Vậy mà đêm nay, gió lạnh tuyết rơi, một mỹ phụ trang phục giang hồ, tóc rối tung theo gió cuốn, đang nằm rạp trên lưng ô mã phi thật nhanh vào động cốc của dãy Trường Độc phong sơn.
Mỹ phụ vừa cho ngựa dừng lại trong độc cốc, lảo đảo xuống ngựa, tay trái ôm một gói da thú chặt vào trong lòng. Tay mặt vói ra phía sau bả vai, với đôi mắt mệt nhọc nhưng chứa đầy căm hờn, rút một mũi kim trâm vàng óng ánh bật ra khỏi thịt. Một dòng máu đen chảy tuôn theo ướt đẫm tay áo. Mỹ phụ nuốt vội một viên thuốc trắng đồng thời lấy một chiếc lọ đổ bột thuốc trắng rắc vào nơi vết thương.
Vừa lúc đó phía ngoài miệng cốc đã có tiếng binh khí va chạm, tiếng người hét vang vào trong cốc. Mỹ phụ trong thoáng chốc suy tư rồi vội vã đem cái gói bằng da thú đến bên con ô mã và nhanh nhẹn cột gói này vào dưới bụng con ngựa. Xong mỹ phụ lại kéo hai vạt da lót dưới yên ngựa cho dài để phủ kín cái gói dưới bụng ngựa.
Bỗng hai bóng người phóng đến gần mỹ phụ hét lên :
- Hãy đưa ngay bộ bí kíp toàn thư cho chúng ta.
Mỹ phụ hất ngược mái tóc ra sau để lộ ra gương mặt như tiên nữ lúc sa cơ, nàng gằn giọng :
- Hay cho Song Hung Ma Trảo, chúng bay cũng cấu kết với bọn nhị điện và tam động mưu đoạt bí kíp nữa à?
Một tên mặt dài như ngựa, da xanh như chàm cất tiếng cười khả ố đáp :
- Bí kíp toàn thư, người võ lâm ai mà không thèm muốn, vậy nên Tiên cơ đừng vội trách hai ta hợp lực với gần mỗi trăm cao thủ võ lâm đột công phu phụ Tiên cơ.
Mỹ phụ gật đầu đáp :
- Song hung nổi tiếng hung tàn bởi trảo quỷ, vậy giờ đây cũng còn gọi ta bằng hai tiếng Tiên cơ à?
Tên kia lúc nãy giờ đứng lặng thinh, chực chờ tấn công mỹ phụ nhưng giờ này hắn cũng nhe bộ răng quỷ trên khuôn mặt tròn lẳng với màu da đỏ tía trả lời cho tên mặt ngựa :
- Ai mà không sợ Bích Lạc Tiên Cơ nhuyễn tiên thần kiếm và phu quân của nàng là Thánh Kiếm Nam Chính Hùng, một đôi giai nhân hành hiệp vang danh võ lâm với đại danh Tiên Kiếm song hiệp.
Hắn gật gù rồi tiếp :
- Vì vậy mới có đêm hôm nay.
Vừa lúc đó từ phía ngoài miệng cốc, một thanh niên hán tử, bạch y bào máu nhuộm gần hết, tay cầm thanh báu kiếm loạng choạng chạy vào.
Mỹ phụ hốt hoảng gào lên :
- Phu quân....
Nàng vừa hét vừa lao lại, nhưng Song hung đã chuẩn bị liền hợp lực, bốn cánh tay tung liền bốn trảo quỷ chớp giăng chận ngay mỹ phụ lại. Bích Lạc Tiên Cơ vội vung nhuyễn tiên kiếm phản công quỷ trảo.
Cùng lúc đó có hơn mấy chục cao thủ Hắc đạo ùa vào cốc, thế là một cuộc đụng độ lại tiếp diễn.
Lúc này Nam Chính Hùng đã mỏi mệt, vì cuộc tử chiến đã kéo dài từ đầm Dạ Mục, đến độc cốc cố ngăn kẻ thù cho Bích Lạc Tiên Cơ cùng ô mã chạy trước nhưng địch nhân quá đông và gồm những tay cao thủ liên hợp, luân chiến nên Thánh Kiếm Nam Chính Hùng đã bị mấy vết thương máu ra nên giảm sức.
