Triệu Chân Chân dùng thuốc lắc tuy chưa đến mức nghiện nhưng khiến thể trạng của cô nàng kém đi rất nhiều, sắc mặt tái mét, hai mắt dại ra, lúc đi học thường ngủ gà ngủ gật, tinh thần uể oải nhưng thực ra lại chẳng gây ra chuyện phá thai, nhiễm bệnh tình dục gì cả. Người nước Mỹ có ý thức đề phòng rất mạnh, người không quen biết, nhất là trong những bữa tiệc thác loạn như vậy đều sử dụng biện pháp phòng tránh.
Nghỉ hè, Triệu Chân Chân định về nước bởi vì cha cô bị bệnh, Khưu Uyển Di không tiện ngăn cản nhưng nghĩ lại, tình hình của Cố Trường Khanh thế nào đều nằm trong tay mình nên trong thời gian ngắn ngủi Triệu Chân Chân về nước bà ta cũng chẳng quá lo lắng,
Còn Cố Trường Khanh thì đang nghĩ có nên về nhà hay không. Dù sao đi đã lâu không về cũng không được. Nhưng lúc này, Khổng Khánh Tường gọi điện cho cô nói giờ bệnh bò điên ở Mỹ đang hoành hành, đứa bé còn nhỏ sức đề kháng kém, sợ cô mang mầm bệnh về nên bảo cô nghỉ hè năm nay không cần về.
Thời gian này, bệnh bò điên ở Mỹ quả thật rất đáng sợ, những trang trại gia súc có biết bao trâu bò bị đem đi tiêu hủy. Tuy chỉ cần không ăn phải bò điên thì không sao nhưng Khưu Uyển Di không mong Cố Trường Khanh trở về. Bởi vì đứa bé còn nhỏ, sợ Cố Trường Khanh sẽ dùng thủ đoạn gì với đứa bé. Bà ta chỉ mong cả đời này Cố Trường Khanh không trở về. Bà biết Khổng Khánh Tường rất coi trọng đứa bé này nên mới lấy cớ bệnh bò điên, Khổng Khánh Tường giờ coi đứa bé như báu vật sao còn nghĩ gì đến con gái. Nhưng ba tháng nghỉ hè này, mỗi tháng ông gửi cho Cố Trường Khanh thêm một vạn đô la Mỹ.
Nghỉ hè từ tháng 6 đến tháng 9, ngay ngày đầu tiên, mọi người đều rời trường. Cố Trường Khanh cũng chuyển về Princeton, nhân cơ hội này đọc sách, học hành.
Cuộc sống hàng ngày đơn giản, thoải mái, sáng dậy tập võ rồi ra ngoài ăn sáng, về nhà đọc sách đến trưa, trưa gọi thức ăn nhanh về ăn, chiều cùng Mike bàn chuyện cổ phiếu, nghiên cứu thị trường chứng khoán. Kỳ nghỉ hè này Mike không còn bị giam giữ như trước, có thể liên lạc với Cố Trường Khanh. Hai người hoặc là gọi điện thoại hoặc là tán gẫu trên mạng. Sản phẩm của Hoa Tư vẫn bán rất chạy, đa số lợi nhuận đều được dùng để tiếp tục đầu tư, một số nhỏ thì chia cho các cổ đông. Cố Trường Khanh nhận được 500 vạn nhân dân tệ tiền hoa hồng, cô dùng số tiền này chơi cổ phiếu với Mike. Hai người nói chuyện trên mạng, lúc thì bàn bạc lúc thì cãi cọ, có lần tranh cãi gay gắt, Mike hất cả café vào màn hình, sau này Cố Trường Khanh thường đem chuyện này ra để cười anh.
Bữa tối có khi gọi đồ ăn nhanh, có khi ra ngoài ăn. Lúc về xem Tivi, đọc báo sau đó lại lên mạng nói chuyện với Từ Khôn và Lý Giai.
Qua Lý Giai, Cố Trường Khanh đã dần hiểu biết về Cố thị, hiểu kết cấu nhân sự của Cố thị, cũng biết được có một số người trong hội đồng quản trị không ưa Khổng Khánh Tường.
– Ông Chu thường chống đối với cha em nhưng vì ông ấy là đại cổ đông nên cha em luôn dễ dàng bỏ qua, những lúc đông người, long trọng thường không tranh chấp, những lần khác thì ông Chu đều thua, thành ra bề ngoài khí độ của ông Chu cũng thấp hơn cha em một bậc.
Lý Giai nói với Cố Trường Khanh. Cố Trường Khanh âm thầm ghi nhớ những lời Lý Giai nói.
Cuộc sống dù có chút buồn tẻ nhưng lại rất thoải mái.
Thời gian cứ từng ngày trôi, rất nhanh đã sang tháng 7.
Nhà trọ của Cố Trường Khanh ở có ba tầng, mỗi tầng có 6 phòng, đa số đều là kiểu phòng đơn như Cố Trường Khanh, bình thường đều là sinh viên của Princeton thuê, sinh viên nhà khá giả chẳng ai muốn ở lại ký túc xá cả.
Cố Trường Khanh ở tầng hai, hôm đó cô đi siêu thị mua đồ trở về, thấy người đại diện bên công ty nhà đất bước ra khỏi phòng cách vách.
Phòng bên cạnh vốn để trống, giờ có người bên công ty đến thì chắc chắn là sẽ có người đến thuê.
Cố Trường Khanh biết cô ấy, liền tiến lên chào hỏi:
– Chào chị, Susan, lại kí hợp đồng thành công rồi à?
Susan cười nói:
– Đúng thế, sắp vào năm học rồi, thời gian này có rất nhiều người muốn thuê nhà. Ngày mai có người muốn đến đây xem nên chị đến đây sửa sang, quét dọn lại một chút.
Cố Trường Khanh vừa mở cửa vừa cười nói:
– Susan, chúc chị thành công!
– Cảm ơn em! Susan cũng cười.
Cố Trường Khanh vào phòng, đóng cửa lại. Susan bỗng nhiên như nhớ ra cái gì, vốn định nói với Cố Trường Khanh nhưng thấy cô đã đi vào thì nhún vai lẩm bẩm:
– Thôi, vốn định bảo cô ấy người thuê phòng này cũng là người Trung Quốc… Nhưng còn chưa chắc chắn, sau này nói cũng được.
Susan lẩm bẩm rồi rời đi.
Sáng hôm sau, lúc Cố Trường Khanh đang đọc sách thì nghe bên cách vách có tiếng mở cửa, đồng thời có tiếng Susan đang giới thiệu phòng ở. Cố Trường Khanh biết là có người đến xem phòng.
Cô nhìn lại mình, mặc quần áo ngủ, đầu tóc rối bù nên quyết định thôi không qua chào hỏi nữa. Nếu đối phương thuê phòng, về sau còn nhiều ngày để chào hỏi, nếu không thuê thì giờ ra chào hỏi cũng kì.
Một lát sau, như có tiếng hai người đi ra khỏi phòng, Cố Trường Khanh nghe được tiếng Susan cảm ơn và giới thiệu cảnh vật xung quanh, nghe thái độ nhiệt tình này thì hẳn là người kia đã đồng ý thuê.
Sau này mình lại có thêm hàng xóm rồi, hi vọng đừng là người quá đáng ghét. Cố Trường Khanh nhún nhún vai, cũng không để việc này vào lòng.
Buổi trưa, Cố Trường Khanh gọi mỳ Ý, lúc mở cửa nhận đồ thì nghe từ bên cách vách truyền đến tiếng sửa sang lại phòng. Cố Trường Khanh hơi nghiêng đầu qua, nhưng nhớ lại trang phục của bản thân thì lại rụt người về, quay về phòng, đóng cửa lại.
Nhưng lạ là đối phương cũng không có ý chào hỏi cô, người Mỹ có đôi khi rất chủ động, nhiệt tình, chuyển đến nhà mới sẽ chủ động chào hỏi hàng xóm, nhưng xem ra người này không hề có ý đó.
Đương nhiên Cố Trường Khanh cũng chẳng để tâm.
Thấy đối phương không có ý giao tiếp với người ngoài, Cố Trường Khanh càng mặc kệ người ta. Mấy ngày sau, hai người vẫn chưa gặp mặt. Nhưng sáng nào Cố Trường Khanh cũng nghe thấy tiếng người kia ra ngoài, đến chiều mới về, cơm tối có đôi khi cũng gọi đồ ăn nhanh.
Tối hôm nay, tầng một chẳng biết có chuyện gì mà đột nhiên mất điện. Cố Trường Khanh tìm hồi lâu cũng không thấy đèn pin, chẳng biết đã cất ở đâu, thứ này bình thường vốn không hề dùng đến.
Cố Trường Khanh đi ra ngoài muốn xem là có chuyện gì.
Vừa mở cửa ra đã thấy cách vách có tiếng mở cửa, một bóng đen cao lớn từ trong bước ra, vừa nhìn đã biết là con trai. Người kia dường như cũng phát hiện ra sự tồn tại của Cố Trường Khanh, dùng tiếng Anh hỏi:
– Có chuyện gì thế?
Cố Trường Khanh nói:
– Tôi cũng không biết, nhưng vừa rồi tôi thấy có phòng trọ đằng trước có điện, hẳn là chỗ chúng ta bị trục trặc gì đó.
Người nọ lại hỏi:
– Cô có đèn pin không?
– Tôi có nhưng giờ không tìm được.
Người nọ yên lặng một hồi rồi lại hỏi:
– Cô có biết aptomat tổng ở đâu không?
Cố Trường Khanh gật đầu:
– Tôi biết, ngay ở cuối hành lang.
– Cô dẫn tôi đi được không? Tôi vừa đến đây, còn chưa quen với nơi này.
Đối phương rất lễ phép, giọng nói trầm thấp mà thong thả.
Chẳng hiểu sao, lòng Cố Trường Khanh có cảm giác kì dị.
Cô bật di động, ánh sáng mỏng manh của điện thoại không đủ để soi rõ gương mặt của đối phương trừ khi dí sát vào mặt anh ta nhưng như vậy thì quá mất lịch sự:
– Được, mời đi theo tôi! Cố Trường Khanh nói.