Đó là “bộ sưu tập” của Bạch Đô Lương. Anh ta tặc lưỡi: Sao? Nhìn đến nỗi đói con mắt rồi à?
Bạch Hựu Tất quét mắt qua những tấm ảnh tẻ nhạt kia: Chụp đến đây rồi sao không chụp nốt phần sau đi?
Bạch Đô Lương cúi đầu cười: Bởi vì chỉ làm đến bước này thôi chứ sao.
Bạch Hựu Tất: Em còn tưởng hồi ấy anh chén sạch rồi, thì ra mới chỉ xé vỏ thôi à?
Bạch Đô Lương ném chai rượu đi, tiến về phía trước giằng lấy quyển album nhét trở lại góc dưới cùng giá sách: Sau này không có việc gì thì đừng tự tiện động vào đồ đạc của anh!
Những tấm ảnh đó, Bạch Hựu Tất đều đã chụp lại gửi cho đàn em. Rồi bọn chúng sẽ gửi ẩn danh đến cho chủ tịch, nếu không có gì bất ngờ, Cát Thăng Khanh sẽ mất đi chỗ dựa lớn nhất ở huyện Bạch Sơn.
Trong khoảng sân Tử ngọc long lâu, một người phụ nữ mặc âu phục với vẻ mặt lo lắng đang nói chuyện với người bên cạnh, đó là trợ lý của Tiền Chứng Minh.
Tiền Chứng Minh đã mất tích được nửa tháng. Hôm ấy anh ta chiêu đãi Thăng Khanh và Vĩnh Quý trên thuyền, sau đó không thấy tung tích đâu nữa.
Khách sạn kia là một sự tồn tại đặc biệt của khu này. Thực khách dùng bữa rồi mất tích, cấp dưới của khách yêu cầu báo cảnh sát nhưng Giám đốc khách sạn thủ đoạn cao tay, nói vài ba câu đã khiến đối phương bỏ ý định ngay.
Những người đến đây dùng bữa đều có thân phận đặc biệt. Tiền Chứng Minh chẳng qua cũng chỉ là một nhà đầu tư, không thể chỉ vì một nhân vật nhỏ nhoi giá mấy chục tỷ mà gây phiền phức cho những vị khách quý khác được.
Bạch thị làm cầu nối cho Tiền Chứng Minh đến Bạch Sơn đầu tư khu nghỉ dưỡng, mục đích là để làm một mối lớn hơn.
Nhiều năm về trước, ông của Bạch Hựu Tất vẫn chỉ là một trưởng thôn nhỏ bé của huyện Bạch Sơn.
Thời ấy cuộc sống rất khó khăn, trong thôn có đến vài ngọn núi nhưng đất đai ở đây lại chẳng thích hợp để trồng trọt.
Lúc đó, có một thanh niên của nhà họ Bạch vào làm việc vặt trong Sở Lâm nghiệp, vì tính chất công việc nên ông ta được xem trước khá nhiều tài liệu có liên quan.
Đó là một tệp tài liệu liên quan đến “Bảo vệ sinh thái của loài đặc hữu ở địa phương”. Có lẽ là do khứu giác nhạy bén chảy trong dòng máu, ông ta đã nhận ra được gì đó.
Thế rồi ông ta đến gặp ông của Bạch Hựu Tất thưa chuyện; một tháng sau, một bài viết được đăng lên mặt báo.
“Loài đặc hữu địa phương được tìm thấy ở Bạch Sơn, được gọi là Rắn bà chúa Bạch Tiên”.
Người nhà họ Bạch chèo kéo quan hệ khắp nơi, thế rồi mấy tờ báo địa phương dần dà cũng xuất hiện những bài viết tương tự, đại ý là ở Bạch Sơn phát hiện một loài đặc hữu, là một loại rắn toàn thân trắng như tuyết, chỉ có một chấm đỏ duy nhất ở trên đầu, được gọi là bà chúa Bạch Tiên.
Còn có cả ảnh, video đi kèm…. Tiếp sau đó, những tờ báo chính quy hơn bắt đầu lên bài, câu chuyện về bà chúa Bạch Tiên cũng được lan truyền dân gian.
Một năm sau đó, công văn được ban xuống. Có thể chứng minh được rằng khu vực có các loài vật bản địa thì có thể thành lập “Khu bảo vệ sinh thái”, trợ cấp hỗ trợ mỗi năm là một triệu tệ.
Huyện Bạch Sơn thành công lấy được khoản trợ cấp này. Chủ tịch huyện năm đó là dân bản địa, trong lòng biết rõ chẳng có gì gọi là rắn bà chúa Bạch Tiên, nhưng người ta nói có, người nhà họ Bạch nói có thì ông ta cũng nói có thôi, rồi chia chác khoản tiền đó với nhà họ Bạch.
Điều quan trọng là, “bà chúa Bạch Tiên” chỉ là loài đặc hữu địa phương chứ không phải loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tức là nhà họ Bạch có thể dựa vào lợi thế về địa lý để trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm có liên quan đến loài rắn này.
Nào là “Viên ngậm Bạch Tiên”, “Thuốc trường thọ Bạch Tiên”, “Rượu Bạch Tiên”,…. Vào cái thời giám sát còn lỏng lẻo, chỉ cần trong thôn có một xưởng nho nhỏ thôi là cũng đủ để sản xuất bao nhiêu thứ.
Hồi ấy nhà họ Bạch có nguồn tài chính mà người bình thường còn chẳng dám mơ tới, nhờ có trưởng thôn tiến cử, ngày càng có nhiều người nhà họ rời khỏi Bạch Sơn, bắt đầu thâm nhập vào khắp các tầng lớp trong xã hội. Bởi vì xuất phát điểm khá thấp, nên chủ yếu những người đó hoạt động trong phạm vi quanh Bạch Sơn, nhiều nhất cũng chỉ lên được cấp thành phố.
Cùng với làn sóng lao động nhập cư ngày càng sôi động, các địa phương đều muốn ngành công nghiệp địa phương mình nhận được hỗ trợ. Nhà họ Bạch đã xin cấp hỗ trợ cho “dây chuyền sản xuất đặc sản địa phương”, cứ một xưởng thì được trợ cấp ba trăm ngàn tệ, xin cho 30 “nhà xưởng”, tạo ra hơn 900 việc làm.
Nhưng trên thực tế chỉ có ba nhà xưởng nhỏ hoạt động, chẳng có ai điều tra những địa điểm trên giấy tờ liệu có thật hay không. Tiền trợ cấp được chuyển thẳng vào túi nhà họ Bạch, để rồi tài sản tích lũy của họ tăng lên nhanh chóng.
Nhà họ Bạch truyền đến đời cha của Bạch Hựu Tất – Bạch Triều Tông. Ông ta không bằng lòng với chút trợ cấp và tiền kiếm được từ việc buôn bán, ông ta mạnh mẽ cố chấp, lại càng có hứng thú với những sự vật mới mẻ.
Mấy năm đó, bao nhiêu chỗ vui chơi giải trí mọc lên như nấm, nào hộp đêm, karaoke, rồi vũ trường.
Kế đến là vấn đề mà Bạch Hựu Tất phải đương đầu lúc bấy giờ.
Dân trong huyện dần đi đây đó làm ăn, chỉ dựa vào những gì hiện có đã không còn khả năng kiếm thêm lợi nhuận nữa. Mà hiện giờ dòng tiền của nhà họ Bạch chủ yếu là phụ thuộc vào tay chân trong các cơ quan không ngừng nhận thầu, mua bán, đầu cơ đất đai.
Bất động sản thực sự là một miếng mỡ béo bở. Nhưng xây dựng mãi rồi cũng có ngày thầu hết, đất đai rồi cũng có ngày cạn sạch. Hắn kết luận “miếng mỡ” này không thể nhai lâu dài. Có lẽ vào một thời điểm nào đó, nó có thể giúp nhà họ Bạch gom được mấy trăm triệu, nhưng cũng chỉ mấy trăm triệu thôi, “thịt” cũng sẽ có lúc hết chất.
Bạch Hựu Tất lại để mắt đến thứ đã phủ bụi từ lâu – “Bà chúa Bạch Tiên”.
Nhà họ Bạch có người làm trong ngành dược, chỉ cần mua lại một nhà máy dược có mã dược phẩm, rồi “thay da đổi thịt” cho loại thuốc hiện có, sản xuất loại thuốc có mã dược phẩm đó bán ra ngoài…
Sản phẩm có tên là “Bạch Tiên dưỡng”, với thành phần chủ yếu là chiết xuất từ vảy rắn Bạch Tiên và cẩu kỷ Bạch Tiên…. Còn bản chất của nó lại là hỗn hợp bột mì, mật ong và vitamin B.
hưng chỉ cần dựa vào vài điểm mấu chốt, tìm ra mối liên kết giữa loại thuốc này bệnh Alzheimer thì sẽ có thể đưa nó từ địa phương ra toàn quốc…. Thậm chí còn có thể được liệt vào danh sách thuốc đặc trị.
Nhà máy dược đã bắt đầu hoạt động, sản lượng mỗi ngày có thể lên đến hàng triệu viên “Bạch Tiên dưỡng”. Nếu như kế hoạch của Bạch Hựu Tất thành công, những chiếc máy nghiền bột mì, mật ong và vitamin B kia sẽ trở thành máy in tiền của nhà họ Bạch hết đời này đến đời khác.
Bạch Hựu Tất cần phải kéo thêm vài ông lớn nữa xuống nước cùng. Đám người đó quyết định Bạch Tiên dưỡng có thể ra mắt thị trường hay không, liệu nó có mối liên hệ với bệnh Alzheimer không, có khả năng được xếp vào danh sách thuốc đặc trị hay không. Hắn muốn nhờ vào Tiền Chứng Minh xây dựng khu nghỉ mát Bạch Sơn, sau đó sẽ dùng dự án này để kéo thêm cổ phần.
Hàng năm, cổ đông có thể nhận được lợi tức từ khu nghỉ mát, đây là khoản thu nhập hợp pháp. Dùng cổ phần làm quà tặng cho những người có máu mặt, lợi nhuận của khu nghỉ mát muốn hạch toán thế nào cũng chả sao, chia cổ chỉ là cái cớ để qua mắt người khác, thực chất nó là một kênh trung gian để tặng tiền.
Tiền Chứng Minh mất tích, kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng bị gác lại. Bạch Hựu Tất chắc mẩm chuyện này hẳn có liên quan đến Cát Thăng Khanh và Phó Vĩnh Quý.
Hắn đã nhịn Cát Thăng Khanh đủ lâu rồi.
–
Chu Hồng Tú đang lúi húi dọn dẹp bàn ghế trong quán nhà, tiện thể đãi hai anh em họ Cát một bữa.
Hai người họ hôm nay đến đây ăn cơm. Thường thì Cát Mão Nhi ở trường nghề, cuối tuần mới về nhà. Hôm nay Cát Thăng Khanh đưa em gái đến bệnh viện lấy thuốc.
Hồng Tú hỏi Mão Nhi chuyện ở trường học: Có tiện không? Cậu gầy đi rồi, cơm nhà ăn khó nuốt lắm hả?
Hai cô bạn thân trò chuyện ríu rít, Cát Thăng Khanh đang sắp xếp lại thuốc thang, bỗng dưng buột miệng nói một câu “quên rồi” rồi thở dài.
Thăng Khanh: Hồng Tú, giúp anh trông con bé một lát nhé. Anh quên lấy thuốc chống viêm rồi, phải quay lại bệnh viện một chuyến.
Hồng Tú cởi bỏ tạp dề, tranh ra cửa trước: Anh khỏi phải đi một chuyến nữa! Tiện đường em đi lấy thuốc hạ huyết áp cho bà, để em lấy luôn cho.
Thăng Khanh rối rít cảm ơn, lúc cô ấy mở ô bước ra cửa mới gọi với lại.
Anh nhờ Hồng Tú tiện đến phòng số 10 trên tầng ba thăm một bệnh nhân tên Lê Huệ Huệ.
Cát Thăng Khanh: Con bé là chị gái của học sinh của anh. Bị bệnh phải nằm viện. Thằng nhóc đó lo cho chị gái lắm, chẳng có tâm trạng học hành nữa.
Hồng Tú không do dự mà đồng ý ngay, cầm ô tiến vào màn mưa.
Trong quán ăn, mấy cô cậu bồi bàn đứng ngoài cửa tám chuyện; Mão Nhi ăn được lưng bụng, thẫn thờ nhìn ra ngoài. Con bé hỏi: Anh, em nhớ anh có một học sinh họ Lê phải không, thằng nhóc có đôi mắt to tròn đáng yêu ấy?
Y gật đầu: Ừ, nó nghịch lắm, tên là Lê Tử Huân.
Cát Mão Nhi: Còn một bé nữa, thông minh y như hồi anh còn đi học ấy…. Tên là Chu Tiểu Thu nhỉ?
Hai anh em ăn bữa cơm, nói đôi ba câu chuyện thường ngày; taxi đã về đến cửa quán, Chu Hồng Tú xách theo một túi đồ xuống xe.
Cát Thăng Khanh thở gấp, nhưng vẫn cố hết sức bày ra vẻ mặt bình tĩnh, đón lấy túi thuốc mỡ từ tay Hồng Tú, làm bộ nhắc đến Lê Huệ Huệ.
Hồng Tú khoát tay: Xuất viện rồi.
Y khựng lại: Sao lại xuất viện được? Con bé bệnh nặng lắm mà.
Hồng Tú: Hình như ra viện được nửa tháng rồi, chắc chắn là người nhà làm thủ tục xuất viện đấy.
Vậy tức là, hai vợ chồng Lê Chí Hiền đón con gái về nhà. Không biết đã xảy ra chuyện gì, sau cùng cô ấy bị chôn dưới gốc cây liễu trong sân trường….
Điều lạ lùng nhất là con gái mất tích nhưng người nhà họ lại không báo cảnh sát.
Sau khi đưa em gái trở lại trường nghề, y định về nhà tìm Vĩnh Quý bàn chuyện; lúc đi qua cổng trường Long Trì, không biết có phải ảo giác hay không nhưng y nhìn thấy bóng dáng hai mẹ con, trông rất giống Chu Tiểu Thu và mẹ nó.
Thế nhưng chưa kịp nhìn kỹ, hai mẹ con họ đã tiến vào cổng lớn trường Long Trì, nhìn không rõ nữa.
–
Nửa đêm, đợi lúc bọn trẻ đều đã ngủ say, hai người lén lén lút lút mò đến gốc liễu trong sân trường xem xét tình hình của Lê Huệ Huệ.
Cô bé bị chôn rất nông, nếu như muốn giấu xác thì lẽ ra nên thận trọng hơn mới đúng. Chẳng hạn như lúc chôn hai chiếc tủ đông kia, hai người họ phải đào sâu thêm hai mét so với móng công trình rồi mới có thể yên tâm.
Nhưng còn Lê Huệ Huệ, có vẻ như được đặt thẳng xuống hố thi công dưới gốc cây rồi phủ thêm một lớp đất mỏng. Ngay cả đám đệ cùi nhất của nhà họ Bạch cũng sẽ không mắc phải sai lầm thế này.
Y kiểm tra cơ thể cô bé: Không có vết thương ngoài da, không có dấu vết chống cự…. Vẻ mặt cũng rất bình thản, chết trong tư thế nằm… giống như là….
Giống như một cái chết tự nhiên.
Vĩnh Quý nghĩ rất phi thực tế: Liệu có phải là con bé tự thấy mình không trụ được bao lâu nữa nên nổi hứng chạy đến đây ngủ không?
Thăng Khanh nghĩ không phải vậy: Nếu thế thì lúc bới đất móng tay nó phải dính đất chứ. Nhưng anh xem, kẽ móng tay sạch cơ mà.
Phó Vĩnh Quý không dám bật đèn flash, chỉ có thể dùng chút ánh sáng yếu ớt từ màn hình điện thoại soi cho y: Trong cái rủi có cái may, chôn nông thế này mà bọn trẻ ngày nào cũng chạy đi chạy lại vẫn không phát hiện.
Cả hai cầm xẻng định đào lên chôn lại. Nhưng đúng vào lúc này, dưới ánh sáng yếu ớt của màn đêm, bọn họ để ý đến sự khác thường ở xung quanh….
Dấu chân. Dấu chân của bọn trẻ để lại trên mặt sân nhựa.
Nếu quan sát dưới ánh sáng tự nhiên của ban ngày thì sẽ không thể nhìn ra điểm bất thường ở đây. Nhưng vào ban đêm với ánh sáng yếu ớt chiếu xuống, những dấu chân để lại trên mặt sân lại cực kỳ rõ ràng.
Dấu chân của bọn trẻ lưu lại khắp cả sân, duy chỉ bỏ qua chỗ này. Nơi này quá sạch sẽ, chỉ lác đác vài dấu chân của người lớn….
Tại sao tất cả lũ trẻ đều tránh chỗ này?
Bỗng nhiên, tiếng chói tai phát ra từ cánh cổng sắt cắt ngang sự yên tĩnh của màn đêm, có người tiến vào sân trường. Theo phản xạ tự nhiên, hai người hì hục mỗi người một nhát xẻng lấp lại Lê Huệ Huệ.
Ánh trăng soi rõ bóng người đang tiến đến, lúc nhìn thấy bộ đồng phục trên người đối diện, máu trong người họ bỗng chốc như bị đóng thành băng….
Là ba viên cảnh sát.
Bọn họ bước vào trong sân, thấy hai bóng người dưới gốc cây liễu cũng khựng lại đôi chút. Nhưng rất nhanh, cả ba đã xuất trình giấy tờ rồi từ từ tiến về phía Phó Vĩnh Quý….
Cảnh sát: Phó Vĩnh Quý phải không? Phiền anh đi cùng chúng tôi một chuyến.