Sau cuộc thi, Nhạc Dao và ba mẹ cùng đi biển chơi.
Lúc còn trẻ, mẹ thích đi du lịch. Bởi vậy, khi ba cầu hôn đã hứa mỗi năm sẽ đưa bà đi du lịch ít nhất hai lần. Những năm qua, ba chưa từng thất hứa.
Trước khi Nhạc Dao ra đời, hai vợ chồng trải qua thế giới hai người; sau khi sinh Nhạc Dao ra, thế giới hai người biến thành gia đình ba người.
Nhạc Dao chạy trên bãi biển với chiếc mũ hình mặt trời. Không biết từ đâu cô nhặt được một nhánh cây, chờ nước biển rút đi, cô viết vài chữ lên bờ cát mềm mại và ẩm ướt.
Viết xong rồi chụp hình gửi cho Đàm Tu, cô hùng hồn đòi anh khen ngợi: “Xem em viết đẹp không nè?”
Đang bận giúp Kỷ Trì sửa máy tính, Đàm Tu chợt nhận được tin nhắn. Vừa mở ra, anh đã thấy vài chữ rất to được viết trên bãi cát màu vàng sẫm: A Tu, mỗi ngày đều vui vẻ nha.
Một tâm nguyện mộc mạc.
Đàm Tu rời tay khỏi chuột và bàn phím, cầm điện thoại di động lên định trả lời nhưng lại phát hiện mạng đã bị ngắt không thể kết nối được.
Anh đợi một lát mà vẫn không tài nào đổi mới trang được, bèn dứt khoát gọi điện thoại thẳng cho Nhạc Dao.
Sau vài hồi chuông, người bên kia bắt máy. Đàm Tu còn chưa kịp nói gì đã nghe tiếng khóc của cô gái ở đầu dây bên kia: “Hic hic A Tu ơi, điện thoại di động của em gặp trục trặc rồi.”
Đàm Tu dừng hai giây rồi nói cho cô biết: “Không phải là điện thoại trục trặc mà do Q.Q bị rớt mạng thôi.”
Nhạc Dao: “...Ờm.”
Đàm Tu: “Ngốc.”
Dứt lời, anh chợt nhận ra cái nhướng môi của mình đang in trên màn hình máy tính tối đen tự lúc nào.
Anh đang cười sao?
Chỉ vì một cuộc điện thoại ư?
Bên tai là những chia sẻ lan man của cô gái về chuyến du lịch và anh nhìn thấy nụ cười của người trong màn hình lại càng tươi hơn.
Khi nước biển dâng lên, con sóng cuốn trôi hết tất cả những chữ viết xinh đẹp của cô, Nhạc Dao đổi sang một khoảnh đất trống khác: “A Tu, tụi mình mở video nha, em cho anh xem phong cảnh bên này, sóng biển lăn tăn trông đẹp như tranh vậy đó.”
“Ừ.”
Hệ thống đã được khôi phục, chức năng hoạt động bình thường, Đàm Tu nhận được lời mời chat video từ Nhạc Dao. Thông qua ống kính, anh thấy được thế giới trước mắt cô.
Biển xanh, cát vàng và mây trắng làm bạn chính là tất thảy những gì đẹp đẽ nhất trong mắt cô.
“Đằng trước có bán kem kìa, em muốn đi mua một cây!” Nhạc Dao cầm điện thoại di động chạy tới và mua được cây kem vị dâu tây cuối cùng còn lại.
Cô cầm kem mà lòng tràn ngập niềm hân hoan, cố ý xé giấy gói muốn khoe khoang với Đàm Tu. Thế nhưng, cây kem nọ lại không chịu phối hợp mà rơi oạch xuống đất.
“A, kem của em.” Nhạc Dao ngồi xổm xuống đất, thở dài nhìn kem dâu. Lấy khăn giấy từ trong túi ra quấn mấy vòng, cô nhặt cây kem lên vứt vào thùng rác.
