• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trung tâm Tương Bắc, vào tiết cuối đông hoa mai đua nở rất nhiều. Đẹp nhất là nơi bờ sông Nguyên Giang, những buổi chiều vàng, khách qua đường không thể không lưu ý.

Ở đó có viện Tam Thanh quan, một ngôi cổ viện đã nổi tiếng từ xưa đến nay, ẩn khuất trong rừng mai đẹp nhất trên chốn giang hồ.

Hôm đó, trời mới tinh sương, ánh nắng chưa rải khắp cánh cây kẽ lá, thì trong rừng mai bỗng xuất hiện một thiếu nữ mặc áo hồng, tay phải cầm một bó hoa, tay trái nhẹ nâng tà áo, thoăn thoắt tiến về phía bờ sông.

Nét diễm kiều thướt tha trên làn cỏ ướt, với dáng điệu ấy, với khuôn mặt ấy, ai cũng phải công nhận nàng là một tuyệt thế giai nhân.

Thiếu nữ đi đến bờ sông dừng chân lại, đưa mắt nhìn dòng Nguyên Giang như nóng lòng chờ đợi một tin tức gì.

Dòng nước chảy mạnh, sóng bủa rạc rào, rộp rịp chẳng khác lòng nàng lúc bấy giờ.

Nàng nhoẻn một nụ cười, mân mê bó hoa mai, rồi bứt từng cánh hoa ném xuống mặt sông.

Từng cánh hoa bị nước cuốn vùi dập trôi đi, làm cho đôi mi nàng hơi cau lại, nét tươi vui như không còn trong hồn nhiên nữa.

Giữa lúc đó, một chiếc ghe nhỏ xuôi dòng, từ trên thượng lưu phóng xuống như tên.

Chỉ loáng mắt, đã thấy một vị hòa thượng, mày rậm râu dài, đứng ở mũi ghe, mặc áo bào trắng, dáng người quắt thướt uy nghi.

Thoáng thấy vị hòa thượng ấy, thiếu nữa tươi hẳn nét mặt, vừa đưa tay vẫy, vừa reo lên.

- Sư phụ! Sư phụ!

Nàng quăng hết bó bông mai xuống sông, nhún mình một cái, cả tấm thân kiều diễm của nàng vút qua làn nước, đáp vào chiếc ghe nhỏ của vị hòa thượng còn đang bập bền xuôi trên mặt sóng.

Lão hòa thượng nhíu mày, nhìn thiếu nữ mắng yêu :

- Năm nay con đã mười tám tuổi rồi, sắp trưởng thành mà còn nhỏng nhẻo như trẻ con nữa sao?

Dứt lời, hòa thượng đưa tay cầm chiết neo sắt quăng vút vào bờ. Lão vừa buông tay, chiếc neo đã móc vào một gốc cây lớn, cắm sâu hơn năm tấc. Xem đó, đủ biết lão hòa thượng tuy đã hơn sáu mươi tuổi mà sức mạnh phi thường, nội công quá thâm hậu.

Sợi dây thừng căng thẳng, chiếc ghe dừng lại. Lão vừa phất tay áo một cái thì như một luồng khói, toàn thân lão đã lên tới bờ.

Lão vừa quay đầu nhìn lại thì thấy thiếu nữ cũng đang vận dụng khinh công nhảy theo. Nhưng nàng vừa nhảy được nửa chừng, bỗng sa xuống mặt nước.

Hòa thượng thất kinh, la hoảng :

- Kìa! Loan nhi!

Tiếng ông la chưa dứt thì thiếu nữ đã khoác tay tung mình lên cao hơn năm thước rồi đáp nhẹ vào bờ như một con chim én, xiêm y của nàng tròn trông rất đẹp mắt.

Nàng cười ha hả, tiếng cười trong như ngọc rót, nói với hòa thượng :

- Sư phụ! Sư phụ thấy công phu “Yến Tử Phi Vân” của con lúc này có tiến bộ không?

Hòa thượng nghiêm nét mặt nói :

- Cũng có tiến bộ đôi chút, nhưng về nội tâm chưa được thành tính, hỏa hầu còn kém. Nếu giao đấu với địch thủ mà nội tâm rối loạn thì công phu của con sẽ không đạt đến mức đó.

Hồng y thiếu nữ thấy sư phụ đã không khen còn buông lời chê trách, mặt nàng xịu lại như một cành hoa héo, cúi đầu chẳng nói lời nào nữa.

Hòa thượng thở dài, thầm nghĩ :

- Nếu không có một lần nghiêm khắc, răn dạy nó, cứ để nó nhỏng nhẻo mãi thì làm sao có thể nên người được.

Ông định lựa lời trách mắng, nhưng vừa quay đầu lại thấy nàng vẫn đứng im, cúi mặt xuống đất, đôi mắt ươn ướt, dáng điệu chẳng khác nào mẹ nàng hồi nhỏ, lúc còn sinh tiền.

Hình ảnh ấy đã làm cho vị hòa thượng nhớ lại mối tình của ông hơn ba mươi năm về trước, một dĩ vãng đau thương chỉ có chết đi may ra ông mới nguôi ngoai nổi.

Thế là ông không còn đủ can đảm khiến trách đứa nữ đồ đệ của ông nữa. Từ giận đổi sang buồn, ông nhẹ giọng gọi :

- Loan nhi! Con hãy đến đây.

Thiếu nữ đang làm mặt giận hờn, bỗng nghe thấy sư phụ gọi, nàng ngẩng đầu lên thấy toàn thân sư phụ nàng rung rẩy, nàng “Á” lên một tiếng rồi chạy xổ đến quỳ gối trước mặt hòa thượng vừa khóc vừa nói :

- Sư phụ đừng giận con! Từ nay về sau con không dám làm cho sư phụ giận con nữa.

Hòa thượng đưa tay đỡ thiếu nữ dậy, nở một nụ cười héo hắt trên môi, nói :

- Ta muốn cho con nên người nên mới đem con đến đây. Quán chủ Tam Thanh Huyền Thanh đạo sư là một trong Tam lão của phái Côn Luân có môn “Phân Quang kiếm pháp” xuất sắc trong giới giang hồ. Ta đã hứa đem con đến đây để nhờ Huyền Thanh đạo sư truyền dạy cho con môn ấy.

Thiếu nữ nói :

- Thưa sư phụ, tại sao lại phải làm như vậy? Môn “Thập bát La Hán chưởng” của sư phụ cũng đủ cho anh hùng khắp nơi nể sợ rồi.

Hòa thượng nói :

- Đành vậy, nhưng Huyền Thanh đạo sư vốn quen biết với ta. Đạo trưởng lại có một đứa học trò duy nhất, muốn cho ta truyền dạy môn “Thập bát La Hán chưởng”. Nhân dịp này ta muốn trao đổi đồ đệ để dạy với nhau. Trong lúc đạo trưởng truyền “Phân Quang kiếm pháp” cho con thì ta lại truyền “Thập bát La Hán chưởng” cho Mã Quân Vũ, đứa đồ đệ duy nhất của lão.

Ba tiếng Mã Quân Vũ như có một mãnh lực gì làm cho lòng thiếu nữa vui vui.

Nàng gục đầu ôn lại những ngày nàng theo sư phụ đến đây, được thấy Mã Quân Vũ, đồ đệ của Huyền Thanh đạo sư, anh chàng khôi ngô tuấn tú mà lòng nàng lúc nào cũng nghĩ tới.

Hôm nay, chính nàng đến nơi rừng mai này quá sớm, cũng chỉ vì nàng muốn được trông thấy người học trò khôi ngô đó.

Trong lúc nàng mơ ước đến tương lai mà vui, thì hòa thượng lại nghĩ đến dĩ vãng mà buồn. Hai vẻ mặt một già một trẻ tương phản nhau đã đành, mà trong tâm hồn của mỗi người đều khác biệt.

Thiếu nữ thấy sư phụ nàng buồn bã, ngờ rằng ông ta giận nàng, nên nắm lấy tay ông nửa nũng nịu nửa van xin :

- Sư phụ! Sư phụ đừng giận con nữa! Con đã hứa với sư phụ rồi, từ nay trở đi con không làm cho sư phụ giận nữa đâu.

Hòa thượng ngập ngừng nhìn thiếu nữa nói :

- Không, không! Thầy không giận con đâu! Thầy nghĩ đến hoàn cảnh cha mẹ của con mà buồn.

Đã mấy lần nàng nghe sư phụ nàng nhắc câu ấy, nhưng đã mấy lần nàng đã hỏi đến lai lịch của nàng thì sư phụ nàng lại từ chối không chịu nói. Nàng có cảm giác bên trong hẳn có điều gì bí ẩn lắm. Từ lúc nhỏ đến giờ, nàng không hề biết cha mẹ nàng là ai, chỉ sống với lão hòa thượng mà nàng gọi là sư phụ. Bao nhiêu tình thương nàng dồn vào vị hòa thượng già nua kia, và ngược lại, vị hòa thượng cũng yêu mến nàng, coi nàng như con đẻ vậy.

Hơn ba tháng nay, thỉnh thoảng sư phụ nàng đưa nàng đến đây để nhờ Huyền Thanh đạo sư truyền thụ cho nàng về “Phân Quang kiếm pháp” và ông hứa với nàng lúc nào nàng thành tài sẽ nói cho nàng rõ tung tích. Do đó, mặc dù vị hòa thượng nhắc đến cha mẹ nàng, nàng cũng không dám tò mò hỏi đến nữa.

Hai thầy trò đang nói chuyện thì từ trong rừng mai có một bóng người rẽ lá bước ra.

Đó là một thiếu niên trạc hai mươi tuổi, mắt sáng như sao, da mặt trắng trẻo, mặt áo đạo bào màu xanh, chân đi giày trắng, dáng người rất thanh nhã.

Vừa thoáng thấy hòa thượng, thiếu niên đã dập đầu làm lễ ra mắt, và nói :

- Sư gia con biết hôm nay có Ngô Không sư bá đến nên sai con ra đây đón rước. Con đến chậm, xin sư bá tha lỗi.

Hòa thượng nhìn thiếu niên vui vẻ hỏi :

- Mấy tháng nay Loan nhi đến đây luyện võ có làm phiền cháu điều gì không. Chắc làm bận rộn sư phụ cháu lắm nhỉ!

Thiếu niên cung kính thưa :

- Thưa sư bá, Thanh Loan sư muội rất thông minh, lại được sư bá truyền thụ võ công rất thâm hậu. Gia sư con thường nói sư muội sau này ắt có một tương lai tốt đẹp. Còn con là đứa tối tăm ngu muội, được gần gũi Thanh Loan nhờ Thanh Loan chỉ bảo cho đôi chút thật là việc may mắn, đâu dám phiền hà.

