Gia đình Darling sống ở số nhà 14 và cho tới khi Wendy ra đời, bà Darling là nữ chủ nhân tuyệt đối trong nhà. Bà là một thiếu phụ duyên dáng, tâm hồn lãng mạn với một nét nhăn hơi giễu cợt nơi khoé miệng. Tâm hồn bà cũng tựa như các loại hộp đồ chơi phương Đông bí ẩn đối với chúng ta - bạn cứ thử mở hộp, thế là lại thấy ngay một chiếc hộp bé hơn nằm trong. Và trên khoé môi hơi giễu cợt của mẹ phảng phất một nụ hôn mà Wendy chẳng bao giờ hái được, dù nó vẫn đậu chếch trên khóe miệng phải.
Còn ông Darling đã chinh phục bà Darling bằng cách như sau: lúc bà còn là một thiếu nữ, tất cả các chàng thanh niên đồng thời phát hiện rằng mình mê cô gái và đều bổ nhào đến xin cưới nàng làm vợ. Riêng ông Darling nhanh chân hơn hết thảy, đã nhảy lên một chiếc xe ngựa và chiếm chỗ đầu tiên. Chàng được nàng trao cả trái tim, trừ chiếc hộp nhỏ nhất và nụ hôn. Về chuyện chiếc hộp thì ông không bao giờ đoán ra, còn về nụ hôn thì mãi rồi ông cũng đành thôi không cố thử nữa. Wendy cho rằng nếu ba là hoàng đế Napôlêông thì mẹ sẽ xiêu lòng nhưng tôi có thể tưởng tượng ra là kể cả ông vua đó, cứ cố mãi cuối cùng cũng phải phát cáu, bỏ cuộc ra đi sau khi sập cửa cái rầm.
Ông Darling sẵn lòng giải thích trước mặt Wendy rằng không những mẹ yêu ba mà còn tôn trọng ba. Ông là một nhà thông thái rất rành về sự tăng giảm trên thị trường chứng khoán. Tất nhiên chẳng ai hiểu gì nhiều về những vấn đề tài chính đó cả nhưng ông thì tỏ ra đặc biệt sành sỏi và cách ông tuyên bố rằng cổ phiếu này đang lên hoặc trái phiếu kia đang sụt giá khiến phụ nữ kính trọng vô cùng.
Ngày cưới bà Darling bận đồ trắng và sau khi cưới, bà thích thú lập và theo dõi sổ chi tiêu gia đình một cách thật hoàn hảo, coi như một trò chơi, đến một cây cải Bruých - xen bé xúi cũng không lọt khỏi sổ. Nhưng rồi chẳng bao lâu, bảng chi tiêu bỏ qua cả từng cây súp lơ to đùng và được thay bằng hình vẽ các em bé không có mặt. Đáng ra phải cộng các khoản chi, bà Darling lại ngồi vẽ. Điều này cũng hợp với một số hy vọng của bà.
Wendy sinh ra đầu tiên, rồi đến John, và sau cùng là Michael.
Một hoặc hai tuần lễ sau ngày sinh Wendy, ba mẹ tự hỏi không biết liệu họ có nuôi nổi bé không vì gia đình nay có thêm một miệng ăn. Ông Darling rất tự hào về cô con gái mới sinh, nhưng là người trọng danh dự, ông ngồi bên đầu giường vợ, cầm tay bà và bắt đầu tính toán các khoản chi tương lai trong khi bà nhìn ông với ánh mắt khẩn khoản. Bà quyết tâm gánh chịu mọi rủi ro nhưng dường như ông không cùng quan điểm với bà. Tay giấy tay bút, ông liệt kê ra các con tính và mỗi khi bà ngắt lời ông, ông lại phải bắt đầu từ đầu.
