• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mùa đông nên vết thương lâu lành, đợi đến khi vết thương trên chân Tống Thiển kết vảy đã là hai mươi ba tháng chạp, mọi người bắt đầu mua đồ tết, giấy đỏ, đèn lồng…

Ăn sáng xong, Đổng Thành Mai xách giỏ chuẩn bị đi chợ, Tống Chí Tiến cầm tẩu tặc lưỡi, nghĩ một lúc rồi nói: “Sẵn dịp thì vào trấn một chuyến đi, mua cho ba đứa bộ đồ mới để đón Tết.”

Với điều kiện sống ở những năm tám mươi, số hộ có thể mua quần áo mới cho con cái đón Tết ở Diêm Đóa không nhiều, đa số đều là trái chắp phải vá cho đến khi không mặc được nữa thì mới cắt ra vá cái khác, phần lớn đều mặc đồ của con nhà người thân, hàng xóm.

Đổng Thành Mai cười: “Được, có cần gọi chúng nó dậy đi cùng không?”

“Được, Nhị Nha thì đừng gọi. Nếu buổi trưa không về thì chừa ít cơm trong nồi cho nó tự hâm lại.”

“Cũng được, chân con bé vẫn chưa đỡ, cần nghỉ ngơi.”

Thiếu nam thiếu nữ mười mấy tuổi vô cùng tò mò về thế giới bên ngoài, nhất là nửa năm mới được vào thị trấn một lần, đồ trong cửa hàng sặc sỡ đủ loại, sách giáo khoa không thể nào thỏa mãn khát vọng của bọn họ đối với trấn lớn.

Advertisement

Lúc Tống Thanh và Tống Thiên Tứ thay quần áo xong, đi ra ngoài thì Tống Thiển cũng đã tỉnh, nghe thấy bọn họ cãi nhau phải mang gì theo, luống ca luống cuống.

Cô không hề tò mò, hơn nữa cô còn có chuyện quan trọng phải làm. Có tiếng bước chân lộn xộn ngoài cửa, có lẽ có người sắp đẩy cửa bước vào.

Cô nhắm mắt giả vờ ngủ, đợi tất cả mọi người đi rồi mới ngồi dậy, trên bàn ăn để lại một mảnh giấy mà Tống Thanh viết, nói buổi chiều chị ấy mới về, bảo cô ở nhà tự lo cơm nước.

Tống Thiển chậm chạp đi vào bếp, giấu bánh bao mới làm hai ngày trước vào áo rồi đi đến cuối thôn.

Trên đường có rất nhiều phụ nữ xách giỏ dẫn con đi chợ, càng đi sớm càng mua được đồ tốt, đi muộn thì chỉ còn đầu thừa đuôi thẹo.

Quãng đường vốn chỉ mất vài phút mà cô đi gần nửa tiếng, khi đến cổng thì thở hồng hộc, mặt đỏ bừng, nhưng cô vẫn gõ cửa mấy tiếng.

Không có ai đáp lại.

Lại gõ, vẫn không có ai.

Tống Thiển hơi nản lòng, có thể là ra ngoài rồi, dù sao trước đây anh cũng lang thang khắp nơi trong thôn, nếu không phải còn có bà nội cần chăm sóc, có lẽ mười mấy ngày cũng sẽ không về nhà lấy một lần.

Ngay lúc cô quay người định rời đi thì két một tiếng, cánh cửa mở ra.

Thiếu niên đứng trong bóng tối ló mặt ra nhìn cô, giống như đang trách móc, lại thờ ơ, không quan tâm.

Là bản thân thất hẹn, Tống Thiển lập tức lấy bữa trưa ra, hôm nay, cô còn đặc biệt mang thêm đôi đũa và dưa muối.

Thiếu niên không thèm để ý đến cô, mở cửa rồi đi vào trong, lên giường nằm giả vờ ngủ, hai tay gối sau đầu, không nhìn rõ khuôn mặt.

Tống Thiển nhìn hành động của anh như đứa trẻ bảy, tám tuổi cáu kỉnh rồi hờn dỗi một mình.

Tống Thiển là con một, không có kinh nghiệm dỗ dành người khác, cùng lắm là giúp hàng xóm trông con, nhưng đó là một thằng nhóc ngoan ngoãn không thích nói chuyện, không dính người.

Cô không có cách nào, chỉ đành mở hộp cơm nhỏ ra, xếp xong đũa, nghĩ đến bản thân mình cũng chưa ăn thì ngồi xuống ăn luôn.

Tiếng sột soạt vang lên, anh lê giày đến ngồi xuống, cũng không khách sáo, cùng cô ăn cơm như gia đình bình thường.

Hạng Loan Thành cầm màn thầu lên gặm, hoàn toàn không có hứng thú với dưa muối.

