“Rột... rột... rột..."
"Chú Lâm, bánh tráng vừng này chú mua ở đâu thế?”, Cường vừa nhồm nhoàm nhai vừa hỏi.
“Quán bà Liễu đầu làng đấy. Bánh nhà này dầy lại nhiều vừng nên ngon hơn nhà khác. Có cơm dừa khô úp trong rổ kia kìa, mày ăn thì lấy”, Lâm chỉ vào một góc phòng nói với Cường.
“Ồ, sao chú không nói sớm”, Cường nghe xong thì nhảy tót ra khỏi ghế.
Bánh tráng vừng ăn kèm cơm dừa khô thật đúng là một sự kết hợp hết xảy, là món quà vặt khoái khẩu của rất nhiều người dân nông thôn chứ không chỉ riêng Cường.
Ngoạm lấy một miếng cơm dừa sau đó lại cắn lấy một mẩu bánh tráng vừng, Cường lim dim mắt cảm nhận vị béo ngậy, ngọt, bùi đang lan tỏa nơi vị giác.
“Lát cầm mấy trái dừa khô dưới gầm giường về bổ mà ăn”, thấy Cường tỏ vẻ thích thú, Lâm mỉm cười nói.
“Ủa, chú kiếm đâu được nhiều vậy?”, Cường mở mắt ra ngạc nhiên hỏi.
“Định, bạn chú mới về phép mang cho đấy”
“Chú Định nhà ông Giám hả? Nghe nói chú ấy làm ở miền Trung”
“Ừ, nó là quản đốc cho một phân xưởng may mặc. Công việc cũng bận bịu lắm, thi thoảng mới về thăm quê được”
“Ồ, xem ra bạn chú cũng có người làm khá quá nhỉ!”, Cường tấm tắc.
“Ừ, có mấy thằng bạn chơi từ bé thì thằng nào cũng có nghề nghiệp tốt cả, chỉ có chú mày là kém cỏi nhất”, Lâm nhếch miệng cười buồn rồi đáp.
“Chú làm gì phải tự ti như vậy. Chẳng phải giờ cũng là một thương nhân rồi sao?”, Cường dừng lại việc nhai nuốt để động viên Lâm.
“Ha ha... Thương nhân xịt hả? Vừa bán nứa được một hôm đã bị người ta hết niêm phong lại tới cướp hàng”
“Nhưng chẳng phải chúng ta cũng kiếm được một món còn gì? Vạn sự khởi đầu nan, được vậy cũng là đáng mừng rồi”
Nghe Cường nói xong, Liêm cũng không có phản bác. Vụ buôn bán nứa tuy rằng đầu voi đuôi chuột là thật thế nhưng lợi nhuận thu về cũng là không giả. Tính cả thảy, bọn hắn đã bán được năm trăm nghìn tiền hàng trong đó lãi gần 120 nghìn, thu đền bù hủy giao kèo từ chủ bè Mạnh thêm 150 nghìn nữa là 370 nghìn. Trừ đi chi phí cho bọn Liêm, Ân hết 50 nghìn cùng tiền hối lộ chủ tịch xã Đỗ Bá Đào 100 nghìn nữa thì số tiền lời còn lại là 120 nghìn cũng đã gần bằng một nửa số tiền mà Lâm phải vất vả tích cóp trong nhiều năm.
Chưa tới vài ngày kiếm ra được con số này, Lâm quả thật có mơ cũng không dám mơ tới. Tuy rằng số tiền này còn phải cưa đôi một nửa cho Cường thế nhưng tốc độ kiếm tiền như vậy cũng là vượt qua sức tưởng tượng của Lâm rồi.
“Kể như chúng ta có thể bán hết được số nứa đó thì tốt quá”, nghĩ về thành quả đạt được, Lâm lại chẹp miệng tiếc rẻ.
“Ôi dào, thua keo này ta bày keo khác. Chú lo gì!”, Cường vẫn một dạng đầy tự tin.
“Làm gì còn có cái bè nào nữa mà bày keo khác?”, Lâm trợn mắt.
“Ha ha, thì cháu cũng đâu nói tới bán nứa đâu. Chuyện làm ăn như vậy chỉ mang tính chộp giật, cơ hội. Chúng ta muốn có tiền thu ổn định thì phải tính tới công việc lâu dài”
“Công việc lâu dài? Là việc gì, mày nói chú nghe thử?”
“Tạm thời thì cháu chưa nghĩ ra nhưng cứ chịu khó tìm hiểu là có thôi”
“Hừ, vậy mà nói nghe hay lắm, chú tưởng là có cách rồi”, giọng Lâm có chút thất vọng.
“Ha ha, cơ hội làm ăn mà dễ nhìn thấy như vậy thì cả làng đều giàu rồi. Chú thấy đấy, giống như việc bán nứa của chúng ta, có phải ai cũng nhận ra đâu?”
“Uhm... mày nói cũng phải”
“Số tiền mới kiếm được của cháu với chú cũng chưa cần dùng, có khi chú gửi tạm vào ngân hàng đi, lúc nào cần lại rút ra”
Cường mặc dù không quá chú ý tới chút tiền lãi từ tiền gửi tiết kiệm thế nhưng cầm tiền bên người đúng là cũng nhiều rủi ro, theo hắn thấy đưa vào nhà băng xem như để họ giữ hộ cho cũng là một biện pháp tốt nên lên tiếng đề nghị.
“Ừ, chú cũng định bảo vậy”, Lâm nhanh chóng đồng thuận.
“À, mà cháu nghe nói lão Văn chủ nhiệm hợp tác xã trả lại tiền cho dân làng rồi đấy”
“Ồ, tìm được mấy lão chủ bè bỏ trốn rồi hả?”
“Ha ha, không phải đâu, cháu đoán là tiền lão ấy tự bỏ ra đấy. Xem ra, ăn được trước tới nay bao nhiêu giờ nôn trả lại kha khá rồi!”
“Sao lão lại phải tự bỏ tiền?”, Lâm có chút không hiểu.
“Thôi, việc này cũng không quan trọng, chú nghe vậy là được rồi”, Cường chần chờ giây lát nhưng vì trong tay không có bằng chứng nên sau đó hắn cũng lười giải thích.
“Hừ, mày chỉ thích suy diễn lung tung, đừng có nói năng cái gì lộn xộn ra ngoài nghe chưa?”, Kiên không rõ thật giả thế nhưng hắn vẫn hiểu chuyện đối nhân xử thế nên buông lời căn dặn.
“Ha ha, cái này chú không cần nhắc. Thôi, giờ cháu qua gặp thằng Kiên có chút việc, không ngồi đây nữa”, nói xong, Cường lập tức đứng lên rảo bước ra ngoài.
“Ơ thằng này, không lấy dừa à?”, Lâm gọi với theo.
“Chú cứ giữ lấy, khi nào bổ thì gọi cháu sang ăn ké là được?, Cường đầu không ngoảnh lại, chỉ khẽ giơ tay phất nhẹ.
.........................................
.........................................
Trần Trọng Vinh không phải lần đầu tiên đến Đông Lai, nhưng là đến hồ Bạch Hạc tuyệt đối là lần đầu tiên.
Từ nhỏ lớn lên trên thành phố, mặc dù không phải danh gia thế phiệt, nhưng cũng xếp vào nhà giàu sang. Bố hắn từ vị trí một anh chuyên viên trong mấy chục năm phấn đấu một đường leo lên vị trí Phó chủ tịch thành phố, tại cái tỉnh lẻ Đông Thành này, gia đình nhà hắn không thể bảo là không hiển hách.
Đông Thành về mặt quản lý hành chính thì có hơn hai mươi huyện, trong số này thì Đông Lai cũng không có gì nổi bật ngoài chuyện hàng năm đều dính thiên tai khiến lãnh đạo đau đầu mỗi khi mùa giông bão tới.
Chia nhỏ hơn, Đông Lai có gần bốn mươi xã. Đông Khánh là địa phương nổi danh nghèo khó nhưng đồng thời cũng là địa phương có diện tích lớn nhất do sở hữu diện tích mặt hồ Bạch Hạc lên tới vài chục mẫu.
Chỉ bất quá, tài nguyên cũng chỉ có vậy, đường xá lại khó lưu thông thành ra kinh tế chẳng mấy phát triển, gần như 90% thu nhập của người dân đều tới từ hoa màu canh tác được.
.......................................
“Vinh, mày ở đâu nghe được cái xã nghèo rách nghèo nát này có thể bắt được ba ba?”, dựng xong chiếc xe Simson vào dưới tán cây bàng, Trần Xuân Bắc nửa tin nửa ngờ hỏi Trần Trọng Vinh.
