Bà Ngọc lộng lẫy trong bộ áo dài nhung tím, trông bà có khác nào mệnh phụ phu nhân, thật tương phản với ông chồng, bởi ông có khuôn mặt khắc khổ và nét buồn phảng phất trong mắt.
Tâm Tâm cùng Hữu Trí bước vào phòng. Bà Ngọc vui vẻ đón họ với sự vồn vã và ngọt ngào hiếm có:
- Ồ, Tâm Tâm! Con đến rồi đó ư? Thư Thư có đến cùng con không? Ôi! Dì trông các con biết bao. Nào! Con và cậu Trí vào ngồi đây nhá.
Tâm được bà ân cần bao nhiêu, lòng cô đau buồn cũng chừng ấy, mẹ con bà Ngọc luôn chiếm niềm vui của mẹ và em gái cô, thế mà Tâm Tâm phải đến chúc mừng họ. Nếu không chiều ý nội, nghe lời bà dạy, phải lùi một bước để có sức nhảy xa hơn, Tâm Tâm không bao giờ bước chân đến chốn này.
Tâm đứng bật dậy, bởi ánh mắt cô hướng về phía cổng vào.
- Thư Thư! Thư Thư đến rồi kìa anh.
Hữu Trí đành phải theoTâm khi cánh tay anh bị cô nắm chặt. Tiếng gọi của Tâm Tâm khá lớn, đủ cho Huy giật mình quay lại.
Trong mắt anh, hai khuôn mặt giống nhau. Nếu gần họ, anh nhận thấy sự khác nhau dễ dàng, nhưng nếu phớt qua, phải chịu sự lầm lẫn rồi. Đi bên họ là mẹ của Thư và người đàn ông... hình như Huy gặp họ Ở đâu rồi. Trong khi ấy, Thư đưa mẹ đến gặp bà Ngọc với nụ cười trên môi. Khuôn mặt của bà Ngọc tái đi, bởi trang phục và cách trang điểm của bà Qúy, mẹ của Thư Thư rất hài hòa, cho khách đến dự thấy được nét quý phái.
- Chào chị.- Bà Ngọc ngượng ngập, nhưng cũng gượng cười để chào.
- Cám ơn. Ngọc vui vẻ chứ?
Bà Qúy nhìn quanh với ánh mắt vui, khen ngợi tiếp:
- Nhã Chi càng lớn càng đẹp và giống Mỹ Ngọc, con bé thật là có phước. Thư Thư! Con đưa mẹ đến gởi quà và chúc phúc cho em ấy đi. Sau này, con phải cố gắng để được như cô dâu ấy nha.
- Dạ, con biết rồi. Mình sang bên ấy mẹ há?
- Ừm. Để Nhã Chi quay lại cực nhọc lắm, vì mặc áo cô dâu luộm thuộm lắm Thư Thư à. - Bà cười bảo với con gái vẻ tự nhiên.
- Dù khó đi thế nào, con cũng thích mặc nó mẹ ạ. Muốn mặc chiếc áo cước ấy cũng phản vượt qua nhiền đối thủ lắm, đâu phải dễ dàng gì.
- Có cần mẹ hỗ trợ con không?
Bất cần bà Ngọc đi sau lưng, Thư lắc đầu:
- Con không thích. Dù biết rằng có mẹ cầm đèn đưa lối, dễ đi hơn, nhưng nếu duyên phận, không cần phải dùng thủ đoạn, núp bóng người để được bao che chẳng có giá trị, ý nghĩa gì cả mẹ ạ.
- Đôi lúc người ta muốn thành công là bất chấp tất cả, Thư à.
Thư cười, quay sang mẹ, cô giới thiệu với Nhã Chi:
- Anh Huy thỉnh thoảng lên thăm mẹ tôi nên biết, còn Nhã Chi thì chưa. Xin giới thiệu. Đây là bà Qúy, mẹ của tôi đó Nhã Chi. Ngày xưa, bà cùng cha tôi và mẹ của Nhã Chi học chung lớp, họ cũng thân như chúng mình vậy. Còn cô dâu, mẹ biết rồi há.
Đưa tay chỉ Huy, bà vừa ngắm vừa hỏi:
- Quốc Huy! Ngày xưa cũng là bạn của con sao, Thư Thư.
- Dạ, chào bác. Hôm nay bác thật khỏe rồi.
Huy cúi đầu vẻ trân trọng, bà Qúy cười:
- Bác về Sài Gòn vài hôm rồi. Đến dự lễ của cháu cho vui vẻ, dù sao chúng ta cũng là người một nhà, phải không Nhã Chi?
- Dạ, cảm ơn bác.
- Đâu có gì. Ba con đâu Chi?
Bà Ngọc cười, đáp thay con gái mình:
- Anh Khải phải ở nhà chăm sóc bà nội, bởi sức khỏe của bà không tốt. Hôm nào khỏe, chị về thăm bà cụ chứ?
- Nếu có điều kiện, vì thế nào đi nữa bà cũng là mẹ chồng của tôi mà.
Trong khi hai người mẹ ngọt ngào tiếp nhau, dù ánh mắt họ trao không hề có chút thiện cảm. Lúc ấy Huy nhìn hai chị em Thư với ánh mắt dò dẫm hướng về HữuTrí, anh hỏi:
- Anh là bạn trai của Thư Thư à?
- Ồ! Không, tôi là bạn trai của Tâm Tâm, chị của Thư.
- Chị là Tâm Tâm? Chị của Thư, sao từ lâu tôi không biết nhỉ.
Tâm Tâm nắm tay Hữu Trí, nhìn Huy cười:
- Huy nói cũng phải, tôi ít khi về nha của bà nội. Tôi với Thư lại càng ít gặp nhau hơn, nên chúng ta chưa hề gặp nhau là vậy.
Hữu Trí ngắm Thư, cười:
- Tâm Tâm và Thư khá giống nhau, nên lúc tôi đưa Tâm vào chào bác gái, tôi thấy anh nhìn ghê lắm. Hình như lúc ấy anh nghĩ tôi là bạn của Thư Thư và cùng đi với cô ấy vậy.
- Đúng vậy. Nếu Thư có bạn trai đi cùng thì tôi mừng và chúc cô ấy.
Thư lên tiếng bằng nụ cười:
- Anh có Nhã Chi là bạn đời, Thư sẽ đến chúc mừng cho hai người, dù có bạn mới hay chưa tìm được bạn trai vừa ý đi nữa. Với lại, có hay không đâu quan trọng. Theo Thư nghĩ, những người bạn gái khác không có bạn trai, vẫn vui vẻ sống và sống có ý nghĩa là khác. Đâu phải có chồng giàu, bạn trai có địa vị mới sống đúng không?
Tâm Tâm cười, nắm tay em, nhỏ nhẹ nói lên ý kiến của mình:
- Em nghĩ có một khía cạnh thôi. Vì trong cuộc sống của phụ nữ, nếu có người bạn đời giàu, mọi chi phí trong đời thường khỏi phải lo lắng, người vợ sẽ thoải mái, tuổi xuân kéo dài. Cho nên nhiều người ta bỏ công sức để tìm một chỗ ẩn thân tốt đẹp, sung sướng là vậy đó.
- Nhưng em không quan trọng vật chất ấy đâu.
- Còn người ta thì khác, mỗi người có một quan niệm mà, đúng không?
- Ồ phải. Mình về bàn nhá. Quốc Huy, em chúc anh hạnh phúc đấy. Nhã Chi từ đây bạn yên tâm rồi há. Chúc Chi làm người vợ tốt bên người chồng mà cô hết lòng yêu mến.
Huy nhìn hai người với ánh mắt ưu tư. Nhã Chi thở dài, réo gọi Huy trở lại thực tại. Anh gượng cười nhìn Nhã Chi, hỏi với vẻ gượng ngập:
- Em à! Họ là chị em thật chứ?
- Dạ thật. Anh không thấy họ giớng nhau sao?
- Ý anh muốn hỏi họ là chị em song sinh, hay như bình thường.
- Mỗi người cách nhau ba tuổi. Có lẽ họ giống nhau vì cùng cha mẹ mà.
Nhã Chi nhìn anh như muốn biết anh đang nghĩ gì vậy.
Huy vỗ nhẹ tay cô, cười ngọt ngào phân bày:
- Tự anh chưa bao giờ gặp hai chị em họ cùng một lúc, nên có chút ngạc nhiên thôi. Em nghĩ gì vậy?
- Đâu có gì. Giờ anh là của em rồi, chúng mình phải tin tưởng nhau chứ. Còn những chuyện đã qua không vui, hãy quên đi để sống cho mình, há anh.
Ánh mắt nụ cười hiền hậu, dễ cảm thông của Nhã Chi, ngước lên nhìn anh. Huy không lý do nào giận cô được. Anh cười gật gù:
- Phải. Nhã Chi! Anh đưa em lại chào mẹ cha nhé.
Bà Thanh luôn hướng về chị em Tâm và bà mẹ của họ, khi mẹ Tâm Thư đến chào và bà trao quà trong nụ cười cởi mở, lời tạm biệt ra về của mẹ con Thư Thư, để lại trong lòng bà Thanh một chút gì đó xót xa, Thư Thư trong mắt bà không tệ, nụ cười tươi tắn, ánh mắt to, hàng lông mi dày biết cúi thấp để che chắn nội tâm của mình khi bắt gặp sự chăm chú của bà.
Cách ăn nói của Thư rất khôn ngoan, ánh mắt cho Huy không giấu chút giận dỗi, trách cứ. Trước khi ra về, Thư nhỏ nhẹ với bà:
- Nhã Chi là cô gái ngoan hiền, nhờ có sự giáo huấn của bà nội và cha mẹ tốt, chắc chắn cô ấy sẽ là con dâu tốt, vợ hiền. Cháu thành thật chút mừng sự nhận xét và chọn lựa đứng đắn ấy của bà. Xin chào.
Bà Thanh không biết nói gì, khi ánh mắt vương buồn của cô gởi trong từng lời trầm ấm ấy, nhất là cái nhìn của bà Ngọc dõi theo bóng họ.
Tiệc vui nào chẳng tàn, khách đến rồi lặng lẽ ra về, để lại cho bà một cái gì đó xót xa. Nhã Chi trở về phòng từ lâu, thế mà ngoài hành lang dẫn đến balcon, con trai bà vẫn ngồi đó với điếu thuốc trên tay cháy đỏ.
Bà đến thật lâu, thế mà anh chẳng hay. Có lẽ hồn Huy đang lang thang để nhớ cuộc tình vừa đi qua đời mình chăng.
- Sao con không đi về phòng nghỉ ngơi. Ngồi đây sương xuống sẽ lạnh đó.
- Mẹ nghỉ đi. Bao giờ con muốn sẽ về phòng. Đừng lo cho con.
Anh không nhìn lại, buông lời với giọng chùng hẳn. Bà bước lại gần anh, hỏi:
- Con đang nghĩ đến mẹ con Tâm Tâm à? Tiếc nuối có ở con sao?
- Mẹ à! Có lẽ con hiểu lầm Thư Thư. Từ sự giận dỗi ấy, xui con quyết định cưới vợ.
- Con giận chuyện gì vậy? Nhưng dù sao tất cả đã lỡ rồi. Chẳng lẽ...
Huy thở dài, hít hơi thuốc dài giọng anh chán nản hơn:
- Lần đó con theo Thư Thư cả buổi chiều khi bắt gặp cô ấy đi với chàng trai cao lớn ăn mặc đẹp từ siêu thị bước ra. Họ đưa nhau đến căn nhà thật đẹp và ở trong đó luôn. Con đợi mãi gần một giờ sau họ mới ra và đến nhà hàng Sao Đêm uống rượu.
- Sao con không chạm mặt họ, chừng ấy Thư không chối cãi được.
- Con không nghĩ như vậy. Nên đợi xem họ đi đâu nữa. Họ rời nhà hàng, lên xe về Biên Hòa luôn. Con theo họ lên đó, gặp Thư để hỏi cho đâu ra đó và dứt khoát dễ dàng hơn.
Nuốt giọng, nhìn vẻ nôn nóng của mẽ, anh liền nói tiếp:
- Khi con đến phòng riêng của Thư tra gạn đủ lời, Thư nhất định chối, không chịu nhận những gì con đã thấy. Dù con bằng mọi lời, Thư cũng không thay đổi ý. Giận quá, con tát Thư và chia tay, dù Thư khóc ghê lắm.
- Theo con nghĩ, tất cả là do chị của Thư làm?
- Dạ, con nghĩ vậy. Vì người đàn ông con thấy là bạn trai của Tâm Tâm, đến dự với chị ấy đêm nay. Thật là đau khổ cho con và cả Thư nữa. Nếu ngày đó, con gặp Tâm Tâm thì tất cả đâu như ngày hôm nay. Thật lòng, con có quyết định cưới Nhã Chi là trả đũa Thư Thư thôi, nhất là cho ba mẹ vui vẻ trước khi hai người về Pháp.
Bà nhìn lại phía sau như lo sợ Nhã Chi hay chuyện vậy:
- Vợ con biết lòng con thế nào không?
- Chắc không đâu mẹ à. Thư Thư là cô gái tốt bụng, luôn nghĩ đến hạnh phúc và cuộc sống của người khác. Từ nhỏ đến ngày nay, Thư chưa hề nghĩ đến mình, một ngày vui chưa bao giờ đến với cô ấy. Mẹ Thư khỏi hẳn. Từ đây có thể... chỉ có thể thôi nha mẹ.
- Sao, con nói đi. Biết rào đón mẹ từ bao giờ vậy Huy?
- Không phải đâu mẹ. Ý con muốn nói, Thư có thể nghĩ đến cô ấy một chút gì đò, bởi vì Thư ra trường, có tương lai, xinh đẹp và khôn ngoan, yếu tố đó sẽ giúp Thư tìm được một người chồng chính chắn tốt bụng hơn.
- Con hối hận rồi sao Huy?
- Có thể vậy mẹ ạ. Vì con rất yêu Thư. Thư là người vợ hoàn hảo, bởi đạo đức và sự phấn đấu của cô ấy sẽ giúp chồng tạo sự nghiệp vững vàng. Thư không như những người đàn bà khác, chỉ muốn nương tựa ở chồng.
Bà Thanh thở dài khi Huy phân tích, đụng chạm đến tự ái của bà:
- Cưới Nhã Chi là ý của con kia mà, mẹ đâu có ép, giờ trách là sao?
- Mẹ chính là người thúc ép con nhiều nhất. Nếu không bị ba mẹ dồn vào đường cùng, con đâu có khổ. Nhã Chi chỉ là người vợ trong phòng ngủ mà thôi. Còn ở bếp phải thuê người, khi ra phòng khách tiếp tân, Thư Thư đủ khôn ngoan hơn.
Nuốt giọng, anh tiếp:
- Nhưng tất cả đâu đã vào đó rồi, dễ gì Thư chịu bỏ qua cho con, còn cô vợ khổ sở này và bà mẹ lắm mưu nhiều kế kia nữa.
Bà Thành nhìn ra cổng và bảo:
- Lúc Thư Thư tạm biệt mẹ về, hình như bà Ngọc nhận được điện thoại của ai đó gọi đến nên bà có vẻ vội vã lắm. Bà ta liền đi ra cổng, chẳng biết bây giờ có về chưa nữa.
- Dạo này bà Ngọc kêu Nhã Chi xin tiền con để mua nhà gì đó.
- Con cho không? - Bà Thanh hỏi với vẻ nghi ngại.
- Bà ấy không thật thà, bà chiếm ba của Thư Thư nên mẹ cô ấy mới điên dại. Giờ mẹ Thư khỏi bệnh, mẹ có thấy bà ấy sượng sùng khi tiếp mẹ Thư không. Xem ra mẹ Thư đẹp và hiền lành hơn nhiều.
- Ừm. Nhưng bà Ngọc chỉ có Nhã Chi thôi nên tất cả đều lo lắng cho con gái mình. Nhờ đó, con cũng nhẹ đi phần nào về vợ con mình.
- Đã không yêu rồi, có sống trên đống vàng cũng có vui vẻ gì mà ham. Nhìn Thư, con muốn khóc và chạy theo cô ấy ngay vậy. Nhưng đang tiếp khác với chiếc áo chú rể, con biết phải làm sao đây.
Bà Thanh buồn bã khuyên nhủ con mình:
- Huy à! Tất cả đã qua rồi, quên đi càng sớm càng tốt. Nếu không người khổ nhất là con đó.
- Con biết. Nhã Chi yêu con thật lòng, cô ấy không tính toán chiếm đoạt gia tài này như mẹ cô ta đã lập ra kế hoạc từng bước, từng bước thực hiện. Nhưng cô ấy không hiểu con muốn gì, nếu sống bên nhau mãi, chán lắm.
- Thư Thư có vẻ rắn rỏi, ngôn ngữ khôn ngoan, con sẽ là thằng khờ bên cô vợ ấy, liệu hạnh phúc có bền chăng?
- Con biết Thư Thư rất cứng rắn. Cô ấy làm con buồn nhưng con yêu cô ấy. Mẹ xem con có ngốc hay không?
Bà Thanh cười vẻ cảm thông:
- Tình yêu thật sự là vậy đó. Nhã Chi quá dễ dãi, con bảo gì nghe ấy, nên con xem thường con bé hơn. Còn Thư Thư không dễ quật ngã nên con tôn trọng cô ta là vậy.
- Giá mà Nhã Chi biết lý lẽ, tự rút lui thì con và cô ấy đâu ai khổ sở trong ngày tháng còn lại chứ.
- Nhã Chi là mẫu người thích an phận giống mẹ, có lẽ vì thế mà mẹ có cảm tình với cô ta hơn. Trời sinh mỗi người một tính mà.
- Con hiểu, nên đâu có ý chia tay với Nhã Chi. Tất cả những gì con chán ghét ở Nhã Chi đều xuất phát từ mẹ cô ấy. Mẹ chưa biết đâu. Đến đầu làng mẹ của Nhã Chi, mẹ sẽ nghe bà con từ hai bên đường oán ghét nguyền rủa bà Ngọc thậm tệ như thế nào.
- Thật sao? - Bà Thanh ngỡ ngàng kêu lên.
- Thật. Nếu mẹ không tin, ngày mai con sẽ đưa mẹ đi. Chứng kiến cảnh đó, mẹ sẽ nghe thủ đoạn tinh vi của mẹ Nhã Chi đẩy mẹ của Thư Thư vào tình cảnh cùng cực như thế nào. Con sợ bà ấy thật sự.
Bà Thanh thở dài như than:
- Hy vọng với gia đình mình, bà ấy sẽ hồi tâm và sống tốt hơn.
Hai mẹ con không bao giờ ngờ Nhã Chi đã nghe trọn vẹn những lời bàn tán của họ. Cô không tin ở tai mình, nhưng thực tế không sao chối bỏ được. Càng ngày, người ta càng nói về mẹ cô rất nhiều. Nhã Chi không tin, nhưng nghe mãi cũng ngờ, nhất là thái độ lạnh nhạt của ba Khải và sự miễn cưỡng của bà nội khi nhận lời mời của cô đến dự lễ đính hôn. Dự xong, bà nội về ngay, không ở lại vui với cô cháu nhỏ mà ngày nào bà luôn nâng niu ân cần.
Nhã Chi trở về phòng bằng những bước muộn phiền, tựa vào chiếc ghế dài, mắt nhìn lên trần nhà để gẫm lại đời mình. Thì ra, mãi mãi Nhã Chi là cánh chùm gởi trong mái ấm ấy của riên Thư. Dù Chi có yêu thương bà thế mấy, vẫn không làm sao thay đổi tình thương của Thư trong lòng bà, bởi họ dù sao cũng là cốt nhục với nhau mà. Nhã Chi chỉ là kẻ ngoài song cửa, đến rồi đi thì được, còn ở lại khó mà lâu. Chợt có tiếng chuông điện thoại vang dài, Nhã Chi đưa tay lên nhấc ống nghe và áp vào tai.
- Mẹ cô đang gặp tai nạn tại... Mau đến nhá.
Nhã Chi co rúm người lại vì sợ. Người đầu tiên cô nghĩ đến là Huy. Lòng thương yêu mẹ đã hối thúc cô chạy đến phòng Huy, réo gọi sự hỗ trợ tinh thần lẫn phương tiện, dẫn cô đến nơi ấy để giúp bà mẹ của mình được bình yên.
Huy nắm bàn tay lạnh giá của Nhã Chi, đưa cô ra xe ;
- Em bình tĩnh lại đi. Không có chuyện gì đâu, đừng có rối lên quá.
- Em biết rồi. Anh đừng lo cho em, cứ cho xe chạy đi, đừng nhanh quá sẽ nguy hiểm lắm.
- Anh biết mình làm gì mà. Em đừng khóc nữa. Hãy tập trung tinh thần để mình tìm cách giải quyết theo mọi tình huống cho tốt hơn.
Nhã Chi đưa tay lau nước mắt, cử chỉ cuống quýt, mắt nhìn Huy gật gù vẻ quyết tâm theo lời anh vừa bảo. Huy hỏi:
- Người báo tin trên điện thoại là đàn ông hay đàn bà vậy, em nhớ không?
- Đàn ông. Nghe giọng nói vừa nhanh, vừa hốt hoảng, em sợ lắm.
Huy luôn hỏi để Nhã Chi quên đi thời gian và sự sợ hãi:
- Sao họ biết số điện thoại của nhà anh... Hay là mẹ em có quen với người ta?
- Em sợ trong lúc mẹ gặp nguy hiểm nên nhờ ai đó gọi về.
- Cũng có lý lắm, em có từng biết số nhà này không?
- Dạ không, hình như không phải nhà... mà là khách sạn gì đó.