- Nhưng tất nhiên chúng ta vẫn cần một người ở lại để trông coi nhà cửa. Hồng đây chắc chắn sẽ vui lòng làm công việc này phải không?
Rồi với nụ cười khinh khỉnh mụ bước đi, dáng vẻ rất là mãn nguyện.
Khi tôi nói với chị điều đó thật là bất công, chị Lý Hồng chỉ cười mỉm và nói rằng chị không để bụng điều gì cả.
- Đúng là vẫn cần người ở lại mà em.
- Nhưng nếu chỉ có mỗi mình chị ở nhà thì hẳn mụ muốn chị làm hết toàn bộ công việc nhà trước khi mọi người trở về mà! Mà làm sao chị làm hết được, bình thường phải có ít nhất hai chục người quần quật thay nhau mới đủ!
- Thở đi em _ chị Lý Hồng lại mỉm cười khi thấy tôi nói hết cả hơi _ Chị sẽ phải cố gắng. Dù sao đi nữa thì em cũng đừng đi phàn nàn với những người khác nhé. Mụ mà nghe được thì em cũng sẽ phải ở lại với chị đấy. Chị biết em muốn đi lắm mà.
Tôi không biết nói gì, vì chị đã nói đúng tim đen tôi rồi, nên đành gật đầu rồi tiếp tục giặt tiếp một cái áo yếm lèo loẹt nữa.
Nói thật thì đúng là tôi có muốn cũng không dám phản đối lại Mụ Cóc. Tất nhiên là tôi bất bình với cách xử sự của mụ, nhưng tôi cũng rất rất muốn được đi tới cái Đại Hội Võ Lâm này. Cho dù cái khả năng tôi sẽ phải cúi nhìn mặt đất suốt cả thời gian ở đó là rất cao, tôi vẫn muốn đi để ít nhất được nhìn qua khóe mắt xem Đại Hội Võ Lâm nó ra làm sao. Nó sẽ giống như trong phim nào, truyện nào? Còn truyện, phim nào đã sai? Nó to hay nhỏ? Chỉ có những người trong võ lâm tới hay là dân thường cũng có thể tới xem? Đánh nhau theo kiểu vòng loại hay là đánh nhau theo kiểu nào khác?
Tối hôm đó tôi gần như không ngủ được vì háo hức. Nhưng một phần trong tôi trằn trọc vì cảm giác tôi đã phản bội chị Lý Hồng.
--------
Cái ngày mà tôi chờ cuối cùng đã đến. Giống như những gì tôi đã nghe, cả gia đình và năm mươi hai người hầu của Hồ Tuyết Nghị cũng đi luôn. Thanh thế phải nói là rất lớn. Tôi chỉ là một người hầu nhỏ trong cả đoàn tùy tùng này. Có thể thấy rõ ràng gia đình Hồ đang cố hết sức để khoa trương sức mạnh và sự giàu có của mình.
Đặc biệt, lần này bà già trưởng họ Hồ Quí Lữ cũng đi. Bà ta không mang theo một người hầu nào mà trưng dụng từ hai gia đình của hai đứa con trai của mình. Mụ hết đòi người quạt mát, lại phái kẻ khác đi lấy ấm chè mụ thích, sau đó lại bắt đổi ghế dựa mềm hơn. Hồ Quí Lữ không phải đi ngựa như con trai hay cháu gái của mình hay đi bộ như đống người hầu chúng tôi. Bà ta có riêng cho mình một cái kiệu không khác gì vương tôn của Hoàng Kim Tộc.
Hay ít nhất là nhỏ Hí Hửng nói với tôi như thế.
Đoàn tùy tùng của gia đình Hồ không chỉ đông đúc, họ còn ăn mặc và phục sức rất đẹp. Bình thường thì nhân nô chúng tôi chỉ mặc đồ rất giản dị. Chỉ có những người hầu thân mật với những thành viên trong gia đình mới ăn mặc đẹp. Ăm mặc như vậy cũng là để dễ dàng di chuyển, phục dịch gia đình này. Hôm nay thì phải nói là quần là áo lượt, từ kẻ vác kiệu tới một con bé người hầu nhỏ mọn như tôi.
Cờ xí thêu hình phượng tím tung bay trong gió. Nhà này chuẫn bị ít nhất mười ngọn cờ như vậy, gia nhân cầm theo dọc đoàn người. Bảo vệ canh gác lần này được cầm theo đao có khắc phượng, mặc đồ thêu chỉ đỏ. Oai phong lẫm liệt không kém gì những người canh gác Thành Trắng tôi từng thấy trên tivi. Ngực con nào con nấy lựng lưỡng, bắp chân vừa to vừa chắc. Đai ngựa cũng được phủ một lớp vải thêu hình phượng bắt mắt.
Tất cả sự khoa trương này lại khiến cho hai người, vốn dĩ phải là nhân vật chính, bị lu mờ hẳn đi. Hồ Lâm Phú thì tức ra mặt. Nhưng khi ông bố của anh ta, Hồ Quí Trừng trừng mắt nhìn một lần thì Hồ Lâm Phú xanh mặt không dám làm gì nữa. Trong khi đó Hồ Vụ thì có vẻ lo lắng. Anh ta ra mồ hôi hột và lấm lét nhìn đoàn tùy tùng màu mè của mình. Có lẽ tất cả chuyện này đang khiến Hồ Vụ bị áp lực rất lớn. Đây là một điều rất ít khi tôi thấy. Vì bình thường Hồ Vụ có kiểu tính cách giống ông chú Hồ Quí Trừng của mình.
Nhưng khi Hồ Tuyết Nghị đi tới chỗ con trai đầu của mình và vỗ vai anh ta thì Hồ Vụ nghiêm mặt lại nhìn cha mình, không thể hiện bất cứ sự lo lắng nào nữa. Nhưng việc anh ta hết bị áp lực chưa thì tôi không thể biết được.
Và sau màn chuẩn bị chiếm nguyên buổi sáng, tất cả bắt đầu khởi hành đi tới nơi sẽ tổ chức Đại Hội. Đó là một khoảng đất trống mà trong vòng trong sáu tháng nay đã được những người trong ban tổ chức xây dựng thành một đấu trường. Những người hầu, từng được phái ra bên ngoài làm việc, truyền tin rằng chỉ có hai từ để mô tả đấu trường đó: hùng vĩ.
Không cần nói cũng biết những tin đồn đó khiến tôi càng muốn tới Đại Hội này hơn đến nhường nào.
Khi Mụ Cóc nói “ Khởi Hành! “, tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Cảm giác không khác gì hôm đầu tiên tôi trốn học. Nhưng mà mang nghĩa tích cực hơn. Cả hai đều là một cảm giác thích thú, hồi hộp trào dâng khi được làm một việc mình đã muốn từ lâu. Chỉ là không có sự sợ hãi lo lắng bị ông giám thị bắt mà thôi.
Đặc biệt là khi đi ra đường tôi đã có cơ hội được nhìn đường xá nhiều hơn. Tất nhiên là không được phép quay đầu để thực sự nhìn. Nhưng tôi có cơ hội được ngắm nhà cửa vào thời xưa như thế nào. Và nói thật là nó như những căn nhà cổ ở Hội An vậy. Tất nhiên là không có cũ kĩ như hồi năm ngoài tôi tới Hội An chơi mà rất mới và sạch sẽ. Tôi cũng nhận ra là thành phố thời xưa cũng giống thành phố hiện đại ở chỗ: những căn nhà mặt tiền được dùng để buôn bán là chính. Đặc biệt là con đường tôi đi qua toàn là bán lụa với vải vóc, không phải nói cũng biết là loại thượng phẩm. Rồi một con phố nữa thì bán các loại đồ thủ công mỹ nghệ để trang trí nhà cửa. Một con phố nữa chỉ có các hàng ăn uống san sát nhau với lượng người vào người ra nườm nượp.
Hôm nay sẽ là tương đương thứ bảy theo lịch hiện đại nên số lượng người đi mua sắm rất nhiều, đông vui như chảy hội. Tôi đoán rằng con phố tôi đang đi qua cũng giống như những dãy phố bán hàng xa xỉ phẩm sáng đèn ngày đêm trong tương lai.
Và những con đường thì không phải đường đất, tất cả đều được lát gạch, đẹp hơn cả đường hiện đại. Gạch gốm màu đỏ ngói tuyệt vời, tôi cúi đầu nhìn chúng mê mải (lần đầu tiên tôi thích cúi đầu trong suốt hai tháng nay). Nhưng khi những con đường lát gạch gốm biến mất, thay vào đó là những con đường lát đá thì tôi biết đoàn người đã đi ra khỏi khu trung tâm của Thành. Thay vào đó là những dãy nhà có vẻ là dành để ở hơn là buôn bán. Tất nhiên là còn cửa hàng nhưng chúng không còn chiếm tuyệt đối như lúc nãy.
Phải kể đến việc gia đoàn của gia đình Hồ tạo nên một sự tương phản thế nào so với khung cảnh trung lưu xung quanh họ. Lúc nãy ở khu trung tâm đã khiến tất cả mọi con mắt đổ dồn, bây giờ thì…
Trẻ con từ trong nhà chạy hết ra đường chỉ trỏ tứ tung. Nhưng bố mẹ chúng ngay lập tức kéo vào lại ( họ vẫn cho con cái mình nhìn từ cửa sổ ). Ai cũng rất hiếu kì với cảnh tượng cờ hoa, áo yếm màu sắc rực rỡ của gia đình Hồ.
Họ nhìn không chớp mắt, chằm chằm vào từng con ngựa, từng lá cờ tím. Thậm chí một ông già còn dụi mắt hai ba lần như tưởng mình đang nằm mơ.
Nhìn cách mắt một thằng bé năm tuổi sáng lên như thế nào khi nhìn thấy con ngựa ô lực lưỡng và bao kiếm chạm trổ cầu kì của Hồ Phú Lâm, tôi có thể hiểu được phần nào cái uy quyền mà gia đình này muốn tạo ra khi quyết định làm một cuộc diễu hành như vậy từ nhà họ trong trung tâm tới khu tổ chức Đại Hội.
“ Đến nơi rồi! “ _ tôi thầm nhủ với bản thân khi thấy đoàn người chầm chậm dừng lại. Trước chúng tôi nhô lên một bức thành cao bằng đá được lát gỗ rất nghiêm chỉnh. Nó khiến tôi nghĩ tới một đấu trường kiểu La Mã nhưng mang tính tạm thời hơn.
Cánh cửa khổng lồ của thành đá mở ra đón gia đình Hồ.
Đó là một cảnh tượng tôi sẽ không bao giờ quên.
Trên năm khán đài của đấu trường là hàng trăm dãy ghế ngồi xen kẽ. Và những dãy ghế đó được cả ngàn người phủ kín. Tôi có thể chắc chắn những người này không phải là dân thường. Vì dân thường không mang đao hay kiếm hay thương hay roi. Ngoài ra họ còn cầm theo cờ xí thêu những con vật dũng mãnh hay những biểu tượng mà tôi không hiểu gì cả.
Tất cả đều ngồi theo nhóm của riêng mình. Hai dãy chỉ gồm cá vị sư áo cà sa uy nghiêm. Ba dãy khác thì toàn những người mặc áo xanh dương. Một nhóm người đều dùng cung mặc áo xanh cốm lại đang thầm thì với nhau điều gì đó ngay cạnh cửa vào. Đa số là đàn ông tuổi gần bằng Hồ Tuyết Nghị, chỉ lác đác có ba thanh niên là gần tuổi của Hồ Vụ. Hình như có một cô gái, nhưng tôi chưa kịp nhìn kĩ thì đã bị kéo đi.
Gia đình Hồ rõ ràng là không chịu ngồi ở những khán đài tầm thường này. Chúng tôi đi vòng qua nửa khán đài bên tay phải và tất nhiên là nhận được rất nhiều cái nhìn chú ý của những người ngồi trên đó. Nhóm các vị sư không nói gì. Nhưng một nhóm mặc áo đen cầm cờ thêu hai con hổ đang đánh nhau thì rõ ràng đang cười đòan diễu hành. Nhưng gia đình Hồ không thèm để ý đến họ mà cứ tiếp tục đi tới một cái cổng khác. Cái cổng này không đi ra ngoài mà dẫn ra một căn nhà nhỏ phía sau đấu trường. Nơi đây có một cầu thang gỗ đen rất đẹp đưa lên trên. Hẳn đây là khu đặc biệt dành riêng cho họ.
Tuy nhiên vì đoàn tùy tùng đông quá nên không phải tất cả được lên trên. Đa số phải ở lại, chỉ có một phần năm được đi theo Hồ Quí Lữ, Hồ Quí Trừng, Hồ Tuyết Nghị. Tôi may mắn thay đã nhanh chân đi theo họ nên không phải đứng dưới.
Hồ Vụ và Hồ Phú Lâm thì đã tách ra từ khi mới bước vào đấu trường. Họ bỏ ngựa đi về khán đài bên trai để tới một cái cổng khác dẫn tới một khu riêng biệt. Có một cái bảng lớn trên cánh cổng đó nên tôi đoán đây là nơi dành cho những người sẽ tham gia tranh đấu trong Đại Hội này tập trung.
Tôi đi lên cùng Có Cánh, Hí Hửng, Mụ Cóc và khoảng bảy gia nhân khác lên trên theo cầu thang gỗ đen. Nó dẫn tới khu vực ngồi mà nếu so với thời hiện đại thì hẳn là khu VIP.
Khác với các dãy phía dưới chỉ là những dãy ghế gỗ đan xen với nhau, nơi đây là một căn phòng hoành tráng được xây dựng bằng gỗ nâu đỏ tuyệt đẹp và trang trí bằng các loại đồ gỗ khắc hình chim hạc. Thảm nhung hạng nhất, màn che bằng bằng trúc tinh tế, bộ đồ uống trà màu nâu đỏ gốm tông xuyệt tông với các bức tường. Người xây dựng căn phòng này hẳn là rất có mắt thẩm mỹ.
Có bốn cái ghế bỏ trống quay mặt về phía đấu trường. Hồ Quí Lữ và hai người con trai trưởng của bà ta ngay lập tức ngồi xuống.
Người thứ tư là ai nhỉ?
Ngay khi tôi kết thức suy nghĩ đó, một tiếng bước chân bất ngờ phát ra từ cầu thang. Nó nghe thật khẩn trương như là đang muộn rồi. Người này phải chăng chính là người ngồi vào chiếc ghế thứ tư kia?