Bản thượng thần quả bội phục sự anh minh của mình.
Giấc mộng bắt đầu, cảnh mở đầu chính là cảnh tượng Chiết Nhan dẫn ta lên núi Côn Luân bái sư.
Vì mẹ ta sinh được bốn người con trai, khó khăn lắm mới sinh hạ được một mụn gái, hơn nữa mụn con gái này đã mang tật ngay từ khi còn là bào thai, khi ta sinh ra thể chất yếu ớt, cả động Hồ Ly đều lo lắng cho ta. Bốn ca ca đều được nuôi dạy khá thoải mái, còn ta thì khác, ăn uống ngủ nghỉ đều vô cùng nghiêm ngặt, ngoài động Hồ Ly ra, không được phép đi đâu ngoài Thanh Khâu và rừng đào mười dặm của Chiết Nhan. Vất vả suốt hai vạn năm, ta đã được nuôi dạy khỏe mạnh, nhưng họ vẫn chưa an tâm.
Khi ta hai vạn tuổi, cha mẹ vì một số chuyện mà không thường xuyên ở Thanh Khâu, bèn bảo tứ ca đến trông nom ta.
Cần phải biết rằng tứ ca rất giỏi giữ sĩ diện, bề ngoài vờ vịt ngoan ngoãn vâng lời, mà sau lưng thì chuyên gây thị phi.
Ta vô cùng ngưỡng mộ tứ ca.
Ngự lệnh của cha ta vừa ban xuống, tứ ca nhấm nhấm ngọn cỏ, ngồi trước động Hồ Ly, nhìn ta hiền từ hỏi: “Từ bây giờ trở đi, tứ ca sẽ chăm nom muội. Trứng chim lấy được trên cây, ta một quả, muội một quả; cá câu ở dưới hồ, ta một con, muội cũng một con”.
Ta vỗ tay tán thưởng tứ ca.
Khi ấy, Chiết Nhan đã rất quan tâm tới tứ ca, chỉ cần lôi danh hiệu của lão ra, thì họa lớn đến đâu có thể sóng yên bể lặng hết. Thế nên suốt ba vạn năm liền, tứ ca dẫn theo ta “chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.
Đến khi cha mẹ ta có thời gian rảnh rỗi nghĩ tới chuyện dạy dỗ đứa con gái độc nhất thì cảm thấy đã sinh con gái thì nên dạy nó sao cho thùy mị, dịu dàng, nho nhã đoan trang, nhưng lúc ấy ta đã bị tứ ca làm hư rồi.
Cũng may trong năm vạn năm cùng tứ ca rong chơi ở Thanh Khâu, huynh muội ta đã gây ra không ít việc vặt nhưng lại chẳng gây ra họa lớn, ngày tháng trôi qua hết sức an vui, tính cách của hai người bọn ta khó tránh có chút ngây thơ, kiêu ngạo, hoàn toàn không thể bì được với khí độ bây giờ của Dạ Hoa.
Bản thượng thần luôn lo lắng, Dạ Hoa bây giờ mới chưa quá năm vạn tuổi, cho dù không phải ngây thơ, cũng ít nhiều phải có dáng vẻ hoạt bát. Vậy mà hắn lại trầm mặc thế kia, trên con đường đời hắn đã chịu không ít giày vò, trải qua biết bao cú sốc, kinh qua biết bao dâu bể!
Nói lại khi ta năm vạn tuổi.
Khi ấy, mẹ ta thấy ta như vậy thì rầu rĩ lắm. Trước là lo ta không lấy được chồng, đóng cửa động Hồ Ly suy nghĩ mất nửa tháng trời, sau đến một ngày hoàng đạo, ông trời mở mắt, để mẹ ta ngộ ra tuy tính cách ta chẳng ra sao nhưng dáng vẻ cũng không đến nỗi nào, dù sao cũng không nên gả đi, mới vợi bớt lo âu.
Nhưng không lâu sau lại nghe được một tin đồn từ chỗ Mê Cốc, nói rằng trong một thủy phủ ở dưới chân núi liền kề, có nhà họ Chúc Âm (30) mới gả con gái đi. Tiểu Chúc Âm vì thuở nhỏ mồ côi mẹ, không có ai dạy dỗ, nên tính cách có hơi yếu đuối, sợ khổ sợ mệt, khiến cho mẹ chồng ghét, ngày ngày đều kiếm cớ để mắng mỏ nàng ta. Tiểu Chúc Âm không nhẫn nhịn được mới gả được đi được chưa đầy ba tháng đã khóc lóc ầm ĩ trở về nhà mẹ đẻ.
Nghe nói Tiểu Chúc Âm vì là dâu mới bị bắt nạt, lại nhìn thấy dáng vẻ của ta, mẹ ta lại càng buồn bực lo lắng hơn. Bà cảm thấy với tính cách của ta, dù có gả đi được, thì cũng sẽ một ngày bị mẹ chồng đánh cho ba trận. Nghĩ tới sau này ta có thể phải chịu khổ, hễ nhìn thấy ta là mẹ ta lại rớt nước mắt.
Có một lần, Chiết Nhan đến động Hồ Ly chơi, đúng lúc mẹ ta đang âm thầm lau nước mắt, bèn hỏi duyên cớ làm sao, trầm ngâm giây lát mới than rằng: “A đầu này đã lớn như vậy, tính cách cũng không thay đổi được. Bây giờ chỉ có thể cho nó học hỏi chút bản lĩnh, sau này về nhà chồng, trên là tộc trưởng quản lý mọi việc trong tộc, dưới là tiểu đồng quét dọn, không có kẻ nào giỏi hơn nó, thì dù nó có ngây thơ kiêu ngạo, cũng sẽ không bị ấm ức”.
Mẹ ta nghe xong những lời ấy, cảm thấy có lý bèn đồng tình, vỗ đùi một cái, sự việc đã được quyết định như thế.
Xưa nay mẹ ta luôn là người mạnh mẽ, cảm thấy đã thành tâm thành ý tìm cho ta một vị sư phụ để học hỏi thì sẽ phải tìm một sư phụ giỏi nhất trong bốn bể tám cõi mới không uổng phí tâm tư này của người.
Đắn đo hơn nửa tháng trời cuối cùng đã chọn thượng thần Mặc Uyên, cai quản âm nhạc và chiến tranh sống trên núi Côn Luân.
Trước đó ta chưa bao giờ gặp Mặc Uyên nhưng tên tuổi của người thì lại quá quen thuộc.
Khi ta và tứ ca chào đời, chiến sự trong bốn bể tám cõi đã không còn liên miên, thi thoảng mới diễn ra một trận, mà có thì cũng chỉ là những trận chiến nho nhỏ, người bề trên chẳng cần lộ diện. Các trưởng bối có lúc cũng kể lại những trận chiến lớn thực sự từ lúc phân chia âm dương, lưỡng nghi, ví dụ như tám cõi nổi giận ra sao, chín châu nhuộm máu thế nào, đám đàn ông đã ngoan cường cứng cỏi, da ngựa bọc thây ra sao, rồi lập công lập nghiệp thế nào, nói đến mức ta và tứ ca đều đau cả đầu.
Khi ấy, trong Thần tộc còn lưu truyền rất nhiều điển tịch ghi chép về những chiến sự thời viễn cổ, hai huynh muội ta rất hiếu học, thường xuyên đến mượn đám tiên hữu quen thuộc về đọc. Hoặc tự mình cũng có đôi bản sách quý, trao đổi với họ.
Trong những điển tịch này, đâu đâu cũng bắt gặp bóng dáng của Mặc Uyên. Đám thiên quan viết sách đều khen tư thế của người uy vũ, trên người mặc khôi giáp Huyền Tinh, tay cầm kiếm Hiên Viên, nào là chiến thần bất bại.
Ta và tứ ca ngưỡng mộ người khôn xiết, thầm tưởng tượng dáng vẻ oai phong của người trông như thế nào.
Ngưỡng mộ chân thành, thảo luận hơn một năm, chúng ta cảm thấy vị thượng thần Mặc Uyên này hẳn phải có bốn cái đầu, mỗi cái đầu trông về một hướng, con ngươi tròn xoe như gương đồng, tai to như quạt cỏ bồ, trán vuông, miệng rộng, vai tay lưng đều rộng, dày như núi đá, hai chân hai cánh tay đều thô ráp như đá tảng, thổi một hơi là dậy cơn cuồng phong, giậm một chân là đất rung chuyển. Chúng ta suy nghĩ trăn trở, cho rằng phải như thế mới có thể thể hiện sự nhanh nhạy hơn người, thông minh mẫn tiệp, tráng kiện bền bỉ của một cao nhân đệ nhất. Phác thảo xong tư thế oai nghiêm của Mặc Uyên, ta cùng tứ ca phấn chấn chạy đến tìm nhị ca vẽ tranh rất đẹp, xin huynh ấy vẽ cho chúng ta hai bức tranh, treo trong nhà để ngày ngày ngắm nghía.
Vì thế nên vừa nghe nói sẽ bái Mặc Uyên làm thầy, ta đã không kìm được kích động. Tứ ca cũng muốn đi cùng ta, nhưng lại bị Chiết Nhan ngăn lại, thành ra giận dữ mất mấy ngày.
Chiết Nhan dẫn ta cưỡi một đám mây lành trong hai canh giờ, cuối cùng đến một ngọn núi tiên rất thâm u. Ngọn núi này hoàn toàn khác với Thanh Khâu, cũng khác với rừng đào mười dặm, ta cảm thấy vô cùng mới mẻ.
Có hai tiểu tiên đồng đã đứng trước cửa núi chờ, dẫn bọn ta vào trong một đại sảnh rộng rãi. Trong đại sảnh có một nam tử mặc áo bào đen ngồi sẵn đó, lấy tay chống cằm, dựa đầu vào vai, thần sắc lạnh nhạt, khuôn mặt hơi hơi ẻo lả.
Ta thực sự không biết nữ tính là thế nào, chỉ nghe tứ ca nói qua loa, gương mặt tuấn tú của Chiết Nhan kia là đẹp, nếu không bằng Chiết Nhan thì diện mạo tầm thường, nếu đẹp hơn Chiết Nhan thì chính là ẻo lả. Câu nói chẳng ra sao này của tứ ca ta luôn ghi nhớ trong lòng.
Vì ta được tứ ca nuôi dạy từ bé nên luôn nghe lời huynh ấy, đến huynh ấy nói bức tranh mà chúng ta cùng tưởng tượng ra đang được treo trong phòng kia là một vẻ đẹp tuấn tú không gì lý giải nổi, ta cũng vẫn tin theo mà không nghi ngờ, luôn âm thầm cố gắng để trở thành như thế.
Cho nên, khi Chiết Nhan dẫn ta đến núi Côn Luân, cất tiếng chào hỏi với vị thư sinh mặc áo bào đen này: “Mặc Uyên, bảy nghìn năm nay chẳng thay đổi gì”. Ta đã bị sốc nặng. Đôi mắt vừa dài vừa nhỏ của người có thể nhìn khắp thiên lý sao? Đôi tai mảnh dẻ của người có thể nghe thấu tám hướng? Đôi môi mỏng của người có thể phát âm thanh lí nhí như muỗi kêu có thể khiến người ta phải lắng nghe sao? Thân hình gày gò của người có thể nhấc nổi kiếm Hiên Viên – đứng hàng thứ hai trong thần khí của tám cõi sao?
Ta cảm thấy những công lao sự nghiệp to lớn ghi chép trong điển tịch đều là lừa gạt cả, cảm giác niềm tin sụp đổ ập tới, ta nắm tay Chiết Nhan mà đau lòng vô hạn.
Khi Chiết Nhan giao ta cho Mặc Uyên, còn ân cần dặn dò một lượt mấy lời nhảm nhí, như: “Đứa trẻ này không cha không mẹ, ta thấy nó bị vứt trong khe núi nên nhặt về, chỉ còn thoi thóp thở, dáng vẻ tiều tụy nhếch nhác, sau khi tắm rửa mới nhận ra là một con bạch hồ ly”. Ví dụ như: “Ta nuôi nó đã năm vạn năm, nhưng gần đây nó càng lớn càng đẹp, người ấy nhà ta có hơi ghen”. Lại như: “Ta đưa nó tới chỗ ngươi là chuyện chẳng đành, đứa trẻ này đã rất khổ, ta luôn yêu chiều nó, tính tình khôn ngoan, nên cũng phiền ngươi ưu ái nó”.
Ta cảm thấy mấy câu nói nhảm này của Chiết Nhan thật chả ra sao, quá đau lòng nên cũng buồn rầu. Mặc Uyên luôn lặng lẽ chỉ ngồi nghe mà không nói gì.
Mặc Uyên đã nhận ta làm đồ đệ, Chiết Nhan coi như đã “đại công cáo thành”. Sau khi lão thành công lui gót, ta tiễn lão đi một đoạn. Khi đến cửa núi, Chiết Nhan dặn dò cẩn thận: “Tuy bây giờ ngươi là thân nam giới, nhưng lúc tắm giặt cũng không được ở cùng các sư huynh ngươi, không thể để chúng lợi dụng, vẫn phải biết cách giữ gìn như một cô nương”. Ta gật đầu đồng ý.
Mặc Uyên quả nhiên là chăm sóc ta rất chu đáo, nhưng ta coi thường người trông thiếu anh dũng, nên không thèm nhận ân tình của người.
Với Mặc Uyên, ta luôn có một chút không cung kính, cho đến khi vấp váp lần đầu tiên trên con đường đời, gặp phải chuyện tổn thương ghê gớm đến bản thân.
Chuyện này, cũng từ rượu của Chiết Nhan mà ra.
Chiết Nhan giỏi cất rượu, lại rất yêu chiều tứ ca, rượu ủ ra đều do tứ ca đem đi, tứ ca luôn chăm sóc ta, ta được thơm lây huynh ấy ở điểm này, nên rất năng qua lại hầm rượu ở rừng đào mười dặm, dần dần đâm ra hơi thích rượu. Vì ta uống quá nhiều rượu của Chiết Nhan, trong lòng cũng hơi đắc ý, gặp tiệc lớn tiệc nhỏ cũng đều thay lão khen ngợi vài tiếng trước đám tiên hữu. Thành thật mà nói lúc đó kỹ thuật nấu rượu của Chiết Nhan đã rất phi phàm, nhưng rốt cuộc vẫn còn có thể tiến bộ nữa, nhưng ta tuổi nhỏ khờ khạo, luôn khoa trương, có ba phần thì nói bốc lên năm phần, có năm phần thì nói bốc lên mười phần, cho nên ở yến tiệc có khen rằng rượu của lão là độc nhất vô nhị, đương nhiên khiến cho mấy người ham rượu nghe không lọt lỗ tai, phải lôi rượu nhà khác ra để hạ Chiết Nhan xuống, bẻ gãy nhuệ khí của ta.
Trên núi Côn Luân có một người như thế, Thập lục sư huynh của ta Tử Lan. Bây giờ ta vẫn còn cảm thấy Tử Lan hơi nhỏ mọn, những sư huynh khác khi nghe ta tán thưởng Chiết Nhan đều chỉ cười trừ mà thôi, mặc dù cũng có ý kiến này kia, nhưng nể ta là sư đệ nhỏ nhất, nên đều bỏ qua cho ta. Tử Lan thì lại không thế, thường xuyên ngoác miệng ra, hừ mũi cực kỳ khinh mạn, nói: “Chậc chậc chậc, được uống thử rượu của sư phụ nấu chưa?”. Sư phụ mà huynh ấy nói, đương nhiên là Mặc Uyên.
Khi ấy, ta vẫn hơi coi thường Mặc Uyên, không chịu chấp nhận người khác khen người, thấy bộ dạng tự cho mình là đúng đó của Tử Lan, lửa giận bốc ngùn ngụt, trong lòng thầm quyết, lần sau nhất định nghĩ cách, để cho huynh ấy phải thừa nhận rượu của Mặc Uyên nấu không ngon bằng rượu của Chiết Nhan trước mặt tất cả các sư huynh, Mặc Uyên không sánh được, Mặc Uyên còn lâu mới bằng.
Cách mà ta nghĩ lúc đó là một cách hết sức ngô nghê, chẳng qua là đến hầm rượu của núi Côn Luân lấy trộm một bình rượu do Mặc Uyên nấu, đưa cho Chiết Nhan tham khảo, làm ra một bình còn ngon hơn gấp trăm gấp ngàn lần. Cuối cùng là trộm được, nhưng không dám đi qua cửa chính, định từ rừng đào sau núi đi vòng, vòng xuống núi rồi cưỡi mây đi đến phủ của Chiết Nhan. Lúc vòng vèo đến rừng đào, chẳng may bị lạc đường, vất vả cả nửa ngày mà không đem được rượu đi, miệng thì khát, trên người lại chỉ mang độc một bình rượu của Mặc Uyên, thế là ta lấy ra giải khát.
Vừa nhấp một ngụm ta đã hơi bàng hoàng. Chỉ một ngụm nhỏ mà thôi, mùi rượu đã tràn khoang miệng, vị cay dịu xộc đến cuống họng. Tài nghệ của Chiết Nhan, phải nâng cao một chút nữa, thì mới chạm được đến hỏa hầu này.
Mặc Uyên quả nhiên có bản lĩnh đệ nhất này! Một bạch diện thư sinh sao lại có được bản lĩnh đệ nhất này?
Ta vô cùng bi phẫn, uất ức dâng tràn, rượu trong tay cho dù có mang đến cho Chiết Nhan cũng chẳng để làm gì. Ta đau buồn một lúc, rồi dứt khoát uống tì tì hết sạch bình rượu.
Đâu biết rằng loại rượu này mới đầu uống êm dịu, nhưng về sau say đến không ngờ. Ta hoa mày chóng mặt dựa vào gốc đào, chẳng bao lâu sau thì ngủ thiếp đi mất.
Khi tỉnh lại, thì có chút khác biệt với hôm qua, không phải tự nhiên mà tỉnh, cũng không phải bị mấy tiếng thúc giục cằn nhằn của đại sư huynh gọi dậy, mà là bị hắt một chậu nước lạnh, giật mình tỉnh dậy.
Người hắt nước có lẽ cũng có kinh nghiệm, phương hướng và lực đạo đều rất chuẩn, chỉ cần một chậu nước, đã khiến ta tỉnh táo trở lại. Khi ấy là ngày tuyết tan của đầu xuân, chậu nước đó hẳn là chậu nước tuyết tan ra, áo xiêm thấm đẫm dính trên người, chỉ trong thời gian uống một chén trà mà khiến ta hắt hơi một cái dữ dội.
Một cô gái bưng chén trà đứng bên cạnh chiếc ghế bằng gỗ đen, nàng chỉ uống một ngụm trà rồi bỏ chén xuống, thong thả chậm rãi lạnh lùng nhìn ta. Hai thị nữ đứng hầu bên nàng ta, trên đầu còn chải tóc hình quả bí. Ngày ta bái sư nhập môn, đã được đại sư huynh dặn dò, bảo ta chớ có dây vào mấy thiếu nữ búi tóc hình quả bí, cho dù đối phương thất lễ trước, thân là đệ tử của núi Côn Luân, cũng phải nhường ba, bốn phân. Vì những nữ tử búi tóc hình quả bí kia thường xuyên tới núi Côn Luân chơi, thì chắc chắn là tỳ nữ của thượng thần Dao Quang. Thượng thần Dao Quang là nữ thần dịu dàng thời bình, hung mãnh thời chiến, luôn si mê thượng thần Mặc Uyên, sư phụ của chúng ta, gần đây còn yêu đơn phương dữ dội hơn, dứt khoát dời nhà đến gần núi Côn Luân, cách mấy ngày lại sai tỳ nữ đến núi Côn Luân khiêu khích kiếm chuyện, muốn khích Mặc Uyên đánh với nàng ta một trận, xem xem bản lĩnh của nàng, phải hàng phục bám váy nàng, vĩnh viễn cùng nàng kết đôi. Mưu tính của nàng ta không tồi, nhưng dường như Mặc Uyên lại không coi đó là chuyện lớn, chỉ dặn dò đệ tử phải coi người tới là khách, có thể chiều chuộng gì thì chiều chuộng hơn một chút.
Mấy thị nữ tóc quả bí trước mắt nhắc nhở ta, khiến ta nhận ra thân phận họ trong giây lát, người ngồi trên ghế uống trà kia, chính là thượng thần Dao Quang yêu đơn phương Mặc Uyên.
Nàng ta nhân lúc ta say túy lúy mà trói bắt ta về đây, chắc là muốn thỏa tâm nguyện, khích cho Mặc Uyên đánh với mình một trận, biết đâu trong trận này Mặc Uyên nảy sinh tình cảm với nàng ta, kế đó chàng đoán thiếp thiếp đoán chàng, kế đó chàng hữu tình thiếp hữu ý, kế đó cầm sắt hài hòa song túc song phi.
Nhưng lại liên lụy đến ta thành hòn đá lót đường, ta cảm thấy mình vô tội biết bao, oan ức biết bao.
Một thị nữ đứng bên phải ho một tiếng, nhận cái nhìn của chủ nàng ta lập tức làm bộ dáng vẻ dạy dỗ người khác, nói: “Núi Côn Luân là nơi thánh địa thanh khiết bậc nhất trong bốn bể tám cõi, con hồ ly đực yêu mị như ngươi lại dám trà trộn vào để dụ dỗ thượng thần Mặc Uyên sao?”.
Ta ngớ ra, rồi “a” một tiếng.
Nàng ta trừng mắt nhìn ta rồi nói tiếp: “Ngươi nhìn ngươi xem, mắt, mày, miệng, đều là vẻ yêu mị! Từ lúc thu nhận ngươi làm đệ tử, thượng thần Mặc Uyên lúc nào cũng yêu thương bảo vệ”. Sắc mặt thượng thần Dao Quang không tốt lắm, thị nữ đó lập tức sửa, “Bèn bỏ bê tiên đạo, thượng thần nhà ta niệm tình tiên liêu, không nỡ giương mắt nhìn thượng thần Mặc Uyên đi vào con đường sai lầm, không thể không giúp đỡ”. Nàng ta nói chậm lại, “Tuy rằng ngươi phạm phải sai lầm lớn như vậy, nhưng thượng thần nhà ta nổi tiếng từ bi, nên cho ngươi làm đồng tử của thượng thần nhà ta, chuyên tâm tu hành, cũng là sửa đổi bản tính ngoan cố của ngươi, còn không mau mau quỳ xuống cảm tạ ân tình của thượng thần nhà ta”.
Ta ngây người ra nhìn bọn họ, hoàn toàn không hiểu họ đang diễn trò gì. Nghĩ mãi lại cảm thấy từ khi mình đến núi Côn Luân, ngoài việc lấy trộm rượu khỏi hầm ra, thì chưa từng làm gì trái quy củ, nếu có thì có chăng chỉ là lúc ban đầu nhờ cậy quan hệ để được bái sư môn mà thôi.
Ta rất phẫn nộ, bực bội quát: “Ta chẳng làm gì sai với sư phụ, sư phụ đối tốt với ta cũng vì có cố nhân nhờ cậy, thương xót ta thân thế thê thảm. Ngươi bắt ta đến đây, còn hắt nước vào ta, chỉ một ngón tay sư phụ ta cũng còn hơn các ngươi trăm lần ngàn lần, ta quyết không làm đồng tử dưới trướng của ngươi”.
Thượng thần Dao Quang đập bàn một cái, tức giận thét lên: “Ngoan cố, ngu tối như thế, tống nó vào thủy lao, giam ba ngày”.
Bây giờ ngẫm lại, khi đó Dao Quang đang bị đố kỵ che mờ mắt, tuy rằng là hiểu lầm, còn ta tuổi trẻ bồng bột không biết ăn nói, lại đem một hiểu lầm có thể tháo gỡ làm thành một nút chết, sau này phải nếm khổ hai ngày kể ra cũng đáng.
Thủy lao trong phủ của thượng thần Dao Quang, thú vị hơn nhiều những thủy lao bình thường khác. Lúc đầu chỉ là nước ngập đến eo, cho một người sống vào đó, nước sẽ từ từ dâng từ eo lên, dần dần dâng lên, nhưng không bị ngập đầu. Tuy rằng không ngập đầu, không khiến bạn chết ngạt, nhưng luôn khiến bạn phải khổ sở vì bị ngừng thở. Nếu luôn ngừng thở như thế, thì cần nhịn thở là quen, nhưng nhịn được nửa canh giờ, nước lại dần dần rút lui, để bạn hít thở một hơi, rồi lại bắt đầu lại từ đầu.
Vì ta rong chơi đã bao năm, nếu có đem hết sức ra thì cũng không địch nổi một thượng thần, không thể phản kháng, chỉ có chờ chết.
Lúc Mặc Uyên đến, ta đã bị giày vò đến nỗi chỉ còn nửa cái mạng.
Cho dù là chỉ còn nửa cái mạng thì chung quy vẫn là một thiếu niên sức sống tràn trề, trong mơ hồ vẫn còn nhớ Mặc Uyên sầm mặt một tay vung lên mở chiếc khóa đen trên cửa nhà lao, vớt ta từ dưới nước lên giữa ánh lửa bập bùng, lấy áo bào bọc kín ta vào lòng, lạnh lùng nói với Dao Quang khuôn mặt đang trắng bệch, nói: “Mười bảy tháng hai, trên đỉnh Thương Ngô, món nợ này chúng ta phải tính sạch”.
Dao Quang rầu rĩ nói: “Thiếp rất muốn thử sức với chàng một trận, nhưng không phải trong tình cảnh này, cũng không phải…”.
Ta còn chưa nghe thấy nàng ta nói hết câu thì đã được Mặc Uyên sải bước đưa đi. Ra đến cổng gặp đại sư huynh, huynh ấy đưa tay đón ta, nhưng sư phụ không đưa, rồi cứ như thế mà đi.
Khi ấy, lần đầu tiên ta cảm thấy, cho dù Mặc Uyên không nói những lời kinh thiên động địa, thì giọng nói cũng sáng rõ trầm bổng. Cho dù cánh ta không được thô ráp như cột đá, cũng rất mạnh mẽ kiên cường. Mặc Uyên không còn là một bạch diện thư sinh.
Vừa về tới núi Côn Luân, ta đã ngủ mê mệt, khi tỉnh lại nghe đại sư huynh nói, Mặc Uyên đã đến núi Thương Ngô quyết đấu với thượng thần Dao Quang. Vì đây là cảnh tượng bảy vạn năm nay mới có một lần, từ nhị sư huynh đến thập lục sư huynh đều lén trốn đi xem. Đại sư huynh nhìn ta đầy tiếc nuối: “Đệ nói xem sao sư phụ lại sai huynh đến chăm sóc đệ?”. Không thể xem trận chiến giữa Mặc Uyên và Dao Quang, ta cũng rất nuối tiếc, nhưng để đại sư huynh không cảm thấy nuối tiếc nhiều như thế, chỉ có cách nhận ân tình cười ngốc nghếch hì hì hai tiếng.
Đại sư huynh đúng là nói không ngừng, nghe huynh ấy lải nhải mấy ngày liền ta mới hiểu ra chuyện Dao Quang bắt ta, thực ra là tiến hành rất kín kẽ cẩn mật.
