Trần Hân không cầm được nước mắt, làm dì cấp dưỡng hoảng lên: "Sao thế, cháu?" Cậu chỉ lắc đầu liên tục. Sau khi nói ngắn gọn vài câu thì đưa trả dì di động, đưa tay lau mắt, ngượng ngập cười: "Trình Hâm thi, thi đỗ rồi. Cháu vui quá nên.."
Dì cấp dưỡng thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ nói: "Ôi, làm dì cứ tưởng.. Đỗ rồi à, tốt quá! Nó thi vào trường nào thế?" Dì chỉ biết Trình Hâm lên Bắc Kinh dự thi thôi.
Trần Hân liếm môi rồi bảo: "Trường đại học Thanh Hoa ạ."
Dì cấp dưỡng mở to mắt, thốt lên: "Đỗ Thanh Hoa cơ á?"
Trần Hân vội xua tay: "Chưa, chưa ạ. Lần này mới chỉ đạt vòng, đặc tuyển thể thao, còn phải, thi đại học nữa ạ."
Dì cấp dưỡng không hiểu thi mấy vòng, đặc tuyển các thứ, dì chỉ biết "Trình Hâm thi đỗ Thanh Hoa", liền vui sướng không thôi. Ở trong lòng dân chúng, Thanh Hoa cùng Bắc Đại chính là trường học cao cấp nhất. Thi đỗ vào hai trường ấy thì cũng đủ hãnh diện cả đời. Dì cấp dưỡng trong phút chốc cũng cảm thấy mình được thơm lây.
"Tạ ơn Trời Phật! Khi nào nó về? Dì phải làm thêm vài món ngon cho nó mới được. Rõ tội nghiệp thằng bé thi cử vất vả."
Trần Hân cũng vui mừng không kém: "Cám ơn dì ạ, còn, còn hai ngày nữa, mới về đến." Thật ra cậu cũng quên hỏi hắn khi nào về, nhưng nghĩ nếu có kết quả rồi thì mai là lên đường được, cậu muốn sớm nhìn thấy hắn.
Bây giờ, Trình Hâm đã đặt một chân vào đại học rồi. Trần Hân siết chặt nắm tay, trong lòng quyết tâm hừng hực.
Trần Hân chưa nói với ai chuyện Trình Hâm thi đỗ, vì còn thi đại học cơ mà, cậu sợ nhỡ đâu "nói trước, bước không qua". Thế nhưng người còn chưa về đến, Hà Phương chỉ bằng chiếc di động nhỏ nhoi đã tung cái tin sốt dẻo này đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Việc ấy ở trường Nhật Thăng hóa ra là rất lớn, bởi vì xưa nay trong trường chưa ai thi đỗ Thanh Hoa, mà đấy là những học sinh giỏi nhất, huống hồ gì một học sinh chuyên bóng rổ. Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, tất cả giáo viên đều biết chuyện, và không cần tốn chút công sức đã truyền bá tin vui này ra đám học sinh. Trình Hâm lập tức trở thành "huyền thoại".
Nhân vật chính còn chưa trở lại, trong trường đã nở rộ những giai thoại về "chàng". Nức lòng nhất chính là việc người ta phấn đấu gian khổ từ vị trí đội sổ toàn trường thành học sinh tiến bộ, bây giờ lại đỗ cả Thanh Hoa, đã thế còn là "đẹp trai, con nhà giàu" chính hiệu, thật chẳng khác gì thần tượng trong phim ảnh! Làn sóng hâm mộ Trình Hâm đã dấy lên cao chỉ trong một buổi chiều. Đương nhiên bên cạnh đó cũng có người chướng mắt, họ bảo còn chưa thi đại học, đã chắc đỗ đâu mà bơm lên sớm thế. Người khác thì bảo bọn thể dục "tứ chi phát triển" bây giờ chỉ cần thi được hơn 300 điểm là cầm chắc vé, có đỗ cũng chả vẻ vang gì. Bọn họ quên rằng trong cả nước, trường Thanh Hoa chỉ lấy năm, ba suất đặc tuyển bóng rổ mà thôi.
Trần Hân đều nghe thấy cả, nhưng cậu chỉ cười cho qua chuyện. Nếu cảm thấy quá đơn giản hoặc chỉ là may mắn, sao họ không tự thử xem? Trình Hâm cố gắng cật lực bấy lâu nay, sao họ không nghĩ đến?
Một ngày sau, lúc cả lớp đang trong tiết toán, cửa lớp bị gõ "bộp, bộp" hai lần, sau đó bị đẩy ra: "Thưa thầy!"
Phương Tuyển và các học sinh đều ngưng lại, nhìn ra. Trình Hâm đứng ở cửa, khoác áo da đen, bên trong mặc áo len trắng cao cổ, gương mặt mày kiếm mắt sao như tranh vẽ, cũng phảng phất phong thái như nam người mẫu trình diễn trên sân khấu, đúng thật là "ngọc thụ lâm phong". Trên mặt Trình Hâm nở nụ cười nhẹ nhàng, nhìn xuống sau phòng học. Cách cả lớp, bốn mắt nhìn nhau. Trong đầu Trần Hân hiện ra cảnh tượng hai năm về trước, lần đầu gặp mặt, Trình Hâm cũng bước vào lớp thế này. Thật không ngờ tên hung thần ác sát táo tợn bất kham ngày nào giờ đây lại trở thành người yêu của cậu. Duyên phận con người đúng là xoay chuyển khó lường như thời vận, chẳng khác chi vật đổi sao dời.
Trần Hân nhìn Trình Hâm, nhoẻn miệng cười, hai mắt cong cong, lọt vào mắt Trần Hân giống hệt như thiên thần làm xúc động lòng người. Hắn cất bước vào lớp.
Phương Tuyển bất mãn: "Này, còn chưa bảo" Vào đi "cơ mà!"
Trình Hâm quay đầu lườm Phương Tuyển, tiện tay khép cửa lại: "Em xin đấy, cứ làm như soát vé vào vườn bách thú không bằng! Mở cửa lâu hơi ấm tản ra ngoài cả, các bạn nói xem có đúng không?"
Mọi người bật cười, lớp trưởng dẫn đầu vỗ tay, rồi cả lớp vang lên một tràng pháo tay nồng nhiệt. Trình Hâm cười bảo: "Đây là hoan nghênh tôi sao?"
Lớp trưởng nói: "Chúc mừng bạn Trình Hâm thi đỗ Thanh Hoa!"
Trình Hâm đưa ngón tay lên miệng "xuỵt" một tiếng: "Chưa nên nói thế kẻo mọi người cười, đợi đến thi đại học xong, nhận được giấy báo trúng tuyển đã chứ."
Thấy hắn suy nghĩ giống mình, Trần Hân cười rộ. Tiếc rằng Trình Hâm chưa biết chuyện của mình đã ầm ĩ trong trường.
Phương Tuyển ho khan, nghiêm mặt nói: "Thôi được rồi, học tiếp nào! Ồn ào quá!"
Trình Hâm nhanh chóng về chỗ ngồi, tựa như cơn gió ấm áp giữa tháng mười hai làm mặt trời trong lòng Trần Hân chói rạng. Cả người cậu đều ấm sực, trong mắt chỉ còn có một người. Trình Hâm ngồi xuống, ghé vào tai cậu thì thầm: "Anh nhớ em."
Mặt Trần Hân nóng ran lên. Phương Tuyển trên bục giảng gõ vào bảng vài cái vãn hồi trật tự. Trần Hân cố gắng tập trung tinh thần nghe giảng, Trình Hâm đã thành công bước đầu, mình cũng phải nỗ lực học tập, không được lơ là.
Trình Hâm đưa tay vào túi áo khoác, lấy ra một vật, cầm lấy tay Trần Hân đặt vật ấy vào. Vật kia dài và ấm áp, mang theo hơi ấm của Trình Hâm. Trần Hân cúi đầu, thấy chiếc bút máy thân quen mà bố để lại cho cậu năm nào. Cậu ngẩn người rồi ngước nhìn hắn. Trình Hâm gật đầu, ra hiệu cậu viết thử xem. Trần Hân vặn nắp ra, nhìn kỹ chiếc ngòi bút mới tinh lại còn được chạm trổ, nhấc tay phác vài nét trên mặt giấy, bút lướt đi trôi chảy không ngờ. Sự việc đã qua lâu, hàng ngày dồn sức dùi mài kinh sử, tưởng chừng cậu cũng đã quên, không ngờ Trình Hâm vẫn nhớ.
Trình Hâm cầm lấy bút trong tay Trần Hân, lấy quyển vở ra, viết: "Hôm qua đi Bắc Kinh, tìm một ông lão chuyên sửa bút, may mà ông thợ già còn chưa nghỉ hưu. Chuyện tôi hẹn với cậu, cuối cùng cũng làm được rồi." Vì chuyện này mà Trình Hâm bôn ba suốt một ngày ở Bắc Kinh, thế nên về muộn.
Trần Hân cầm lấy bút, viết: "Cảm ơn cậu!" Sau đó trong lòng viên mãn, nhìn lên bảng tiếp tục nghe giảng bài.
Trình Hâm hao tâm tổn sức thi đấu bóng rổ, lại vượt nghìn dặm xa xôi, lúc này mệt mỏi nằm dài ra bàn. Hắn thì không muốn nghe giảng bài, chỉ nghiêng sang nhìn Trần Hân đăm đắm. Cảm nhận ánh mắt nóng rực của người kia, Trần Hân đưa tay che mặt, thế mà cũng không cản được cái nóng khó tả ấy. Cậu đành ghi vào vở: "Nhìn lên bảng kìa!"
Trình Hâm trả lời ngay: "Nghe giữa chừng không hiểu, cho tôi nghỉ tí đi."
Trần Hân nhìn hắn một cái, không nói gì nữa. Hắn vừa trải qua hai kỳ thi vất vả, giờ có thể thả lỏng đầu óc một chút, cậu viết sang: "Thế cũng đừng nhìn tôi, ngượng lắm."
Nhìn chằm chằm câu trả lời kia, miệng Trình Hâm cong lên, khẽ nói: "Được thôi." Sau đó quay mặt đi, không nhìn cậu nữa. Cuối cùng, Trần Hân đã có thể yên tâm nghe giảng. Một lát sau nhìn lại, chỉ thấy Trình Hâm nằm nhoài, cũng không biết là đang ngẩn người hay đã ngủ. Đợi đến lúc hết giờ, Trần Hân mới phát hiện hắn đúng là đang ngủ thật.
Trong phòng học có máy sưởi hơi, lại đông người, Trần Hân phanh áo khoác cũng không thấy rét, thế nhưng người đang ngủ có thể bị hạ thân nhiệt. Cậu liền cởi áo bông ra choàng cho hắn. Vu Hiểu Phi thấy thế cũng làm theo. Một bạn khác cũng lấy áo bông ra đắp lên. Trong phút chốc, trên người Trình Hâm đã khoác ba cái áo.
Nhìn Trình Hâm được bao bọc kỹ, Trần Hân không khỏi nở nụ cười, các bạn thật là trọng tình trọng nghĩa! Trần Hân không mặc áo khoác cũng không thấy lạnh, còn Trình Hâm thì tỉnh giấc vì nóng quá. Cảm thấy trên người như bị núi đè, hắn cựa mình một cái. Chiếc áo trên cùng rơi xuống, Trần Hân nhanh tay bắt được.
Trình Hâm mở mắt ra, mơ màng một lúc. Một hồi lâu sau, hắn ngáp dài: "Có chuyện gì thế?"
Thầy vật lý trên bảng nói: "Ở dưới đấy đừng nói chuyện!" Thầy vừa đến đã thấy Trình Hâm đang ngủ, trên người được áo bông của các bạn che kín, bèn để yên cho hắn ngủ ngon.
Nhìn thầy lý, Trình Hâm đưa tay che lại cái ngáp dang dở, cầm hai chiếc áo bông, đem áo của Trần Hân trả lại, hỏi cậu: "Hai cái này của ai?"
Vu Hiểu Phi ngó sang: "Màu đen là của tao."
Trần Hân đưa trả chiếc áo bông còn lại, sau đó mặc áo của mình vào. Bỗng Trình Hâm đánh một cái hắt hơi kinh thiên động địa, làm thầy trò trong lớp giật nảy mình. Cầm khăn giấy Trần Hân đưa cho, hắn lau mũi: "Em xin lỗi ạ!"
Thầy giáo bảo: "Ngủ trong lớp học làm gì, cẩn thận cảm mạo bây giờ!" rồi giảng tiếp.
Trình Hâm khẽ bảo: "Đau đầu quá."
Trần Hân thầm nghĩ: "Gay rồi, đừng bảo là bị cảm thật nhé!"
Việc Trần Hân lo lắng đã cũng xảy ra. Trình Hâm không chỉ là cảm xoàng, mà lần này ốm nặng, nói theo hắn là bị vài con vi rút tí teo quật ngã. Trình Hâm không dậy nổi, được đưa vào bệnh viện. Bác sĩ bảo hắn lao lực lâu ngày, lại vừa đi xa đến những chỗ đông người phức tạp, khí hậu đột ngột thay đổi, sức đề kháng giảm sút, nên bệnh mới ập xuống như núi lở.
Trần Hân xin nghỉ học, cùng Phương Tuyển đến viện thăm, nhìn Trình Hâm yếu ớt, trong lòng thắt lại. Trình Hâm thì vẫn có thể an ủi cậu: "Đừng lo, tôi không sao, may mà không ngã bệnh ngay kỳ thi, nếu thế thì công sức đều đổ sông đổ biển."
Mắt Trần Hân đỏ hoe: "Đừng, đừng nói nữa, phải nghỉ, ngơi cho thật tốt."
Trình Hâm cười khẽ gật đầu: "Ừ, không có gì đâu, vài ngày nữa lại khỏe như vâm ấy mà, nằm viện xem như đi nghỉ mát. Đến khi về lại sát cánh chiến đấu củng cậu, bọn mình còn một cuộc đại chiến mà. Cậu về đi, không cần đến thăm làm gì, ở bệnh viện nhiều vi khuẩn đấy."
Trần Hân dù không yên lòng cũng không đến lượt cậu nghỉ học chăm nuôi. Trình Ức Viễn từ lúc biết tin con trai thi đỗ đặc tuyển vào Thanh Hoa, tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến con. Trình Hâm nằm viện, ông cắt đặt giúp việc trong nhà đến săn sóc mỗi ngày mười hai tiếng, thỉnh thoảng còn đích thân vào thăm, hỏi han ân cần hơn hẳn. Trình Hâm thật ra lại thích kiểu nuôi con "chăn thả" của bố lúc trước hơn. "Nhớ lúc mình còn nhỏ thì cần người lớn kề cận, chở che, còn bây giờ sắp thành người lớn rồi, phải có cuộc sống riêng, lại không muốn bố mẹ theo sát quá. Có phải đây là thời kỳ phản nghịch niên thiếu của mình không nhỉ? Nhưng không hề gì, chờ tốt nghiệp cấp ba rồi lên đại học, lúc đấy trời cao hoàng đế xa, mình lại tha hồ vùng vẫy!" - Trình Hâm nghĩ thế.
Một cơn bệnh ập đến, Trình Hâm phải nằm viện ba ngày, sau đó về nghỉ ngơi thêm hai ngày, cũng phải mất cả tuần mới lên lớp được. Thêm vào một tuần lên Bắc Kinh thi trước đó là mất tầm nửa tháng, không theo kịp tiến độ của các thầy cô. May là lớp 12 đều chỉ là ôn tập, càng may là có Trần Hân, chỉ cần cậu phụ đạo ngoài giờ thêm thì Trình Hâm vẫn đuổi kịp. Vừa ra viện, hắn đã bắt đầu nghiêm túc học tập ngay.
Dù bảo chỉ cần thi hơn 300 điểm là đỗ Thanh Hoa, có điều cũng không chắc chắn. Thanh Hoa mỗi năm chỉ nhận tối đa 5 sinh viên đặc tuyển bóng rổ, thế nhưng lại ký ít nhất 8 suất "Thỏa thuận chứng nhận vận động viên triển vọng". Nói cách khác, vẫn phải dựa vào thành tích văn hóa mà kèn cựa. Trình Hâm không dám buông thả, nhỡ không may trượt Thanh Hoa thì phải có đường lui.
Học kỳ 1 lớp 12 là giai đoạn ôn tập toàn diện cơ bản, hệ thống hóa kiến thức của cả ba năm trung học phổ thông. Giờ đây, tất cả kiến thức cơ bản đã ôn qua một lượt, bắt đầu giai đoạn đi sâu vào chi tiết và lấp những lỗ hổng nhỏ. Làm cách nào biết hổng ở đâu để lấp? Chỉ có thể dựa vào một núi bài tập khổng lồ.
Tháng tư sang năm Trình Hâm còn cần thi một lần sát hạch tư cách vận động viên cấp tỉnh, thế nhưng so với Thanh Hoa thì kỳ thi này đơn giản hơn nhiều, Trình Hâm không cần suốt ngày tập luyện, thời gian học cũng nhiều hơn. Trần Hân phụ đạo bù đắp những bài trên lớp trong lúc hắn nghỉ học, sau đó cả hai cùng làm bài. Cậu ghi chú những chỗ bản thân còn thiếu sót, đồng thời kiểm tra xem Trình Hâm còn mắc mứu ở đâu. Trần Hân cố gắng tìm những dạng bài tập lạ để làm, mở mang kiến thức bản thân. Mỗi lần đọc một đề Toán hay Khoa học, trong đầu cậu lập tức hiện ra các kiến thức liên quan một cách có hệ thống, từ đó tránh được những cái bẫy trong đề bài. Cho nên đối với cậu, toán lý hóa sinh không có vấn đề gì cả. Ngữ văn và tiếng Anh thì ngược lại, kiến thức tản mác hơn, đề thi lại không bị giới hạn trong sách giáo khoa, Trần Hân chỉ còn cách đọc thật nhiều, học thuộc từ, đồng thời nghiền ngẫm trau dồi kiến thức cả về chiều sâu và chiều rộng.
Trần Hân biết bản thân có một sở đoản chính là kỹ năng nghe nói. Điểm này cậu không thể sánh bằng các bạn khác có điều kiện hơn, đã được tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ. Dù cậu có trí nhớ tuyệt vời, nhưng cảm giác ngôn ngữ không thể nào bồi đắp chỉ trong ngày một ngày hai, huống chi bao nhiêu năm trời Trần Hân thuộc dạng "câm tiếng Anh". Thật vậy, nhờ Trình Hâm mà hơn một năm nay cậu mới có thể phát âm bài vở. Sau này lên đại học, còn cần dùng tiếng Anh rất nhiều. Bởi thế, Trần Hân cũng không hề qua loa tuế toái. Cậu bỏ thời gian cho môn tiếng Anh nhiều hơn hẳn các môn khác. Điều đó cũng đem lại thu hoạch đáng kể, mỗi lần thi Trần Hân đều đạt trên dưới 140 điểm. Hơn nữa, vốn từ vựng do cậu kiên trì tích lũy ngày một nhiều thêm, lúc đọc tài liệu bằng tiếng Anh cũng không mất nhiều thời gian như trước. Điểm yếu đáng ngại nhất chính là kỹ năng nghe nói, vì vậy trên cổ Trần Hân thường đeo tai nghe để có thể nghe tiếng Anh bất cứ lúc nào.
Việc học của Trình Hâm giống như đại đa số học sinh trung học khác, lúc nào cũng có lỗ hổng mà bù đắp, lúc nào cũng có kiến thức chưa hiểu rõ. Không phải hắn không thông minh bằng Trần Hân, mà đây là vấn đề thái độ. Trần Hân đã thông minh, lại còn miệt mài nhiều năm như thế, đúng là hiếm ai bằng. Thế nhưng Trình Hâm cũng không có ý định gồng sức cho bằng Trần Hân. Hắn có những điểm mạnh riêng mà Trần Hân không có. Cả hai đều có thể trở thành những người thành công và có ích trong xã hội. Nhìn Trần Hân xuất chúng, Trình Hâm còn rất thỏa mãn, người giỏi giang như thế đã thuộc về mình. Thay vì thi đạt điểm cao nhất, thì chinh phục người học giỏi nhất trường cũng thế cả thôi! Đương nhiên, đây là hắn nghĩ trong lòng, không dám nói cho Trần Hân biết.
Thi học kỳ xong, nhà trường không cho nghỉ đông ngay mà giữ lại một vài ngày. Thành tích Trần Hân vẫn như xưa: Điểm tối đa môn toán, lý hóa sinh còn thiếu hai điểm nữa là tối đa, tiếng Anh và ngữ văn trên 140 điểm. Trình Hâm vì thi thể thao và ốm nên trễ nải, tổng điểm chỉ đạt 512. Hắn cũng hiểu việc học tập ví như chèo thuyền ngược dòng nước, nếu không tiến ắt sẽ lùi. Thế nhưng còn một học kỳ trước mắt, Trình Hâm vẫn còn thừa cơ hội. Hắn muốn thành tích của mình thật xứng đáng với Thanh Hoa, xứng đáng với Trần Hân.