Edit: Bồng Bồng
Cung Thọ Khang được xây dựng rất tráng lệ, mái ngói nơi đây được tô lên thứ màu lưu ly rực rỡ, khi ở dưới ánh mặt trời vàng óng ả thì trông như đang dập dềnh gợn sóng.
Nếu nói đến những cung điện trong Tử Cấm Thành, thì cung Thọ Khang được xem là tráng lệ nhất, người ở đây không chỉ có thái hậu mà còn là tất cả phi tần của tiên đế. Không, bây giờ nên gọi là thái phi rồi. Nói trắng ra – cũng chính là “Viện quả phụ” cho một đám bà lão ở.
Nắng trời hôm nay thật đẹp, khiến tôi ngồi phơi nắng đến có chút choáng đầu. Ngoài cửa sổ, làn gió xuân phả vào phòng một mùi hương hoa rất ngọt, bỗng làm tòa cung điện tráng lệ mà tĩnh mịch này có thêm chút sức sống.
Hương hoa ngọt ngào này, rất giống hương hoa ở quê hương Tô Châu của tôi. Trong hương vị ngọt ngào còn xen lẫn mùi mạ non mát lành, khiến người ta chìm đắm trong hương thơm.
Lúc ấy, mẹ gọi tôi là “Ly nhi ~~ ”
Mà hiện giờ, mỗi người đều tôn kính xưng hô với tôi là “Mật thái phi ~~ ”
Làm Mật thái phi một thời gian, tân đế lại tôn tôi làm Thuận Ý Mật thái phi, đây cũng là tên hiện tại của tôi.
Tôi đã chóng quên mất, mình còn một cái tên “Ly nhi”. Dường như, thật lâu trước kia, thánh tổ hoàng đế cũng từng gọi tôi như thế.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thánh tổ hoàng đế, là năm Khang Hi thứ hai mươi tám. Khi ấy tôi mười bảy tuổi.
Hôm đó nắng trời cũng trong trẻo rạng rỡ như hôm nay. Bầu trời như một tấm gương màu lam nhạt, từng cụm mây trắng nhẹ mỏng như sợi vải bông đan thành một tấm lưới giữa không trung. Trong làn gió mơn man có hương hoa đào vừa chớm nở, hít sâu vào một hơi, hình như ngay cả đáy lòng cũng thấm hương hoa.
Hôm đó vốn là một ngày rất buồn tẻ. Cha vì chuyện thánh thượng đến phương nam tuần tra mà mỗi sớm đều phải chầu chực ở nha môn của tri phủ Tô Châu. Ở trong phủ chỉ có mình tôi giúp mẹ làm việc thêu thùa, mẹ đang thêu một cặp hình “Loan Phượng tề phi”, còn thiếu một đôi mắt nữa là thêu xong. Mẹ cười nói: “Chờ khi thêu xong đôi mắt này, mẹ sẽ may thành cái bọc chăn cho Ly nhi của mẹ để dành làm đồ cưới.”
Tôi ngơ ngơ ngác ngác, chợt nhớ đến ánh mắt của biểu ca, tim tôi “nảy bật” lên rồi lại cảm thấy ấm áp ngọt ngào, sắc mặt như rặng mây hồng bay ngang trời.
Bỗng nhiên nhị phu nhân đi tới, gương mặt đầy vẻ tươi cười nói: “Mời cô hai đi ra ngoài một chuyến. Lão gia mời cô qua nha môn của tri phủ đó.”
Tôi nghi ngờ mà ngẩng đầu lên, hỏi: “Phiền dì cho con hỏi, cha bảo con qua đó làm gì?”
Mẹ cũng có chút lo sợ: “Nha môn của tri phủ là nơi đàn ông tiếp…”
Nhị phu nhân cười nói: “Em ba và cô Ly lo lắng việc gì chứ? Lão gia nói con gái của những quan lớn ở các châu phủ đều đang tụ họp ở sân sau nha môn của tri phủ, con gái nhà chúng ta muốn không đi cũng không được. À đúng rồi, bên ngoài có một chiếc kiệu đang chờ đấy.”
