Có một loài chim luôn hót vào đầu hạ, lúc sẩm tối, hoặc là sau cơn mưa hoặc vào các đêm trăng sáng. Tiếng hót lại nghe thê thiết, não nề. Nó khiến người ta nghĩ về nỗi mất mát, nhớ về những điều đã qua, thời gian và cả sự vô thường.
Lần đầu tiên bước chân vào nơi lạnh lẽo âm u ấy, tôi đã không ngừng tự hỏi, lí do gì mình lại ở đây? Tôi đã gây ra tội lỗi gì để đến bước đường cùng này? Tôi phải chịu đựng sự giày vò, dằn vặt mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút. Chúng ám ảnh tôi trong những giấc ngủ chẳng tròn. Nước mắt không ngừng chảy mỗi đêm bằng cả ngàn ngày cộng lại, tôi chờ đợi đến lúc bản án tử được đề ra.
Tôi sợ.
Nhưng phải thanh thản đón nhận.
Vì tôi, thật sự là kẻ có tội.
Nhật kí tù nhân 3969.
*****
Tháng 8 năm 2017.
Buổi sớm đầu thu ở Trại giam nằm trên một con đường thuộc Sài Gòn, vang lên tiếng khua lịch kịch lạnh tanh từ ổ khóa gỉ sét, phá tan sự tĩnh lặng buồn bã ở nơi này. Bác sĩ Đồng Văn cầm theo chồng hồ sơ bệnh lí, khẽ lách mình đi qua khoảng trống vừa đủ giữa cửa hàng rào mục với bức tường ố vàng cao sững.
Văn chậm rãi tiến vào bên trong khoảng sân vắng vẻ sau khi cảm ơn bảo vệ. Dưới làn gió thu mát dịu, Văn vận áo khoác xanh sậm với những đường sọc xám. Hai mép áo ép sát vào mỗi khi anh co người lại, giấu bên trong bộ blouse trắng, thứ màu riêng biệt và xa lạ giữa không gian lạnh lẽo âm u ở Trại giam.
Vài phút băng qua bãi đất trống, tốc độ đôi chân nhanh hơn, Văn sắp đến nhà của quản giáo khu giam nữ. Dừng lại ở bậc tam cấp xi măng cao nhất, Văn gõ cửa bằng âm thanh thật đều, đôi vai hơi chùng xuống cho vài giây chờ đợi.
Chẳng quá lâu cửa mở nhanh, xuất hiện một phụ nữ trung niên khoác bộ áo cảnh phục màu xanh lá cây quen thuộc thể hiện cho công lí và thật thi pháp luật. Đó là chị Ngà, cán bộ quản giáo khu giam nữ tại đây. Nhác thấy gương mặt Văn đứng trước cửa lúc trời còn tờ mờ sáng, chị ngạc nhiên hỏi:
- Bác sĩ Văn đến tìm chị sớm vậy?
Văn chậm rãi đưa chồng hồ sơ bệnh lí cho chị Ngà, mỉm cười bảo đây là kết quả kiểm tra của các phạm nhân nữ hồi tuần trước. Chị Ngà khẽ lướt mắt qua từng hồ sơ xem còn sót ai không, rồi tự dưng chậc lưỡi:
- Bác sĩ Văn nhọc công quá, để lát chị qua khu bệnh xá lấy cũng được mà.
- Em sắp đến gặp Phó giám thị Dũng, tiện thể qua đây đưa chị luôn.
- Bác sĩ gặp Phó giám thị có chuyện gì sao?
- Cũng chỉ là báo cáo tình hình tâm lí của một phạm nhân nam bên khu II. Lát, em phải đi gặp một người, sợ là không kịp đến lúc Phó giám thị đi họp về.
Sự tò mò trong đôi mắt quản giáo Ngà hiện lên rõ rệt. Văn chẳng che giấu gì, nói rằng chốc nữa anh sẽ đi gặp Hoàng Oanh. Tức thì đôi mắt chị Ngà sáng lên do mừng rỡ trước cuộc tái ngộ sắp diễn ra giữa những người xưa:
- Thế à? Mèn ơi, cũng lâu lắm rồi đấy! Bé Oanh vẫn khỏe chứ?
