Lãnh đạm xa cách, thanh lãnh như mưa thu, đó là cảm nhận của tôi về Đỗ Đạt, tựa như từng đường thêu tỉ mỉ trên chiếc trường bào màu xanh anh ta mặc, một màu xanh thanh thoát, không khát cầu.
Anh ta gọi tôi, trà.
Phải rồi, anh ta không cần gọi tên tôi, chỉ cần kêu lên ‘trà’ hay ‘nghiên mực’; cho dù anh ta lười nhác tới mức chẳng thèm quay đầu thì tôi đã phải hốt hoảng ba chân bốn cẳng dâng đến tận miệng anh ta.
Đã biết bao lần tôi rất muốn nói cho anh ta, rằng tôi cũng có một cái tên rất đẹp, là Thủy Sắc.
Song, cũng biết bao lần, cái chuyện cỏn con chỉ bé bằng con muỗi này lại giống như trăm mối tơ nhện ngổn ngang vây chặt lấy cổ họng tôi, khiến tôi chẳng thể thốt nên lời.
Trước mặt anh ta, bộ dạng phục tùng và cúi đầu của tôi đã trở thành biểu cảm duy nhất.
Chủ nhân nói, Thủy Sắc à, cô là cô gái sạch sẽ nhất trong Chu gia, nên khi Đỗ công tử đến cô phải làm tì nữ bưng trà cho ngài ấy.
Sạch sẽ ư? Là cơ thể của tôi? Lối tư duy? Hay chỉ đơn thuần là tay chân sạch sẽ? Trong thời thế loạn lạc này, khi mà máu nhuốm đỏ ngọn cây, nước mắt đẫm trong hoan lạc, còn có gì tinh khiết nữa chứ? Có lẽ, nói sạch sẽ chỉ vì tôi ít lời, sẽ không làm kế hoạch của ông ta xuất hiện chuyện ngoài ý muốn, giúp ông ta mượn sức Đỗ Đạt, soán ngôi vua, đánh thẳng vào kinh thành.
Mà tôi, cũng chỉ là một quân cờ bé nhỏ trong tay ông ta.
Dĩ nhiên, khi Đỗ Đạt bước vào Chu gia đại viện thì sẽ có người chuyên môn hầu hạ lấy lòng mê hoặc anh ta, đòn sát thủ của chủ nhân không phải là tôi – một tì nữ không diễm lệ cũng chẳng phong tình.
Nhưng khi trông thấy Đỗ Đạt, cả đất trời dường như sụp đổ!
Trong đám người chắp tay cung kính, không ai mảy may để ý tới tiếng tim đập như muốn nứt vỡ của tôi. Khoảnh khắc đó, tôi giống như con cá mắc cạn vẫy vùng trong miền kí ức, những mong tìm được sông ‘Vong Xuyên’ trong truyền thuyết, gắng quên đi ánh mắt của anh ta lúc ban sơ.
(Trong quan niệm người phương đông, khi chết linh hồn người ta sẽ đi qua cầu Nại Hà bắc trên sông Vong Xuyên rồi đầu thai qua kiếp khác, quên hết chuyện kiếp này – chú thích của editor.)
Anh ta là một nam tử yếu ớt, ít nhất sắc mặt của anh ta thể hiện như vậy. Cằm hơi nổi mạch máu màu xanh, trong sắc liễu mùa thu tiêu điều, tôi như chợt thấy bóng chim Trả xanh mướt bay lượn giữa trời xuân.
Chủ nhân ra tận cửa đón, cả đoạn đường ân cần hỏi han giống như huynh đệ ruột thịt bị thất lạc nhiều năm vậy, còn Đỗ Đạt từ đầu đến cuối vẫn lạnh nhạt thờ ơ.
Nam nhân chơi đùa, tôi âm thầm đứng ngoài mái hiên, lòng đau thương chẳng hay mặt trời ban trưa đang đứng bóng.
Tiệc rượu kết thúc, Đỗ Đạt cũng không tắm rửa, mặc nguyên áo rồi ngủ.
Gia đinh đỡ anh ta vào phòng, cả người anh ta nồng nặc mùi rượu Đỗ Khang, hơi men tràn ngập lấn át hương thơm tản ra từ chiếc lư hương tím đậm. Anh ta nửa tỉnh nửa mê nhìn tôi một cái, vô cùng lãnh đạm, sau đó ngã xuống giường.
Giữa căn phòng trống trải, chỉ mình tôi đứng bơ vơ, trong tay còn cầm chiếc khăn ấm vừa mang tới.
Hôm sau anh ta tỉnh lại, từ đầu tiên nói chỉ là, nước.
Trong khoảnh khắc, tôi như nghe thấy anh ta đang gọi tên mình, Thủy Sắc. (Nước, tiếng Hoa cũng là Thủy)
Trong biển ái tình, nếu như nữ tử rơi vào ngẩn ngơ, thì ra đó là dấu hiệu trái tim thảng thốt nhưng khi ấy tôi chẳng hay biết.
Bưng nước đến trước mặt anh ta, anh ta nhìn tôi một cái, lại nhìn ly nước trên tay tôi, chợt bật cười một tiếng, nói, đêm qua khiến cô nương chê cười rồi.
Lần đầu tiên anh ta lộ ra vẻ tươi cười, ánh mắt lấp lánh như sao đêm được mùa xuân sưởi ấm. Tôi ngẩn ngơ nhìn, chào một tiếng, lại không biết nên nói gì thêm, tôi biết khi đó giọng nói của tôi run rẩy rối loạn tới cỡ nào. Quay người mở cửa sổ ra, bên đình thắm đỏ đối diện có một bóng người mềm mại yêu kiều, vũ cơ Ngưng Yên được chủ nhân sủng ái nhất mặc y phục màu đỏ rực rỡ, ánh mắt lả lướt.
Âm mưu của chủ nhân đúng là nhanh thật, vừa thỏa đáng lại kín đáo.
Nam nhân tranh đấu, nữ nhân lúc nào cũng là lợi thế lớn nhất. Như vậy trong bữa tiệc ca múa đêm qua, tay áo như nước, vòng eo uốn lượn, từng cái liếc mắt kiều mị của Ngưng Yên chắc là đã sớm câu hết ba hồn bảy vía của Đỗ Đạt rồi.
Nhưng sao tim lại đau đến vậy?