Langdon muốn nói với cô gái một điều gì đó, những lời cảm thông, rằng anh cũng đã từng trải qua cảm giác trống vắng đến không chịu đựng nổi khi bất ngờ mất đi người cha yêu dấu. Anh nhớ nhất là ngày tang lễ. Đó là một ngày mưa sụt sùi, bầu trời u ám chỉ cách hai ngày sau sinh nhật lần thứ 12 của anh. Những đồng nghiệp của cha, tất cả đều vận quần áo màu xám, kéo đến chật nhà. Tất cả bọn họ đều nắm chặt tay anh và nhắc đi nhắc lại những từ như bệnh tim và stress. Nước mắt giàn giụa, mẹ anh đùa rằng chỉ cần cầm tay cha là bà đã cầm chắc phần thắng ở thị trường chứng khoán, vì mạch đập của ông chính là chiếc đồng hồ vạn năng đối với bà…
Một lần, khi cha còn sống, Langdon nghe thấy mẹ van nài cha “Hãy nghỉ ngơi một chút để thưởng thức vẻ đẹp của hoa hồng”.
Năm đó, Langdon mua tặng cha một bông hồng ép trong bình thuỷ tinh nhân dịp Giáng sinh. Đó là bông hoa đẹp nhất mà anh từng trông thấy… những tia nắng mặt trời chiếu rọi vào chiếc bình đều hoá thành những dải sáng màu cầu vồng rực rỡ, chiếu rọi lên bức tường gần đó.
- Đẹp lắm! – cha nói khi mở gói giấy ra rồi hôn lên trán Langdon. – Cha con ta hãy tìm cho chiếc bình này một vị trí thích hợp nào!
Rồi ông cẩn thận cất chiếc bình trên một cái giá đầy bụi, trong góc tối nhất ở phòng khách. Vài ngày sau, Langdon bắc ghế đẩu để lấy chiếc bình xuống, đem trả lại cửa hàng. Cha anh không bao giờ biết rằng bông hoa đã biến mất.
Tiếng chuông thang máy kéo Langdon quay trở về thực tại. Cả Vittoria và Kohler đều đang đứng trước mặt anh, chuẩn bị bấm nút. Langdon vẫn đang ngập ngừng bên ngoài cánh cửa.
- Sao thế? – Kohler hỏi, với vẻ sốt ruột hơn là quan tâm.
- Không có gì, – Langdon trả lời, nặng nề bước vào thang máy chật hẹp. Anh chỉ sử dụng thang máy khi nào thực sự cần thiết, dù sao thì cầu thang bình thường vẫn thoáng đãng hơn nhiều.
- Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Vetra nằm dưới tầng hầm. – Kohler nói.
Tuyệt vời, Langdon thầm nghĩ khi anh cảm nhận được luồng gió mát lạnh thổi lên từ sâu dưới hầm. Cánh cửa đóng lại và thang máy bắt đầu đi xuống.
- Sáu tầng nhà, – Giọng nói của Kohler nghe lạnh lẽo như được phát ra từ một cỗ máy.
Langdon hình dung ra bóng tối phủ đầy căn hầm trống phía dưới. Anh cố xua đuổi ý nghĩ ấy đi bằng cách nhìn chăm chăm vào bảng chỉ dẫn trên thang máy. Kỳ lạ thật, thang máy này chỉ hiển thị hai chặng đến là TẦNG HẦM VÀ LHC.
- LHC nghĩa là gì? – Langdon hỏi, cố không để cho giọng nói trở nên run rẩy.
- Máy gia tốc hạt Hadron, – Kohler nói – Một loại máy gia tốc hạt.
Máy gia tốc hạt? Langdon rất mơ hồ về khái niệm này. Lần đầu tiên anh nghe đến nó khi đang ăn tối với mấy ông bạn đồng nghiệp ở Dunster House thuộc Cambridge. Một người bạn, nhà vật lí Bob Brownell,, đã đến muộn, vẻ mặt đầy tức giận.
- Lũ khốn đó bác bỏ rồi! – Brownell lầm bầm chửi rủa.
- Bác bỏ cái gì? – tất cả đồng thanh hỏi.
- Là cái gì?
- Máy va đập siêu dẫn lớn!
Ai đó nhún vai.
- Tôi không hề biết là Harward đang tiến hành lắp đặt một cỗ máy như thế.
- Không phải của Harvard! – Anh ta kêu lên. – Của nước Mỹ! Nó sẽ là máy gia tốc hạt mạnh nhất trên thế giới! Một trong những dự án khoa học quan trọng nhất thế kỷ! Chi phí lên tới 2 tỷ đô la, và Thượng nghị viện vừa bác bỏ. Những kẻ vận động hành lang Công giáo bảo thủ đáng nguyền rủa!
Khi Brownell bình tĩnh trở lại, anh ta giải thích rằng máy gia tốc hạt là một ống hình trụ cực lớn, trong đó các hạt nhỏ hơn nguyên tử được gia tăng tốc độ. Từ trường bên trong ống sẽ liên tục tắt bật cực nhanh để quay các hạt cho đến khi chúng đạt đến siêu vận tốc. Các hạt khi quay trong ống sẽ đạt vận tốc tối đa trên 288.000 km/s.
- Như thế là gần bằng tốc độ ánh sáng rồi còn gì, – một trong những giáo sư có mặt ở đó lên tiếng.
- Thì đúng là thế mà lại, – Brownell nói. Anh ta tiếp tục giải thích thêm rằng nếu tăng tốc hai hạt từ hai hướng đối lập nhau trong ống và cho chúng va đập vào nhau, các nhà khoa học có thể xé nhỏ thành phần của chúng ra là có được thành phần cơ bản nhất của tự nhiên.
- Máy gia tốc hạt, – Brownell tuyên bốt – Cực kỳ quan trọng đối với lương lai của khoa học. Hiện tượng va chạm giữa các hạt là chìa khoá mở ra cả một kho kiến thức về các công trình trong vũ trụ.
Nhà thơ của khu nội trú Harvard, một người ít nói tên là Charles Pratt, tỏ ra không mấy quan tâm:
- Tôi nghĩ rằng, làm thế chẳng khác gì nghiên cứu khoa học theo phương pháp của người vượn Nê-an-đéc-tan… đem nghiền nát một cái đồng hồ để nghiên cứu các bộ phận bên trong.
Brownell ném đĩa xuống bàn rồi hằm hằm lao ra khỏi phòng.
Vậy ra CERN có máy gia tốc hạt? Langdon thầm nghĩ trong khi thang máy tiếp tục lao xuống dưới. Một cái ống tròn để nghiền nhỏ các hạt. Anh băn khoăn không hiểu tại sao lại phải chôn cỗ máy này dưới lòng đất.
Thang máy dừng lại, Langdon cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra mặt đất quen thuộc đang ở ngay dưới chân mình. Nhưng khi cánh cửa mở ra thì cảm giác ấy hoàn toàn tan biến. Lại một lần nữa, anh đang ở một thế giới hoàn toàn xa lạ.
Lối đi dường như kéo dài đến vô tận ra cả hai phía: bên phải và bên trái. Lối đi này hình ống, lát xi măng đủ rộng để một cỗ xe 18 bánh có thể di chuyển dễ dàng. Nơi họ đang đứng tràn ngập ánh sáng, nhưng hành lang phía dưới thì tối thui. Một luồng gió lạnh lẽo phả ra từ khu vực tối tăm đó, như muốn nhắc nhở mọi người rằng họ đang ở rất sâu trong lòng đất. Langdon gần như cảm nhận được sức nặng của lớp đất đá ngay trên đầu họ.
Trong thoáng chốc, anh bỗng thấy mình lại là một cậu bé 9 tuổi… bóng tối nơi này đang đẩy anh trở lại với năm giờ đồng hồ khủng khiếp phải vật lộn với bóng đêm đen kịt… năm giờ đồng hố ấy còn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Siết chặt hai bàn tay, anh cố xua nỗi ám ảnh ấy khỏi tâm trí.
Vittoria lẳng lặng bước ra khỏi thang máy, rồi nhanh nhẹn tiến vào vùng bóng tối, chẳng cần chờ Kohler và anh đi cùng. Những bóng đèn huỳnh quang trên đầu tự động bật lên soi đường cho cô. Cảm giác thật bất an, Langdon thầm nghĩ như thể toàn bộ đường hầm đang dõi theo mỗi bước chân của cô gái. Langdon và Kohler đi theo, bóng họ đổ dài phía sau. Đèn tự động tắt phụt đi ngay sau lưng họ.
- Máy gia tốc hạt này dẫn đến đâu? – Langdon khẽ hỏi?
- Đến kia, – Kohler chỉ về bên trái, nơi một đường ống mạ crôm bóng loáng chạy dọc theo bức tường trong đường hầm.
Langdon bối rối ước lượng đường ống.
- Đây là máy gia tốc?
Chẳng giống như anh tưởng tượng chút nào. Cỗ máy này thẳng tắp, đường kính khoảng 0,9 mét, chạy dọc chiếu dài đường hầm cho đến khi biến mất vào bóng tối. Giống y hệt một cái ống cống công nghệ cao, Langdon nghĩ.
- Tôi tưởng máy gia tốc hạt hình tròn.
- Máy gia tốc này hình tròn, – Kohler nói – Trông có vẻ thẳng đấy nhưng chỉ là ảo giác quang học. Chu vi của đường ống này lớn đến nỗi người ta không thể nhận ra đường cong của nó – giống như trái đất.
Langdon lặng người kinh ngạc. Cái này hình tròn?
- Nhưng… hẳn nó phải lớn khủng khiếp!
LHC là cỗ máy lớn nhất trên thế giới.
Langdon nhớ lại một chuyện. Người phi công của CERN từng nói về một cỗ máy khổng lồ chôn sâu dưới mặt đất. Nhưng…
- Nó có đường kính trên 8 km… và dài 27 km.
Đầu óc Langdon quay cuồng.
- 27 km? – Anh nhìn ông giám đốc rồi quay sang nhìn khoảng tối trước mặt. – Đường hầm này dài 27 km? Trên… 16 dặm!
Kohler gật đầu. – Một hình tròn hoàn hảo. Nó kéo dài đến tận nước Pháp rồi uốn cong trở lại đến điểm này. Các hạt được tăng tốc tối đa sẽ di chuyển vòng quanh đường ống mười ngàn lần một giây trước khi va đập.
Langdon trân trối nhìn đường hầm khổng lồ, hai chân anh như nhũn ra.
- Ý ông muốn nói rằng CERN đã đào hàng triệu tấn đất chỉ để nghiền nhỏ các hạt?
Kohler nhún vai:
- Để tìm ra chân lí thì có khi phải dời non lấp bể.