(1) Khoản bồi thường Canh Tý: Năm 1900, liên quân tám nước Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Nhật, Ý và đế quốc Áo - Hung xâm lược Trung Quốc, năm sau ép chính quyền Mãn Thanh kí hiệp ước Tân Sửu gồm mười hai điều khoản; trong đó có điều khoản buộc Trung Quốc phải bồi thường 450 triệu lạng bạc, tức mỗi người Trung Quốc lúc đó phải trả một lạng bạc, gọi là Khoản bồi thường Canh Tý. Năm 1908, Mỹ trả lại Trung Quốc hơn 11 triệu USD trong thời gian từ 1909-1940, nhưng quy định chỉ dùng cho học sinh Trung Quốc cử sang Mỹ du học, gọi là Học bổng Khoản bồi thường Canh Tý.
"Tôi tới đây, phải học được bản lĩnh thì mới về nước." Người đàn ông đó nói với cô như vậy.
Tháng thứ hai cô ổn định ở đây, anh ta đã về nước rồi.
Người duy nhất được coi là người quen rời đi, khiến Thẩm Hề vô cùng bất an. Cô như người bị đày đến một thế giới kỳ quái. Trong căn nhà được người ấy sắp xếp từ trước, mất đến ba ngày cô ngủ mà trong lòng luôn lo lắng sợ hãi, nghĩ tới vô số kết cục, ví dụ như bị giết vì là người nước ngoài, hoặc bị bán tới căn nhà cách đây một con đường làm gái đi3m.
Mỗi đồ vật ở đây cô đều cảm thấy lạ lẫm, đều cảm thấy bồn chồn. Cô tìm tất cả những gì có thể ăn được trong nhà để lấp đầy bụng, nhưng đến ngày thứ tư thì không tìm thấy bất cứ đồ ăn gì thêm nữa. Cô lật tung chạn bát cũ kĩ, cuối cùng bị thu hút bởi những thứ đặt trong chiếc hộp kim loại dẹt dài. Màu nâu, có nhiều miếng, làm cô nghĩ đến bánh thuốc phiện.
Thẩm Hề đưa lên mũi ngửi, hình như là đồ ăn. Cô ngồi xổm trước cái chạn cũ, mượn ánh sáng hắt vào từ ngoài cửa sổ, cẩn thận quan sát.
Chợt có người gõ cửa.
Tim Thẩm Hề run lên, lòng bàn tay vô thức siết chặt thứ đồ ấy, mắt cảnh giác nhìn cánh cửa lớn chỉ cách hơn ba bước chân.
Tiếng gõ cửa vang lên lần nữa.
"Thẩm Hề." Người ngoài cửa gọi tên cô.
"Ai đấy?"
Cô tới mở cửa, cùng với tiếng ồn ào bên ngoài, hai người xách va li da cũ kĩ xuất hiện trước mắt cô, một nam một nữ, khoảng chừng hơn hai mươi tuổi, đều ăn mặc theo kiểu phương Tây. Người đàn ông thấy cô bèn mỉm cười rồi bỏ mũ ra: "Cô Thẩm."
Ngược lại cô gái kia tự nhiên phóng khoáng hơn, nở nụ cười tươi rói, nắm bả vai Thẩm Hề: "Em dâu của Phó Đồng Văn à?"
Cô cầm miếng "đồ ăn" chưa biết "có độc" hay không, sửng sốt ngây người nhìn hai người trước mắt, một lúc sau, khoé miệng mới cong lên thành nụ cười.
Đây chính là lần gặp mặt đầu tiên của cô với hai người hàng xóm tương lai.
Tối hôm đó, họ bước vào căn nhà này, cô gái tên là Đậu Uyển Phong, hàng xóm sát vách với Thẩm Hề, người đàn ông tên là Cố Nghĩa Nhân, sống ở lầu dưới. Sau khi lấp đầy cái bụng của Thẩm Hề, Uyển Phong lau bàn một lượt, đưa nó trở về vẻ sạch sẽ sáng bóng như ban đầu, rồi trải một tấm khăn trải bàn lên, cuối cùng thì đặt một chiếc đèn lên ấy: "Đúng là nhờ phúc của cô, hai người chúng tôi vốn định giúp người bạn dạy học cho bọn trẻ kiếm chút học phí, giờ thì không cần nữa rồi."
Thẩm Hề nghe hiểu, ý họ là, Phó Đồng Văn cho họ học phí sau này.
"Nói xem, cô muốn học gì?" Cố Nghĩa Nhân ngồi xuống, cười quan sát Thẩm Hề.
Thẩm Hề mím môi, suy nghĩ một lúc lâu mới trả lời: "Học y."
Hai người kinh ngạc nhìn nhau, Cố Nghĩa Nhân chợt hỏi một câu làm cô bất ngờ: "Là vì Phó Đồng Quyến ư?"
Thẩm Hề giật mình, chợt nhớ ra đó là tên "chồng" mình, vì không biết nên trả lời thế nào nên cô chọn cách im lặng.
Uyển Phong đá chân Cố Nghĩa Nhân, chấm dứt chủ đề này.
"Chúng tôi đến để sắp xếp cho cô." Uyển Phong nói như vậy.
Không biết do năng lực bọn họ giỏi, hay có người của Phó Đồng Văn giúp đỡ, Thẩm Hề nhanh chóng xác định được ngôi trường mình sẽ theo học, cách ngày nhập học chỉ còn ba tháng. Uyển Phong trở thành gia sư riêng của cô, lo việc to việc nhỏ, đi đứng ăn mặc, giúp cô thích ứng với cuộc sống mới. Đến ngày nhập học vào mùa hè, Thẩm Hề đã quen mặc áo sơ mi ngắn tay và váy kiểu Tây.
Bức thư của Phó Đồng Văn cô luôn cất cẩn thận dưới gối, đêm trước khi nhập học, cô lấy hết dũng khí để hỏi Uyển Phong, tôi có thể viết thư cho Phó Đồng Văn không. Nói xong, Thẩm Hề nhận ra không ổn, bèn bổ sung thêm: "Để anh ấy gửi lại cho người nhà tôi."
Uyển Phong đương nhiên đồng ý: "Được chứ, nhưng thư từ qua lại mất rất nhiều thời gian, nếu như cô có kiên nhẫn."
Thẩm Hề gật đầu: "Tôi biết, ngày mùng một tháng một anh ấy gửi thư cho tôi, hạ tuần (2) tháng hai mới đến nơi."
(2) Hạ tuần: từ ngày 21 đến cuối tháng.
"Nhanh vậy à?" Uyển Phong kinh ngạc, "Không mất một năm là tốt lắm rồi đấy."
Uyển Phong đưa cho cô bút máy và mực.
Thẩm Hề đặt tờ giấy viết thư lên bàn, bàn tay nắm cây bút ngập ngừng trên mặt giấy rất lâu mới quen được với nó, cô gom góp tất cả những lời muốn nói với anh từ tận đáy lòng, đắn đo nửa canh giờ, hạ bút xuống nhưng viết ra đều là những chuyện vụn vặt. Cô nghĩ đây là nước Mỹ, trước kia anh ở nước Anh, viết nhiều những chuyện mình đã trải qua anh sẽ không cảm thấy buồn chán, dẫu sao chưa từng được trải nghiệm nên cảm thấy rất mới mẻ. Cô càng viết càng nhập tâm, thậm chí ngay cả hình dáng miếng chocolate đầu tiên cô thấy trong cuộc đời cũng miêu tả ở cuối thư. Còn thuận tay ghi chú: Trong đắng có chát, trong chát có ngọt.
Bức thư này cô viết đến tận khi trời sáng, rồi trịnh trọng gấp lại nhét vào trong phong thư.
Nhưng ngày hôm sau cô lại hối hận, vì gia cảnh sa sút, lúc mấy tuổi cô từ Quảng Đông được đưa về nhà cũ ở dưới quê, nên bây giờ cảm thấy những thứ ấy rất mới mẻ. Nhưng Phó Đồng Văn đâu giống thế, những vật này anh đã quá quen rồi.
Đến tháng mười hai vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào.
Thẩm Hề an ủi bản thân mình, chẳng qua cô tiếc nội dung trong mười ba bức thư mà thôi. Thời gian này cô từ một sinh viên hoàn toàn không theo kịp bài vở, đã bắt đầu nghe hiểu giáo sư đang giảng gì, cũng coi như là chuyện vui. Ngay cả Cố Nghĩa Nhân chỉ dùng một năm để học xong thạc sĩ cũng phải thán phục sự thông minh của Thẩm Hề: "Cô so với ch..." Uyển Phong một lần nữa ngắt lời Cố Nghĩa Nhân, hai người đều cười tỏ ý xin lỗi cô.
Thẩm Hề đoán, Cố Nghĩa Nhân muốn nói cô còn học nhanh hơn cả cậu tư Phó ư?
Tối nay, cô lại chong đèn viết một bức thư cho Phó Đồng Văn. Học theo thói quen của Phó Đồng Văn, cuối bức thư cô viết:
"Thẩm Hề.
Ngày hai mươi ba tháng mười hai."
Vừa đặt bút máy xuống, cô lại cầm lên bổ sung thêm mấy câu, nói với anh rằng, mình ở đây chưa được bao lâu, có một con thuyền rất nổi tiếng tên là Titanic bị đắm. Nó xuất phát từ nước Anh, điểm đến là nước Mỹ. Câu chuyện về con thuyền thoạt nhìn hoàn toàn không dính dấp gì tới hai người, nhưng trong lòng Thẩm Hề, bất cứ điều gì liên quan đến "nước Mỹ", "nước Anh", thì đều là sợi dây giữa anh và cô.
Như trước đây, phong thư được dán kín, gửi đi.
Thư lần này rất dày, bên trong là ba tờ báo cô sưu tập được: "New York Times", "New York Herald Tribune" và "New York Evening Post". Cô chọn môn báo chí do một vị giáo sư dạy bộ môn chính trị đề cử. Năm nay là năm tổng tuyển cử của Mỹ, vị giáo sư già của môn học ấy yêu cầu bọn họ phải theo sát tổng tuyển cử, viết tóm tắt tờ báo và báo cáo. Cô chọn môn này vì Phó Đồng Văn, bài tập được chép thành hai bản, một bản để nộp, một bản để lại gửi cho anh.
Chẳng lẽ đến khi cô học y xong, thư vẫn chưa tới nơi?
Hôm sau, khi đưa thư cho Uyển Phong, cô lại xác định lần nữa bức thư này sẽ thật sự được gửi đi phải không. Uyển Phong lập tức cam đoan, cô ấy không nhận được bất cứ lời "dặn dò" nào ngăn cản Thẩm Hề và Phó Đồng Văn qua lại thư từ, nói xong còn cười lấy thư gõ vào đầu cô: "Tôi đã nói rồi mà, ở nước ngoài biến động lớn, mấy thứ như thư từ thì còn phải tuỳ duyên."
Thẩm Hề vuốt trán, giải thích qua loa với Uyển Phong: "Viết một bức thư tốn sức lắm, bị mất thì thật đáng tiếc."
"Được rồi, tôi bảo đảm bức thư này sẽ đến tận nhà họ Phó. Còn một chuyện quan trọng nữa, ngày mai là Giáng sinh, tôi đưa cô đến nhà thầy giáo chơi." Uyển Phong nở nụ cười thần bí với cô.
Ngày lễ này Thẩm Hề đã từng nghe bạn cùng lớp nhắc tới, nhưng không quá để tâm, dẫu sao đây chỉ là ngày lễ của người dân ở đây. Hơn nữa theo như Uyển Phong nói, Phó Đồng Văn đoán những gia đình theo Cơ Đốc giáo sẽ vô cùng nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi vui vẻ tiếp đãi du học sinh đến từ Trung Quốc, nên đặc biệt căn dặn hai người họ cố gắng để Thẩm Hề tránh xa những người ấy. Để cô an tâm học hành. Nhưng Uyển Phong đã sống ở đây ba năm, ăn mừng lễ Giáng sinh từ lâu đã trở thành thói quen của cô.
Buổi tối Thẩm Hề cũng không có việc gì nên cùng cô ấy tham dự một bữa tiệc. Sau bữa tiệc là màn thú vị, chủ nhà mang một chiếc giỏ đầy ắp quà được tặng ra, mở từng món từng món. Trước khi đi, chủ nhà còn tặng cho Thẩm Hề và Uyển Phong một món quà, may mà Uyển Phong đã thay cô chuẩn bị quà tặng lại từ trước.
Đến nhà, hai người vui cười bóc quà ra, là hai tờ lịch rất tinh tế.
Thẩm Hề lật tờ lịch nhìn, Uyển Phong bỗng nhiên thò tay vào, lấy một món đồ được gói bằng sa tanh từ trong chăn bông ra.
Thẩm Hề mỉm cười, lấy bàn chân trần chà vào mu bàn chân Uyển Phong: "Có sạch không đấy? Mà giấu trong chỗ tôi ngủ?"
Uyển Phong lắc đầu, bùi ngùi: "Vượt biển tới đây, sao mà sạch được."
Thẩm Hề ngẩn người, tim đột nhiên vọt ra ngoài.
Uyển Phong cười nhẹ, giục cô: "Mau bóc ra đi."
Ngón tay chạm vào vải sa tanh, bóc ra, là một chiếc hộp gỗ dẹt và dài.
Gì đây? Hòm đựng thư ư? To như vậy sao?
Mở nắp hộp ra, bên trong là hai món đồ bọc bằng vải sa tanh, không có thư.
Thẩm Hề vội vã bóc ra, là chocolate và bút máy.
"Món này à, vừa nãy tôi còn nghe bạn cùng lớp nhắc tới," Uyển Phong nhanh như chớp cướp một miếng thử trước, thoả mãn chun mũi lại, rồi nhét một viên vào miệng cô, "Viên của cô vị gì thế? Bên trong có gì vậy?
"Hình như là đường...bơ đuờng."
Uyển Phong muốn ăn thêm nhưng bị Thẩm Hề cản lại: "Cô làm ơn đi, đừng ăn hết."
Uyển Phong cười rộ: "Được, được, vậy chúng ta xem cái này."
Cô nàng cầm cây bút lên, cẩn thận đọc những con chữ bên trên: Mont Blanc.
"Trời ạ, cây bút này đẹp quá." Uyển Phong túm lấy tay Thẩm Hề: "Cô làm người khác ngưỡng mộ lắm đấy Thẩm Hề à."
Thẩm Hề nắm lại tay cô ấy: "Thư đâu? Còn có thư nữa phải không?
Uyển Phong cười, đưa thư cho cô như dùng ảo thuật, còn rất thức thời kéo giầy lệt xệt đi ra khỏi phòng trước: "Thư nhà vạn lượng vàng, ai dám làm của riêng? Cứ từ từ đọc nhé."
Cô cắt phong thư, mở thư ra đọc.
Cách một năm, thư của anh vẫn kiệm chữ như vàng:
"Gửi em chocolate nhân mềm, là quà tặng của lãnh sự quán, loại mới của Bỉ, có thể trung hoà vị chát trong đắng. Bút máy cũng thế. Em đừng nhớ tôi, phải tự giữ gìn sức khỏe.
Phó Đồng Văn.
Ngày hai mươi tám tháng chín."