Tống Thiển thấy anh ăn hơi khô thì gắp một miếng đặt lên miếng màn thầu của anh.

Anh ngẩng đầu nhìn cô, không hiểu gì.

Cô chỉ vào, ý bảo ăn rất ngon.

Trong mặn có chút cay, lại hơi ngọt, Hạng Loan Thành ăn hết một miếng thì không gắp thêm.

Cùng nhau ăn xong, Tống Thiển dọn hộp cơm cho vào túi, mở miệng hỏi: “Cậu đã nghĩ ra sau này sẽ làm gì chưa?”

Sau này?

Hạng Loan Thành dựa lưng vào hàng rào trước vườn rau, nhìn về những nấm mộ cách đó không xa.

Có nghĩ đến.

Trông mộ cả đời, đến khi già rồi chết đi sẽ chôn bên cạnh họ, rồi lại để con của anh trông coi bọn họ. 

Anh không quan tâm nửa đời còn lại, dù sao sau khi nhắm mắt, còn ai biết được chuyện ở đây chứ.

“Thập Thất à, học nghề gì đó đi. Sau này cậu phải tự nuôi sống bản thân.” Mấy ngày nay nằm trên giường, Tống Thiển sắp xếp lại hết những tình tiết liên quan đến Hạng Loan Thành mà mình biết được.

Âm thầm hạ quyết tâm, tuyệt đối không được phép bỏ mặc anh tự sinh tự diệt.

“Tôi nghe nói sau khi đón Tết xong, rất nhiều người trong thôn sẽ lên trấn học nghề. Cậu cứ đi học mấy năm, học nghề xong là có thể kiếm tiền để ăn cơm rồi.”

Hạng Loan Thành nghe xong thì bỏ ngoài tai. Đối với anh, ăn no mặc ấm là việc lớn, nhưng cũng không phải là việc quan trọng nhất, không cần thiết để anh phải rời khỏi đây.

Muốn ăn thì đi trộm một ít, quần áo rách thì đến sân nhà người ta lấy một bộ, thật ra không đáng để đến một nơi khác chịu khổ.

Anh sinh ra ở đây, lớn lên cũng ở đây, cuối cùng cũng sẽ chết ở đây.

Anh không nghi ngờ, nhưng cũng không muốn thay đổi.

Nhưng anh không nói ra. Đứa trẻ chỉ cao bằng củ cải này học cũng chưa xong nhưng rất hăng hái muốn giúp đỡ người khác.

Tống Thiển ghé vào tai anh, nghiêm túc thuật lại kế hoạch mấy hôm nay mình đã nghĩ ra, nhỏ là để kiếm ăn, lớn là chuộc lại nhà rồi sửa chữa lại. Thế giới trong lời cô dường như hoàn toàn không hợp với anh, khác biệt một trời một vực.

Hạng Loan Thành không ngắt lời cô, từ từ nhắm hai mắt lại nghe cô nói không ngừng, ánh nắng chiều ấm áp chiếu lên người khiến anh lười biếng, mệt mỏi và buồn ngủ.

Hạng Loan Thành rất nhanh đã thiếp đi, Tống Thiển đánh thức anh, bảo anh vào phòng để đừng bị lạnh, sau đó rời đi.

Anh vừa mở mắt đã khôi phục lại sự tỉnh táo, không còn buồn ngủ.   

Đến hai mươi chín tháng chạp, nhà nhà bắt đầu gói màn thầu, nhiều nhà còn xa xỉ mang thịt mỡ mua lúc trước ra lọc lấy mỡ, cho vào trong nhân, gói lại rồi hấp lên, sau khi chín vừa thơm vừa mềm.

Tống Thiển ăn không nhiều, còn thừa lại đều giấu vào cái hộp nhỏ dưới gầm gường.

Qua Lạp Bát* là qua năm mới, cô nhân lúc mọi người đều đang bận rộn, lén đi tìm Hạng Loan Thành một lần, mang theo cả màn thầu và thịt viên mà thường ngày mình để dành lại, trái cây, hạt dưa đều cho vào túi, một túi nhỏ đầy ắp đủ để ăn một thời gian dài.

* Lạp Bát: Ngày mùng 8 tháng 12 là ngày Đức Phật Thích ca Mâu ni thành đạo. Để không quên những đau khổ của Phật trước khi thành đạo, người Ấn Độ xưa đã ăn cháo thập cẩm vào ngày này. Từ khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, nhiều chùa đã dùng ngũ cốc và các loại hạt để nấu cháo cho các đệ tử và tín đồ Phật giáo. Trước đây, cháo Lạp Bát được nấu với đậu đỏ, sau này được thay đổi và trở nên phong phú, đa dạng hơn theo từng địa phương.

Cô đưa xong thì rời đi, dù sao cũng không mong cậu thiếu niên kiêu ngạo bướng bỉnh này sẽ có thể nói một tiếng cảm ơn.

Đêm 30 phải đón giao thừa, mấy năm rồi trong thôn chỉ có nhà trưởng thôn có tivi, vì vậy cả nhà ngồi quanh bếp lửa để sưởi ấm, chờ thời khắc chuyển giao.

Những năm trước đều là hai người Tống Thanh và Tống Thiên Tứ tinh thần tràn đầy, sau khi tiếng pháo đầu tiên trong thôn vang lên, họ còn chờ đến khi pháo đốt xong mới chịu đi ngủ. 

Năm nay Tống Thiển cũng nhập bọn, ba chị em vừa cắn hạt dưa, ăn lạc vừa nói chuyện phiếm.

Vầng trăng lưỡi liềm treo trên bầu trời đêm đen kịt, những ngôi sao nhỏ lấp lánh vây quanh, nhưng tâm trạng háo hức cũng không át nổi cái lạnh đêm nay, đây là giao thừa đầu tiên mà cô trải qua ở đây.

Ông bà nội đã lớn tuổi, vì để cô có thể yên tâm học hành mà mỗi ngày đều bận rộn trong cửa hàng nhỏ từ sớm đến tối, bữa cơm đoàn viên đêm 30 cũng tùy tiện ăn trong cửa hàng ăn một bữa, làm việc vất vả cả ngày mới về đến nhà, không còn tâm trí và sức lực làm cơm giao thừa nữa.

Tống Thiển đã nhiều năm chưa nghe thấy tiếng báo năm mới đến, chỉ là tiếng pháo điếc tai trong lúc đang mơ màng ngủ mà thôi.

Cô hưng phấn nhìn ra khoảng sân bên ngoài, cánh cổng mở rộng, có thể lờ mờ nhìn thấy đám trẻ vui đùa chạy nhảy đuổi bắt nhau.

Pháo hoa hiện lên, phát sáng lấp lánh, tiếng cười nói hoan hô khắp nơi.

“Chị, chị muốn chơi không?” Tống Thiên Tứ vừa ngước lên thì thấy Tống Thiển mở to đôi mắt sáng rực nhìn chằm chằm vào mấy cái pháo hoa.

Ánh mắt thích thú như đứa trẻ con.

Lúc này, ngoài cửa sổ đúng lúc có người đốt pháo hoa, từng tiếng nổ vang lên giữa không trung, tuy không có nhiều hình dạng và màu sắc như ở hiện đại nhưng vẫn tràn ngập không khí chào mừng năm mới.

Tống Thiên Tứ chạy ra ngoài cửa, chưa được một lúc đã mang về mấy cây pháo hoa lớn.

Tống Thiển vui vẻ ra sân châm lửa vào dây dẫn lửa, trong gió lạnh, những đốm lửa nhỏ tung tóe khắp nơi, có chút ấm áp, cuối cùng chỉ còn lại một ít viên tròn màu đen như than.

Thua xa pháo tiên nữ* xinh đẹp của hiện đại nhưng lại đong đầy tình cảm.

* Pháo tiên nữ: pháo hoa que, bao bì in hình cô tiên      

Tống Thiển chơi rất vui, không để ý đến có người ngồi trên đầu tường phía tây.

Hạng Loan Thành trèo lên tường đúng lúc Tống Thiển thắp sáng cây pháo hoa thứ nhất, chị cô không muốn ra ngoài nên chỉ có một mình cô vui vẻ chơi ngoài sân, đốt liên tục hết cây này đến cây khác.

Đợi đến lúc cô giậm chân kêu lạnh bước vào nhà, anh mới nhảy xuống, lặng lẽ rời đi không một tiếng động.

Trở về căn nhà nhỏ, rất lạnh lẽo, không ngửi thấy chút mùi pháo hoa nào.

Cởi áo ra nằm xuống, bên tai toàn là tiếng pháo đùng đùng náo nhiệt lạ thường.

Trong đêm khuya thanh vắng, cô quạnh đến đáng sợ.

*

Ngày đầu tiên của năm mới, tâm trạng Tống Chí Tiến vô cùng tốt khiến không khí trong nhà cũng hòa hợp hơn, sáng sớm đã phát tiền lì xì, ăn xong cơm trưa, cả nhà chuẩn bị đi thăm người thân, bạn bè.

Thay quần áo mới, ai cũng vui sướng hân hoan, Tống Thiển ngoan ngoãn theo sau, trên đường nhìn thấy rất nhiều hàng xóm, nói nói cười cười một lát đã đến bốn, năm giờ chiều.        

Cho dù đã lập gia đình và chia nhà ở riêng, gia đình bác cả Tống và nhà cô vẫn thường cùng nhau ăn cơm đoàn viên vào tối mùng một năm mới.

