Thế nhưng hai người này, một người thì lười biếng nằm ngủ, một người thì ru rú trong phòng đọc sách không ra ngoài, con gái ba tuổi nhớ mẹ, xuống giường đi tìm mẹ, không may rơi xuống giếng nước ngoài vườn.
Lúc vớt lên đã tắt thở.
Kẹo hồ lô Lý ma ma mua từ trên phố rơi xuống đất, dính đầy bùn cát.
Khóc lóc một hồi, đau buồn qua đi, hai người kia lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra, tiếp tục cuộc sống của mình.
Hai năm sau, tú tài kia thi đỗ cử nhân, vinh quy bái tổ, vui mừng khôn xiết.
Sau khi về nhà, Lý ma ma liền đưa ra thư hòa ly.
Tất cả mọi người đều nói bà điên rồi, vất vả lắm mới vượt qua được ngày tháng khốn khó, cuộc sống ngày càng có hy vọng, vậy mà lại làm ra chuyện hoang đường như vậy.
Tú tài kia cũng tức điên lên, biết bà có khúc mắc trong lòng, bèn nhẫn nại dỗ dành: "Nương tử, hiện tại ngày tháng đã dễ thở hơn rồi, con cái có thể sinh tiếp, nàng đừng giận dỗi nữa, chúng ta an tâm sống qua ngày, sau này ta nhất định sẽ đối xử tốt với nàng."
Tú tài kia thậm chí còn hứa hẹn sau này tuyệt đối không nạp thiếp, trong lòng chỉ có mình bà.
Thấy dỗ dành không được, mẹ chồng cũng nổi giận, đứng ngoài cửa sổ mắng: "Thật sự coi mình là cái thá gì, kết hôn nhiều năm như vậy mới sinh được một đứa con gái, còn ra thể thống gì? Ngày tháng tốt đẹp không muốn, bày đặt làm gì!"
Lý ma ma kiên quyết hòa ly, tú tài kia khuyên can không được, cuối cùng tức giận nói: "Nàng đừng có mà hối hận, đừng nói ta là kẻ vong ân phụ nghĩa."
Sau khi hòa ly, Lý ma ma dọn ra ngoài, không lâu sau được người mai mối, đến một nhà giàu có làm người hầu, ở đó nửa đời người.
Bà ấy là người chứng kiến Chu bá mẫu lớn lên, vô cùng yêu thương Chu bá mẫu, sau này Chu bá mẫu xuất giá, bà ấy lại đi theo đến Chu gia.
Lúc ta mới đến Chu gia, bà ấy đã là nữ nhân tóc mai điểm bạc.
Bà ấy hiền lành phúc hậu, luôn xoa đầu ta nói: "Ngưu Ngưu ngoan, con phải ăn nhiều một chút, ăn nhiều một chút mới cao lớn khỏe mạnh được."
Lý ma ma dạy ta viết chữ, từng nét từng nét một, vô cùng nghiêm túc, bà ấy rất kiên nhẫn, cho dù ta viết không đẹp, cũng không hề trách mắng nửa câu.
Nghe nói vị tú tài từng là phu quân bà ấy, sau đó lại cưới vợ, vợ chồng hòa thuận, ân ái có thừa.
Tú tài kia còn làm một chức quan nhỏ, đắc ý vênh váo, con cháu đầy đàn.
Ta không biết Lý ma ma có từng hối hận hay không, cả đời bà ấy, không con không cái, cô độc một mình.
Nhưng nghĩ lại chắc là không, mùa hè, ta ngủ trưa, bà ấy ở bên cạnh phe phẩy quạt, kể chuyện cho ta nghe.
Kể chuyện Trang Chu mộng hồ điệp, cũng kể chuyện tài hoa hơn người, gió mát trăng tàn với "Đại giang đông khứ" (bài thơ nổi tiếng của Tô Thức)...
Rất nhiều đạo lý ta không hiểu, bà ấy chỉ cười tủm tỉm nói: "Con cho là chuyện đúng đắn, cứ việc yên tâm làm, bởi vì chỉ cần con cho là đúng, không thẹn với lòng, vậy thì chính là đúng, cho dù sai cũng là đúng."
Cuộc đối thoại với Lý ma ma khi còn nhỏ, cách nhau gần mười năm, lại văng vẳng bên tai.
"Cuộc đời con người ta, giống như đang bơi trên biển, con sẽ gặp rất nhiều khúc gỗ nổi lên, có khúc gỗ nhìn thì nhỏ, nhưng thực chất là rỗng ruột, có thể đưa con đến nơi rất xa, có khúc gỗ nhìn thì lớn, nhưng thực chất rất nặng, không chịu nổi trọng lượng gì, vậy Ngưu Ngưu phải làm sao để đảm bảo bản thân có thể ôm được một khúc gỗ tốt đây?"
Đúng vậy, làm sao mới có thể đảm bảo? Ta sốt ruột hỏi.
Lý ma ma điểm nhẹ lên trán ta: "Cho nên chúng ta không thể đặt hy vọng vào việc ôm khúc gỗ, con phải dựa vào chính mình, liều mạng bơi, bơi mãi bơi mãi, nói không chừng có một ngày sẽ đến được bờ."
"Ngưu Ngưu à, con có thể trông cậy vào người khác, nhưng trong lúc trông cậy vào người khác, đừng quên tự mình tìm cho mình một chỗ dựa, như vậy lúc không tìm được khúc gỗ tốt, thì chính mình sẽ là một khúc gỗ tốt."