-Vâng, tất cả những máy móc này đều là vật thông dụng của người đi biển mà tôi đã quen thuộc từ lâu. Nhưng có những thứ chắc liên quan tới những đặc điểm của việc điều khiển tàu ngầm. Như cái mặt đồng hồ lớn có kim chuyển động có phải là áp kế không?
-Đúng là áp kế! Nó dùng để đo áp lực nước, nhờ đó ta xác định được độ sâu của con tàu.
-Còn đây là những máy thăm dò kiểu mới, phải không ạ?
-Vâng, đó là những máy đo nhiệt độ ở các lớp nước khác nhau.
-Thế còn những dụng cụ này? Tôi không hiểu chúng dùng làm gì?
-Thưa giáo sư, đến đây tôi cần giải thích đôi lời để ngài rõ. Chẳng biết ngài có muốn nghe không? Ngừng một lát, thuyền trưởng Nê-mô nói tiếp:
-Trong thiên nhiên có một sức mạnh hùng hậu, dễ điều khiển, dễ sử dụng. Nó có thể ứng dụng vào nhiều trường hợp rất khác nhau và mọi thứ trên tàu của tôi đều phục tùng nó. Tất cả đều xuất phát từ nó! Nó chiếu sáng, sưởi ấm, làm máy móc hoạt động. Sức mạnh đó là điện năng.
-Điện năng?
-Tôi ngạc nhiên.
-Thưa ngài, vâng.
-Thưa thuyền trưởng, tuy vậy tốc độ đặc biệt của chiếc tàu này có liên quan gì với những khả năng của điện. Cho tới nay sức sống của điện năng vẫn rất hạn chế và khả năng của nó hết sức không đáng kể.
-Thưa giáo sư, cách dùng điện lực trên tàu này rất khác với những cách thông thường. Tôi chỉ xin nói vắn tắt như vậy!
-Thưa ngài, tôi không dám nài gì thêm. Nhưng lời giải thích vừa rồi của ngài tuy ngắn nhưng đã làm tôi thỏa mãn. Thú thực là tôi rất sửng sốt. Chỉ xin hỏi ngài thêm một điều. Tôi hy vọng sẽ được ngài giải đáp nếu ngài không cho tôi là thiếu lịch sự. Những yếu tố dùng để tạo ra cái sức mạnh kỳ diệu ấy chắc rất chóng cạn, phải không ạ? Kẽm chẳng hạn, ngài sẽ thay thế bằng gì! Ngài có quan hệ gì với mặt đất đâu? Thuyền trưởng Nê-mô nói:
-Tôi sẽ giải đáp câu hỏi của ngài. Trước hết xin nói để ngài rõ rằng ở đáy biển có những lớp quặng kẽm, sắt, bạc, vàng, v.v... Khai thác không khó gì lắm. Nhưng tôi không muốn sử dụng những của cải ở dưới đất mà muốn mượn của biển cả số năng lượng cần thiết để chạy con tàu này hơn.
-Mượn của biển cả, thưa ngài?
-Thưa giáo sư, vâng. Biển không thiếu gì loại năng lượng ấy. Tôi có thể đặt dây cáp ở các độ sâu khác nhau để lấy điện do sự chênh lệch nhiệt độ sinh ra. Nhưng tôi lại dùng một phương pháp thực tế hơn.
-Phương pháp nào ạ?
-Ngài đã biết thành phần nước biển. Cứ một ngàn gam thì có 96,5% nước nguyên chất, 2,66% clo-rua na-tri. Ngoài ra còn có một ít clo-rua ma-ge, và clo-rua can-xi, bro-mua ma-ge, sun-phát ma-ge, sun-phát và can-xi các-bo-nát. Ngài đã biết là clo-rua na-tri có nhiều trong nước biển. Chính tôi đã tách nó ra khỏi nước biển để cung cấp cho các bình điện.
-Dùng clo-rua na-tri?
-Thưa vâng. Clo-rua na-tri kết hợp với thủy ngân tạo nên chất hỗn hợp thay thế được kẽm. Thủy ngân trong bình điện không bị phân hủy, chỉ có na-tri là bị tiêu đi, mà na-tri thì đã có biển cung cấp. Hơn nữa, phải nói rằng bình điện na-tri mạnh hơn bình điện kẽm ít nhất hai lần.
-Thưa thuyền trưởng, tôi hiểu rõ tất cả những điểm ưu việt của na-tri trong điều kiện cụ thể của ngài. Na-tri do biển cung cấp. Rất tốt! Nhưng vẫn phải tách nó ra khỏi hợp chất clo-rua chứ. Ngài tách nó ra bằng cách nào? Tất nhiên, các ắc-quy của ngài có thể dùng để phân hóa chất clo-rua na-tri nhưng nếu tôi không lầm thì điện phân tiêu thụ rất nhiều na-tri. Như vậy số na-tri bị mất đi sẽ lớn hơn số na-tri tách ra được!
-Thưa giáo sư, do đó tôi không tách na-tri ra bằng điện phân mà dùng than đá.
-Dùng than đá?
-Vâng, gọi là than đá biển cũng được.
-Nghĩa là ngài đã tìm ra phương thức khai thác than đá ngầm dưới biển!
-Thưa giáo sư, ngài sẽ được thấy điều đó tận mắt. Chỉ xin giáo sư kiên nhẫn một chút, vả lại còn rất nhiều thì giờ rỗi. Giáo sư chỉ cần nhớ một điều: tôi chịu ơn biển cả về mọi mặt. Biển cả cho tôi điện, mà điện thì cung cấp cho tàu Nau-ti-lúx nhiệt năng, cơ năng, ánh sáng, tóm lại là cả sự sống.
-Nhưng không cung cấp không khí để thở?
-ồ, tôi có thể làm được cả không khí, dưỡng khí tinh khiết nhất! Nhưng không cần thiết phải làm như vậy, vì bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể cho tàu nổi lên mặt biển. Vả lại, nếu điện năng chưa tạo ra dưỡng khí thì nó cũng có thể dùng để chạy những máy bơm rất mạnh nén không khí trong những bình chứa đặc biệt, giúp tôi khi cần có thể cho tàu lặn lâu dưới biển.
-Thưa thuyền trưởng, tôi khâm phục ngài! Việc ngài tìm ra khả năng chạy máy của điện là một phát kiến khoa học! Tới một lúc nào đó, mọi người sẽ hiểu điều này!
-Tôi không rõ họ có hiểu không? Thuyền trưởng Nê-mô lạnh lùng trả lời
-Nhưng dù sao tôi cũng đã ứng dụng sức mạnh quý giá ấy một cách rộng rãi. Nó rọi lên chúng ta một thứ ánh sáng đều và cố định mà mặt trời không có được. Bây giờ mời ngài xem cái đồng hồ này: nó chạy bằng điện và rất chính xác. Tôi đã chế tạo nó theo sơ đồ của I-ta-li-a và chia mặt đồng hồ ra thành hai mươi bốn giờ, vì đối với tôi không có ngày đêm, không có mặt trời, mặt trăng, mà chỉ có thứ ánh sáng nhân tạo này mà tôi mang xuống đáy biển. Ngài thấy không, bây giờ là mười giờ sáng.
-Rất đúng.
-Và đây là một ứng dụng khác của điện. Cái mặt đồng hồ đối với ngài dùng để chỉ tốc độ của tàu Nau-ti-lúx. Nó nối với chân vịt bằng dây điện và luôn luôn cho tôi biết tàu đang chạy với tốc độ nào. Ngài nhìn xem, chúng ta đang đi quá mười lăm hải lý một giờ.
-Thật kỳ diệu!
-Tôi thốt lên.
-Quả là ngài đã giải quyết đúng đắn nhiệm vụ ứng dụng một năng lượng mới mà trong tương lai sẽ thay thế sức gió, sức nước và những động cơ hơi nước.
-Chúng ta chưa xem hết đâu, ngài A-rô-nắc ạ, -thuyền trưởng Nê-mô đứng dậy.
-Nếu ngài muốn, chúng ta sẽ xuống phía lái. Thế là tôi đã thực sự làm quen với cấu trúc bên trong của chiếc tàu ngầm. Từ giữa tàu lên mũi tàu có: phòng ăn dài năm mét cách thư viện một bức tường không thấm nước; thư viện dài độ năm mét; phòng khách dài mười mét, cách phòng thuyền trưởng (dài năm mét) cũng bằng một bức tường không thấm nước; bên cạnh là phòng của tôi dài hai mét rưỡi; cuối cùng là khoang chứa không khí dài bảy mét rưỡi. Tổng cộng ba mươi lăm mét! Những bức tường không thấm nước và những cánh cửa đóng kín là những bảo vệ vững chắc, nếu bộ phận nào đó trong tàu bị rò thủng. Tôi theo thuyền trưởng Nê-mô đi dọc những hành lang hẹp và cuối cùng lại đến giữa tàu. ở đó có một phòng hẹp nằm giữa hai bức tường không thấm nước. Một chiếc thang bắt vít chặt vào chân tường, ghếch lên tới trần. Tôi hỏi Nê-mô, chiếc thang đó dẫn tới đâu.
-Tới xuồng, -Nê-mô trả lời.
-Sao? Ngài có xuồng nữa à?
-Tôi hơi ngạc nhiên.
-Tất nhiên! Một chiếc xuồng tuyệt vời, vừa nhẹ, vừa chắc, dùng để dạo chơi và đánh cá.
-Nghĩa là ngài phải cho tàu nổi lên mặt biển để thả xuồng xuống nước?
-Hoàn toàn không phải thế! Xuồng được đặt ở một chỗ đặc biệt trên boong tàu, phía lái. Nó có một cái nắp không thấm nước và được vít bù-loong rất chặt. Chiếc thang này dẫn đến một cái nắp hẹp trên boong tàu. Cái nắp này lại thông với một cái nắp khác cũng như vậy dưới đáy xuồng. Tôi chui qua hai cái nắp đó để vào xuồng. Cái nắp trên boong đóng lại ngay. Sau đó tôi đóng chặt cái nắp trong xuồng, rồi tháo bù-loong. Xuồng lập tức nổi lên mặt nước. Tôi mở nắp xuồng, dựng cột buồm, rồi chèo. Thế là tôi đã ở giữa biển khơi!
-Thế ngài trở về tàu bằng cách nào?
-Thưa giáo sư, tôi không trở về tàu theo lối cũ, mà chính tàu Nau-ti-lúx phải nổi lên mặt biển!
-Theo lệnh ngài?
-Vâng, theo lệnh tôi. Xuồng được nối với tàu bằng dây điện. Tôi gọi điện xuống tàu, thế là xong! Tôi ngắm nhìn tất cả những điều kỳ diệu đó rồi nói:
-Quả thực không có gì có thể đơn giản hơn! Chúng tôi đi ngang qua một cánh cửa mở vào một căn phòng nhỏ, dài không quá hai mét, nơi Công-xây và Nét đang chén một bữa ngon tuyệt. Sau đó, cánh cửa bên cạnh mở, chúng tôi ngó vào: đó là bếp dài ba mét, hai bên là kho chứa thực phẩm rộng. Điện quả là tiện hơn bất kỳ một thứ hơi đốt nào. Mọi thứ đều được chế biến bằng điện. Những dây điện chạy vào một cái máy làm bằng những tấm bạch kim nhỏ, nung đỏ bạch kim lên và duy trì một nhiệt độ cần thiết để nấu ăn. Điện còn dùng để chạy máy lọc cung cấp nước ngọt tinh khiết cho tàu. Gần bếp là phòng tắm đầy đủ tiện nghi, có vòi nước nóng và nước lạnh... Tiếp theo là phòng ở của thủy thủ dài năm mét. Nhưng cửa phòng đóng kín nên tôi không xác định được số lượng người làm trên tàu. Bức tường không thấm nước thứ tư ngăn phòng ở của thủy thủ với buồng máy. Chúng tôi mở cửa bước vào buồng, nơi thuyền trưởng Nê-mô -một kỹ sư hạng nhất -đặt các máy móc chạy tàu Nau-ti-lúx. Buồng máy dài khoảng hai mươi mét, điện sáng trưng. Nó gồm hai phần: phần đầu có những ắc-quy sản ra điện năng; phần sau gồm toàn máy móc. Tôi ngửi thấy ngay một mùi khó chịu trong buồng máy. Thuyền trưởng Nê-mô nhận ra điều đó và nói:
-Ngài đã ngửi phải mùi của chất khí lấy ra từ na-tri. Nhưng cũng đành chịu, biết làm thế nào? Tuy vậy, sáng nào tôi cũng thông gió rất kỹ trong cả tàu. Tất nhiên tôi rất thú vị khi xem buồng máy của tàu Nau-ti-lúx. Thuyền trưởng Nê-mô nói:
-Ngài thấy đấy, điện do ắc-quy sản ra được đưa đến buồng máy, làm chạy động cơ điện. Những động cơ này thông qua một hệ thống máy phức tạp làm quay chân vịt. Mặc dù chân vịt có đường kính tới sáu mét, nó vẫn quay được với tốc độ một trăm hai mươi vòng một giây.
-Và đẩy tàu chạy nhanh...
-Năm mươi hải lý một giờ. ở đây có ẩn giấu một điều bí mật mà tôi không dám nài Nê-mô giải thích. Điện sao có được cường độ cao như vậy? Cái năng lượng cực mạnh ấy bắt đầu từ đâu?... Tôi hỏi:
-Thưa thuyền trưởng, những thành tựu của ngài thật đã rõ ràng, tôi không dám đòi hỏi giải thích gì thêm. Tôi vẫn chưa quên chuyện tàu Nau-ti-lúx đã chạy xung quanh tàu Lin-côn tài tình và nhanh thế nào. Nhưng tốc độ cao chỉ là một mặt. Còn cần phải thấy hướng đi của tàu. Còn cần biết cách lái tàu sang phải, sang trái, nổi lên, lặn xuống nữa! Ngài làm thế nào để có thể lặn xuống biển sâu, nơi áp suất lên tới một trăm át-mốt-phe? Làm thế nào để nổi lên mặt biển được? Sau hết, làm thế nào để tàu chạy được ở mức nước do mình lựa chọn? Nhưng hỏi ngài như vậy có lẽ hơi sỗ sàng, phải không ạ?
-Thưa giáo sư, không sao cả, -Nê-mô trả lời sau giây lát ngập ngừng, -vì ngài sẽ vĩnh viễn gắn bó với con tàu này. Bây giờ mời ngài vào phòng khách. ở đó có một chỗ làm việc thật sự, ngài sẽ được biết tất cả những điều cần biết về tàu Nau-ti-lúx.