Trong giờ học cô để ý quan sát, thấy trong lớp chỉ có ba, bốn bàn là nam nữ ngồi chung.
Nhưng một ngày trôi đi mà vẫn không có ánh mắt khác thường nào, không cả những lời trêu ghẹo khó đáp. Có lẽ vì đang ở khối lớp đặc thù nên học sinh trong lớp không mấy quan tâm những chuyện như vậy.
Cô và Trương Chú cũng không mâu thuẫn gì.
Giữa hai người có một hộp đựng sách choán chỗ nên lúc nào Trương Chú cũng ngồi sát ra ngoài, một chân duỗi ra giữa lối đi.
Trừ khoảng cách gần hơn thì cũng không khác với lúc trước khi còn cách nhau một lối đi là mấy.
Chỉ là mỗi khi giải lao cô muốn ra ngoài thì phải đi qua phía sau Trương Chú. Cứ đều đặn mỗi tiết cô uống hết một cốc nước, cũng hay vào nhà vệ sinh nên hầu như cứ giải lao là đều phải đi.
Cậu thì gần như luôn quay lưng với cô.
Vì vậy mà mỗi lần ra ngoài là cô phải cố ý tạo ra tiếng động hoặc lên tiếng gọi.
Lần đầu tiên –
Thịnh Hạ: “Trương Số.”
Cậu quay lại liếc cô một cái.
Thịnh Hạ: “Mình ra ngoài một tí.”
Cậu kéo ghế lên sát bàn.
Lần thứ hai –
Thịnh Hạ: “Trương Số, mình ra ngoài tí.”
Cậu không buồn ngoái nhìn, kéo ghế lên.
Lần thứ ba –
Thịnh Hạ: “Trương Số, mình…” ra ngoài một chút.
Lời chưa nói dứt, ghế cậu đã dịch lên sát bàn.
Sau nữa thì cô chẳng cần nói nhiều, chỉ việc gọi mỗi cái tên.
Trương Chú, Trương Chú, Trương Chú…
Hầu Tuấn Kỳ nghe tiếng gọi êm tai ấy suốt một ngày, cuối cùng không chịu nổi phải nhân lúc Thịnh Hạ đi lấy nước mà quay xuống, nhướng mày hỏi đểu: “Chú, thế mà cậu cũng nhịn được à?”
Trương Chú không ngẩng đầu: “Nhịn cái gì?”
Hầu Tuấn Kỳ thì thầm: “Mình thấy Thịnh Hạ không kém hơn Trần Mộng Dao đâu, cậu thấy sao?”
Bàn tay Trương Chú đang xoay bút tạm dừng, ngước mắt nhìn bạn, “Thích thì cứ việc theo đuổi.”
Hầu Tuấn Kỳ than lên một tiếng, vẻ như rất biết tự lượng sức, “Mình làm gì có cửa. Đang nói cậu đấy.”
Trương Chú ném bốp quyển vở nháp vào mặt Hầu Tuấn Kỳ: “Tự lo thân mình trước đi.”
—
So với chỗ ngồi cạnh cửa tuần trước, Thịnh Hạ vô cùng hài lòng với vị trí hiện tại.
Lưng dựa cửa sổ, ngày nghe ve kêu, đêm nghe tán cây long não gió thổi rì rào.
Nếu ngoài cửa sổ không phải góc để đồ vệ sinh sẽ còn tốt hơn. Cây lau nhà để đấy thật lòng có hơi sát phong cảnh.
Đang nghĩ, cây lau đã tự biết cử động…
Ngoài kia tối đen như mực, tiếng lá xào xạc bỗng không còn êm tai như lúc trước, bầu không khí giờ đã thêm đôi vẻ âm u.
Thịnh Hạ nhớ lại đầu giẻ cây lau nhà trông thấy hôm nọ mà lạnh buốt sống lưng, vội kéo ngay cửa sổ lại, người hơi dịch vào trong, hốt hoảng thế nào cùi chỏ đã va vào Trương Chú.
Trương Chú nhìn sang, thấy cô bạn đã lại mang dáng vẻ run rẩy sợ sệt, cơ thể lùi gần về cậu như muốn chạy trốn khỏi thứ gì ngoài cửa sổ.
Cậu nhìn lên, thấy một cái đầu nấp ngoài ô cửa và nùi giẻ lau đang che cho vật thể đó.
Trương Chú bật cười, tay vươn qua người Thịnh Hạ định kéo mở cửa sổ.