- Em ơi, em đừng có làm anh sốt ruột - Ông xin. Đây anh có một livrơ mười bảy xu và còn hai livrơ sáu xu ở văn phòng anh nữa, anh có thể bỏ bữa cà phê sáng, coi như bớt được mười siling, thế là ra hai livrơ chín siling và sáu xu, em còn mười tám siling và ba xu, vị chi là còn ba livrơ chín siling. Con cựa quậy kìa. Rồi... Tám livrơ chín siling bảy, phẩy và anh nhớ bảy. Xin em, em yêu, rồi còn một livrơ em cho cái anh chàng đến xin nhà ta nữa, này, bé ơi, phẩy và anh nhớ bé sang... Này em làm anh nhầm loạn lên rồi. Anh bảo gì nhỉ, chín, chín, bảy? Xong rồi, vấn đề là ở chố liệu ta có thể sống một năm với chín livrơ, chín siling và bảy xu không?
- Được chứ kìa George - Bà thốt lên, bụng thầm biết rằng bá quá yêu Wendy nên chẳng thể nào khách quan được.
- Em phải nhớ là còn bệnh quai bị nữa, ông bật ra. Quai bị: một livrơ, anh ghi thế thôi chứ thực ra có khi đến gần ba mươi siling đấy, em đừng cãi, sởi, một livrơ năm xu, bạch hầu, mười siling sáu xu, là ra hai livrơ mười lăm siling sáu xu, em đừng có giơ ngón tay lên thế! Còn ho gà, coi như là mười lăm siling đi.
Danh sách ngày càng dài ra và tổng số chẳng lúc nào giống nhau. Cuối cùng, Wendy may mắn thoát nhờ giảm chi phí quai bị xuống còn mười hai siling sáu và hai căn bệnh lây lan kia được quy kết về một bệnh mà thôi.
Lúc John ra đời, một cuộc tranh luận tương tự cũng diễn ra còn Michael cũng thoát trong gang tấc. Cả ba chị em đều được giữ lại nuôi và chẳng mấy chốc các bạn có thể gặp cả ba đứa nhỏ nối hàng đến vườn trẻ nhà cô Fulsom, đi cùng nhũ mẫu.
Bà Darling rất tôn trọng hình thức và ông Darling cương quyết không để mình khác gì so với hàng xóm láng giềng, vậy nên họ có nhũ mẫu cho trẻ. Và vì họ nghèo, bọn trẻ uống nhiều sữa quá, họ bèn chọn một cô chó giống tecnơp khá trịnh trọng vốn chẳng thuộc về ai cả trước khi được nhà Darling tuyển vào. Cô chó này tuy vậy rất yêu trẻ nhỏ và nhà Darling làm quen với cô ta tại vườn Kenshington nơi cô ta suốt ngày nhìn ngắm lũ trẻ nằm trong nôi đến đó chơi. Các chị bảo mẫu hay lơ đễnh với trẻ nhỏ không ưa cô chó này lắm vì cô ta có thể theo họ đến tận nhà để phàn nàn với gia chủ.
Trong vai trò người bảo mẫu, Nana tỏ ra thật xuất sắc. Nhắc bọn trẻ đi tắm rất đúng giờ, hơi có tiếng o oe là Nana nhảy bổ đến ngay bất kể vào giờ nào trong đêm. Và tất nhiên, chuồng của Nana cũng đặt trong buồng trẻ em. Nana rất tài trong việc phân biệt đâu là tiếng ho gió đâu là viêm họng cần cho trẻ em quấn thêm một chiếc tất len quanh cổ. Nó tin tưởng vào các phương pháp cổ truyền như lá cây bạc hà chua để chữa ho và lầu nhầu khinh miệt mỗi khi nghe nói đến các học thuyết thời thượng về vi trùng, vi khuẩn hoặc các trò dớ dẩn tương tự. Khi đưa bọn trẻ đi học, Nana quả là một mẫu mực về cư xử, bước đi đều đặn bên chúng khi chúng ngoan và la rầy mỗi khi bọn trẻ cãi cọ nhau trên đường. Những ngày John chơi bóng đá, Nana không bao giờ quên áo len của John và nó luôn luôn ngậm theo một cái ô đề phòng trời mưa. Cô Fulsom đã cho sửa sang tầng hầm thành phòng đợi dành riêng cho các cô bảo mẫu. Họ đều ngồi trên ghế dài còn Nana nằm dưới đất, sự khác biệt chỉ có thế. Tuy nhiên các cô bảo mẫu đều ra bộ coi thường Nana như một kẻ thuộc tầng lớp thấp kém còn Nana thì chả coi cái trò bi be tán gẫu của họ ra gì. Nana rất không thích việc các bạn bà Darling thăm phòng trẻ nhưng nếu có khách đến thăm, nó nhanh chóng tháo chiếc tạp dề thường ra để choàng cho Michael chiếc tạp dề có thêu hoa xanh, chỉnh lại áo quần cho Wendy và chải sơ lại đầu tóc cho John.
Chẳng đâu có phòng trẻ gọn gàng ngăn nắp như ở nhà Darling và ông Darling biết rõ điều này, tuy ông vẫn hơi áy náy khi nghĩ tới những lời đàm tiếu của hàng xóm. Vì dù sao ông cũng cần phải giữ thể diện cho mình.
Ông còn ngần ngại với Nana vì một lý do khác nữa. Đôi khi ông cảm thấy như thể Nana hơi coi thường ông. "Em biết là nó rất khâm phục anh mà, George", bà Darling cam đoan và bà ra hiệu cho bọn trẻ con phải tỏ ra đặc biệt dễ thương với ba. Thế là sau đó các màn nhảy múa diễn ra tưng bừng trong nhà và đôi khi người duy nhất còn lại, Liza, cũng được phép tham gia. Với chiếc váy dài thậm thượt và chiếc mũ trùm, Liza nom hệt như một người lùn, tuy cô ta thề sống thề chết với nhà chủ là đã quá mười tuổi rồi.
Ôi! Thời kỳ đó mới vui sao! Và vui nhất là khi bà Darling xoay tròn xoay tròn một cách cuồng nhiệt đến nỗi người ta chỉ còn nhìn thấy nụ hôn thấp thoáng của bà và nếu bạn nhảy bổ tới đúng lúc, có thể bạn đã với được tới nụ hôn đó. Chưa bao giờ có gia đình nào đơn giản và vui vẻ đến thế cho tới lúc Peter xuất hiện.
Bà Darling nghe nhắc tới Peter lần đầu tiên trong khi bà đang cố gắng sắp xếp lại đầu óc bọn trẻ cho có trật tự một chút. Các bà mẹ có thói quen hay sắp xếp lại đầu óc của trẻ thơ sau khi chúng đi ngủ, xếp gọn gàng vào chỗ biết bao đồ đạc lẫn lộn lung tung trong suốt cả ngày. Nếu bạn còn có thể thức được, điều này cố nhiên là không thể rồi, bạn sẽ thấy bà mẹ của mình đang dọn dẹp và bạn có thể sẽ rất thích thú nhìn thấy bà như vậy. Cũng giống như xếp dọn đồ đạc trong ngăn tủ vậy thôi. Bạn sẽ thấy bà quỳ xuống và mỉm cười nhìn tất cả những gì bạn đã tích góp được, lòng thầm hỏi làm sao mà bạn có thể nảy ra cái ý đó, và bà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không phải ngạc nhiên nào cũng là dễ chịu, bà ôm chặt lấy ý nghĩ này như ôm một chú mèo con, xua đuổi ý nghĩ kia ra khỏi tầm nhìn của bà.
Khi bạn ngủ dậy, cái ác và những ham thích xấu cùng bạn vào giường tối hôm trước đã được xếp gọn và cất kỹ vào tận đáy tâm tư của bạn, và bên trên là các ý tưởng xinh xắn, dễ thương, được mẹ phơi phóng cho thơm khô và bày ra sẵn cho bạn khoác lên.
Tôi không biết đã bao giờ các bạn nhìn thấy bản đồ trí tuệ của một con người chưa. Các thầy thuốc đôi khi vẽ nên sơ đồ các bộ phận khác của cơ thể bạn, việc này có thể cũng rất hay, nhưng bạn cứ thử nhìn họ vẽ bản đồ ý nghĩ của một đứa trẻ không những rối tinh rối mù mà còn thường xuyên lượn lờ ngoài đồng cho mà xem! Bạn sẽ thấy vô số các đường chữ chi, giống như biểu đồ nhiệt độ của bạn ở bệnh viện vậy và chắc đó chính là các con đường nhỏ chạy ngang dọc hòn đảo của bạn, vì xứ sở Neverland luôn giống một hòn đảo với các vệt màu đây đó tuyệt đẹp, các rặng san hô, ngoài khơi có những con tàu cướp biển, các hang hốc hoang dại và đơn độc, các chú lùn (đa số là thợ may), các hang động với sông ngầm chảy qua, các hoàng tử trẻ có sáu người anh lớn hơn, một căn lều xập xệ và một bà cụ già lụ khụ mũi khoằm. Nếu chỉ có thế thôi thì tấm bản đồ này còn gọi là tương đối dễ vẽ. Thế nhưng còn phải tính đến ngày đi học đầu tiên, tôn giáo và các đức cha, bồn nước tròn, tập đan thêu, các vụ án mạng, các vụ treo cổ, động từ bất quy tắc, ngày nào mẹ làm bánh sô cô la, ngày đeo nịt bít tất đầu tiên, coi như là ba mươi ba, sáu xu nếu ta tự nhổ răng cho mình, và vân vân... Tất cả những yếu tố đó là một phần của đảo trừ phi lại còn một tấm bản đồ nữa chạy đè ngang làm ta chẳng còn hiểu gì nữa cả, chưa kể là cả cái mớ hổ lốn này lại luôn biến đổi.
Tất nhiên, xứ Neverland với mỗi người một khác. Trong hòn đảo của John chẳng hạn, ta thấy có một cái đầm nhỏ với các con hồng hạc bay ngang và John hạ chúng bằng súng cạc bin trong khi Michael bé hơn nên cũng có một con hồng hạc nằm dưới nhiều đầm nước đang bay. John sống trong vỏ một con tàu bị lật úp trên cát còn Michael trong một cái lều của thổ dân Da đỏ, Wendy thì trong một ngôi nhà bằng lá dính vào nhau một cách khéo léo. John không có bạn, Michael đến tối mới có và Wendy chăm nom một con sói con bị bố mẹ bỏ rơi. Nhưng đại thể các xứ sở Neverland có một nét gì đấy giông giống nhau. Nếu các bạn xếp chúng nằm kề nhau, các bạn có thể nói rằng chúng có mũi giống nhau, có cái nhìn giống nhau, vân vân... Bên các dòng sông thần diệu đó, đám trẻ chơi đùa không biết mệt với các con tàu tết bằng dương liễu. Chúng ta cũng đã từng chơi ở đó và còn giữ trong mình dư âm tiếng ồn của sóng dội vào ghềnh đá trên đảo, dù ta biết chẳng bao giờ cập được bến bờ đó nữa.
Trong tất cả các hòn đảo tuyệt thú đó, xứ sở Neverland là vùng đất êm ái và đầy rẫy sự kiện nhất, chẳng cần kéo dài khoảng cách vô vị giữa hai cuộc phiêu lưu mà tất cả đều cuốn vào nhau. Khi bạn chơi lúc ban ngày với chăn và ghế, nó chẳng có gì đáng sợ cả, nhưng khi chỉ còn hai phút nữa là ta chìm vào giấc ngủ, xứ sở đó trở nên rất thật. Chính vì thế mà người ta phải có đèn ngủ đấy.
Đôi khi trong lúc đi qua các ý nghĩ của các con, và Darling tìm ra những thứ thật khó hiểu. Và cái đáng ngại nhất là Peter. Bà không quen ai tên là Peter thế mà nó hiện diện trong đầu John, Michael và cũng bắt đầu nhấp nhô trong tâm tưởng của Wendy. Cái tên này in dấu đậm nét hơn nhiều cái tên khác và bà Darling, càng nhìn vào cái tên đó càng thấy nó có vẻ vênh váo.
- Đúng, cậu ấy khá là tự phụ đấy, Wendy hơi nuối tiếc thừa nhận.
Mẹ hỏi:
- Nhưng đó là ai hả bé cưng?
- Peter Pan mà mẹ, mẹ biết thừa rồi.
Mới đầu, bà Darling không hiểu nhưng sau khi ngược trở về thời thơ ấu của chính mình, bà nhớ ra một chú Peter Pan nào đó mà người ta bảo sống cùng với các nàng tiên. Nhiều chuyện kỳ dị được kể về Peter Pan, chẳng hạn như khi có một trẻ em bị chết, Peter đi cùng với chúng một quãng đường để chúng đỡ sợ. Thời nhỏ bà đã tin rằng có Peter nhưng nay bà đã có gia đình và là người đứng đắn, bà chẳng tin lắm vào sự tồn tại của Peter.
- Với lại từ đó tới nay thì Peter phải lớn lên rồi chứ, bà Darling bảo con.
- Ôi không mẹ ơi, cậu ấy có lớn lên đâu, cậu ấy chỉ to bằng con thôi.
Wendy muốn nói rằng Peter cũng trạc tuổi như cô cả về vóc dáng lẫn tinh thần. Cô không biết tại sao nhưng rõ là phải như vậy.
Bà Darling hỏi ý kiến của ông Darling nhưng ông chỉ mỉm cười coi thường:
- Em ơi, tin anh đi, đó chỉ là những chuyện dấm dớ mà Nana lại nhồi nhét vào đầu bọn trẻ thôi. Thật đúng là ý kiến của loài cầy. Em đừng để tâm, rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.
Nhưng mọi chuyện không ổn cả và chẳng bao lâu sau, chú Peter hiếu động sẽ khiến bà Darling phải sốc.
Bọn trẻ trải qua những cuộc phiêu lưu kỳ lạ nhất mà không hề thấy xáo động. Chẳng hạn chúng có thể nhớ lại một tuần sau rằng chúng gặp ba đã chết và chơi với ba trong rừng. Cũng vô tình như thế mà Wendy một hôm để lộ ra sự thật đáng lo ngại. Trong phòng trẻ con có vài chiếc lá rơi rụng mà rõ là tối hôm trước lúc bọn trẻ đi ngủ chưa hề có. Bà Darling sững người khi Wendy vừa nói vừa mỉm cười độ lượng:
- Lại Peter đấy mà!
- Wendy, con nói gì vậy?
- Cậu ấy không quét đi thì là hư mẹ nhỉ, Wendy mỉm cười nhận xét, cô là một cô bé ngăn nắp.
Cô bình thản giải thích rằng đôi khi Peter đến chơi phòng trẻ em ban đêm và ngồi ở đầu giường Wendy mà thổi sáo. Không may là Wendy chẳng bao giờ thức giấc nên không hiểu tại sao cô biết chắc đến vậy như rõ ràng là như thế.
- Cưng ơi, con nói linh tinh rồi. Chẳng ai vào nhà lại không gõ cửa cả.
- Con nghĩ cậu ấy đi bằng đường cửa sổ.
- Phòng mình tầng hai cơ mà con.
- Mẹ ơi, thế mọi khi làm gì có lá trước cửa sổ đâu?
- Đúng vậy, có một đống lá gom lại ngay dưới cửa sổ.
Bà Darling chẳng biết phải nghĩ sao nữa. Bí ẩn này dường như lại rất đỗi bình thường với Wendy nên bà chẳng thể cho qua với lý do rằng Wendy mơ ngủ.
- Tại sao con không nói cho mẹ biết sớm hơn?
- Con quên mất, Wendy hồn nhiên đáp, vì cô đang rất vội đi ăn sáng.
Chắc là Wendy nằm mơ rồi. Thế nhưng mặt khác, đống lá vẫn còn đó. Bà Darling xem xét kỹ đống lá: đó là những cái lá khô, có khi chỉ còn trơ gân lá thôi, nhưng bà tin chắc đó không phải lá của bất cứ loại cây nào mọc được trên mặt đất Anh. Bà bò toài ra trên sàn, soi cả nến để tìm dấu chân lạ. Bà lấy que cời lửa ngoáy trong lò sưởi, dộng lên tường. Bà thử thả một sợi ruy băng từ cửa sổ xuống đất. Tường cao phải đến mười mét và chẳng có chút góc cạnh nào cho người để trèo leo.
Chắc chắn là Wendy mơ ngủ.
Nhưng Wendy thực ra đâu có mơ, những sự kiện đêm sau sẽ chứng minh, mà từ đó bắt đầu cuộc phiêu lưu thần kỳ của lũ trẻ.
Buổi tối mà chúng tôi vừa kể, bọn trẻ đi ngủ như thường lệ. Hôm đó là ngày Nana nghỉ và bà Darling đã cho các con tắm và hát ru chúng cho tới khi lần lượt từng đứa một buông tay mẹ ra và chìm dần vào giấc ngủ. Các con trông bình yên và tin cậy đến độ bà cười thầm về các mối lo ngại của mình và ra ngồi cạnh lò sưởi khâu áo. Bà may áo cho Michael vì bé sắp đến tuổi mặc chiếc áo sơ mi đầu tiên. Tuy vậy lò sưởi ấm cúng, ánh đèn phòng trẻ chỉ sáng mờ mờ với ba ngọn đèn ngủ, mọi thứ khiến cho mảnh vải tụt khỏi tay bà Darling và tuột xuống đầu gối. Rồi mái đầu bà nhẹ nhàng gục sang bên: bà Darling cũng ngủ. Các bạn thử nhìn xem cả bốn người, Wendy và Michael ở đằng kia, John ở góc này và bà mẹ ngồi gần bên lò sưởi. Lẽ ra phải có một ngọn đèn ngủ thứ tư mới phải chứ.
Trong giấc ngủ, bà Darling mơ thấy mình đang tới gần xứ sở Neverland và có một cậu bé kỳ dị từ đó ló ra. Bà không thấy sợ cậu bé đó vì bà nghĩ đã từng nhìn thấy nó trên gương mặt của biết bao phụ nữ không con. Cũng có thể người ta còn gặp cậu trên nét mặt của vài bà mẹ nữa. Nhưng trong giấc mơ của mình, bà thấy cậu vạch tấm màn che xứ sở Neverland và Wendy, John, Michael đang tò mò nhìn qua chỗ vén lên.
Giấc mơ này tự nó chẳng có chuyện gì, nhưng trong khi bà Darling đang mơ, cửa sổ phòng trẻ con tự nhiên bật tung ra và một chú bé con nhảy xuống sàn. Một vầng sáng kỳ lạ, to chẳng hơn nắm tay mấy tí, bay theo chú loạn lên trong phòng như một sinh vật sống. Và chắc là chính vầng sáng này đã đánh thức bà Darling, bà ngồi bật dậy và thét lên một tiếng, nhìn thấy chú bé con và hiểu ngay đó là Peter Pan. Nếu bạn hoặc tôi hoặc Wendy có mặt lúc đó, chắc chúng ta sẽ thấy ngày rằng chú rất giống với nụ hôn của bà Darling. Chú thật xinh xắn, mặc quần áo bằng lá cây đính lại bằng nhựa cây. Nhưng xinh nhất hẳn là chiếc răng sữa của chú, chẳng mất chiếc nào. Khi thấy trước mặt mình là một người lớn, cả bộ răng trắng nõn như ngô non nghiến lên kèn kẹt.