Khi chắc chắn rằng những rặng tre xanh mướt mát, thâm trầm, cổ kính bao năm nay vẫn bao bọc, che trở cho trang Đông Lỗ đã lùi lại phía sau rất xa;
Khi chắc rằng cánh đồng quê hương với dòng sông Cầu Chày uốn lượn bao quanh, ở nơi đó trang Đông Lỗ hiện lên như một ốc đảo, vừa cô độc vừa rất đỗi yên bình, đã lùi lại phía sau rất xa;
Khi những làng mạc hiền hòa rải rác tứ phía cũng đã lùi lại phía sau rất xa;
Khi chắc chắn rằng không còn ai có thể đi theo và tiễn chân mình nữa;
Ta mới cho phép mình không phải gồng lên nữa.
Thở dài ra một cái. Cằm gục xuống ngực. Nước mắt đã lã chã tuôn rơi.
Không nức nở, nghẹn ngào. Mà cứ thế như mưa rơi xuống.
Lan Nhi ngồi bên cạnh thấy thế nắm lấy bàn tay ta. Nàng cũng phần nào hiểu được những tâm tư của ta, nên chỉ im lặng xiết chặt bàn tay ta, rồi cứ thế để cho ta tự nhiên tuôn nước mắt.
Mấy tháng nay, từ khi nghe tin cho tới lúc bước lên kiệu hoa về Hoa Lư, ta mới chỉ dám khóc có hai bận, dù trong lòng đớn đau khôn xiết.
Lần một là khi nghĩa phụ và nghĩa mẫu báo tin ta đã được hứa gả cho Đinh Bộ Lĩnh - Động chủ động Hoa Lư làm vợ lẽ. Dù nghe tin như sét đánh ngang tai, mà ta cũng chỉ dám nũng nịu, nhỏ vài giọt e lệ, rồi bảo với nghĩa phụ và nghĩa mẫu: "Con vẫn còn nhỏ, chưa muốn lấy chồng đâu!".
Đến khi nghĩa mẫu cười cười, mắng yêu, bảo: "Con gái 15, 16 tuổi rồi còn nhỏ bé nỗi gì nữa! Tuổi ấy con nhà người ta đã dựng vợ, gả chồng, lo toan gánh vác bao chuyện lớn rồi, mà con nhà mình còn định chơi dông dài mãi hay sao?" - thì ta cũng chỉ có thể vờ vùng vằng, thẹn thùng chạy về khuê phòng. Rồi cũng chỉ có thể chua xót âm thầm mà không dám khóc lóc thêm gì nữa. Trong lòng thì như bão tố, mà bên ngoài cũng chỉ dám tỏ chút ưu tư.
Ngày xe đón dâu đến, nghĩa mẫu dắt ta đến bàn thờ tổ tiên, vái chào bài vị của tổ tông họ Dương, của hai song thân, ta cũng chỉ dám giỏ vài giọt nước mắt, ôm lấy nghĩa mẫu giằng giai một lúc, rồi cũng phải lau khô mà bước lên xe hoa chứ đâu dám khóc lóc nhiều.
Đến giờ ta mới có thể tự do mà nghĩ cho số phận của mình. Và nghĩ về chàng. Rồi nước mắt cứ thế tuôn như mưa không sao ngăn được.
Bao ngày qua kể từ lúc nghe tin, ta lúc nào cũng sốt âm âm trong người, khi như tỉnh, lúc lại như say. Chỉ mong sao những tháng ngày này không phải là sự thật. Mong rằng đây tất cả chỉ là một giấc mơ. Mong rằng họ Đinh kia sẽ không tới đón dâu như đã hứa. Mong rằng khi tỉnh giấc mơ dậy, ta vẫn được ở nơi đây thương nhớ tới chàng. Nhưng giờ khi đã ngồi trên kiệu hoa tiến thẳng về Hoa Lư, thì ta biết rằng đã đến lúc cần phải đối mặt với sự thật rồi. Một sự thật làm người ta quá đỗi đau lòng!
Chỉ riêng bản thân ta mà nói, nếu chỉ riêng cái thân này thôi thì cuộc hôn nhân này hay cuộc hôn nhân khác có khác gì nhau - nếu cuộc hôn nhân ấy có thể đảm bảo một tương lai yên bình cho nghĩa phụ, nghĩa mẫu và dòng họ Dương ở võ đường Dương Xá? Nếu chỉ là như thế thì tấm thân này có gì phải tiếc? Nếu chỉ là như thế thì lòng ta có gì phải đớn đau? Nhưng ta còn chàng, còn lời thề ước với chàng trong đêm trăng sáng hôm ấy. Còn lời hứa đợi chàng chiến thắng trở về..