Thiếu niên này chính là Mã Quân Vũ, người đồ đệ duy nhất của Huyền Thanh đạo sư, ở tại Tam Thanh quan này.

Thanh Loan thấy Quân Vũ khen mình, đôi má đỏ ửng, miệng nở một nụ cười tươi. Nàng khẽ đưa mắt nhìn Quân Vũ với vẻ mặt đầy thâm tình.

Nhưng Quân Vũ không hề để ý đến, nét mặt chàng vẫn điềm nhiên, cung kính đứng chắp tay hầu Ngô Không hòa thượng.

Thấy rõ cử chỉ đó, Ngô Không hòa thượng than thầm :

“Từ năm trước Loan nhi gặp Mã Quân Vũ một lần. Từ đấy nó thường đòi ta dẫn đến đây chơi, lấy cớ rằng thích vườn mai. Nhưng nào phải đâu nó thích vườn mai, mà chính nó đã thích chàng thiếu niên này. Qua ba tháng chúng được gần gũi nhau, ta xem Loan nhi nặng tình với Mã Quân Vũ, mà Mã Quân Vũ thì vẫn thờ ơ với nó... Ôi! Tình là bể khổ! Lúc nhỏ ta đã trải qua một đoạn tình sử bi thương, thiếu chút nữa phải vùi thây trong núi thẳm rừng sâu. Mặt dù việc rủi ro ấy đã đưa ta tới một may mắn là gặp được cao nhân truyền thụ võ nghệ mới có cái vinh dự ngày nay, tuy nhiên mỗi khi nhớ đến đoạn tình sử ấy chẳng khác nào một cơn ác mộng! Đã hai mươi năm ta cúi đầu bái Phật, cố tách ra khỏi dĩ vãng, nhưng nhiều đêm âm dung nàng vẫn hiện ra trước mắt... Ôi! Nàng, nàng đã bị người ta giết chết! Cho đến lúc chết nàng mới thổ lộ tình yêu với ta! Lúc đó đôi mắt nàng đẫm lệ, trao đứa con cho ta và nhờ ta bảo bọc! Đứa con nàng bây giờ là Loan nhi, giọt máu di lưu của nàng. Tánh tình và cử chỉ của Loan nhi cũng rất giống nàng, nay Loan nhi lại sớm sa vào đường tình ái, sợ rằng nó không khỏi dẫm vào vết xe đau khổ của người thời xưa... Nếu để nó phải ôm lấy sầu hận thì nhiệm vụ ta không tròn với người quá cố...!”

Nghĩ đến đây, hòa thượng tay chân lạnh toát, ngẩng mặt về phía Thanh Loan.

Lúc đó ánh nắng đã lên cao, chiếc áo màu hồng của nàng phản chiếu lên đôi má, làm cho nàng năng thêm vẻ đẹp thơ ngây của tuổi thiếu thời.

Hòa thượng, lại liếc nhìn cử chỉ của Mã Quân Vũ, thấy chàng trang nghiêm, đạo mạo, chẳng hề để ý đến Thanh Loan.

Ông ta thầm nhủ :

- Huyền Thanh chọn đứa đệ tử này thật khác đời. Đối với một thiếu nữ kiều diễm như Loan nhi mà hắn không hề lưu chút tình cảm, lạ thật.

Đang lúc hòa thượng còn mải mê suy nghĩ, Mã Quân Vũ bỗng cúi đầu xá dài một cái và nói :

- Thưa sư bá! Gia sư của con đang chờ sư bá nơi đại sảnh, xin mời sư bá vào hội kiến.

Ngô Không hòa thượng gật đầu, cất bước, theo con đường mòn, rẽ vào rừng mai, hướng về phía Tam Thanh quan.

Ba người đi chưa được bao xa, bỗng nghe từ phía Đông có tiếng hét vang trời, tiếng hét rùng rợn như những tiếng gầm gừ của loài thú dữ bị thương vậy.

Ngô Không hòa thượng cau mày quay lại thì thấy Thanh Loan và Quân Vũ cũng đang dừng chân, đứng sát vai nhau nhìn về phía ấy.

Tiếng la hét mỗi lúc một gần, nhưng Ngô Không hòa thượng thấy chuyện của người ta, không cần quan tâm đến, ông ta sợ Huyền Thanh đạo sư chờ lâu, nên vội quay lưng rảo bước vào đại sảnh.

Mã Quân Vũ để tai nghe ngóng một hồi rồi nói với Thanh Loan :

- Sư muội! Hình như có tiếng vũ khí chạm nhau. Chắc là có cuộc đuổi đánh gần đây.

Thanh Loan gật đầu nói :

- Đúng vậy, nhưng hình như họ đang chạy về hướng rừng mai này.

Mã Quân Vũ lẩm bẩm :

- Nơi Tam Thanh Quan này từ trước đến nay rất yên tĩnh không xảy ra một vụ cướp bóc, giết người nào, sao hôm nay lại có chuyện lạ? Tiếng hét từ bờ sông vọng vào chắc là có kẻ hành hung giết người đoạt của chi đây. Chúng ta đến đó xem thử.

Dứt lời Quân Vũ đã phóng mình về phía bờ sông.

Thanh Loan vốn tính trẻ con, thích xem những chuyện vui, nên gọi lớn :

- Mã sư huynh! Chờ tôi đi với.

