Chương 17
Trans: Nho
Beta: Thuỷ Tiên
Sau khi nghỉ ngơi, đoàn làm phim quay trở lại guồng công việc căng thẳng, cảnh diễn của Giang Độ Độ và Hách Ngữ cũng bắt đầu nhiều hơn.
Vai Hách Ngữ diễn là Đại tiểu thư Bạch Di Oánh của nhà họ Bạch. Bạch Di Oánh quay trở về từ nước ngoài thì cảm giác được bầu không khí trong nhà hơi kỳ lạ, cha thì suốt ngày bị bệnh, còn anh cả thì nhịn ăn vì không chịu cưới.
Bạch Di Oánh thấy lạ, vị hôn thê Tống tiểu thư mà cha quyết định cho anh cả và cô ta là bạn thân. Hai người đều cùng du học ở nước ngoài, Tống tiểu thư là một người phụ nữ hiện đại xinh đẹp, rất xứng đôi vừa lứa với anh cả, nhưng tại sao anh cả lại không những không chịu cưới mà còn có thái độ kiên quyết khác thường như thế kia vậy chứ?
Bách Di Oánh quan sát cẩn thận, cô ta nhanh chóng đã biết được nguyên nhân.
Hóa ra, trái tim của anh cả đã có chủ rồi, người này chính là Ngọc Nô, cô gái được gia đình mình nhận nuôi. Điều khiến cô ta khó tin hơn chính là, Ngọc Nô lại còn có một chút quan hệ mập mờ với cha của mình!
Từ nhỏ Bạch Di Oánh được giáo dục theo kiểu phương Tây, sau này được Đại phu nhân đưa sang nước ngoài du học, mỗi năm về nhà đều vội vàng rời đi, vì thế nên không tiếp xúc nhiều với Ngọc Nô. Cô ta không nén được mà thấy tò mò, rốt cuộc cô ấy là người phụ nữ như thế nào mới có thể khiến cả hai cha con người thừa kế đều mê mẩn?
Khi mờ mắt thì sẽ không bao giờ nhìn thấy rõ, nhưng khi người ta thật sự để ý tới một việc gì đó thì sẽ chợt nhận ra rằng, có một số thứ lộ liễu hơn những gì bạn tưởng tượng rất nhiều.
Bạch Di Oánh biết rằng, ngay từ nhỏ, Ngọc Nô đã là một người xinh đẹp nhưng cô ta không thể ngờ rằng, khi Ngọc Nô thành thiếu nữ lại có thể đẹp rung động lòng người đến nhường này, ngay cả khi đứng cùng, chính cô ta cũng sẽ tự thấy xấu hổ.
Cuối cùng thì cô ta cũng biết tại sao anh trai lại phải từ hôn rồi.
Không phải do Tống tiểu thư không tốt mà là do Ngọc Nô quá đẹp. Trong phương diện này, không người phụ nữ nào có thể sánh bằng cô ấy, mà đám đàn ông thì không một ai chối từ người đẹp thế này được.
Nhưng điều này không có nghĩa là Bạch Di Oánh chấp nhận Ngọc Nô, lấy sắc dụ người thì có thể kéo dài được bao lâu kia chứ? Bạch Di Oánh muốn trút giận thay cho Tống tiểu thư, đồng thời cũng muốn chứng minh rằng, phụ nữ vẫn nên chinh phục người khác bằng tài năng và phong thái của mình.
Thế là, trong một buổi tiệc do nhà họ Bạch tổ chức, Bạch tiểu thư xinh đẹp nổi bật đàn một bản nhạc êm tai tuyệt diệu phong thái duyên dáng và điêu luyện với đàn dương cầm, loại nhạc cụ hiện đại ở nước ngoài và tất nhiên, cô ta đã giành được tiếng hoan hô của toàn bộ khách khứa.
Sau khi biểu diễn kết thúc, đột nhiên Bạch tiểu thư lại đề nghị để Ngọc Nô cùng biểu diễn bằng đàn tỳ bà cho mọi người.
Ngọc Nô bất ngờ bị đẩy lên trước nhưng cô ấy cũng không hề hốt hoảng, ôm đàn tỳ bà ngồi trước lan can một cách yên tĩnh, bàn tay trắng trẻo khẽ gảy…
Tại hiện trường quay phim, đạo diễn hắng giọng hỏi: “Hách Ngữ, cháu đánh đàn thế nào? Có biết đánh không? Chú nhớ là cháu biết đánh mà nhỉ?”
Hách Ngữ cười thẹn thùng một cái với Chu Kiều Tùng, quay đầu nói với đạo diễn một cách rất tự tin: “Đạo diễn yên tâm đi, cháu đánh “Khúc chiều tà” [*] tốt lắm.”
[*] Khúc chiều tà (Serenade): là nhạc khúc thứ tư trong quyển 1 của bộ Schwanengesang (Bài ca thiên nga) của Franz Schubert.
“OK, vậy thì được.” Sau khi đạo diễn Hoàng ngồi trở lại màn hình camera giám sát thì nói vào máy bộ đàm: “Các máy quay chuẩn bị…”
Phim trường im lặng hẳn đi, Hách Ngữ mặc chiếc váy bồng bềnh xa hoa ngồi trước chiếc đàn dương cầm đắt đỏ, cô ta hơi nhắm mắt lại, đồng thời, đầu ngón tay hạ xuống, tiếng đàn vang lên.
Giai điệu vừa nhẹ nhàng vừa yên bình vang lên…
Giống như một cô thiếu nữ xinh đẹp hồn nhiên đang khẽ khàng ngâm nga,
Âm thanh xuyên qua rừng cây tĩnh mịch,
Thì thầm dưới ánh trăng…
Lúc đàn tới cao trào thì Hách Ngữ mở mắt ra nhìn về phía đám người, chỉ cười mà không nói năng gì.
“Khúc chiều tà” của Schubert là bài hát bất hủ ca tụng tình yêu, nó dịu dàng tới tận bờ cõi khổ đau nhưng lại tượng trưng cho sự hồn nhiên trong sáng.
Hách Ngữ có thể thuận lợi đàn khúc nhạc này đã khiến người ta bất ngờ rồi, nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên hơn là, cô ta đàn ra được thứ tình yêu vừa hồn nhiên vừa xao xuyến trong “Khúc chiều tà”. Cho dù người không biết khúc nhạc này thì cũng sẽ bị cảm hóa bởi tình cảm chất chứa trong đó, không kìm được mà đắm chìm vào.
Giang Độ Độ nhìn về phía Chu Kiều Tùng theo bản năng, thoáng thấy sự thưởng thức giống hệt mọi người trong ánh mắt của Chu Kiều Tùng, cô chậm chạp hiểu ra một chút rồi.
Có lẽ Hách Ngữ đã gửi gắm tình cảm vào cảnh, hòa tình cảm của chính mình vào trong âm nhạc, khi nãy vừa là diễn xuất cũng vừa là ẩn ý tỏ tình với Chu Kiều Tùng.
Lần này Giang Độ Độ thật sự thấy phục Hách Ngữ rồi. Ghi lại cảnh tỏ tình đầu tiên đẹp đẽ nhất qua phim, đợi sau này, khi nhắc lại thì sẽ có một kiểu lãng mạn khác biệt. Phải nói rằng, cảnh này Hách Ngữ đúng là đã thêm rất nhiều điểm cộng cho bản thân cô ta. Nếu như Hách Ngữ cứ tiếp tục đi theo nước đi này, chẳng trách cuối cùng ảnh đế sẽ đổ đứ đừ.
Diễn xong, đạo diễn không kìm được mà khen cô ta đàn giỏi không cần thế nhạc nữa, các diễn viên trong trường quay vỗ tay dồn dập, Từ Lâm tới gần bên cạnh Hách Ngữ rồi giơ ngón tay cái về phía cô ta: “Không hổ danh là nghệ sĩ xuất thân con nhà giàu, đúng là đa tài đa nghệ có thiên phú.”
Suy nghĩ của Từ Lâm cũng đã nói thay cho cách nghĩ của đa số người ở trường quay. Hách Ngữ là con gái của Hách Thiệu Hoa và Mạnh Hoàng, là công chúa nhỏ bạch phú mỹ [*] thật sự trong giới giải trí, cho dù kém cỏi cũng sẽ có hàng loạt tài nguyên. Thế nhưng, khi Hách Ngữ thể hiện tài năng biết đánh dương cầm của mình ra thì mọi người sẽ càng cảm thấy không hổ là công chúa nhỏ của nhà họ Hách, trong lòng cũng sẽ vô thức đánh giá cao cô ta thêm một chút.
[*] Bạch phú mỹ: chỉ những người trắng trẻo, xinh đẹp và giàu có.
Ngay lập tức, Giang Độ Độ trở thành đối tượng được đặt lên bàn cân để so sánh.
Trong phim, khúc nhạc mà Ngọc Nô đánh khiến Hách Ngữ cảm phục, tự hổ thẹn không bằng, nhưng ngoài đời, ai sẽ làm nổi bật cho ai kia chứ?
Hách Ngữ thể hiện quá xuất sắc, Giang Độ Độ chỉ cần kém một chút thôi thì hôm nay đã mất mặt lắm rồi, nhưng mà, Giang Độ Độ có thể sánh với Hách Ngữ hay sao?
Ngay khi câu hỏi này hiện lên trong đầu mọi người xung quanh thì một giây sau đã bị phủ nhận một cách tàn nhẫn.
Hách Ngữ người ta có thân phận thế nào, gia cảnh ra sao cơ chứ? Giang Độ Độ thì sao? Rất có khả năng là chẳng học được mấy ngày chứ đừng có nói tới chuyện tu dưỡng cảm xúc bằng mấy thứ nhạc cụ này. Cô lấy cái gì ra để so sánh với công chúa nhỏ Hách Ngữ đây?
Khi tới lượt Giang Độ Độ lên sàn, đạo diễn hỏi Giang Độ Độ câu hỏi y hệt Hách Ngữ: “Độ Độ, có được không?”
Giang Độ Độ im lặng cụp mắt, chuẩn bị cảm xúc trong lòng, không hề đáp lại câu hỏi của đạo diễn ngay.
Diễn viên và nhân viên xung quanh thấy Giang Độ Độ không nói gì thì tưởng rằng cô chột dạ, trông vẻ mặt thì có vẻ đúng là biểu cảm như thế. Như Bành Âm Mỹ thì đã bày ra vẻ mặt coi kịch hay rồi.
Ngay cả Tư Tư cũng đổ mồ hôi tay thay cho Giang Độ Độ.
Có lẽ người duy nhất không có biểu cảm thừa thãi chỉ còn lại Chu Kiều Tùng mà thôi.
Đạo diễn không nghe thấy câu trả lời của Giang Độ Độ nên hơi mất kiên nhẫn, giương cao giọng hỏi lại một câu: “Giang Độ Độ, cháu có được không?”
Giọng điệu trong câu này hạ xuống, mọi người đều biết điềm báo trước khi nổi giận của đạo diễn, cả trường quay bỗng chốc lặng ngắt như tờ, chẳng ai dám to tiếng nói chuyện.
Hách Ngữ mím môi thầm cười giễu cợt, trong lòng chê cười Giang Độ Độ, không biết tự nhìn lại xem bản thân nặng mấy lạng mấy cân mà lại dám giành vai chính của cô ta. Lần này cô ta phải lột da mặt Giang Độ Độ xuống, vứt xuống đất mà hung hăng giẫm đạp!
Biểu cảm của người ở trường quay càng nghi ngờ Giang Độ Độ thì Hách Ngữ lại càng vui sướng. Đạo diễn cũng nổi giận rồi, để cô ta xem xem Giang Độ Độ bị hạ bệ thế nào.
Nhưng mà, như thế vẫn chưa đủ, Hách Ngữ còn muốn thêm dầu vào lửa giúp cho Giang Độ Độ.
Sở dĩ đạo diễn Hoàng phải hỏi mấy cô có biết đánh đàn hay không là vì mưu cầu tính chân thực, cô ta dám nói một cách chắc chắn rằng, Giang Độ Độ đã được huấn luyện và học riêng đàn tỳ bà trước khi vào đoàn làm phim.
Nhưng nếu như đàn tỳ bà là loại nhạc cụ có thể học được trong mấy ngày thì nhạc cụ dân tộc đã phát triển hơn nhạc cụ phương Tây rồi. Thậm chí, có khi Giang Độ Độ còn chưa nhớ cách điều khiển ngón tay nữa ấy chứ.
Cho dù Giang Độ Độ có thể đàn được điệu nhạc trôi chảy đi chăng nữa, nhưng mà, có phần trình diễn trước đó của Hách Ngữ, cô vẫn sẽ khó lòng tỏa sáng được trong sự trái ngược với cô ta.
Suy nghĩ của Hách Ngữ quay lại, mặt cô ta lộ ra vẻ rất tâm lý, vờ như hòa giải: “Chú Hoàng, có lẽ là trước đây Độ Độ chưa từng tiếp xúc với nhạc cụ như tỳ bà bao giờ cho nên mới chưa có chuẩn bị, chú đừng nổi giận mà.”
“Hay là để Giang Độ Độ đàn bừa vài cái rồi tới lúc đó tìm thế thân quay bù ạ?”
Đạo diễn Hoàng mất kiên nhẫn xua tay: “Thế thân cái gì? Tôi cố tình tiêu tiền cho con bé học, về thì lại nói tôi phải dùng thế thân đi à? Vậy tôi tiêu tiền để làm cái gì, bị điên chắc?”
Cuộc hỏi đáp này, nhìn thì như thể Hách Ngữ đang lấy cớ cho Giang Độ Độ, nhưng thực chất là muốn để Giang Độ Độ đã đâm lao là phải theo lao, hôm nay phải để cô làm ra trò hề.
Đạo diễn đã nói là trước đây từng cho Giang Độ Độ học riêng, nếu như ngay cả khúc nhạc đơn giản nhất mà cô không biết đánh thì đúng là khiến người ta coi thường. Tất cả mọi người nhìn về phía Giang Độ Độ vẫn không nói gì, nín thở chờ đợi câu trả lời từ cô.
Qua một lúc lâu sau, ngay khi tất cả mọi người đều tưởng rằng lần này Giang Độ Độ sẽ khóc lóc nhận sai với đạo diễn thì cô chậm chạp nói:
“Đạo diễn, cháu xong rồi ạ.”