Thịnh Hạ nhanh tay nhanh mắt tóm ngay lấy tay cậu, “Đừng mở cửa, có đồ bẩn…”
Trương Chú: …
Hầu Tuấn Kỳ nghe tiếng quay sang: …
Hàn Tiếu đồ bẩn ngoài cửa sổ: …
Khi Trương Chú chồm lên mở cửa, khoảng cách giữa hai bên thêm sát gần. Lúc này cô vẫn víu vào cánh tay cậu, đầu ngoan ngoãn dựa sát trước ngực cậu, mấy sợi tóc xù lên cọ vào cằm cậu…
Một mùi hương thoang thoảng xộc trong khoang mũi. Trương Chú nuốt vào làm trái táo cộm lên, cánh tay giữ im, cổ tay bẻ cong, ngón tay đẩy nhẹ khiến ô cửa sổ mở ra lớn hơn, nhẹ nhàng tuyên bố, “Cửa mở rồi.”
Dứt lời thì thản nhiên rút tay về.
Hàn Tiếu bắt chước giọng nói máy móc của rô bốt: “Người đẹp, thành thật xin lỗi, tôi đến tìm Trương Chú. Tôi vừa mới tắm xong, hẳn là người còn sạch.”
Hầu Tuấn Kỳ ôm bụng lăn lộn trên bàn, “Cười chết mất!”
Thịnh Hạ quay sang, thấy một cái đầu ló ra sau mớ nùi giẻ, mắt nhỏ kính to, tuy không đến mức đẹp trai nhưng vẫn là một con người.
Không phải ma.
Cô liếc ra thầy giáo coi lớp phía ngoài hành lang, đã hiểu ra ban nãy người này lấy nùi giẻ để che mắt thầy cô.
Xấu hổ.
Thất lễ.
Mất mặt.
Thịnh Hạ nhận thấy hai má nóng bừng, lòng bàn tay cũng ran rát. Cô chậm rãi để bàn tay đang lưng chừng không trung xuống rồi cúi đầu tiếp tục làm đề, cả người như bò ra bàn, chừa không gian cho đỡ chướng mắt Trương Chú và người ngoài cửa sổ.
Nhưng chữ nghĩa lại chẳng chịu vào đầu cho, còn cuộc đối thoại của ai kia thì nghe rõ mồn một.
“Lại cái gì nữa,” Trương Chú nói, “Cậu không để hết tiết hẵng tới được à?”
Hàn Tiếu: “Xin lỗi mà. Làm bạn cùng bàn của anh sợ rồi à?”
Trương Chú: “Cậu nói thử xem?”
“Ôi, xin lỗi thật mà,” Hàn Tiếu không dám phì cười trước mặt đại ca nên cố nhịn, nghiêm mặt nói, “Anh Chú, không thì thứ Năm bọn mình đi chơi loanh quanh, không đi Milk nữa mà ra cửa bắc chơi bài?”
Trương Chú: “Chu Ứng Tường cho cậu lợi lộc gì mà hết lòng chạy chân cho cậu ta vậy?”
“Không phải thật mà! Em để ý tên đấy làm gì, một mình cũng vẫn phải tổ chức sinh nhật chứ. Chẳng qua tại anh Hầu nói anh, nói giờ anh hơi, hơi…” Hàn Tiếu ngại có người ngoài nên chuyển chủ đề, “Gần đây tâm trạng anh cũng không vui còn gì? Ra ngoài chơi thả lỏng tí, hơn nữa ai chơi bài với anh mà chẳng như tự nguyện dâng tiền lên hết? Bài anh tính như thần ấy…”
Trương Chú nhìn thẳng Hầu Tuấn Kỳ. Cậu chàng lập tức giơ tay đầu hàng, “Oan quá, mình thề mình không nói như vậy. Nhưng Chú này, cứ đi đi, tiền dâng tới tận miệng rồi, không cầm bỏ uổng.”
“Với lại…” Hầu Tuấn Kỳ nhỏ giọng thì thầm, “Trần Mộng Dao nói sẽ tới xào bài cho bọn mình đó.”
Trương Chú: “Để nói sau đi.”
Không từ chối dứt khoát nghĩa là đồng ý. Hàn Tiếu trao đổi một ánh mắt với Hầu Tuấn Kỳ, hớn ha hớn hở rời đi.
Cây lau nhà rơi xuống đất vang một tiếng trầm đục.
Thịnh Hạ biết người ngoài kia đã đi rồi.
Cô từ từ dựng thẳng sống lưng, tiếp tục làm đề như chưa hề có chuyện ban nãy, dáng ngồi ngay ngắn, mắt chẳng nhìn nghiêng, duy cơ thể vẫn cứ lặng lẽ dịch dần ra sát cửa sổ.
Trương Chú ngồi nhìn cô bạn im lặng dịch người như muốn chui tường lao ra, chẳng biết trong đầu cô lại tự tưởng tượng ra những gì, tuy thế cũng không định phí công đi đoán.
Trong trí Thịnh Hạ hiện lên rất nhiều hình ảnh.
Mớ tạp chí và CD trong cặp sách cậu hôm ấy…
Những tờ tiền cậu nhận từ ông chủ bán văn phòng phẩm…
Cậu cầm bài bất bại trên sớ bạc…
Hoa khôi của trường ngồi bên cạnh, xào bài cho cậu…
…
Bạn cùng bàn của cô, một cậu học giỏi mà hư “kiêm cả trăm nghề”.
Giang hồ quá đi!
—
Từ ngày đầu tiên đi sát nút giờ vào học, Thịnh Hạ đã rút được bài học kinh nghiệm xương máu, từ đấy về sau mỗi sáng cứ sáu rưỡi đã có mặt trong lớp.
Trong lớp học đã có kha khá bạn đến sớm.
Cô không đi thẳng về chỗ mình về tới cạnh chỗ Tân Tiểu Hòa ở hàng thứ hai dãy bàn sát cửa, đưa cho bạn một cái cốc: “Tiểu Hòa, trà gừng đường đỏ, cho cậu.”
Tân Tiểu Hòa ỉu xìu nhìn lên, nghe vậy đôi mắt lộ rõ vẻ cảm kích, “Hạ Hạ, sao cậu biết mình đến tháng vậy…”
Thịnh Hạ cười, không trả lời câu hỏi ngớ ngẩn của bạn, khẽ giọng đáp: “Mình mới nấu lúc sáng, còn nóng đấy. Bình thường mình hay nấu uống trước khi đến kì hai ngày, vậy sẽ không bị đau nữa. Cậu mỗi tháng một lần hả?”
Tân Tiểu Hòa nói: “Của mình không đều, khoảng tầm hai tám hai chín ngày gì đấy.”
Thịnh Hạ: “Mỗi lần bị mấy ngày?”
Tân Tiểu Hòa: “Năm ngày.”
“Mình hiểu rồi,” Thịnh Hạ tiếp, “Cậu ở kí túc nên không tiện, lần sau mình sẽ nhớ rồi nấu cho cậu trước hai ngày.”
“Không cần đâu Hạ Hạ, thế thì phiền cậu quá, pha bình giữ nhiệt cũng được rồi.”
“Phiền gì đâu, nấu bằng bình trà dưỡng sinh mà.”
Đến đây thì cá tính như Tân Tiểu Hòa mà cũng muốn òa khóc, “Hu hu hu tiên nữ, Trương Chú đúng là không xứng…”
Thịnh Hạ: “Hả?”
“Không có gì…” Tân Tiểu Hòa cầm tay Thịnh Hạ lắc lắc, “Tuần này qua nhanh đi, tuần sau mình với cậu lại ngồi cùng bàn rồi!”
Thịnh Hạ: “Mình cũng mong thế!”
Tân Tiểu Hòa: “Trương Chú bắt nạt cậu thì cứ gọi mình!”
Thịnh Hạ cười, hiền lành đáp, “Được!”
“Đánh nát đầu chó của cậu ta!”
“Ừ!”
Hai cô bạn chỉ lo hăng say nói chuyện làm Lư Hựu Trạch đang tập trung học từ vựng sau lưng Tân Tiểu Hòa cũng không nhịn được cong môi nhoẻn cười.
Hai cậu ấy tưởng mình nói nhỏ lắm à?
Cậu ngẩng lên. Thịnh Hạ đã đi rồi. Bất giác cậu đưa mắt đuổi theo bóng cô đến khi cô đã ngồi về chỗ mới từ từ thôi nhìn.
—
Tiết làm văn đầu tiên trong năm học, cả lớp dậy tiếng oán than.
Chẳng ai thích làm bài làm văn, lại càng không muốn sửa văn cho bạn cùng bàn.
Đây là thói quen dạy học của Phó Tiệp. Cả lớp làm văn, tiết một viết, tiết hai chữa bài, xong hết mới giảng giải rồi nộp bài lên, Phó Tiệp sẽ sửa một lượt cả bài văn và phần bình văn.
Viết văn dở không được, bình văn dở cũng không được.
Đoạn văn chủ đề đề cập tới rất nhiều danh nhân vượt cơn lũ thời đại gầy dựng cơ nghiệp, từ khóa chỉ gói gọn trong “thời đại” “anh hùng”.
Đoạn văn chủ đề có độ khó trung bình, không phải dạng đề lọc học sinh giỏi nên có không gian rất lớn để phát huy.
Chủ đề có tính thời gian và sự kiện rõ ràng thế này không khó viết vì không cần đầu tư cảm xúc nhiều mà thiên về lý luận từ thực tế, rất hợp để làm văn nghị luận. Thịnh Hạ chỉ suy nghĩ thoáng chốc đã đặt bút bắt đầu.
Trương Chú nhớ lời Vương Duy khen trình độ viết văn của cô đã ở mức thượng thừa, đọc đề xong chỉ viết tiêu đề rồi quay sang liếc bài làm của cô.
Cô nàng này đã xong mở bài luôn rồi!
Tạm không bàn những thứ khác, chỉ riêng nét chữ là quả thật rất đẹp, từng chữ cứng cáp mạnh mẽ, đầu bút hằn lên trang giấy trông rất khí thế, không hề giống với biểu hiện dịu dàng xấu hổ thường ngày.
Đề: “Không có thời đại anh hùng, chỉ có anh hùng giữa dòng thời đại”.
Trương Chú nhìn lại bài làm của mình.
Đề: “Thời đại anh hùng”.
…
Nếu không vì cô viết trước, cậu phải ngờ rằng cô cố tình đâm chọc.
Bát tự không hợp, tệ thật.
Thời gian làm bài chỉ có bốn mươi phút nên không nhiều bạn kịp hoàn thành, hết tiết rồi mà vẫn còn kha khá học sinh cắm cúi viết vội. Thịnh Hạ kiểm tra lại bài viết một lần, gấp tờ giấy viết văn lại rồi ra ngoài lấy nước.
Lần này cô chỉ vừa cầm cốc nước lên, chưa kịp nói tiếng nào mà Trương Chú đã tự chủ động kéo ghế dịch lên.
Thịnh Hạ ngẩn ra thoáng chốc, đi qua lưng cậu ra ngoài, bỏ lại một câu “cảm ơn”.
Vừa đi khỏi Hầu Tuấn Kỳ đã quay xuống rút tờ giấy làm bài cô mới gấp gọn, mở ra đọc mà thở than: “Ôi vãi chữ như in thế này… Sao tựa đề nghe triết học thế nhở? “Bánh xe lịch sự miệt mài lăn tới, con sóng thời đại cuồn cuộn chảy xa”, mở đầu này… Trương Chú cậu đọc chưa vậy, trâu bò vãi, bảo Lư Hựu Trạch thoái vị nhường ngôi được rồi đấy nhỉ?”
Trương Chú: “Giỏi vậy cơ à?”
“Giỏi quá ấy chứ!” Hầu Tuấn Kỳ chẳng có tí kiến thức nào về văn học, chỉ biết nói, “Tóm lại là trâu bò.”
Trương Chú: “Ha.”
Tiết hai sửa văn, ai chưa làm bài xong phải chịu phạt tương ứng với phần chưa hoàn thành. Nếu khi thi không thể hoàn thành phần làm văn trong vòng 55 phút thì đồng nghĩa hi vọng đạt điểm cao môn văn gần như không còn.
Lúc nhận bài Trương Chú, Thịnh Hạ đứng hình mất hai giây.
“Thời đại anh hùng”, ừm… cũng không thể nói là lạc đề, chí ít có đủ các từ khóa, chỉ là ý tưởng chưa đủ sâu.
Không phù hợp với chủ nghĩa duy vật lịch sử ẩn giấu trong đề bài.
Tài văn của cậu ở mức trung bình, ví dụ dẫn chứng chỉ được tính là đạt tiêu chuẩn thậm chí hơi lối mòn, đọc thấy rất giống văn mẫu trong “Tuyển tập các bài văn tham khảo cấp trung học” chứ không có gì mới mẻ. Nhưng bài viết cũng có ưu điểm là kết cấu bố cục rõ ràng mạch lạc, tuân thủ đúng quy tắc ba phần năm đoạn, nhưng điều này cũng đồng nghĩa bài viết sẽ rất khó đạt điểm cao.
Thịnh Hạ viết bình luận của mình vào: Trình bày mạch lạc, lô-gíc thống nhất, dẫn chứng phù hợp, chú trọng thêm luận điểm luận cứ sẽ còn tốt hơn.
Viết xong cô trầm ngâm đọc lại.
Thế này chắc đã đủ thẳng thắn uyển chuyển rồi nhỉ?
Cô khẽ liếc sang bên cạnh. Cậu vừa đọc bài xong, đang viết bình luận.
Bút giơ bút hạ viết có vỏn vẹn mấy chữ: Đọc thì không hiểu, chỉ biết là hay.
Thịnh Hạ: …
.