Vậy mà giờ đây, ta đã phụ lại tình chàng. Hơn nữa, ta sẽ trở thành vợ lẽ của chính người mà chàng đang phò tá. Trở thành phu nhân của người mà chàng hàng ngày gọi là "Minh chủ".
Ta đã luôn mong cho tới ngày được gặp lại chàng, kể mùa thu năm trước. Vậy mà không ngờ giờ đây chúng ta rồi sẽ được gặp lại nhau ở Hoa Lư nhưng lại trong tâm thế như thế này!
Nhưng ta có thể trách ai được đây? Ta có thể oán trách ai được? Có chăng chỉ có thể trách tạo hóa đã quá trêu người con người! Ta chẳng thể làm gì để vẹn cả đôi đường cả. Ta chỉ có thể chọn một con đường. Và con đường ấy không thể có chàng!
Ước gì ta có thể khóc mãi. Khóc cho tới khi thân thể tan thành nước. Rồi ta vĩnh viễn không bao giờ phải về Hoa Lư. Vĩnh viễn không bao giờ!
Nhưng ta biết điều đó không được phép.
Bởi thân thể này, tính mạng này là của nghĩa phụ và nghĩa mẫu. Và ta phải sống, phải về Hoa Lư lành lặn vì sự yên bình của hai người. Ta phải lấy tấm thân này để đền đáp công ơn của hai người và mang lại một tương lai an ổn cho dòng họ Dương.
Ta phải lấy tấm thân này để đền đáp công ơn của hai người và mang lại một tương lai an ổn cho dòng họ Dương! Đó chính là điều đã giữ ta lại tới bây giờ. Chính là điều khiến ta phải tỏ ra bình thản mà lên kiệu hoa về Hoa Lư dù vạn lần không muốn.
Ta vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều năm ấy, khi ta lên năm tuổi.
Đó là một buổi chiều mùa đông. Khi đó ta vẫn còn sống ở vùng Phú lăng thuộc Đạo Đại Hoàng cùng hai song thân của mình.
Cả nhà ta gồm thân phụ, thân mẫu, ta và hai gia nhân đang trên đường đi lễ chùa về. Lúc này đã qua tiết đông chí, lại đã nhập nhoạng tối, nên trời hết sức lạnh giá.
Tuy nhiên, dù trời có lạnh lẽo đến mấy cũng không ngăn nổi sự đầm ấm đang bao trùm lấy mọi người trong gia đình lúc bấy giờ.
Cha ta vốn là một thầy lang cắt thuốc chữa bệnh trong làng, nên gia đình ta sống tương đối sung túc. Cha mẹ ta lại rất yêu thương nhau và yêu chiều ta, sống chan hòa, nhân ái với kẻ hầu người hạ. Vì vậy tiếng cười lúc nào cũng tràn ngập trong gian tệ xá nhỏ ở ven làng.
Buổi chiều ấy cũng vậy, cả nhà đang ngồi trong xe ngựa cười nói vui vẻ. Bác Lưu xà ích đang giục ngựa bước mau để trở về nhà hơ tay bên lò sưởi. Thân mẫu cầm lấy tay ta đưa lên miệng người, hà hơi ấm vào bàn tay ta, lại lấy tay người xoa xoa xung quanh cho tay ta bớt lạnh, rồi nói:
- Nga nhi đợi chút nữa thôi là về tới nhà rồi nhé!
- Con không lạnh đâu mà, mẹ đừng lo!
Thân mẫu cười hiền rồi ngoảnh sang thân phụ:
- Không ngờ hôm nay lại trở lạnh hơn. Trời sập tối nhanh quá! Biết thế này thiếp đã không ngồi với sư thầy lâu như vậy để cả nhà phải đợi.
- Chút nữa là về tới nhà rồi, nàng lo mà làm gì. Thân phụ nhìn thân mẫu âu yếm, rồi khẽ chạm tay mình vào bàn thay thân mẫu, mỉm cười. Trong ánh sáng chiều tà nhợt nhạt chiếu vào xe, ta vẫn thấy rõ má thân mẫu ửng hồng và mắt người long lanh, lấp lánh hạnh phúc.
Bỗng nhiên xe ngựa đột ngột dừng lại. Mấy người chúng ta cùng xô dúi dụi về phía trước, ta thiếu chút nữa là lăn xuống sàn xe nếu không có cánh tay cứng cáp của thân phụ ngăn lại.
- Có chuyện gì vậy? - Thân phụ vừa hỏi vừa vén rèm nhìn ra ngoài. Vừa lúc đó bác Lưu xà ích cũng hốt hoảng thò đầu vào trong xe, giọng lạnh toát:
- Bẩm ông, cướp đường!
Những năm gần đây tình hình đất nước hết sức loạn lạc, giặc giã cướp bóc nổi lên ở khắp nơi quanh vùng. Nhưng riêng vùng ta ở chưa từng xảy ra những việc tương tự, bởi vậy không ai có ý đề phòng. Vậy nên khi nghe bác Lưu nói vậy, ai cũng hồn bay phách lạc.
Cha vội vàng ngoảnh lại nói nhỏ với mẹ: Nàng và con ở yên trong này! - Rồi vội vã bước ra ngoài.
Mẹ hốt hoảng kéo ta, ôm chặt vào lòng. Cùng lúc ấy nghe bên ngoài vang lên tiếng cười man dại của bọn cướp, không rõ là bao nhiêu tên. Kèm theo đó là tiếng chúng quát tháo:
- Đừng để các ông phải nói nhiều! Khôn hồn thì đưa hết tiền bạc, ngọc ngà ra đây!
- Bẩm các ngài, hạ thần vừa cùng gia đình đi chùa về, quả thực không mang theo nhiều bạc trong người. Chỉ có chút gọi là thôi, xin các đại nhân mở lòng từ bi. Giọng thân phụ từ tốn nói.
- Mang lại đây mau! Bọn cướp quát lên. Vẫn nghe văng vẳng tiếng cười khùng khục như thú vật của bọn chúng.
Im lặng một hồi. Tiếp đó là những tràng cười nham hiểm vang lên. Liền ngay sau đó là tiếng bác Lưu xà ích và Tiểu Hoa hét lên "Chủ nhân!". Vừa dứt lời thì Tiểu Hoa ngã nhào vào trong xe, hết sức hoảng loạn, mặt cắt không ra một giọt máu. Thân mẫu ta giật nảy mình, cũng đã đoán được bảy tám phần sự việc xảy ra, một mặt đỡ Tiểu Hoa dậy, một mặt định hỏi han cho rõ tình hình. Nhưng chưa kịp mở miệng đã nghe bác Lưu xà ích hét lên một tiếng đau đớn. Liền đó chiếc rèm xe bị hất lên một cách thô bạo, một tên cướp thò vào trong xe, túm lấy mẹ và Tiểu Hoa lôi ra ngoài. Mẹ chỉ vừa kịp đẩy ta vào góc xe đã bị lôi xềnh xệch ra khỏi xe. Trông thấy cảnh tượng ấy bọn cướp hú hét reo hò đầy phấn khích.
Ta run rẩy nằm yên trong góc xe, sợ vỡ mật không dám cử động chân tay. Miệng thì cấm khẩu không thể thốt lên được lời nào (cũng có thể chính nhờ thế mà ta thoát chết trong gang tấc. Bởi nếu lúc đó mà khóc lóc, la hét, chắc ta đã không thể giữ nổi cái mạng của mình). Chỉ còn nghe bên ngoài vọng lại tiếng đấm đá túi bụi, tiếng mẹ cùng Tiểu Hoa hét lên "Thả chúng ta ra!", nhưng đáp lại vẫn là những tràng cười của một bầy cầm thú.
- Mang các nàng này theo chúng ta thì cũng vui vẻ được ít bữa đó đại ca! - Một giọng tởm lợm cất lên. Oái! Sao các ngươi dám! Đại ca, chúng đều cắn lưỡi tự vẫn cả rồi..
Lại ồn ào nhốn nháo! Vẫn những tràng cười độc ác! Đột ngột, chiếc xe của ta bị giằng kéo mạnh kèm theo tiếng ngựa hí vang trời. Có lẽ là bọn chúng đã tháo lấy ngựa mang đi. Sau đó thì tiếng hò hét, quát tháo nhau rút lui, tiếng vó ngựa dầm dập xa dần.
Không gian trở lại tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng rợn người. Ta vẫn nằm yên ở trong góc xe, không dám cử động. Không nói. Cũng không khóc. Toàn thân như đông cứng lại.
Ta nằm yên như thế bao lâu? Ta không biết nữa. Mãi đến khi chân tay tê cóng và lạnh buốt không thể chịu được nữa, ta mới dám khẽ cựa mình, rồi thì thào theo hơi thở "Cha ơi! Mẹ ơi!". Chỉ kịp cất lên như thế nước mắt đã lăn dài trên má. Nhưng ta cũng không dám làm gì hơn. Vẫn cứ nằm yên đấy mà mếu máo không thành tiếng.
Lại tiếp tục thêm bao lâu nữa? Đầu óc một đứa trẻ năm tuổi thì có thể đo đếm thời gian như thế nào? Có lẽ là một canh giờ, hai canh giờ, hay nhiều hơn thế? Chỉ biết rằng khi ta đang chìm trong trại thái lơ mơ vì lạnh, vì đói, vì khiếp đảm thì lại nghe thấy những tiếng ồn ào càng lúc càng tiến lại gần. Tiếng xe ngựa cọt kẹt, tiếng người nói chuyện, tiếng vó ngựa đều đều. Có khi nào bọn cướp lại quay lại? Ta tê cứng cả người trước ý nghĩ ấy! Thu mình nép chặt hơn vào góc xe, ta không dám cả chớp mắt.
Tiếng ồn ào mỗi lúc một đến gần. Tiếng người lao xao lên một chặp. Có lẽ họ đã nhìn thấy xe của ta. Một lúc sau thì có tiếng người đàn ông cất lên:
- Bẩm Dương lão quản gia có lẽ là một vụ cướp đường. Thấy bốn người, hai nữ, hai nam đều đã chết. Ngựa kéo xe chắc bị bọn cướp lấy đi rồi.
- Kiểm tra xem trong xe còn ai không? - Một giọng khoan thai, đĩnh đạc đáp lời.
- Vâng lão gia!
Rồi ta thấy ánh đuốc sáng tiến lại gần. Ánh đuốc chiếu qua rèm xe lấp lóa. Sau đó chiếc rèm được vén lên. Rồi một người đàn ông ăn bận gọn gàng, tinh giản theo lối nhà binh thò đầu vào. Ta kinh hãi hét toáng lên và co rúm người vào góc xe trong vô vọng.
- Bẩm Dương lão quản gia có một bé gái trong xe! - Người đàn ông gọi với lại phía đoàn người rồi quay sang phía ta: Tiểu tử đừng sợ, ta không đánh người đâu. Ra đây với ta nào!
- Không! Tránh xa ta ra! Ta run rẩy hét lên, mà giọng khản đặc không thốt được rõ lời. Vẫn khăng khăng trốn sâu phía cuối xe.
Tiếng một vài người lào xào, rồi một lão gia tóc đã bạc trắng, ăn bận đơn giản nhưng lịch thiệp tiến lại gần cửa xe, ghé vào:
- Tiểu thư đừng sợ, đây là xe của quan gia, không phải xe của người xấu. Tiểu thư ra đây yết kiến quan gia rồi người sẽ bảo vệ cho tiểu thư.
Ta vẫn không động đậy.
Lão gia lớn tuổi tiếp tục nài nỉ thêm một hồi nhưng ta vẫn mặc kệ. Bỗng nhiên thấy lão gia ấy nép sang một bên, cất giọng hốt hoảng:
- Bẩm phu nhân, sao người lại ra đây! Sương đêm lạnh lẽo lắm, cẩn thận kẻo lại mang bệnh đấy ạ!
Không thấy tiếng đáp trả. Ngay sau đó thì một vị phu nhân trung tuổi, phục sức tuy đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ cao quý, đường bệ cùng hai thị nữ theo hầu tiến lại gần xe. Phu nhân nhìn vào trong xe một lượt, rồi hai nàng thị nữ đỡ người bước lên xe. Người nhẹ nhàng lại gần ta, rồi cất giọng:
- Tiểu tử, lại đây với ta nào! Không có gì phải sợ cả! Có ta ở đây bảo vệ ngươi rồi!
Nghe giọng nói thâm trầm, khoan thai mà rành rọt như tiếng chuông bình yên trên cánh đồng buổi chiều quê ấy, nhìn khuôn mặt nhân từ phúc hậu của người và ánh mắt ẩn chứa sự yêu thương, cảm thông đang trùm phủ lấy ta, ta bỗng dưng không còn sợ gì nữa, nhào vào hai cánh tay đang chìa ra của người và òa lên khóc.
Phu nhân ôm lấy ta bước xuống xe. Dưới áng sáng của đèn đuốc, ta nhìn thấy một đoàn người ngựa rất đông đúc đang đứng lô nhô ở bên đường. Khi phu nhân quay người bước về phía đoàn xe, thì ta nhìn thấy ở bên vệ đường, thân phụ ta, thân mẫu, Tiểu Hoa và bác Lưu xà ích đều nằm sấp bên vệ đường giữa những vũng máu lớn lúc này đều đã đông đặc lại. Họ đều đã chết!
Nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng ấy ta liền hét lên một tiếng rồi ngất xỉu.
Sau khi cảo táng cho cha mẹ ta và gia nhân bên vệ đường, Chương Dương công và Đặng phu nhân - chính là nghĩa phụ và nghĩa mẫu của ta bây giờ cứ thế đưa ta theo về vùng Ái Châu, quê hương của người.
Tới Ái Châu, ta bị ốm, bị cấm khẩu không ăn, không uống cả tháng trời. Hai người, đặc biệt là nghĩa mẫu ngày đêm săn sóc, túc trực, lại cho mời hết lượt các thầy lang có tiếng trong thành Tư Phố tới bắt mạch, chữa bệnh. Nhờ thế mà ta cũng dần dần bình phục.
Nghĩa phụ và Nghĩa mẫu bèn nhận ta làm con và nuôi nấng, yêu thương ta như thể cha mẹ đẻ.
Để có ta ngày hôm nay, không gì khác chính là nhờ công ơn dưỡng dục của hai người, nhờ những kỷ luật, những quy tắc khắt khe của nghĩa phụ; nhờ tình yêu thương, lòng bao dung, sự chỉ bảo rất mực tận tình về những điều phải quấy của nghĩa mẫu.
Ta vẫn còn nhớ chừng khi ta lên tám, chín tuổi, vốn dĩ là một đứa trẻ nghịch ngợm và hiếu động, dù được nghĩa phụ và nghĩa mẫu dạy bảo, được theo thầy học chữ, nhưng những điều hay lẽ phải ta đều.. tạm để ngoài tai, không ngừng cùng Thị Lan và Thị Ngọc - là hai thị nữ thân cận trốn ra khỏi Đông Lỗ để chơi bời.
Tuy vậy cũng chỉ là những trò ngịch ngợm con nít, như bêu đầu dãi nắng, hái hoa, bắt bướm, thả diều, bắt cá ở trên cánh đồng bên ngoài Trang, cãi lộn với đám trẻ này, đánh nhau với đám trẻ kia ở trong làng.. - Đều là chưa xảy ra vụ việc gì nghiêm trọng.
Cho đến một hôm, đi qua vườn ổi rộng lớn phía sau nhà của một người dân ở trong làng, nhìn những cây ổi sai xúc xỉu, với những trái ổi to tròn, bắt đầu chín căng mịn, láng bóng, không kìm lại được ta bèn bày với hai nàng thị nữ trèo vào vườn hái trộm.
Hai nàng đều sợ nên bàn lùi. Nhưng ta bảo chính ta sẽ trèo vào lấy chứ không phải hai nàng, còn dọa thêm nếu ai không giúp ta lấy ta sẽ nghỉ chơi với người đó. Thế là hai nàng đành miễn cưỡng cồng kênh cho ta trèo qua bức tường bằng đá thấp để vào trong vườn. Hái được quả nào liền buộc túm vào chiếc áo, đến khi nhiều thì tuồn ra cho hai nàng giữ. Càng nhìn càng thèm, càng hái càng hăng. Nên mặc dù đã hái được khá nhiều, hai nàng đã gọi với vào bảo: "Nhiều lắm rồi tiểu thư, về nhà thôi kẻo người ta phát giác" - ta vẫn chẳng màng, tiếp tục trèo hẳn lên một cây ổi to mà hái cho thỏa thích. Rủi thay chân ta dẫm vào một cành ổi bị sâu, thế là "rắc" một cái, cả người và số ổi vừa mới hái theo cành ổi khô rơi xuống đất. Ta bị chính cành ổi khô gãy chọc vào bắp chân chảy rất nhiều máu. Chưa kịp hành động gì thì người trong nhà nghe thấy tiềng động đã kéo ra bắt luôn kẻ trộm, lôi tuột ta vào nhà và trói vào một cái cột ở hè bếp.
Ngọc Nhi và Lan Nhi sợ hãi, vội vã chạy vào khóc lóc van xin. Mãi vẫn không được, lại thấy máu ở chân ta vẫn tiếp tục chảy xối xả, hai nàng sợ quá mới nói thật, ta chính là tiểu nữ con của Dương Công ở trang Đông Lỗ. Nhưng chủ nhà nghe thấy vậy, chỉ cười ngất rồi bảo:
- Bọn giặc non láo toét các ngươi mà là người nhà của Dương Công thì ta đây là cậu ông giời nhé!
Thế rồi vẫn tiếp tục trói nhốt.
Thị Ngọc và Thị Lan thấy ta bị thương nặng mà không làm sao đưa về để chữa trị được, lại nghĩ đến lúc nghĩa phụ và nghĩa mẫu ta biết thì không sao tránh khỏi bị nhừ đòn nên càng thêm hốt hoảng, nước mắt ngắn, nước mắt dài, luống cuống như gà mắc tóc. Ta bèn nhìn hai nàng, bảo:
- Thôi hai người đừng khóc nữa. Lan Nhi ở đây với ta, còn Ngọc Nhi chạy về nhà báo đi.
Lúc ấy hai nàng mới như người tỉnh mộng. Ngọc Nhi vội vã chạy về bẩm báo.
Chừng một canh giờ sau thì quản gia Dương Thuần cùng người trong Trang đi xe ngựa tới. Nhìn thấy thế chủ nhà lúc này mới tin, quỳ mọp xuống khóc lóc van xin tha mạng.
Dương lão quản gia không nói gì, chỉ lặng lẽ đỡ chủ nhà dậy rồi khấu đầu:
- Tiểu thư nhà chúng tôi được nuông chiều quá, nên ngịch ngợm đã thành quen, giờ gây ra việc này, gia chủ trách phạt là phải phép, chúng tôi nào dám ý kiến gì. Còn dám nói chuyện tha tội hay không tha tội với gia chủ nữa hay sao? Hiện nay Dương Công tuổi già sức yếu không tiện đi lại, nên có cử tôi đến đây. Trước xin khấu đầu tạ lỗi cùng gia chủ, sau xin phép đưa tiểu thư về chữa trị thương kẻo để lâu lại sinh tật.
Chủ nhà liền đỡ Dương quản gia dậy rồi vội vã quỳ phục xuống, khấu đầu lia lịa:
- Xin Quan gia đừng làm thế! Xin Quan gia cứ đưa tiểu thư về. Xin ngài nói với Dương Công tha lỗi cho hạ thần có mắt như mù mạo phạm đến tiểu thư. Như vậy hạ thần ngàn lần đa tạ!
Dương quản gia đỡ chủ nhà dậy rồi đưa ta về và cho tìm thầy lang bốc thuốc trị vết thương.
Buổi tối nghe nghĩa phụ truyền xuống phạt đánh hai mươi roi, nhưng cho nợ tới khi khỏi bệnh sẽ đánh. Nghĩa mẫu tới trông nom, nhìn ta nằm sốt mê man ở trên giường, chỉ lẳng lặng ngồi chấm nước mắt, tây vẫn không ngừng lật trở khăn ướt trên trán để giúp ta hạ nhiệt.
Chừng gần một tháng sau thì ta khỏi bệnh. Các thầy lang bảo ta có quý nhân phù trợ, nên mới thoát khỏi cái nạn này mà chân cẳng không bị làm sao.
Khi đã bắt đầu đi lại được, nghĩa mẫu gọi ta qua phòng rồi nói:
- Con nghĩ bấy nay những trò ngịch ngợm bên ngoài của con ta và cha con không biết hay sao? Chỉ là vì quá yêu thương con, muốn con được vui đùa một chút, không muốn con suốt ngày giam mình ở đây mà ta và cha con đã lơ đi cho con thỏa thích. Nhưng đã đến cơ sự này thì con cũng phải xem lại mình thôi. Cha vì việc này mà buồn giận lắm. Còn ta, chỉ có một điều này để nói với con: Vui chơi và nghịch ngợm con trẻ chẳng thể lúc nào cũng cấm cản được. Nhưng vui đùa, nghịch ngợm gì thì nghịch ngợm, con hãy nhớ, một là giữ lấy thể diện cho dòng họ Dương ở vùng đất này; hai là giữ gìn lấy tính mạng và sức khỏe của mình. Đừng để cho người đầu bạc phải đau buồn vì người đầu xanh. Thế là được!
Chỉ bấy nhiêu lời nói thôi mà còn mạnh hơn cả ngàn roi vọt. Chỉ bấy nhiêu lời thôi mà thấu cả tim gan!
Năm ấy nghĩa mẫu đã ngoại tứ tuần, do sức khỏe yếu nên suốt cả đời người không thể nào sinh nở được.
Trước kia khi nghĩa phụ còn làm Vương của thiên hạ, hai người có nhận hoàng tử Ngô Xương Văn, tức Nam Tấn Vương bây giờ làm con nuôi. Nhưng thế sự xoay vần, vật giời sao đổi, mọi sự giờ đã khác. Đối với nghĩa phụ và nghĩa mẫu mà nói, giờ cũng chỉ có một mình ta. Cuộc gặp gỡ ở Đại Hoàng quê ta năm đó đúng là một định mệnh, nhưng thực thà mà nói, nghĩa phụ và nghĩa mẫu hoàn toàn có thể thu nạp ta về làm kẻ hầu, người hạ trong nhà và cho ăn qua ngày. Với một người trong hoàn cảnh như ta khi ấy, còn có thể mong gì hơn thế? Nhưng hai người lại nhận ta làm con nuôi. Tuy chẳng nói ra cũng biết, hai người yêu thương ta khác gì con đẻ?
Chỉ nghĩ bấy nhiêu thôi cũng đã không dám làm phiền lòng hai người thêm một lần nào nữa rồi.
Mấy ngày sau khi họ Đinh đến cầu thân, nghĩa mẫu có gọi ta vào và bảo:
- Ta biết con phải chịu nhiều thiệt thòi. Cha mẹ mất sớm, về ở với ta và cha con, chúng ta chưa mang lại cho con được gì nhiều mà giờ phải gánh vác việc này. Nhưng con cũng biết đấy, gia cảnh nhà ta sa sút, cha con từ ngôi Vương của thiên hạ, giờ thất thế về ở ẩn nơi này. Nhà Ngô thì đã mất. Họ Dương nhà ta cũng không còn nơi nương tựa nữa. Bổng lộc họ Ngô ban cho, tuy thực chất mà nói chẳng đáng là bao, nhưng bấy lâu nó mang lại cho họ Dương ta sự tôn trọng, nể phục của thiên hạ. Nhưn giờ cũng đã theo họ Ngô mà liền mất. Nay họ Đinh niệm tình xưa dưới chướng tổ phụ mà xin cầu thân, âu cũng như là một sự đảm bảo tương lai cho họ Dương nhà ta vậy. Tình hình hiện nay có thể thấy, họ Đinh chắc đến chín mười phần sẽ thống nhất thiên hạ và lên ngôi cao. Chẳng nhanh thì cũng chỉ vài ba năm nữa thôi. Khi ấy nhờ con và cuộc hôn nhân này, nhà họ Dương may ra mới được hưởng yên bình về sau. Ta biết con là con nuôi của chúng ta, phải đứng ra gánh vác việc này thật không công bằng với con. Nhưng trong tình thế hiện nay con thấy đấy, chỉ có con là có thể giúp được việc này thôi.
Nhưng đâu cần đến những lời nói ấy, chỉ cần nghĩ đến công ơn của hai người bao năm qua ta cũng đủ lấy mạng này ra mà báo đáp rồi.
Vì thế nên ta làm sao có thể làm một việc gì khiến hai người lo lắng. Ta càng không thể nói với hai người chàng, về tâm tư của ta khi phụ lại tình chàng. Nói ra những chuyện ấy với hai người liệu có giải quyết được gì? Hay chỉ làm hai người thêm khó nghĩ và làm rối rắm mọi việc?
Thế nên ta vẫn phải về Hoa Lư thôi!