Đêm đó đến khi tắt đèn mà ta vẫn chưa về phòng, các sư huynh rất lo lắng, nhất loạt đi tìm ta mà không thấy, càng nghi ngờ ta đã bị tiên tỳ của thượng thần Dao Quang bắt đi mất. Tuy suy đoán như thế nhưng cũng không có gì làm chứng cứ, các sư huynh đều rất lo sợ, bất đắc dĩ đành kinh động đến sư phụ. Sư phụ chuẩn bị đi nghỉ, nghe thấy chuyện chỉ khoác chiếc áo bào, rồi dẫn đại sư huynh đến phủ đệ của thượng thần Dao Quang. Thượng thần Dao Quang thà chết không chịu nhận, sư phụ vung kiếm Hiên Viên, không thèm đếm xỉa đến lễ nghi gì, thẳng đường xông tới, mới tìm thấy ta.
Đại sư huynh “chậc chậc” cảm thán: “Nếu không phải nhờ uy lực của sư phụ, thì Thập thất đệ chắc chẳng còn giữ được cái mạng nữa”. Sau đó lại cười nói, “Đệ vừa về đến Côn Luân là lại ngất đi, nằm mơ còn ôm tay sư phụ rất chặt kêu là khó chịu, kéo thế nào cũng không chịu buông ra, sư phụ thấy chẳng ra sao, đành vỗ vỗ vào lưng đệ an ủi “đừng sợ nữa, có sư phụ bảo vệ đây rồi”, ha ha, bộ dạng của đệ, đúng là chẳng khác gì đứa trẻ con”. Mặt ta đỏ bừng, huynh ấy lại nghi hoặc hỏi, “Rốt cuộc đệ đã đắc tội gì với thượng thần Dao Quang? Nàng ta tuy rằng có hơi xấu tính một chút, nhưng xưa nay cũng chưa từng ra tay tàn độc thế”.
Ta vừa điều dưỡng, vừa cân nhắc trước sau một lượt, định nói với huynh ấy, rằng lần này vị thượng thần đó đã ghen bóng ghen gió, nhưng lại cảm thấy nói xấu sau lưng người khác là không hay, bèn ấp úng nói lấp liếm vài câu.
Lần này ta nằm mơ thấy Mặc Uyên chính là mơ thấy chuyện này. Giấc mơ giống hệt với những gì xảy ra ngày hôm đó. Vốn sau trận chiến trên núi Thương Ngô, buổi chiều hôm đó Mặc Uyên đã quay về Côn Luân, Dao Quang thua trận thảm bại, sau trận chiến này đã chết hẳn mối tình si với Mặc Uyên, dời phủ đệ đi thật xa, thật xa. Nhưng trong giấc mộng của ta, sau trận chiến Thương Ngô ngày mười bảy tháng hai, Mặc Uyên lại không quay về. Ngày ngày ta đều quấn lấy đại sư huynh hỏi, rốt cuộc bao giờ sư phụ quay về, đại sư huynh đều trả lời ta, sắp rồi, sắp rồi.
Cho dù là nằm mơ, ta vẫn phải hỏi câu này, nhưng câu này đã hỏi hơi muộn một chút.
Nhưng ta tin đại sư huynh, huynh ấy nói sắp rồi, sắp rồi, ta cũng cảm giác đúng là sắp rồi, sắp rồi.
Ta đã chờ trong mơ suốt bảy vạn năm, cho dù đợi bảy vạn năm, cũng trong giấc mơ đó, ta luôn ngây ngô tin lời đại sư huynh, tin rằng sư phụ sắp về rồi, sắp rồi. Trái tim ngây thơ và bình yên ấy thực sự không thể so với ngày nay.
Chú thích:
30. Còn gọi là Chúc Long, là một trong sáu thần sáng thế của thời thượng cổ Trung Quốc, là vị thần mình rắn mặt người trong truyền thuyết Trung Quốc. Có ghi chép trong sách Sơn Hải Kinh (ND).