Khương Dao: Chỗ cậu có bán bùa bình an không?
Ngô Điệp gửi một icon khóc thét, lập tức trả lời: Sao vậy? Xảy ra chuyện gì à? Cậu vẫn ổn chứ?
Khương Dao: Tạm thời tớ vẫn ổn, tớ mua cho bố mẹ.
Nếu trên thế giới này thật sự có những chuyện khó tin như vậy, với cô thì không sao nhưng sự an toàn của bố mẹ là trên hết.
Ngô Điệp: Phải sửa cách nói nha, những đồ liên quan đến thần linh không được nói “mua”, mà phải là “xin” hoặc “cầu.”
Khương Dao: …
Ngô Điệp: Bùa dễ mất lắm, mà đeo trên người lại không đẹp nên giờ không còn thịnh hành nữa.
Ngô Điệp: Có thể mua những món trang sức đã được cúng vái, đều có hiệu quả như nhau.
Khương Dao: Vậy bán cho tớ hai chiếc nhé.
Ngô Điệp: …
Khương Dao lập tức thu hồi tin nhắn, gửi lại tin nhắn mới: Trăm sự nhờ thầy Ngô xin giúp tớ hai chiếc.
Ngô Điệp: Tớ chỉ xin cho cậu được loại mà thầy bình thường cúng vái thôi, còn loại của pháp sư hàng đầu giới có cướp cũng không kiếm ra đâu.
Khương Dao: Giới phương thuật mà cũng phân chia cấp bậc vậy à? Không phải đều là con dân của thần sao?
Nếu nói vậy thì thần linh trong mắt Đông Phù vẫn phù hợp với giá trị quan của chủ nghĩa xã hội đấy chứ.
Để hôm nào thử hỏi anh ta tin vào ai.
Ngô Điệp liên tục gửi những icon trợn trắng mắt, trả lời: Giá trị quyết định giá cả đấy.
Khương Dao ngáp một cái, cơn buồn ngủ ập đến: Chốt đơn, gửi tới chung cư của tớ trước thứ bảy nhé, ngủ ngon.
Cứ tới giờ này là buồn ngủ.
Ngô Điệp xem đồng hồ… Tám rưỡi đã đi ngủ rồi sao? Nhưng cô biết dạo gần đây Khương Dao luôn như vậy, cô đáp: Ngủ ngon.
Khương Dao đã chìm vào mộng đẹp.
Hôm sau, Khương Dao lại bắt đầu sáng đi chiều về, ăn uống ngủ nghỉ như heo. Người đàn ông ở trên lầu sau lần xuất hiện vài giây ngắn ngủi trước cửa phòng vẽ thì cô không còn thấy anh ta nữa.
Lúc Khương Dao đi ngủ, thỉnh thoảng cô cũng có ý định cài đồng hồ báo thức vào lúc 3 giờ sáng, cuối cùng vẫn đành bỏ cuộc.
Công việc vẽ tranh ngày càng thuận lợi, đặc biệt sau khi người trên bức ảnh xuất hiện. Khương Dao được ‘thần’ độ, mấy ngày nay lúc vẽ tranh cô rất để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Cô nhìn bức ảnh này không biết bao nhiêu lần, bản thảo cũng phác họa cả ngàn lần, tranh có màu cũng xem đi xem lại không ít, bây giờ cho dù có nhắm cả hai mắt lại, Khương Dao cũng có thể vẽ lại được dáng vẻ của anh ta.
Lông mày, đôi mắt, sống mũi, bờ môi, chiếc cằm, yết hầu…
Bút vẽ của Khương Dao dừng lại trên hầu kết của người đàn ông, tay cô hơi run lên. Chỉ có vẽ mỗi một bộ phận một cách tinh tế đến vậy, cô mới khắc sâu trong tâm trí mình rằng người trên bức tranh có một cơ thể hoàn mỹ đến chừng nào.
Trong tác phẩm, họa sĩ Basil Howard đã nói: “Vẻ đẹp của cậu ấy vượt qua năng lực biểu đạt của nghệ thuật.”
Đúng là như vậy.
Cô thở dài một hơi, lấy lại bình tĩnh và đặt bút xuống. Tất cả vì mười triệu, mười triệu…
Thời gian thấm thoắt như thoi đưa, đã đến lúc Khương Dao xuống núi. Khương Dao trở về chung cư, mở gói hàng chuyển phát nhanh và cắt nhãn giá. Bưu kiện của Ngô Điệp đã tới nơi, cô mở ra xem thử, là hai mặt dây chuyền phỉ thúy to bằng nhau. Một cái là tượng Phật Bà Quan Âm, một cái là Phật Tổ.
Ngô Điệp gửi tin nhắn thoại tới: Chất liệu chỉ có vậy thôi, chủ yếu là cầu chúc bình an.
Khương Dao trả lời: Không thành vấn đề, tớ cũng không phân biệt được hàng xịn hay đểu.
Nên chắc chắn là ba mẹ cô cũng không phân biệt được.
Chuyển khoản cho Ngô Điệp xong, Khương Dao cầm hai mặt dây chuyền rồi nghĩ ngợi lung tung.
Theo quan điểm của cô, trên đời này không có thần linh hay ma quỷ, nhưng những chuyện xảy ra gần đây quả thật làm cô không thể không tin. Cô nhủ thầm: Nếu thần linh thật sự tồn tại, vậy xin hãy phù hộ cho bố mẹ tôi được bình an.
Tại biệt thự Thôn Minh – nơi cách ngoại ô mấy chục cây số, người đàn ông ở trên tầng ba mở mắt, đôi mắt anh sáng lấp lánh như chứa đựng bầu trời đầy sao, tựa bao hàm cả vũ trụ, anh cất tiếng: “Thần đồng ý.” Giọng nói trầm lặng, bình phẳng nhưng mang đến sự uy nghiêm tuyệt đối.
Mặt dây chuyền ở trên tay Khương Dao lóe lên chút ánh sáng rồi lập tức trở về trạng thái ban đầu.
Khương Dao không nhìn thấy được điều đó, ngây người trong chốc lát xong, cô để mặt dây chuyền lại vào trong hộp, gọi xe để về nhà.
Ngô Huệ hầm canh gà mái, bà bày biện cả một bàn đầy ắp thức ăn, Khương Dao vừa đến nhà đã bị giục đi rửa tay ăn cơm.
Khương Hồng đón lấy mấy túi đồ trên tay Khương Dao, tò mò ngó thử rồi đặt túi xách và đồ trang sức của Ngô Huệ sang một bên, vui mừng cầm hai túi quần áo ngồi xuống ghế sô pha.
Người đàn ông trung niên hơi mũm mĩm, khuôn mặt lộ vẻ vui mừng y hệt một đứa trẻ mới được cho kẹo, ông vừa mở hộp vừa hỏi cô: “Con mua chỗ nào vậy Dao Dao? Nhìn túi này chắc đắt lắm đây!”
Khương Dao cười, vừa rửa tay vừa đáp lại: “Không đắt đâu ạ, trung tâm thương mại đang có khuyến mãi, hai bộ của bố được giảm giá 30%, chỉ hết hai ba trăm tệ thôi ạ.”
“Đã giảm giá mà vẫn còn tận hai ba trăm cơ à?! Chậc chậc chậc!” Khương Hồng giũ quần áo ra, cười rất vui vẻ: “Giá gốc chắc cũng phải mấy nghìn ấy nhỉ?”
Ngô Huệ đang bưng thức ăn ra, nguýt Khương Hồng đang ngồi trên sô pha: “Đến giờ ăn cơm rồi mà còn ngồi đấy ngắm quần áo hả?! Cơm nước xong rồi xem sau không được à? Ông nhanh đi múc canh ra đây!”
“Quần áo con gái tôi mua, quần áo đắt tiền!” Khương Hồng rất hài lòng, cầm bộ đồ đi vào phòng ngủ: “Đúng là tiền nào của nấy, để bố mặc thử xem!”
“Thử cái gì mà thử!” Ngô Huệ đứng cạnh bàn kêu ca: “Khương Hồng, tôi bảo ông đi múc canh ra đây! Giời ạ, bực hết cả mình!”
Khương Dao bưng bát canh gà tới rồi kéo Ngô Huệ đến bên sô pha, đưa túi xách cho bà: “Được rồi được rồi, thấy bố thích con cũng vui lây. Mẹ xem quà của mẹ này, mẹ thích thì để dùng, còn không thích con mua cái khác cho mẹ.”
“Ăn cơm đi.” Ngô Huệ giả vờ hậm hực lườm cô một cái, nhưng tay vẫn nhận túi xách.
“Mẹ xem luôn đi, xem một xíu thôi mà, để canh gà nguội bớt đã.”
Hai mẹ con ngồi dựa vào nhau.
Ngô Huệ lấy túi xách ra: “Ôi trời, sao lại mua màu này!”
“Mẹ không thích hả?”
Ngô Huệ sờ chiếc túi, hết nhìn bên trong lại nhìn bên ngoài, “Đẹp thì đẹp thật, nhưng có phải hơi trẻ quá không?” Ngô Huệ đeo lên vai, đứng trước gương ngắm nghía đủ kiểu: “Dù gì mẹ cũng là một bà già 50 tuổi rồi, xách cái này đi ra đường người ta cười chết!”
Khương Dao đến bên cạnh bà: “Ai bảo mẹ 50 tuổi chứ, năm trước chẳng phải mới đón sinh nhật 40 tuổi đó sao?”
Ngô Huệ liếc cô một cái: “Không phải 40, là 50, con xem đến cả tuổi của mẹ mà con còn không nhớ nữa!”
Khương Dao cười hì hì: “Mẹ này, mẹ trẻ đến mức con còn nhớ nhầm tuổi của mẹ nữa là, sao có thể là bà già được chứ?”
Ngô Huệ biết cô cố ý, bà bật cười rồi lại nhìn về phía gương, nụ cười nhạt dần: “Con nhìn đi, cả đầu toàn là tóc bạc.”
Khương Dao đau lòng bước đến khoác vai bà, vuốt mái tóc điểm bạc ấy, cô cười bảo: “Mới có vài cọng thôi, ai mà không có tóc bạc chứ?”
Ngô Huệ đeo túi xách, bà duỗi cổ và thẳng lưng, hoàn toàn không nghe Khương Dao nói, bà cười tủm tỉm: “Chiếc túi này hợp với mẹ con lắm, đẹp đấy.”
Khương Dao mỉm cười.
“Bao nhiêu tiền đây?”
Khương Dao hơi đực ra: “Sáu trăm ạ.”
Ngô Huệ hít một hơi, trả túi lại cho Khương Dao: “Sáu trăm một chiếc túi?! Trả lại, mẹ không cần!”
Khương Dao toan nói đã gặp ánh mắt nồng nặc mùi thuốc súng của Ngô Huệ: “Khương Dao, con giỏi lắm à? Kiếm được bao nhiêu tiền mà mua một chiếc túi sáu trăm? Mẹ chỉ đựng mỗi cái chìa khóa và một chiếc điện thoại, cần gì dùng đến túi xách! Trả lại đi, mẹ không thích!”
Khương Dao hít sâu một hơi, nhẹ nhàng nói: “Mẹ… mẹ còn chưa nghe con nói hết câu mà…”
Ngô Huệ trừng cô: “Nói gì nữa?! Cho dù con có nói gì thì mẹ cũng không lấy đâu!”
Khương Dao dúi chiếc túi vào tay bà: “Chiếc túi này giá gốc sáu trăm, giảm giá chỉ còn một trăm hai, ở cửa hàng chỉ còn lại duy nhất một chiếc này, thanh lý hàng tồn kho, rẻ như cho luôn.”
Ngô Huệ không đùn đẩy nữa, bà cầm chiếc túi, cau mày: “Một trăm hai?”
“Dạ dạ, một trăm hai.”
“Hình như vẫn hơi đắt…”
Khương Dao: “…” Con không bịa nổi nữa rồi.
“Nhưng chất lượng có vẻ rất tốt, đúng là xứng đáng với cái giá này.” Ngô Huệ ngắm chiếc túi kĩ càng thêm lần nữa, miễn cưỡng nhận: “Sau này đừng mua những thứ đồ không thực dụng nữa, có tiền thì để dành tiết kiệm, đừng tiêu xài hoang phí, biết chưa?”
Khương Dao gật đầu như giã tỏi, thở dài trong lòng: “Dạ mẹ.”
Ngô Huệ nhìn sang lại thấy một chiếc túi khác, cầm lên xem: “Cái gì đây?”
Khương Dao kể rõ đầu đuôi ngọn nguồn của mặt dây chuyền, Ngô Huệ lập tức đeo lên: “Dao Dao, cái này cũng không rẻ đúng không?”
Khương Dao đã quên bịa giá dây chuyên, đang thuận miệng nói giá thì nghe Ngô Huệ bảo: “Cô Triệu tầng trên tự mình đến miếu cầu, nghe đâu rẻ nhất phải hơn tám trăm, mà cái này của con lại tốt như thế…”
Câu “hai cái có ba trăm” đến miệng lại mắc nghẹn ở cổ, cô húng hắng mấy cái: “Con nhờ Ngô Điệp lấy ở trong giới của bọn họ.”
“Nhiêu tiền đây?”
“Một, một ngàn ạ?”
Ngô Huệ gật đầu: “Loại mà đã được cúng vái đúng là rất quý.” Rồi cũng không nói gì thêm nữa.
Thấy Ngô Huệ như vậy, Khương Dao lại không vui, cô dặn dò: “Mấy thứ này hét giá rất cao, còn có rất nhiều hàng giả, sau này nếu mẹ được chào hàng mấy thứ này thì phải để ý, muốn mua gì cứ nói với con, con nhờ Ngô Điệp xin giúp.”
“Tất nhiên rồi! Mẹ còn sợ con bị người ta lừa ấy, những thứ này có một chiếc là đủ dùng rồi, mẹ không mua nữa đâu.”
Khương Dao thoáng yên tâm.
Khương Hồng đã thay quần áo xong, ông từ phòng ngủ đi ra, cười hớn hở xoay một vòng cho hai mẹ con xem: “Khương Hồng ơi Khương Hồng, đẹp trai lai láng!”
Hai mẹ con phì cười.
Ba người ngồi xuống ăn cơm, Khương Dao vừa ăn vừa tấm tắc khen: “Cơm mẹ nấu vẫn là ngon nhất.”
Khương Hồng đặt đĩa thịt kho cạnh Khương Dao: “Con gái, nếm thử món này đi!”
Khương Dao ăn một miếng: “Bố làm hả?”
Ngô Huệ hừ lạnh một tiếng, “Bố con biết nấu ăn từ bao giờ chứ!”
Khương Hồng cũng ăn một miếng: “Không phải, là cửa hàng mới khai trương của chú Cung đó, mùi vị thế nào?”
Khương Dao gật đầu: “Cũng được ạ.”
“Bố con ấy, ngày nào năm giờ sáng đã chạy qua giúp chú Cung, mãi đến tám giờ mới về quán của mình, không biết còn tưởng hai người hùn vốn làm ăn chung nữa đấy.”
Khương Hồng lườm Ngô Huệ, tức giận nói: “Dù gì sáng tôi cũng rảnh, qua giúp một chút thì có sao chứ?”
Ngô Huệ bỗng đổi sắc mặt: “Giúp đỡ? Thế sao ông không giúp tôi đi? Nhớ ngày xưa khi tôi mang thai Khương Dao, thai sáu tháng rồi mà vẫn phải đứng nhập hàng, ông chết dí ở đâu?”
Khương Dao thấy không khí trầm xuống, vội lên tiếng: “Mẹ, bố, con muốn kể với hai người một chuyện.”
Khương Hồng cũng biết giờ không nên chọc giận Ngô Huệ, bèn hỏi: “Chuyện gì?”
“Con mua nhà rồi.”
“Mua nhà!” Ngô Huệ quả thật bị chuyển sự chú ý, “Mua từ khi nào?”
Khương Dao bèn kể lại tường tận mua nhà ở đâu, hết bao nhiêu tiền, tiền từ đâu ra mà có một cách rõ ràng mạch lạc nhất, Ngô Huệ bị mười triệu dọa đến mức hãi hùng không thốt nên lời.
Khương Dao nhân cơ hội nói tiếp: “Bố mẹ bỏ tiền cho con đi học vẽ như vậy, không phải cũng hy vọng sau này con có thể kiếm được nhiều tiền sao? Giờ con đã mở được văn phòng làm việc, có một vài khách quen, thu nhập hàng tháng dao động khoảng hai mươi ngàn. Đôi khi có những khách sộp là có thể kiếm được một mánh lớn hơn nữa. So với làm giáo viên nhà nước thì không phải bây giờ khá khẩm hơn nhiều rồi sao?”
Ngô Huệ hãy còn đắm chìm trong nỗi khiếp sợ với mười triệu, vẫn chưa nói năng gì.
Khương Dao hừng hực khí thế: “Giờ con đã có nhà rồi, cuối tuần con sẽ đi mua xe, cũng mua cho bố mẹ một chiếc. Ngày qua ngày lại sống như vậy cũng ổn thỏa, không nhất thiết cứ phải vào viên chức nhà nước, bố mẹ thấy thế sao ạ?”
Ngô Huệ ngơ ngác gật đầu.
Khương Dao mừng như mở cờ trong bụng.
Ngô Huệ: “Có sự nghiệp, có nhà, có xe rồi giờ chỉ còn chờ kết hôn nữa thôi.”
Nụ cười trên môi của Khương Dao tắt ngúm.
“Ngày mai đi xem mắt đi con.”