Ngày xưa gã đàn ông kia làm buôn bán, sau đó nhanh chóng kiếm được một món tiền bằng con đường sai trái, giờ đây bỏ chạy thật rồi. Toàn bộ của cải trong nhà gã đàn ông đã bán hết sạch, tìm cha mẹ họ hàng của gã hỏi thăm tung tích, nhưng đều nói là không liên lạc.
Hai người họ đã hẹn trước từ lâu, cuỗm tiền của Trần Lễ Bân chạy trốn.
Miêu Tĩnh nghe tin, sắc mặt đã sớm chết lặng cứng đờ, chẳng có lấy một giọt nước mắt hay một tiếng khóc.
Cô không nghĩ ngợi gì nữa cả, chỉ muốn quay về trường học. Năm nay cô cuối cấp rồi, bài vở học hành rất căng thẳng, cô không muốn ở trong nhà, chịu đựng ánh mắt dữ tợn hung ác của Trần Dị đảo vòng đảo quanh người mình.
Trần Dị nhạo báng: “Về trường? Mày mơ gì đấy?”
Miêu Tĩnh ôm gối, đôi mắt tĩnh lặng nhìn anh chăm chú, nhẹ nhàng thốt mấy chữ: “Thầy Lý là thầy toán của em, thầy ấy còn từng nhắc tới anh…”
Thầy Lý, chủ nhiệm ba năm cấp 2 của anh, người từng xử lý bao nhiêu chuyện rắc rối anh gây nên. Trước giờ thầy vẫn dạy khối 9, năm nay còn là giáo viên toán lớp Miêu Tĩnh. Miêu Tĩnh từng nghe thầy nhắc tên Trần Dị khi đứng trên bục giảng, thầy kể rằng trước đây mình từng dạy một cậu học trò thông minh hơn người, học một tiết bằng người ta học cả một tuần. Tiếc là vì lý do gia đình, nên vẫn không đi đúng hướng.
Đồng tử Trần Dị đột nhiên co rụt, anh ngớ người hồi lâu, cuối cùng căng vai đứng trước mặt cô, thần sắc lạnh nhạt, bảo cô biến.
Anh tìm người trong trường chuyên theo dõi cô, anh không tin Ngụy Minh Trân cứ thế vứt bỏ, mặc kệ Miêu Tĩnh. Mỗi cuối tuần anh sẽ kéo Miêu Tĩnh ra ngoài, gặng hỏi cô về tin tức của Ngụy Minh Trân. Trọn một tháng trời, Miêu Tĩnh không rời trường học nửa bước, không đi tìm bất cứ ai, cũng không có ai tiếp cận cô, không hề có tin tức gì.
Hai tháng sau, Trần Dị cạn sạch kiên nhẫn.
Tiền đương nhiên là thứ tốt, có thể tiêu xài tiền của Trần Lễ Bân hiển nhiên là sung sướng. Nhưng giả sử Trần Lễ Bân không chết, anh cũng chẳng trông cậy vào mớ tiền đó, mất thì mất thôi, đời này anh đã không còn quan hệ gì với Trần Lễ Bân nữa.
“Mày cũng đúng là gặp được bà mẹ quý hóa đấy, vậy là bỏ mặc mày luôn? Ngay cả một câu hỏi cũng đếch có?” Trần Dị nhìn Miêu Tĩnh càng ngày càng gầy gò tiều tụy, khuôn mặt anh hiện nụ cười khắc nghiệt, “Một đứa con chồng cũ, dẫn đến dẫn đi, muốn bỏ là bỏ. Cũng phải thôi, đâu có quan trọng bằng tiền, bỏ chạy với thằng đàn ông khác hoan hỉ biết mấy… Mày cần phải nhớ rõ rằng, là Ngụy Minh Trân không cần mày, cóc liên quan tới Trần Dị tao.”
Miêu Tĩnh mím chặt môi, quay đầu đi không nhìn anh, mắt mở trừng trừng, xa xăm, sâu thẳm.
“Biến, về sau mày thích đi đâu thì đi, thích ra sao thì ra.” Trần Dị nhún vai, giải quyết dứt khoát, “Tao và mày, không quen biết.”
Anh cũng chả hơi đâu mà quan tâm nữa, hai mẹ con này, không liên quan tí gì đến anh.
—
Trần Dị mặc kệ Miêu Tĩnh, những người theo dõi Miêu Tĩnh trong trường học cũng không còn nữa. Miêu Tĩnh lén gọi điện thoại cho Ngụy Minh Trân, số điện thoại xác thực đã bị xóa, cô hoàn toàn không liên lạc được, không biết Ngụy Minh Trân ở đâu, tình trạng hiện tại thế nào.
May thay lúc trường học khai giảng, Ngụy Minh Trân có để lại ba ngàn tệ cho Miêu Tĩnh. Ban đầu khi Ngụy Minh Trân để lại tiền, e rằng mục đích là phòng trường hợp vạn nhất, biết đâu ngày nào Miêu Tĩnh cần tiêu.
Miêu Tĩnh dùng món tiền ấy để thanh toán các loại phí ở trường học, chi trả tiền ăn uống và tiền sinh hoạt. Ngày tháng kéo dài đến tháng mười hai, số tiền trong tay cũng chẳng còn thừa bao nhiêu.
Rốt cuộc Ngụy Minh Trân đã liên lạc với cô một lần, thông qua chủ nhiệm lớp Miêu Tĩnh, bà báo cho Miêu Tĩnh số điện thoại bàn riêng, dặn Miêu Tĩnh nhớ gọi lại.
Miêu Tĩnh gọi vào dãy số đó, nghe thấy giọng Ngụy Minh Trân, nước mắt cô ứa khỏi viền mắt.
“Mẹ… sao mẹ mãi không gọi cho con?”
“Bên chỗ mẹ có chút chuyện, bận quá không xoay sở kịp.” Thanh âm Ngụy Minh Trân mơ hồ, “Hơn nữa con có tiền mà, tự lo liệu cuộc sống mình được, Trần Dị sẽ không bắt con làm gì đâu, vậy là mẹ yên tâm…”
Ngụy Minh Trân cảm thấy quan hệ giữa Miêu Tĩnh và Trần Dị không quá tệ. Từ nhỏ hai đứa nó ở chung buồng, đâu thấy cãi cọ mâu thuẫn gì. Bà nhớ ngày xưa Miêu Tĩnh còn từng xin tiền sinh hoạt cho Trần Dị. Tuy trước mặt Trần Dị không đả động gì tới Miêu Tĩnh, nhưng thái độ đâu đến nỗi nào. Vả lại, tính cách Miêu Tĩnh hiền lành nhút nhát, nó chả biết gì, cũng không có lỗi lầm gì.
Bà chẳng mảy may nghĩ rằng, một đứa con gái mười bốn, mười lăm tuổi, sẽ tự thoát thân kiểu gì trong hoàn cảnh thế này. Có lẽ bà có nghĩ, song nỗi lo âu đó đã bị xem nhẹ theo bản năng, bị làm phai nhòa, hệt như cảnh ngộ của Miêu Tĩnh suốt bao năm qua, nhạt nhẽo hời hợt, nước chảy bèo trôi.
Miêu Tĩnh đắng cay nuốt nước bọt, cắn môi, ấn giọt nước mắt vương nơi khóe mắt.
Ngụy Minh Trân hỏi Miêu Tĩnh tình hình bên Trần Dị sao rồi? Mấy tháng nay bà thấp thỏm bồn chồn, chỉ sợ Trần Dị trả thù hoặc báo cảnh sát, nên mọi hành tung đều được bà giấu hết sức kín kẽ, không dám để lộ chút gì ra ngoài. Miêu Tĩnh nói hết những điều mình biết, cô ở trường học suốt, sau đó không gặp Trần Dị nữa, cũng không nghe tin gì về anh. Ngụy Minh Trân được dịp thở phào nhẹ nhõm.
“Con còn tiền không?”
“Còn tám trăm tệ ạ…”
Ngụy Minh Trân đọc tên một thành phố nhỏ ven biển, nói mình và gã đàn ông kia đang làm ăn tại một thị trấn bên đấy. Bà bảo Miêu Tĩnh mua vé tàu, lên chuyến tàu nào đó qua đây.
“Việc học của con thì sao bây giờ hả mẹ? Con được đến trường không ạ? Mẹ… nửa năm nữa là con thi chuyển cấp rồi.” Giọng Miêu Tĩnh mông lung, “Có chỗ cho con học không ạ?”
Câu hỏi khiến Ngụy Minh Trân chững lại. Vị trí hiện giờ của bà nằm ở một thị trấn công nghiệp nhỏ, đâu đâu cũng toàn xưởng thủ công và nhà máy, cư dân chủ yếu là người làm công. Trong trấn hình như không có trường cấp 2, bà cũng chưa từng hỏi thăm việc làm cách nào để chuyển về trường ở địa phương học.
“Chỗ này không có trường học, hay là con qua đây trước rồi tính sau?” Ngụy Minh Trân nhíu mày, nghĩ ngợi, lại sửa ý: “Hoặc là con về quê học nhé? Trong trấn có trường cấp 2 đấy mà? Con ở nhà dì, mẹ nhớ dượng con có họ hàng làm giáo viên, chuyện học chắc chắn không thành vấn đề. Để mẹ hỏi dì con xem…”
Đến Đằng Thành bao nhiêu năm, hai mẹ con chưa lần nào về lại trấn ngoài quê, chỉ thi thoảng Ngụy Minh Trân liên lạc về với thân thích.
Ánh mắt Miêu Tĩnh hóa trống rỗng, mọi cảm xúc đã lắng xuống toàn bộ. Con chồng cũ là con chồng cũ, ngày trước cũng vậy, trưởng thành rồi vẫn thế.
Đi đâu?
Đi tới một nơi xa lạ rồi sống cùng hai kẻ đã ôm tiền chạy trốn? Hay là về quê tiếp tục nhịn nhục kiểu sống nhờ sống gửi?
Cô hoàn toàn có thể học trường cấp 2 tốt nhất Đằng Thành. Cô chỉ muốn sống cuộc sống học sinh cấp 2 bình thường nhất, chứ không phải một mình ở trường học lẻ loi cô độc, viện đủ mọi cớ hòng trốn tránh những câu hỏi của bạn bè và thầy cô.
“Con biết.” Miêu Tĩnh bình tĩnh nói vào điện thoại, “Đợi hết học kỳ đi ạ, sắp thi cuối kỳ rồi…”
Học kỳ này kết thúc, nhà trường đóng cửa cho học sinh nghỉ đông, tất cả mọi người phải rời trường. Miêu Tĩnh chưa biết phải đi đâu, nhưng thực sự không còn chỗ nào để đi, cô đành lang thang ngoài trường học mấy hôm, lần đầu tiên qua đêm ở tiệm net trong tâm trạng nơm nớp.
Thấy cô ôm cặp sách, lặng im ngồi yên một góc, trông không giống học sinh nổi loạn mà như một cô bé ngoan bỏ nhà đi trốn, chủ tiệm net bèn cố ý đi sang hỏi vài câu, hỏi cô bị làm sao, khuyên cô về nhà sớm. Miêu Tĩnh đeo cặp bước trên đường không mục đích, tận khi trời tối mịt cô đã trở về nhà. Cô vẫn có giữ chìa khóa nhà.
Miêu Tĩnh ngửa đầu đứng dưới tòa nhà, nhìn thật lâu thật lâu, phía trong cửa sổ tối om, trong nhà chẳng có ai. Cô lẳng lặng đi lên, mở cửa nhà, không gian im phăng phắc. Miêu Tĩnh bật mở một ngọn đèn. Nhà cửa bừa bộn khủng khiếp, đồ đạc trong buồng ngủ của Ngụy Minh Trân và Trần Lễ Bân chất đống ở góc phòng khách. Bàn cơm phủ một lớp bụi, trong tủ lạnh vẫn còn rau thịt Ngụy Minh Trân mua trước lúc đi. Bàn trà ngoài phòng khách đắp đầy đầu mẩu thuốc lá, chai nước suối uống dở, tấm thảm trên sô pha… Không biết đã bao lâu Trần Dị không về nhà.
Miêu Tĩnh về buồng mình, buồng cô vẫn chưa bị Trần Dị dẹp sạch, chả rõ là Trần Dị chưa kịp dẹp, hay đơn giản là anh lười động tay.
Phòng bếp còn gạo mì và các loại gia vị do Ngụy Minh Trân để lại. Chẳng màng đã hết hạn sử dụng hay chưa, Miêu Tĩnh đều lau sạch và xếp ngay ngắn. Học kỳ này ở trường cô thực sự rất gian khổ, tiền chỉ tiêu vào chỗ cần thiết nhất, lâu lắm rồi không được ăn một bữa đầy đủ thịnh soạn.
Miêu Tĩnh lo lắng cảnh giác, ở yên trong nhà bốn năm ngày, mãi mà Trần Dị không về.
Số lần về nhà của Trần Dị vô cùng ít ỏi, có lúc anh ở trường, có lúc ở ngoài chơi với bạn, có lúc vào tiệm net chơi game. Một lần hiếm hoi anh về nhà, đúng lúc chứng kiến cảnh Miêu Tĩnh đang quét rác.
Cô nghe thấy động tĩnh đằng sau, người chợt cứng ngắc, cầm cây chổi không dám nhúc nhích. Trần Dị nhìn chăm chăm bóng lưng gầy yếu kia, tưởng là mình hoa mắt.
“Mày, quay lại đây.”
Miêu Tĩnh chầm chậm xoay người, cặp mắt hoảng loạn đập vào khuôn mặt khó tin như gặp ma của Trần Dị.
“Mẹ kiếp sao mày ở đây?” Anh chống nạnh rống lên với cô, lửa giận bùng cháy, “Tao x con mẹ mày, mày bị thần kinh à?”
Miêu Tĩnh siết chặt cây chổi trong tay, com rúm người, mím môi câm lặng. Trần Dị phát cáu sải bước qua, túm tay áo cô, ném cô ra ngoài cửa: “Biến, biến xa một chút.”
Nước mắt lượn vòng trong đôi mắt tối tăm của cô, vành mắt hiện tơ máu, nhìn anh bằng thái độ quật cường mà yếu đuối. Mặt Trần Dị xanh mét, nghiến răng, đóng cánh cửa “rầm” một phát, tạo cả chấn động.
Cửa sắt đóng sầm trước mặt cô, tro bụi ở khung cửa rơi đầy đầu Miêu Tĩnh, dính trên hàng lông mi cong dài, nương theo luồng khí ập vào mắt cô. Cô cố nén cảm giác ngứa, cắn nghiền cánh môi, giọt nước mắt to như hạt đậu tuôn lã chã, không chảy vào quần áo mà đập xuống mu bàn tay, thoạt đầu thấy nóng rát, rồi dần chuyển giá lạnh như nhiệt độ lúc vào đông.
Miêu Tĩnh ngồi cả đêm ngoài cửa, cóng đến độ chân run bần bật, toàn thân lạnh băng.
Hôm sau Trần Dị ra ngoài, thấy có người ngồi ở bậc thang. Đầu anh ong ong, mắt tối lại, nổi cơn tam bành, giọng nói thô dày đầy căm phẫn: “Mẹ kiếp sao mày chưa đi nữa? Mày tới đây làm gì? Chỗ này có quan hệ gì với mày? Người trốn rồi, tiền cũng mất, mày còn mặt mũi về nữa à?”
Cô bị anh đuổi khỏi nhà, chân còn xỏ dép lê, trong người chẳng có gì, cô biết đi đâu đây?
Miêu Tĩnh mở đôi mắt sưng đỏ, nâng tay lau nước mắt trên mặt, cổ họng nghẹn ứ không nói nên lời. Trần Dị sa sầm mặt, nhấc chân đi xuống, duỗi tay định ném Miêu Tĩnh ra ngoài, bỗng nghe cô hét lên một tiếng thảm thiết, loạng choạng níu lấy vạt áo Trần Dị, người cạn kiệt sức lực va vào bậc thang.
“Chân em… tê rồi.” Tiếng cô khô khốc khàn đặc, nằm nhoài ra bậc thang xuýt xoa, “Đau quá.”
Trần Dị cau có xách cô dậy, người cô nhẹ tênh như không trọng lượng. Anh lạnh giọng nói: “Ngồi cả đêm mà không chịu biến à? Mẹ mày có còn liêm sỉ không?” Anh về buồng vứt cặp sách của cô ra, giọng tàn nhẫn, “Biến xa một chút, mày có biết là tao đã khách sáo với mày lắm rồi không.”
Miêu Tĩnh gục đầu trước ngực, ôm cặp, thay sang đôi giày vải của mình, khập khiễng vịn cầu thang xuống lầu. Lan can gỉ sắt bẩn thỉu, bàn tay nhỏ nhắn trắng ngần của cô bám đầy mạng nhện xám đen, thoáng trông thấy gò má rộng bằng ngón tay cũng vàng vọt khô nẻ. Chỉ có chiếc cổ thiên nga gầy gầy lộ rõ sự thơ ngây và trầm lặng của một thiếu nữ.
Trần Dị lạnh lùng nhìn cô xuống lầu, sau cùng chỉ còn thấy bàn tay nắm lấy lan can một cách bướng bỉnh kia. Hút xong điếu thuốc, anh cũng cất bước đi xuống, nhấc bổng thân mình mảnh khảnh như bọ gậy độc hành, bắt gặp ánh lệ trong suốt trong cặp mắt kinh hoàng của cô, anh nghiến răng oán hận chửi một tiếng thô tục rồi đẩy cô lên xe, đưa cô đến nhà ga.
Miêu Tĩnh nắm chặt góc áo tung bay trong gió lạnh của anh.
“Có tiền không?” Trần Dị nhét năm trăm tệ vào bàn tay lấm lem của cô, quát giọng lạnh tanh: “Về quê mày tìm mẹ mày đi.”
Cô đứng ngơ ngác, nhìn anh quay gót rời đi, đội mũ bảo hiểm, chân dài rảo bước, khởi động mô tô, bóng hình màu đen và chiếc mô tô hòa làm một, góc cạnh sắc nét, gió quất phần phật.
—
Miêu Tĩnh quanh quẩn trong nhà ga rất lâu. Màn hình tivi hiển thị tin thời sự và thời tiết các vùng, nhắc nhở về điều kiện đi lại cho hành khách. Cô đứng ngửa đầu, thấy quê mình lại đổ tuyết, không khí lạnh tràn xuống phía Nam, nhiệt độ hạ thấp mấy ngày liền, mưa tuyết liên miên, cây cối đóng băng, rất lạnh, rất lạnh. Cô nhớ tới gia đình người dì đã lâu không gặp, ký ức thuở nhỏ tuy vụn vặt mà lại khắc sâu. Trước màn hình lớn, cô xoay người đi vào cửa hàng tiện lợi gần đó gọi điện thoại cho Ngụy Minh Trân. Gọi hết lần này tới lần khác, chẳng hiểu vì sao mà mãi không gọi được. Cô ở nhà ga thật lâu, cách mấy tiếng sẽ gọi điện một lần, đợi từ hôm nay cho tới hôm sau, nhưng vẫn chẳng ai bắt máy.
Cô rời nhà ga, bắt xe bus dạo quanh thành phố này. Đằng Thành, năm tám tuổi cô lo sợ theo chân mẹ, khoác chiếc váy xinh đẹp, ôm ấp kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp ở thành phố mới, nghĩ rằng mọi thứ sẽ đổi khác, cô sẽ được khôn lớn theo một cách khác. Nhưng cuối cùng vẫn chỉ là nỗi giày vò im lặng, cay đắng.
Miêu Tĩnh xuống xe ở một trạm nọ, cô ra chợ mua chút nguyên liệu nấu ăn rồi xách đồ vào một tiểu khu kiểu cũ. Cô lên tầng hai, gõ cửa ba cái trước, có người đi ra mở cửa, lười nhác ngậm điếu thuốc trong miệng. Thấy cô, đôi con ngươi đen nhánh của người kia co rút, nét mặt ngạc nhiên xen lẫn phiền chán, cứ như thể là đụng phải hồn ma.
“Anh.” Không đợi anh cất tiếng, cô ôm mớ nguyên liệu nấu ăn trong tay, cặp mắt phẳng lặng đẹp đẽ to gan nhìn thẳng vào anh, giọng nhỏ nhẹ, “Sắp trưa rồi, em nấu cơm cho anh, được không ạ?”
Quả thực Trần Dị cực kỳ sửng sốt, không hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra, chẳng biết do bị cô chọc giận đến nỗi bật cười, hay là cười vì trò đùa của cô. Anh chặn ngang khung cửa không cho cô vào, Miêu Tĩnh khom người, lách mình xuống dưới cánh tay anh, chui vào nhà như con cá, ôm đồ tới phòng bếp.
“Miêu Tĩnh.” Anh quay đầu đi theo cô, “Mẹ mày bị điên thật à?”
“Em không có chỗ nào để đi cả. Khai giảng em sẽ đi ngay.” Cô nhanh tay thu dọn phòng bếp, xoay lưng về phía anh, “Đợi em học hết cấp 2, còn mấy tháng nữa. Đợi em học hết cấp 2 rồi em biến ngay, giờ em sẽ giúp anh giặt giũ nấu cơm quét dọn nhà cửa.”
Anh đứng tựa cửa phòng bếp, cảm thấy cô vừa đáng thương vừa nực cười, anh cần một đứa con chồng cũ làm tí việc vặt vãnh đấy ư?
Miêu Tĩnh lủi thủi rửa rau nấu cơm. Trần Dị nhìn cô đăm đăm, ý muốn đuổi cô đi bỗng dưng phai nhạt, lạnh lùng nói: “Tao mặc kệ mày, chờ tao nuôi mày? Cóc có cửa đâu.”
“Không cần ạ.” Giọng Miêu Tĩnh bị bóp nghẹt.
Cứ vậy, cô ở lại trong nhà.
Có Miêu Tĩnh ở, nhà cửa đương nhiên luôn gọn gàng sạch sẽ. Nhưng Trần Dị ít khi về nhà, bình thường anh đều ở ngoài, lâu lâu có về hai ngày. Chuyện ra nông nỗi này, hai người ở chung cũng không có gì để nói. Thông thường Miêu Tĩnh sẽ học bài làm bài trong buồng ngủ, đêm ba mươi Tết, Trần Dị về sớm bất ngờ, hai người ăn bữa cơm tất niên, xong xuôi Trần Dị lại ra ngoài đánh bài, chơi tới mùng ba Tết mới chịu về.
Trần Dị nói kệ cô là kệ thật. Sang năm mới trường khai giảng, Miêu Tĩnh đi điểm danh, nộp tiền học, trong người còn thừa 280 tệ, ngay cả tiền trọ ký túc và tiền ăn uống cũng không đủ. Miêu Tĩnh chọn học ngoại trú, chuyển hết đồ ở ký túc về nhà, đi đi về về mỗi ngày. Nhà còn ít gạo mì và vật dùng hằng ngày, cô tiết kiệm hết mức, cũng gắng gượng được một thời gian.
Sau khi nhập học, số lần Trần Dị về nhà càng ít. Anh không thích ở nhà, một tháng về một lần đã là tốt lắm rồi. Có Miêu Tĩnh ở nhà, anh lại càng không thích về, về làm gì? Nhìn mặt con nhỏ vừa cứng đầu vừa phiền phức kia lẽ nào không bực mình hơn chắc.
Hai, ba tháng như thế trôi qua, không biết Miêu Tĩnh đã chịu đựng kiểu gì. Tất cả những thứ ăn được nay đã hết, tủ lạnh trống hoác trống huơ, Miêu Tĩnh bắt đầu chuyển hướng sang đồ dùng trong nhà. Cô đem hết những gì Ngụy Minh Trân để lại ra bãi phế liệu, bán hết sách vở trước kia của mình và các chai lọ rỗng, ngày qua ngày ăn mì trắng nấu nước sôi.
Về sau có một lần, Trần Dị ra khỏi tiệm net, vô tình thoáng thấy có bóng người ven đường mặc bộ đồ rộng thùng thình, đè thấp vành mũ, lưng đeo chiếc cặp sách to sụ, đi dọc lề đường, tiện tay nhặt một chai nước khoáng bên cạnh, bóp dẹp rồi ném vào cặp. Đó là một con phố giải trí, người sống buông thả vô số kể, mà ông bà cụ già nhặt chai nước cũng không ít.
Anh nhìn người kia không chớp mắt, đi nhanh về trước, lật vành mũ lên, quả nhiên trông thấy khuôn mặt ngẩn ngơ nhễ nhại mồ hôi của Miêu Tĩnh, khuôn mặt ấy còn chẳng to bằng bàn tay anh. Bất ngờ gặp Trần Dị, Miêu Tĩnh quẫn bách khôn cùng, da mặt chuyển từ sắc đỏ ửng thành đỏ đậm, giật lại chiếc mũ trong tay anh, quay đầu bước vội.
Thời điểm đó, điện thoại thông minh hãy chưa phổ biến với đại chúng, máy tính cũng chỉ có trong tiệm net và một số ít gia đình. Miêu Tĩnh không học được cách kiếm tiền nào khác, tính cô ít nói dễ ngại, song ở trường học lại tồn tại dưới hình tượng người đẹp băng sơn được đám con trai ngưỡng mộ, nên thật lòng không tài nào kể ra được hoàn cảnh của bản thân. Đôi lúc đến chợ sỉ có bán loại kẹp tóc hay văn phòng phẩm xinh xinh, cô sẽ mua rồi bán lại cho bạn nữ trong lớp với danh nghĩa giúp đỡ. Bình thường không có chuyện gì làm, cô bèn gom chai nước suối đưa tới bãi phế liệu, một hào một chai nước, một ngày cô có thể kiếm được mấy tệ. Đây là cách kiếm tiền tốn ít sức nhất.
Trần Dị theo sát bước chân cô về nhà. Vào nhà, anh phát hiện phòng bếp và tủ lạnh đều trống rỗng, chỉ có một bó mì bán lẻ và mấy mớ rau xanh, trên bàn là nửa cây đèn cầy. Anh nhíu mày, bật đèn tường.
“Điện đâu?”
“Không có điện.” Giọng Miêu Tĩnh như muỗi kêu, “Ngừng cấp điện rồi ạ.”
Không có tiền trả tiền tiện, cô chỉ trả mỗi tiền nước.
“Mày đang sống bắt chước người nguyên thủy à?” Trần Dị nhìn cô trào phúng, “Mẹ mày đâu? Cuỗm mấy chục vạn chạy trốn, không đút tí tiền cho mày à?”
Miêu Tĩnh mím môi, chậm chạp lắc đầu. Số điện thoại kia không biết sao mà không gọi được nữa, cô và Ngụy Minh Trân, đã mất hẳn liên lạc.
Trần Dị buông tràng cười chế nhạo thật dài.
Cô gầy hốc hác, người đã chẳng còn mấy lạng thịt, da dẻ cũng xám xịt ảm đạm. Trần Dị nhìn bộ dạng trơ trọi của cô, khoanh tay hỏi: “Nhặt ve chai kiếm tiền? Đói bụng không?”
Miêu Tĩnh giấu đầu trong cổ áo, anh chỉ nhìn thấy lỗ tai trắng tuyết ẩn giữa mái tóc rối bù của cô, vàng tai tròn tròn, đỏ như rỉ máu.
“Sống một mình không khá lắm nhỉ, đang chờ cứu trợ chứ gì? Đừng hy vọng vào tao, mày chết đói cũng đếch liên quan đến tao.”
“Em không có.” Cô cắn môi.
Trần Dị cười nhạt, mắt quét tới quét lui trên khuôn mặt cô, sau cùng chậm rãi thở hắt ra, khẽ kéo tay áo cô: “Đi, tao dạy mày kiếm tiền.”
—
Trần Dị đưa Miêu Tĩnh đến một siêu thị nhỏ, anh đẩy mạnh cô vào trong, đùn tới trước kệ thực phẩm, lớn tiếng nói sau lưng cô: “Thích ăn gì? Tự lấy đi.”
Cô kinh ngạc ngẩng đầu.
Anh nở nụ cười xấu xa, ghé sát tai cô bảo: “Tao chắn camera cho mày, mày nhẹ chân nhẹ tay tí, giấu đồ vào quần áo, nhân lúc quầy có người tính tiền, mày cứ nghênh ngang bước ra. Học được chiêu này, đời này không phải nhịn đói nữa.”
Một túi bánh bích quy chẳng biết lấy từ đâu ra, giọng người thanh niên trầm trầm hư hỏng: “Bánh quy nhân bơ, ít nhất là bằng một trăm chai nước suối, mày muốn ăn không?”
Túi bánh được lặng lẽ nhét vào áo cô từ dưới. Trái tim Miêu Tĩnh run rẩy điên cuồng, trán rịn mồ hôi, mặt mũi đỏ bừng, cứng người đẩy túi bánh bích quy ra rồi lảo đảo rời khỏi đó, đi dưới mặt trời gay gắt mà chân tay buốt lạnh.
Phía sau có bước chân đuổi theo: “Khí phách thế à, chết đói cũng không thèm ăn?”
“Chết đói cũng không ăn!” Cô cắn răng, giọng trấn định, “Có chết đói em cũng không ăn trộm.”
Anh ngửa đầu cười ha ha, cánh tay rắn chắc khoác lên vai cô, đùa bỡn: “Đi, khá lắm, để tao chống mắt lên nhìn mày chết đói, xem mày nhịn được mấy ngày.”
Miêu Tĩnh gạt tay anh ra, cắn môi, quay đầu chạy đi.
“Miêu Tĩnh, Miêu Tĩnh.”
Cô cố chạy thật nhanh bằng đôi chân khẳng khiu nhỏ xíu của mình, hòng cách anh thật xa, cách tên khốn kiếp ấy thật xa.
Sau lưng có động tĩnh, Trần Dị đuổi nhanh theo, chỉ hai ba bước, anh vươn cánh tay tráng kiện vòng lấy eo cô kéo về sau. Người Miêu Tĩnh giật nảy, hét một tiếng, cấu tay anh gào khóc: “Em không đi, em không đi, có chết em cũng không đi!”
“Khóc cái gì? Chưa đến lúc cho mày khóc đâu.” Anh cười ác ý, lôi cô đi: “Đi, đưa mày đến chỗ này hay lắm, căn cứ bí mật của tao.”
Trần Dị đặt cô lên mô tô, để cô ngồi trước người mình, chở cô tới một nơi hoang vu heo hút – một nhà xưởng đóng cửa.
Nhà xưởng vắng vẻ xập xệ, dưới ống khói cao cao là đám cỏ dại mọc thành bụi. Trần Dị giữ cổ tay yếu ớt của Miêu Tĩnh, đưa cô lên một bục cao, anh cũng trèo lên đó. Anh đưa cô đi qua nhà xưởng bỏ hoang rộng thênh thang, bụi bặm mịt mù, cuối cùng đi vào một hang động đổ nát, cây cầu thang sắt thẳng đứng dẫn đến nơi bóng tối vô định.
“Leo lên đi.” Trần Dị giục cô.
Miêu Tĩnh run run, mặt cắt không một giọt máu, quay ngoắt đầu.
“Yên tâm, tao không hại mày được.” Anh cười tinh quái, “Mày không tự lên là tao tha mày lên đấy.”
“Em sợ…”
“Sợ gì, cứ từ từ.” Trần Dị gõ cầu thang tạo tiếng xoang xoảng, âm thanh kim loại sắc bén văng vẳng trong không gian trống trải u ám, “Tao ở ngay sau mày, mày có ngã thì cũng ngã xuống mặt tao.”
Miêu Tĩnh bị anh ép leo lên, cô đành leo bằng cả tay lẫn chân, lúc lên đến đỉnh bỗng thấy đầu váng mắt hoa. Vẫn là một nhà xưởng trống, dưới đất ngổn ngang những máy móc không còn nhìn ra màu sắc nữa.
Trần Dị lên theo, đối mặt với khu xưởng, anh tru lên một tiếng, tiếng vang đi xa rồi lại quay về vọng vào tai.
“Vui không?” Vẻ mặt anh hưng phấn, “Mấy năm rồi chưa tới đây.”
Mặt Miêu Tĩnh đờ đẫn, chẳng hiểu cảnh tượng trước mắt mình nghĩa là sao.
“Nhặt ve chai có gì hay?” Anh kéo dây cáp dưới đất, “Đồ ở đây mới đáng tiền, toàn là máy móc báo hư, nhà xưởng đóng cửa không ai quản lý nên một lượng lớn máy bị người ta lấy đi cả rồi, chỗ này dư một ít… Những quả cầu sắt này, còn có sợi đồng, hợp kim nhôm bị tháo gỡ, nếu mày lấy đi thì cũng bán được một trăm tệ…”
Tim cô đập bình bịch, trán đầy mồ hôi lạnh và bụi xám, ủ rũ hỏi anh: “Anh dẫn em đến trộm cái này?”
“Đây là nhặt, nhặt đồng nát.” Trần Dị nghiêm túc sửa lời cô, “Chả hơn mày đi nhặt ve chai à?”
Miêu Tĩnh thở dài một hơi, ôm đầu, đặt mông ngồi xuống đất.
(còn tiếp)