Mẹ nói: “Đã vậy thì nên đi sớm mới đúng chứ, sao bây giờ mới…” Song mẹ cũng bất lực, “Nếu cha đã muốn con đi, thôi con cứ đi một chuyến xem.”
Tôi nghe lời đứng dậy, nhị phu nhân lại ngăn tôi, “Đi thay một bộ đẹp vào.” Tôi khẽ gật đầu, nhị phu nhân lại mỉm cười thần bí sau lưng tôi, nói giọng rất nhỏ gần như không thể nghe thấy: “Đứa trẻ này thật có chút may mắn.”
Mẹ vịn nắm cửa, ân cần dặn dò bên tai tôi: “Mau trở về nhé.”
Lúc đó không hề biết rằng, đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ trên đời.
Khi đến nơi, tôi thấy sân sau nha môn của tri phủ rộng không kém gì sân nhà mình, cha lại đẩy tôi đi trò chuyện với các vị tiểu thư. Bọn họ đều cực kỳ xinh đẹp, đẹp như những đóa hoa vừa nở rộ, tươi đẹp mà căng tràn nhựa sống. Bọn họ nói chuyện với nhau rất khách khí, cũng không có người để ý đến tôi. Chỉ là tôi đặc biệt lưu ý thấy ai trong bọn họ cũng có vẻ hồi hộp. Tôi có hơi khó hiểu, bởi vì tôi từ nhỏ đã lớn lên ở quê, lại không thông thạo cầm kỳ thi họa, nên cha vẫn luôn không chịu mang tôi ra ngoài giao thiệp với các nữ quyến quý tộc, chỉ lo tôi không đủ nền nã* sẽ làm ông mất mặt.
Tôi chợt cảm thấy tự ti, muốn tìm một nơi không có ai quấy rầy, cách bọn họ thật xa.
Nắng xuân tháng tư rực rỡ như tranh vẽ, mềm mại thanh thoát như tơ tình vấn vương khắp cảnh xuân tươi đẹp. Ở một góc sân khuất sau dãy hành lang, có một cây bích đào nở đầy hoa, trên cành hoa còn có một chú chim sẻ đang hót líu lo vui vẻ.
Tôi thấy lòng mình nhẹ hẳn, liền ngắt một chiếc lá xanh biếc, ngậm trong miệng và bắt đầu thổi lên. Tôi thổi một khúc nhạc thôn dã bình thường nhất ở quê, dù cha đã từng quở mắng hành vi không hợp phép tắc này, nhưng tôi cũng không mấy quan tâm. Hiện giờ bốn phía đều yên tĩnh vắng người, tiếng thổi khèn của tôi và tiếng hót của chú chim sẻ càng thêm khoan khoái. Đây là khúc nhạc anh A Ngưu sống bên nhà dạy tôi thổi lúc nhỏ. Khi đó tôi còn nhỏ, lúc thổi bị lạc giọng hoặc thổi đến rách cả lá, anh A Ngưu sẽ nhăn hết cả mặt và nói: “Em ngốc như vậy, sau này anh làm sao cưới em về làm vợ đây.”
Vào lúc ấy, tôi thực sự cho rằng mình lớn lên là phải làm cô vợ nhỏ của anh A Ngưu. Anh cày ruộng, tôi dệt vải; anh bón phân, tôi tưới hoa; làm cơm nước trong bếp xong xuôi thì gọi anh về cùng ăn, rồi sinh năm sáu đứa con, làm một đôi vợ chồng bình thường ở thôn quê.
Anh A Ngưu có sức vóc rất cao lớn, có thể một mình làm thịt một con trâu, một ngày cấy xong mạ ở khoảnh ruộng nhà mình, còn có thể đổ đầy nước trong vắt vào cái lu nước lớn ở trước cửa nhà tôi.
