Nhưng vừa thiu thiu ngủ, cô ta liền nghe thấy có tiếng nói, giọng nhõng nhẽo như trẻ con làm nũng:
- Bế, bế con,... mẹ bế con...
Thị Hoa muốn tỉnh dậy, nhưng người cứng đờ, hai con mắt không tài nào mở được ra, đặc biệt là trên ngực bị vật gì đè xuống, khó thở vô cùng. Tiếng nói vẫn vang lên bên tai, gần sát sau lưng cô ta, nghe thì giống như sắp khóc đến nơi:
- Con cũng muốn bế,... mẹ bế con... - sau đó là tiếng nức nở rất tội nghiệp.
Là ai đang khóc? Thị Hoa tự hỏi, không phải là giọng của con trai cô ta, nhưng tại sao lại gọi cô ta là mẹ? Lẽ nào là đứa bé vừa sảy, cô ta chột dạ, nó thậm chí còn chưa thành hình, tuyệt đối không thể là nó! Tiếng khóc cứ quanh quẩn trong đầu Thị Hoa, khiến cô ta bồn chồn, con ngươi không ngừng đảo liên hồi, khắp người đều lạnh lẽo, cô ta thấy mình mỗi lúc một chìm xuống, lồng ngực bị chèn ép tới không thở nổi. Giữa lúc đó, trong tay Thị Hoa chợt động, cảm giác được có một nguồn lực đang kéo lấy thứ mà cô ta đang ôm. Là ai muốn giằng con trai khỏi tay cô ta, không được, Thị Hoa càng gồng mình giữ lại thì lực kéo càng mạnh hơn, hẫng một cái, đứa trẻ liền tuột khỏi tay.
- Không!
Cô ta choàng tỉnh. Hai tay chới với trước mặt, điều đầu tiên cô ta nhận ra là không thấy đứa con đâu, tim phổi liền thi nhau đập thình thịch. Bỗng có người ló ra nhìn cô ta, là anh Nam, thiếu chút nữa Thị Hoa đã gào lên, nếu không thấy trong tay anh ấy đang bế đứa con trai ngủ ngon lành. Trông vẻ mặt thất thần của vợ, anh lo lắng hỏi:
- Em làm sao mà mồ hôi vã ra thế kia? Sốt à?
Thị Hoa vẫn chưa hết kinh hách, cô ta ôm ngực thở, còn tưởng chỉ vừa mới nhắm mắt, mở mắt ra ấy vậy mà trời đã sáng tự bao giờ. Nhớ lại lúc đó cô ta còn chưa hết sợ, âm thanh thổn thức vẫn văng vẳng trong đầu, nếu không có chồng vào đánh thức chắc cô ta đã bị nó đè chết. Nó ở đây, có khi chính là hồn ma đứa con vừa sảy, Thị Hoa rùng mình nghĩ, sợ rằng cái nhà này đã bị nó ám rồi cũng nên.
- Mà lần sau em ngủ đừng ôm con như vậy – lại thấy chồng Thị Hoa lên tiếng, đánh gãy suy nghĩ của cô ta – anh mà không sang thì em làm con chết ngạt mất, trời cũng không lạnh mà lại đi đắp chăn kín mít, con thì đang khó thở, ôm thì chặt không bế ra được nữa.
Nghe chồng trách thế, Thị Hoa càng nghĩ tợn, cô ta lờ mờ đoán ra rằng, nó đang nhắm vào con cô ta. Chuyện này không biết giải thích sao cho anh chồng hiểu, cô ta thì tính là sẽ mời thầy về trừ ma, nhưng đàn ông ít người mê tín, chồng cô ta nếu không có lý do chính đáng sẽ không đồng ý, còn nếu nói không khéo cô ta sẽ có thể bị nghi ngờ. Thế là trong buổi sáng hôm đó, Thị Hoa để con ở nhà cho chồng chăm, còn mình lấy cớ đi sang nhà đẻ, đầu tiên là cô ta đi vào viện khám. Bác sĩ ở đó thông báo, cái thai đã chết lưu, sau khi tiến hành lấy thai ra cô ta sẽ chảy máu ít ngày nữa, nhưng không có gì nguy hiểm đến tính mạng. Tiếp theo, Thị Hoa đi dò hỏi về việc mời thầy cúng. Qua hỏi thăm vài người bạn, cô ta biết được một ông thầy rất cao tay, chuyên môn xem nhà cửa mồ mả và giải quyết những vấn đề tâm linh, nói một cách dân dã thì là bắt ma.
