Phường yêu quái này thế mà lại ăn chay!?
—— oOo ——Năm Ứng Hòa thứ ba, tháng Tân Mùi, ngày Mậu Tuất, trời mưa lớn.
Giờ Tý ba khắc(1), trong rừng hòe cách thành đô Đại Lương ba mươi dặm, gió thổi cây đổ, hoa hòe trắng rơi rụng đầy đất, bị nước mưa cuốn vào chỗ trũng. Sâu trong rừng hòe âm u có ngôi nhà hai gian đèn đuốc sáng trưng, vang lên tiếng nhạc cụ và tiếng cười nói ồn ào không ngớt, nhưng âm thanh ra khỏi gian nhà đã bị tiếng mưa gió nhấn chìm.
Một đoàn kỵ mã phóng ngựa lao tới, người trên ngựa mặc giáp, cầm vũ khí bao vây ngôi nhà, lớn tiếng quát: "Mở cửa!"
Đứa bé giữ cửa cầm đèn lồng, che ô nhỏ, nghiêm chỉnh cúi chào, kính cẩn đáp: "Môn đồng Cam Thảo của y quán Bất Tử bái kiến Đại Lý Tự Kinh thiếu khanh. Chủ nhân của ta nói đêm nay không tiếp bệnh nhân."
Đại Lý Tự thiếu khanh Kinh Lăng cởi nón đi mưa ném vào trong, giơ cao ngọn đuốc: "Để ta vào, bằng không ta đốt nơi này!"
Tiếng đàn ca cười đùa đột nhiên im bặt, bên trong truyền ra tiếng chim hót kỳ lạ.
Cam Thảo nhanh chóng dẫn đường: "Kinh thiếu khanh, mời vào trong."
Kinh Lăng xoay người xuống ngựa, theo Cam Thảo đi vào, xuyên qua ba lớp cửa, quẹo trái rẽ phải mấy phen mới thấy lang y Doãn Nhiên trẻ tuổi đang đứng dựa bàn.
Kinh Lăng ngữ điệu ngoa ngoắt: "Đêm hôm khuya khoắt, quần là áo lượt đỏ đỏ trắng trắng là định quyến rũ ai?"
"Ôi Kinh thiếu khanh, đùi phải chảy máu nhiều như vậy, còn sống à?" Doãn Nhiên trên dưới đánh giá một phen, móc mỉa nói, "Cởi ra."
Ở thành đô này Kinh Lăng còn có tiếng là "Kinh điên", thân là thiếu khanh nhưng cứ thích giật chén cơm của quân Bất Lương Nhân, bắt được vô số tội phạm hung ác, nổi danh là "Kinh Lăng liều mạng". Người khác liều mạng một lần là cùng, nhưng Kinh Lăng thì có thể liều mãi, không thể không kể đến công lao của "yêu y" Doãn Nhiên.
Chỉ mở y quán vào nửa đêm, chỉ nhận bệnh nhân nguy kịch, phí khám chữa bệnh cơ hồ là đòi mạng người ta, cầm tiền rồi mới trị... Chỉ cần có sự lựa chọn khác, sẽ không ai tìm đến y.
Một vấn đề khác, Doãn Nhiên có ngoại hình quá đỗi xuất chúng, mày sao mắt phượng, môi hồng răng trắng, da như bạch ngọc, thường diện y phục đỏ, thiện đàn tỳ bà, nhưng giỏi nhất là cứu người, cứu được cả những bệnh nhân mà y sĩ khác cho rằng không thể cứu chữa.
Cháu nội đích tôn của Binh Bộ Thượng thư đi rước đèn không may bị phỏng dầu sôi, mọi người khóc lóc thảm thiết, cả ngự y trong cung cũng bó tay chịu thua. Rơi vào đường cùng phải đến y quán Bất Tử, qua một tháng sau đứa nhỏ đã khỏi hẳn, chỉ lưu lại những vết sẹo mờ, ai cũng tấm tắc khen hay.
Phụ thân của Hộ Bộ Thị lang tuổi đã chín mươi, trong lúc xem đấu mã cầu bị ngựa hoảng lên đá gãy hai chân, y sĩ trong thành đô đều lắc đầu không chữa được. Ba tháng sau, ông đã đáp ứng lời mời vào cung dự thu yến, đi lại bình thường như chưa từng bị thương.
Thế nhưng cả hai nhà này đều phải trả một cái giá không nhỏ. "Yêu y" và "y quán Bất Tử" từ đó danh tiếng lẫy lừng, vào y quán Bất Tử, không chết cũng tróc một lớp da.
Nhưng Kinh Lăng thì khác. Ba năm qua hắn không chỉ thường xuyên tìm Doãn Nhiên đòi chữa trị mà không chịu trả tiền. Không những vậy, hắn còn cực kỳ xem thường y, bởi vì trong mắt tên này chỉ thấy tiền, người bệnh nào có tiền cũng sẽ trị.
Có qua có lại, sự căm ghét của Doãn Nhiên dành cho Kinh Lăng chỉ hơn không kém. Tại sao y không cự tuyệt? Bởi vì Kinh Lăng từng đốt y quán của y, không chỉ một lần. Mỗi lần y gặp mặt chữa trị đều cơ hồ là lâm vào hiểm cảnh đổ máu.
Đuốc trong phòng đốt sáng trưng, Kinh Lăng vứt quần áo ướt mưa xuống đất, chân phải không chút khách khí đạp lên bàn, vết thương trên đùi không cao không thấp, vừa vặn tầm mắt Doãn Nhiên. Quần áo bẩn thỉu dính máu, tanh nồng đến mức ngộp thở.
Doãn Nhiên thản nhiên đối mặt với Kinh Lăng trần như nhộng, dùng nước rửa sạch miệng vết thương nhiều lần. Kim chỉ trong tay y luồng qua luồng lại không chút lưu tình, tựa như không phải đang khâu vết thương mà là khâu một miếng giẻ rách.
Y nhẹ nhàng bâng quơ: "Cắt sâu thêm một tấc, mạnh tay thêm một phân, đêm nay ta cũng bớt việc."
"Biết sao được, ta vốn mạng cứng mà." Kinh Lăng nghiến răng đáp lại, trên trán nổi đầy gân xanh, cả người căng thẳng, đau đến phải mở miệng chửi thề.
Thái độ Doãn Nhiên càng ác liệt: "Đừng nhúc nhích!"
Sắc mặt Kinh Lăng trắng bệch vì đau, nhưng dáng đứng vẫn vững vàng, cả người mồ hôi đầm đìa, lại cố nén đau hỏi: "Trong phòng này mùi máu quá nồng, nhưng không phải của ta."
Doãn Nhiên nhướng mày, khâu vết thương xong, y lại bôi lên miệng vết thương một lớp kim sang dược, băng kín lại. Kinh Lăng siết tay thành quyền, khớp xương kêu vang. Thuốc này không rõ thành phần là gì nhưng chẳng khác nào khổ hình, hiệu quả tốt đến mấy cũng khó lòng chịu nổi.
Doãn Nhiên rửa sạch tay trong thau đồng, nhìn đến y phục đỏ càng thêm đỏ bèn ra sau bình phong thay quần áo. Tấm bình phong khá lớn thêu cảnh sơn thủy, mỏng mà thấu sáng, khi ánh sáng thay đổi, núi sẽ chuyển xanh, nước lan ra gợn sóng. Bình phong hiện lên thân ảnh Doãn Nhiên thay đồ, thân thể cao gầy, động tác thay quần áo như đang nhảy múa.
Khổ sở chịu đựng ba đợt đau đớn dữ dội, trước đó còn một đường dầm mưa dãi nắng, gân cốt kiệt quệ, đổi thành mãnh tướng khác ở thành đô thì đã muốn lăn ra nghỉ ngơi một hai canh giờ. Thế mà quan văn Kinh Lăng này không chỉ nhìn chằm chằm bình phong, còn quen cửa quen nẻo mà duỗi tay tiếp được quần áo ném ra, lưu loát mặc vào.
"Ta đói bụng."
"Ráng chịu."
Không ai thèm khách khí với ai.
Kinh Lăng thản nhiên mở tủ xà cừ lấy hộp thức ăn ra, mở nắp liền nhìn thấy mấy món ăn tinh tế như bánh đậu bọc đường, bánh hoa quế... đều là đồ ngọt, nhất thời khiếp sợ đến không nói nên lời. Với thủ đoạn trị bệnh như hung thần của Doãn Nhiên, Kinh Lăng cảm thấy y làm điểm tâm thịt người cũng không có gì lạ, phường yêu quái này thế mà lại ăn chay!?
Khi hắn còn đang thất thần, Doãn Nhiên đã vung tay trái cuốn gió lao tới. Kinh Lăng nghiêng vai phải né đòn hiểm, bên tai vang lên tiếng gió, tay trái hắn đã thó một miếng bánh đậu bỏ vào miệng, ngay sau đó cả người rúm ró vì đắng, vội vàng nhổ ra, tức hộc máu mà chất vấn: "Cái quỷ gì vậy?"
Doãn Nhiên tiếp tục tung ra ba sát chiêu dồn Kinh Lăng đến góc tường, cướp lại hộp thức ăn cất vào tủ, khóa lại... hết sức mạch lạc lưu loát. Sau đó y rút trong tay áo ra một tờ hóa đơn, kề dao găm vào cổ hắn, tốc độ nói cực nhanh: "Bảy lần ngoại thương, ba lần đốt quán, ngươi nợ ta tổng cộng sáu mươi vạn, mau trả tiền!"
Kinh Lăng mãi mới dằn được cái vị đắng nghét trong họng, thân dính tường, trên cổ cảm giác được sự lạnh lẽo của mũi dao cùng lực ngón tay của Doãn Nhiên, hắn lại hoàn toàn không để tâm: "Đòi tiền không có, muốn mạng thì đây."
Doãn Nhiên chợt thu dao, ánh mắt lạnh băng: "Cấm rượu cấm dục một tháng, cút!"
Thanh âm Kinh Lăng mềm xuống: "Thành đô cấm đi đêm, không thể về."
Doãn Nhiên ném ra một cây bút: "Ký tên đóng dấu."
Kinh Lăng thoải mái nhận lấy. Hắn quen giở thói lưu manh ở đây rồi nên không thèm để ý mà hạ bút ký luôn, đóng tự chương, sau đó nghênh ngang rời đi.
Tiểu Cam Thảo cầm đèn lồng dẫn đường, cung kính tiễn Kinh Lăng. Doãn Nhiên đặt tờ hóa đơn vào hộp cơ quan, cất vào tủ. Không hiểu thế nào, khi Doãn Nhiên xoay người ngẩng lên, thấy Kinh Lăng bỗng quay đầu lại, bốn mắt chạm nhau.
Gương mặt Doãn Nhiên bị tủ che khuất, nửa lộ ngoài sáng nửa chìm trong tối, phảng phất như một quái vật nửa người nửa yêu vừa đạt được mục đích, khóe miệng câu lên thành một đường cong rợn người. Kinh Lăng lần đầu tiên thấy Doãn Nhiên cười với mình, vô cớ lạnh sống lưng, quay đầu bước vội.
"Chủ nhân, cửa sổ và cửa chính của y quán đều đã đóng." Lời nói cử chỉ của Cam Thảo không thua kém gì thái giám được huấn luyện kỹ lưỡng trong cung, không thể bắt bẻ, "Chủ nhân còn sai bảo gì không ạ?"
"Lau dọn sạch sẽ rồi nghỉ ngơi đi." Doãn Nhiên rũ hàng mi đen như lông quạ, cần cổ mảnh khảnh trắng nõn được áo đỏ phản chiếu thành sắc hồng nhạt. Nói rồi y đẩy cửa bước vào trong.
"Vâng, chủ nhân." Cam Thảo chờ Doãn Nhiên rời đi rồi vỗ tay hai cái.
Bốn người hầu già cao thấp gầy béo khác nhau bước vào phòng, nhặt quần áo bẩn của Kinh Lăng bỏ vào thau gỗ, lấy chổi tre và nước tẩy rửa sàn nhà. Hai khắc sau, căn phòng đã sạch sẽ như lúc đầu, mùi thảo dược xua tan mùi tanh của máu.
Bên ngoài, cơn mưa dữ dội nhỏ dần, bầu trời ảm đạm bấy lâu rốt cuộc cũng sáng lên.
......
Kinh Lăng một đường ra roi thúc ngựa phi nước đại, bao tử đói meo được miếng bánh đậu đắng nghét kia xoa dịu, không còn thấy cồn cào nữa. Bên trong đó chắc chắn có rất nhiều thuốc, yêu y Doãn Nhiên này quả thật không ăn thứ gì bình thường. Không nghĩ tới thì thôi, vừa nghĩ tới đã thấy đắng đến co rúm người, đắng đến mức tinh thần cũng tràn trề sinh lực.
Canh năm, khi tiếng trống chuông vang dội khắp kinh thành, Kinh Lăng cưỡi ngựa giơ thẻ bài lên, lao qua cổng Kim Quang. Dọc đường hắn ăn hồ bính(2), bác thác(3), ăn suốt một đường cho đến khi về nhà ở phường Duyên Khang, sau đó lăn ra ngủ thẳng.
......
"Thập Tam, Thập Tam Lang, mau tỉnh dậy!"
"Câm miệng, đừng ồn!" Kinh Lăng lật người lại tiếp tục ngủ, trong cơn mơ mơ màng màng đột nhiên bị mùi máu tanh lay tỉnh.
"Kinh thiếu khanh, ngài dậy đi!"
"Giết người rồi!"
Kinh Lăng trợn mắt, lại phát hiện mắt mình không mở ra được, chỉ thấy một sắc đỏ mờ mờ. Sao lại như vậy?
Giây tiếp theo hắn cảm thấy có ai đó giữ chặt mình, chiếc cùm nặng nề tròng lên bả vai và tay chân hắn với tốc độ sét đánh không kịp bưng tai. Đến khi Kinh Lăng có thể mở mắt ra nhìn quanh, hắn đã bị dội cho mấy thùng nước giếng và bị khóa trong sân của quán rượu Hồ Cơ ở phường Bình Khang.
Trong ngoài sân là cảnh tượng quân Bất Lương Nhân vội vội vàng vàng cùng đủ loại ánh mắt và y phục. Dưới sự chủ trì của Kinh Triệu Doãn phủ(4), sau khi ngỗ tác khám nghiệm tử thi đã báo cáo lên Đại Lý Tự, Hình bộ và Trường Lạc Cung, kết quả điều tra khiến triều đình chấn động.
Vào giờ Tý hai khắc, ngày hăm tám tháng sáu, Đại Lý Tự thiếu khanh Kinh Lăng đến quán rượu Hồ Cơ ở phường Bình Khang(5), vào phòng chữ Thiên, gọi ba vũ nữ Hồ Cơ đến múa, hai người chơi đàn tỳ bà Quy Từ(6), uống rượu nho.
Giờ Sửu một khắc (7), trong phòng chữ Thiên có tiếng va đập, chủ quán và bảo vệ đến xem nhưng phát hiện cửa phòng khóa trái, phá cửa vào thì phát hiện năm người của Hồ Cơ nằm trong vũng máu, nhạc cụ, chén đũa, đồ đạc trong phòng đều hư hại.
Ngỗ tác kiểm tra đi đến kết luận cả năm người đều bị một dao trí mạng, mất máu mà chết. Một thanh chủy thủ hiếm thấy cắm trên xà nhà hướng Tây Nam, là thứ Kinh Lăng thường dùng.
Nghi phạm Kinh thiếu khanh nằm ngủ ngon lành trên vũng máu, hổ khẩu tay trái có vết thương do cầm dao, đùi phải có vết thương mới ở vị trí một phần ba phía trên.
Quan viên Đại Lý Tự và Hình Bộ đều biết Kinh Lăng thuận tay trái. Trước mặt là vô số chứng cứ điều tra và ghi chép, năm mạng người, một thanh chủy thủ, vết máu trên tường và sàn nhà cùng sự xác nhận của những khách hàng có mặt ở quán rượu Hồ Cơ. Bằng chứng như núi, không thể chối cãi.
Kinh Lăng bị bắt giam. Đối mặt với phụ thân một đêm bạc đầu, gương mặt kinh sợ cùng sự phẫn nộ trách cứ của thượng quan, trong đầu hắn trống rỗng. Thanh âm xung quanh giống thủy triều lên xuống, không nghe lọt tai, chỉ có thể nhìn thấy miệng bọn họ khép mở, ánh mắt giận dữ như mũi dao.
Cứ nhìn nhau như vậy hồi lâu, đầu óc trống rỗng của Kinh Lăng chậm rãi hiện ra gương mặt tươi cười nửa sáng nửa tối của Doãn Nhiên, linh hồn run rẩy, như rơi xuống vực sâu.
——————————
Chú thích:
(1) Giờ Tý ba khắc = 11g45′ tối.
(2) Bánh mì của người Hồ, kiểu bánh mì nướng dẹt du nhập từ vùng Trung Á.
(3) Mì sợi dẹp, hơi giống udon.
(4) Kinh Triệu Doãn phủ là chức vụ giữ nhiệm vụ quản lý hành chính và trị an ở kinh đô.
(5) Bình Khang là một phường ăn chơi có thật ở đời Đường, cũng là từ chỉ thanh lâu, nhà chứa đồ ấy. Trong Truyện Kiều cũng có câu "Bình Khang nấn ná bấy lâu/Yêu hoa yêu được một màu điểm trang".
(6) Tỳ bà Quy Từ là loại tỳ bà hình quả lê, có cần đàn cong với 4 chốt chỉnh dây và 4 dây đàn.
(7) Giờ Sửu một khắc = 1g15" sáng.