Mẹ nói với tôi, “Sợ rằng cha con đã sắp quên mất hai mẹ con mình rồi, nhưng mà quay về cũng chưa chắc gả được vào nhà chồng tốt. Thay vì phải làm vợ lẽ giống mẹ, không bằng gả con cho A Ngưu, nó là đứa thật thà, sẽ luôn yêu thương chăm sóc con.”
Tôi chẳng hề thích anh A Ngưu. Nhưng mà gả cho người này cũng không có gì không tốt. Thế là, tôi cũng không nói gì nữa. Chỉ cúi đầu, thành thạo vá xong quần áo, rồi dùng răng cắn đứt chỉ.
Tôi từng hỏi mẹ, vì sao tên của tôi là “Ly Tâm”
Mẹ thở dài nặng nề như gió quét lá rụng, bà khẽ đáp: “Vì đồng tâm mà sống ly biệt, sẽ đau buồn đến cuối đời.”
Tôi khịt mũi, “Đồng tâm mà sống ly biệt đương nhiên là phải đau buồn, nhưng chính cha tùy ý thu xếp cho hai mẹ con mình ở dưới quê, mỗi tháng gửi cho chúng ta ít tiền chỉ đủ cầm cự sống thiếu trước hụt sau, người như thế, mẹ còn cho rằng ông ấy một lòng với mẹ sao?”
Từ nhỏ, tính tôi đã ngoan hiền thích yên tĩnh, rất ít khi nói chuyện gay gắt như vậy, tôi và mẹ lại nhiều năm quen sống dựa vào nhau, hơn nữa tính tôi cũng không thích nặng lời với ai.
Mẹ khóc, lời tôi nói đã đâm vào vết thương lòng của bà.
Tôi càng hoảng, cuống quít xin lỗi mẹ. Thật lâu sau, mẹ nói: “Đừng trách cha con, ông ấy cũng có cái bất đắc dĩ của mình.”
Tôi biết cái bất đắc dĩ trong lời mẹ nói là gì, cha xuất thân từ Hán quân kỳ, mà mẹ lại rành rành là huyết thống người Hán.
Vào thời ấy, người Hán luôn bị xem thường. Cho nên dù mẹ xuất thân từ dòng dõi thư hương, cũng chỉ có thể làm một người vợ lẽ thứ ba của tri huyện thất phẩm, còn chỉ vì đại phu nhân không ưa mà phải lánh đi sống ở quê.
Mẹ vuốt trán tôi, trên gương mặt gầy yếu lại tăng thêm vài phần lo lắng. Còn có một ý nghĩa nữa mà mẹ không có nói ra. Trong lòng tôi lại rõ ràng như gương sáng, bởi vì tôi là thân con gái.
Cha có nhiều con trai như vậy, nên một đứa con gái như tôi vẫn luôn bị xem nhẹ.
Tôi trầm mặc, không nói thêm lời nào nữa. Cứ thế, tính của tôi càng tiếp tục trầm tĩnh.
Mãi cho đến năm tôi mười lăm tuổi, bỗng có hai chiếc kiệu nhỏ không hề báo trước mà mang chúng tôi tới phủ đệ của tri huyện. Hóa ra, đại phu nhân đã qua đời, cha rốt cục cũng có can đảm đón chúng tôi trở về. Mẹ vừa mừng vừa buồn, nhiều năm như vậy, rốt cục bà và tôi đã có danh phận. Chỉ là danh phận này tới quá muộn, chúng tôi đã ở quê tròn mười năm. Mười năm, mẹ đã không còn là cô gái xinh đẹp da dẻ trắng mịn nữa, vẻ già cỗi của bà càng đặc biệt nổi bật khi đứng giữa các phu nhân. Càng huống chi, cha lại vừa cưới thêm dì tám. Đón tôi và mẹ về, chẳng qua là bù đắp cho sự hối tiếc năm xưa.
Lúc này, người quản lý mọi việc trong phủ là nhị phu nhân đã sinh cho cha hai người con trai, mà cha, hình như cũng không có ý nâng ai lên làm chánh thất. Tôi và mẹ, cứ tiếp tục sống yên ổn như vậy.
Tôi thổi khèn lá một mình, ánh nắng chiếu xuyên những kẽ lá tạo thành những vệt loang lổ trên đất, đây đó trên thảm cỏ xanh có dấu vết của vài con vật nhỏ. Không biết đã qua bao lâu, chú chim sẻ kia đột nhiên bay mất. Tôi hơi cụt hứng, ngẫm thấy sắc trời đã không còn sớm, cũng nên trở về rồi.
Nhưng mà trong khoảnh khắc ngoảnh đầu lại, bỗng đối diện với một đôi đồng tử trầm tĩnh như ngọc lưu ly đen, làm tôi sợ đến độ tim cũng đập lỗi mấy nhịp – đó là đôi mắt của đàn ông.
Tôi nén sợ hỏi: “Ông là ai?”
Người đó chỉ cười: “Nàng biết thổi khèn lá?”
Tôi phớt lờ câu hỏi đó, lại nói: “Nơi này là nha môn của tri phủ đại nhân, lại có nữ quyến ở đây, ông vẫn là mau đi đi, nếu bị người khác phát hiện sẽ ăn đòn đấy.”
Người đó mỉm cười: “Ta không sợ.”
Tôi không đoán được người này có lai lịch gì, đành phải hỏi thăm dò: “Ông là thân thích của tri phủ đại nhân sao?”
Người đó ngẩn ra nhìn tôi, rồi mỉm cười vui vẻ, “Cũng xem như thế.”
Người đó cũng không còn trẻ, tuổi tác độ chừng ba mươi lăm ba mươi sáu, khuôn mặt góc cạnh có chút kiên nghị, nét tươi cười nhàn nhạt mà ôn hòa, tựa như mặt trời vào đông. Khi cười miệng cong lên, có chút giống biểu ca.
Nghĩ đến biểu ca, tim tôi lại đập nhanh hơn. Biểu ca cũng không còn trẻ nữa, đã hai mươi bốn hai mươi lăm tuổi rồi. Nhưng vô cùng có phong độ của người trí thức, nên thường làm người ta quên mất tuổi của anh.
Biểu ca Thường Húc, ngày đó tôi gặp anh quả là lúng túng như gà mắc tóc.
Vì tôi là người Hán nên từ nhỏ đã được mẹ bó chân, tuy rằng chưa được ba năm đã bỏ, cũng không quấn cả đời. Nhưng bàn chân này vẫn bất tiện hơn so với những cô gái người Mãn không bó chân.
Sau khi về phủ, cha nói, học mang giày đế chậu đi.
Vì một câu nói này, mà ngày nào tôi cũng ăn đủ khổ. Những ngón chân từng bị bó của tôi đã có chút dị dạng, gượng gạo mang giày có đế chậu bằng gỗ vào, không tìm được trọng tâm, lại thêm ngón chân và lòng bàn chân bị cấn gây đau nhức, cả thân người khi bước đi cũng lắc lắc lư lư, thật sự không thoải mái như đi giày đế bằng.
Cha tức giận, mắng: “Chẳng có dáng điệu của tiểu thư khuê các gì cả, ngay cả giày đế chậu cũng đi không xong, thật làm bẽ mặt nước ta.” Lại nói: “Học không được, thì đừng ăn cơm.”
Trận mắng này của cha, tôi cũng không dám tỏ ra oan ức, mẹ định đi khuyên, tôi liền lắc đầu ngăn bà. Cha nhất định sẽ không muốn nghe.
Thế là nhịn đói, cúi đầu tập đi.
Dì sáu là người Mãn thuộc họ Tha Tha Lạp, gặp tôi đi đứng xiêu xiêu vẹo vẹo, vừa cắn hạt dưa vừa cùng thị nữ chế nhạo tôi: “Không phải tôi muốn cười cô Ly, a mã cô chỉ có cô là con gái, nên khó tránh hi vọng con gái sẽ thành phượng hoàng. Lại không chịu nghe lời tôi khuyên – ngoan cố làm cho bằng được! Cứ cho rằng cô sẽ học đi giày đế chậu được đi, nhưng không thể tham gia tuyển tú như con gái người Mãn thì học làm chi! Dù có liều mạng học, thì cô cũng chỉ có thể làm vợ bé cho quan lớn mà thôi!”