Ngoài người con gái lớn của bác cả Tống đã lấy chồng ra thì chỉ có tám người, bởi vì hôm nay không thể đốt lửa nên đồ ăn đều được hâm lại từ hôm qua.    

Bác cả và cha cô vừa uống rượu vừa nói chuyện, lúc nhắc đến Tống Thanh, vẻ mặt Tống Chí Tiến rất tự hào. Năm ngoái lúc đưa thư báo về cho gia đình, giáo viên khen ngợi đứa nhỏ này không ngớt, là một học sinh tốt ở trường.

Một trong số ít đứa trẻ có hy vọng trong huyện.

Phải cố gắng bồi dưỡng, tương lai sau này đầy hứa hẹn.

Tống Chí Cương lúc ấy cũng nhắc đến con gái Tống Tư của mình, ở phía nam kiếm được nhiều tiền, đã có thể mua được xe.

Đợi đến lúc cô ấy về nhà mẹ đẻ, một chiếc Santana màu đỏ sẫm mới toanh bóng loáng đỗ ở đầu thôn, một người đàn ông bước xuống xe hùng hùng hổ hổ nói một câu bằng giọng miền nam không chuẩn, đại khái là đường ở nông thôn lầy lội như vậy sẽ làm bẩn chiếc xe.

Hai tay Tống Tư xách đồ biếu cha mẹ, dọc đường đều đi chậm theo sau  người đàn ông, không hề tức giận.

Lúc vào đến cổng, bác dâu Tống đang cùng Đổng Thành Mai nhặt rau, nghe nói con gái về, chuẩn bị gọi nhà em chồng đến tiếp đón con rể thật chu đáo.

Chỉ có điều người con rể này vừa vào cửa đã bày vẻ mặt mệt mỏi, bác dâu Tống tươi cười hỏi: “Đến sớm vậy sao? Có mệt không con? Hay là vào trong nằm nghỉ chút đi.”

Tống Tư thấy người đàn ông bên cạnh không kiên nhẫn lắc đầu với mẹ, sợ bà thất vọng, vội vàng đưa quà qua.

“Đây là kỷ tử, dùng để ngâm trà.”

“Đây là long nhãn, còn cái này là táo đỏ.”

Bác dâu Tống cũng không hiểu mấy thứ này, chỉ nghe con gái nói đủ thứ, nụ cười chất phác trên mặt không thể ngừng lại, trong lòng thầm nghĩ con gái thật hiếu thuận.

Lại đứng nói chuyện với con gái một lúc mới chuẩn bị bàn ăn, đến lúc uống rượu say sưa, con rể Tống nháy mắt ra hiệu cho Tống Tư, nên nhắc đến mục đích của chuyến đi lần này rồi.

Sắc mặt Tống Tư khó coi, phải mất một lúc mới mở miệng: “Cha, chú…”

Hai người đàn ông uống hết một xị rượu đã ngà ngà say, Tống Chí Cương nhấp ngụm rượu, mãi mới lên tiếng: “Điều kiện trong nhà thế nào con cũng biết rõ, có được mấy trăm tệ còn khó, mày muốn mấy nghìn tệ thì lấy đâu ra.”

Từ lúc hai đứa nó trở về là ông đã biết bọn chúng có tâm tư gì rồi, trong bụng toàn ý xấu.

Con rể Tống đã sớm nghĩ ra lý do: “Cha, con cũng biết chuyện này hơi khó, nhưng ông chủ người ta đã đồng ý với con rồi, chỉ cần đầu tư thêm một khoản vào đó nữa thôi là có thể thu hồi vốn, lãi gấp mười lần.”

Tống Thiển ngồi đối diện bàn ăn không lên tiếng, tuy cô không hiểu chuyện làm ăn nhưng việc buôn một lãi mười trước nay hiếm có, chỉ có người lỗ đến mức táng gia bại sản thì nhiều.

“Chúng ta có thể mang căn nhà này đi thế chấp trước, ở tạm nhà chú hai. Con đã tìm hiểu kỹ bên hiệu cầm đồ rồi.”

“Đến lúc làm ăn có lời sẽ chuộc nhà lại, rất nhanh thôi, con bảo đảm.”



Tác giả có lời muốn nói: 

Hạng 7 tủi: Cậu không đến thăm tôi, có phải là không yêu tôi nữa rồi không? Hay là còn có người khác bên ngoài?

Tống Thiển: Tôi không phải! Tôi không có! Cậu phải tin tôi. Tôi… tôi yêu cậu nhất.

Hạng 7 tủi: Hứ hứ hứ, tôi không quan tâm. Tôi đang không vui đấy, cậu phải dỗ dành tôi.

Tống Thiến: Hử? (Đây là người tôi quen trong sách sao?)

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK