụng gì, đồ tế trang trí bằng vỏ Thận vốn rất hiếm gặp.
Cố Tích Triều kiên nhẫn nhẹ ấn khắp bốn phía của cái hộp nhỏ, vừa ấn vào một chỗ ở mặt bên trái của cái hộp, nắp hộp chợt bật ra, thì ra một trong các đóa hoa lan trên hộp này chính là nút cơ quan mở hộp.
Nhưng điều khiến Cố Tích Triều bất ngờ chính là: cái hộp tinh xảo như vậy, bên trong lại chỉ chứa một ít bột màu nâu đen.
Cố Tích Triều dùng đầu ngón tay chấm một ít bột, đưa lên mũi, ngửi ngửi, hình như không có mùi vị gì, ngẫm nghĩ một hồi, hình như có mùi hương cực kỳ nhạt, lại không phải hương hoa, hương cỏ, mà có thứ mùi như trong phòng thuốc bắc.
Cố Tích Triều do dự một lúc, miết chỗ bột trên đầu ngón tay lên hộp, sau đó cho ngón tay vào trong miệng nhẹ nếm thử, hơi mặn mặn, lại không có vị gì lạ.
Cố Tích Triều có hơi bối rối, Đây là cái gì? Đến mức phải cẩn thận dùng cái hộp có cơ quan để giữ gìn?
Bằng trực giác, Cố Tích Triều có thể khẳng định, cái hộp này e là cũng phải cả ngàn năm tuổi…
Tối đó, Cố Tích Triều tra cứu rất nhiều tư liệu, cũng lên mạng tìm kiếm kỹ lưỡng, nhưng đều không có thu hoạch gì, cuối cùng chỉ đành đem cái hộp đựng bột này cất lại cẩn thận, để sau này tính tiếp.