Tôi tủi thân muốn khóc lại cắn chặt môi, chỉ vùi đầu không rên một tiếng.
Vì đi quá gấp nên tông thẳng vào người khác, đang hốt hoảng định xin lỗi, thì anh lại mỉm cười dịu dàng, nói: “Không sao.”
Tôi chưa nhận ra là ai, anh đã nói trước: “Là em Ly Tâm à. Anh là biểu ca Thường Húc của em đây.”
Tôi đang muốn nói, thì dì sáu bên cạnh đã mặt mày hớn hở ra đón tiếp, nói năng hết sức nhã nhặn: “Biểu công tử đã tới à, lão gia lại vừa khéo không có ở nhà, thôi thì đến chính sảnh uống một ngụm trà trước vậy. Trời nóng như hôm nay, mà biểu công tử phải đi một chuyến lên đây cũng thật vất vả.” Nói xong liền đi một mạch tới tiền sảnh. Tôi tránh qua một bên, anh lại quay đầu, cười một cái với tôi.
Tôi sững sờ không thôi, nụ cười dịu dàng của anh như có mùi vị của đường mật, khiến tôi chỉ muốn ngậm lại trong miệng, từ từ nhấm nháp thưởng thức.
Vị biểu ca này, tôi cũng có nghe nói qua, hình như là người có chút địa vị ở bên cạnh hoàng đế, mẹ của biểu ca cũng từng hầu hạ bên cạnh hoàng đế. Bởi vậy cha vẫn rất bợ đỡ anh.
Chuyện tôi biết chỉ có một mẩu bé tẹo đó. Tôi nghiêng đầu, tiếp tục học đi.
Qua hai ngày, biểu ca lại tới phủ, lần này còn mang theo một vật cho tôi, lại là một đôi giày đế chậu. Anh nhận thấy nỗi nghi ngờ trong mắt tôi, vẫn hoà nhã nói: “Vì em từng bó chân, nên giày đế chậu bình thường làm rộng rãi sẽ khiến em càng không đi vừa chân, đôi này là tú phường làm riêng cho em, hơi hẹp một chút, mũi giày và đế giày đều lót hai lớp đệm bông, em đi sẽ thoải mái hơn.”
Tôi luống cuống cả lên, mà anh lại mỉm cười bình tĩnh như vậy, biểu hiện rõ ý quan tâm, tôi cũng không thể từ chối, đành mỉm cười cảm ơn.
Người con trai đối tốt với người con gái, dù tôi khờ đến đâu cũng hiểu rõ.
Cứ thường xuyên qua lại như vậy, ngay cả cha cũng biết chút phong thanh. Bèn vê râu cười nói: “Ta thấy ai gả được cho Thường Húc thật là có phúc, nó lại vừa mới mất vợ cũng rất cơ khổ.” Trong lời nói, dường như muốn gả tôi cho biểu ca làm vợ kế.
Tôi thầm cúi đầu, nếu gả cho biểu ca, chí ít tôi cũng có vài phần thích anh, cuộc sống như vậy vẫn tốt hơn là vùi mình ở quê.
Như thế, cũng chỉ còn chờ ngày biểu ca tới cầu hôn.
Mà người đứng trước mặt tôi, xét về tuổi tác, cũng có thể làm cha tôi rồi, tôi thầm nghĩ như vậy.
Người đó hỏi tôi, “Sao ngẩn người ra vậy, ta làm nàng sợ sao?” Tôi hốt hoảng lắc đầu, người đó bèn nói. “Khúc nhạc vừa nãy nàng thổi rất hay, có thể thổi lại cho ta nghe không?”
Lời đề nghị này có phần đường đột, tôi chỉ cảm thấy người này thật vô lễ, bèn phớt lờ giả như không nghe, người đó lại không nóng giận chỉ thuận tay ngắt một chiếc lá chìa ra trước mặt tôi, nói: “Nàng thổi lại đi.”