Thị Hoa lần theo địa chỉ, tới ngách 1031, đường Đuôi Cá, GP, thấy một tòa chung cư, lên tầng ba đi về phía tay phải, căn hộ thứ hai là nhà của thầy cúng kia. Cô ta gõ cửa, rất nhanh liền có người ra mở, đó là một đứa trẻ trạc mười tuổi, nó hỏi cô ta tìm ai, Thị Hoa đáp:
- Cho cô gặp thầy Cường.
Thằng bé liền để cô ta vào. Bên trong sáng sủa, có một chiếc bàn đặt trước cửa sổ, người ngồi cạnh bàn nhìn thấy Thị Hoa đi vào liền đứng dậy, nét mặt dễ chịu, dáng vẻ nhã nhặn, ra hiệu mời cô ta ngồi, nói:
- Tôi là Cường, nghe cô nói thì có vẻ là đã biết về tôi, không rõ cô tới tìm tôi vì việc gì?
- Thầy làm ơn làm phước cứu lấy mẹ con tôi, chứ không sớm muộn chúng tôi cũng bị nó hại chết mất – Thị Hoa thống khổ đáp.
Đúng lúc thằng bé đi rót cốc nước để xuống trước mặt cô ta, xong xuôi nó ngồi lại bên cạnh thầy Cường, trông có vẻ hóng hớt chuyện. Thầy Cường không bị lời nói của cô ta làm cho hấp tấp, thản nhiên thầy hỏi tiếp:
- Nó là cái gì?
- Một... một đứa trẻ - Thị Hoa ấp úng đáp – nó xuất hiện trong nhà tôi cách đây nửa tháng, con trai tôi bị nó ám rất nặng, suýt nữa thì chết.
- Chuyện đó như thế nào? – thầy Cường động tâm hỏi.
Thị Hoa thuật lại toàn bộ những chuyện kì lạ xảy ra gần đây trong nhà, cô ta chỉ không nói đó có phải là đứa con chưa thành hình của mình hay không, chốt lại một câu, rằng cái vong kia là của một đứa trẻ xa lạ, và nó muốn hại con cô ta. Thầy Cường nghe rất chăm chú, hai đầu mày nhíu chặt lại, rồi như quyết định, thầy liền đứng dậy, nói với Thị Hoa:
- Mau dẫn tôi đến đó, nếu không nhanh sẽ không kịp mất.
- Không cần sắm sửa gì sao? – cô ta ngạc nhiên hỏi.
- Không cần.
Thầy Cường dứt lời liền đi ra cửa, Thị Hoa lấy làm lạ, chưa hỏi được gì mà đã gấp gáp như vậy, thậm chí không cần mang theo đồ đạc lễ ngãi, có thể tin được không? Rất nhanh hai người đã tới trước căn hộ chung cư của cô ta, dọc đường Thị Hoa vẫn nghi hoặc, sợ mình gặp phải lừa đảo, chưa biết thế nào đã dẫn về nhà, dạo gần đây đang rộ lên tin đồn thôi miên cướp của, nghĩ mà cô ta cứ thấp thỏm không yên. Nhưng nhìn từ dáng dấp đến diện mạo của người kia, phải nói là không giống lừa đảo, mà cũng không giống thầy cúng, ngược lại cảm giác rất đáng tin. Vừa mở cửa liền thấy chồng và con trai đang ngồi chơi ở phòng khách, Thị Hoa giới thiệu thầy Cường là người được nhà cô ta mới tới để xem phong thủy, tới đây cô ta muốn đặt một cái bàn thờ trong nhà.
Không phải do căn nhà! Thầy Cường thầm nghĩ, nhìn quanh quất trong phòng, không có gì đáng chú ý, lại nhìn tới đứa trẻ kia, vẻ mặt nó tươi roi rói, ngũ quan xán lạn, không có điểm hung, nói nó bị ma ám là sai rồi. Nhưng quả thực trong căn nhà có gì đó bất thường, thầy Cường đi từ phòng bếp ra sân phơi, rồi lại từ sân phơi vào phòng khách, rõ ràng là trong nhà có hơi lạnh tỏa ra, lạnh chạy tới xương tủy. Hơi lạnh này tập trung tại một điểm, rất khó để bắt được luồng khí mà nó chạy qua, người bình thường không cảm thấy ảnh hưởng, nhưng với trẻ con thì sẽ không có lợi. Thầy Cường đi ra đi vào mấy vòng, cuối cùng đứng lại ở phòng khách, xung quanh không có nhiều đồ đạc, đáng chú ý chỉ có một thứ: cái bình gốm men rạn.
Thầy Cường cầm chiếc bình lên, nhìn bên ngoài rất bắt mắt, chạm vào cảm giác mát lạnh bàn tay, nhìn vào bên trong thấy trống không, lắc lắc thử vài cái cũng không nghe ra tiếng gì khả nghi. Vẫn chưa chắc chắn, thầy liền lấy cốc nước đổ vào trong, tráng qua tráng lại mấy lần, quả nhiên chỉ là một cái bình rỗng, nhưng tại sao cầm nó lại cảm thấy bất an như vậy? Thầy Cường quay lại hỏi:
- Cô mua cái bình này ở đâu?
Hai vợ chồng Thị Hoa nãy giờ chỉ im lặng nhìn thầy cúng đi qua đi lại, nhấc lên đặt xuống đồ đạc trong nhà, mãi mới có cơ hội nói, cô ta nhanh nhảu cầm lấy cái bình, đáp:
- Đây là quà tri ân của một công ty nhập khẩu hàng Nhật Bản, loại bình gốm men rạn này rất có giá trị, anh xem vân của nó này, đấy, đẹp mà phải không – vừa nói cô ta vừa giơ lên cho chồng xem.
Thầy Cường nghe thế liền sinh nghi, toan lấy lại cái bình, nhưng vừa đưa tay ra liền thấy dưới chân có động, nhìn xuống thì hóa ra là đứa con trai của Thị Hoa. Nó đang ngồi chơi trên sàn, không biết vì sao lại mon men ra chỗ thầy đứng, thằng bé bám lấy chân thầy, ngửa cổ nhìn lên, bập bẹ nói:
- Bế, bế.
Một khắc đó mắt thầy Cường dao động. Trong lòng đau xót, thầy âu yếm bế đứa trẻ lên, cảm giác thân quen vô cùng. Thằng bé ấy vậy mà lại theo một người xa lạ, vợ chồng Thị Hoa định qua đón nó, nhưng đứa trẻ không chịu, nó ôm cổ thầy Cường, hai mắt long lanh rơm rớm ướt. Bỗng nhiên đứa trẻ ghé vào tai thầy, thì thầm gì đó, nước mắt nó chảy ra, đồng thời mặt thầy sa sầm lại. Trước cảnh tượng đó, anh Nam liền vội tới bế con, đứa trẻ rời khỏi vòng tay thầy Cường, nó khóc lớn lên, giãy giụa không yên, hai bố con phải dong nhau ra sân phơi quần áo mới thôi. Thầy lập tức quắc mắt sang Thị Hoa, giống như có cục lửa cháy rừng rực bên trong, khiến cô ta lạnh toát sống lưng, còn chưa kịp hỏi thì thầy đã lên tiếng, giọng tức giận:
- Một người như cô mà cũng xứng làm mẹ? Chúng đều là con cô, cô lấy quyền gì mà định đoạt đứa nào giết đi, đứa nào giữ lại?
Thị Hoa mặt tái nhợt đi, rốt cuộc thì vừa rồi xảy ra chuyện gì, tại sao người kia lại đột nhiên trở mặt như vậy. Cô ta không sợ thầy cúng biết mình phá thai, chỉ là sợ chồng nghe thấy, giờ bị hỏi thì cứng họng không trả lời được. Thầy Cường mắt vằn lên tia máu, trừng trừng chỉ cô ta, nói:
- Cô như bây giờ là báo ứng, không ai cứu được cô đâu. Ông trời có mắt, đứa bé kia vô tội, nó sẽ không sao hết.
Dứt lời thầy cúng đi thẳng ra cửa, ngoài mặt là vậy nhưng trong lòng vô cùng thống khổ, muốn cứu giúp sinh linh ấy, nhưng lại nghe thấy lời khẩn cầu của nó:
"Thầy cho con được ở với mẹ thêm ít ngày nữa, mẹ bỏ con nhưng con cũng là con của mẹ, tới khi nào mẹ nhận thì con sẽ tự đi, con không hại ai cả, con xin thầy..."
Đứa trẻ nào có tội tình gì, vì sao lỗi lầm của người lớn lại liên lụy đến con trẻ? Một người mẹ khi đã mang thai, thì những gì cô ta nghĩ, đứa trẻ cũng ít nhiều biết được. Thị Hoa từng tự hỏi, tại sao cùng là con mà một đứa được sống, đứa kia lại phải chết. Sinh linh trong bụng biết được kết cục của mình, nó cũng nghĩ tại sao đứa trẻ kia lại được sống, nếu đứa trẻ đó chết đi thì có phải quyền sống thuộc về nó không? Cảm xúc và suy nghĩ của người mẹ là thứ duy nhất tác động đến đứa trẻ, vì nó vốn dĩ chỉ là tờ giấy trắng, mọi hành vi đều xuất phát từ sai lầm của người phụ nữ kia. Sinh linh đó là vô tội, tất cả những gì nó làm đều là để đấu tranh cho quyền được sống. Tới cùng, dù không được sinh ra, cũng không oán không hận, nó chỉ là mong nhận được chút tình cảm từ chính người mẹ đã ruồng bỏ nó.