- Vụ gì? Anh không nói em giúp làm sao?
Anh Hoàng kể lể một thôi một hồi, cô Bích nghe xong tự dưng thấy sởn gai ốc, cô càu nhàu.
- Ôi ông anh của tôi ơi, ngoài đường thiếu gái hay sao mà anh lại làm cái trò bất nhân đó? Anh chơi ác dữ?
- Anh có nỗi khổ mày không hiểu được đâu. Anh xin thề là sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát. Anh chưa từng có ý định sẽ có con với em ấy.
- Thề thốt giờ được cái khỉ mốc gì. Anh không lo vun vén quả này anh với bà Hoài đứt là cái chắc.
- Thì thế nên anh mới phải hỏi ý kiến mày đây. Liệu anh nên bảo với Hoài anh thuê một con nhỏ ở quê thụ tinh nhân tạo giúp hai vợ chồng rồi sau này con ra đời cứ thế đón về hay nên làm giống mẹ Hoà nói, coi như đứa trẻ mẹ nhặt về nuôi, chả liên quan tới anh?
- Hai cách đều ngu. Linh cảm phụ nữ nhạy lắm mấy chuyện này không đùa được đâu. Thôi thế này đi, bây giờ anh cố gắng chiều vợ thật nhiều để mụ cảm động. Đợi đứa trẻ ra đời thì anh ôm con về thú nhận với chị.
- Gì? Điên! Mày muốn giết anh à?
- Từ từ, chưa gì đã sồn sồn lên thế? Ai kêu ông nói tất đâu, mình chỉ nói một nửa của sự thật thôi, ngốc nghếch. Dỏng tai lên mà nghe đây này...
Cô Bích chỉ điểm từng chút một, lòng anh Hoàng vẫn hơi bồn chồn, anh hỏi dò.
- Mày có chắc vợ anh sẽ xuôi không?
- Chắc chắn, nếu anh nói đúng như em bảo thì chị Hoài sẽ không có cớ để trách anh, tại anh làm tất cả chỉ vì muốn tốt cho chị. Thêm nữa, chị vẫn luôn ghi nhớ vụ năm xưa anh giúp đỡ gia đình chị, cảm giác mắc ơn cộng thêm ăn năn vì không đẻ được sẽ khiến chị nguôi ngoai thôi.
Ối dồi có cô em gái ranh mãnh sướng nhể? Anh hiểu mà, vợ anh không phải người ăn cháo đá bát, ai giúp vợ dù chỉ là việc nhỏ thôi vợ cũng sẽ cố gắng đền đáp cho bằng được nữa là anh, người chồng đầu gối tay ấp suốt tám năm trời. Tâm trạng phấn chấn hẳn lên, anh lái xe qua viện đón vợ, đưa vợ ăn tiệm sang chảnh xong dắt vợ đi mua thật nhiều váy đẹp. Đêm đến vừa bóp vai cho vợ anh vừa thỏ thẻ mởi gửi biếu ba mẹ vợ năm chục triệu để hai cụ trang hoàng lại cái phòng khách. Vợ cười rõ rạng rỡ, còn kêu lấy được anh đúng là phúc phận đời vợ.
- Ôi chỉ cần vợ vui bảo anh xuống biển mò kim anh cũng chịu nữa là có vài đồng bạc.
Anh dõng dạc khẳng định, gớm chả biết có phải do lên chức không mà ông xã chững chạc hẳn ra, hàng ngày đi làm về liền tranh thủ dọn nhà cho vợ có thời gian may và vẽ, thậm chí tới đầu tháng mười một có đám cưới cô cháu họ nhà dì Kỷ anh còn ôm vợ thủ thỉ.
- Thôi ở ngoại thành xa thì tối nay vợ ngủ lại sáng mai hãng về cũng được, đỡ vất vả. Chứ đêm qua vợ thức may nốt cái áo dài cho dì Kỷ mà nay lại phải đi đi về về mấy chục cây chồng xót ruột lắm.
Có bà vợ cảm động gật đầu, có ông chồng mừng huýnh, chạy vào nhà tắm soạn vội tin nhắn.
"Đừng tủi thân hại sức khoẻ, chịu khó nghỉ ngơi đi, tối anh qua đưa đi ăn cháo cá nhé."
"Chả thèm."
Ai đó nhắn lại cộc lốc, thời gian vừa rồi anh mải ở nhà chiều vợ nên cô ấy giận là đúng thôi. Tuy nhiên cái người này chả bao giờ đánh anh giống vợ đâu. Dễ thương ghê lắm, nhưng chỉ dừng lại ở dễ thương thôi, anh thương được, nhưng không yêu được. Vì thương hại, day dứt nên anh luôn cố gắng bù đắp cho người ta hết sức có thể.
- Chồng ơi ở trong đó lâu thế, bị đau bụng á?
Vợ gọi vọng vào quan tâm, anh làm bộ ôm bụng chạy ra than vãn chắc tại tối qua đi gặp đối tác uống hơi nhiều. Vợ ân cần lấy thuốc cho anh. Vợ đã thay váy chuẩn bị đi đám cưới rồi cơ đấy, vợ chọn đồ đơn giản nhưng tinh tế lắm nhé, nom đẹp đến đứng tim.
- Eo, vợ làm anh ngất ngây con gà tây mất thôi, sao vợ đẹp quá trời quá đất vậy vợ? Anh ước biến vợ thành người tý hon ý, xong đút vào túi áo, lúc nào thích là đem ra hít hà thôi. Anh say vợ như đi tàu say sóng rồi nè!
- Gớm chồng làm việc ở xí nghiệp bánh kẹo hay nhà máy sản xuất mật vậy? Ngọt thế! Cậu Bách đưa ba Thuận mẹ Hoà, cô Bích với Bông đi chơi rồi, mình vợ đi đại diện gia đình kể cũng buồn, chồng có đi cùng vợ không?
- Ôi chồng muốn lắm cơ mà bận quá vợ ạ. Mai anh còn phải xuống xưởng từ năm giờ sáng kia kìa.
- Vậy thôi vợ đi đây, chắc mai vợ mới về.
Dứt lời, chị cẩn thận gấp bộ áo dài đem sang cho dì. Chị kêu chị may tặng rồi mà dì cứ nhất mực trả tiền, còn ép chị nhận lấy may, coi như dì là khách hàng đầu tiên kể từ khi chị quay lại với nghề. Biết tủ đồ của dì chẳng thiếu váy áo hàng hiệu nên chị dành hai tối liền chỉ để vẽ bản phác, gần một ngày trời săn lùng các chợ vải tìm chất ưng ý. Chị muốn bộ áo dài của dì phải thật đặc biệt, có chút phá cách nhưng vẫn sang trọng quý phái. Mới đầu vào may tay còn hơi run, cơ mà chị lại nhớ tới lời Niệm nói để cố gắng. Chị sẽ không đổ tại hoàn cảnh nữa đâu, cứ tập dần rồi sẽ quen thôi mà. Có tối chị ngồi đơm ngọc trai hồng lên phần cổ áo của dì mà nhức tê cả tay, mỗi lần như vậy chị nghỉ tầm năm mười phút rồi lại cần mẫn làm tiếp. Tuy hơi cực nhưng đổi lại nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dì khi khoác trên mình bộ áo dài cháu dâu may là chị thấy mãn nguyện rồi. Bữa đó dì Kỷ không chỉ là nàng thơ trong mắt chú Nhất mà còn là tâm điểm chú ý của đám đông. các bà các cô gặp dì cứ hỏi han tới tấp.
- Ối dồi nom như gái đôi mươi ý nhờ, bộ áo dài đặt ở đâu mà sang chảnh thế. Thêu thủ công hết phải không?
- Ừ, đặt may chỗ con cháu. Tuy hơi đắt nhưng muốn thiết kế riêng có một không hai thì phải chịu chi chứ bà nhỉ?
- Công nhận, đắt xắt ra miếng, đáng đồng tiền bát gạo. Cho tôi số điện thoại đặt may với.
- À con bé Hoài vợ thằng Hoàng đó. Xưa nó được nhiều giải thiết kế lắm nhưng giờ ở nhà làm nội trợ nên chẳng nhận may nhiều đâu. Phải chỗ thân quen lắm nó mới làm ý, để tôi nói khó nhờ nó may cho các bà nhé!
- Ừ, nói giùm một câu với. Chỉ cần là thiết kế riêng không đụng hàng thì tiền nong không thành vấn đề.
Chị Hoài đứng một góc nghe dì làm giá cho mình mà phì cười. Vợ của doanh nhân thành đạt có khác, chỉ vài câu đưa đẩy đã gọi về cho cháu một đống đơn đặt hàng, toàn khách sộp mới cưng chứ, bõ công chị vất vả suốt nhiều ngày trời. May có thuốc tốt Niệm mua, chị dùng xong không những đỡ run tay mà da dẻ còn mịn màng hơn nhiều. Chị đang tính nhờ cậu đặt thêm đợt thuốc nữa thì thằng bé đã ghé qua đưa cho chị chiếc túi giấy, bên trong có ba tuýp thuốc mới cứng.
- Ơ sao biết chị sắp hết thuốc? Quan tâm chị thế?
- Ai mà biết? Ai quan tâm? Mơ hả?
- Không biết sao mua?
Chị hỏi vặn, tại chị nghe dì Kỷ kể cậu từng hỏi dì chị bị ngã như nào. Dì bịa rằng chị sẩy chân rớt xuống hồ vào mùa đông giá buốt nên từ đó bị chứng run tay. Chắc chuyện không vui nên dì chẳng muốn khơi lại, chị cũng vậy. Cậu nghe chị hỏi thì tỏ vẻ chẳng liên quan, lấp liếm kêu mua đại thôi. Vành tai cậu hơi đỏ, bất chợt lòng chị dâng lên nỗi khát khao được chạm vào vành tai ấy rồi xoắn một cái thật mạnh. Chị thường tự lừa chính mình rằng bản thân là người sòng phẳng, ai gây sự với chị trước chị mới tính sổ với người ta, nhưng thực ra không phải như vậy. Thực ra, rất xấu hổ khi phải thú nhận rằng, chị luôn có ham muốn chèn ép Niệm, ngay cả khi cậu không làm gì chị cả. Cơ mà tự dưng gây sự thì không hay cho lắm, thế nên chị cố ý mỉa mai.
- Khiếp nom Niệm bữa nay xấu trai nhờ?
Cậu nhìn chị, chỉ liếc qua thôi nhưng có vẻ cậu đoán được người ta muốn gì. Như để đáp ứng nguyện vọng của đối phương, cậu đánh nhẹ vào vai chị, cho chị một cái cớ hoàn hảo để trả đũa. Cậu biết, chị sẽ ra đòn không khoan nhượng. Quả đúng là như thế, chị xoắn tai cậu, đau điếng. Đau, nhưng rất chân thực, khác hoàn toàn với những giấc mơ hàng đêm của cậu, khi tỉnh giấc rồi, cảnh không như xưa, người chẳng còn đó, đến chút cảm giác hiếm hoi cũng biến mất.
Chị thấy cậu tâm trạng thì chắc mẩm mình hơi quá tay, cuối buổi tiệc đành đền bù cậu bó hoa cưới. Kể cũng lạ đời, già khắm khú rồi còn nhận được hoa từ cô dâu, chị đâu có cần chứ? Tặng Niệm luôn! Chị xin Niệm cho chị đi nhờ xe về nhà, tại chị sốt ruột anh Hoàng đau bụng đêm nằm một mình tội nghiệp anh. Hai người về tới ngã tư gần nhà thì chị trông thấy xe ông xã điềm nhiên đi ngang qua trước mặt. Đùa à? Sao bảo mai phải xuống xưởng từ năm giờ sáng? Vợ còn đang tính mai dậy sớm đồ xôi để chồng ăn cho chắc dạ mà. Chị gọi điện nhưng anh không bắt máy, đoán anh có việc quan trọng, lo chồng khờ bị người ta bắt nạt nên chị bắt Niệm phóng xe đuổi theo. Chẳng biết do Niệm lái lụa hay do anh Hoàng chủ quan nữa, anh không hề biết vợ và cậu đi ngay phía sau mình. Bởi vậy nên khi rẽ tới con ngõ quen thuộc, anh vô tư xuống xe, lao tới ôm người phụ nữ đang chờ mình trước cổng.
- Tháng mười một trời se se lạnh rồi dặn ở trong nhà thôi mà cứ ra ngoài đứng đợi làm gì không biết?
Anh trách, ai đó thở dài tâm tình.
- Thì mãi chẳng thấy tới, em lo á.
Nãy vừa mới giận anh xong mà giờ vẫn quan tâm anh, anh cảm động siết chặt cô ấy vào trong lòng, cố gắng đền bù bằng những chiếc thơm ngọt ngào lên đôi gò má đầy đặn. Người đàn bà nép trong lòng anh cười khúc khích, còn người đàn bà đứng cách anh một đoạn chẳng xa lắm, chính là vợ anh, nước mắt chợt lăn dài bên đôi gò má. Cả người chị nổi đầy gai ốc, cái cảm giác ấy, nó choáng váng, nó tủi nhục, nó đau, nó buốt, nó xót xa đến thấu xương thấu tuỷ. Cái cảm giác mà, bị phản bội bởi người đàn ông chị gửi gắm cả cuộc đời, người đàn ông mà chị hết mực tin tưởng, người mà hàng ngày chị vẫn gọi là...chồng.
Giá như người con gái anh đang ôm trong lòng là một người xa lạ thì có lẽ chị sẽ nhào đến làm cho ra ngô ra khoai. Nhưng không, không phải ai khác, không phải tình một đêm vụng trộm nơi công sở, không phải cô nhóc nào trẻ người non dạ anh gặp ở quán bar, mà là...người có chiếc bánh giò cũng bẻ chia đôi cho chị, là người năm xưa luôn xách balô hộ chị mỗi lần hai chị em đi học chung, cưu mang chị khi chị chân ướt chân ráo lên thành phố, và còn là, người phụ nữ chị thương nhiều như chị gái ruột của mình. Một người như thế, sao chị có thể xông tới giật tóc, đấm, đá?
Không. Chị không thể. Chị không làm được. Uất hận bủa vây tim gan chị, bức chị phát rồ, nhưng chị lại không có cách nào giải toả. Chị lầm lì quay người, dồn hết u uất làm thành một cú đấm giáng mạnh vào lưng Niệm, cau có quát thằng bé cút sang ghế bên cạnh. Còn chị, lao thẳng vào ghế lái, mím môi khởi động xe, tăng tốc từ từ sau đó cố ý làm một cú "drift" đầy ngoạn mục tạo ra những tiếng động vô cùng chói tai. Anh Hoàng lúc này mới giật mình lẩm bẩm chửi thằng điên nào mà vô ý vô tứ, may mà ngõ to chứ ngõ nhỏ khéo xảy ra va chạm thì khổ. Thế rồi, anh tò mò nhìn về phía chiếc xe, tá hoả khi phát hiện ra con mui trần màu xanh lá cây, một trong những chiếc xe trong bộ sưu tập đồ sộ của cậu Niệm. Cơ mà cậu bữa nay chỉ ngồi ghế phụ thôi, còn ghế lái...vợ...vợ anh. Có người sợ tái mét mặt mày, ngay lập tức nhào lên xe đuổi theo bà xã. Chị Hoài nhìn thấy xe chồng qua gương chiếu hậu chỉ nhếch mép cười nhạt, trình độ ông xã đua với chị sao nổi mà đòi đú? Chỉ chưa đầy năm phút, chị đã gọn ghẽ cắt đuôi anh. Không hẳn do anh kém, mà do chị là học trò của Niệm, một tay đua lão làng. Việc đầu tiên Niệm làm sau khi lấy được bằng lái xe là lôi chị đi chơi tứ tung, chị giống Niệm, mê tốc độ cao nên có lượn lờ cả ngày cũng chả chán.
Chị nhờ Niệm dạy chị lái xe, ngoài ra Niệm còn dạy chị trượt băng, dạy chị nói tiếng Anh, dạy chị chơi các loại nhạc cụ cơ bản. Và đặc biệt, Niệm chỉ cho chị cách phòng thân khi gặp kẻ xấu. Tuổi trẻ của chị cũng rực rỡ lắm chứ bộ, ham học hỏi, thích thách thức bản thân, thích khám phá những vùng đất mới mẻ. Chỉ là, cái thời thanh xuân đầy nhiệt huyết ấy, sao lại ngắn ngủi đến vậy? Chị tự hỏi chị đã làm gì với bản thân mình trong suốt tám năm qua? Lấy chồng thành phố, trở thành người đàn bà mẫu mực của gia đình, được bao cô gái dưới quê ngưỡng mộ vì cuộc đời êm đềm suôn sẻ. Nực cười. Thật nực cười quá! Mải miên man với những dòng suy nghĩ chồng chéo, chị không để ý mình đã lái xe ra khỏi thành phố từ lúc nào. Đúng là Niệm có khác, chị phóng nhanh như thế mà cậu vẫn bình thản như không, đổi lại anh Hoàng có khi mặt cắt không còn giọt máu rồi ấy chứ. Chị đánh tay lái rẽ sang bên phải, đậu xe chễm chệ giữa bãi đất trống ven sông.
- Cho chị mượn xe đêm nay, cậu về trước đi.
Sở dĩ chị bảo vậy vì chị biết chỉ cần một cú điện thoại chắc chắn sẽ có người tới rước Niệm. Tuy nhiên, thằng bé không gọi. Chị cũng chả quan tâm, chẳng biết có phải do gió từ mặt sông hay không mà người chị run run, Niệm giúp chị đóng mui xe sau đó chỉnh nhiệt độ ấm hơn. Chị chợt nhớ ra rất hiếm khi anh Hoàng chủ động chỉnh nhiệt độ cho vợ, mỗi lần chị ho như cuốc kêu anh lại nịnh ngọt vợ yêu chịu khó đắp chăn chứ trời hè để nhiệt độ cao anh chịu không nổi. Rồi khi trời đông giá rét, mặc dì Kỷ kêu không cần anh vẫn cứ nhờ chị tự tay gói giò biếu chú dì để anh dễ dàng thăng tiến trong công việc. Gần chục cân giò anh mà anh không cho xay, bắt phải giã mới ngon, hại chị mấy ngày điêu đứng. Chị cứ ngỡ nếu chị thực hiện đúng nghĩa vụ của người vợ thì anh sẽ không có cớ gì để làm sai trái với lương tâm của một người chồng. Nhưng...thật buồn! Tủi thân, chị nấc lên từng tiếng. Người bên cạnh cởi áo vest vứt cho chị, chị cầm lấy vừa chùi mặt vừa khóc nức nở. Điệu bộ thảm thương của chị khiến cậu nhớ tới người con gái năm ấy, cái người ôm gối rấm rứt cả buổi vì không được giải nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng thiết kế thời trang. Cậu của khi đó, chẳng biết làm cách nào ngoài vỗ vai người ta nói nhỏ.
- Đừng khóc, xấu lắm.
- Xấu kệ xấu. Xinh đẹp có để làm gì đâu?
- Dù sao cũng được giải ba rồi mà, bao nhiêu người tham dự được giải ba là giỏi lắm rồi ý.
- Không thèm, thích giải nhất cơ. Giải nhất mới được học bổng đi Mỹ du học, giải ba đâu có được đâu.
Có người tức tưởi, có người an ủi vậy năm sau thi lại nha. Người kia lắc đầu không chịu, bực bội càu nhàu.
- Đợi tới năm sau thì người ấy đã đi xa mất rồi.
Chị đang buồn nên buột miệng, rõ ràng chị rất ghét Niệm, nhiều lúc căm thù luôn ấy, nhưng từ khi nghe tin thằng nhỏ sắp phải xa nhà chị lại như ngồi trên đống lửa. Lòng chị bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, cứ tưởng tượng ra có đứa con gái khác thế chỗ của chị bây giờ, tối ngày đấm đá hành hạ Niệm là chị lại chịu không nổi. Lúc nghe Bách kể có cuộc thi thiết kế tài trợ học bổng cho người xuất sắc nhất chị cười ngây ngô nguyên một ngày. Chị phải thi thôi, phải thi để lấy giải nhất, được giải nhất rồi chị sẽ sang Mỹ giày vò Niệm. Ai kêu chị ghét Niệm quá mà! Cơ mà chị đâu có dại mà nói thẳng toẹt ý định của mình, lúc Niệm hỏi người ấy là ai chị chỉ đáp bừa.
- Thì cái anh hàng xóm nhà người ta ý.
Sợ thật! Bịa như kiểu cậu chưa từng về cái xóm đó bao giờ không bằng, cậu cố nén cười thắc mắc.
- Cái anh Hiệp bán lợn giống đấy hả?
Gần nhà chị có mỗi anh Hiệp là con trai lớn tuổi hơn chị mới tức chứ, bị bắt bài, chị gân cổ lên cãi.
- Bộ bán lợn giống thì không được đi Mỹ à? Người ta xuất khẩu cả tấn ấy chứ, đấy chả biết gì thì thôi.
- Ghê! Đấy chắc không?
- Chắc chắn.
- Nếu sai thì sao? Sai thì đấy mất gì?
- Mất gì chả được.
- Được, cứng miệng thế là tốt. Giờ đây sẽ gọi về hỏi mẹ đấy, nếu như anh Hiệp lợn giống không đi Mỹ thì sau này đấy chuẩn bị tinh thần đẻ thuê cho đây nhé!