Tôi dập đuốc, đi theo sát phía sau lưng anh. Việc bỗng nhiên gặp lại Muộn Du Bình ở chỗ này không làm tôi ngạc nhiên và bất ngờ nhiều cho lắm, thế nhưng có thể gặp lại được anh cũng khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn.
Dựa trên kinh nghiệm từ trước tới nay của tôi, sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đấu, cần rất nhiều sức người, sức của để có thể giữ mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát, thông tin tôi có hiện giờ hiển nhiên là không nhiều bằng anh.
Nghĩ đến đây tôi liền dừng lại, Muộn Du Bình đi được vài bước, sau đó quay đầu lại nhìn tôi. Tôi nói: "Chuyện này rốt cuộc là sao, anh đang giấu giếm tôi chuyện gì đó có đúng không?"
Anh chỉ nhìn tôi mà không nói gì. Lúc này tôi mới phát hiện ra, hô hấp của anh đang rất hỗn loạn. Nếu là bình thường, động tác di chuyển của anh sẽ không lớn như vậy. Tình trạng của Muộn Du Bình khi ở trên mặt đất và dưới mặt đất rất khác biệt, dù có ở chung một chỗ với tôi hay là Bàn Tử đi chăng nữa, anh cũng sẽ không bao giờ dễ dàng mất cảnh giác như vậy.
Tôi sải bước đến chỗ anh, nắm lấy cánh tay anh, sau đó ấn vào chỗ anh thường hay lấy máu. Muộn Du Bình bỗng nhúc nhích, nắm lấy tay của tôi rồi nói: "Không phải chỗ này."
Nói xong anh kéo cổ áo chống gió ra, sau đó đặt tay tôi lên trên bả vai mình. Tôi thầm nghĩ có gì đó không ổn, bèn bật đèn pin lên soi thì thấy từ cổ cho đến bả vai của anh quấn rất nhiều lớp băng y tế, bên trên có vài vết máu đã sắp khô.
Trên vách tường có một vài vết đạn, dường như bọn họ đã bị phục kích ở đây. Nhìn vẻ mặt của anh, có lẽ không có trở ngại gì lớn. Thế nhưng điều đáng nói là thể chất cơ thể của anh tương đối đặc thù, khi bị thương, vết thương rất lâu khép lại.
Nghĩ đến đây, trong lòng tôi bỗng cảm thấy khó chịu vô cùng, sớm biết như vậy, trước đó tôi đã không nhận chuyến Lạt Ma này làm gì, cứ mặc kệ cô gái kia ba hoa chích chòe. Cái đấu này có khác thường như thế nào đi chăng nữa cũng không đáng để tôi phải chịu sự giày vò đến như vậy.
Muộn Du Bình cầm đèn pin, đi qua khúc cua trước mặt thì đến một con dốc đá. Chúng tôi lần lượt đi xuống dưới, trên mặt đất có thể nhìn thấy một ít đá vụn và vết máu, tiến xa hơn về phía trước, có thể thấy chút ánh sáng yếu ớt chiếu qua khe hở.
Bọn họ đã dựng tạm một cái trạm ở đây, dường như trong đội ngũ có người bị trúng đạn cần phải được sơ cứu.
Lúc đám người Muộn Du Bình đến nơi, cửa đài sen đã được mở ra sẵn. Tất cả mọi người không ai dám hạ thấp cảnh giác, ai nấy cầm đồ phòng thân bắt đầu thâm nhập sâu vào bên trong.
Đội ngũ bọn họ chung một chỗ với đám người của công ty leo núi. Hai bên hợp tác rất không suôn sẻ, mỗi người đều có động cơ ngầm, lúc đi tới chỗ chật hẹp đã thừa cơ nổi lên xung đột va chạm. Người của hai bên đều có súng, người chết ở chỗ này có khi phải hàng thế kỷ sau mới có người phát hiện ra, vì vậy có thể nói, hai bên đánh nhau không hề kiêng kỵ gì.
Dù sao thì Muộn Du Bình cũng là con người bằng xương bằng thịt, đã bị thương lại còn bị bọn họ gọi tới gọi lui. Kể cả có là người làm của tôi, tôi cũng không bao giờ sai sử lung tung như vậy. Hiển nhiên Muộn Du Bình cũng biết đám người này không hề quan tâm gì tới sự sống chết của anh, thế nhưng anh cũng không thèm để ý.
Chúng tôi dừng chân ở gần trạm, trao đổi thông tin với nhau. Đa phần là tôi nói còn anh nghe. Tôi ngồi lên trên bệ đá, cảm giác bụng bắp chân đang không ngừng run, bắp thịt do bị căng thẳng nên cứ hết co rút lại thả lỏng ra, khiến chân sưng đau, ê ẩm vô cùng.
Anh nghe tôi kể lại mọi việc mà tôi đã trải qua, sau khi nghe đến đoạn cái người Trương gia kia cùng với Trương Hải Khách lần lượt mất tích, anh như suy nghĩ điều gì đó. Trong thâm tâm, tôi hy vọng rằng anh cũng sẽ nói điều gì đó với tôi, nhưng nếu anh không muốn nói, tôi cũng không đi truy hỏi làm gì.
Sau khi nghỉ ngơi tầm chục phút, tôi có cảm giác như sức lực của tôi đã phục hồi phần nào. Muộn Du Bình liếc nhìn tôi, nhanh chóng đứng lên, đi vào dọc theo khe hở.
Tôi theo anh khom người chui vào trong trạm, nhìn thấy rất nhiều người nằm la liệt trên mặt đất, ngáy khò khò um trời. Trong số những người này, có khoảng năm, sáu người bị trói bằng dây leo núi, toàn bộ bị đánh đến mặt mũi sưng vù, không rõ sống chết.
Lê tiểu thư ngồi bên cạnh cái đèn bão, vừa thấy chúng tôi bước vào, cô lập tức trở tay ra sau lưng rồi cảnh giác đứng lên.
Muộn Du Bình lấy bình nước từ trong ba lô ra cho tôi, chờ sau khi tôi rửa sạch vết máu trên mặt đi, vẻ mặt của cô ấy liền thay đổi. Chúng tôi đi qua một bên rồi ngồi xuống, cách xa những người đang ngủ kia ra một chút.
Lê tiểu thư châm điếu thuốc, nhìn tôi cười. Cô ấy mặc trang bị trên người, tóc buộc kiểu đuôi ngựa, hình tượng này so với trước kia như hai người khác nhau.
"Ông chủ Ngô, sao anh lại tới đây?"
Tôi nhìn cô ấy, cô ấy phì phèo thở ra hai làn khói thuốc, nói: "Bệnh của anh chắc là chưa khỏi hẳn đâu. Tôi đã kêu người của tôi chuyển lời tới anh, anh..."
"Cô tới cái đấu này, chắc không phải chỉ vì mấy món minh khí kia," tôi nói, "cô gắp lạt ma tôi, biến tôi ra nông nỗi này, không giải thích được thì không xong đâu."
Cô ấy thở khói phà phà vào mặt tôi, cười phá lên: "Giờ này ông chủ Ngô mới đến thương lượng cùng với tôi, có phải đã có chút muộn rồi không? Tiền đặt cọc tôi đã thanh toán trước đó rồi, muốn đem người của anh về, bây giờ hối hận thì sợ rằng cái cửa hàng kia của anh không bù vào nổi đâu. Tôi khuyên anh tốt nhất nên thành thật một chút, muốn làm gì ở chỗ này cũng phải nghe theo lời của tôi."
Tôi liếc qua, bên trong đám người phe cô ấy, không ít người trông lưu manh giống như Phan Tử, một số thì giống lính lành nghề. Bọn người như vậy bị thương cũng không hề gì, nếu phát điên lên thì đúng là khó chơi, nhưng trước mặt của Muộn Du Bình thì vẫn chưa đủ sánh tầm.
Bây giờ tôi đã ở đây, anh ấy dĩ nhiên sẽ đứng về phía tôi. Tôi nhìn Muộn Du Bình một cái, thầm nghĩ, liệu có nên trực tiếp đánh ngất cô ta. Với vũ lực của anh ấy cộng với tài trí của tôi, việc hai người có thể thành công thoát ra là không thành vấn đề, cùng lắm là bị thương nhẹ một chút, Muộn Du Bình ắt hẳn sẽ không thèm so đo, tính toán.
Thấy tôi không để ý đến mình, cô gái này cũng không tức giận, có chút dửng dưng nói: "Như đã nói qua, vì lợi ích của ông chủ Ngô đây, tên người làm kia của anh có thể giúp tôi lấy được vật tôi muốn, tôi sẽ tự khắc tính cho anh một phần tốt."
Vừa nói, cô ấy vừa đứng lên, đi tới bên cạnh một ông già, sau đó đánh thức ông ta dậy. Ông già kia ngồi trước mặt tôi, mò mắt kính từ trong ngực ra, run run đeo vào.
Lê tiểu thư vỗ vỗ bả vai của ông ta, sau đó chui ra ngoài trạm hút thuốc. Dường như ông già kia còn chưa tỉnh ngủ, không hiểu sao trong căn cứ lại nhiều thêm một người, đưa cho tôi danh thiếp.
Tôi nhìn có chút buồn cười, thấy ông ta lau chút mồ hôi trên chóp mũi, giới thiệu bản thân với tôi. Người này tên là Phạm Thiên Lý, hiện đang là giáo sư thỉnh giảng và sinh sống tại viện nghiên cứu văn hóa và lịch sử ở Trú Mã Điếm, ông từng nghiên cứu về nền văn minh Tây Hạ và ngôn ngữ dân tộc Khương.
"Hóa ra là giáo sư Phạm." Tôi nhiệt tình bắt tay với ông, thầm nghĩ vị Lê tiểu thư này cũng có chút bản lĩnh, có thể khiến cho một nhà ngôn ngữ học xuống đất. Trước giờ tôi chỉ biết rằng đoàn đội Cừu Đức Khảo có một chuyên viên nghiên cứu văn tự Nữ Chân, không nghĩ tới hôm nay tôi cũng có thể có được đãi ngộ này.
Lần này còn mang theo vài người trẻ tuổi, nghe thấy tiếng súng đã sợ như muốn hồn phi phách tán, ngây người trốn ở một góc. Không hiểu sao mà tôi thầm nghĩ, nếu như Bàn Tử có ở đây, hẳn sẽ nói rằng: "Muốn người khác không biết thì đừng gióng trống khua chiêng." Bầu không khí căng thẳng như thế này có khi lại khiến tôi cảm thấy thả lỏng hơn chút.
Phạm Thiên Lý lau mồ hôi tay vào quần, cầm đèn đi tới, rút một xấp tài liệu từ trong ba lô ra.
Những thứ được khai quật cùng thời điểm với đồng xu, ngoài chiếc vòng tay long phượng, còn có một tòa tháp Phật giáo. Tòa tháp này chỉ dài bằng một cánh tay, có thể coi như là một vật cổ vô cùng tinh xảo, bên trong trống rỗng, dường như có đồ bị giấu bên trong.
Khi Phạm Thiên Lý nhìn thấy tòa tháp này, ông ngay lập tức nhớ lại một vài hồi ức. Vào năm 1980, ông cùng với người thầy của mình làm cố vấn của một đội khảo cổ, đã đi khắp Trung Quốc và nhìn thấy nhiều di vật khảo cổ. Đội của họ đang nghiên cứu về văn hóa dân tộc Khương ở Tứ Xuyên, vào thời điểm đó, cả đội đã nhìn thấy được một vật rất giống thứ này. Có thể nói, di vật khảo cổ mà ông nhìn thấy lúc bấy giờ chính là mô hình của tòa tháp này.
Hồi đó, Phạm Thiên Lý vẫn còn là một chàng thanh niên rất trẻ, lúc nào cũng mặc một chiếc áo sơ mi trắng, tươm tất chỉnh tề, rất được các cô gái địa phương yêu thích. Đội khảo cổ đã khai quật được một vài sách thẻ tre, cần ông đến phiên dịch. Rồi có một cô gái người dân tộc Khương thường đến chỗ ông ấy chơi, khi nhìn thấy những thứ này, liền tức cảnh sinh tình và nói với ông một chuyện kỳ lạ.
Cô gái này làm giúp việc ở trên trấn, tiếng Trung khá tốt, hai người nói chuyện với nhau rất vui vẻ, Phạm Thiên Lý rất vui lòng trò chuyện với cô ấy. Vì việc phiên dịch không có tiến triển gì, có thể trò chuyện trên trời dưới biển với một cô gái xinh đẹp cũng là một điều hay đối với ông.
Cô gái nói chuyện này là chuyện do A Đại (tức bà nội) của cô ấy đã trải qua, nhưng cũng hy vọng rằng Phạm Thiên Lý có thể giữ bí mật, nếu không thì hãy thêm bớt chút chi tiết dựa trên câu chuyện để giúp cô ấy che giấu danh tính.
Bà nội của cô gái này, có thể gọi bà là Đan Mộc Cát. Hồi Đan Mộc Cát còn là một thiếu nữ, có một lần lên núi cắt rau lợn, vô tình bị lạc đường, đến trời tối cũng không biết đường nào mà lần. Bà nhìn thấy phía trước có ánh sáng phát ra từ đống lửa, bèn vội vàng đi tới hướng đó.
Đến càng gần, bà càng cảm thấy có gì đó quái lạ. Chỉ thấy ánh lửa mà không nghe được âm thanh của con người, ngược lại lại nghe thấy âm điệu kỳ quái nào đó, giống như một điệu múa của một nhóm người, thế nhưng lại không hề có nhạc.
Đan Mộc Cát sợ hãi vô cùng, bà nhìn thấy rất nhiều người đang quay lưng về phía đống lửa, quây thành một vòng tròn, đã thế còn khoa tay múa chân, động tác vô cùng cứng ngắc, liên tục phát ra tiếng chân giẫm trên mặt đất.
Những người đó nhảy thêm được một lúc, sau đó đột nhiên răm rắp dừng lại, hành động như thể đang tìm kiếm gì đó khắp nơi, cứ như có người nào đó ra lệnh từ phía sau. Bà nghe thấy tiếng một người phụ nữ nói: "Ai đang ở đó?"
Lúc này, Đan Mộc Cát đã sợ chết khiếp, nghĩ rằng mình đã gặp phải ma núi, chắc sẽ không thể sống sót trở về. Gần như cùng lúc người phụ nữ kia nói xong, có người đi tới chỗ bà đang núp. Đan Mộc Cát lăm lăm nắm chặt cái liềm cắt rau lợn trong tay, bỗng ngửi thấy một mùi hương, lập tức lăn ra bất tỉnh.
Đến khi bà tỉnh lại, đã không biết tại sao bản thân lại nằm ở trong một sơn động giữa sườn núi rồi. Bà nhận ra đường xuống núi này, cho tới khi bà trở lại thôn, người nào người nấy lộ ra vẻ mặt quái lạ. Hóa ra bà đã mất tích được một tháng, người nhà sớm đã tưởng bà bị chó sói tha đi mất.
Sau khi Đan Mộc Cát trở về nhà, phải mất khoảng một năm trước khi bà nhận ra rằng có điều gì đó kỳ lạ đã xảy ra với cơ thể mình. Thứ nhất, chiều cao của bà ấy dường như đã giảm đi, và thứ hai, ngoại hình của bà ấy không còn thay đổi nữa. Sự phát triển của cơ thể bà ấy không những dừng lại mà thậm chí còn bắt đầu thụt lùi.
Theo trí nhớ của cô gái này, bà nội chậm chạp già đi, cho dù là ở độ tuổi hơn bảy mươi, bộ dáng của bà như mới chỉ ba mươi. Thậm chí đôi khi cô còn cảm thấy khuôn mặt của bà nội trông như trẻ sơ sinh vậy. Cô ấy cho rằng một phần hồn phách của bà nội đã bị ma núi cướp đi mất, chỉ còn lại cơ thể bất tử không già yếu.
Sau khi Phạm Thiên Lý nghe câu chuyện này, chỉ cho là cô gái đang nói chuyện trong tiểu thuyết, nói đi nói lại, nghe đi nghe lại cũng không thấy có gì.
Bước ngoặt của sự việc này xảy ra ở một câu nói khác của cô gái. Cô gái nhìn sách thẻ tre, sau đó nói với ông rằng bỗng một ngày, bà của cô đã tự học viết được ngôn ngữ này, và đôi khi có thể viết được hai mươi tấm một ngày. Văn tự này thực ra chính là một loại bản đồ.
Phạm Thiên Lý cảm thấy rất kỳ lạ, bởi vì cô gái này không biết chữ. Và giả sử biết chữ, đối với ngôn ngữ Khương cổ, cũng không thể thành thạo đến mức chỉ mới nhìn đã nhận ra. Theo phán đoán của ông, những ký tự này được tạo ra trên cơ sở các ký tự Tây Hạ và cần phải tìm ra các quy luật nhất định mới có thể giải mã.
Cô gái này nói chắc như đinh đóng cột, những chữ viết này là một cái bản đồ, thông tin giống hệt như những chữ mà bà nội cô đã viết đi viết lại nhiều lần, dù cho có sắp xếp kiểu chữ như thế nào đi chăng nữa, luôn có một cách liên kết chặt chẽ tất cả lại với nhau để cho thông tin đều chỉ về một địa điểm. Điều này làm cho ông cảm thấy khó hiểu và ngờ vực. Ông liền hỏi cô gái cách để có thể nhìn ra, hơn nữa ông còn muốn đích thân đến địa điểm trên bản đồ để khảo sát.
Cô gái giúp Phạm Thiên Lý giải mã bản đồ này. Phạm Thiên Lý liền nói chuyện này cho mấy người bạn trong đội khảo cổ biết. Sau khi cùng nhau bàn bạc, họ liền cho rằng đây là đầu mối hết sức quan trọng. Xế chiều cùng ngày, bọn họ tìm được một người dẫn đường ở địa phương để đi tới địa điểm này. Quá trình tìm kiếm phức tạp vô kể, tạm thời không nhắc đến, chỉ nói tới kết quả.
Bọn họ lập tức tác nghiệp luôn ở chỗ đó, khai quật được mười sáu bàn tay tượng nhạc kỹ lớn nhỏ, còn có các xương cốt của động vật các loại. Tòa tháp phật kia cũng được moi lên cùng tượng người, cuối cùng được đưa tới cục quản lý hiện vật văn hóa khảo cổ Tứ Xuyên.
Chữ viết trên tháp Phật kia giống y đúc chữ trên sách thẻ tre. Phạm Thiên Lý lại đi tìm cô gái kia, vào trong thôn tìm hiểu thì người trong thôn nói cho ông biết, căn bản không hề có người nào như vậy. Cái người tên Đan Mộc Cát kia bởi vì thân thể cổ quái, cả đời chưa lập gia đình thì lấy đâu ra cháu gái đây?
Sự việc kỳ lạ mà ông đã trải qua đã ám ảnh ông mấy chục năm sau. Đồng nghiệp của ông đã khuyên can ông đừng vì một chuyện không đáng như vậy mà bận tâm mãi, Phạm Thiên Lý không đồng ý. Ông một mực cho rằng, bản thân cô gái kia chính là Đan Mộc Cát, và dung mạo cô ấy vẫn duy trì sự tươi trẻ mà không hề già đi. Thời điểm bốn mươi năm sau nhìn thấy tòa tháp Phật, dường như ngay lập tức, ông gửi email cho Lê tiểu thư, hy vọng có thể tham gia vào hoạt động lần này.
Nói tới đây, tôi đại khái cũng đã biết được ý muốn của ông. Theo đuổi một mục tiêu trong suốt quãng thời gian dài, thậm chí đến mấy chục năm, tôi cũng đồng tình với ông được phần nào.
Tây Hạ bắt đầu mở rộng thế lực sau khi nhà Đường suy vong, nếu ngôi mộ này được xây dựng vào thời điểm đó, cũng có thể hiểu được phong cách kỳ lạ của nó. Tôi còn tưởng rằng Phạm Thiên Lý sẽ bắt đầu phổ cập khoa học cho tôi về quốc gia này, dù sao thì ông ấy cũng chuyên về lĩnh vực này, nhưng ông ấy đột nhiên nói với tôi: "Ngô tiên sinh này, tôi nghe nói anh cũng là một chuyên gia về đồ cổ, anh nên đến xem tòa tháp phật này một chút. Tôi chỉ có thể nói, ngôi mộ nơi thứ này xuất hiện, nhất định phải có một bậc thầy về phong thủy ở Trung Nguyên chỉ điểm."
Ông ấy cho tôi xem một bức ảnh, khi nhìn vào, tôi đã vô cùng bất ngờ.
Không vì sao cả, mà chỉ bởi vì tòa tháp phật này chính là một tòa Kính Nhi Cung!