CÂU HỎI: Từ nào gốc tiếng Đức, mô tả niềm vui có được từ sự không may của kẻ khác?
TRẢ LỜI: Schadenfreude[1].
[1] Sự sung sướng trên nỗi đau khổ của người khác.
***
Hôm nay rốt cuộc vận may cũng đến với tôi. Colin Pagett Bé Bự mắc bệnh viêm gan.
Tôi biết chuyện này vào giữa giờ giảng về tập Thơ trữ tình của Coleridge và Wordsworth. Tiến sĩ Oliver đã giảng được một lúc, và tôi đang cố gắng tập trung, cố gắng hết mình, nhưng trong tâm trí tôi Thơ trữ tình là một cái gì đó giống như Kate Bush đã hát, bài “Người đàn ông với hình ảnh đứa trẻ trong mắt”[2], và đó chính là vấn đề chủ yếu của tôi đối với văn học lãng mạn; chỉ là chúng không đủ lãng mạn mà thôi. Bạn cứ tưởng là có cả một đống thơ tình để có thể chép vào những tấm thiệp Valentine, nhưng nhìn chung thì chúng toàn nói về hồ nước, bình đựng tro hỏa táng và người đi thu gom đỉa.
[2] Nguyên văn: “The Man with the child in his eyes”.
Qua những điều tôi có thể lượm lặt từ Tiến sĩ Oliver, mối quan tâm chủ yếu của Tâm hồn Lãng mạn là 1) Thiên nhiên, 2) Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, 3) Sự thật và 4) Cái đẹp, nhưng ngược lại tôi có xu hướng hưởng ứng nhiều nhất với dòng thơ khai thác những đề tài như a) Chúa ơi, em xinh thật đấy, b) Anh thích em, xin hãy hẹn hò với anh được không, c) Hẹn hò với em thật, thật là tuyệt vời và d) Sao em lại không muốn hẹn hò với anh nữa? Chính nhờ xử lý được những đề tài này một cách kín đáo và sâu sắc mà dòng thơ của Shakespeare và Donne trở nên trữ tình và xúc động lòng người nhất ở nước Anh đầy những luật lệ này. Tôi ngẫm nghĩ đầu đề cho bài luận khai sáng sắp tới và đang định đặt là Hướng đến định nghĩa về “Lãng mạn”, nghiên cứu bước đầu về “chất trữ tình” trong thơ của Coleridge và Donne hoặc tương tự thì, vừa hay làm sao, tôi thấy khuôn mặt của Alice Harbinson xuất hiện trước cửa giảng đường.
Mọi người nhìn lên, họ nhìn thì cũng chả sao, nhưng hình như nàng đang dứ dứ ngón tay chỉ vào tôi, và nhép miệng nói điều gì đó. Tôi chỉ vào mình và nàng lật đật gật đầu, cúi xuống thật nhanh, viết gì đó vào tờ giấy A4 rồi ấn nó lên cửa kính.
“Brian, Mình Cần Cậu - Khẩn cấp,” tờ giấy viết thế.
Để quan hệ ư? Tôi tự hỏi. Chắc không đâu, mặc dù vậy, rõ ràng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi ra, vì vậy tôi gom sách vở tài liệu lại một cách kín đáo, cúi người xuống và hướng ra cửa. Tiến sĩ Oliver, thật ra là cả hội trường, nhìn về phía tôi.
“Xin lỗi thầy - em có hẹn với bác sĩ ạ,” tôi nói, và đặt tay lên ngực, như muốn nhấn mạnh là mình có thể lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử đây này. Dù sao, Tiến sĩ Oliver không có vẻ bận tâm gì nhiều mà tiếp tục giảng về Thơ Trữ tình, tôi lẻn ra ngoài hành lang gặp Alice, mặt nàng lúc này đã đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, nàng thở không ra hơi nhưng mà thật đáng yêu.
“Xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi...” nàng thở hổn hển.
“Không sao, có chuyện gì vậy?”
“Chúng tớ cần cậu! Cho vòng xét tuyển chiều nay.”
“Thật không? Nhưng Patrick nói tớ không nên quấy rầy...”
“Colin không thể thi được - cậu ấy bị viêm gan.”
“Cậu đùa tớ đấy à!” Tất nhiên, tôi không đấm tay vào không khí hay làm động tác ăn mừng nào cả, vì tôi hoàn toàn thích Colin và lo cho cậu ta thật, thật đấy mà, thế là tôi tỏ ra lo lắng và hỏi thăm, “Cậu ấy có sao không?”
“Hoàn toàn không sao. Không nghiêm trọng, viêm gan A ấy mà. Đúng là cậu ấy trông có vẻ vàng vàng, nhưng sẽ ổn thôi, ổn cả thôi. Có điều như thế nghĩa là cậu được vào đội! Ngay bây giờ!” và chúng tôi làm vài động tác nho nhỏ thể hiện sự nôn nóng giành chiến thắng, chẳng có gì suồng sã cả, rồi chạy ào đến Hội Sinh viên.
***
Có những thời điểm mà dường như chính thành tựu của nhân loại lại mở rộng thêm quan niệm của chúng ta về khả năng của con người - chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc của Bernini hay Michelangelo, vở bi kịch của Shakespeare hay tứ tấu đàn dây của Beethoven. Và trưa nay, trong cái quán bar sinh viên không một bóng người, vì một vài nguyên nhân không thể giải thích cho hợp lý - số phận, hay may mắn, bàn tay vô hình của Chúa, hay một sự chiếu cố - tôi dường như đã biết mọi thứ.
“Nếu Adenine cặp với Thymine thì Cytosine cặp với...?”
Biết. “Guanine.”
“Tên đầy đủ của tổ chức trao giải Oscar?”
Biết. “Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh.”
“Đúng. Sậy, bụi rậm, đầm lầy và rừng đều là tên các loài của họ Sylviidae, tên phổ biến hơn của họ này là...?”
Biết. “Chim chích?”
“Đúng. Tên thật Roberta Joan Anderson?”
Biết. “Joni Mitchell.”
“Đúng.”
Ban tổ chức Thách thức Đại học đã cử Julian tới, một thanh niên nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự, khoảng hai mươi lăm tuổi, mặc áo cổ chữ V và thắt cà vạt; đại khái là bản sao của Bamber Gascoigne. Thể lệ cuộc thi rất dễ hiểu - bốn mươi câu hỏi trong vòng mười lăm phút, không có đối thủ, được phép thảo luận - xem chúng tôi có đạt yêu cầu để xuất hiện trong vòng chung kết chiếu trên truyền hình hay không. Và chúng tôi đạt. Ồ, chúng tôi đạt thật. Trên thực tế, tôi không ngại khi nói rằng chúng tôi nóng lòng lắm rồi.
“Một nhân vật từ thế kỷ mười hai, hoàng hậu của Pháp và Anh, là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ của Bernard de Ventadour, một nhà thơ trung đại?”
“Eleanor xứ Aquitaine,” tôi đáp.
“Gượm, gượm đã - làm ơn thông qua đội trưởng cái đã, được chứ?” Patrick rít lên giận dữ. “Này, Brian, làm sao cậu biết hả?”
Tôi biết câu trả lời thật, vì Katharine Hepburn đã đóng vai bà ấy trong bộ phim gây nhiều tranh cãi thường được chiếu trên ti vi vào trưa Chủ nhật, nhưng tôi không nói cho anh ta biết điều đó, tôi chỉ gật đầu ra vẻ nghiêm trang và nói, mắt mở to, “Tôi chỉ... biết thế thôi,” như thể cái năng lực chinh phục thế giới tuyệt vời, tuyệt đối từ kiến thức phổ quát của tôi là một điều bí ẩn, ngay cả với tôi vậy. Đầy ngờ vực, Patrick nhìn sang Lucy Chang để xác minh, nhưng cô nàng chỉ nhún vai, thế là anh ta bèn trả lời: “Eleanor của xứ Aquitaine?”
“Đúng,” Julian nói.
Cảm thấy một bàn tay đang nắm chặt cánh tay mình, tôi liền liếc sang phải, Alice đang ngồi đó mỉm cười với tôi, mắt mở to đầy ngạc nhiên. Đó là câu trả lời đúng thứ chín liên tiếp, và tôi đang cảm thấy điều mà Jesse Owens[3] ắt hẳn đã cảm thấy ở Thế vận hội Berlin năm 1936. Những người khác không có khả năng đạt được điều đó, ngay cả Lucy Chang, và đột nhiên bệnh viêm gan của Colin Pagett như thể lại là điều tốt nhất xảy đến với tất cả mọi người trừ Colin Pagett, bởi vì có vẻ là tôi biết mọi điều về mọi thứ thật.
[3] Jesse Owens là vận động viên điền kinh người Mỹ thành công nhất trong Thế vận hội Mùa hè tại Berlin năm 1936, anh giành được bốn huy chương vàng.
“Đường vĩ tuyến nào được chọn tại hội nghị Postdam năm 1945 làm đường phân chia ranh giới của Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên?”
Tôi thật tình không biết câu trả lời, nhưng không sao, chúng tôi đã có Lucy.
“Vĩ tuyến ba mươi tám?”
“Đúng.”
Và chuyện cứ thế tiếp diễn - Andalucia - đúng, 1254 - đúng, canxi cacbonat - đúng, Ford Madox Ford - đúng. Dĩ nhiên, nếu chuyện này thật sự diễn ra trên ti vi, chắc hẳn toàn quốc sẽ phải sững sờ, những cái nĩa găm đầy bánh nướng sẽ bị khựng lại khi đang ở giữa đường đưa vào miệng người xem trong sự kinh ngạc đến nghẹt thở. Nhưng không, nó chỉ diễn ra trong một quán bar sinh viên vắng tanh, nồng nặc mùi bia và thuốc lá, vào lúc ba giờ chiều một ngày thứ Ba của tháng Mười một ẩm ướt, và không có ai theo dõi, thậm chí những người quét dọn cũng vậy, một người trong số họ đã bắt đầu hút bụi các tấm thảm của quán.
“Ừm, có lẽ chúng ta nên...” Julian lầm bầm.
Patrick nhảy dựng lên và la hét đầy giận dữ.
“Này nhé! CHÚNG TÔI ĐANG CỐ GẮNG THI VÀ ĐANG CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN ĐẤY!”
“Cái đó làm sau cũng được mà!” người quét dọn nói, vẫn tiếp tục hút bụi.
“ANH NÀY NÀY...” Patrick lớn tiếng, chỉ tay vào Julian, giống như một nhà tiên tri của Kinh Cựu ước “... ĐÃ ĐƯỢC TRỤ SỞ CUỘC THI THÁCH THỨC ĐẠI HỌC Ở MANCHESTER CỬ ĐẾN ĐÂY ĐẤY!” và vì một lý do nào đó, hình như câu nói này được việc, vì người quét dọn đã tắt máy hút bụi, lầm bầm đi đổ gạt tàn.
Trở lại với cuộc thi. Tôi tự hỏi lẽ nào câu thần chú đã bị phá vỡ, và không biết chúng tôi có thể giữ thế thắng mãi không, nhưng tôi không cần lo lắng vì câu hỏi kế tiếp là về việc chôn tàu của người được phát hiện tại Suffolk vào năm 1939, vụ phát kiến này đem đến hiểu biết sâu sắc về những nghi thức chôn cất cổ xưa.
Biết.
“Vùng Sutton Hoo,” tôi đáp.
“Đúng.”
“Cuộc kiểm tra tâm lý qua mẫu vết mực,” tôi trả lời.
“Đúng.”
“Biểu mô...” Lucy trả lời.
“Đúng.”
“Uganda?” Patrick nói.
“Không, tôi nghĩ là nước Zaire...” tôi nói, và Patrick cáu kỉnh nhìn tôi hệt như Caligula[4] vì đã dám nghi ngờ uy quyền của anh ta, sau đó quay lại phía Julian và trả lời chắc nịch “Uganda.”
[4] Gaius Julius Caesar Augustus Germanicus, thường được gọi với biệt hiệu Caligula, là hoàng đế La Mã thứ ba thuộc triều đại Julio-Claudia, trị vì từ năm 37 đến năm 41 Công nguyên, nổi tiếng là một lãnh chúa độc tài điên cuồng.
“Sai rồi. Thật ra đó là Zaire,” Julian nói, cười an ủi tôi. Tôi nghĩ đã thấy mắt Patrick hơi giật giật một cách không tự chủ, nhưng tôi đã quá chín chắn để mà hả hê về điều đó, vì rốt cuộc, Patrick ạ, đó không phải là hành động ghi điểm nhỏ nhặt của một cá nhân, tất cả là vì đồng đội, đồ đần...
“Chim sẻ nuôi,” tôi đáp.
“Đúng.”
“a là đồng dư của b theo môđun m đúng không?” Lucy thì thào.
“Đúng.”
“Luật hạn chế nhập khẩu ngũ cốc,” Patrick la lên.
“Đúng.”
“The Woodlanders của Thomas Hardy,” tôi đề xuất.
“Đúng.”
“Buster Keaton?” Alice gợi ý.
“Không, tớ nghĩ đó là Harold Lloyd,” tôi nói, một cách từ tốn nhưng chắc chắn.
“Được rồi, Harold Lloyd?” Alice đáp.
“Đúng. Kỹ sư hàng không nào mất vào năm 1937, vài năm trước khi bản thiết kế nổi tiếng nhất của ông bắt đầu thống trị bầu trời trong suốt cuộc chiến của...?”
“R. J. Mitchell,” tôi đáp.
“Cái gì?” Patrick hỏi.
“R. J. Mitchell, người thiết kế máy bay Spitfire.” Tôi nhớ được cái tên này là do tờ quảng cáo trên cái hộp của bộ lắp ráp Airfix tỉ lệ 1/12, và tôi biết mình đúng, đó là R. J. Mitchell, nhất định rồi, chắc chắn thế. Nhưng Patrick hiện đang nhìn tôi, cau mày như thể anh ta đang hồ hởi, đang khao khát chờ tôi bị sai. “Là R. J. Mitchell đấy - tin tớ đi.”
“R. J. Mitchell?” anh ta gượng đáp.
“Đúng,” Julian nói, giờ thì không thể không mỉm cười rồi. Patrick nheo mắt nhìn tôi, nhưng Lucy thì ngả người về phía trước anh ta và ra dấu với tôi bằng cách giơ ngón tay cái lên, còn Alice, à, Alice trượt bàn tay ra sau tôi và đặt lên chỗ thắt lưng tôi, nơi chiếc áo sơ mi bị lòi ra khỏi quần jean.
“Được rồi, câu hỏi cuối; kim loại có tính sắt từ thuộc nhóm VIII trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, được nhà hóa học Thụy Điển Georg Brandt tách ra vào năm 1735, được sử dụng để sản xuất hợp kim có tính từ và chịu nhiệt?” Thành thật mà nói, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của tôi hơi bị hoen gỉ, và tôi chẳng biết tí gì về câu này cả, nhưng không hề gì vì lại một lần nữa Lucy Chang đã biết.
“Coban,” cô trả lời.
“Đúng.” Cuộc thi chấm dứt, chúng tôi nhảy lên vỗ vào lưng nhau, Alice ôm chầm lấy tôi, và từ chỗ ướt đẫm trên lưng tôi nhận ra mình đã đổ mồ hôi hệt như con ngựa đua.
Nhưng Julian hắng giọng và nói, “À, điểm số chung cuộc của các bạn là ba mươi chín trên tổng số bốn mươi, một điểm số thật sự tuyệt vời, và tôi vui mừng thông báo rằng các cậu nhất định sẽ có mặt trong cuộc tranh tài Thách thức Đại học năm nay!”
Và đám đông, nếu có một đám đông, chắc hẳn họ sẽ reo hò điên dại cho xem.
***
Bên ngoài tòa nhà Hội Sinh viên tất cả bọn tôi đều bắt tay với anh chàng Julian trẻ tuổi, chúc anh ta quay lại Manchester thượng lộ bình an, hẹn gặp lại anh vào ngày 15 tháng Hai, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến ông Bamber, ha-ha, rồi tất cả chúng tôi đứng cạnh nhau trong ráng chiều, chẳng biết tiếp theo đây phải làm gì.
“Thế thì... đi uống bia chúc mừng nhé!” tôi nói, thích thú muốn kéo dài dư vị chiến thắng.
“Sao? Vào lúc bốn giờ chiều ấy à?” Patrick giận dữ nói, làm như tôi vừa mời mọi người quay lại chỗ tôi để hút heroin hay rượu chè trác táng không bằng.
“Không được đâu, xin lỗi nhé, mai có bài kiểm tra,” Lucy nói.
“Tớ cũng không đi được luôn,” Alice nói, và có một khoảng lặng chờ đợi ngắn ngủi trong khi mọi người đang băn khoăn không biết nàng định đưa ra nguyên nhân gì.
Nàng chẳng bận tâm đến việc đó, thế là tôi bèn nói, “Được rồi, tớ đi cùng đường với cậu, tớ sẽ đưa cậu về nhà.” Chúng tôi cất bước, và tôi cố nghĩ ra một lời giải thích hợp lý cho việc mình đang đi hoàn toàn sai hướng.
“Này, sao mà cậu giỏi thế hả!” nàng nói, khi chúng tôi băng qua công viên dẫn đến ký túc xá của nàng. “Cậu thú vị thật đấy.”
“À, ừ, cám ơn nhé. Cậu cũng vậy mà.”
“Ôi dào, vớ vẩn. Tớ chẳng có ích gì cho đội cả. Lúc đầu tớ vào được đội chẳng qua vì cậu tuồn cho tớ đáp án thôi.”
“Ô, làm gì có chuyện đấy,” tôi nói, mặc dù đúng thế thật.
“Mà làm sao cậu biết những cái đó thế?”
“Phí hoài tuổi xuân!” tôi đáp, nhưng nàng không hiểu, nên tôi bèn nói tiếp, “Tớ cho là mình chỉ có khả năng nhớ những kiến thức vô bổ, chỉ vậy thôi.”
“Cậu nghĩ có một thứ như thế thật à? Như kiểu kiến thức vô bổ ấy?”
“À. Thỉnh thoảng tớ còn mong là mình chưa từng học cách đan bằng kim móc,” tôi nói, và Alice phá lên cười. Rõ ràng nàng tưởng tôi đang đùa, có lẽ như thế là tốt nhất. “Và lời của những bài nhạc pop, nhiều lúc tớ nghĩ tớ có thể đoán mà không cần biết quá nhiều lời nhạc pop...”
“Cứ cho tôi những quả táo lốm đốm nhưng xin hãy giữ lại chim chóc và những chú ong...?”
Biết bài này.
“‘Chiếc taxi màu vàng to lớn’ của Joni Mitchell,” tôi nói.
“Từ đô thị Ibizato tới vùng sông suối Norfolk Broads...”
Bài này cũng biết.
“‘Sự sống trên Sao Hỏa’, ca sĩ Bowie,” tôi nói.
“Được rồi, xem nào, một bài mới nhé. “Nàng có xương gò má cao, đôi mắt tội lỗi và nàng được khai sáng về tình dục của Cosmopolitan...”
Dĩ nhiên, tôi biết câu trả lời, nhưng tôi im lặng một hồi ra vẻ không biết, rồi nói, “‘Làn da hoàn hảo’, Lloyd Cole và nhóm Commotions?”
“Chúa ơi, cậu giỏi quá xáááááá,” nàng nói rồi, kỳ lạ làm sao, nàng nắm lấy tay tôi, và chúng tôi đi dạo băng qua công viên khi mặt trời đang dần lặn.
“Được rồi, đến lượt tớ. Đoán nhé...”
Thế là tôi nghĩ một lúc, hít một hơi sâu rồi nói,
“Anh thấy hai ngôi sao vụt sáng đêm qua/ Anh ước với hai vì sao nhưng đó chỉ là những vệ tinh/ Thật sai lầm khi nguyện ước với những vật vô tri trong không trung/ Anh ước, anh ước, anh ước em để ý đến anh.”
Và có vẻ chuyện thế là trót lọt, theo cái nghĩa nàng không phát ói và nôn vào tôi ngay tại chỗ. Vâng, tôi biết mình phải tự cảm thấy xấu hổ, và tôi, tôi thấy thế thật. Dù vậy, có vẻ nàng tiếp nhận chuyện đó một cách khá ngây thơ, suy nghĩ một hồi và nói “Billy Bragg - bài ‘Một nước Anh mới mẻ’.”
“Trúng phóc,” tôi nói.
“Đẹp mà, đúng không?”
“Tớ cũng nghĩ vậy,” và chúng tôi thả bộ trên con đường có hàng cây rợp mát, ánh đèn vàng cam nhấp nháy khi chúng tôi đi ngang qua, giống như cái sàn nhảy phát sáng trong cuốn video Billie-Jean. Trong giây phút này đây, tôi chợt nghĩ chúng tôi rất giống tấm ảnh đen trắng trên bìa của album tuyển tập Những bản tình ca bất hủ của hãng Ronco gồm bốn đĩa được quảng cáo trên ti vi. Phía trước là một đống lá mới rơi phủ đầy mặt đất có màu nâu đỏ nhạt, nâu vàng nhạt và vàng, tôi hướng nàng nhìn về phía chúng, nói “Ê, chúng mình cùng đá đống lá kia đi!”
“Không làm thì tốt hơn. Hay có phân chó trong đấy,” nàng đáp.
Và tôi phải thừa nhận dễ mà nàng có lý lắm.
***
Một lát sau chúng tôi đã quay về trang viên Kenwood. Nàng nắm cánh tay tôi suốt cả đoạn đường, điều này phải có một ý nghĩa gì đó chứ nhỉ, thế là tôi bạo gan hỏi, “Này, thứ Ba tuần tới cậu định làm gì?”
Phải có một con mắt đầy kinh nghiệm như tôi mới nhận thấy một tia nhìn hoang mang thoáng vụt qua trên khuôn mặt Alice Harbinson, nhưng không sao cả, nó chỉ thoáng qua trong tích tắc, trước khi nàng ngỡ ngàng nhìn, và gõ gõ ngón tay vào cằm. “Thứ Ba tuần... tới á? Để xem nào...” nàng nói. Nhanh lên, Alice, nghĩ ra một cái cớ nào đó đi, cô gái nhanh nhẹn, coi nào, nghĩ đi, nghĩ đi...
“Chỉ là sinh nhật lần thứ mười chín của tớ thôi, cậu biết đấy. Cái tuổi Một-Chín!...” và tôi ngừng lại đủ lâu cho nàng mù quáng đi vào cái bẫy tôi giăng ra.
“Và cậu có một bữa tiệc! À tớ thích đến...”
“Thực ra, không có tiệc tùng gì, tớ không quen nhiều bạn bè để mà mở một bữa tiệc. Nhưng tớ nghĩ có khi chúng mình chỉ đi ra ngoài... ăn tối hay làm gì đó được không nhỉ?”
“Chỉ có cậu với tớ à?” nàng mỉm cười. Phải nói như thế nào nhỉ, “há hốc” hay “nhếch mép”?
“Chỉ có tớ với cậu thôi...”
“Được,” nàng đáp, nghe như có hai từ. “Đư. Ược. Sao không nhỉ? Phải rồi! Sẽ rất tuyệt đây! Sẽ vui lắm đây!” nàng thốt lên.
Và nó sẽ tuyệt. Tuyệt và vui. Tôi quyết tâm là nó sẽ Tuyệt và Vui.