Tuy vậy mang danh Thánh Kiếm nên đường kiếm của Nam Chính Hùng với những tuyệt chiêu tàn khốc đã làm thiệt hại không ít cho bọn Hắc đạo.
Đột nhiên Bích Lạc Tiên Cơ thoát ra miệng cốc. Thấy vậy Thánh Kiếm Nam Chính Hùng cũng không chậm trễ băng mình theo. Nhưng hai người vừa thoát đi đã hơn bốn chục tên Hắc đạo phóng theo.
Thánh Kiếm Nam Chính Hùng và Bích Lạc Tiên Cơ thoát khỏi cốc là chạy theo triền dãy Trường Độc phong sơn lên hẳn trên đỉnh cao đầy tuyết trắng.
Hai người vừa dừng chân đã có hơn năm mươi cao thủ Hắc đạo mai phục sẵn bổ vây hai người vào giữa.
Một giọng nói như lệnh vỡ vang lên :
- Đêm nay trên đỉnh Băng Sơn này là tuyệt địa của hai ngươi.
Thánh Kiếm Nam Chính Hùng nổi giận, gằn từng tiếng :
- Nhị vị Điện chủ và tam vị Động chủ cũng có mặt ở đây nữa à?
- Tại sao không? Vì chúng ta cần xem cho biết một bảo vật võ lâm ngàn năm đâu dễ tìm. Vậy vợ chồng ngươi biết điều thì hãy đưa ra đây, để cùng được chết toàn thây bên nhau.
- Chừng nào vợ chồng ta không có mặt trên thế gian này, lúc đó chúng bay tự do tự tại, còn bây giờ hãy động thủ.
Lời vừa dứt, Thánh Kiếm Nam Chính Hùng và Bích Lạc Tiên Cơ nhuyễn tiên thần kiếm hợp công với gần một trăm cao thủ Hắc đạo giang hồ.
Cuộc lưu huyết thế gian hi hữu trên đỉnh Băng Sơn được ghi lại như một huyền thoại trong suốt một đêm đông gió tuyết vì một bảo vật võ lâm nơi dãy Trường Độc phong sơn.
* * * * *
Những ngày mùa xuân sắp đến. Người nơi thành thị đã tấp nập mua sắm để chuẩn bị đón xuân.
Các quán hàng người người chen chúc.
Đại tửu lâu Thanh Xuân Mộng cũng đã chật khách. Lúc đó, một lão ông râu năm chòm bạc phếu, mình mặc thanh bào, tay cầm chiếc quạt đang dắt một đứa bé lên mười, bước vào tửu quán đưa mắt tìm bàn ngồi thì từ phía trong có một lão ăn mày tay cầm bầu rượu, chệnh choạng bước đến trước mặt ông lão thanh bào, chụp vai ông ta, sặc mùi rượu lên tiếng hỏi :
- La huynh, còn nhớ thằng ăn mày này không?
Lão trượng mặc thanh bào, nét mặt vui mừng như bắt được bạn hiền lâu ngày, đáp ngạc nhiên :
- Trời ơi! Đã hơn mười năm rồi mà Giang huynh cũng vẫn không rời bầu rượu.
Lão ăn mày vừa kéo lão trượng mặc thanh bào vào chiếc bàn lão ta đang ngồi lúc nãy tận phía trong vừa nói :
- Hãy vào đây cái đã. Chúng mình chén tạc chén thù cho bỏ những ngày xa cách.
Vừa ngồi xong, lão ăn mày nhìn đứa bé hỏi lão trượng mặc thanh bào :
- Đứa bé này.... là gì của La huynh vậy?
Lão trượng mặc thanh bào vừa xoa đầu thằng bé vừa đáp :
- Cháu của đệ đó.
- Ủa! La huynh đâu có con sao có cháu?
Lão trượng mặc thanh bào muốn ngăn nhưng cũng chẳng kịp nữa rồi. Lập tức liếc mắt nhìn thằng bé rồi cười dã lã với lão ăn mày :
- Giang huynh chưa biết đấy thôi, chứ đứa bé này tên là Đông Bích vì cha mẹ nó chẳng may bạo bịnh qua đời rồi ký thác lại cho lão từ thưở mới sinh đến giờ đấy chứ.