Tôi đành đáp lại qua quít: “Nếu ông biết thổi, thì tôi sẽ thổi lại cho ông nghe.”
Người đó cười ha ha, liền thổi ngay một khúc nhạc rất quen thuộc với tôi, tên là 《Hoa đào nở》. Giai điệu quen thuộc này, lúc còn ở quê tôi vẫn thường hay thổi, nhưng chưa từng nghe người khác thổi bao giờ. Mà người đó thổi rất truyền cảm, càng làm tôi có chút cảm giác tri âm.
Chờ người đó thổi xong, tôi vồn vã hỏi: “Sao ông lại biết thổi bài này?”
Những nếp nhăn trên mặt người đó khi cười bỗng hòa thành một nỗi chua xót khó thốt nên lời, người đó đáp: “Khi ta còn nhỏ thì ngạch nương đã qua đời, cũng không có ai chơi đùa với ta, chỉ có bà vú thổi khúc nhạc này dỗ dành ta.”
Tôi thấy hơi xấu hổ, không dưng khơi lên chuyện đau lòng của người khác là không hay. Tôi xoay người hái một nắm lớn hoa đào, nói với người đó: “Ông thổi 《Hoa đào nở》, tôi tặng ông hoa đào đáp lễ, có được không?”. Tôi đưa hoa đào đến trước mặt người đó: “Ông thử ngửi kỹ xem, hoa ở đây không giống hoa nơi khác, trong ngọt có chút chát, có dư vị đọng lại.”
Người đó đang định nhận, chợt phía sau có rất nhiều người chạy tới, khi quỳ xuống tiếng quan phục cọ vào nhau trùng điệp vang lên, cao giọng nói: “Hoàng thượng ngài ở đây ~~ ”
Tôi không thể tin được bèn quay lại nhìn người đó, rồi đứng ngốc như trời trồng.
Gió ào ào thổi qua, hoa rơi như mưa khắp sân đình. Tôi hơi nín thở, tự hỏi không biết bàn tay của vận mệnh muốn đưa mình đi đâu.
Tôi cứ như vậy mà vội vàng vào cung, thành một vị đáp ứng trong hậu cung của hoàng đế. Trong hậu cung Đại Thanh, dưới hoàng hậu có hoàng quý phi, quý phi, phi, tần, còn có vô số quý nhân, thường tại và đáp ứng. Mà đáp ứng, chính là thứ bậc thấp nhất, so với bươm bướm mùa xuân còn muốn nhiều hơn.
Cuộc đời tôi chợt có chuyển biến lớn.
Mà tôi, chỉ có thể tiếp nhận, ngay cả một chút linh động và năng lực để phản kháng cũng không có. Ước chừng cuộc đời tôi chính là bị người khác thay đổi như vậy, còn bản thân chỉ có thể như nước chảy bèo trôi đi.
Đã không thể sửa đổi, thế thì, tôi chỉ có thể lặng lẽ tiếp nhận.
Trong hậu cung, tôi có một ngôi lầu nho nhỏ bằng gỗ và hai ba cung nữ. Trong nhà muốn tôi mang theo thị nữ vào cung nhưng tôi không muốn mang một ai. Đây là cuộc đời của riêng tôi, hà tất dẫn thêm người khác vào.
Trong cung có rất nhiều người, tôi biết hoàng đế có thể có rất nhiều người phụ nữ. Giống như cha tôi, một tri huyện thất phẩm, cũng có đến tám bà vợ.
Chắc hẳn khi tôi đến, cũng không làm trong cung nổi lên một gợn sóng nhỏ. Đối với người ngoại tộc, bọn họ có dùng những lời cay nghiệt như “hồng nhan họa thủy” khi nghị luận về tôi?
Lúc này, Hiếu Thành Nhân hoàng hậu Hách Xá Lý thị và Hiếu Chiêu Nhân hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị đã qua đời, chủ sự trong cung là hoàng quý phi Đông Giai thị, sau được hoàng đế sủng ái hậu đãi còn có Ôn Hi Quý phi, Huệ phi, Nghi phi, Vinh phi, Đức tần và Thành tần.
Phụ nữ ở hậu cung giống như muôn hoa khoe sắc dần dần làm mắt người mê đắm, mà tôi chỉ là một đóa hoa bình thường không thu hút.
Huống chi, từ lúc vào cung đến nay, hoàng đế tựa hồ cũng đã quên mất sự tồn tại của tôi, không còn triệu kiến tôi nữa.
Vì vậy lòng hiếu kỳ và sự đố kỵ lớn đối với tôi của các phi tần, cũng dần dần bị thời gian tiêu trừ.
Ngày qua ngày, tôi chìm ngập trong son phấn hậu cung, lặng lẽ sống qua ngày đoạn tháng.
Tôi vô cùng hiểu rõ, tôi là con gái xuất thân từ Hán quân kỳ. Không thể cùng so sánh với những cô gái từ Bát kỳ Mãn Châu, càng không thể so sánh với các phi tần xuất thân từ Thượng tam kỳ. Thân phận của tôi hèn mọn, tôi biết rõ. Ngay cả các cung nữ lo việc tạp dịch trong cung, cũng có huyết thống hiển hách hơn tôi, tuy rằng cha tôi cũng là một vị quan thất phẩm.
Cho nên, tôi cẩn thận càng thêm cẩn thận trong từng lời nói cử chỉ. Bất kỳ thời điểm nào, cũng luôn khiêm nhường, khuôn mặt luôn tươi cười nghênh tiếp. Hòa nhã điềm đạm, là lời đánh giá của các cung nhân dành cho tôi.
Thời gian ba năm trong chớp mắt đã trôi qua.
Không còn ai nhớ, tôi là cô gái người Hán được hoàng đế mang về khi tuần tra phương nam, cũng không còn người sợ tôi thành họa thủy vì tranh sủng đoạt ái.
Mà tôi cũng không có nhàn rỗi, đọc sách gảy đàn và đánh cờ, vốn chẳng phải những việc tôi am hiểu, nay thành thú vui giết thời gian của tôi.
Tôi đã hai mươi tuổi. Có một đoạn thời gian, tôi hầu như thường xuyên đờ đẫn, trong lúc vô thức lại ý thức được tuổi xuân của mình đang trôi đi, lúc nào cũng chỉ muốn thở dài.
Nếu không vào cung, có lẽ tôi đã gả cho biểu ca Thường Húc. Tôi thường xuyên nghĩ đến cái tên này mỗi khi thoáng nhớ tới nụ cười dịu dàng bình tĩnh của anh, sau đó khẽ giật mình hoảng hốt nhìn bốn phía, chỉ sợ có người sẽ biết được bí mật tôi luôn giấu kín. Sống trong hậu cung, bản thân đã là người phụ nữ của hoàng đế, tôi không nên tưởng nhớ người đàn ông khác.
Hoặc giả, nếu tôi và mẹ không về phủ, chắc người tôi phải gả là anh A Ngưu bên nhà, anh sẽ ngày ngày hăng say chặt những khối thịt, những cơ bắp nổi cuồn cuộn trên cánh tay tráng kiện, những giọt mồ hôi sáng lấp lánh trên trán, đứng xa xa vẫn có thể ngửi được mùi mồ hôi. Anh sẽ gọi tôi: “A Ly – chặt khúc giò ngon về cho mẹ em nấu canh uống.”
Đáng tiếc, tôi không thích anh. Nhưng mà làm vợ chồng, hình như cũng không thể nói rõ thích hay không thích.
Ví như, tôi thích biểu ca, nhưng sẽ mãi không đợi được ngày anh tới cầu hôn. Tôi không thích hoàng thượng, nhưng vẫn thành đáp ứng của người đó. Có thể thấy được chuyện trên đời này, sẽ không vì sự yêu ghét của một ai mà thay đổi.
_______
*Nền nã: là tính từ chỉ phong cách ăn mặc nhã nhặn nhưng đẹp, nổi