• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Khi Trịnh Đa Bảo mang hộp đồ ăn trở lại, Ân Thừa Ngọc đã ngủ say. Ông ta thở dài, nhỏ giọng lẩm bẩm nói không thể không ăn gì chứ, nhưng người không dễ dàng ngủ được nên ông ta không dám đánh thức y dậy, đành phải nhẹ chân nhẹ tay lui ra, sai người đi hâm nóng thức ăn.
"Ta đã bảo trù phòng chuẩn bị canh gừng, chờ lát nữa điện hạ tỉnh thì Trịnh công công hầu hạ điện hạ uống một chén, có lẽ sẽ đỡ hơn." Tiết Thứ vừa nói chuyện vừa thay thang bà tử* đã lạnh thành một cái khác nóng hầm hập rồi nhét lại vào trong chăn gấm, cẩn thận gém góc chăn lại cho Ân Thừa Ngọc.
(*Thang bà tử 汤婆子: Dụng cụ sưởi ấm, đổ đầy nước nóng để lên giường để sưởi ấm.)
Nghe hắn nói thế, ông ta vô thức "Ừ" một tiếng.
Hai người lui ra ngoài, Trịnh Đa Bảo bỗng cảm thấy không đúng lắm, tại sao Tiết Thứ lại cướp việc của ông ta?
Ông ta nghi hoặc nhìn bóng lưng Tiết Thứ, suy nghĩ một hồi cũng không hiểu ra sao, dứt khoát không nghĩ nữa.
Dù sao đều muốn tốt cho điện hạ.
Vừa ra khỏi phòng, khi đang chuẩn bị xuống lầu đi đến trù phòng thì đột nhiên Tiết Thứ nghe được một tiếng động rất nhỏ phía bên phải hành lang. Hắn ngừng bước chân, âm thanh sột soạt kia cũng lập tức biến mất, khóe mắt Tiết Thứ lại không nhìn thấy rõ là người nào mà chỉ mơ hồ thấy một bóng đen lướt qua - lầu ba khoang thuyền là nơi điện hạ ở, người bình thường không thể lên đây lại càng không dám lén lút như thế.
Ánh mắt Tiết Thứ đột nhiên đanh lại, rút bội đao bên hông phóng ra ngoài.
Trường đao sáng bóng lạnh lẽo mang theo uy lực chuẩn xác găm vào bụng tên rình trộm, cùng lúc đó âm thanh rơi xuống nước "Ùm" cũng truyền đến từ giữa sông.
Tiết Thứ chạy nhanh qua, khi đến khúc ngoặt hành lang thì thấy một người nằm vặn vẹo trên mặt đất, bụng còn cắm một thanh đao rồi lại nhìn xuống mặt sông thấy một bóng đen mờ ảo đang bơi đi xa. Đôi mắt hẹp dài của hắn híp lại, quát lớn thông tri hộ vệ chặn thích khách còn bản thân không do dự lao xuống lòng sông bơi đuổi theo như con cá chạch.
Mặc dù bây giờ đã vào xuân, băng trên sông đã tan hết nhưng nước sông lại lạnh thấu xương, nếu không phải là người hằng năm kiếm sống dưới nước thì căn bản không chịu được nước lạnh như vậy.
Tên trung niên vừa nhảy xuống nghĩ rằng chỉ cần vào trong nước sẽ không mất mạng, tuy nhiên hắn ta chưa kịp đắc ý đã nghe phía sau vang lên tiếng quạt nước.
Hắn ta hốt hoảng quay đầu lại liền thấy một thiếu niên đuổi sát đằng sau.
Nước sông lạnh lẽo làm độ ấm trên người giảm đi, dội ướt khuôn mặt Tiết Thứ khiến cho cái gì đen càng đen hơn, trắng càng trắng hơn. Nhìn thông qua một lớp sương dày đặc trên sông, hắn mặt trắng mắt đen giống hệt như một con thủy quỷ.
Vừa qua một nhoáng đã đuổi tới bên cạnh hắn ta. Hai người nhanh chóng giằng co, đương nhiên sức lực của người trung niên kia không bì kịp Tiết Thứ, chỉ mới quần nhau hai hiệp đã bị Tiết Thứ kìm chặt hai tay, ấn đầu xuống nước.
Cho dù kĩ năng bơi có tốt đến mấy cũng không nín thở lâu được.
Sau một lát, tên trung niên bị sặc nước trợn trắng mắt, tứ chi đang vùng vẫy mềm nhũn ra. Lúc này Tiết Thứ mới kéo hắn ta quay lại, lôi lên thuyền.