- Bé Oanh sống với chú Thạch rất tốt, năm nay nó sẽ vào trường trung học.
- Tốt rồi, thế này thì Vân Du cũng yên lòng...
Chưa kịp nói hết câu thì sự ngập ngừng tràn ra đầu lưỡi khiến âm thanh mắc lại cuống họng, quản giáo Ngà phát hiện mình vừa nhắc lại cái tên không nên nhắc trước mặt Văn. Chị càng tự trách hơn khi thấy nỗi buồn xuất hiện trong mắt anh. Đối diện, như hiểu sự im lặng đột ngột đó, Văn cất tiếng:
- Em cũng nghĩ vậy. Hẳn, Vân Du rất vui khi con gái có cuộc sống tốt.
Dẫu khỏa lấp bằng nụ cười nhẹ nhàng thanh thản nhưng nỗi buồn sâu thẳm vẫn ngự trị trong đáy mắt tối đen do đứng ngược chiều sáng, Văn không thể che giấu được quản giáo Ngà. Người phụ nữ này chợt hiểu, có lẽ sau ngần ấy năm chàng bác sĩ trẻ thuở xưa chưa một lần thôi đau. Lẽ nào, có những yêu thương trải qua nhiều năm cách biệt chẳng hề vơi bớt mà ngày càng sâu đậm?
Chị Ngà liền hỏi sang lí do Hoàng Oanh đến gặp Văn là gì. Chàng bác sĩ ba mươi ba tuổi trả lời với giọng đều đều:
- Em cần đưa lại cho bé Oanh cuốn nhật kí của Vân Du, năm nay con bé đã mười hai tuổi rồi. Đó là lời hứa của em...
Tiếng chuông điện thoại thình lình vang lên. Giấu tiếng thở dài đặc trưng, quản giáo Ngà đến bên bàn, nhấc máy nghe. Văn nhìn chị quay lại với nét mặt biểu hiện ý nghĩa rằng chị sẽ phải rời khỏi đây bây giờ.
- Có rắc rối ở dãy nhà khu giam nữ, chị phải qua đó xem sao. Bác sĩ gặp bé Oanh thì gửi lời hỏi thăm của chị nhé.
Dặn dò xong câu cuối cùng, quản giáo Ngà liền đi như chạy về phía dãy nhà khu giam nữ. Còn lại một mình, Văn bước chậm rãi xuống từng bậc tam cấp, thả bộ ra khoảng sân vắng vẻ. Nắng sớm lấp liếm sắp chảy tràn lên chân, Văn đảo mắt nhìn quanh. Không phải tò mò quan sát, mà chỉ để nhớ.
Một thời gian dài, Văn ít khi đến đây. Mỗi lần có việc, quản giáo Ngà sẽ đến bệnh xá tìm anh. Văn nhìn cảnh vật hiện tại, cứ ngỡ khung cảnh sáu năm trước đang tái hiện.
Vẫn lớp cỏ úa bên dưới bị giẫm đạp không mọc lên nổi. Vẫn bóng cây cao uể oải cho một cái vươn mình trong nắng sớm. Vẫn là những luống rau, bụi hoa do các phạm nhân nữ thay nhau trồng vào giờ lao động. Cuối cùng, vẫn bốn bức tường vàng ố bao bọc xung quanh, phía trên là dãy hàng rào kẽm sắc bén từng làm chùn chân nhiều kẻ liều lĩnh muốn bỏ trốn.
Chỉ một bức tường, bên kia và bên này, ấy vậy tạo nên hai thế giới khác xa nhau. Tự do và tù đày. Chỉ một giây phút lầm lỡ thôi, ai đó sẽ mãi mãi bỏ lại sau lưng bầu trời rộng lớn xanh ngát, bỏ lại tháng ngày sống trọn vẹn kiếp người để bước chân vào đây.
