Tình cũ thời ám ảnh. Người tình là câu chuyện ám ảnh mà Marguerite Duras đã như gói ghém quá khứ của mình, môt thiếu nữ lớn lên ở xứ Đông Dương những năm 1930.
Đoạt giải thưởng Goncourt 1984, kiệt tác Người tình của M.Duras, một trong những gương mặt quan trọng nhất của văn chương Pháp, là một best-seller quốc tế, đã bán trên 2.4 triệu bản, được dịch ở 36 quốc gia. Người tình được coi là niềm tự hào của văn học Pháp, được các nhà phê bình trên toàn thế giới ca ngợi, kể từ khi xuất hiện vào năm 1984.
“Cần phải đọc những đoạn hay nhất trong Người tình cho cao giọng. Ta sẽ cảm nhận được tốt hơn nhịp điệu, sự nhấn nhá, cái hơi thở thầm kín của văn xuôi, những bí mật tinh tế của nhà văn. Ngay từ những dòng đầu tiên của truyện đã rạng ngời nghệ thuật và tài khéo của Duras, sự tự do của bà, sự thách thức của bà, những cuộc chinh phục suốt ba mươi năm để đạt đến việc viết được cái ngôn ngữ dịu nhẹ, trung tính, gấp gáp và cả ám ảnh này nữa, cái ngôn ngữ có khả năng nắm bắt tất cả các sắc thái, và đuổi kịp tốc độ chính xác của suy nghĩ và những hình ảnh. Một chủ nghĩa hiện thực cực điểm (ta nhìn được dòng sông; ta nghe thấy những âm thanh của Chợ Lớn sau lớp cửa chớp trong căn hộ độc thân của anh chàng người Hoa), và cùng lúc là một dạng của giấc mơ được đánh thức, của cuộc sống được mơ mộng, một ác mộng của cuộc đời: loại văn xuôi không giống bất kỳ nơi đâu này có được một hiệu quả tuyệt diệu. Sự hiện đại, sự chân thực và những độc đáo của nó đều phi thời, ở ngoài mọi phong cách, mọi kiểu mẫu.” - Francois Nourissier
Marguerite Duras (4.4.1914 - 3.3.1996) là nữ văn sĩ và đạo diễn nổi tiếng của Pháp. Bà sinh tại Gia Định, Sài Gòn, thuộc Đông Pháp cũ, nay là Việt Nam. Bố của Marguerite sau khi bị ốm đã quay về Pháp và chết, để lại vợ và ba đứa con sống trong cảnh nghèo túng ở thuộc địa. Cuộc sống khó khăn này đã ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm của Marguerite Duras về sau này, như: Đập ngăn Thái Bình Dương, Người tình, Người tình Hoa bắc...
Marguerite Duras là tác giả của nhiều tiểu thuyết, kịch, phim? trong đó nổi bật là tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện Người tình (1984). Tác phẩm đã đoạt giải thưởng văn học Concourt năm 1984 và là tiểu thuyết bán chạy nhất của tác giả. Bộ phim dựa trên tác phẩm Người tình do Claude Berri sản xuất cũng gặt hái được thành công vang dội năm 1992.
“Mạnh mẽ, độc đáo, và mười phần toàn vẹn… không tì vết. ” – New York Times Book Review
“Duras cố gắng hoà trộn những viễn cảnh dường như khó mà hoà hợp của sự tự thú với sự khách quan, của thơ ca trữ tình với tiểu thuyết mới. Những câu chữ chầm chậm ngụ lại trong tâm trí độc giả cho đến khi chúng nổ bùng với tất cả sức mạnh của tình cảm và suy nghĩ đã nóng chảy – cái sức mạnh của suy tưởng siêu hình về những ngang trái của lòng người.” – New York Times
“Một tiểu thuyết đầy dư ba, sống động… một tác phẩm nghệ thuật chói sáng” – Cleveland Plain Dealer
“Tất cả cuộc sống là ở đây… những cái nhìn về ái tình và lòng ghét mà tôi chưa bao giờ được đọc. Làm sao một thú nhẹ tênh nhẹ bỗng như thế lại có thể trở thành hơn cả hiện thực? Cái đó, tôi chỉ có thể đoán định, chính là biểu hiện của thiên tài văn học.” – Fay Weldon
“Một tiểu thuyết tinh tế như châu ngọc, đa diện lấp lánh như kim cương, nhẵn liền và tao nhã như ngọc trai.” – Boston Herald
“Một tác phẩm độc đáo và toàn vẹn đã duy trì được sự cân bằng tuyệt diệu và đáng ngợi ca giữa chủ nghĩa hình thức và hiệu quả xúc cảm mãnh liệt.” – Diane Johnson, New York Times Book Review
“Ngay từ cuộc gặp gỡ trên con phà qua sông Mê Kông, người ta đã cảm nhận được sự cuốn hút thể xác và mối quan hệ mê đắm sau đó, mối quan hệ vừa gấp gáp vừa chậm rãi như những con nước của dòng chảy dục vọng. Một chuyện tình vừa phi thực vừa tuyệt diệu. Người tình là một bức hoạ về những cảm xúc yêu đương, những trang viết của nó ngập tràn một mối tình thuần tuý và trọn vẹn. Cuốn truyện đem lại thành công lớn lao xứng đáng cho Marguerite Duras” – Florent Mozzolen
“Ám ảnh và đẹp đẽ, Người tình cho ta khám phá một tượng đài của văn chương Pháp trong sự thầm kín khêu gợi nhất của nó” – David Rault
Một hôm, khi tôi đã luống tuổi, tại đại sảnh của một nơi công cộng, một người đàn ông bước đến gần tôi. Ông ta tự giới thiệu rồi nói với tôi: “Tôi biết bà đã từ lâu rồi. Ai cũng bảo hồi trẻ bà đẹp lắm, tôi đến để nói với bà rằng riêng tôi thì thấy bây giờ bà đẹp hơn lúc trẻ, tôi không thích gương mặt bà hồi trẻ bằng gương mặt bà bây giờ, tàn tạ.”
Tôi thường nghĩ đến cái hình ảnh mà chỉ mình tôi còn thấy và tôi không bao giờ nhắc đến ấy. Nó vẫn luôn hiện diện, vẫn lặng lẽ như thế, vẫn khiến phải sững sờ. Trong tất cả các hình ảnh về bản thân, đó là hình ảnh làm tôi hài lòng nhất, ở đó tôi nhận ra mình, ở đó tôi hoan hỉ.
Rất nhanh chóng, trong đời tôi, mọi thứ đã trở nên quá muộn màng. Mười tám tuổi mà mọi thứ đã là quá muộn. Từ mười tám đến hai mươi tuổi, nét mặt tôi thay đổi theo một hướng bất ngờ. Mười tám tuổi tôi đã già đi. Tôi chẳng rõ có phải ai cũng như vậy không, tôi chưa bao giờ hỏi cả. Hình như tôi đã từng nghe nói đến một sự già nua đôi khi ập đến với ta vào những tháng năm trẻ trung nhất, huy hoàng nhất của cuộc đời. Sự lão hóa này thật đột ngột. Tôi thấy nó lấn dần từng đường nét của tôi, nó thay đổi tương quan giữa những đường nét đó, nó làm cho cặp mắt to hơn, ánh mắt buồn bã hơn, khuôn miệng dứt khoát hơn, và nó để lại trên vầng trán những vết hằn sâu. Chẳng những không hoảng sợ vì điều này, tôi lại dõi theo việc gương mặt mình già đi với một sự hào hứng như thái độ mà tôi có thể có khi đọc sách chẳng hạn. Tôi cũng biết rằng tôi không lầm, rằng đến một ngày quá trình già hóa ấy sẽ chậm đi và trở lại với nhịp độ bình thường của nó. Những người từng biết trôi năm mười bảy tuổi, trong chuyến đi về Pháp của tôi, đều sửng sốt khi gặp lại tôi hai năm sau, ở tuổi mười chín. Gương mặt mới ấy, tôi đã giữ lại. Đó là gương mặt của tôi. Đương nhiên nó còn già thêm, nhưng tương đối ít so với mức đáng ra phải có. Tôi có một gương mặt tả tơi bởi những nếp nhăn khắc khổ và hằn sâu, với làn da nhàu nát. Nó không bị tàn tạ hẳn như một vài gương mặt vốn dĩ thanh tú, nó vẫn giữ nguyên những đường nét trước đây nhưng chất liệu của nó đã bị hủy hoại. Tôi có gương mặt đã bị hủy hoại.
Để tôi nói thêm với bạn, lúc này tôi mười lăm tuổi rưỡi.
Đó là một chuyến phà qua sông Mê Kông.
Hình ảnh ấy được duy trì trong suốt chuyến qua sông.
Tôi mười lăm tuổi rưỡi, xứ sở này không có bốn màu, chúng tôi sống trong một mùa duy nhất, nóng nực, đơn điệu, chúng tôi sống trên một miền đất nóng nực trải dài, không có mùa xuân, không có sự hồi sinh.