Tóm lại, tôi gọi điện cho Jane, nhưng không ai trả lời nên đành phải treo ống nói. Tôi đọc lướt qua cuốn sổ ghi chép, tìm người có thể đánh bạn với mình buổi chiều nay. Thật vô phúc, trong sổ tôi chỉ có ba số điện thoại: của Jane, của ông Antolini, thầy giáo của tôi ở trường Elkton Hills, và nơi làm việc của bố tôi. Suốt đời tôi quên ghi số điện thoại. Cuối cùng, đành phải gọi cho thằng Carl Luce. Nó đã tốt nghiệp trường Whootton khi tôi đã rời nơi đó. Nó hơn tôi ba tuổi, tôi không thích nó lắm, nhưng nó thông minh khiếp vì có chỉ số phát triển trí tuệ cao nhất trường. Tôi nghĩ có thể nó sẽ ăn trưa cùng tôi, cả hai sẽ nói về chuyện gì thông thái một chút. Đôi lúc nó kể chuyện rất hay. Tôi quyết định gọi điện cho nó. Hiện giờ nó học ở trường tổng hợp Columbia nhưng sống ở phố Sáu mươi lăm, và tôi biết nó có nhà. Khi tôi gọi được nó, nó nói sẽ bận vào bữa trưa, nhưng có thể gặp tôi vào 10 giờ tối ở Wikerbar, phố Năm mươi tư. Có vẻ như nó rất ngạc nhiên khi nghe thấy giọng tôi. Một lần tôi đã chửi nó là đồ õng ẹo to mông.
Cần phải giết thời gian cách nào đó cho đến 10 giờ, tôi đành đi xem ở Radio City. Chả còn nghĩ ra điều gì tồi tệ hơn thế, nhưng tôi ở ngay cạnh đó và hoàn toàn không biết chui vào đâu khác.
Tôi vào rạp khi đã bắt đầu phần diễn phụ. Nhóm nhạc Rokett diễn trò gì có trời biết được. Bạn biết họ nhảy ra sao không, tất cả xếp thành hàng ôm eo nhau. Dân chúng vỗ tay như phát cuồng, một gã sau lưng tôi cứ lặp đi lặp lại mãi: "Bạn có biết điệu đó gọi là gì không? Chính xác toán học!". Đến chết mất. Sau nhóm Rokett, một tay bận áo đuôi tôm trượt pa tanh ra sân khấu rồi bắt đầu chui xuống dưới mấy cái bàn con pha trò. Gã trượt rất khá, nhưng tôi thấy chán, vì hình dung thấy gã ngày nào cũng luyện tập để có thể trượt điệu đàng quanh sân khấu. Một việc làm ngu xuẩn. Sau gã là kịch câm về lễ Giáng sinh, năm nào họ cũng diễn cái này ở Radio City vào dịp lễ. Thiên thần chui ra từ cái thùng, rồi những kẻ nào đó vác hình người bị đóng đinh trên cây thánh giá vòng quanh sân khấu, sau đó ra sức gào lên bài Hãy đến đây, hỡi các đấng tin. Thật vướng mắt! Tôi biết, tất cả cảnh ấy được coi là ngoan đạo và đẹp, nhưng quỷ tha ma bắt, ở đây thì tôn giáo và vẻ đẹp ở chỗ quái nào cơ chứ, khi mà cả một đám diễn viên lôi cây thánh giá đi lòng vòng trên sân khấu. Sau khi hát xong, họ rẽ đi các ngả, thấy rõ là đang nóng ruột cuốn xéo đi hút thuốc và nghỉ thả sức. Năm ngoái, tôi đã xem cảnh này cùng Sally Hayes. Nó hân hoan suốt buổi - ôi, đẹp quá, ôi, quần áo mới tuyệt làm sao! Còn tôi thì bảo, chúa Giêsu tội nghiệp chắc sẽ phát buồn nôn khi nhìn vào mấy miếng giẻ hoá trang ấy. Sally nói tôi là kẻ nhạo báng Chúa và là kẻ vô thần. Có lẽ, đúng vậy thật. May ra có một thứ, mà có lẽ là chúa Giêsu có thể ưa được - đó là gã đánh trống của dàn nhạc. Tôi nhớ gã từ lúc mới lên tám tuổi. Khi bố mẹ dẫn tôi và em Allie đến đây, bọn tôi thường ngồi sát dàn nhạc để nhìn gã này. Tôi chưa được thấy ai hay hơn gã. Thực ra, trong suốt tiết mục, gã chỉ được động đến trống có hai lần, nhưng trên mặt chả bao giờ buồn bã vì chờ đợi. Nhưng cuối cùng khi gã đánh vào mặt trống tất cả mới tốt đẹp, trong lành làm sao, thậm chí qua nét mặt cũng thấy rõ gã rất cố gắng. Khi chúng tôi cùng cha đến Washington, Allie gửi cho gã đánh trống này một tấm bưu ảnh, nhưng có lẽ gã chẳng nhận được. Chúng tôi không biết ghi địa chỉ như thế nào cho đúng mà.
Cuối cùng thì kịch câm Giáng Sinh cũng kết thúc và họ bắt đầu chiếu bộ phim chết tiệt ấy. Nó bỉ ổi đến mức tôi không thể rời mắt khỏi nó được. Phim về một gã người Anh tên là Alec, tôi không nhớ họ. Hắn ra trận rồi bị mất trí nhớ ở quân y viện. Xuất viện với cây gậy trong tay, hắn đi khập khiễng, khắp thành London và không biết mình đang ở đâu. Thực tế, hắn là một quận công, nhưng hắn chả nhớ điều đó. Rồi hắn gặp một cô gái không đẹp lắm, giản dị, trung thực, khi cô ấy leo lên xe buýt. Hắn nhặt cho cô cái mũ bị bay, rồi họ cùng nhau leo lên tầng trên và bắt đầu trò chuyện về Charles Dickens. Hoá ra họ cùng yêu thích nhà văn này. Hắn thậm chí còn mang theo cuốn Oliver Twist, cô gái cũng vậy. Tôi suýt nữa phát mửa. Tóm lại, họ phải lòng nhau ngay tức thì, vì cả hai cùng say đắm Dickens, rồi hắn giúp cô gái thu xếp công việc ở nhà xuất bản. Tôi quên nói, cô gái làm nghề xuất bản, nhưng công việc rất tồi tệ vì lão anh trai nghiện ngập, bao nhiêu tiền đều đem đi nốc hết. Gã này rất độc ác, đã từng là bác sĩ phẫu thuật trong chiến tranh và bây giờ không còn mổ được nữa.
Thần kinh gã rã rượi, chính thế mà gã nốc rượu như ngựa nốc nước ao, cả đêm lẫn ngày, mặc dù nhìn chung, gã cũng khá thông minh. Tóm lại, Alec viết một cuốn sách nhỏ, còn cô gái xuất bản nó, và họ hốt được cả đống tiền. Họ gần như đã định lấy nhau thì bỗng nhiên xuất hiện một cô Marcia nào đó. Cô này là vợ chưa cưới của Alec trước khi hắn bị mất trí nhớ, nhận ra khi hắn ký tặng cuốn sách nhỏ cho những người hâm mộ mình tại một cửa hiệu. Marcia nói với Alec khốn khổ rằng hắn là quận công thực sự, nhưng hắn không tin và cũng không muốn cùng cô đến thăm mẹ đẻ mình, một người đàn bà mù loà như chuột chũi vậy. Nhưng cô gái kia, cái cô không đẹp ấy, bắt hắn đi. Cô ta tốt bụng kinh khủng. Hắn đi, nhưng trí nhớ chẳng thèm trở về với hắn, thậm chí cả khi con chó gốc Đan Mạch khổng lồ nhảy lên mừng như hoá dại, còn bà mẹ ôm mặt hắn trong đôi tay và mang đến con gấu nhung mà hắn đã từng hôn hít suốt ngày hồi còn nhỏ. Nhưng rồi vào một ngày đẹp trời, bọn trẻ con chơi cricket trên bãi cỏ và đá một cú trời giáng, bóng rơi đúng đầu Alec. Tức thì trí nhớ trở lại, hắn chạy về nhà, hôn trán bà mẹ. Hắn lại trở thành quận công thực sự và quên hẳn cô gái giản dị ở nhà xuất bản kia. Tôi muốn kể tiếp cho các bạn nghe sự việc tiếp theo, nhưng sợ mình phát lộn mửa. Vấn đề không phải chỗ tôi sợ làm hỏng ấn tượng của các bạn, chả có gì ở đó để có thể làm hỏng hết. Mọi sự kết thúc ở cảnh Alec cưới cô gái giản dị kia, còn gã anh của cô ta, lão bác sĩ phẫu thuật nghiện rượu ấy, sắp xếp lại bộ thần kinh của mình và phẫu thuật mắt cho mẹ Alec để bà già nhìn lại được, rồi cái lão nghiện ngập trước kia ấy và Marcia yêu nhau. Cảnh cuối là tất cả ngồi quanh một cái bàn dài khủng khiếp, cười đến vỡ bụng vì con chó Đan Mạch bỗng lôi đến cả một bầy chó con. Ai cũng nghĩ nó là chó đực, hoá ra là chó cái. Tóm lại, tôi có thể khuyên các bạn một lời: nếu các bạn không muốn nôn thẳng vào những người ngồi cạnh thì đừng đi xem phim này.
Nhưng có một người tôi không tài nào hiểu nổi là cái bà ngồi cạnh tôi, bà ta khóc suốt phim. Và càng lắm cảnh giả tạo bao nhiêu, bà ta càng khóc sướt mướt bấy nhiêu. Có thể nghĩ bà ta giàu lòng thương hại, tốt bụng, nhưng tôi ngồi cạnh nên thấy rõ bà ta nhân hậu thế nào. Đi với bà ta có đứa con trai nhỏ, nó chán đến mụ cả người và khóc nhè suốt buổi đòi ra nhà vệ sinh, nhưng bà ta không dẫn nó đi mà cứ luôn miệng nhắc - ngồi yên, cư xử cho phải lẽ. Chó sói có lẽ còn tốt bụng hơn. Tóm lại, nếu có chục người trong số khán giả khóc như cha chết, có thể nói như vậy, khi xem bộ phim giả tạo ấy, thì đến chín kẻ trong bụng lại là đồ súc sinh nhất. Tôi nói với bạn nghiêm chỉnh đấy.
Khi hết phim, tôi đến Wicker bar, nơi hẹn gặp thằng Carl Luce, và nghĩ về chiến tranh. Các phim chiến tranh thường gợi lên sự suy nghĩ. Có lẽ, tôi sẽ không chịu nổi, nếu phải ra trận. Nói chung tôi không thấy sợ nếu bị tống đi đâu và bị giết, nhưng phải vật vờ trong quân đội mất bao nhiêu thì giờ, có trời biết được. Bất hạnh chính là ở chỗ đấy. Anh trai tôi, D.B đã phải vật vờ như một thằng đốn mạt suốt bốn năm liền trong quân đội. Anh ấy đã từng tham gia mặt trận thứ hai, nhưng theo tôi, anh ấy căm thù việc đi lính hơn cả chiến tranh. Hồi đó, tôi còn rất nhỏ, nhưng tôi nhớ khi về nhà nghỉ phép, anh nằm trên giường suốt buổi. Thậm chí anh cũng chả mấy khi bước ra phòng khách. Sau đó anh ấy lại rơi vào chiến tranh châu Âu nhưng không bị thương, thậm chí anh ấy cũng chả phải bắn vào ai hết. Ngày nào cũng chỉ làm mỗi một việc là chở ông tướng cao bồi nào đó trên chiếc xe tham mưu. Có lần, anh ấy nói với tôi và Allie là nếu buộc phải bắn, có lẽ anh ấy cũng không biết nhả đạn vào ai. Anh ấy nói, trong quân đội đầy kẻ súc sinh đê tiện, chẳng kém gì lũ phát xít. Tôi nhớ, Allie hỏi anh- có thể việc anh ấy ra trận là có ích vì bây giờ, anh là nhà văn, có quyền để viết. Thế là anh ấy bắt Allie mang đến cái bao tay chơi quần vợt có chép thơ trên đó rồi hỏi: ai viết về chiến tranh hay hơn: Rupert Brooke hay Emily Dickinson? Allie nói: Emily Dickinson. Tôi không nói được điều gì về chuyện này vì hầu như chả bao giờ đọc thơ. Nhưng tôi biết chắc một điều, tôi chắn chắn sẽ hoá điên nếu phải đi lính cùng những thằng giống Ackley, Stradlater và lão gác thang máy Moric, phải đi đều bước cùng bọn chúng, sống cùng chúng. Có lần phải làm hướng đạo sinh suốt một tuần, tôi bị dằn vặt khốn khổ khi cứ phải nhìn vào gáy thằng đứng trước. Mà lúc nào họ cũng bắt buộc bọn tôi phải nhìn gáy đứa đứng trước. Nói thật chứ, nếu có chiến tranh, hãy cứ để họ lôi tôi ra rồi xử bắn còn hơn. Tôi sẽ chống cự. Nhưng có một điều làm tôi bực mãi ông anh mình: anh ấy căm thù chiến tranh, vậy mà mùa hè năm ngoái lại đưa tôi đọc cuốn Giã từ vũ khí. Anh ấy bảo cuốn sách đó rất xúc động. Tôi không tài nào hiểu nổi truyện này. Có một nhân vật, tay trung uý Henry được coi là người rất tốt. Tôi không hiểu, tại sao anh D.B căm thù chiến tranh, căm thù quân đội mà lại vẫn khâm phục tay làm bộ làm tịch này. Không thể hiểu được tại sao anh ấy lại thích loại giả tạo ấy và đồng thời cũng thích cả Ring Lardner, cả Bố già nữa.
Tóm lại, tôi mừng vì loài người đã chế được bom nguyên tử. Nếu chiến tranh bắt đầu, tôi sẽ ngồi vào chính quả bom ấy. Tình nguyện ngồi, tôi nói thành thực và đầy thiện chí đấy!