Nói xong, lão quay sang thằng bé, ôn tồn nói :
- Đông nhi, cháu bái kiến Giang lão tiền bối đi.
Đông nhi bước đến trước mặt lão ăn mày toan cúi xuống chào thì lão ăn mày đã đưa cái bầu rượu ra cản và cười khề khà với Đông Bích :
- Ông cháu thì lúc nào cũng lễ nghi phiền phức. Lão không thích đâu, cháu cứ tự nhiên đi.
Đông Bích bị lão ăn mày cản lại nên không hành lễ bái kiến được liền nghe lão trượng mặc thanh bào khẽ bảo :
- Lão tiền bối đã không thích thì thôi, cháu nên tuân lời người vậy.
Rồi lão nói tiếp :
- Nhân dịp này, ông cũng cho cháu biết là lão tiền bối đây là một người bạn hiền của ông, phương danh của người là Giang Thượng Khả với đại hiệu giang hồ là Túy Hồ lão tử.
Lão ăn mày tu một hơi rượu nơi bầu rồi xua tay lia lịa cười khề khà :
- La huynh, lão là kẻ ăn mày, nay đây mai đó, nhà không có một mái, thân sống lênh đênh theo gió bụi mây ngàn, tên hiệu đó có là gì đâu, chẳng qua giang hồ bạn hữu gán cho xú hiệu vì tật uống rượu ưa say của đệ đấy thôi.
Lão đưa bầu rượu lên nốc một hơi nữa rồi tiếp liền :
- Có cái danh mà thiên hạ giang hồ đến phải ca tụng là Ngự Thanh Y Lang, tay thần dược của tiên đế và là quan Ngự sử của Thanh triều đã dứt bỏ quan chức về mặc thanh bào phiêu diêu nơi rừng cao núi thẳm để tìm chế danh dược, mai ẩn cái tên La Hồng Chấn có đúng như vậy không, La huynh?
Lão mặc thanh bào nhìn bạn cảm thông :
- Giang huynh nhắc lại tiên đế làm lòng đệ chợt thấy nao nao, quyến luyến cho tình vua tôi đậm đà, rồi tiên đế đột ngột ra đi, cho bầy tôi trung phải căm hận mưu gian của nịnh thần, đành dứt áo ra đi khỏi vòng kiềm tỏa danh lợi.
Lão ăn mày tức Túy Hồ lão tử Giang Thượng Khả đang mải miết chuyện vãn với lão trượng mặc thanh bào tức là Ngự Thanh Y Lang La Hồng Chấn mà quên bẵng đi thằng bé mang tên Đông Bích, nên Túy Hồ lão tử nói lên với Ngự Thanh Y Lang :
- Chúng ta cứ mải miết luận đàm mà để cháu Đông Bích ngồi buồn mỗi mình vậy.
- Đã mười năm qua, hôm nay đệ mới đưa nó ra thị thành cho biết cảnh phong lưu, tấp nập, chứ ở nhà mãi, bắt nó vùi đầu trong bút nghiên và theo đệ hái thuốc, cứu người, bắt mạch, sợ nó chán nản, buồn phiền, hơn nữa cũng là dịp để cho cháu học thêm lịch duyệt, so sánh cái học trong văn chương, sách vở với thực tiếng trên đời ô trọc này.
Túy Hồ lão tử gật đầu tán đồng :
- Phải phải, nên lắm nên lắm, người xưa có nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, huynh xử sự như vậy là phải lắm.
Rồi đột nhiên lão ngừng lại nói để cho Ngự Thanh Y Lang chú ý hơn :
- Nhưng theo đệ, đệ cứ thắc mắc trong lòng là tại sao La huynh không cho cháu Đông Bích tập luyện võ công. Vì theo con mắt của đệ, thì đệ thấy thiếu sót điều đó là làm mai một cho một thể chất căn cơ thành tựu thiên tài, trăm năm khó tìm, thiện ý của đệ như vậy huynh có thấy đúng được chỗ nào không?
- Với cặp mắt sắc bén của Giang huynh thì đệ xin thán phục. Nhưng vì huynh hỏi thì đệ cũng xin bày tỏ ý hướng của đệ mà theo đó là đệ nghĩ rằng cháu Đông Bích, thiên căn cốt cách được trời nắn thật hiếm hoi mới tìm thấy, nhưng cứ lấy cái võ học làm sức mạnh cho công lý thì trên giang hồ sao có được thanh bình trong tình thương.
Ngự Thanh Y Lang trầm ngâm, rồi nói :
- Mà dẫu cho có dụng võ học thì phải có căn bản về văn học, luyện tánh dưỡng tâm, như vậy cái văn mới tải được cái võ học thì lúc đó văn võ uyên thâm đạt thành mới phô diễn cái sở học tải được cái đạo mưu phúc cho quần hùng, bá tánh.
Từ lúc đầu đến giờ, Đông Bích vẫn ngồi lẳng lặng vừa nghe vừa ăn bữa cơm chiều cùng hai vị lão trượng, nhưng khi nghe Ngự Thanh Y Lang bàn về cái văn học, cái võ học với cái đạo làm người nên cậu mới lên tiếng góp ý với giọng chửng chạt.
- Thưa ngoại, thưa Túy Hồ lão tiền bối, theo sự hiểu biết thô thiển của cháu thì trong cái văn chương, sách vở cũng có hàng hà sa số đủ loại vì kẻ viết sách với từng mục đích riêng của họ. Nếu được đọc các bảo thư thì sự hữu ích thật là muôn ngàn cũng như khi va chạm với cõi đời phức tạp bởi lòng người man trá mà biết phân biệt giữa tà và chánh không có nguồn, bờ ngăn cách, vì trong Phật môn có câu “bỏ dao đồ tể có thể trở về với Phật”. Như vậy con người có thể hôm nay dẫm trong nguồn mê tội ác nhưng nếu được giác tỉnh, hồi đầu quay về đường thẳng nẻo ngay thì lúc đó mới khó xử cho quan niệm hẹp hòi và như thế cũng đủ thấy lòng người khó đo, khó dò.
Túy Hồ lão tử vỗ tay đánh đốp một cái, gật đầu khen ngợi :
- Hay lắm, cháu mới bằng chừng ấy tuổi mà lý luận thông suốt, hợp đạo, hợp lẽ lắm. Nhưng lão vẫn nghĩ rằng ngoại cháu không cho cháu hấp thụ nền võ học là điều thiếu sót.
Ngự Thanh Y Lang chận lời ngay :
- Giang huynh nói vậy, chứ như thân đệ đây có biết gì là võ công, mà thấy vậy hay hơn, vì tránh được những cuộc đụng độ lưu huyết gây ân oán trong giang hồ triền miên bất tận.
Lão ngần ngừ giây lát rồi nhìn Đông Bích và Túy Hồ lão tử nói thong thả :
- Tuy vậy, nhưng đối với cháu Đông Bích nếu có cơ duyên, đệ đâu cố hẹp hòi, bo bo theo lối cố chấp.
Hai già một trẻ luận đàm cho đến nến đèn trong tửu lầu đã lên mới rời bàn ăn, rồi cùng lên lầu trên mướn phòng trọ ngụ qua đêm.
Một tên điếm nhị vừa đưa ba người vào một căn phòng rộng lớn nói lấy lòng khách trọ.
- Căn phòng này dành cho khách thượng lưu như tam vị, tuy tiền thuê có đắt chút ít, nhưng chắc chắn tam vị cùng chung ngụ với mọi tiện nghi thoải mái.
Ngự Thanh Y Lang quay bảo điếm nhị :
- Bây giờ còn sớm, nhưng đến khoảng hết canh hai ngươi nhớ mang lên cho ta một khay trà thượng hạng nhé!
Tên điếm nhị rối rít :
- Dạ, dạ vâng, con sẽ đưa loại trà thượng hảo hạng cho chư vị, mà chư vị thích loại Bạch Cúc trà hay Long Tỉnh trà vì hai loại này đều thuộc loại thượng hảo hạn ở đây.
- Nhà ngươi chọn cho ta loại Long Tỉnh trà vì loại này hương vị thắm đậm hơn.
Tên điếm nhị lại rối rít dạ vâng rồi rút lui sau khi cung cấp mọi cần thiết cho gian phòng mà hai già một trẻ trú ngụ.
Đai tửu lâu Thanh Xuân Mộng được dựng cạnh giòng Đại Thủy nên giờ này đứng trên lầu của tửu lầu nhìn được ra đến mặt sông với cảnh thuyền ghe đủ loại, đủ cỡ, đèn sáng chạy xuôi ngược dập dìu.
Cả ba mải miết ngắm cảnh thuyền đèn trên sông mà quên đi thời gian, cho đến khi bóng thuyền đã vắng ngắt trên sông, lúc đó cả ba mới quay vào phòng.
Gian phòng có ba chiếc giường nên Đông Bích xin phép Ngự Thanh Y Lang và Túy Hồ lão tử để đi nghỉ trước. Nó bèn lên giường nằm quay mặt vào phía tường không buồn động đậy như người đã ngủ, nhưng thật ra nó đã có chủ ý. Vì lúc chiều, trong cuộc nói chuyện giữa Ngự Thanh Y Lang và Túy Hồ lão tử đã đề cập đến thân phận của nó nhưng từ lúc nhỏ đến giờ, mặc dù sống trong tình thương trọn vẹn, cũng như sự săn sóc đầy đủ của ngoại nó là Ngự Thanh Y Lang nhưng chưa bao giờ ông nói cho nó biết về thân thế của cha mẹ nó. Đêm nay, nó hy vọng ngoại nó sẽ cho Túy Hồ lão tử biết một vài điều vì ngoại nó đã gọi trà để uống đêm. Nó đoán thế nên giả đò xin phép đi ngủ sớm để khỏi trở ngại cho hai người và biết đâu nó sẽ được nghe lén về thân thế, dẫu biết rằng nghe lén là không tốt, song đó là điều hệ trọng cho cuộc đời nó. Nó cố dằn sự nôn nao trong dạ, và thầm khấn cho cơ hội mà nó nghĩ sẽ xảy ra.
Nó chờ chực mãi rồi nó nghĩ miên man. Nó nghĩ đến những ngày ở nhà. Ngoại nó luôn luôn bắt nó phải đọc, phải học biết bao sách vở, chỗ nào nó không hiểu được là nó hỏi ngoại nó. Ngoài việc học hành văn chương kinh sách, ngoại nó lại bày vẽ nó cách thức nhận bệnh, kiểm mạch, chế luyện đan dược mà vì vậy trong mười năm qua, nó được huấn luyện mỗi cách căn bản về cái học văn chương, y lý kinh mạch. Nó đang để ý tưởng trở về với quá khứ thì có tiếng gõ cửa làm nó giật mình. Thì ra tiếng điếm nhị bưng trà như lời dặn của khách.
Sau khi điếm nhị lùi ra, cửa được đóng lại, Ngự Thanh Y Lang tay rót trà mời Túy Hồ lão tử :
- Đệ biết rằng Giang huynh chỉ thích rượu, nhưng Giang huynh cũng nên nhấm nháp chén trà để đổi mùi hương vị vậy, Giang huynh có thấy khó chịu lắm không?
- Ồ! La huynh sao bày vẽ quá. Dẫu đệ không biết uống trà, đệ cũng không dám chối từ, huống hồ đệ cũng thích loại Long Tỉnh trà đậm đà hương vị này lắm chứ!
Cả hai cười ra chiều đắc ý tương phùng.
Chợt Túy Hồ lão tử vừa để chén trà xuống với dáng nghiêm trang nhắc nhở :
- Mỗi lần đệ nhấm trà lại nhớ đến đại ca của La huynh, không biết bây giờ lão ở đâu?
Ngự Thanh Y Lang trầm ngâm buồn bã thở dài :
- Nhắc đến sư huynh của đệ làm đệ cảm thấy một sự éo le kỳ lạ. Bởi vì đệ và sư huynh của đệ thân tình từ thưở trẻ thơ, cùng chung một ý thích là tìm học về y dược. Nhưng sau đó, bởi chữ tình ngang trái thế nào mà sư huynh của đệ liền dứt tình ra đi phiêu diêu mây ngàn không còn biết dấu tích. Tuy nhiên, trong mười năm gần đây, đệ có nghe giang hồ đồn đại về tài thánh dược của một nhân vật kỳ quái, đệ định tâm tìm kiếm, để cần biết nhân tài một lần và xem ra có thể may mắn biết dấu tích sư huynh của đệ.
Túy Hồ lão tử gật gù :
- Chí phải, chí phải, mà có lẽ nhân vật nào đó tài dược hơn được huynh không, chứ hiện nay ai mà qua nổi huynh nữa chứ?
- Giang huynh khéo khen cho đệ thêm hổ thẹn. Đệ nghĩ rằng so với nhân vật đó chắc đệ còn thua kém nhiều.
Túy Hồ lão tử xua tay nói :
- Chuyện đó chưa minh chứng rõ ràng, đợi ngày nào có sự gặp gỡ hẳn hay, mà nhân vật đó đại hiệu gì huynh có rõ không?
- Nếu không biết được đại hiệu thì đệ đâu dám đề cập đến. Người đó có tên hiệu là Thánh Dược Độc Cô Sĩ.
- Đệ đi đây đó cũng quá nhiều, vậy mà chưa được nghe đến tên hiệu đó. Đúng là nghề nào tài ấy, cũng chẳng qua La huynh là tay thần y nên mới tìm biết được.
Sau những câu chuyện đắc ý là một ngụm trà thấm giọng.
Rồi Túy Hồ lão tử quay nhìn về phía Đông Bích, thấy nó ngủ yên nên mới quay sang hỏi Ngự Thanh Y Lang :
- Bây giờ, nếu có thể thì huynh cho đệ biết về trường hợp nào mà huynh có được cậu bé Đông Bích quá khôi ngô, thông minh và căn cơ hiếm thấy làm đệ thấy thích nó quá.
Ngự Thanh Y Lang dễ dãi :
- Chuyện gì chứ việc ấy đệ xin trình bày với huynh ngay.
Lão uống ngụm trà nữa rồi bắt đầu kể :
- Giang huynh à, hôm đó vào một ngày cuối đông, cách nay đã hơn mười năm. Buổi sáng hôm đó tuyết vẫn còn rơi nơi miền núi Trường Độc phong sơn. Đệ tìm các loại thuốc thông thường thôi. Nên đệ lại tiếp tục vào độc cốc dưới chân dãy Trường Độc phong sơn nhưng vừa vào thì đệ nghe tiếng trẻ con khóc lên mấy tiếng có vẻ yếu ớt lắm. Đệ tìm mãi, bỗng thấy một con ngựa ô nằm chết trong một lùm cây mà tuyết rơi phủ đầy. Đệ lại men đến, lúc này nghe tiếng khóc của đứa trẻ chỗ con ngựa nên không còn ngần ngại nữa, đệ moi tuyết lên thì dưới bụng con ngựa còn có một gói bằng da thú. Đệ vội vàng mở đem ra và khi cái bao da được mở tung ra, đệ mới thấy một thằng bé đang lạnh cóng, khóc ú ớ. Thằng bé này chắc cũng vừa sinh hạ một đôi ngày thôi. Song nó nhờ có bao da thú che tuyết lạnh chứ nếu không thì không cách gì đệ cứu sống nó được. Đệ vội vàng đem hồi dương sinh khí dược hoàn mớm cho nó và rồi mang về tệ gia mướn người nuôi nấng cho đến khi biết đi biết nói, đệ mới huấn dạy văn chương, phong cách và ngoài ra đệ còn ra công chăm luyện cho nó những gì đệ hiểu biết về ngành y lý. Nhờ được sự thông minh tột chúng, nó thu đạt một cách dễ dàng. Rồi nó ngày càng khôi ngô, vương vĩ. Sự mến yêu của đệ đối với nó có thể là tột cùng. Và đệ lúc nào cũng thích có nó ở bên cạnh bàn chuyện văn chương thế sự trong những giờ nhàn rỗi.
Từ nãy đến giờ Túy Hồ lão tử yên lặng lắng nghe Ngự Thanh Y Lang lược kể. Đến đây lão mới lên tiếng :
- Rồi La huynh nghĩ thế mà đặt cho nó cái tên Đông Bích hay là cha mẹ nó có để tên họ tông tích lại.
Ngự Thanh Y Lang mỉm cười trả lời :
- Thật khi đặt tên cho nó, đệ không có nghĩ gì sâu xa cả. Thứ nhất là đệ thấy trong người nó có mang một viên ngọc bích hình bát giác, có lẽ là cha mẹ nó lưu lại cái di vật cuối cùng này cho nó và đệ tìm gặp nó vào mùa đông nên đệ đặt nó là Đông Bích.
Lão ngừng lại, uống một hớp trà rồi tiếp :
- Hơn nữa, chữ Đông Bích là tên của một ngôi sao trong thập nhị bát tú, thuộc văn chương mà đệ có hoài bảo là nó sẽ nở mày nở mặt với thiên hạ bằng sở học văn chương. Chính vì vậy mà đệ dùng một chữ kép điển tích, mang ước vọng của đệ và cùng hòa hợp với sở vật của nó và mùa sinh ra nó để hợp tên mà đặt.
Túy Hồ lão tử ngắt ngang :
- Còn họ của nó, nếu huynh không biết sao không để họ của huynh mà lại để tên không vậy. Chẳng lẽ nó mang họ Đông?
- Cũng ở chỗ đệ chẳng biết họ của cha mẹ nó nên đệ không muốn hồ đồ mà cứ để vậy mà đợi trời cao dun dủi cho nó tìm gặp cha mẹ nó, lúc đó nó gán cái họ vào cũng chẳng sao.
- La huynh thật là người ngay thẳng, nhưng như vậy ắt trong lòng La huynh đã ngờ rằng một ngày nào đó La huynh phải cho cháu Đông Bích tầm sư học võ để cho nó tìm thù chứ.
Ngự Thanh Y Lang gật gù :
- Không phải là đệ cố chấp hẹp hòi, trọng văn khinh võ như đã trình bày với huynh, nên đệ nghĩ rằng, trước hết nó phải có một căn bản văn học, rồi sau sẽ tùy duyên ngộ riêng tư của nó mà an bài cho hành trình mai hậu của nó vậy.
Hai vị lão trượng chuyện trò thật đắc ý, và cũng tưởng rằng cậu bé Đông Bích đã thả hồn trong giấc ngủ nhiều mộng đến. Nhưng thật ra nó vẫn thức và thức một cách tỉnh táo. Nó ghi vào lòng cuộc đàm thoại này. Cuộc đàm thoại mà mười năm nay nó hằng mong ước mà chẳng bao giờ ngoại nó hé môi cho nó biết. Và giờ đây, nó hiểu được thân thế của nó mù mịt. Cha mẹ của nó đã như thế nào và tại sao lại bỏ nó bên con ngựa chết trong vùng băng tuyết. Đã mười năm rồi nó sống trong khắc khoải mong chờ của một đứa trẻ thông minh tuyệt vời. Nó yên lặng nằm quay mặt vào trong tường mà tưởng nghĩ trong muôn ngàn ý nghĩ để tưởng tượng hình ảnh của cha mẹ nó. Sự bi thương cùng cực đã làm cho nước mắt nó rơi ước lạnh bên má nên nó giật mình, nhưng may thay lúc này trong phòng đèn tắt. Ngự Thanh Y Lang và Túy Hồ lão tử đã đi nghỉ nên chẳng ai thấy cảnh thương tâm, đau lòng này. Rồi nó lại suy nghĩ và đột nhiên đưa tay sờ miếng ngọc bích hình bát giác đeo nơi ngực mà thấy mến yêu một cách lạ lùng và tha thiết hơn bao giờ hết. Những hình ảnh chập chờn đến với nó theo sự tưởng tượng dồi dào của nó. Nó suy luận và cho rằng cha mẹ hẳn phải là người trong giới võ lâm vì nó nằm bên cạnh con ngựa chết trong vùng tuyết giá, nơi độc cốc hiểm nguy thì kẻ thường tình chẳng bao giờ bén mảng đến làm gì. Nếu không thì nó bị người bắt và rồi người này có lẽ bị giết đồng thời với con ngựa. Nhưng cách nào rồi nó cũng nghĩ rằng cha mẹ nó cũng đã bị kẻ nào giết chết ngay lúc nó vừa sinh ra. Như vậy thì nó phải tìm cho ra kẻ thù để biết thân phận và cha mẹ nó. Nó nghĩ mãi, nghĩ cho đến lúc mệt quá, nó thiếp đi trong cơn mộng hãi hùng, triền miên dằn vặt nó, đang nung nấu, manh nha cho sự bất bình trong uất hận của tuổi trẻ.