Tôi dốc hết sức, cuối cùng cũng mở được mắt, cả một vùng trắng xóa mơ hồ hiện ra, có người hét lên: “Bác sĩ, nó tỉnh rồi, bác sĩ…”
Tầm nhìn dần rõ hơn, là mẹ, mẹ đang nhìn tôi, vui mừng đến rơi nước mắt. Tôi đang mơ à? Tôi như một người khách tha phương bôn ba ngàn dặm, cuối cùng cũng đã tìm được bến tàu neo đậu tránh gió mưa, nước mắt không ngừng tuôn ra. “Mẹ à!” Giọng tôi khan khàn, mẹ kích động, vừa khóc vừa than: “Cuối cùng mày cũng nhận ra mẹ rồi…”
Bấy giờ có bác sĩ và y tá đến đưa mẹ ra để tiến hành kiểm tra cho tôi, tôi muốn giữ mẹ lại, song không nhúc nhích nổi. Tôi lo lắng đánh mắt sang thì thấy ba đang vỗ về mẹ, mắt nhìn tôi chăm chú. “Ba.” Giọng tôi rất khẽ, nhưng dường như ba hiểu được khẩu hình của tôi, mắt đã hoe đỏ.
Tôi chậm chạp phản ứng lại, đây là thời hiện đại ư, tôi đã trở về rồi? Vô Trần đâu?
Sau khi kiểm tra xong, bác sĩ tuyên bố tôi đã vượt qua nguy hiểm, từ từ điều dưỡng sẽ khỏe lại, dặn dò tôi cả tá câu rồi bước ra ngoài. Mẹ ngồi cạnh giường, khóc: “Cuối cùng mày cũng tỉnh rồi, cái con bé hư hỏng này, mày muốn ba mẹ chết luôn phải không? Đầu tiên là không nhận ra ba mẹ, sau lại hôn mê thẳng cẳng, rốt cuộc mày muốn gì đây? Ôi…” Ba vỗ lưng mẹ: “Con nó mới tỉnh, đừng hù nó.” Mẹ kìm tiếng khóc lại, ngồi bên cạnh lau nước mắt, ba thì xoa đầu tôi: “Không sao thì tốt rồi, mẹ con lo lắm đấy.” Dứt lời, mắt lại đỏ hoe.
Tôi không còn sức để nói chuyện, chỉ đành nhìn họ khóc.
Cũng chẳng khỏe khoắn gì, chốc lát sau tôi đã thiếp đi, lúc tỉnh lại thì trời đã chiều tà, phòng hơi tối, có người ngồi trước giường. Tôi thấy mình khỏe hơn lần đầu tỉnh lại, “Mẹ, con muốn uống nước.”
Người nọ thấy tôi chuyển động, lập tức bật đèn đầu giường. “Vô Trần.” Tôi xúc động nhìn chàng, chàng thoáng ngây ra rồi đáp: “Anh là Sở Y Phàm, hai bác đi dùng cơm rồi.”
Sở Y Phàm, một cái tên đã lâu không nghe đến, đúng rồi, hòa thượng già kia đã nói, anh ta chính là kiếp sau của Vô Trần, Vô Trần bảo sẽ chờ tôi ở kiếp sau, chẳng lẽ đây chính là chàng?
Tôi khó mà kìm nổi kích động, nước mắt nén trong lòng từ khi Vô Trần mất đến nay như bị vỡ đê, không ngừng trào ra. Sở Y Phàm bối rối: “Sao thế, khó chịu ở đâu à? Anh gọi bác sĩ nhé.” Tôi lắc đầu, nước mắt vẫn cứ tuôn rơi.
Nhấc thử tay, tay có thể cử động rồi, tôi níu tay chàng, “Đừng, đừng bỏ rơi em.” Sở Y Phàm quay lại nắm lấy tay tôi: “Đừng sợ, anh không đi đâu cả.” Rồi đưa khăn cho tôi lau mặt.
Sở Y Phàm dịu dàng hỏi: “Vô Trần là ai? Lâm Tử Thanh.”
Tôi vừa thút thít khóc vừa đáp: “Vô Trần là chàng đấy, sao chàng không gọi em là Thanh Thanh?”
Sở Y Phàm lo lắng sờ trán tôi: “Em lại lên cơn rồi? Anh có lúc nào tên là Vô Trần đâu, nghe như pháp danh của hòa thượng vậy.”
Chàng không nhớ, tôi lại khóc to hơn, chàng không ngừng dỗ dành. Tôi khóc thật lâu, khóc đến cạn lòng. Lúc ba mẹ về sau khi dùng cơm xong, Sở Y Phàm đang đút nước cho tôi uống, chàng bảo tôi mất rất nhiều nước.
Mẹ lại đút một ít cháo lỏng cho tôi, vì khóc lâu quá, sức khỏe hãy còn yếu, tôi lại mơ màng thiếp đi.
Lúc thức giấc vào sáng sớm hôm sau, tôi tỉnh táo hơn nhiều. Vội vã kiểm tra cảm giác toàn thân, tốt rồi, không bị tật nguyền, ngoài chuyện đau nhức cả người thì các bộ phận đều có cảm giác, tứ chi cũng hoạt động bình thường. Xong lại thấy bụng mình trống đến khó chịu, mẹ chỉ cho tôi ăn một chén cháo, dùng xong vẫn chưa hết đói, mẹ lại không cho ăn thêm.
Tôi hờn mát, hỏi mẹ: “Mẹ, có phải mấy năm nay mẹ sinh thêm một nhóc tì rồi nên giờ muốn làm mẹ kế của con à?”
Mẹ tái mặt, lại rơi nước mắt: “Thanh Thanh, sao con tái phát nữa rồi? Mấy năm nào? Chỉ mới nửa năm kể từ khi con về nhà nghỉ đông mà, em trai gì? Đúng thật là trước đây không nên để con đi xa nhà đến vậy, nếu vẫn ở cạnh ba mẹ, biết đâu đã chẳng xảy ra chuyện…”
Cùng lúc đó, ba ra ngoài gọi bác sĩ.
Tôi vội gọi ba về, cắt ngang lời ăn năn của mẹ: “Mẹ, con hay đùa mà, con chỉ muốn ăn thêm một ít thôi.”
Mẹ vẫn thút thít, ba đứng bên cạnh, nói: “Mẹ con sợ bao tử con rỗng lâu quá rồi, ăn nhiều quá sẽ không chịu nổi.”
Tôi vội hỏi: “Con hôn mê bao lâu rồi?”
Ba đáp: “Ba ngày.”
Ôi cảm ơn trời, mới ba ngày thôi, xem ra xuyên về đúng lúc.
Tôi không kìm nổi mà trở người xuống giường, nằm bất động vài ngày, giờ lại cử động quá mạnh, suýt tý nữa tôi đã hôn mê tiếp. Mẹ vội đỡ lấy tôi, “Sao thế?”
Tôi mỉm cười lắc đầu, “Không có gì đâu mẹ, con muốn vào WC.”
Mẹ định dìu tôi, tôi lắc lắc đầu giữ thăng bằng, từ chối khéo.
Tôi đứng trước gương ngắm nghía khuôn mặt đã xa mình mười mấy năm, tuy hơi hốc hác nhưng làn da trơn nhẵn không nếp nhăn, dù tôi cau mày dẩu môi nhăn mũi cũng chẳng mảy may thành nếp.
Mặt ơi là mặt, có ngắm mày bao nhiêu lần cũng không đủ! Tôi đã hiểu cho tâm trạng của Narcissus, vì ngay lúc này đây tôi đang hóa thân thành hoa thủy tiên, mê đắm gương mặt trong gương(1). Cuối cùng, thể xác và tâm hồn tôi đã về bên nhau, Vô Trần cũng đã trở lại, tương lai tôi hẳn sẽ ngọt ngào hơn cả mật, là lá la…
(1): Narcissus là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, bị các vị thần trừng phạt bằng cách bỏ bùa mê khiến chàng say đắm vẻ đẹp của chính bản thân khi chàng ngắm mình trong hồ nước từ ngày này sang ngày khác, cho đến tận lúc chết đi. Nơi chàng chết đã mọc lên hoa thủy tiên.
Mẹ đứng bên ngoài, gõ cửa: “Thanh Thanh, con sao rồi? Ông này, có khi nào nó ngất nữa rồi không?…” Bấy giờ tôi mới thoát khỏi cơn say, rồi mở cửa trước khi mẹ có ý định xông vào.
Tôi sảng khoái bước ra ngoài, phát hiện kính cửa sổ trong veo lắm thay, khăn trải giường sạch sẽ làm sao, tường trắng quá thể, ngay cả cái logo in chìm trong góc tường cũng sáng tạo đến vậy… Hóa ra câu ‘Cuộc sống có không ít những vẻ đẹp, chỉ thiếu người khám phá ra chúng.’ là đúng.
Tôi đang vui vẻ vì khám phá của mình thì có một nhóm bác sĩ vào kiểm tra.
Bác sĩ đi đầu nói với tôi bằng chất giọng dỗ dành: “Thái hậu, hôm nay cô cảm thấy thế nào?”
Tôi suýt nữa đã lộn từ trên giường xuống, lẽ nào lúc xuyên về, tôi còn kéo theo một ai đó? Không thể nào, bây giờ vẻ ngoài của tôi đã thay đổi, sao ông ta vẫn nhận ra chứ? Lẽ nào ông ta là kiếp sau của hòa thượng già kia? Lão già khờ khạo này, sao đầu thai rồi lại hấp ta hấp tấp đến vậy, chào hỏi tôi giữa đám đông thế này, không sợ người ta nghĩ mình bị điên à?
Tôi vật lộn với bản thân, chào hay không chào đây? Trong lúc đó, mẹ bước lên đón ông ta, vui vẻ đáp: “Chủ nhiệm Lý, con gái tôi đã nhận biết được ai với ai rồi.” Hả, nhận biết được người khác? Tôi có phải con nít đâu, việc nhận ra ai đó đáng mừng đến vậy cơ à?
Vị chủ nhiệm họ Lý kia lập tức bày ra vẻ quan tâm, bắt đầu nêu câu hỏi: “Cô có biết mình tên gì không? Nhà ở đâu…”
Loại câu hỏi ngu ngốc gì thế này? Thôi kệ, tâm trạng tôi đang tốt, ngoan ngoãn đáp vậy. Tôi dẹp ánh mắt khinh bỉ của mình rồi nhìn ông ta, hé miệng nhưng chưa cất lời. Khoan đã, tôi vừa thấy cái gì ấy nhỉ? Trên chiếc áo trắng của ông ta có in bốn chữ đỏ: Bắc Y Lục Viện(2). Bắc Y Lục Viện, đó là bệnh viện tâm thần, chẳng trách hàng rào bảo vệ cửa sổ to tới vậy.
(2): bệnh viện thứ sáu của đại học Bắc Kinh.
“Hả! Sao tôi lại ở đây?” Tôi thét chói tai.
Vị chủ nhiệm kia lập tức căng thẳng, ngoái đầu gọi: “Tiểu Vương, đi lấy thuốc an thần mau lên, người bệnh lại bắt đầu xuất hiện triệu chứng hưng cảm(3).”
(3): là một loại bệnh khiến tâm trạng bệnh nhân hứng khởi cao bất thường hoặc dễ bị kích thích, cáu kỉnh, khuấy động hoặc đầy năng lượng, trái nghĩa với trầm cảm.
Dù gì thì cũng đã lăn lộn giữa chốn hoàng cung, từng trải nghiệm qua vô vàn sóng to gió lớn, tôi nhanh chóng bình tĩnh lại, bày ra vẻ tươi cười: “Tôi đùa thôi, tôi là…” Tôi trả lời cả tá câu hỏi ngu ngốc của bác sĩ bằng ba thứ tiếng phổ thông, tiếng địa phương, tiếng Anh, trừ lúc dùng tiếng Anh hơi lắp bắp ra, cái loại ngôn ngữ khác đều đúng trật tự câu và trôi chảy.
Vị trợ lý bác sĩ đứng đằng sau ghi chép lia lịa, khiến tôi có cảm giác mình đang bị phỏng vấn. Khi xong việc, chủ nhiệm Lý nói: “Chúng tôi về phân tích một lúc, chiều sẽ ra báo cáo.” (Không nắm rõ lắm về cách thức khám và chữa trị của bệnh viện tâm thần, tôi viết bừa đấy!)
Sau khi họ ra ngoài, tôi vội vàng hỏi ngày tháng hôm nay mới biết đã hai tháng trôi qua kể từ cái ngày tôi xuyên không.
Hai tháng? Tôi chỉ hôn mê ba ngày, thời gian còn lại thì tôi như nào? Có phải cơ thể cũng bị linh hồn khác chiếm giữ không? Tôi vội hỏi: “Trong hai tháng này, con đã làm những gì?”
Mẹ ngập ngừng đôi chỗ: “Con không có ấn tượng gì với khoảng thời gian hai tháng nay à?”
Tôi căng thẳng gặng hỏi: “Kể nhanh đi ạ, rốt cuộc thì con đã làm gì?”
Rồi tôi được biết, sau tai nạn xe, cơ thể ‘tôi’ không bị thương nhưng ‘tôi’ lại chẳng nhận ra ai cả, trở thành một người quái gở, cách thức dùng câu chữ khi nói chuyện rất lạ lùng, nghe bảo là tiếng Mãn. Sau này ‘tôi’ mới bắt đầu nói tiếng Hán, song diễn đạt khó hiểu, cứ luôn bảo mình là Thái hậu. ‘Tôi’ càng ngày càng bất thường, trường buộc phải báo cho gia đình, thế mà ‘tôi’ cũng chẳng nhận ra ba mẹ, sau đó thì bị đưa đến Bắc Y Lục Viện.
Bệnh viện kiểm tra cả nửa ngày nhưng không tìm thấy nguyên nhân, không bị kích thích, không gặp cú sốc nào, cũng chả phải vấn đề gia đình, ba mẹ không ở gần. Cuối cùng nghi ngờ tai nạn xe lần trước đã làm tổn thương một vùng nào đó trong đại não của ‘tôi’, khiến ‘tôi’ mất trí nhớ, lại mắc phải chứng vọng tưởng, nếu không gọi ‘tôi’ là Thái hậu, sẽ xuất hiện thêm chứng hưng cảm. Sau một thời gian điều trị, ‘tôi’ khép mình, chẳng chú ý đến ai nữa. Cho đến bốn ngày trước, khi ‘tôi’ xem phim “Thiếu niên Thiên tử”(4) phát trên TV, bỗng lại kích động, luôn mồm hét “Không đúng! Sao lại thành thế này?” rồi phăm phăm xông ra ngoài, trượt chân ngã xuống cầu thang, cơ thể chẳng bị gì nhưng lại hôn mê. Hôn mê ba ngày, tận hôm qua mới tỉnh lại.
(4): phim nói về cuộc đời của vua Thuận Trị.
Những chuyện này chắc chắn là do bà Hiếu Trang kia gây ra, tôi muốn giết bà ta quá đi mất! Tôi nuôi con hộ bà, thế mà bà lại đáp trả tôi thế đấy? Sớm biết thế tôi đã chẳng chết đẹp tới vậy rồi, hối hận quá đi mất!
Vô Trần, cũng là Sở Y Phàm sẽ nghĩ sao về tôi đây? Nghe nói trong hai tháng này, chàng vẫn luôn chăm sóc cho tôi, chàng vẫn tốt bụng như thế. Nhưng chàng đã chứng kiến hết thảy trò hề của ‘tôi’ rồi, vẫn thích tôi được à? Ôi tôi chả muốn sống nữa đâu!
Trước mắt tôi là cả một vùng tối đen, kính cửa sổ sao bẩn đến vậy? Khăn trải giường còn vết ố chưa sạch này, tường cũng đầy bụi, logo chìm trong góc tường kia sao nhăn nhó quá?…
Buổi chiều, báo cáo viết rằng tình trạng của tôi bình thường, xem chừng cú ngã kia đã khiến dây thần kinh sai chỗ của tôi về vị trí cũ, mẹ cứ lầm rầm niệm phật, bảo rằng nhân họa đắc phúc(5).
(5): trong cái rủi có cái may.
Tôi kiên quyết đòi xuất viện, ai mà lại có ý định sống luôn trong bệnh viện tâm thần chứ, chẳng may gặp phải người cùng phòng mắc bệnh bạo lực, bị đánh chết cũng chả ai đền mạng cho tôi. Tôi chết hai lần rồi, tạm thời chưa cần trải nghiệm lại.
Khi Sở Y Phàm đến thăm, tôi đang đấu tranh vì tự do của mình, cuối cùng, trước lúc tôi sắp giả chết để tỏ rõ ý chí của mình thì ba mẹ đã bị thuyết phục, ký quy ước “Người bệnh tự yêu cầu xuất viện… tự chịu trách nhiệm” xong, tôi được xuất viện.
Sau khi ra ngoài, Sở Y Phàm đưa chúng tôi đến khách sạn, tôi bình tĩnh dè chừng vẻ mặt chàng, tốt rồi, không mảy may ghét bỏ. Tôi yên tâm đôi chút.
Qua hai tháng bà Hiếu Trang kia quậy phá thì xem ra, bây giờ tôi đã rất bình thường, chẳng ai thắc mắc tôi có khác gì so với trước đây không. Sau vài ngày theo dõi, ba mẹ yên tâm hơn nhiều, tôi dần dần tìm lại cảm giác khi mình là Lâm Tử Thanh. Nhưng đóng vai một bà già quá lâu, tôi chả còn biết làm nũng nữa rồi.
Sở Y Phàm đến thăm tôi hằng ngày, tôi tiếp xúc với chàng tự nhiên hơn cả với ba mẹ. Trước giờ tôi chẳng có thói quen tự dằn vặt, thế lả chọn cách quên, không nhớ đến những ký ức đau thương khi Vô Trần ra đi nữa.
Tôi xem Sở Y Phàm là Vô Trần, một Vô Trần chưa từng bỏ rơi tôi, một Vô Trần đã đổi tên, dù có đôi chút khác nhau nhưng mặc kệ, tôi thấy trái tim tươi trẻ của mình đang đập từng hồi hạnh phúc.
Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm giao lưu tinh thần với Vô Trần, tôi phát hiện ra rằng chàng vẫn thích mình. Tôi lại đầy tự tin, đến cả lúc tôi là một bà già mà chằng vẫn chẳng né nổi sức quyến rũ của tôi, chẳng thể nào khi tôi trẻ trung thế này lại không nắm bắt được trái tim chàng.
Sở Y Phàm, em đến đây, tiếp chiêu đi!