Binh sĩ Tứ Vệ Doanh đứng trên sàn thuyền thấy hắn ngoi từ dưới nước lên, ném cái tên như cẩu* chết lên thuyền đồng thời cũng có chút giật mình.
(*Vì để lịch sự nên thay từ "chó" thành "cẩu" nhé mn.)
Vị Tiết giám quan này mới tiếp quản Tứ Vệ Doanh không lâu và cũng chưa giao tiếp nhiều với bọn họ. Lần này đi tháp tùng thái tử, tuy rằng bọn họ khách khí với đối phương nhưng cũng không được coi là cung kính.
Dù sao tên tiểu tử này có bao lớn đâu còn là hoạn quan thế mà lại ngồi trên đầu bọn họ, hễ binh sĩ nào hơi chính trực thì trong lòng cảm thấy không phục, chẳng qua là ngại đối phương đang được hoàng đế xem trọng nên mới khách khí một chút mà thôi.
Hiện tại xem ra...hắn cũng không phải là một tên hoa giá tử*.
(*Hoa giá tử 花架子: có nghĩa là người trọng hình thức hơn là hành động, còn có thể hiểu là bình hoa di động.)
Trong lòng binh sĩ Tứ Vệ Doanh bỗng sợ hãi, vẻ mặt thêm cung kính hơn so với lúc trước.
Tiết Thứ nhận khăn vải thuộc hạ đưa cho, tùy tiện lau mặt rồi đi vào trong khoang thuyền: "Áp giải người đến khoang chứa hàng đợi thẩm vấn."
Nói xong liền bước nhanh về phòng.
Hắn lội xuống nước, xiêm y ướt đẫm dán sát vào người, nếu không phải hắn mặc xiêm y dày e rằng đã bị lộ chân mã*.
(*Lộ chân Mã 露马脚: Truyền thuyết về vị hoàng hậu họ Mã của Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ). Vốn Mã hoàng hậu có một đôi chân to, nhưng phụ nữ ngày xưa rất kị việc chân to nên sau khi đăng cơ bà cho người làm váy dài để che đôi chân đi. Thế nhưng, trong lúc vô tình bà đã làm lộ đôi chân ra. Vì thế cụm từ này có nghĩa là làm lộ ra những thứ không nên lộ (Nguồn zhidao.baidu).)
Tiết Thứ vội vàng quay về thay một bộ y phục khô ráo rồi mới đi đến khoang chứa hàng.
Chiếc tào thuyền này được trưng dụng tạm thời nên không có hàng hóa, toàn bộ hai tầng khoang chứa hàng trống rỗng. Hai người vừa bị bắt đang được giam ở nơi sâu nhất.
Tên trung niên nhảy sông đã tỉnh, hai tay bị trói treo lên cột, tên còn lại bị đao của Tiết Thứ đâm trúng bụng chỉ còn nửa cái mạng nên không bị treo lên mà chỉ bị trói ném ở một bên.
Bốn binh sĩ canh giữ trong khoang chứa hàng thấy Tiết Thứ đến đều hành lễ.
Binh sĩ đứng đầu bưng ghế dựa tới, lau lau cái ghế không hề có bụi, ân cần nói: "Tiết giám quan có thể ở đây nhìn hạ quan thẩm vấn."
Nếu không vì điều kiện không cho phép, chắc có lẽ hắn ta còn muốn chuẩn bị đầy đủ trà và điểm tâm.
Tiết Thứ không quan tâm đối phương xum xoe, phất tay áo lạnh lùng nói: "Để ta tự thẩm vấn."
Hàn ý trên người hắn vẫn chưa tản đi lại vô thức bắt chước dáng vẻ của chưởng ấn thái giám Cao Hiền, hắn hắng giọng giống hệt bộ dáng nham hiểm hung ác của thái giám làm cho mấy người ở đó sợ run rẩy.
Bốn gã binh sĩ không dám nhiều lời nữa mà thức thời lui sang một bên.
Tiết Thứ bước lên, nhìn tên trung niên đang bị treo: "Tên gì?"
"Tôn...Tôn Nhị Lôi." Tên trung niên vừa rồi vật nhau với Tiết Thứ đã biết sự tàn nhẫn của đối phương, hắn ta cũng không phải người cứng đầu nên vội vàng khai ra.
Tiết Thứ lại hỏi: "Biết viết chữ không?"
Mặc dù không hiểu vì sao hắn hỏi điều này nhưng Tôn Nhị Lôi vẫn liên tục gật đầu, lấy lòng: "Biết, biết."
Tiết Thứ mới vừa lòng gật đầu, nói với binh sĩ trước mặt: "Rút lưỡi hắn đi, tránh gây ồn ào đến điện hạ."
Vẻ mặt Tôn Nhị Lôi cứng đờ, theo bản năng cầu xin tha thứ lại bị ánh mắt lạnh lẽo của hắn dọa đến nỗi rét lạnh.
Quá trình thẩm vấn sau đó cực kỳ thuận lợi.
Tôn Nhị Lôi bị rút lưỡi gần như sợ vỡ mật, một năm một mười khai ra tất cả mọi chuyện.
Tiết Thứ lấy được lời khai xong, hài lòng đi ra khỏi khoang chứa hàng.
Triệu Lâm đến sau một bước hiện đang chờ bên ngoài, thấy hắn đi ra lập tức đón hỏi: "Tiết giam quan, đã thẩm vấn ra chưa?"
Tiết Thứ gật đầu, lại hỏi gã: "Điện hạ tỉnh ngủ chưa?"
"Đã tỉnh."
Tiết Thứ nghe vậy lập tức muốn đi lên lầu nhưng rồi bỗng nhớ đến gì đó liền dừng lại, bâng quơ* nói: "Bản cung khai ta sẽ trình cho điện hạ, hai tên kia giữ lại cũng không còn tác dụng gì. Theo dõi hành tung của điện hạ, âm mưu phá rối, ném xuống sông cho cá ăn đi."
(*Bản gốc là Khinh miêu đạm tả 轻描淡写 thành ngữ tiếng Hán.)
Dứt lời liền cẩn thận phủi bụi trên y phục xuống rồi mới đi hồi bẩm Ân Thừa Ngọc.
Triệu Lâm bị bỏ lại liền đi qua khoang chứa hàng, vừa đến nơi tức thời trợn tròn mắt.
Hai tên phạm nhân hấp hối quỳ rạp trên mặt đất, chân tay vặn vẹo thành tư thế kì dị, miệng há lớn không có lưỡi. Một tên trong đó còn thê thảm hơn, không chỉ bị móc mắt mà ngón tay cũng bị chém đứt lìa, chỉ để lại một ngón tay phải lấy dấu vân tay.
Triệu Lâm rút đao chấm dứt tính mạng hai người, sai người ném thi thể xuống sông.
*
Khi Tiết Thứ đi đến gặp Ân Thừa Ngọc, y đang cầm chén canh gừng uống từng ngụm, mày nhăn chặt.
Thấy người đến đây, trước tiên không vui liếc hắn một cái rồi mới nói: "Hỏi ra được gì rồi?"
Thính giác y không nhạy lắm, lúc hộ vệ phía dưới chạy lạch bạch lên lầu, y bị tỉnh giấc mới biết trên thuyền có thích khách đột nhập.
"Mời điện hạ xem thử." Tiết Thứ trình lời khai, quan sát sắc mặt y: "Điện hạ nhìn có vẻ tốt hơn rồi."
Ân Thừa Ngọc cẩn thận xem lời khai, không để ý lời nói của hắn.
Canh gừng thực sự có tác dụng, tuy cay lại khó nuốt nhưng uống được nửa bát thì cảm giác dạ dày khó chịu đã dịu bớt, nếu không y sẽ không cố gắng uống tiếp.
"Người tào bang?" Ân Thừa Ngọc xem xong, ném lời khai lên án kỷ*: "Xem ra Vạn Hữu Lương rất sốt ruột."
(*Án kỷ 案几: một loại bàn thời xưa.)
Tuy rằng hai tên thích khách này chỉ khai ra tào bang, không hề nhắc đến Vạn Hữu Lương. Nhưng ngẫm lại một hồi, lúc này người quan tâm đến hành tung của y nhất, còn muốn nhân cơ hội này ám sát y thì ngoại trừ Vạn Hữu Lương y không thể nghĩ ra ai được nữa.
Thế mà lại gấp gáp đến nỗi sắp xếp vài tên bơi giỏi đi theo thuyền từ bến tàu Thông Châu, xem ra ruộng muối Trường Lô không chỉ nuôi béo hà bao của Vạn Hữu Lương mà còn làm to lá gan của lão.
"Hai người kia đâu?" Ân Thừa Ngọc nhẹ nhàng gõ án kỷ, đang suy nghĩ xem nên đáp lễ cho Vạn Hữu Lương cái gì, chợt nghe Tiết Thứ nói: "Đã giết."
Ân Thừa Ngọc bỗng nhìn về phía hắn, không vui nói: "Tại sao lại giết? Giữ lại còn có công dụng."
"Âm mưu ám sát điện hạ, thiên đao vạn quả* cũng không tiếc." Tiết Thứ không hề biết sai, giọng điệu âm trầm, lệ khí đầy mặt,phảng phất giống vài phần dáng vẻ kiếp trước.
(*Thiên đao vạn quả千刀万剐: Thành ngữ tiếng Hán, chỉ tội ác nghiêm trọng và dù có chết cũng không đền tội nổi.)
Ân Thừa Ngọc dừng nói, hiểu rằng nhiều lời với hắn cũng vô ích.
Tiết Thứ là người như vậy, bề ngoài nhân mô nhân dạng nhưng bên trong lại chảy dòng máu sói hoang, cố chấp tàn nhẫn. Hắn bảo về đồ vật của mình rất chặt chẽ, không cho phép bất kì ai mơ ước đến.
Kiếp trước hễ là thích khách đến ám sát y thì Tiết Thứ nhất định phải quét hết hai kinh mười ba tỉnh* để bắt cho bằng được tên đó, bác bì sung thảo** nhằm răn đe kẻ khác.
(*Hai kinh là phủ Thuận Thiên (Bắc Kinh) và phủ Ứng Thiên (Nam Kinh), mười ba tỉnh là Sơn Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Hồ Quảng (Hà Nam và Hà Bắc), Giang Tây, Quảng Tây (Quế Lâm), Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Thiểm Tây (Cam Túc).)
(**Bác bì sung thảo: một hình thức tra tấn thời Minh, lột da may thành túi nhét rơm vào treo lên cho mọi người xem.)
Tuy quan hệ bây giờ của hai người bọn họ đã thay đổi nhưng tính tình của Tiết Thứ lại không hề thay đổi một chút nào.
Thật đúng là cẩu tì khí* từ nhỏ đến lớn.
(*Tính cách bướng bỉnh, cố chấp, nóng nảy.)
Ân Thừa Ngọc mắng thầm trong lòng, không lằng nhằng với hắn chuyện này nữa.
Trái lại, Tiết Thứ mang vẻ mặt bình tĩnh: "Vạn Hữu Lương càn rỡ như vậy, hành trình đến Thiên Tân Vệ có lẽ sẽ không bình an."
"Tấm sắt có cứng đến mấy Cô cũng có thể đá ra một lỗ thủng." Ân Thừa Ngọc hừ cười, dựa lưng vào thành ghế, vẻ mặt qua loa không để tâm.
Đời trước y từng đi tra rõ thuế muối, chẳng qua đó là chuyện sau năm năm giam cầm hồi cung.
Lúc ấy y vừa quay lại triều đình cần nhanh chóng lập công trạng, sau lại gặp chiến sự ở biên quan, quốc khố trống rỗng nên y đánh chủ ý đến diêm chính. Năm Diêm Sử Tư dưỡng ra không biết bao nhiêu con chuột béo, bây giờ quốc khố cạn kiệt không phải nên bắt mấy con chuột này khai đao sao?
Năm đó y đã xông pha khắp nơi thì bây giờ còn sợ cái gì nữa.
Nghĩ đến ngày mai mới tới Thiên Tân Vệ, Ân Thừa Ngọc tạm thời bỏ qua chuyện phiền não này, đứng dậy đến ghế quý phi nằm xuống, vẫy tay với Tiết Thứ: "Lại đây, bóp chân cho cô nào."
Khi nãy Tiết Thứ day huyệt thái dương cho y thủ pháp không tệ chút nào.
Trước lạ sau quen, Tiết Thứ nghe lời cởi giày ngồi lên ghế, nâng đùi y đặt lên đầu gối hắn, nhẹ nhàng xoa bóp.
Ân Thừa Ngọc thoải mái thở ra một tiếng, híp mắt nhìn hắn: "Cô bảo ngươi bóp chân, trong lòng ngươi có bất mãn không?"
Cảm nhận xúc cảm mềm mại mảnh khảnh trong tay, Tiết Thứ rũ mắt giấu đi gợn sóng nơi đáy mắt, lắc đầu: "Hầu hạ điện hạ là vinh hạnh của ta."
Ân Thừa Ngọc bị dáng vẻ nghe lời của hắn vuốt lông, cười nói: "Dẻo miệng."
- ------------------------------------------------------
Tiết cún con: Vai cún con đã triệt sản khó diễn quá. (╥﹏╥)

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK