• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đoạn 10

Hôm ấy là lần thứ ba chúng tôi ngủ chung với nhau, cũng là lần đầu tiên nằm cạnh anh mà tôi mất ngủ.

Tôi ngại nên nằm nép sát vào tường, Phong thì nằm ở tít tận đầu giường bên kia, ở giữa chúng tôi còn trống hẳn một khoảng lớn đủ để một người nữa nằm vào. Tôi đoán anh lạ giường không ngủ được vì thấy anh trở mình mấy lần, mà nghĩ cả ngày hôm nay anh đưa tôi về đây, lo cho tôi bao nhiêu việc như thế, giờ khó ngủ nên tự nhiên tôi thấy thương thương thế nào ấy.

Tôi đắn đo rất lâu, lâu đến mức hai mắt đã bắt đầu ríu cả lại mới dám mở miệng hỏi anh:

- Anh ơi, ngủ chưa?

- Ừ, sao thế?

- Cảm ơn anh nhé.

Anh không trả lời, tôi thì cứ chờ mãi, chờ mãi, chờ đến khi buồn ngủ quá nên đầu óc lơ mơ rồi, mồm bắt đầu lẩm bẩm nói linh tinh:

- Cảm ơn vì hôm nay anh giúp em ấy.

- …

- Không có anh ở đây, em không biết phải làm sao nữa. Ngày trước em không nghĩ mình thành ra như bây giờ đâu. Giờ gặp nhiều chuyện quá mới biết mình còn may thật, may mà có anh ở đây.

- …

- Nhưng mà em nói thật với anh cái này, anh đừng mắng em nhé. Em không muốn thi đại học nữa đâu.

- Sao lại không muốn?

- Em muốn được quay lại học năm hai như trước ấy. Hai năm nữa là được ra trường, lúc ấy mới kiếm tiền nhanh được. Bây giờ học thêm bốn năm nữa, không biết bao giờ mới xong.

- Em muốn kiếm tiền làm gì?

- Để mua lại được nhà cũ của em.

Khi tôi nói xong câu này, thật sự là buồn ngủ lắm rồi nên không nghe được gì nữa, chỉ nhăn răng ra cười hì hì với anh rồi nhắm mắt ngủ luôn. Tôi nhớ mang máng trước khi thiếp đi, hình như anh có nói vài câu gì đó nhưng sáng mai tỉnh dậy thì chịu, tôi không thể nhớ được, sau rồi cũng quên luôn.

Ngày hôm sau, chúng tôi vẫn ở quê để lo xây nốt đoạn tường rào bị máy xúc phá hỏng, ban đầu cứ tưởng mấy ngày nữa mới xong nhưng may sao đến chiều tối hôm ấy thì cũng hoàn thành được gần như gọn cả rồi. Tôi định ở lại cho đến khi xong hẳn nhưng nghĩ nếu để mình Phong về Hà Nội, kiểu gì bác Nhân cũng mắng anh, mà anh ở lại cùng tôi thì lại phải nghỉ việc thêm vài ngày nữa, thế là cuối cùng đành nhờ bác gái trông nom hộ rồi để lên xe về.

Trước khi chúng tôi về Hà Nội, anh còn đưa cho bác gái một xấp tiền dày, Phong bảo tiền này là chi phí xây tường rào, gửi bác gái để trả cho thợ giúp cho vợ chồng tôi.

Bác gái tôi quyết không nhận, cứ dúi lại vào tay anh:

- Hai đứa về quê lo được nhiều việc thế là tốt rồi. Tiền này cháu cầm đi, tiền công thợ cháu trả hết rồi còn gì. Bây giờ nhà bác chỉ còn lại mỗi con bé Thiên thôi, mày không phải cho bác, sau cứ đối xử thật tốt với nó là được. Nó hạnh phúc thì bố mẹ nó nhắm mắt mới yên lòng.

- Vâng, bác cứ yên tâm. Thỉnh thoảng vợ chồng cháu sẽ về thăm bác, còn tiền này là của vợ cháu biếu bác, bác nhận đi cho vợ cháu vui. Giờ Thiên coi như còn mỗi bác là ruột thịt thôi, bác cứ để vợ cháu lo cho bác, như thế thì Thiên mới thoải mái được.

- Cái con bé này…

Anh nói thế nên bác gái không từ chối được, cuối cùng đành phải cầm tiền của anh. Trước lúc lên xe bác gái cứ nắm tay tôi mãi, bảo số tôi khổ vì mồ côi sớm nhưng may sao ông trời bù lại, cho tôi một người chồng tốt như Phong. Bác còn dặn tôi về nhà chồng phải nghe lời chồng và gia đình chồng, bảo gặp được người như Phong là phúc phần của tôi, tôi phải cố mà giữ lấy.

Ngồi trên xe về Hà Nội, suốt cả chặng đường dài tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi về lời của bác gái nói. Tôi quay đầu nhìn anh, phát hiện ra anh so với những năm trước đây chúng tôi quen nhau không khác nhiều lắm, vẫn điềm đạm và tốt bụng với tất cả mọi người, chỉ là một người đàn ông hoàn hảo như thế, chấp nhận lấy tôi có phải là thiệt thòi quá không?

Tôi không biết nữa, nhưng tôi hiểu rất rõ một điều: người có thể giúp tôi đòi lại tất cả những gì đã mất, chỉ là anh thôi.

- Anh ơi, em mời anh đi ăn lẩu riêu cua được không?

Phong đang im lặng lái xe, tự nhiên nghe tôi nói thế mới quay đầu lại, hỏi tôi:

- Sao tự nhiên lại mời ăn lẩu riêu cua?

- Tự nhiên em thèm.

- Em thèm thì liên quan gì đến việc mời tôi?

- Thì là một công đôi việc đấy, em muốn cảm ơn anh mà tiện lại thèm luôn lẩu riêu cua, thế nên mời anh đi ăn luôn. Anh có đi không? Em biết một chỗ có lẩu riêu cua ngon cực, ngay đường mình về thôi.

- Ở đâu?

- Hà Đông ấy. Anh cứ đi đi, tý em chỉ cho.

- Ừ.

Tôi cứ đinh ninh là anh đã đồng ý rồi thì kiểu gì mình cũng được ăn no bụng món lẩu mà tôi thích, nhưng mà lúc còn chưa kịp đến Hà Đông thì tự nhiên anh nhận được một cuộc điện thoại của công ty, hình như có việc gấp gì đó nên bữa ăn hôm ấy phải hủy bỏ.

Mẹ chồng thấy tôi về nhà một mình thì có vẻ không vui, bà nhìn chằm chằm tôi từ đầu đến chân mấy lượt rồi mới nói:

- Thế thằng Phong đâu, nó đi đâu mà không về cùng với chị?

- Anh ấy vừa đến công ty có ít việc mẹ ạ. Chắc giải quyết xong thì anh ấy về ạ.

- Chắc mấy ngày hôm nay ở dưới quê không đi làm nên việc chất đống lại, giờ phải thức đêm để giải quyết chứ sao.

Có bố chồng ở nhà nên mẹ chồng tôi không đay nghiến tôi nhiều, chỉ nói đến thế. Bác Nhân nghe xong cũng đứng dậy hỏi tôi:

- Thế việc ở dưới quê sao rồi con? Xây lại xong hết chưa?

- Gần xong hết rồi bố ạ. Tường xây lâu rồi, mục hết nên đổ. Phải xây lại mới bố ạ.

- Ừ, giờ thằng Phong là chồng con, những việc ấy cứ để nó lo.

Mẹ chồng tôi nghe thế lại nói:

- Ông hay nhỉ? Nó còn công việc ở trên này nữa, hôm nào cũng đi sớm về khuya thế không thương con thì thôi, việc xây tường thì cứ thuê thợ về là được rồi, bắt nó lo hết làm gì.

- Việc nhà ngoại nó phải lo, giờ con Thiên chỉ còn một mình, không lo cho vợ thì lo cho ai?

- Việc gì cũng đổ hết lên vai thằng Phong, giờ nó con cái chưa có, phải để cho nó giữ sức khỏe để còn có con nữa. Vợ chồng nó lấy nhau hơn bốn tháng rồi đấy, ông không sốt ruột có cháu bế à?

Nhắc đến chuyện con cái, hình như bác Nhân cũng muốn có cháu bế lắm rồi nên cũng không nói gì nữa, chỉ quay sang bảo tôi:

- Lo xong việc ở quê rồi thì được rồi con ạ. Đi rửa mặt mũi chân tay rồi xuống ăn cơm, mẹ vẫn để phần cơm con trong bếp đấy.

- Vâng ạ.

Tôi cứ nghĩ mẹ chồng chỉ nói thế rồi thôi, ai ngờ mấy ngày sau khi cả nhà đi vắng hết, bà mới gọi tôi ra phòng khách nói chuyện. Tôi chưa kịp hỏi có việc gì thì mẹ chồng đã lên tiếng trước:

- Thế bây giờ chuyện vợ chồng chị sao, chị nói tôi nghe xem nào?

- Không, vợ chồng con có sao đâu mẹ, con với anh Phong vẫn bình thường ạ.

- Bình thường sao mãi chẳng thấy chửa đẻ gì? Hay là có việc gì khó nói?

- Không ạ.

- Tôi thấy người ta cưới tháng trước, tháng sau có bầu luôn. Thế mà chị xem, chị với con trai tôi lấy nhau cũng mấy tháng rồi chứ ít gì. Không thấy động tĩnh gì là sao, hay là vợ chồng chị đang kế hoạch?

Tôi không dám nói với mẹ chồng chuyện đến giờ tôi với Phong vẫn chưa quan hệ với nhau, sợ bà biết được thì chắc chắn sẽ làm um lên, nhưng mà cứ kéo dài thế này mãi cũng không được. Thế là tôi đành vâng vâng dạ dạ:

- Không ạ, vợ chồng con không kế hoạch gì cả mẹ ạ. Chắc là tại… sinh hoạt chưa điều độ ấy ạ.

- Đấy, như người ta thì tẩm bổ cho chồng, thấy cái gì tốt là nấu cho chồng ăn. Đêm chồng về muộn thì phải biết đường nấu đồ ăn cho nó lót dạ, chị thì hôm nào cũng chỉ biết lăn ra ngủ, chồng về lúc nào cũng không biết.

- Vâng.

- Chị xem làm thế nào thì làm, hai tháng nữa mà không chửa đẻ gì thì chị đừng có trách tôi. Nhà tôi chỉ có mình thằng Phong là con trai, chị đừng để nhà tôi phải tuyệt tự.

- Vâng con biết rồi mẹ ạ.

Tôi với mẹ chồng vừa nói đến đó thì Thanh mở cửa bước vào nhà, thấy mẹ chồng đang “dạy dỗ” tôi, em chồng hôm ấy tự nhiên tốt bụng lại nói đỡ cho mấy câu:

- Gớm, gì mà chưa đến cửa đã thấy mẹ nói chuyện tuyệt tự rồi thế. Anh chị ấy đang còn trẻ thì từ từ rồi đẻ chứ gì đâu mà mẹ cứ giục.

- Không giục thì sao, tao già rồi nên tao sốt ruột muốn có cháu bế. Còn mày nữa, học hành mà không đàng hoàng rồi ra trường có chó nó lấy.

- Xùy, con không lấy chồng đâu, mẹ không phải dọa mất công.

Nói xong, Thanh quay sang bảo tôi:

- Chị Thiên đi lên phòng em nhờ tý. Mấy môn triết học đau đầu dã man, lên dạy em tý.

Tôi đang chưa hiểu mô tê triết học gì thì đã thấy Thanh kéo tay tôi đi lên phòng, vừa đóng cửa lại nó đã nói:

- Gớm suốt ngày nghe mẹ cằn nhằn điếc cả tai, chị đúng là tài thật, hôm nào cũng nghe được.

- Sau em đi làm dâu mà xem, bị mẹ mắng vẫn phải nhăn răng ra cười ấy.

- Thôi nhìn thấy viễn cảnh làm dâu của chị em sợ rồi. Thà ở thế còn hơn, gặp phải bà mẹ chồng như mẹ mình chắc chết.

- Chết gì mà chết, chị vẫn còn sống nhăn răng đây này. Tại mẹ thương anh Phong quá nên mới thế.

- Ôi giời, còn phải nói. Từ nhỏ đến lớn, gặp ai cũng khoe “thằng Phong nhà tôi, thằng Phong nhà tôi”, trong mắt mẹ anh Phong là số 1, con cái trên đời này không ai giỏi bằng con trai mẹ đâu. Thế nên mẹ mới khắt khe với chị đấy.

- Ừ, chị biết mà. Thế môn triết học đâu, đưa đây chị xem. Mà nói trước là ngày trước chị đi học, môn này là ngu nhất đấy. Xin gãy lưỡi thầy mới cho qua đấy.

- Nói thế mà cũng tin. Ai thèm hỏi chị môn triết làm gì.

- Thế có việc gì mà kéo chị lên đây?

- Định nhờ tư vấn tình cảm đây. Bạn kia tỏ tình với em rồi.

- Hả? Tỏ tình rồi á?

- Ừ, giờ có nên nhận lời không? Em bảo để em suy nghĩ đã nên chưa nói gì cả, bạn ấy cũng bảo bạn ấy đợi.

- Nhận chứ, tội gì không nhận? Trai đưa đến miệng là phải nhận, nhưng mà từ từ, để kiêu tý đã, nhận lời sớm quá nó lại nghĩ mình dễ dãi.

- Công nhận. Thế bao lâu nữa em nhận lời thì được?

- Một tuần nữa.

- Thế em đợi một tuần nữa.

Từ khi em chồng hay nhờ tôi tư vấn chuyện tình cảm của nó với bạn kia, quan hệ của tôi với Thanh cải thiện đáng kể. Bây giờ Thanh có vẻ tin tưởng tôi hơn một chút, nó im lặng một lúc, lát sau tự nhiên lại bảo tôi:

- Anh em không có sở thích gì cả. Em chỉ biết anh Phong thích ăn canh cá khoai nấu chua thôi.

- Hả? Sao tự nhiên lại nói mấy việc đấy với chị?

- Hôm trước chị chẳng bảo muốn biết sở thích của anh em còn gì. Anh ấy từ nhỏ đến lớn không thích gì đâu, chỉ biết mỗi học thôi.

- À… thế ngày trước anh Phong đã có người yêu lần nào chưa?

Thanh tròn mắt nhìn tôi:

- Tự nhiên chị hỏi người yêu anh ấy làm gì, đằng nào giờ cũng lấy chị rồi mà.

- Để biết tình địch chứ làm gì nữa. Em chưa nghe câu người yêu cũ luôn là mối đe dọa lớn nhất của hôn nhân à?

- Ừ. Cũng đúng. Hình như anh Phong cũng có người yêu một lần rồi, nhưng em không biết đó là ai. Chỉ thấy anh Phong để ảnh bà ấy trong máy tính thôi, có lần mới nhìn lướt qua cái, ông ấy gập máy tính luôn. Chẳng biết mặt mũi thế nào.

- Ừ, biết thế là được rồi. Đi làm hình Doremon không?

- Làm ở đâu cơ?

- Hôm trước anh Phong mua cho chị một bình cát mới, một mình chị loay hoay mãi không biết làm, em biết làm không?

- Để em thử xem.

Thế là, cả buổi chiều hôm đó tôi với em chồng ở lì trên phòng để làm lại bình cát hình Doremon giống chiếc bình cũ của bố mẹ tôi. Hai chị em làm mãi không được, cuối cùng phải đợi đến tối Phong về, anh làm đoạn râu với mắt khó nhất nữa thì mới xong.

Thanh cười toe toét cầm bình cát đưa cho tôi, nó nói:

- Đấy, đền lại cho chị nhé. Giống hệt cái cũ luôn.

- Ừ, đẹp hơn. Doremon này không béo núc ních như con cũ.

- Nghe bảo cát này là cát may mắn đấy, tối chị ngủ nhớ bỏ đầu giường ấy, sau biết đâu lại may mắn đậu đại học.

Phong ngồi bên cạnh, nghe thế thì cau mày:

- Đậu đại học không phải vì may mắn, toàn nói vớ vẩn.

- Anh cứ làm như ai cũng giỏi như anh ấy, trước em thi đại học còn phải tung đồng xu để chọn trắc nghiệm đấy. Mà đi thi may mắn tý cũng được chứ sao, chị Thiên thấy đúng không?

Tôi gật gật gù gù:

- Công nhận, trước chị đi thi cũng lấy cục tẩy viết A, B, C, D xong tung. Mặt nào lăn lên trước thì chọn mặt đó.

Chồng tôi trước thi đại học còn được gần điểm tuyệt đối luôn, hình như thang điểm 30 mà anh được 29,5 thì phải, nhưng mà vì anh học giỏi quá nên chưa nhập trường đã được một trường khác bên Úc gửi thư mời đi du học. Giờ thấy tôi với Thanh nói chuyện thi đại học toàn kiểu may rủi như này, Phong chỉ biết bất lực nhìn hai chị em chúng tôi.

Thật ra, tôi nói là nói thế thôi chứ bản thân tôi cũng không tin vào vận may của mình lắm. Tôi vẫn quyết tâm ôn luyện từng ngày, trong lòng chỉ mong mình có thể đậu được đại học lại, nhưng mà đúng vào ngày tôi đi thi thì lại xảy ra chuyện.

Hôm đó, tôi dậy rất sớm để chuẩn bị đồ đạc đi thi, cả nhà không một ai biết tôi thi lại đại học nên chỉ nghĩ tôi với Phong có việc phải ra ngoài. Anh chở tôi đến địa điểm thi từ sớm vì sợ tắc đường, còn dặn dò tôi cứ thoải mái làm bài, đậu hay trượt không quan trọng.

Tôi gật đầu chắc nịch với anh rồi mới quay lưng đi vào trường. Thế mà còn chưa kịp tắt điện thoại để vào phòng thi thì có số lạ gọi đến.

Tôi tắt đi mấy lần những người kia cứ gọi mãi, cuối cùng phải bấm nghe máy. Không ngờ, vừa alo một cái thì đầu dây bên kia đã hốt hoảng nói:

- Bạn ơi, người nhà bạn đang nằm trong viện cấp cứu, mình lấy số điện thoại của bạn ở máy của chị ấy. Bạn đến bệnh viện 108 nhanh lên nhé.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK