Thuyên xuống quê ở cùng ông bà khi cậu lên tám. Bố mẹ ngược xuôi làm ăn cũng vì thế không thể chăm sóc cậu chu đáo. Hai người lại không yên tâm giao phó cho người ngoài thế là đành gửi gắm cho ông bà ngoại Thuyên.
Ở trên thành phố tiện nghi bao nhiêu thì về quê lại thiếu thốn bấy nhiêu. Nhưng không như những đứa trẻ thành thị ở được dăm ba hôm lại khóc lóc đòi về, Thuyên rất thích ở đây. Cậu thích cái không khí trong lành mỗi sớm mai, không bị làm ồn bởi xe cộ, thích cái hương quê được gửi gắm qua từng món ăn, từng lời nói của con người nơi đây. Mọi thứ đều chân chất, đậm tình nghĩa xóm mà không phải lạnh lùng, vô cảm như thành phố.
Mỗi sáng, Thuyên đều tỉnh dậy rất sớm, cậu sẽ xuống bếp ngồi cạnh bếp lửa đang phừng phực cháy để xua đi cái lạnh lẽo của sương sớm bám vào người.
"Thuyên, nay con xuống dưới bến đón cô bán hàng giùm ngoại."
Thuyên dạ, cậu vội hơ lửa cho ấm hai tay rồi nhanh chân chạy xuống bến. Dưới quê, chuyện mua đồ hàng trên ghe vô cùng phổ biến. Người bán hàng sẽ bày đồ họ có như rau củ, thịt cá, mỗi thứ một ít và đôi khi sẽ có cả bữa sáng khoái khẩu của Thuyên nữa – bánh quẩy. Họ sẽ chạy ghe trên sông, mỗi sáng đều thế. Người muốn mua sẽ đứng dưới bến sông đợi và khi gặp sẽ gọi thật lớn tiếng để người bán biết mà cho ghe chạy vào.
"Cô ơi! Cô ơi!"
Thuyên vẫy tay khi trông thấy chiếc ghe với nhiều hàng trên đó, khi thấy ghe gần vào Thuyên đã chạy vội vào sân gọi bà ngoại, vì sợ ghe đi Thuyên lại vội vã chạy ra. Các hộ gần đó đã có người xuống bến nhà Thuyên để mua hàng, tiếng nói chuyện rôm rả khắp nơi.
Nay bà ngoại mua cá lóc và me chua thế là Thuyên biết ngay ngoại sẽ nấu canh chua vì cậu đã đòi ngoại nấu cho ăn vào hôm trước. Món canh chua ngoại nấu với đầy đủ hương vị quê nhà, chua chua của me, mùi hơm của ngò gai, bạc hà cùng các loại rau vườn ông ngoại hái. Nước canh chua ngọt vừa ăn, kèm với nước mắm cay nồng hương ớt khiến Thuyên có thể ăn liền ba bốn chén cơm mà không ngán.
Hôm nay không có bánh quẩy nên bà ngoại đã nướng cho Thuyên hai cái bánh phồng. Cậu cũng vui vẻ thỏa mãn. Ăn sáng xong, cậu theo ông ra vườn chơi còn bà ngoại làm cơm trước để hai ông cháu về sẽ có ăn.
Vườn trồng rất nhiều cây ăn trái được ông ngoại chăm bẵm rất tốt. Thuyên rất thích ăn sầu riêng, lại đúng mùa trổ quả nhưng trái chưa chín. Mỗi khi đi qua cây, ông đều bảo Thuyên chạy vội kẻo rụng trúng đầu thì khổ vì mùa mưa, trái nhỏ sẽ dễ rụng xuống đất. Thuyên sợ lắm, mỗi lần thấy cây sầu riêng trước mặt cậu đều ôm đầu và chạy thật nhanh.
Hôm qua ông thả nước vào ao nên hôm nay nước đã ngập lên, tạo thành từng vũng nước đọng trên đất. Thuyên rất thích nghịch nước, cậu để chân trần giẫm lên nước, cảm nhận sự mát lạnh truyền từ lòng bàn chân đến toàn thân. Mặc dù đôi lúc ông sẽ nhắc nhở nhưng Thuyên cứ mải mê mà quên mất lời ông nói.
Gần trưa, ông cũng đã tưới cây xong.
"Con khát nước không Thuyên, để ông chặt một trái dừa cho con hé?" Ông ngồi nghỉ mát, nhìn Thuyên hỏi.
Thuyên lắc đầu, cậu định chừa bụng để lát nữa ăn canh chua của bà ngoại. Nhìn đám bưởi đã trổ quả xanh, Thuyên quay sang hỏi ông mình.
"Năm nay được mùa không ngoại?"
Ông cười cười, tay vẫn không ngừng phe phẩy chiếc nón để tạo gió.
"Cũng đủ ăn thôi con."
Hai ông cháu cứ vậy ngồi dưới gốc dừa nghỉ mệt kế đến ông ngoại đi hái rau để nấu canh chua. Thuyên thích lắm, mặc dù ông bảo vào nhà trước nhưng cậu vẫn cứ bám theo ông.
Rau muống đồng cây nào cây nấy đều mập ú, tươi tốt. Ông ngoại thoăn thoắt ngắt rau, chẳng mấy chốc đã cầm một bó trên tay. Khi nãy ông có đem theo cái rổ đựng, vậy là ông đưa cho Thuyên bỏ vào đó. Ngoài rau muống, ông ngoại còn hái thêm loại rau khác mà khi Thuyên hỏi mới biết được đó là rau tai tượng và bông súng.
Trên thành phố Thuyên chỉ biết mỗi rau muống, mà rau không giống dưới quê. Thân nó gầy, màu xanh, lá dài và hẹp còn rau muống dưới quê thì ngược lại, nó màu tim tím, tán lá rộng và ngắn hơn. Lúc bố mẹ còn rảnh, mẹ cũng sẽ nấu canh chua cho Thuyên ăn nhưng nấu bằng chanh, thêm cà chua, rau giá và chỉ ăn kèm với rau muống. Mặc dù đã không nhớ rõ vị canh chua mẹ nấu nhưng Thuyên có thể khẳng định, canh chua ngoại nấu vẫn là tuyệt nhất.