"Thằng nhóc yếu đuối ẻo lả, khéo thùng nước cũng khiêng không nổi đâu!"
"Uầy, để ta hỏi xem. Nhóc có biết bồi bạn châm hương* hay đắp chăn làm ấm không?"
Trong một góc phố, dòng người tụ tập thành vòng xem trò vui, nhìn mấy kẻ lưu manh chỉ chỉ trỏ trỏ một thiếu niên ở phía đối diện. Thiếu niên ấy mặc đồ tang, vóc người gầy yếu, dáng dấp không đến mười ba mười bốn tuổi, tướng mạo lại có vài phần anh tuấn. Người đó đối mặt với châm chọc khiêu khích vẫn thẳng lưng mà đứng, đôi mắt rũ xuống nhìn mặt đất.
Thấy thiếu niên không để ý đến mình, mấy gã lưu manh bèn tức giận, gào to chuẩn bị đánh người, nhưng đúng vào lúc nắm tay giơ lên thì có một tiếng quát lớn truyền đến.
"To gan! Ai dám làm càn?"
Theo tiếng mà nhìn, người cất giọng hóa ra lại là quản sự của phủ Dung An Hầu, phía sau còn có một đội xe ngựa đi theo.
Hầu phủ là người mà dân chúng tầm thường không thể đắc tội, không chỉ đám lưu manh và cả những người vây xem trò vui cũng nhanh chóng tản đi.
Bốn phía hỗn loạn, thiếu niên đó vẫn thờ ơ im lặng chờ đoàn xe đi qua. Bỗng, quản sự bước đến đưa cho cậu một túi bạc, nói: "Hôm nay gặp được Hầu gia xem như là phúc của ngươi. Túi bạc này ngươi cầm chôn cất người thân đi, không cần bán thân nữa."
Thiếu niên không nhận, vừa cung kính vừa kiên định đáp: "Đa tạ ý tốt của Hầu gia, nhưng thảo dân là bán thân chôn cha, không phải ăn mày."
"Chớ có nói bậy, đây là phần thưởng của Hầu gia. Ngài tốt bụng cứu giúp, kẻ vô tri như ngươi đừng không biết tốt xấu."
Cậu nghiêng đầu nhìn về phía xe ngựa, thu hồi ánh mắt, nói: "Nếu đã muốn cứu giúp chi bằng để ta vào Hầu phủ làm trâu làm ngựa."
Quản sự hết cách chỉ đành cắn môi, lui về xe báo cáo.
Một lúc lâu sau, rèm xe được vén lên, người bên trong vịn tay gã sai vặt bước ra, chậm rãi tiến đến trước mặt thiếu niên.
Dung An Hầu Hứa Yến, nhân trung long phương, lang diễm độc tuyệt, thế vô kỳ nhị*. Đáng tiếc cơ thể không tốt, hàng năm đều phải dựa vào thuốc mà sống nên khuôn mặt của y vô cùng nhợt nhạt.
Y vừa xuống xe, một cơn gió lạnh thổi qua đã ho khan vài tiếng, đợi một lúc cho cơn ho dứt mới hướng về phía thiếu niên, dịu giọng hỏi: "Trong nhà ngươi còn mấy người?"
Vừa rồi thiếu niên không phải cố ý đối nghịch, chỉ là trời sinh tính cách quật cường, lại thêm tuổi trẻ khí thịnh, không muốn bị người khác xem là ăn mày mới nói ra câu đó. Cậu thật sự không ngờ một kẻ như cỏ dại như cậu lại có thể khiến cho một người đường đường là Dung An Hầu tự mình xuống xe đến hỏi.
Cậu được hỏi mà giật mình im lặng một khoảng thời gian, lúc sau mới ngập ngừng đáp: "Không, không còn ai nữa, chỉ còn một mình thảo dân."
Nghe vậy Hầu gia bèn thở dài, "Nếu đã vậy thì đến Hầu phủ đi, dù sao cũng tốt hơn một mình cô độc, không người nương tựa."
Thiếu niên không dám nhìn thẳng, quỳ xuống thi lễ, "Đạ tạ Hầu gia."
Hầu gia đỡ người đứng lên, hỏi: "Không cần đa lễ, ngươi tên gì?"
"Khí nô*."
"Sao lại đặt tên đó?" Hầu gia nhíu mày.
Cậu bình thường đã quen nghe cái tên đó nên từ đầu đã không thèm để ý, nhưng giờ phút này đứng trước mặt vị công tử tôn quý như ngọc này lại bỗng có chút ngại ngùng, giọng nói và đầu đều cúi thấp xuống.
"Họ nói tên khó nghe sẽ dễ nuôi hơn..."
Người nghèo khổ có thể nuôi sống một đứa nhỏ đã được xem là tốt rồi.
Không cần nói nhiều người nghe cũng hiểu, Hầu gia suy nghĩ một lúc rồi lên tiếng: "Tên này không được, vẫn nên sửa đi."
Thiếu niên rất có tự giác của kẻ bán thân, nhỏ giọng nói: "Thỉnh Hầu gia ban tên."
Hầu gia bị dáng vẻ nghe lời đó của thiếu niên chọc cười, khuôn mặt thay đổi thoáng lộ ra chút tùy ý, "Không đến mức ban tên đâu, nếu ngươi không chê thì ta có thể nghĩ giúp ngươi."
"Nhưng đặt tên không thể qua loa, vậy đi, trước tiên ngươi hãy chôn cất cha mình, sau đó đến Hầu phủ, có thể lúc đó ta đã nghĩ xong rồi."
Thế là quản sự đưa cho cậu tờ giấy bán thân để ký, sau đó giao cho cậu một túi bạc lớn.
Cậu biết túi bạc này đã vượt qua giá trị con người mình, chắc chắn đó là quyết định của Hầu gia, nhưng lúc này cậu không từ chối nữa mà lẳng lặng nhận lấy, đồng thời cũng thầm thề nguyện trong lòng, quyết tâm trung thành với Hầu gia cho đến chết.
Sau khi nhận được tiền thiếu niên bèn giải quyết tang lễ của cha, đợi khi mọi việc đã sắp xếp đâu ra đó lập tức đến Hầu phủ đợi lệnh.
Quản sự đưa người vào phủ, xuyên qua hành lang gấp khúc, trông thấy vị Hầu gia vẫn mày mũi tái nhợt như trước khoác áo ngồi dưới hiên.
Y đang viết chữ, bên cạnh là bếp lò nhỏ đang nổi lửa. Tiếng bước chân vang lên cũng là lúc y vừa dừng bút, y ngẩng đầu, mỉm cười với cậu, "Lại đây, không cần thỉnh an."
Cậu bèn lo lắng bước đến.
Ngón tay ngon dài cấm lấy trang giấy Tuyên Thành vẫn chưa khô mực, "Lần trước đã nói sẽ giúp ngươi chọn một cái tên, ngươi xem, hai chữ Hiệt Kính này thế nào?"
Ánh mắt cậu vô thức đuổi theo đầu ngón tay trắng nõn kia, sau khi tỉnh táo mới chợt nhận ra bản thân đáng chết, cuống quít đáp: "Hầu gia đặt tên tất nhiên là hay."
Hầu gia không chú ý đến sự khác thường của cậu, cười nói: "Được, vậy gọi là Hiệt Kính."
Thiếu niên rất hài lòng với cái tên mới của mình. Từ nay về sau, cậu chính là Hiệt Kính của phủ Dung An Hầu.
Tuy nói vào phủ làm công nhưng rõ ràng Hầu gia không hề có ý định để cậu làm bất kì việc nặng nào. Thực ra trong phủ cũng không có ai gọi là người hầu, bên người Hầu gia chỉ có hai người để sai bảo, mà hai người đó lại chỉ là hai nha hoàn nhỏ chưa đến tuổi trưởng thành, mỗi lần gặp cậu đều gọi tiếng "Hiệt Kính ca ca", vừa mềm mại vừa ngoan ngoãn. Theo như lời hai cô nói, cả hai đều được Hầu gia mua về, khi đó thiếu chút nữa hai nàng đã bị bán vào thanh lâu, là Hầu gia đã cứu hai người.
Hầu gia để cho cậu và hai nha hoàn nhỏ cùng theo tiên sinh học bài, y nói dù có thế nào thì đọc nhiều sách vẫn là cách tốt nhất. Không những thế, vì cậu là thân trai tráng mà Hầu gia còn thỉnh một sư phó đến dạy cậu võ nghệ, có thể nói là vô cùng có tâm.
Bản thân Hầu gia thân thể không khỏe, không thể hứng gió cũng không thể đứng lâu, y thường xuyên ngồi bên án thư, xuyên qua cửa sổ lẳng lặng nhìn thiếu niên luyện võ.
Cảm nhận được tầm mắt chăm chú quan sát, thiếu niên khẩn trương không thôi, càng luyện càng ra sức, mỗi một chiêu thức đều không sai chiêu nào. Không biết vì sao mà cậu luôn cảm thấy cậu luyện càng tốt thì ánh mắt Hầu gia lại càng thêm bi thương.
Vài năm sau cậu mới hiểu cảm xúc bi thương đó từ đâu mà đến.
Cậu xuất thân bình dân, chuyện triều đình không có hiểu biết. Mãi đến một ngày phó tướng và quản sự căm giận oán trách, nói trên triều có người lấy cớ thân thể Hầu gia không tốt không thể xuất quân lãnh binh, dâng tấu thỉnh cầu Hoàng thượng triệt tước vị của y.
"Sao lại có người lòng lang dạ sói như thế, chẳng lẽ họ đã quên Hầu gia vì sao mà sức khỏe không tốt chứ?"
Hóa ra là năm xưa Hầu gia dẫn binh đánh lui Hung Nô bị thương nghiêm trọng dẫn đến lưu lại bệnh căn, điều trị bao năm vẫn không hết, thái y nói y không thể cầm kiếm được nữa.
Ngày đó thiếu niên buồn bực không vui, hai nha hoàn đi ngang qua nghe được cậu nói: "Hầu gia tốt như vậy, sao lại có người không thích ngài?"
Nha hoàn nhỏ ngây thơ hỏi: "Ca cũng thích Hầu gia ạ? Chúng em cũng thích ngài ấy, muốn theo ngài ấy cả đời!"
Thiếu niên liếc mắt nhìn hai người một cái, lẩm bẩm, "Ta không giống hai muội."
Cậu thật sự thích Hầu gia. Song, cảm giác thích này không giống hai nha hoàn nhỏ xem Hầu gia như ca ca thân thiết trong nhà, mà là kiểu thích đến mức thường xuyên nằm mơ thấy người không nên thấy, làm chuyện không nên làm.
Cậu biết mình không nên như thế, nhưng cậu không thể khống chế chính mình, mơ ước một người không có khả năng.
Chú thích:
*Bầu bạn châm hương (红袖添香 - hồng tụ thiêm hương): "hồng tụ" tức chỉ thiếu nữ xinh đẹp, "hương" ở đây vừa có nghĩa là nhang cũng vừa có thể hiểu là mùi hương. Câu này được trích từ tác phẩm "Hoa Nguyệt Ngân" của Ngụy Tử An, ý nói thư sinh đọc sách mà có một người con gái bên cạnh bầu bạn thì hạnh phúc biết mấy, tạo nên khung cảnh thơ mộng và đẹp như tranh vẽ.
*Lang diễm độc tuyệt, thế vô kỳ nhị (郎艳独绝, 世无其二): Trích từ tác phẩm "Khúc Bạch Thạch Lang" của tác giả Quách Mậu Thiến. Chữ "Lang" ở đây tức chỉ Bạch Thạch Lang (hay còn gọi là Thủy thần trong truyền thuyết), khen y là người đẹp nhất thiên hạ, không có người nào sánh bằng.
*Khí nô (弃奴): Nô lệ bị bỏ rơi