Chúng tôi ở trên thuyền nửa tiếng, sau đó bà hôn tạm biệt tôi rồi hứa ngày nào đó sẽ đưa tôi đi cùng.
Tuần kế tiếp, mẹ tôi bắt đầu gửi thiệp Giáng sinh đi khắp nơi, và chuyện ấy làm mẹ bận túi bụi nhiều ngày liền. Mẹ không gọi là thiệp Giáng sinh mà gọi là lời chúc mừng ngày lễ. Thực ra, nhà tôi không tổ chức Giáng sinh. Chúng tôi tặng quà cho nhau vì bố mẹ bảo đấy là truyền thống của người Mỹ. Bố bảo chuyện gửi thiệp mừng liên quan đến ngày mẹ còn bé. Mẹ gửi thiệp cho bạn bè hồi nhỏ, người ta cũng gửi lại cho mẹ. Thế là mỗi năm một lần, mẹ biết được thông tin người này đã lập gia đình, người kia mới sinh con, hay đại loại thế. Và mẹ cũng gửi một tấm thiệp cho em trai mình, tôi chưa gặp cậu bao giờ. Cậu sống ở tận California.
Năm nay, tôi phát hiện một điều lạ lắm. Tôi thấy mẹ gửi cả thiệp Giáng sinh cho ông bà ngoại ở Ohio. Hôm đó tôi bị cảm, phải nghỉ học ở nhà, khi nhìn qua chồng thiếp tôi đã thấy cái thiếp đó. Nó ở đó - như những tấm thiếp khác. Trên phong bì ghi ông bà Paul Hutchins, đó là tên của họ. Ông bà ngoại của tôi! Tôi không hỏi han gì mẹ cả. Tôi cảm thấy mình không nên biết việc này.
Ở trường, thầy Benedict đang chạy đôn chạy đáo xem có chuyện gì với mớ áo choàng mới của đội hợp xướng. Trường tôi tổ chức một buổi lễ mừng Giáng sinh và lễ Hanukkah[2] cho phụ huynh và lớp tôi được chọn làm đội hợp xướng. “Lớp thầy Benedict sẽ là đội hợp xướng,” thầy hiệu trưởng quyết định thế. Ngày nào, chúng tôi cũng tập hát với giáo viên dạy nhạc. Tôi tự nhủ đến Giáng sinh thì chắc cổ họng tôi khản đặc. Lũ chúng tôi phải học năm thánh ca Giáng sinh và ba bài Hanukkah - đoạn thì cao chót vót, đoạn thì trầm trầm. Hầu hết các đoạn trầm đều cho bọn con trai hát, đoạn cao thì phân cho con gái. Ngay sau lễ Tạ ơn, chúng tôi sẽ được đo để may áo choàng hợp xướng. Ban phụ huynh quyết định là đống áo cũ đã sờn rách hết cả, nên chúng tôi sẽ được may đồ mới màu xanh lá chứ không phải màu đen như trước. Chúng tôi sẽ không cầm nến, mà cầm đèn pin to bằng cái bút chì.
[2] Lễ hội truyền thống kéo dài tám ngày của người Do Thái.
Chúng tôi tập đi vào hội trường, đi lên khán đài hát bài “Adeste Fidelis” bằng tiếng Anh và tiếng Latin. Chúng tôi đi thành hai hàng nam nữ riêng biệt. Dĩ nhiên là xếp theo chiều cao. Tôi đi ngay sau Janie vì Ruth đã chuyển đi chỗ khác. Người cặp đôi với tôi hóa ra là Norman Fishbein. Tôi chẳng thèm nhìn nó. Tôi chỉ nhìn thẳng, vừa đi vừa hát thật to.
Một tuần trước buổi lễ, Alan Gordon nói với thầy Benedict rằng cậu sẽ không hát bài hát Giáng sinh vì như thế là trái với tôn giáo của cậu. Lisa Murphy giơ tay nói sẽ không hát bài hát Hanukkah với lý do tương tự.
Thầy Benedict giải thích rằng những bài hát ấy dành cho tất cả mọi người và không liên quan gì đến tôn giáo cả, nhưng ngày hôm sau Alan mang đến một bức thư ngắn, rồi từ hôm đó cậu chỉ đi trong hàng chứ không hát nữa.
Lisa cũng chỉ hát khi diễu hành, còn đến lúc hát thánh ca Hanukkah, nhỏ cũng không chịu hé môi.
Chúa có đó không? Là con, Margaret. Con muốn Chúa biết rằng năm nay con đã nghĩ rất nhiều về Giáng sinh và Hanukkah. Con đang cố quyết định xem ngày nào sẽ là ngày đặc biệt với mình. Con nghĩ nhiều lắm Chúa ạ. Nhưng đến giờ vẫn chưa trả lời được.
Những chiếc áo choàng hợp xướng màu xanh mới tinh được gửi về trường trước buổi lễ một ngày, sau đó lại được gửi đến nhà từng đứa để đem là cho phẳng phiu. Trong buổi lễ, thích nhất là tôi không chỉ được mặc áo choàng và cầm đèn pin, mà còn được ngồi hàng đầu trong dàn hợp xướng, phía trước bao nhiêu là khán giả, như thế tức là sẽ có một dàn các em mẫu giáo ở ngay trước mắt tôi. Vài em cố chạm chân vào chân bọn tôi. Một em còn tè dầm ngay giữa vở kịch, ở đoạn Mary và Joseph bước vào nhà trọ. Bãi nước tè ở ngay trước mặt Janie, nhỏ phải tiếp tục hát, giả như không có chuyện gì. Lúc ấy, tôi phải cố lắm mới không phì cười.
Sau hôm đó, trường bước vào kỳ nghỉ lễ. Tôi vừa về đến nhà, mẹ liền bảo tôi có thư.