Đàm Tu nhớ tới mùa hè năm ngoái ấy, cô gái làm đổ ly trà sữa xuống đất rồi cũng ngồi xổm xuống thế này và dùng khăn giấy dọn dẹp nó.
Lúc ấy, cô đi cùng một người bạn. Người bạn đó khuyên cô mau đi khỏi đây trước khi có người nhìn thấy, nhưng cô lại nhất quyết phải ném khăn giấy ướt đó vào thùng rác.
Bạn nói cô ngốc, còn cô thì bỏ ngoài tai chỉ cười nói tay bẩn rồi phải đi rửa tay đã.
Rõ là sợ bẩn, rõ là thích cái đẹp, rõ là có thể bỏ đi ngay...
Nhưng cô lại lựa chọn chịu trách nhiệm cho chuyện mình gây ra.
Đó là lần thứ hai anh gặp Nhạc Dao, trước cả khi bắt đầu nhập học.
Nhạc Dao cảm thấy buồn bực vì cây kem: “Chưa ăn đã rớt, lỗ quá chừng.”
Đàm Tu ở bên kia màn ảnh: “Muốn ăn thì em có thể đi mua cây khác.”
“Không muốn.” Cô lắc đầu, kiên trì với sở thích của mình: “Vị dâu tây em thích đã hết rồi, em không muốn ăn vị khác đâu.”
“Lần sau anh mời.”
“Dạ?”
“Kem.”
Anh tích chữ như vàng nhưng cuối cùng Nhạc Dao cũng hiểu, bèn cố ý cao giọng: “Anh gửi tin nhắn qua cho em chụp màn hình đi, không được đổi ý đâu đấy!”
Anh đáp: “Đồ ngây thơ.”
Sau khi kết thúc cuộc gọi video, ghi chép trò chuyện cuối cùng của họ lại là: Đàm Tu tự nguyện mời Nhạc Dao ăn kem, vị dâu.
-
Kỷ Trì mở cửa phòng sách, thấy Đàm Tu đang ngồi im trên ghế nhìn điện thoại di động suốt.
“Sửa máy tính xong rồi hả?” Máy tính của anh ấy bị trục trặc nên hôm nay mới cố ý nhờ Đàm Tu tới sửa giúp.
Đàm Tu hất cằm ra hiệu. Kỷ Trì mở máy bấm bấm vài cái, quả nhiên đã bình thường trở lại. Anh ấy cười đập vai Đàm Tu: “Cám ơn nha, thằng bạn.”
Đừng thấy lắm lúc Đàm Tu không thích giao tiếp với mọi người, nhưng trên thực tế anh vô cùng nghĩa khí, Kỷ Trì biết rõ tính anh nên hai người mới làm bạn đến tận nay.
Kỷ Trì mời anh bữa cơm để tỏ lòng cảm ơn, lúc đi mới nhớ ra: “Bộ thẻ trò chơi mình mua lần trước ở chỗ cậu phải không? Hai ngày tới mình hẹn người ta chơi game nên phải lấy lại rồi.”
Đàm Tu gật đầu: “Được.”
Hai người bắt xe về nhà họ Đàm. Phân vân trước mối quan hệ tế nhị của người nhà họ Đàm, Kỷ Trì bèn ở cổng khu nhà chờ Đàm Tu mang thẻ trò chơi xuống.
Kỷ Trì đến đây nhiều nên thành khách quen, bởi vậy khi Đàm Tu vừa bước vào cổng khu nhà thì Kỷ Trì đã đi vào chốt bảo vệ và trò chuyện với bác bảo vệ về máy điều hoà không khí rồi.
Về nhà họ Đàm, Đàm Tu loáng thoáng nhận ra bầu không khí bất thường.
Dì bảo mẫu đang cúi đầu lau nhà, còn Đàm Kỳ Nhi đang ngồi trên ghế sofa chơi game không màng để ý đến ai như thường lệ, trông có vẻ như không có gì bất ổn cả.
Khoảnh khắc đẩy cửa phòng ra, Đàm Tu lập tức phát hiện ra vấn đề - có người động vào phòng mình.
Anh đã sớm nói với người trong nhà rằng không cần quét dọn và không được tùy tiện vào phòng mình. Anh vô cùng quen thuộc với cách bài trí trong phòng, cho dù bề ngoài không thay đổi gì nhưng anh vẫn có thể phát hiện ra ngay.
Đàm Tu quét nhìn bốn phía, đồ đạc được đặt ở chỗ cũ không thiếu thốn thứ gì.
Anh đi tới bàn, lấy thẻ trò chơi trong ngăn tủ ra rồi sửa soạn đi xuống, nhưng lúc đến cửa phòng lại chợt dừng bước.
Linh tính mách bảo anh nên kiểm tra kỹ lưỡng thêm một nơi nữa.
Đàm Tu quay lại bàn, kéo một ngăn tủ khác ra.
Những món đồ của con trai thuộc về anh vẫn được đặt ngay ngắn trong đó, thứ duy nhất còn thiếu chính là con búp bê tuyết đặc biệt ở trong góc.
Đàm Tu đanh mặt, đi vội tới phòng khách rồi lạnh lùng chất vấn: “Ai đã vào phòng tôi?”
Bảo mẫu ngẩng đầu khẽ liếc nhìn Đàm Kỳ Nhi rồi sợ hãi rụt rè cúi đầu tiếp tục lau nhà.
Đàm Tu đi thẳng tới ghế sofa, đôi đồng tử sâu thẳm toát ra vẻ khó chịu: “Đàm Kỳ Nhi, đưa nó đây.”
“Anh đang nói gì vậy, em chẳng biết gì hết.” Đàm Kỳ Nhi ôm máy chơi game định lên lầu nhưng bị Đàm Tu xách cổ từ phía sau.
Cô bé lập tức hét ầm lên oai oái, âm thanh xuyên thủng cả tầng mây.
“Anh buông em ra.” Đàm Kỳ Nhi đập mạnh vào tay anh, nhưng thấy anh không mảy may mềm lòng thì dứt khoát vò đã mẻ lại sứt: “Buông em ra, em sẽ nói cho anh biết.”
Đàm Tu hơi thả lỏng tay, nhưng vẫn giữ cảnh giác không cho phép cô bé thoát khỏi tay mình.
Đàm Kỳ Nhi thừa cơ bất chợt tóm lấy cánh tay anh cắn mạnh một cái, sau đó chạy về phòng sập cửa cái rầm: “Muốn gì cũng được, lấy huy chương của anh ra đây đổi đi.”
Tất cả là do Đàm Tu đi tham gia cuộc thi Vật lý gì đấy làm hại cô bé lại bị đem ra so sánh. Lúc cùng ba mẹ đi ăn cơm với chú Diêu, chú Diêu cứ bảo cô bé phải học tập cùng với anh trai.
Cô bé là công chúa duy nhất của nhà họ Đàm mà, nhưng tại sao ai cũng thích Đàm Tu mà không thích mình chứ?
Đàm Kỳ Nhi khoá trái cửa rồi lấy con búp bê người tuyết dưới gối ra ngắm nghía.
Quái lạ thật, ông anh mặt lạnh kia của cô bé lại thích thứ nhỏ xíu đáng yêu này cơ à.
Vốn dĩ cô bé muốn tìm huy chương vàng, nhưng kiếm cỡ nào cũng không thấy, thay vào đó chỉ phát hiện ra con búp bê tuyết không phù hợp với phong cách của Đàm Tu này thôi.
Cô bé thấy đẹp nên lấy về chơi, vậy mà lại bại lộ nhanh đến vậy.
Có vẻ Đàm Tu rất quan tâm đến thứ này?
Nếu những người khác không cho cô bé được như ý thì cô bé sẽ không cho Đàm Tu được như anh mong muốn đâu.
Đàm Kỳ Nhi khoá trái cửa, bỏ ngoài tai tất cả mọi tiếng động bên ngoài cửa. Mãi đến khi nghe tiếng chìa khoá tra vào ổ, cô bé đột nhiên hoảng hốt rồi lấy điện thoại di động gọi cho mẹ.
Đàm Tu xông vào thì điện thoại mới được kết nối, Đàm Kỳ Nhi hô to “cứu con với” cho mẹ nghe.
Điện thoại di động rơi xuống đất, giọng nói lo lắng của cha mẹ Đàm liên tục vang lên từ điện thoại. Đàm Kỳ Nhi cố tình khóc oà lên: “Ba mẹ, anh muốn đánh chết con kìa. “
Giọng điệu lo lắng, chất vấn và cảnh cáo của cha mẹ Đàm đan xen trong điện thoại. Chẳng màng quan tâm, Đàm Tu lập tức ngắt máy.
Anh tóm cánh tay Đàm Kỳ Nhi siết mạnh: “Trả đồ cho tao.”
Cánh tay non nớt của Đàm Kỳ Nhi đỏ bừng vì bị bóp mạnh và khi cô bé nhận ra khóc lóc chẳng ích gì thì lại bắt đầu nói dối: “Vứt, vứt rồi.”
Mắt Đàm Tu sáng như đuốc: “Vứt ở đâu?”
Đàm Kỳ Nhi bịa bừa: “Thùng rác đấy.”
Đàm Tu thoáng nhìn, trong phòng cô bé vừa mới thay rác, không có vật gì trong đó.
Đàm Kỳ Nhi vội vàng bổ sung: “Bị dì giúp việc mang đi rồi.”
Rác sinh hoạt thường được đổ vào thùng rác ở lầu dưới, Đàm Tu chưa nói có tin lời cô bé hay không mà lôi thẳng cô bé ra ngoài.
“Anh làm gì đấy!” Đàm Kỳ Nhi ôm ghì lấy cửa.
“Vứt thì phải lượm về cho tao.” Đàm Tu cười lạnh.
Thấy bộ dạng nổi điên của anh, Đàm Kỳ Nhi quýnh lên.
Xưa kia cô bé ném nhiều cúp của anh vậy mà chưa từng thấy anh thế này, không phải chỉ là một con búp bê rách thôi sao, cô bé có thể kêu ba mua cho mình một đống luôn.
Vô tình, Đàm Kỳ Nhi bật thốt lên những gì mình thầm nghĩ.
Đàm Tu hừ lạnh, kéo cô bé xuống cầu thang.
Đàm Kỳ Nhi thật sự sợ anh sẽ bắt mình đi bới móc thùng rác, bèn hấp tấp xin tha: “Không có, em không có vứt, nó đang ở phòng em.”
Đàm Tu cảnh cáo một lần cuối cùng: “Nghĩ kĩ rồi hẵng nói, đây là cơ hội cuối cùng của mày đấy.”
Đàm Kỳ Nhi hoảng sợ nhắm mắt: “Thật thật mà, nó đang ở dưới gối trong phòng em.”
Bảo mẫu sớm đã sợ hãi lủi đi mất trước cảnh tượng lôi kéo điên cuồng của hai anh em nhà này rồi. Khi cha mẹ Đàm về tới nhà, cái họ nhìn thấy chính là khung cảnh hỗn loạn này đây.
Mẹ Đàm hốt hoảng đến mức không nói được thành lời. Nhìn thấy cha mẹ, Đàm Kỳ Nhi cố sức muốn chạy đến bên họ.
Trong mắt người ngoài, cứ như thể Đàm Tu đang cưỡng ép Đàm Kỳ Nhi và cố cư xử không đúng mực với cô bé vậy.
“Bốp…”
Tách trà hoa màu xanh bay thẳng tới chỗ Đàm Tu rồi vỡ vụn dưới đất.
Cả phòng khách bỗng chốc im lặng như tờ.
Đến khi mọi người phản ứng kịp thì đã thấy máu chảy dài xuống từ trán Đàm Tu rồi.
Đàm Vân Thiên nổi cơn tam bành, chỉ vào Đàm Tu và mắng: “Đồ khốn nạn, mày muốn làm gì em mày đấy hả?”
“Ba...” Đột nhiên thấy máu, Đàm Kỳ Nhi hoảng đến mức nhũn cả chân, rồi chạy ra trốn sau lưng ba.
“Tiểu Tu...” Mẹ Đàm hoảng hồn, thấp thỏm bước lên nhưng cũng không dám lại gần: “Mau, mau đến bệnh viện đi.”
Đàm Tu giơ tay lên lau máu chảy xuống cằm, vẻ mặt lạnh lùng và chứa đôi phần căm hận - nó chỉ thoáng qua rồi biến mất: “Chảy máu thôi mà, đâu phải là lần đầu tiên.”
Chuyện khủng khiếp như bị cha mẹ mình tổn thương chỉ vì em gái, anh đã trải qua từ nhiều năm về trước rồi.
Năm Đàm Kỳ Nhi bảy tuổi, cô bé vọt vào phòng anh rồi phá hư tất cả cúp và huy chương, trong lúc tranh chấp, Đàm Kỳ Nhi đã bị ngã.
Mẹ Đàm lao vào bảo vệ con gái và đẩy mạnh anh vào tường khiến cánh tay anh bầm tím.
Anh đã quen bị phân biệt đối xử rồi và cũng chẳng mong đợi bất cứ điều gì từ cha mẹ nữa cả. Anh chỉ muốn lấy lại những thứ thuộc về mình thôi.
Đàm Tu mang vết thương đang rỉ máu đó lên lầu, nhưng bị Đàm Vân Thiên quát to: “Đứng lại!”
Đàm Tu ngoảnh mặt làm ngơ như không nghe thấy.
Đàm Vân Thiên tức giận tột độ: “Thằng mất dạy, bây giờ mày coi trời bằng vung rồi, tao nói mày chẳng thèm nghe nữa phải không!”
Đàm Tu mỉa mai: “Thay vì dạy bảo tôi, không bằng trông nom con gái cưng của ba cho tốt đi, để nó đừng vào phòng tôi ăn trộm nữa.”
Ăn trộm?
Mặt Đàm Vân Thiên giãn ra, nhưng con gái đứng sau lưng mình với vẻ ỷ lại như vậy, ông không thể không đứng về phía con.
Ông nhất định phải loại bỏ thái độ kiêu căng ngạo mạn của Đàm Tu: “Tất cả mọi thứ của nhà họ Đàm đều thuộc về Kỳ Nhi, có gì mà nó không thể đụng vào chứ?”
“Đúng, ba người các người là người một nhà.” Đàm Tu chỉ vào cánh cửa phòng ngủ kia: “Lúc đầu cho tôi ở lại đây, không phải chỉ để làm các người nở mặt nở mày thôi sao? Ba mong đợi gì từ một con rối chứ?”
Đàm Tu quay người vào phòng Đàm Kỳ Nhi rồi lấy đi con rối dưới gối cô bé.
Anh về phòng mình, tiện tay lau đi vết máu thừa, rồi lấy một hộp băng cá nhân ra khỏi ngăn tủ. Sau đó, anh bỏ búp bê người tuyết và thẻ trò chơi vào cái cặp màu đen, đeo lên vai rồi đi ra ngoài.
Anh đi ngang qua Đàm Vân Thiên: “Ba cứ chiều chuộng con gái cưng của ba nhiều vào, tốt hơn hết là nuôi nó thành một đứa ăn hại luôn đi.”
Người ngoài hay nói con trai nhà họ Đàm giỏi giang hơn người, còn con gái lại không có tư chất. Hai vợ chồng phớt lờ và chèn ép đứa con trai ưu tú, nhưng lại dung túng cô con gái ngu dốt một cách không giới hạn, chẳng qua là vì anh không phải con ruột mà thôi.
...
Kỷ Trì ngồi khoanh chân trong phòng bảo vệ một lúc lâu, chuyện trò lảm nhảm đến mức bác bảo vệ phải đổi nước trà cho anh mà vẫn chưa thấy Đàm Tu đâu.
Anh ấy thò đầu ra từ cửa sổ, rướn cổ lên nhìn ra xa, chợt thấy một bóng dáng quen thuộc.
“Bác ơi, con đi nha, cảm ơn trà của bác ạ.” Kỷ Trì vẫy tay rời khỏi phòng bảo vệ, nhưng khi anh ấy thấy rõ băng keo trên trán Đàm Tu thì vẻ mặt cà lơ phất phơ biến mất tăm.
Kỷ Trì không biết chuyện gì đã xảy ra, bèn chỉ vào vết thương hỏi: “Trán cậu sao vậy?”
Đàm Tu mở cặp rồi trả thẻ trò chơi cho anh ấy: “Kệ đi, tự mình giải quyết được.”
Mới về nhà một chuyến đã thành ra như vậy, rõ là do ai đó gây nên rồi, liên tưởng đến tình trạng gia đình của anh, Kỷ Trì nhanh chóng phản ứng kịp: “Đệch, không phải cái nhà đó lại đánh cậu đấy chứ?”
Đàm Tu chỉ nói: “Ngoài ý muốn thôi.”
“Mẹ nó cái nhà đấy là biế.n thái à, còn bạo lực gia đình nữa.” Kỷ Trì chửi rủa một tràng những câu th.ô tục, kích động và căm phẫn còn hơn người trong cuộc, nếu không phải nhờ Đàm Tu ngăn lại thì anh ấy đã xông vào cãi lý với nhà họ Đàm rồi.
“Kỷ Trì.” Đàm Tu giơ tay vỗ lên vai anh: “Cảm ơn.”
Đàm Tu đến phòng khám gần đó để xử lý vết thương.
Bác sĩ trung y già khử trùng và thoa thuốc vết thương cho anh. Vết thương từng chảy máu kia hẳn phải làm anh đau lắm, nhưng anh lại không rên tiếng nào.
Bác sĩ trung y khen anh biết chịu đau.
Đàm Tu xoè tay ra, con búp bê người tuyết trong lòng bàn tay anh đã bị bóp chặt đến biến dạng rồi.
Nếu Nhạc Dao thấy chắc cô sẽ kinh ngạc lắm bởi chẳng hiểu sao con búp bê người tuyết mình đánh mất lại ở trong tay anh?
Đàm Tu nhớ rõ mồn một nguồn gốc của con búp bê nhỏ này.
Thành phố Vân An không có tuyết rơi, thế nên vào mùa đông năm 2008, thành phố đã chi rất nhiều tiền để tạo ra một thế giới Băng Đăng không lồ và thu hút được vô số du khách viếng thăm.
Đàm Kỳ Nhi nhõng nhẽo ầm ĩ muốn đi ngắm tuyết, nhưng cha mẹ Đàm bề bộn công việc, mãi đến giao thừa mới có thời gian dẫn họ đi chơi.
Đàm Kỳ Nhi và cha mẹ ngồi hàng sau trò chuyện sôi nổi, còn Đàm Tu ngồi ở vị trí kế bên tài xế lại như một người vô hình bị lãng quên.
Công viên giải trí người qua kẻ lại, các bậc cha mẹ nắm chặt tay con chỉ sợ con mình bị lạc.
Anh không thân thiết với cha mẹ, nhưng cũng ngưỡng mộ cảnh đầm ấm vui vẻ của người ta, vậy nên anh muốn cố gắng hoà nhập vào đó. Tuy vậy, khi anh mở lời nhằm chuyển hướng sự chú ý của cha mẹ thì Đàm Kỳ Nhi điêu ngoa hung hăng lập tức la hét, đánh anh rồi bảo anh biến đi.
Trong thâm tâm Đàm Kỳ Nhi, cô bé và cha mẹ là người một nhà, còn Đàm Tu thì không.
Để dỗ dành con gái, Đàm Vân Thiên rút ra một tờ hai trăm tệ rồi đuổi khéo anh đi: “Tiểu Tu, con cầm tiền tự đi chơi đi, đói thì mua đồ ăn, không muốn chơi nữa thì bắt xe về đi nhé.”
Vài ba câu đã sắp xếp rõ ràng, không ai hỏi ý kiến anh và cũng không ai lo lắng cho sự an toàn của anh.
Như thể anh là bụi cỏ dại có thể tùy tiện vứt bỏ đi.
Anh đội nón lên, kéo thấp vành nón gần như che kín hơn phân nửa gương mặt mình.
Anh nhận hai trăm tệ rồi đi theo dòng người vào thế giới Băng Đăng.
Vùng đất tuyết nhân tạo trông cực kì giống thật.
Những đứa trẻ khác chạy giỡn nô đùa, đắp người tuyết, ném cầu tuyết bên trong. Còn anh, ngồi dưới đại thụ như không mảy may tồn tại.
Mãi cho tới khi một người phụ nữ trung niên có mái tóc ngắn đến gần: “Cậu bé ơi, cô thấy con ngồi một mình ở đây nãy giờ, bị lạc ba mẹ đúng không? Con có cần cô giúp gì không con?”
Anh không nhận thiện ý của bà ấy, thậm chí còn cảm thấy mấy người này thật bao đồng quấy rầy mình quá.
Người phụ nữ đó vô cùng kiên nhẫn, hỏi đi hỏi lại nhiều lần, đến khi thấy phiền anh mới thốt ra một từ: “Không.”
“Mẹ.” Một giọng nữ giòn giã và ngọt ngào đã át mất câu trả lời của anh.
Cô bé, khoác trên mình bộ áo ấm màu hồng dày cộm tình cờ lọt vào mắt anh, đã hỏi người phụ nữ nọ đang làm gì ở đây?
Bà ấy cho rằng anh bị lạc mất cha mẹ, thế là cô bé đó răm rắp tin theo.
Anh phát hiện đây là hai con người phiền phức thích lo chuyện thiên hạ, bèn dứt khoát đi khỏi đó.
Vì vậy, hai mẹ con đành thôi, về lại bên cạnh người thân.
Nhưng họ không phát hiện cậu bé đã đi mất kia đang nấp ở gần đó.
Anh đứng phía sau người tuyết, nhìn gia đình ấm áp nọ đắp người tuyết rồi chụp hình cùng nhau.
Có rất nhiều trẻ con trong thế giới Băng Đăng, vậy nhưng anh chỉ chú ý đến cô bé có mái tóc dài nâu với những lọn tóc xoăn tự nhiên trông như búp bê ấy.
Đồng hồ vừa điểm, tuyết bất chợt rơi xuống công viên giải trí, tựa như một giấc mơ kỳ ảo vậy.
Du khách thoả thích hoan hô, chỉ có Đàm Tu lẳng lặng nhìn chăm chăm về phía trước.
Tuyết đọng trên lông mi, dáng vẻ tươi cười của bé gái ấy thật sạch sẽ và xinh đẹp.
Chơi thoả, gia đình họ chuẩn bị về nhà.
Có chướng ngại vật được sắp đặt đằng trước nên người cha bồng con gái lên, cô bé theo đà quay người tựa đầu vào vai ba mình và cuối cùng, cô đã nhìn thấy cậu trai đang đứng phía sau người tuyết khổng lồ.
Cô bé dùng một tay kéo mí mắt của mình làm mặt quỷ với anh, có thể thấy rõ một chiếc răng khểnh nhỏ.
Đợi gia đình đó đi khuất, anh bỗng nhặt được một con búp bê người tuyết và còn thấy cái tên được viết trên đống tuyết - Nhạc Dao.
...
Xử lý vết thương xong xuôi, Kỷ Trì đút tay vào túi vừa đi tới trước mặt anh: “Này, bây giờ cậu định làm thế nào? Quay về hả?”
Đàm Tu bỏ người tuyết vào cặp: “Không về nữa.”
Đáp án nằm trong dự đoán của Kỷ Trì, thế là anh ấy thuận miệng đưa ra lời mời: “Tới nhà mình đi.”
“Không được.” Từ chối sự tử tế của Kỷ Trì, Đàm Tu một mình rời đi.
Những tưởng Đàm Tu chỉ đang cảm thấy buồn nên muốn ở một mình, nhưng tối lại khi Kỷ Trì nhắn tin thì mãi không thấy anh hồi âm.
Qua hai ngày, anh ấy vẫn không liên lạc được với Đàm Tu.
Không nhận được tin tức cộng thêm điện thoại tắt máy, Kỷ Trì lập tức đến nhà họ Đàm một chuyến nhưng cũng không thu hoạch được gì. Bấy giờ, anh ấy mới nhận ra được tính nghiêm trọng của chuyện này.
Kỷ Trì gấp gáp chuyển danh bạ và gọi vào một số khác.
-
“Các vị hành khách xin lưu ý...”
Trong sân bay náo nhiệt, Nhạc Dao kéo hành lý đi theo cha mẹ vào sân bay, nơi có thể bắt chuyến bay nội địa bay đến điểm tiếp theo.
“Tuần trước bạn con đi, bạn nói bên đó vui lắm ạ.” Mong chờ chuyến đi sắp tới, Nhạc Dao tíu tít nói liến thoắng.
“Vậy lần này con phải chơi cho đã đi.” Nhạc Gia Thành là điển hình osin của con gái và bị vợ quản chặt.
Mới vừa vào sảnh, điện thoại của Nhạc Dao reo lên, cô bèn kéo hành lý đến gần rồi ra hiệu với cha mẹ: “Con nghe điện thoại nha.”
Lạ thật đó, người gọi tới lại là Kỷ Trì.
“A lô?”
“Nhạc Dao, hai ngày qua A Tu có liên lạc với em không?” Kỷ Trì đi thẳng vào vấn đề.
“Có ạ, hôm qua vừa tám xong ạ.” Nhạc Dao thành thật trả lời.
Kỷ Trì hỏi tiếp: “Bây giờ em có thể liên lạc được với cậu ấy không?”
Nhạc Dao chần chừ chốc lát: “Sáng nay em có gửi tin nhắn cho ảnh nhưng không thấy ảnh nhắn lại, sao thế ạ?”
“Có lẽ cậu ấy gặp chuyện rồi.” Không thể kể hết trong vài ba câu qua điện thoại được, Kỷ Trì bèn chọn điểm quan trọng nói với Nhạc Dao chuyện Đàm Tu bị bạo lực gia đình và bây giờ không liên lạc được với anh.
Nhạc Dao run lẩy bẩy gọi vào dãy số mà cô luôn nhớ rất kĩ, nhưng đáp lại cô chỉ có giọng tổng đài lạnh lùng: “Số máy quý khách vừa gọi hiện đang tắt máy.”
Bạo lực gia đình, mất liên lạc...
Những từ ngữ xa lạ ấy khiến cô phát rét.
Tiêu Tuệ Vân đi tới gọi cô: “Dao Dao, đưa căn cước của con ra đây để mẹ lấy vé nè.”
Nhạc Dao lấy thẻ căn cước từ túi xách trong vẻ bàng hoàng, nhưng rồi cô không có hành động tiếp theo.
“Con bé này, làm gì đần người ra thế?” Tiêu Tuệ Vân khó hiểu, bèn nhanh tay lấy thẻ căn cước của cô đi mua vé.
Khi Tiêu Tuệ Vân đưa thẻ căn cước công dân qua bệ cửa sổ thì chợt bị ai đó giữ lại.
Lòng rối như tơ vò, Nhạc Dao nắm chặt thẻ căn cước.
Cô nhìn mẹ, thấp thỏm nuốt nước bọt nhưng trong mắt lại tỏ vẻ kiên định: “Mẹ, con có một người bạn đang gặp chuyện, con phải quay về tìm anh ấy ạ.”
- -------------------
Lời tác giả:
Sao mà không rung động được chứ.