Quân Vũ nghe kêu quay lại thì thấy nàng đã phi thân đến gần, nét mặt tươi như đóa hoa xuân, trông rất dễ mến.

Hai người chưa kịp bước đi thì từ bên ngoài, một đại hán nhảy vọt vào rừng mai, mình mẩy đầy máu, trong tay còn nắm một con dao lớn. Đàng sau có hai lão già đuổi theo rất gấp. Ba người đều trổ thuật khinh công chạy như tên bắn.

Vừa đến trước mặt hai người thì lão già đuổi theo sau phóng tới một luồng ám khí trắng toát, găm thẳng vào lưng chàng đại hán cầm dao. Chàng đại hán cầm dao tuy mình mẩy trúng đầy thương tích nhưng cũng cố sức chạy không ngừng.

Vừa trông thấy Quân Vũ và Thanh Loan, chàng đại hán gọi lớn :

- Mau vào mời Tam Thanh quan chủ...

Chàng đại hán nói chưa dứt lời hai lão già đàng sau đã đuổi theo kịp. Cả hai đều tung chưởng đánh ra một lượt, chưởng lực vun vút, tống chàng đại hán bay lên cao bảy tám thước, rồi rơi xuống đất một tiếng “bịch”. Chàng đại hán không còn đủ sức gượng dậy nữa, mặt mày tái nhợt, máu tươi trào ra miệng. Hai cây mai to bên đường bị chưởng lực của hai lão già ấy đánh gẫy ngã xuống, những cánh mai vàng rơi lả tả như mưa.

Mã Quân Vũ thấy chưởng lực của hai lão già tung ra quá mạnh đã thất kinh, lại nghe chàng đại hán kia bảo sư phụ ra mau, bèn nghĩ thầm :

- “Đại hán này biết danh hiệu sư phụ mình và cố gắng chạy đến đây chắc có quen biết với sư phụ mình chớ chẳng không. Vậy thì ta phải ra tay cứa người quen kẻo nguy mất”.

Nghĩ như thế, Quân Vũ không kể gì đến tình trạng mình, vội tung mình nhảy đến trước mặt hai lão già chận lại, và hỏi :

- Tại sao có chuyện tử chiến này, xin cho tiểu nhân rõ.

Hai lão già thấy chàng đại hán cầm đao trước đã bị mấy mũi ám khí “Kim Long tu” phóng vào lưng, giờ đây lại bị hai luồng chưởng đánh tới hộc máu, không còn gượng dậy được, nên an lòng không còn sợ đại hán đó chạy đi đâu được nữa.

Thấy thiếu niên cản đường, hai lão già dừng chân, trố mắt nhìn.

Mã Quân Vũ là người đồ đệ duy nhất của Huyền Thanh đạo sư. Huyền Thanh đạo sư là một trong “tam tử” của phái Côn Luân, lừng danh trên võ lâm về hai môn “Phân Quang kiếm pháp” và “Thiên Cang chưởng”. Mã Quân Vũ theo học Huyền Thanh đạo sư đã hơn mười hai năm rồi, tuy công phu trong phái Côn Luân chàng đã tập luyện khá nhiều, nhưng từ thưở bé đến nay cứ ở mãi nơi Tam Thanh quan hầu thầy, chưa hề có một trận giao đấu với ai.

Vì vậy, khi thấy hai lão già kia hung hăng như vậy, chàng đã sợ hãi, nhất là khi thấy hai khuôn mặt quái gở của hai ông già đó thì chàng lại càng sợ hãi hơn.

Hai ông già tuổi ngoài năm mươi, một người có đôi lông mày chữ bát, mắt tam giác, mặt một bên nám đen, một bên trắng toát, đầu tóc tua tủa dài hơn ba tấc. Còn một người nữa da mặt tái như bánh sáp, dáng điệu như một xác chết lâu năm sống lại, dưới cằm lại để một chòm râu vàng. Cả hai đều mặc áo quần bằng vải bố trắng, trông có vẻ hiểm độc, lạnh lùng.

Thanh Loan thấy Quân Vũ nhảy ra chận đường hai quái khách ấy, lòng lo lắng không an, sợ chàng có bề nào rủi ro, nên nàng cũng liều lĩnh xông đến.

Khi nàng thấy mặt hai quái khách bỗng thất kinh ré lên một tiếng, ngã vào lòng Quân Vũ.

Quái khách mặt nửa đen nửa trắng cất giọng cười lanh lảnh nói :

- Hai đứa chúng bay là hạng người nào trong Tam Thanh quan, hay mau tránh đường đừng dại cản trở công việc của bọn ta mà uổng mạng.

Mã Quân Vũ tuy nhỏ tuổi, nhưng là kẻ cơ mẫn, thầm nghĩ :

- “Cứ trông vào chưởng lực của hai lão già này vừa đánh gãy hai gốc mai, đủ biết công phu nội lực phi thường. Nếu không phải là tay cường khấu trên giang hồ, thì cũng thuộc vào hàng phong trần hiệp ẩn. Từ trước đến giờ mình chưa hề biết họ, và tài sức mình cũng không phải là đối thủ của họ thì chống đối với họ làm gì. Chi bằng mình cứ dùng lời lẽ ôn hòa đối đáp, kéo dài thời gian, đợi sư phụ và sư bá đến sẽ hay”.

Nghĩ như vậy, Quân Vũ vỗ nhẹ vào vai Thanh Loan nói :

- Loan sư muội! Hãy vào mời sư phụ và sư bá ra đây.

Thanh Loan gật đầu quay gót chạy vào trong viện. Mã Quân Vũ cúi xuống xá hai quái nhân, vá nói :

- Vãn bối là đồ đệ của Tam Thanh quan chủ, xin hai vị tiền bối cho biết quý danh, để vãn bối vào trình với gia sư ra tiếp đón.

Chàng nói chưa lời, thì hai quái khách đã cười lên lanh lảnh. Lão già mặt nửa đen nửa trắng, cất giọng ngạo nghễ, nói :

- Thằng con nít xấc láo! Tao đâu cần thằng thầy mày đến tiếp đón tao? Có lẽ mày muốn đem uy danh của lão Huyền Thanh ra để dọa chúng tao hả? Chúng tao đâu có sợ lão đạo sĩ ấy?

Lão già mặt trắng như bánh sáp, đưa tay vỗ vào vai lão già kia, nói :

- Lão đại! Chúng ta cãi cọ với thằng con nít đó làm gì cho mất thì giờ. Cứ đoạt lấy cái bản đồ trước rồi sẽ nói chuyện sau.

Dứt lời, lão phóng mình vút về phía chàng đại hán.

Bây giờ, chàng đại hán đã bị chưởng lực đánh trúng, nằm ngay dưới đất, đôi mắt trợn trừng, tuy chưa chết, song không còn cử động mạnh được nữa.

Mã Quân Vũ thấy nguy, nếu để lão già kia đánh tiếp một chưởng nữa thì tánh mạng người đại hán còn gì? Chàng liền vận nội lực, dùng “Thiên Cang chưởng pháp” ngăn lão già mặt trắng lại.

Một tiếng “bùng” phát ra, cả thân mình Quân Vũ bị bay bổng lên hơn thước, bắn ra xa.

Mã Quân Vũ thất kinh, không ngờ chưởng lực của lão già ấy mạnh đến thế. May thay, chàng chỉ lảo đảo một chút rồi đứng dậy được, không bị thương tích gì.

Lão mặt trắng sau khi bị Mã Quân Vũ dùng chưởng lực cản lại, trong lúc bất ngờ, lão cũng bị lui mấy bước, nên cau mày, thầm nghĩ :

- “Thằng ranh con này mới mấy tuổi đầu mà nội lực mạnh đến thế sao?”

Cả hai quái nhân cùng một lúc xông đến bên chàng đại hán.

Mã Quân Vũ biết sức chàng quá non kém, chỉ mới cản một cái mà đã tung đi xa hơn sáu thước, bây giờ cả hai lão già ấy đồng xông đến một lượt, nếu chàng cản trở thì ắt phải bỏ mạng. Tuy nhiên, chàng thấy đại hán kia mình mẩy đầy thương tích, máu miệng tuông trào, cái chết chẳng còn bao lâu nên lấy làm tội nghiệp. Chàng không nỡ để hai lão già kia hết thúc tánh mạng người ấy, nên lại xông đến, định tìm lời năn nỉ.

Lão mặt trắng hét lên :

- Thằng ranh con! Lì lợm thế sao? Mày khi không muốn rước lấy cái chết, thế thì đừng trách chúng tao độc ác nhé.

Vừa dứt lời, lão đã vung tay áo đánh tới.

Giữa lúc đó, nơi góc rừng mai có tiếng gọi :

- Vũ nhi! Hãy lui mau! Mày muốn tan xác à?

Tiếng kêu ấy, Mã Quân Vũ nhận ngay lá Huyền Thanh đạo sư, sư phụ của chàng. Chàng vột vàng tung mình nhảy lui ra, nhưng không còn kịp nữa. Chưởng lực của lão già ấy đã tung ra, và thân mình chàng thì bay bổng lên như một chiếc lá khô.

Quân Vũ ngất đi, tưởng đã nát xương rồi, nhưng liền đó, một bàn tay kịp nâng lấy chàng, đặt nhẹ xuống đất, và thoa bóp các huyệt đạo.

Bàn tay thoa rất dịu, và một mùi thơm tỏa ra, mùi thơm lâng lâng quen thuộc khiến cho chàng nhận ngay là Thanh Loan sư muội, đã cứu và săn sóc cho chàng.

Giữa lúc đó, hai quái khách thấy nơi mé rừng mai xuất hiện hai người, một hòa thượng và một đạo sĩ, họ bắt gặp phải đối thủ không vừa, cả hai dồn hết nội lực tung mình tới, đánh ra một song chưởng về phía ấy.

Hòa thượng và đạo nhân đã đề phòng trước, kịp thời dùng nội gia “Phách Không chưởng lực” đánh lại. Hai sức mạnh chạm nhau, cuốn lên một luồng gió mạnh làm cho hoa lá trong rừng rơi lả tả.

Bị song chưởng lợi hại của hai quái khách kia, hòa thượng và đạo nhân cũng phải giật mình, còn hai quái khách thì bị thối lui hơn ba bước mới đứng vững.

Huyền Thanh đạo sư quay đầu lại thấy ái đồ mình bị thương, hét lên một tiếng, nói với hai quái khách :

- Giang Nam song quái! Ta với các ngươi thưở nay không có xích mích gì, tại sao các ngươi lại đến đây đả thương đồ đệ ta? Hành động các ngươi như vậy có đáng mang danh trong giới võ lâm chăng?

Hai lão già ấy chính là Giang Nam song quái, mà trên giang hồ ai cũng biết mặt, thì Huyền Thanh đạo sư đâu còn lạ gì nữa.

Giang Nam song quái chưa kịp trả lời, đại hán mình mẩy đẫm máu kia đã gượng ngồi dậy, đưa tay chỉ vào ngực, nói ú ớ :

- Thưa sư phụ! Quy Nguyên mật tập...

Không để cho hắn nói dứt câu, lão già mặt trắng như sáp kia đã rút ra một mũi “phi tiêu” phóng thẳng vào ngực người đại hán.

Thật là một hành động chớp nhoáng! Huyền Thanh đạo sư không ngờ bọn Giang Nam song quái lại có thể xuống tay độc ác như vậy, nên không còn cứu kịp nữa.

Thương hại cho đại hán, trước đây đã bị “Kim Long tu” phóng đầy mình, tiếp đó bị một đòn chưởng gần dập phổi, giờ lại bị một mũi phi tiêu nữa thì làm sao sống nổi.

Sở dĩ chàng đại hán đó chưa chết là vì nhiệm vụ chưa tròn, nên gắng vận tàn lực để kéo dài phút lâm chung mà thôi.

Nhưng sức người có hạn, không thể chống nổi với thương tích quá trầm trọng như vậy được, chẳng mấy chốc chàng đại hán đã hét lên một tiếng, lộn nhào một vòng rồi tắt thở.

Huyền Thanh đạo sư bước tới, nhìn vào mặt đại hán, bỗng thất kinh, vì đó không ai xa lạ mà chính là Hắc Sát Thủ Trầm Xương, người đệ tử của ông, mà ông đã đuổi ra khỏi sư môn trước đây hai mươi năm.

Là một thế ngoại cao nhân, trước hoàn cảnh ấy cũng không khỏi đau lòng. Huyền Thanh đạo sư cười lên một tiếng lạnh lùng, chưa kịp ra tay thì thấy lão già mặt nửa đen nửa trắng đã phi thân đến toan cướp xác Trầm Xương.

Bấy giờ Huyền Thanh đạo sư đã dự ý sẵn, đâu còn để cho đối phương lộng hành như vậy được. Ông ta hét lên một tiếng đánh ra một đòn “Phong Lôi Giao Kích”.

Lão già mặt tái thấy vậy tung mình đến trợ chiến. Ngô Không hòa thượng vốn có tánh hiền từ, nhưng khi thấy hai quái khách hành hung, dùng độc thủ giết người bị trọng thương, nên máu giận của ông cũng đã bừng sôi, ông liền phất tay áo dùng ngón “Lưu Linh Vũ Không” đánh tại vào quái nhân mặt trắng chận lại.

Huyền Thanh đạo sư là một nhân vật lừng danh trong giới võ lâm lúc bấy giờ, đang cơn nóng giận, ông ta đã ra tay thì nội lực không phải là vừa. Trong lúc đó thì lão già mặt nửa trắng nửa đen vì ham cướp xác Trầm Xương nên thờ ơ, bị đòn chưởng của Huyền Thanh đạo sư tung ra rất mạnh, không còn đỡ kịp nữa. Chỉ nghe một tiếng “ự”, cánh tay của lão già đó bị rớt lìa ra, và thân mình lão tung tên, đập vào một gốc cây mai đứt tiện, cánh lá đổ xuống ào ào.

Còn quái nhân mặt trắng, tuy không bị thương tích gì, song bị một đòn của Ngô Không hòa thượng phóng ra cũng phải dội lại năm sáu bước, toàn thân bủn rủn.

Thế là hai lão già Giang Nam song quái cùng một lúc bị thối lui. Tuy nhiên, cả hai đều thuộc vào hạng thượng thặng võ công trong giới giang hồ, dễ gì bị một đòn như thế mà chịu bái phục. Lão già mặt nửa đen nửa trắng có tên là Âm Dương Phán Quan Kỳ Đại Phi còn lão già mặt tái như sáp kia có tên là Vô Thường Hô Diên Hải, vẫn được người đời ca tụng là Giang Nam song quái, cả hai đều có một thành tích phi thường trong quá khứ...

Qua một đòn ác liệt, đôi bên đã biết sức nhau. Kỳ Đại Phi tuy vừa cụt mất một cánh tay, song nét mặt vẫn lạnh lùng cười lên hô hố, nhìn thẳng vào mặt hòa thượng và Đạo sư nói lớn :

- Này Tam Thanh đạo sĩ và Ngô Không đại sư! Hai vị đã tặng cho anh em chúng tôi hai ngón đòn độc, anh em chúng tôi sẽ nhớ mãi, và nếu ngày nào chúng tôi còn tấc hơi thở thì ngày ấy chúng tôi còn phải nhớ đến cái nhục này.

Dứt lời Giang Nam song quái mỗi người rú lên một tiếng.

Tiếng rú nghe rất rùng rợn. Và, tiếng rú chưa dứt thì cả hai đã lắc mình một cái biến mất dạng.

Huyền Thanh đạo sư bận lo vết thương Mã Quân Vũ, còn Ngô Không hòa thượng vì không giết người nên cũng chẳng ai có ý đuổi theo.

Thấy Song Quái đã đi rồi, Huyền Thanh đạo sư thở dài bước đến bên Mã Quân Vũ hỏi han.

Mã Quân Vũ nội lực đã có căn bản, lại được Thanh Loan thoa bóp các huyệt đạo nên lần lần tỉnh lại không bị thương tích gì. Huyền Thanh đạo sư bấy giờ mới yên tâm, quay lại bên xác chết Trầm Xương, thấy mình mẩy Trầm Xương đầy thương tích và ám khí quần áo đẫm cả máu tươi.

Ông đau lòng thở dài một tiếng, mắt u buồn nhớ đến mối tình sư đồ trong dĩ vãng, hơn hai mươi năm qua.

Ông cúi xuống rờ vào ngực Trầm Xương thì thấy ngực hắn đã lạnh toát, mà trên mặt còn lộ vẻ thiết tha.

Nhớ lại lời nói Trầm Xương trước khi chết, Huyền Thanh đạo sư có ý nghi ngờ, liền mò vào bọc hắn bỗng ông ta bắt gặp một cái hộp nhỏ bằng ngọc rất đẹp. Trong hộp ngọc ấy đựng một tấm vải vuông mỗi bề dài một thước vẽ hình sơn thủy.

Bức họa này không đẹp lắm, nét vẽ không có gì công phu, chỉ có ba hòn núi cao, hai trước một sau, sắp thành hình tam giác, bên trên một giòng suốt từ ngọn núi giữa chảy xuống, khi thế rất hùng vĩ.

Huyền Thanh đạo sư suy nghĩ một lúc, bỗng như hiểu ra điều gì, đôi mắt rướm lệ, cúi nhìn thi thể của Trầm Xương, lẩm bẩm :

- Tội nghiệp cho con đã chịu cam go đau khổ nhưng không toại nguyện. Tuy con đã chết nhưng tên tuổi của con sẽ được liệt vào sư môn, đồ đệ của phái Côn Luân...

Nói đến đây, Huyền Thanh nghẹn ngào, đứng nhìn xác Trầm Xương như đang tưởng niệm một người quá cố.

Ngô Không hòa thượng đứng một bên, không hiểu gì cả, nhưng thấy Huyền Thanh đạo sư tỏ vẻ quá đau đớn cũng không dám hỏi.

Bấy giờ Mã Quân Vũ được Thanh Loan cứu chữa, qua một lúc đã phục hồi nguyên lực. Chàng nhổm dậy thấy sư phụ chàng đang gục đầu buồn bã bên xác chết, vội vụt mình chạy đến.

Thanh Loan thất kinh hỏi :

- Mã sư huynh không hề gì chứ?

Mã Quân Vũ nói :

- Không sao! Hình như lão già đó không có ý giết tôi! Nhưng dù họ không có ác ý mà chưởng lực của họ như vậy thực đáng sợ. May nhờ sư muội cứu kịp, nếu không tánh mạng tôi nguy mất.

Được Quân Vũ khen, Thanh Loan sung sướng quá, đôi má ửng hồng.

Mã Quân Vũ không để ý đến, chạy vội về phía Huyền Thanh, nói :

- Thưa sư phụ! Người này là ai vậy? Để con bồng vào phòng đơn cứu chữa.

Huyền Thanh đạo sư khoát tay nói :

- Nó đã chết rồi, còn cứu chữa gì nữa? Con mau cúi đầu làm lễ ra mắt trước thi hài của sư huynh con.

Mã Quân Vũ ngạc nhiên! Vì lâu nay môn đệ Huyền Thanh đạo sư chỉ có một mình chàng. Chàng cũng chưa bao giờ nghe sư phụ chàng nói đến người đồ đệ nào khác, nay bỗng nhiên lại có sư huynh?

Tuy bỡ ngỡ chưa hiểu vì đâu, Mã Quân Vũ thấy vẻ mặt sư phụ quá nghiêm trọng không dám hỏi, vội cúi đầu lạy ba lần.

Huyền Thanh đạo sư bảo Quân Vũ bồng xác Trầm Xương theo mình, rồi từ từ bước về phía hậu điện.

Ngô Không hòa thượng biết đó là chuyện riêng Huyền Thanh, không muốn tìm hiểu làm gì, vội dắt Thanh Loan vào đại sảnh để khỏi làm bận rộn thầy trò Quân Vũ lúc đang buồn bã.

Huyền Thanh đạo sư đem xác Trầm Xương đến một khu vườn cách đó không xa, dùng lửa đốt ra tro, rồi bỏ vào một bình sành, đem chôn ngoài tam quan.

Kế đó, Huyền Thanh đạo sư dùng thần công đại lực kim cương, viết lên một tấm bia đá mười bốn chữ lớn :

“Mộ của Trầm Xương, môn đệ của Huyền Thanh đạo nhân, phái Côn Luân”.

Khi chôn xong Trầm Xương thì bóng đã xế tà, mặt trời chói lên các nhóm mai vàng ối. Huyền Thanh đạo sư lòng đau đớn, từ từ bước từng bước một trở về đại sảnh, đầu óc đang ôn lại những gì trong quá khứ.

Bỗng ông dừng chân, quay lại nói với Quân Vũ :

- Vũ nhi! Sư huynh con chỉ vì trước kia gây chuyện đánh với môn đồ của phái Thiếu Lâm, làm cho hai phái mất hòa khí. Vì vậy ta giận, đuổi sư huynh con ra khỏi sư môn. Nhưng sau đó, nó biết lỗi, đã nhiều lần đến đây xin gia nhập trở lại. Ta nhất quyết không cho, mỗi lần nó đến, ta lại đuổi đi. Nó tìm đủ cách để năn nỉ, nhưng vẫn không được. Nó đau khổ quá, cứ hàng tháng đến đây quỳ trước phòng đơn lạy mãi suốt ngày, và khóc đến chảy máu mắt. Nó thề với ta, nếu cho nó được nhập môn thì dẫu có đánh đập, hành hạ nó bực nào nó cũng vui lòng, hoặc bảo nó làm một việc gì khổ cực mấy nó cũng chẳng từ chối. Lúc đó, ta muốn buộc nó làm một việc khó khăn, để nó không thể làm được và không còn dám bén mảng đến Tam Thanh quan cầu xin nữa, nên ta ra một điều kiện bảo nó đi tìm cho được “Võ lâm kỳ bảo Tạng Chánh đồ” mới được ta thừa nhận vào sư môn, còn nếu không tìm được món ấy suốt đời đừng mong ta nhận làm đồ đệ.... Không ngờ vì một lời nói trong lúc nóng giận của ta mà xảy ra việc thảm khốc ngày hôm nay. Trong hai mươi năm qua nó đã bỏ công đi tìm “Tạng Chánh đồ” và nay nó đã tìm được, định đem đến dâng cho ta để xin nhập vào sư môn thì bị Giang Nam song quái đuổi theo giết chết. Tội nghiệp cho nó khổ công hai mươi năm, đến lúc sắp thành công thì bị chết? Đây là một điều đau đớn của sư huynh con. Sau này con nên người chớ quên cái chết thảm thương hôm nay.

Vừa nói đến đấy, hai thầy trò đã đến sảnh đường.

Ngô Không hòa thượng từ sớm đến giờ ngồi chờ nơi đó đã nóng ruột, định lúc gặp mặt Huyền Thanh đạo sư sẽ nói đôi chuyện tâm tình. Nhưng khi ông ta bước vào, thấy nét mặt đầy suy tư, buồn khổ, Ngô Không hòa thượng lại ái ngại không dám hỏi đến.

Huyền Thanh đạo sư lặng lẽ đến trước bàn án, bưng ra một chiếc hộp gỗ sơn đỏ, đặt lên bàn, quỳ gối xuống đất, lạy chiếc hộp ấy ba lạy, rồi mới trịnh trọng mở hộp lấy ra một bức chân dung bằng vải vàng treo lên vách.

Chân dung ấy là một đạo trang lão nhân, thêu bằng kim tuyến, mặt mày nghiêm chỉnh, tướng mạo uy nghi, trên lưng có mang một cây bảo kiếm.

Cử chỉ ấy khiến cho Mã Quân Vũ lạ lùng, vì đã mười hai năm chàng sống với sư phụ nơi đây chưa bao giờ thấy sư phụ chàng làm như thế.

Bỗng Huyền Thanh đạo sư thét gọi Mã Quân Vũ bảo :

- Đồ nhi! Mau đến đây cúi lạy di tượng của sư tổ, bái lãnh “Chấn Sơn kiếm pháp” của phái Côn Luân.

Ngô Không hòa thượng thấy thế biết có việc gì quan trọng trong phái Côn Luân, nên vội đứng dậy chấp tay xá dài di tượng một cái rồi dắt Thanh Loan ra ngoài phòng đợi để cho thầy trò Mã Quân Vũ hành sự.

Mã Quân Vũ không hiểu ra sao cả, tuân lời sư phụ đến dập đầu trước di tượng lạy đủ chín lạy.

Đợi cho Quân Vũ lạy xong, Huyền Thanh đạo sư xếp bức di tượng bỏ vào hộp cẩn thận rồi mới trịnh trọng nói :

- Trong giới võ lâm xưa nay hiểu lầm rằng “Phân Quang kiếm pháp” của phái Côn Luân ta chỉ chín mươi sáu thế, thực ra bộ kiếm pháp này gồm có cả một trăm lẻ tám thế, mà mười hai thế sau cùng là những tuyệt chiêu trong kiếm pháp, biến hóa phi thường, không ai lường nổi. Bởi vậy môn kiếm này còn có tên là “Truy Vân thập nhị kiếm”. Nó quý báu như thế, nên nếu không phải là người chính tông của môn phái chẳng bao giờ được đích truyền. Ta và hai vị sư thúc của con có hứa với nhau, lúc nào tìm được người đồ đệ trung thành duy nhất của môn phái, và được sự đồng ý của ba người thì mới truyền dạy. Lẽ ra, muốn truyền kiếm pháp này cho con phải được sự đồng ý của hai vị sư thúc con đã. Nhưng nay vì một việc tối cần, nên ta đã phá lệ, cho phép con tham bái di tượng tổ sư, và sẽ dạy con mười hai thế “Truy Vân thập nhị kiếm” này. Bắt đầu từ ngày mai, mỗi ngày ta dạy cho con một thế...

Nói đến đây, nét mặt Huyền Thanh đạo sư như có vẻ buồn bã. Ông ta ngập ngừng bảo Quân Vũ :

- Thôi, con ra ngoài mời Ngô Không hòa thượng vào đây! Đêm nay trăng tốt, con có thể luyện tập kiếm pháp với Loan nhi, lúc nào ta có gọi mới được phép vào.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang