Duyệt Chiêu vừa ăn socola vừa âm thầm giải phóng cảm xúc ngọt ngào tương tự.
Một lát sau, Mạc Sậu thành thật: “Nghe em nói thích anh còn vui hơn cả trong tưởng tượng.”
Cô thẹn thùng trước câu nói của anh.
“Anh đã nghĩ dẫu em chỉ thích anh một ngày thôi anh cũng mãn nguyện.”
Duyệt Chiêu nhìn Mạc Sậu, thấy đôi mắt anh trong sáng, biết anh nói thật, bèn cất socola vào túi áo, đáp lại anh: “Tình cảm của em không tồn tại chỉ một ngày đâu.”
Mạc Sậu cười, đưa tay ra định nắm lấy tay cô, nhưng khi ngón tay anh sượt qua mu bàn tay cô, anh chợt nghĩ tới một điều, tỏ vẻ lịch sự hỏi cô: “Hôm nay vừa hay có trăng, anh nắm tay em được không?”
Duyệt Chiêu giơ ngón trỏ móc lấy một ngón tay anh. Cô khẽ khàng kéo tay anh, người nóng như lò hấp, để mặc cảm giác mập mờ nơi ngón tay lẳng lặng lan truyền khắp cơ thể.
Đi thêm một đoạn đường, Mạc Sậu mới hoàn toàn nắm bàn tay cô, vỗ về cảm xúc hồi hộp của cô: “Em thích anh bao lâu cũng được, một hai ngày cũng không sao. Anh sẽ không vì em bày tỏ thích anh mà nảy sinh ảo tưởng được phép làm gì em.”
Duyệt Chiêu hơi trầm tư.
Mạc Sậu nắm tay cô đút vào túi áo khoác của mình và nói: “Anh biết em vẫn chưa quyết định có nên hẹn hò với anh hay không. Nhưng như bây giờ cũng đủ rồi, ít nhất anh vẫn nằm trong phạm vi cân nhắc của em, anh còn được nắm tay em nữa.”
Vui thế cơ à? Duyệt Chiêu cúi đầu cười nhẹ, tình cờ nhìn thấy vầng trăng lung linh in bóng trong vũng nước dưới chân.
Cô bỗng thấy khoảnh khắc này thật quá đỗi lãng mạn, bàn tay được ôm trọn trong túi áo khoác của anh cũng quá đỗi ấm áp. Họ chậm rãi bước đi dưới trăng, dẫu nơi đây không phải là bãi cát bên bờ biển hay đường mòn trên núi mà chỉ là một con hẻm nhỏ lọt giữa những căn hộ lụp xụp, lớp tuyết tan men theo mái hiên thấm vào cụm cỏ dại dưới góc tường thì vẫn rất lãng mạn.
Chàng trai đang nắm tay cô thành thật quá, chỉ nắm tay thôi mà cũng có thể vui đến nhường ấy. Cô hơi buồn cười, bất giác nắm chặt tay anh hơn.
Mới hơn bốn giờ sáng Duyệt Chiêu đã dậy nhưng đầu óc cô tỉnh táo đến lạ. Nghĩ đến anh chàng thành thật nào đó, cô giơ tay đỡ trán, anh thẳng thắn quá, thẳng thắn đến mức khiến cô cảm thấy anh rất dễ thương.
Đã bao giờ cô có cảm giác này chưa? Duyệt Chiêu nhớ lại. Hình như là chưa, chắc chắn là chưa.
Tuy hồi đi học cô cũng có cảm tình với vài nam sinh xuất sắc nhưng chưa bao giờ thân cận với ai, vậy nên tình cảm cũng không rõ ràng như bây giờ.
Mạc Sậu là người rất đặc biệt với cô, có lẽ không chỉ hiện tại mà cả ở tương lai, bất kể sau này họ có nên duyên hay không, anh cũng rất đặc biệt.
Chưa đến sáu giờ Duyệt Chiêu đã làm xong món sandwich kẹp thịt cho bữa sáng. Cô lập tức nhắn tin cho Mạc Sậu, cứ tưởng ít nhất nửa tiếng nữa anh mới trả lời, nào ngờ anh đáp ngay: “Anh thích lắm.”
Điều này khiến Duyệt Chiêu nảy ra suy đoán không lẽ anh cũng dậy sớm?
Một lát sau, tiếng gõ cửa vang lên. Duyệt Chiêu ra mở cửa, nhìn thấy Mạc Sậu mặc áo len mỏng màu vàng nhạt và quần jean, chân mang dép lê. Anh ăn vận như vậy để tới ăn chực bữa sáng.
Duyệt Chiêu mời anh vào nhà, dịu dàng nói: “Trong tủ lạnh có sữa tươi, để em đi hâm nóng cho anh một ly.”
Mạc Sậu ngồi xuống bàn ăn, biếng nhác nói: “Đừng hâm, anh thích uống lạnh.”
Cô nói: “Uống lạnh đau dạ dày đấy, uống nóng tốt hơn.”
Trong thoáng chốc, Mạc Sậu cảm thấy câu này rất quen, sau đó nhớ ra đây là câu mà mẹ mình thường xuyên dặn dò, bảo anh đừng uống đồ lạnh, phải uống đồ nóng.
Có đôi khi anh chê mẹ dài dòng, vậy là mẹ đã nói một câu rất thấm thía: “Nếu không thật lòng quan tâm con, ai lại để ý con uống đồ nóng hay lạnh? Con mà đau bụng thì con khổ chứ ai khổ.”
Anh thấy rất lạ, anh luôn cho rằng câu này quá dài dòng hay thậm chí là phiền phức, nhưng khi nó được thốt ra bởi Duyệt Chiêu, anh lại thấy sao mà quá đỗi dịu dàng và êm ái.
Mạc Sậu ngước mắt nhìn cô, phát hiện buổi sáng trông cô rất đẹp, tóc đen mắt sáng, thướt tha uyển chuyển, đẹp hệt vầng trăng tối qua.
Cô quay đầu lại, chạm vào mắt Mạc Sậu, tò mò hỏi anh: “Làm gì nhìn em ghê vậy? Em có gì mà nhìn?”
Anh cười mỉm, dời mắt đi, thầm nghĩ mới sáng sớm mà đã tham lam nhìn cô như vậy thì có hơi suồng sã.
Duyệt Chiêu hâm sữa xong, đẩy cả sữa lẫn sandwich tới trước mặt anh.
Mạc Sậu nhìn thoáng qua phần của cô rồi lại nhìn phần của mình, hỏi: “Sao phần của anh to hơn em nhiều vậy?”
Cô giải thích: “Vì em bỏ thịt vào phần anh nhiều hơn.”
“Sợ anh đói thế cơ à?” Mạc Sậu đón nhận lời giải thích này, nhanh chóng cầm sandwich lên ngoạm một miếng, chưa nhai đã khen: “Ngon quá.”
Duyệt Chiêu nhẹ nhàng nhắc nhở anh: “Anh uống ngụm sữa đi đã, kẻo nghẹn.”
Anh bưng ly sữa lên, nói vu vơ: “Em giống y như mẹ anh, lúc nào cũng sợ anh nghẹn.”
Cô hơi ngạc nhiên khi nghe anh nói, bèn hỏi: “Anh thấy em phiền phức hả?”
Mạc Sậu lắc đầu: “Không phải, anh biết đây là một kiểu quan tâm. Không sao đâu, mặc kệ sau này em nói gì, nói bao nhiêu lần, anh đều sẽ không thấy phiền.”
Duyệt Chiêu cười: “Em không tin đâu.”
Anh uống sữa, nhẹ nhàng đặt ly xuống bàn, đưa mắt nhìn Duyệt Chiêu, nói: “Có phải từ hồi ba tuổi là em đã đẹp rồi không?”
Duyệt Chiêu tò mò: “Sao tự dưng hỏi thế? Câu này em trả lời thế nào được? Chẳng lẽ tự khen mình đẹp.”
Mạc Sậu nói cứ như đây là cuộc trò chuyện rất bình thường: “Hồi cấp ba anh thích một chị khóa trên, lúc đó thấy chị ấy đẹp vô cùng. Hôm nay anh mới chợt nhận ra rằng so với em, chị ấy không được tính là quá đẹp.”
Duyệt Chiêu lẳng lặng giơ sandwich che mặt. Cô coi như anh chỉ hứng chí ngọt miệng thôi, đàn ông mà, ai chả thích nhìn mặt, hồi đó là nhìn chị khóa trên, bây giờ thì nhìn cô.
Bởi mới nói đàn ông ai cũng như nhau cả thôi.
“Bây giờ, ngoài em ra, anh không thấy ai đẹp cả.” Mạc Sậu nói tiếp.
Cô nói khẽ: “Anh nghĩ em sẽ tin lời anh à? Hôm nay anh nói thế với em, sau này cũng sẽ nói vậy với người khác. Xinh đẹp là không có giới hạn, người xinh đẹp sẽ liên tục xuất hiện, không chỉ có một mình em thôi đâu.”
Mạc Sậu im lặng, chờ Duyệt Chiêu hạ chiếc bánh sandwich xuống, anh nhìn thẳng vào mắt cô, mắt anh thấp thoáng ý cười, chậm rãi nói: “Anh chỉ muốn nói người xinh đẹp chắc chắn không phiền phức thôi.”
Hóa ra là anh muốn nói cái này. Duyệt Chiêu cắn một miếng sandwich, không so đo việc anh bộc lộ bản tính đàn ông ra nữa.
“Bất kể em có tin hay không, anh sẽ không nói với ai khác những lời đó nữa, cũng sẽ không nhìn họ nữa.” Mạc Sậu nói xong, bèn cúi đầu tập trung ăn nửa phần sandwich còn lại.
Ăn sáng xong, Mạc Sậu về nhà lấy áo khoác và balo, Duyệt Chiêu hiếm khi nhẹ lòng như hôm nay nên ngỏ ý tiễn anh ra ga tàu điện ngầm.
Trên đường đi, Duyệt Chiêu tò mò hỏi anh: “Cái chị khóa trên mà anh thích ấy, lúc đó anh có theo đuổi người ta không?”
Mạc Sậu trả lời cô: “Không theo đuổi, anh chỉ ngắm từ xa thôi.”
Duyệt Chiêu cổ vũ anh: “Anh nói thật đi mà, em muốn nghe.”
Anh nói: “Không theo đuổi thật mà, lúc đó bận học, không có thời gian cũng không có can đảm.”
Cô hỏi: “Thế bây giờ có rồi?”
Mạc Sậu nói: “Bây giờ tuy lớn rồi nhưng đứng gần người thương thì vẫn hơi sợ cổ.”
Duyệt Chiêu: “…”
Cô thầm nghĩ anh sợ em làm gì? Em ăn thịt anh chắc?
Anh bỗng nhích tới gần cô, hỏi: “Bây giờ anh nắm tay em được không?”
Duyệt Chiêu nín cười: “Chờ một lát đi. Đừng nói là lúc nào anh cũng muốn nắm tay em nhé.”
Mạc Sậu hỏi cặn kẽ: “Phải chờ bao lâu?”
Cô vừa đi vừa đếm nhẩm tới mười, đếm xong mới kéo tay anh, dịu dàng nói: “Giờ thì được rồi.”
Làn gió sớm mai mát mẻ thoảng qua tai, hệt như mật ngữ của cặp tình nhân.
Họ cùng nhau đi qua quán bán đồ ăn sáng, sạp trái cây, quán cà phê, tiệm cơ khí, và cả cửa hàng hoa tươi. Muôn nghìn nghề nghiệp trên thế gian lướt ngang qua họ.
Mãi đến ga tàu điện ngầm, anh mới chầm chậm buông tay cô ra, chào tạm biệt cô: “Tối gặp lại.”
Duyệt Chiêu chậm rãi về nhà, dọc đường rảnh rỗi nhìn ngắm các cửa hàng trên đường. Cô bất ngờ khi phát hiện trên đường còn có một cửa tiệm tạp hóa cũ kỹ rộng khoảng mười lăm mét vuông, bên ngoài treo mấy món đồ chơi đơn giản và các loại kẹo rực rỡ sắc màu giống như hồi bé mình hay mua, khác biệt duy nhất là giá cả bây giờ cao hơn hồi đó rất nhiều.
Duyệt Chiêu nhớ ra nơi đây là khu phố cũ, đã rất lâu rồi cô không đi ngang qua đây. Kể từ khi lên cấp ba, gia đình cô chuyển đến sống ở khu biệt thự Nhã Nhân Uyển, kể từ đó cô không tới những khu phố cũ nữa.
Cô học cấp ba và đại học ở khu vực mới, nhà máy của bố mẹ cũng dời đến khu công nghệ cao, nhiều năm qua cô đi chơi hay mua sắm cũng chỉ toàn trong phạm vi cách trường học và nhà chưa tới ba cây số.
Nghĩ lại, cuộc sống mười mấy năm qua của cô chỉ là một vòng tròn thu hẹp, bạn bè thân thiết đã ít lại càng ít. Phòng ký túc xá ở đại học có bốn người, chỉ có cô và Bách Nhiễm vẫn còn ở tại thành phố này, nhưng sau khi tốt nghiệp, cả hai đã không còn liên lạc với nhau nữa.
Nghĩ tới Bách Nhiễm, sắc mặt Duyệt Chiêu ảm đạm đi trông thấy.
Bách Nhiễm lựa chọn cắt đứt với cô khiến cô rất buồn, bởi vì suốt bốn năm đại học, họ đều như hình với bóng.
Mùa tốt nghiệp là đường ranh chia cắt họ. Bách Nhiễm gặp nhiều thất bại trong quá trình tìm việc làm, trong khi đó Duyệt Chiêu lại đã xuất phát từ lâu, không cần phải lo nghĩ về chuyện công việc.
Tối đó, họ tản bộ trong sân trường như thường lệ, Bách Nhiễm đã nói hết lời thật lòng cho cô nghe: “Thấy chưa, khoảng cách của tụi mình sẽ càng ngày càng lớn. Tớ có thể may mắn tìm được một công việc chín giờ sáng vào làm, năm giờ chiều tan tầm là đã tốt lắm rồi, nếu may mắn hơn nữa thì mười năm sau sẽ mua được một căn hộ bình thường, đó là với điều kiện tớ hoàn toàn khỏe mạnh, không gặp phải sự cố nào. Nhưng cậu thì khác. Ngay bây giờ, cậu muốn gì được nấy, kể cả nhà lẫn xe. Không thể nói là tớ không ghen tị với cậu được. Tớ tự thấy mình không thua kém gì cậu, nhưng kết quả lại khác một trời một vực. Duyệt Chiêu à, nơi cậu đang đứng là vị trí mà tớ phấn đấu cả đời cũng không bước lên nổi.”
Bách Nhiễm nghiêm túc nói: “Tớ muốn nói là tụi mình bớt liên lạc với nhau đi. Có câu bạn bè có cách biệt càng lớn sẽ càng khó bền, trước kia tớ không tin, nhưng bây giờ lại cảm thấy đó là hiện thực. Mấy hôm nay tớ rất mệt, từ thể xác cho đến tinh thần đều rã rời, mỗi lần về nhìn dáng vẻ không lo không sầu của cậu, tớ đã cảm thấy cậu rất đáng ghét. Tớ rất sợ nếu cứ tiếp tục như vậy, một ngày nào đó nhân cách của tớ sẽ trở nên vặn vẹo, sẽ biến thành người mà chính bản thân tớ chán ghét. Tớ rất biết ơn bốn năm qua đã luôn có cậu ở bên cạnh, tớ sẽ khắc ghi cả đời những kỷ niệm đẹp của chúng ta. Nhưng hãy để chúng dừng ở đây thôi.”
Trong lúc Duyệt Chiêu vẫn còn ngơ ngác, Bách Nhiễm đã xoay người đi về hướng khác.
Sau đó bất kể Duyệt Chiêu cố gắng cứu vãn tình bạn của họ như thế nào đi chăng nữa, Bách Nhiễm cũng không thay đổi quyết định.
Duyệt Chiêu dần dần hiểu ra những lời nói đó không phải là do Bách Nhiễm xúc động nhất thời.
Bạn bè có cách biệt càng lớn sẽ càng khó bền. Hôm nay Duyệt Chiêu cũng đồng ý với câu này, cô lựa chọn tôn trọng Bách Nhiễm, không chủ động liên lạc với cậu ấy nữa. Nhưng Bách Nhiễm sai một điều, không phải cô không lo không sầu.
Đêm trước ngày tốt nghiệp, cô rơi vào trạng thái âu lo chưa từng có, chỉ là cô không thể hiện ra mà thôi. Cô hiểu nếu cô thể hiện ra thì sẽ là bất công với những bạn học khác.
Cô có gì để mà phiền não chứ? Nếu có thì cũng chỉ là những điều vặt vãnh, khiến người ta mỉa mai “chuyện nhỏ như con muỗi”. So với những bạn học bôn ba khắp chốn, bận rộn tìm việc làm, bận rộn thi lên cao học, bận rộn thuê phòng trọ, hằng ngày phải đi tàu điện ngầm để đến nơi phỏng vấn, bỏ lỡ bữa tối ở căn-tin thì cũng chỉ có thể gặm mì tôm, cô mà thể hiện “chuyện nhỏ như con muỗi” ra ngoài mặt thì quá ích kỷ. Ngay chính cô cũng mỉa mai những lo âu của mình.
Xế chiều, Duyệt Chiêu bất ngờ nhận được điện thoại của bà La Thanh Doanh. Đây là lần đầu tiên mẹ cô gọi điện cho cô kể từ khi cô dọn ra ngoài sống.
Khoảnh khắc nghe giọng nói dịu dàng của mẹ qua điện thoại, mũi Duyệt Chiêu trở nên chua xót.
Bà La Thanh Doanh hỏi: “Con xài hết tiền trong thẻ chưa? Thiếu gì cứ nói mẹ, mẹ bảo thím Trương mua rồi gửi cho con.”
Duyệt Chiêu nói: “Con không thiếu gì đâu mẹ.”
Bà La Thanh Doanh không biết việc con gái mình đi làm thuê suốt thời gian qua, bà hơi khựng lại rồi nói: “Con mau về nhà đi, con đâu thể sống vậy mãi được. Con đi mấy ngày nay không nhớ mẹ chút nào sao?”
Duyệt Chiêu nghèn nghẹn nói: “Con nhớ mẹ lắm.”
Giọng bà La Thanh Doanh thoáng reo vui: “Thật chứ? Mẹ cũng nhớ con lắm. Con về nhà ăn cơm đi, chắc là con gầy rộc đi rồi, mẹ lo cho con quá.”
Duyệt Chiêu liền hỏi lại: “Con về nhà rồi, có còn phải nghe theo bố mẹ sắp xếp, tiếp tục đi xem mắt nữa không?”
Bà La Thanh Doanh dịu dàng, chậm rãi khuyên nhủ con: “Xem mắt có gì không tốt? Người mà bố mẹ giới thiệu cho con chắc chắn hơn khối người ngoài kia chứ. Việc gì con phải bài xích? Đằng nào con cũng kết hôn, vậy thì hãy cưới một người khiến bố mẹ yên tâm, vừa có thể đỡ đần công việc cho bố con vừa bảo đảm được hạnh phúc nửa đời còn lại của con. Thời gian qua, mẹ nghĩ đi nghĩ lại, tuy thái độ của bố con là không đúng nhưng bố con nói không sai, con là con gái, đâu thể chạy tới chạy lui bên ngoài cả ngày được, như vậy sẽ mệt lắm đấy, con không biết sao? Con sống sung sướng từ nhỏ, sao bôn ba khắp nơi để làm việc như bố con hồi trẻ nổi? Con cũng chẳng uống rượu được mà. Con không làm được đâu…”
Giọng của bà La Thanh Doanh tựa như sóng biển ở rất xa, dập dìu lên xuống, nhưng lời bà nói lại cứ như dòng nước chảy xiết.
Duyệt Chiêu chầm chậm buông điện thoại.
Cô sống sung sướng từ nhỏ, đến rượu cũng không uống được, tất cả những gì cô hưởng thụ đều là của bố mẹ, cô cần phải trả lại, vì thế cô cần tôn trọng đề nghị của bố mẹ, nghe theo bố mẹ sắp xếp. Vì cô là phụ nữ, còn công ty của nhà họ lại cần một người đàn ông để vận hành và phát triển. Hiển nhiên người đàn ông đó tốt nhất là con rể của họ.
Bà La Thanh Doanh từng nói dòng tộc nhà họ đều như vậy, chị họ của con cũng vậy, con nên chấp nhận điều đó.
Duyệt Chiêu không biết cuộc gọi kết thúc từ bao giờ, giọng bà La Thanh Doanh đã không còn bên tai nữa rồi. Tai cô chỉ còn văng vẳng tiếng nói của chính mình: Cô không muốn.
Nếu như kết hôn, cô sẽ cưới người mình thích, nếu hẹn hò, cô cũng sẽ chỉ hẹn hò với người mình thích. Không ai có thể ép uổng cô trong việc này.