“Mày không biết thì cũng đừng có nói mò, Đông Khánh nếu là bắt không đến ba ba tao theo họ mày”
“Hừ, mày họ Trần, tao cũng họ Trần. Mày không theo họ tao thì theo họ ai?”, Bắc bĩu môi khinh thường, rõ ràng là đối với thằng bạn thân không chút nào tín nhiệm.
“Hừ, bớt bớt ồn ào lại. Đây là tin tức anh họ tao nói cho, sai là sai thế nào được”
“Anh họ mày là người ở đây hả?”, Bắc dò hỏi.
“Không, nhưng anh họ tao là thợ lặn chuyên nghiệp”
“Thợ lặn, nói vậy anh mày tới hồ này rồi?”
“Ừ, lần trước tỉnh triển khai khảo sát địa chất nơi này để xây dựng kế hoạch phòng chống lũ lụt, anh tao được thuê tới. Trong lúc làm nhiệm vụ, anh ấy tình cờ phát hiện ra dưới đáy hồ tôm cá thành đàn thậm chí ngay cả ba ba đều có”
“Nếu là như thế sao dân làng ở đây không bắt lên mà bán?”, Bắc nhíu mày thắc mắc
“Anh tao bảo hồ nước này hơi sâu, muốn bắt được cá lớn phải có ngư cụ chuyên dụng cùng nhân lực đông đảo, đánh bắt thông thường chỉ thu được đòng đong cân cấn thôi”
“Ồ, nếu vậy sao chúng ta không thuê người tới đây làm một mẻ nhể?”, Bắc vuốt vuốt cằm tính toán.
“Hừ, nhà tao không thiếu chút tiền bán cá. Tao đi câu là để giải trí thôi”, Vinh liếc mắt nhìn Bắc xem thường.
“Ha ha, mày không làm nhưng sao không bảo anh mày làm? Ít nhất, nếu nơi này nhiều cá tôm như vậy thì tiềm kiếm được cũng phải gấp nhiều lần tiền công làm thợ lặn rồi”
“Mày đúng là chỉ chăm chăm nghĩ tới tiền. Bộ cả quầy vải lớn trên chợ trung tâm của bố mẹ mày còn kiếm ra không đủ tiền cho mày tiêu?”
“Thì tao có nói là kiếm cho tao đâu, đang nói anh họ mày mà?”
“Anh họ tao cũng không cần. Ông ấy chuẩn bị được bố tao xin vào cơ quan địa chính của thành phố rồi, hơn nữa cái hồ này cũng thuộc sở hữu tập thể, thuộc quyền quản lý của xã, người địa phương khác muốn tới đánh bắt đâu có đơn giản”
Bắc nghe tới đây thì chỉ cười cười mà không nói thêm cái gì. Hắn vừa rồi cũng chỉ là tùy hứng nảy sinh ý nghĩ khai thác mảnh hồ chứ không phải thực lòng muốn kiếm chác gì ở nơi này.
Tuy rằng hắn lớn lên trong thành phố thế nhưng lại có điều kiện tiếp xúc với con nhà quan thành ra Bắc vẫn là có hiểu biết nhất định về tình hình trong nước.
Theo những gì hắn hiểu, quốc gia hiện tại vẫn đang áp dụng chủ yếu hình thức kinh tế tập thể, mức độ tư hữu hóa rất thấp. Cách đây vài năm người dân nuôi được con lợn con gà muốn mổ thịt cũng còn phải xin phép chứ nói gì tới chuyện mang thuyền mang bè ồ ạt ra hồ đánh bắt cá tôm số lượng lớn đem ra chợ bán. Chuyện này làm không cẩn thận rất dễ bị quy kết vào tội chống đối hệ tư tưởng, xâm phạm tài sản tập thể chứ chả chơi.
.................................
"Đi nào!"
Thôi không tiếp tục tranh luận, Vinh và Bắc liền lục tục vác lên đồ câu tiến ra phía bờ hồ rồi lựa địa điểm thả mồi. Trong đầu bọn hắn lúc này chỉ tập trung vào việc bắt được ba ba, tuyệt không tồn tại bất kỳ ý nghĩ nào về việc khai thác mặt hồ nữa.
Chỉ là, hai người không để ý thì không có nghĩa là người khác cũng là như vậy. Lúc này, ở trên cành bàng phía trên nơi mà chiếc Simson của Vinh và Bắc đang dựng lại, một thanh niên đen đúa, nhỏ thó, khóe miệng đang ngoác lên tràn ngập ý cười.