Anh lại nói, cô là một phụ nữ mẫn tiệp, tinh thần phong phú, tình cảm mạnh mẽ thuần thành, đáng lẽ phải là báu vật của đàn ông. Nếu anh ta đủ kiên nhẫn và thấu hiểu thì sẽ ở được bên cô dù phải sống trong một gian phòng chật hẹp hay sóng bước đi khắp thế gian. Đáng tiếc, Hứa Thanh Trì không phải là người có phúc hưởng thụ quá trình đó. Anh ta không theo kịp bước chân cô, không thể chạm đến chiều sâu tâm hồn cô. Đây là quan điểm của tôi trên tư cách đàn ông, không phải là chẩn trị chuyên ngành. Con đường tình yêu của cô đã được định sẵn là trắc trở, không xuôi chèo mát mái như các cô gái khác. Đây là số phận. Lý thuyết định mệnh cũng có cái lý của nó đấy.
Cứ như vậy, cô nói với anh, anh nói với cô, mãi cho đến khi cô cảm thấy tất cả các chi tiết và cảm nhận đều đã sạch bong, không nặn ra được câu chuyện nào liên quan đến Thanh Trì nữa.
Cuối cùng, cô đã hết chuyện để kể. Chỉ thường dẫn đi uống trà Trung Quốc, cùng anh pha trà thưởng trà. Lại cùng anh học thư pháp, hai người luyện chữ trên hiên, mô phỏng các bức dập bia thanh cao tao nhã. Ngoài vườn trồng oải hương, bạc hà, hương thảo, bách lý hương, nguyệt quế, cũng trồng cả cà chua, đậu tương, đậu phộng, củ cải. Một năm bốn mùa, trồng trọt và thu hoạch các loại rau quả tương ứng. Anh thích nhà bếp, say sưa làm món ăn Âu, có một căn bếp rộng đẹp, thiết bị hiện đại đầy đủ. Cùng nấu nướng. Cùng ăn tối. Hai tiếng đồng hồ của họ dần dần kéo dài thành cả buổi chiều, lao động, nghỉ ngơi, bầu bạn cùng nhau trong vườn.
Cho đến một hôm, Khánh Trường nhận ra, anh không còn coi cô là bệnh nhân của anh nữa.