Trại giam, nơi không biết đã đón nhận bao nhiêu kẻ tội lỗi, dường như mất hẳn bốn mùa xuân hạ thu đông. Tồn tại duy nhất ở đây là ngày sang đêm, chờ đợi quyện với nước mắt. Đằng sau chấn song sắt đen, mỗi người mang trong mình câu chuyện riêng, bi kịch riêng mà chẳng ai giống ai.
Gió nổi. Những đám mây bị đánh tan ra trôi lãng đãng vô tư lự, trả lại cho bầu trời vùng trong xanh yên ả, sắc màu đó mang đến sự an nhiên lạ lùng.
Một cánh bướm màu xanh dương thẫm hiển hiện dưới đáy mắt Văn, bay chấp chới qua hàng rào kẽm trên bức tường. Con vật mê chơi bay lạc vào chốn tù đày u ám. Sự phát hiện thú vị làm chàng trai trẻ tiếp tục nhìn theo đôi cánh rực rỡ kia rung rinh trong gió. Con bướm đậu lên khóm hoa nghiêng ngả bên dưới, vui đùa là bản năng của loài phù du.
Gió thổi mạnh hơn, mang theo những chiếc lá trên cành cây trụi lơ. Gió vô tình hất nhẹ con bướm xanh vướng vào cành hoa. Nó mắc kẹt, giãy cánh mãi.
Cái nhìn của Văn đong đầy phân vân giữa việc giúp đỡ hay để con bướm tự thoát ra. Nhưng Văn sẽ không thể biết được kết quả của hai điều đó khi một bàn tay mềm mại luồn qua khóm hoa, nhẹ nhàng tháo đôi cánh xinh đẹp ra khỏi sự mắc kẹt. Con vật mang ơn, bay là là xung quanh người đó. Một cô bé mười sáu tuổi.
Cho em tự do, không phải tù đày
Quên đi năm tháng hao gầy thương anh
Em ở bên này một bức tường ranh
Đêm ngày trông ngóng mong manh chờ người...
Cô bé cất tiếng hát, giọng trong trẻo bay vút. Tưởng chừng như thứ thanh âm réo rắt không bị xiềng xích đó vượt qua bức tường chết chóc lạnh lẽo, qua hàng rào kẽm giam cầm đến với bầu trời cao. Không gì bó buộc được cô.
Văn đứng chết lặng, sững sờ đến mức không rõ hình ảnh đang thấy là thật hay mơ, là người hay chỉ là ảo ảnh nhóm lên từ nỗi thương nhớ tràn trề. Cô bé đứng gần bụi hoa mặc chiếc váy trắng dài qua đầu gối, gương mặt nghiêng nhẹ bừng sáng, mái tóc ngắn mềm mại phủ ót cùng một đôi vai mỏng manh.
- Vân Du...
Sau tiếng gọi thân thương phát ra từ bờ môi Văn, cô bé với chiếc váy trắng tung xòe đã quay qua nhìn với đôi mắt phẳng lặng tựa bờ hồ thu. Cô hơi nghiêng đầu, nở nụ cưởi êm đềm với anh. Điều ấy khiến Văn càng thêm choáng ngợp trong niềm hân hoan đường đột này. Với sự xúc động mãnh liệt, Văn đã không biết đôi chân mình đang tiến lại gần.
Vân Du vẫn đứng yên, sự im lặng toát lên người cô tạo thành một lớp vỏ bọc đơn độc giống hệt năm xưa. Tại thời khắc này, Văn khao khát muốn ôm trọn lấy Du, cảm nhận hơi ấm da thịt lan tỏa vào nhau, điều mà khi Du còn sống anh không bao giờ được làm. Thế nhưng đôi tay xụi lơ, Văn mất hết sức lực để nhấc lên, để ôm cô...
*****
Cuối tháng 3 năm 2011.
Đêm mưa sáu năm trước thật khác với đêm mưa của những năm sau đó. Nó dữ dội, ướt át, vần vũ. Tiếng mưa nghe hệt âm thanh gào thét ai oán từ đất trời. Số phận có lẽ biết được một bi kịch thảm thiết sắp xảy đến nên để cơn mưa này là một điềm báo trước. Chẳng ai nhận ra giọng hét kinh hoàng của người phụ nữ len lỏi qua màn mưa buốt giá, tê tái. Thứ âm thanh ám ảnh phát ra từ bệnh viện đa khoa.
Ngay cửa phòng bệnh, dáng cô hộ lí ngồi sững bất động, hoàn toàn lả đi như mất hết sự sống, riêng đôi mắt vẫn mở trừng trừng phản chiếu nỗi bàng hoàng và hai bàn tay bấu chặt vào thành cửa đến nỗi tươm máu. Những người xung quanh từ y tá, bệnh nhân cho đến người thăm bệnh, ngạc nhiên khi thấy cô hộ lí chẳng hiểu vì sao lại thét lên thất thanh rồi ngồi bệt dưới đất như bị đột qụy. Trước đó, ai nấy đều giật mình vì nghe tiếng la của những người trong phòng bệnh, họ chạy ra ngoài đầy sợ hãi.
Tất cả liền chạy đến. Và khi đưa mắt nhìn vào phòng, lập tức họ đồng loạt mang những hành động không khác cô hộ lí ban nãy. Sững sờ. Hãi hùng. Thậm chí, có người yếu bóng vía đến nỗi ngất lịm.
Ở giữa căn phòng trắng lạnh lẽo, được mô tả bằng mùi thuốc sát trùng nồng nặc và mấy dụng cụ y tế kim loại khô khốc, bóng dáng cô gái trẻ đứng nghiêng người toát lên hơi nồng tanh tưởi của máu. Dung dịch đậm đà mùi sắt đó vấy bẩn quần áo cô mặc, lên gương mặt từ mang tai xuống cằm, lên cả những sợi tóc ngắn lòa xòa hơi rối. Nơi nhuốm máu nhiều nhất, là bàn tay phải cô đang cầm kéo. Mũi kéo sắc lẹm, chết chóc. Dưới đất có hai thân thể nằm bất động.
Mọi cử động trên người cô gái trẻ đều đứng yên, giống hệt bị hóa đá. Duy nhất một thứ nơi cô đang chuyển động, nhen nhúm sự nhận thức hiếm hoi. Đôi mắt. Với cái nhìn sâu, tăm tối như đáy hồ nhưng vẫn le lói chút hoang mang. Như kiểu, khung cảnh man rợ bày ra trước mặt lúc này không phải do cô cố ý gây nên. Dù vài phút trước thôi, chính cô đã đâm mạnh chiếc kéo vào hai cơ thể ấm nóng, kết thúc mạng sống của họ.
Buông kéo. Cô xoay người thật chậm, chẳng khác gì khúc cây gãy bị đau, ánh mắt vô hồn sâu hun hút vô tình lướt qua mấy chục gương mặt xa lạ xuất hiện ngay cửa phòng, giờ đây chỉ còn những nét nhăn nhúm hãi hùng.
Nhưng không có ý dọa họ, cũng không có ý thể hiện bản thân là kẻ cuồng sát, cô đang tìm kiếm một bóng hình nhỏ bé mà nãy giờ mình đã để vụt mất khỏi tầm mắt. Cái nhìn đau đáu mong mỏi khiến người ta nghĩ, thứ mà kẻ sát nhân đó đang tìm hẳn vô cùng quan trọng, biết đâu đấy là phần tốt đẹp duy nhất còn sót lại trong trái tim tội lỗi.
Vài phút sau, bờ môi trắng bệch nứt nẻ chợt mấp máy, nụ cười nhẹ nhõm lướt qua khi cô thấy trong góc tường đứa con gái nhỏ đang ngồi co người, trông giống lưng tôm. Mái đầu của nó tựa lên hai đầu gối, đôi mắt tròn nhìn khung cảnh máu đổ người chết mà không chút sợ hãi, chỉ ngơ ngác. Bóng đổ từ chiếc tủ cao ngay bên cạnh chảy tràn trên thân hình và nhấn chìm nó vào màn tối.
Mau chóng, con bé nghe tiếng ai gọi tên mình, bằng hơi thở mệt mỏi:
- Hoàng Oanh, lại đây với mẹ.
Bé Oanh ngước nhìn cô gái đứng trước mặt với cơ thể mềm ngặt nhưng vẫn cố đứng vững, như chống chọi lại bất hạnh do số phận đè xuống. Từ nãy đến giờ, nó thắc mắc không hiểu cô gái vừa giận dữ vừa đâm kéo vào hai người kia để rồi sau đó bị nhuốm máu trên quần áo ấy, có phải mẹ Du? Vì khi nghe tiếng la đau đớn của bà ngoại kế thì nó bỗng sợ. Tuổi còn nhỏ không cho phép nó nhận thức được ý nghĩa hành động mà mẹ gây ra cho bà. Nhưng giờ nghe tiếng gọi quen thuộc đó, bé Oanh chắc mẩm mẹ Du đây rồi.
- Mẹ Du ơi!
Vân Du đón con gái vào lòng, không bận tâm nó sẽ khó chịu với mùi tanh đeo bám trên người mình. Du vùi mặt vào mái tóc thơm ngát của con vì muốn lưu giữ mùi thơm êm đềm này thật lâu bởi hiểu rõ, lát nữa thôi cô phải rời xa Oanh. Một thời gian dài, hay cũng có thể suốt đời Du sẽ mãi mãi không gặp lại con được nữa.
Không lâu sau, công an được gọi đến. Họ giải tán đám đông hiếu kỳ rồi ập vào căn phòng nơi diễn ra cuộc sát hại. Dáng vẻ ai nấy đều thận trọng dè dặt vì họ nghe người gọi điện nói với giọng đứt quãng về "một tên sát nhân cuồng loạn". Khung cảnh khiến người ta muốn choáng ngất vì mọi thứ đều nhuốm máu, bên dưới hai xác người nằm im lìm, cơ thể ngập trong dung dịch màu đỏ.
Nhưng khi nhóm công an lia mắt sang tên giết người thì gương mặt họ được vẽ lên bởi sự ngạc nhiên, là một cô gái ngoài đôi mươi đang ôm đứa trẻ tầm sáu tuổi. Cả hai có vẻ quyến luyến không rời. Trông cứ như thể đây là cuộc đoàn viên mỹ mãn, và nó thật đối lập với không gian chết chóc ghê rợn.
Nhóm công an đứng tần ngần vài giây, thình lình nghe tiếng giục gấp gáp của ai đó trong đám đông đang hồi hộp quan sát sự việc:
- Con nhỏ tóc ngắn giết người đó! Gì mà ác dữ vậy trời! Công an mau bắt nó nhanh đi, kẻo nó điên lên giết luôn đứa trẻ, tội nghiệp!
Hai người công an bước đến kéo xốc Du đứng dậy, để hai tay cô ra phía sau. Hai người khác đẩy bé Oanh lùi ra. Không hề kháng cự, Du đứng yên như khúc gỗ, mặc công an tra còng số tám lạnh ngắt vào tay mình. Khi người ta cảm nhận rõ rằng mọi thứ kể từ giờ đã kết thúc thì hành động kháng cự chẳng còn ý nghĩa nữa.
Du đờ đẫn, mất luôn cảm giác đau dù bị những bàn tay thô cứng bấu siết vào người mình. Về phía bé Oanh, nó ngó cảnh mẹ mình tự dưng bị ba bốn người đàn ông xa lạ dẫn đi, vẻ mặt ngẩn ngơ. Ngay chính nó cũng đang bị kìm giữ. Bé Oanh bỗng liên tưởng đến mấy câu chuyện cổ tích mẹ Du hay kể, về việc kẻ xấu xa thường bắt những đứa trẻ nhỏ đi mất. Tức thì, nó gào khóc giãy giụa:
- Bỏ ra! Bỏ ra đồ xấu xa! Mẹ Du, cứu con! Mẹ Du ơi!
Nghe bé Oanh vừa khóc vừa gọi, bấy giờ Du mới sực tỉnh, hồn trở lại xác kéo theo sự tỉnh táo quay về. Lập tức đưa mắt nhìn con gái, Du thảng thốt:
- Oanh! Oanh à! Chờ mẹ nhé!
Nhận thấy nữ tội phạm có ý muốn chạy đến chỗ đứa bé gái, hai người công an bên cạnh giữ chặt Du hơn, đồng thời kéo cô ra khỏi phòng.
Đám đông đứng xem dần tản ra tránh đường cho công an áp tải tội phạm ra ngoài xe. Vài âm thanh bàn tán trỗi dậy khe khẽ như tiếng vỗ cánh vo ve của lũ ruồi muỗi bay khắp không gian bốc mùi tử khí nơi đây. Họ đang tự hỏi nguyên do gì khiến cô gái trẻ măng này xuống tay giết chết hai mạng người.
*****
Tiếng chuông điện thoại đổ vang nghe đứt quãng, giữa căn phòng tĩnh mịch chìm trong bóng tối, cùng lúc bên ngoài sấm rền vang não nề. Chuông kêu dai dẳng khô khốc làm bật tung một giấc ngủ mơ màng chỉ vừa thiếp đi khoảng vài phút. Mí mắt cục cựa kèm theo âm thanh trở mình uể oải, Đồng Văn xoay người nằm ngay ngắn trên giường, nén chặt giấc ngủ mà khó khăn lắm mới đến với mình, trong từng nhịp thở đều đều.
Văn mở mắt chớp chớp vài cái cho quen với bóng tối, lòng tự nhủ chẳng rõ chủ nhân cuộc gọi là quản giáo Ngà bên khu giam nữ hay quản giáo Thái bên khu giam nam. Văn nhanh chóng ngồi dậy, đôi mắt vừa mới mở đang cố tìm kiếm trong bóng tối đen kịt chiếc điện thoại bàn với từng hồi chuông réo rắt. Đưa tay chụp lấy, anh bắt máy. Giọng của quản giáo Thái đầy thúc giục bên kia, bảo rằng có một phạm nhân tinh thần không ổn định nên Văn hãy qua khu phòng giam.
Văn đứng dậy, vớ lấy áo khoác dày màu xám, bước ra khỏi phòng bệnh xá. Bên ngoài mưa giăng lối mịt mùng khiến đêm tối càng thêm tối đen như mực. Không tiếng động nào tồn tại giữa chuỗi âm thanh va đập của hàng ngàn giọt nước lạnh giá buông xuống đất. Mưa trong Trại giam thường lạnh lẽo, rét mướt hơn bên ngoài rất nhiều. Màn mưa dữ dội cũng không làm Văn bận tâm khi cầm dù chạy băng qua khoảng sân rộng ngập nước lênh láng.
Dọc theo dãy hàng rào ngăn cách, bóng đèn neon vàng vọt trên cao hắt ra thứ ánh sáng leo lét, trở thành ngọn hải đăng giữa đêm mưa bão. Mặc mưa đổ xuống chiếc dù dữ dội như cú đánh của người lực lưỡng, Văn tiếp tục lội nước mưa ngập gần đến nửa ống quần, bằng những bước hối hả đến phân trại số II.
Cùng thời điểm đó, người công an ấn mạnh Vân Du ngồi xuống ghế. Họ đang tiến hành làm giấy cho phạm nhân nhập trại. Lúc họ ngồi trên xe áp tải, mưa rất lớn và bây giờ vẫn chưa thuyên giảm, tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn của căn phòng không quá rộng nhưng yên ắng đến ngột ngạt này.