Thang máy dừng lại ở tầng thứ 6 của căn chung cư mini. Khi Hoàng Bình Nguyên vừa bước ra thì chạm mặt với một người đang ôm quả bóng rổ, tay còn bá vai với cậu trai đứng bên cạnh. Người đối diện thấy cậu bước ra thì kéo người bạn lại, tránh sang một bên nhường đường, đôi mắt đối phương dán chặt lên khuôn mặt đeo khẩu trang của cậu, nhưng rồi cũng không nghĩ nhiều mà đi lướt qua.
Người đàn ông trung niên đi trước nhanh chóng dẫn cậu đến căn nhà ở phía cuối hành lang. Bác Đức Anh là anh trai của mẹ cậu. Có lẽ đến cậu cũng không thể nhớ ra được đã 6-7 năm chưa gặp lại ông vì năm Bình Nguyên lên lớp 5 thì nhà bác qua Mỹ sinh sống do tính chất công việc, vừa về cách đây một năm.
Hai người dừng trước phòng số 602, ông mở cửa bước vào. Cậu theo sau, tay ôm theo một thùng carton khá lớn. Đặt đồ lên bàn, nhìn quanh, đây là một căn hộ cũng không quá bé, có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và một ban công hướng ra sân tập thể. Tông màu trắng chủ đạo bao quát cả ngôi nhà khiến nó trở nên thật đơn điệu. Giữa căn phòng chỉ có một chiếc ghế sofa đủ cho hai người ngồi và một gỗ, còn lại cả căn phòng không hề có gì.
"Bình Nguyên, mẹ cháu gọi điện cho bác bảo công việc ở trong Nam có chút rắc rối nên tạm thời cô ấy chắc vẫn sẽ chưa thể về đây với cháu được. Có nhờ bác qua đây chăm sóc cháu. Nhà Bác ở khu nhà đối diện, từ đây có thể nhìn qua, nếu có việc gì thì có thể gọi cho bác để bác qua giúp. Còn đây là chìa khóa nhà mẹ cháu nhờ bác đưa."
Ông đưa cho cậu một chùm chìa khóa gồm chìa khóa nhà và một tờ giấy, nhắc:
"Đây là số điện thoại bàn của nhà bác và số cá nhân, có gì lưu lại để còn biết đường liên lạc."
"Vâng ạ."
"Một lát nữa bên vận chuyển mới mang tivi, giường với vật dụng tới, tầm 1 tiếng, còn bác Hà đang đi dạy trên trường nên chắc sẽ tới trễ, có gì hai bác cháu mình xuống dưới bê đồ lên sắp xếp trước."
"Dạ, vâng ạ."
Hai người chật vật cả buổi cũng mang được hết đống sách lên nhưng không xếp vội, đợi thêm 10 phút thì bên vận chuyển cũng mang đồ và nội thất do mẹ cậu đặt đến, lắp ráp cả một buổi mới xong.
Đồ của Bình Nguyên không có gì nhiều, chỉ có một thùng sách, hai thùng quần áo và một thùng đựng dụng cụ vẽ. Những cuốn sách đều được để ngăn nắp trên giá sách mới, những bộ quần áo được xếp gọn gàng cất vào tủ, những bức tranh sơn dầu xếp gọn lại vào một góc phòng. Sau cả một ngày, cả căn phòng đã trở về dáng vẻ quen thuộc trước kia. Lúc này tiếng chuông điện thoại chợt vang lên, cậu vội để lại đống chăn đang gấp dở rồi bắt máy. Đầu máy bên kia vang lên giọng nói nhẹ nhàng nhưng không kém phần nghiêm nghị.
"Alo, Nguyên à! Con đến nhà mới rồi đúng không? Thế nào, căn phòng cũng được đúng không?"
"Dạ, cũng tạm ạ"
"Vậy được rồi. Chắc tạm thời mẹ không thể về sớm với con được nên là con cố gắng sắp xếp thời gian biểu trong lúc mẹ không có nhà nhé. Gặp chuyện gì khó giải quyết thì nhắn tin cho mẹ, không thì có thể nói với bác Đức Anh hoặc bác Hà để tìm cách nhé. Tiền sinh hoạt mẹ có gửi vào tài khoản con rồi đấy, có gì mua đồ ăn với vật dụng cần thiết, thiếu thì nhắn cho mẹ để mẹ chuyển cho chứ đừng có mua sách với họa cụ nhiều rồi tiết kiệm ăn mì tôm, nghe chưa!"
"Vâng ạ! Mẹ ở trong đó cũng đừng tham công tiếc việc mà thức khuya tăng ca, không tốt."
"Biết rồi, ông cụ non ạ! Hôm nay chuyển nhà có vẻ mệt rồi, có gì ăn rồi nghỉ sớm đi nhé! Thôi mẹ cúp máy trước! Bye bye!"
"Bye bye!"
Dọn một hồi thì đến chập tối, chị Minh Anh- con gái lớn của bác Đức Anh tạt vào nhà cậu. Vừa bước vào nhà đã tay trái tay phải xách đầy những túi to túi bé. Nào là trái cây, rau củ, hành tỏi, đồ ăn vặt,... nhiều đến nỗi cậu nghĩ cái tủ nhà mình không để hết được.
"Ôi, cái lưng già của chị! Lại đỡ cho chị với!"
Cậu vội vàng đỡ từng túi xuống một, để lên bàn, nhanh tay rót cốc nước đưa cho cô. Chị Minh Anh hiện tại đã 23 tuổi nhưng đã là một luật sư doanh nghiệp có tiếng của miền Bắc. Trong trí nhớ thì cô là người để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong gia đình nhà bác. Ngày xưa khi gia đình không có điều kiện như bây giờ nên hai gia đình sống chung trong một căn nhà đất 4 tầng cùng với ông bà, nhà bác sống tầng trên, nhà cậu sống tầng dưới còn ông bà ở tầng một. Ngày nào đi học về cô cũng dúi vào tay cậu và người anh họ mỗi người một viên kẹo vị chanh chua chua ngọt ngọt, cũng vì thế mà cả hai năm mầm non răng cậu sâu đến nỗi ngày nào đến lớp cũng bị bạn chọc là 'móm'.
"Ây dzô, thằng nhóc này dạo này cao quá vậy, cao hơn cả chị rồi này! Dạo này còn ăn kẹo nữa không vậy hả?!?!". Cô lại bắt đầu chọc cậu.
"Xin lỗi đi, những năm gần đây em ít khi ăn kẹo nên không còn 'móm răng' nữa rồi nhé. Còn về chiều cao chắc không phải em cao đâu, là do chị lùn quá đấy.". Cậu hiện tại chỉ cao có 1m67, so với các bạn nam trong lớp cũng chỉ nằm ở tầm trung trung, không tính là cao lắm, chỉ có thể nói là khá.
"Gen của cô An cũng mạnh quá rồi đấy, bố coi con nói có đúng không? Nhìn đi, mặt thằng bé càng lớn càng giống cô đến từng centimet, có phải đến lúc trưởng thành cũng sẽ xinh như vậy không?!?!"
Minh Anh chăm chú nhìn vào khuôn mặt cậu, nhìn kĩ đến nỗi cậu phải đỏ cả mang tai. Đúng như chị ấy nói, mẹ cậu là một người phụ nữ thường được mọi người khen là một người phụ nữ mang nét đẹp thanh tú nhưng không kém phần mạnh mẽ và sắc sảo. Ông ngoại cũng kể ngày xưa có rất nhiều người đàn ông trong làng đến hỏi cưới mẹ nhưng mẹ chẳng ưng ai. Mẹ bảo tìm được tình yêu đích thực cho bản thân mình nên ông cũng chẳng nói nữa.
"Con còn trêu nữa là mặt Nguyên nó sẽ nóng ở nhiệt độ 100 mất." Ông vừa ngồi lắp nốt chiếc đồng hồ vừa quay sang cười cười, tán đồng với con gái. Chị Minh Anh quay sang nhìn cậu thì mặt Bình Nguyên đã đỏ hết cả lên rồi, da cậu rất trắng nên mỗi lần đỏ mặt thường nhìn rất rõ. Được thời cơ, cô lại quay sang trêu cậu tiếp. Đến khi đồng hồ được lắp xong thì cũng đã hơn 8 giờ hơn, bác Đức Anh có ngỏ ý bảo cậu qua nhà mình ăn cơm, đang định từ chối thì Minh Anh đã lôi cậu đi, còn nói:
"Chị em trong nhà ngại cái gì mà ngại, qua nhà chị cũng có ai ăn thịt em đâu mà sợ. Mẹ chị nấu ăn ngon số dzách đấy, đảm bảo ăn xong là nghiền!" Cô vừa đi vừa mải mê nói về những món mà mẹ cô nấu cho ăn, nào là thịt kho tàu rồi sườn rán, bò kho,...càng nghĩ tốc độ đi của cô càng nhanh hơn, hai người đi trước, bác Đức Anh khóa cửa lại rồi theo sau.
Vì là một khu tập thể nên nhà cậu cách nhà bác có chưa đến 200 mét là đến, chỉ cần đi qua một khoảng sân là tới nơi. Nhà bác Đức Anh là một căn nhà đất hai tầng cũng khá rộng. Vừa vào trong nhà thì mùi nem rán đã bay khắp nhà, thơm đến mức bụng Bình Nguyên phải réo lên. Người ra chào đón họ là người anh họ hơn cậu một tuổi, học cùng với cậu ở ngôi trường sắp vào học, trường trung học phổ thông A, cách đây không xa. Vừa thấy cậu thì anh đã hoan nghênh:
"Mẹ ơi, Bình Nguyên tới rồi, chúng ta dọn cơm thôi!" Xong quay sang nhìn cậu cười. " Vào nhà đi em, cứ tự nhiên nhé!"
Cậu mỉm cười thân thiện dạ rồi bước vào trong. Từ trong bếp thấy bác Hà bước ra với chiếc tạp dề mặc trên người và tay phải cầm chiếc muôi múc canh, mỉm cười với cậu.
"Cháu chào bác ạ, làm phiền bác quá!" Cậu nói.
"Phiền gì nào. Có phải đói lắm rồi đúng không, vào ăn đi cháu. Đức vào dọn bát đi để ăn cơm luôn!"
Bác Hà- một giáo viên dạy văn của trường trung học cơ sở A, là một giáo viên dạy văn dịu dàng nhưng cũng rất nghiêm khắc, một người phụ nữ đã dành trọn hơn 12 năm cho nghề giáo. Bác Hà nhanh chóng gọi cậu vào ăn, một bữa cơm diễn ra rất yên bình và vui vẻ. Đúng là chị Minh Anh nói không sai, các món bác Hà làm đều rất ngon, nem rán truyền thống có thêm cua bể, cá chép rán sốt cà chua và canh cải thìa, món nào cũng ngon ở mức xuất sắc không thể chê chỗ nào.
Ăn xong, cậu với Minh Anh, hai người tranh nhau rửa bát, cuối cùng cả hai bị Đức cho ra ngoài dọn bàn ăn. Ngồi chơi ăn uống đến 9 giờ hơn thì cậu xin phép ra về. Bác Hà với bác Đức Anh định đưa cậu về tận nhà nhưng cậu khéo từ chối, lấy viện cớ tối rồi, sợ hai người ra sẽ bị cảm nên cảm ơn vì đã giúp đỡ trong ngày hôm nay và bữa ăn. Trước khi về, chị Minh Anh có đưa cho một mẩu giấy ghi số điện thoại của mình và Minh Đức, nói nếu có chuyện gì có thể gọi cho hai người, phòng khi hai bác không thể nghe máy. Cậu vâng dạ rồi ra về.
Chậm rãi rải bước trên sân, từng đợt gió nhẹ thổi qua khiến đầu óc cậu thấy thư giãn đến lạ kì. Những tiếng ve kêu râm ran thêm vào đó là tiếng lá cây xào xạc thỉnh thoảng lại tạo thành một khúc nhạc hay nhờ gió. Hai thứ âm thanh đó hòa lại với nhau, tạo thành một thứ âm thanh du dương, khi trầm khi bỗng, nghe rất vui tai. Những ông lão ngồi túm tụm lại với nhau quanh chiếc bàn đá đã cũ, đăm chiêu suy nghĩ nước cờ. Những bà lão cũng tụm thành một hội, bật bản nhạc quảng trường sôi động lên, vừa nhảy theo nhịp vừa nói chuyện rôm rả.
Mọi thứ xảy ra ở đây diễn ra giống y như con xóm nhỏ ngày xưa khi cậu còn sống ở Hải Phòng, khi vẫn còn là một cậu nhóc vô lo vô nghĩ, khi cha mẹ vẫn còn sống với nhau, vẫn là một gia đình êm ấm đích thức.
Mọi thứ chợt bị cắt ngang khi cậu nhìn thấy một chiếc xe đạp rẽ từ con ngõ nhỏ đi vào khu tập thể. Một cậu nam với mái tóc húi cua thoạt nhìn rất nhanh nhẹn và năng động. Cậu ta phanh chiếc xe đạp cũ kĩ của mình lại khiến nó kêu 'kíttt' một cái nghe rất chói tai, dắt chiếc xe vào trong nhà gửi xe tập thể, nhanh nhảu chào:
"Cháu chào bác Năm!". Đối diện với cậu ta là một người đàn ông đứng tuổi, nhìn có vẻ xêm xêm tuổi ông ngoại Bình Nguyên, nhìn khá nhân hậu và dễ gần. Thấy bác Đức Anh bảo ông là người chịu trách nhiệm cho việc khóa nhà xe với công khu tập thể nên có thể thường xuyên nhìn thấy ông ấy.
"Khánh Minh về rồi hả cháu? Dắt xe vào đi, nhớ khóa xe cẩn thận đấy! Hôm qua thằng Khánh nhà cô Linh suýt bị cuỗm mất con xe mới mua. Giờ trộm cắp hoành hành khắp nơi ghê quá."
"Vâng ạ, cháu biết rồi! Cháu cảm ơn!". Cậu bạn tên Khánh Minh kia với lấy khóa xe vòng qua cái cột chống cạnh đó.
Hai người bắt gặp nhau khi đi vào trong sảnh tòa nhà. Bốn mắt nhìn nhau.