"Tại sao?" Tôi cần một lời giải thích.
"Buổi tối xảy ra vụ án Hồ Viễn, khi mẹ Tần Dương dậy đi vệ sinh thì bị ánh sáng từ ngoài cửa sổ chiếu vào làm hoa mắt, một lát sau mới nhìn rõ một chiếc xe lái từ cửa nhà đi về hướng thành phố. Vị trí nhà họ tương đối hẻo lánh, nửa đêm gần như không có xe cộ đi lại, nên đó là việc bất bình thường. Trong buổi tối thứ hai sau vụ án, Tần Dương có một khoảng thời gian không có mặt ở nhà và giải thích với bố mẹ cậu ta là vào thành phố đi chơi với bạn, mãi tận tối khuya mới về. Còn hôm qua, cũng là ngày thứ ba của vụ án, Tần Dương vừa ăn xong cơm trưa đã rời khỏi nhà, hành tung sau đó của cậu ta thì không ai rõ." Văn Nhã nói liền một mạch.
Văn Nhã nhắc đến ba sự việc liền một lúc với thái độ hết sức bình tĩnh, không có gì kì lạ cả, nhưng chính mấy mốc thời gian xảy ra các sự kiện đó, lại khớp với các điểm mấu chốt của vụ án lần này, tôi nhanh chóng hiểu ra sự ảo diệu ẩn trong đó.
Thứ nhất, thời gian mẹ Tần Dương thức giấc đi vệ sinh là sau khi xảy ra vụ tai nạn, ngày thường gần như không có xe cộ qua lại. Theo những gì mẹ Tần Dương miêu tả, chiếc xe khi đi qua cổng nhà bà ta còn chạy khá chậm, sau đó thì càng lái càng nhanh, từ đó có thể phán đoán, rất có thể trước đó vừa có người lên xe ở vị trí gần cổng nhà Tần Dương.
Ở thị trấn này, các hộ gia đình cách nhau khá xa, giữa đêm làm gì có ai đi ngang qua, nên người trên xe chắc đến tám chín phần chính là Tần Dương.
Buổi tối thứ hai, Đặng Tư gặp ma trong trường vào đúng khoảng thời gian Tần Dương không ở nhà, nên cậu ta hoàn toàn có khả năng thực hiện.
Thứ ba, chiều hôm qua Tần Dương lấy danh nghĩa về trường, đàng hoàng thoát khỏi tầm mắt của phía cảnh sát, sau đó, trong nhà tôi xuất hiện "Tiểu quỷ" và Tăng Đại Chí bị sát hại.
Văn Nhã nói tiếp: "Đương nhiên, tất cả những điều đó đều chỉ là phán đoán của tôi, không có chứng cứ trực tiếp. Bây giờ chúng ta sẽ gọi Tần Dương về, yêu cầu cậu ta giải thích rõ ràng. Sự việc thứ nhất tạm thời chưa thể chứng thực, vì dù sao mẹ cậu ta cũng không vào phòng kiểm tra, không thể xác nhận lúc đó cậu ta có đang ngủ hay không; sự việc thứ hai, đợi Tần Dương trở về, yêu cầu cậu ta nói rõ hôm đó đến gặp bạn nào, đã làm những gì, có ai làm chứng hay không; sự việc thứ ba, cậu ta phải trình bày rõ hành tung của mình ngày hôm qua sau khi rời khỏi nhà, rồi liên lạc với phía nhà trường, để xác minh thời gian cậu ta về trường. Những điểm trùng hợp của cậu ta thực sự quá nhiều, càng nhiều điểm trùng hợp càng chứng tỏ đó không phải trùng hợp, tôi tin rằng cậu ta dù có ranh ma đến mức nào cũng không thể kín kẽ hết mọi mặt được, chắc chắn phải có điểm sơ hở."
Tần Dương học đại học ở trên tỉnh, bắt xe từ thị trấn đi cũng chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi, cộng thêm thời gian lãng phí trên đường nữa, thì kiểu gì trước năm giờ chiều hôm qua cậu ta cũng phải đến trường rồi.
Tôi gọi điện cho anh Điên, chuông đổ liên tục mấy hồi, tôi cứ nghĩ anh ấy đang ngủ, vừa định ngắt máy thì lại thấy anh ấy nhận điện thoại. Anh Điên nói đã sử dụng các biện pháp trinh sát kĩ thuật xác định được vị trí hiện tại của Tần Dương, cậu ta đúng là đang ở trường. Trong lịch sử lên mạng từ điện thoại của Tần Dương, mã IP đăng nhập từ sau tám giờ tối qua đều trong phạm vi phố tỉnh, mốc thời gian này muộn hẳn ba tiếng đồng hồ so với mốc năm giờ tới nơi mà chúng tôi dự tính. Tôi nói phát hiện của Văn Nhã cho anh Điên, anh lập tức đập bàn ra lệnh tới trường đưa Tần Dương về, tôi nhắc anh nhớ phải kiểm tra đồ đạc của cậu ta thật kĩ.
Dập máy, tôi thuật lại những lời của anh Điên cho Văn Nhã. Sau đó, tôi tựa lưng vào ghế, giả thiết Tần Dương là hung thủ, rồi căn cứ vào các mốc thời gian trên của cậu ta, đặt cậu ta vào cả quá trình xảy ra vụ án, hầu hết đều rất khớp, chỉ có điều vẫn có một vài điểm không hợp lí. Ví dụ, Tần Dương ra khỏi nhà sau khi xảy ra vụ tai nạn của Hồ Viễn, thế thì, hiện trường kì quái của vụ "xác chết gϊếŧ người" là do ai bày ra và thực hiện? Còn nữa, vụ Tăng Đại Chí nhảy lầu xảy ra vào khoảng mười một giờ đêm qua, lúc đó Tần Dương đã ở trên phố tỉnh rồi, thì không thể gây án được.
"Không chỉ có một người!" Câu nói của Văn Nhã kéo tôi quay lại với dòng tư duy, đồng thời cũng giải thích những điểm tôi còn thắc mắc. Tôi cười, nghĩ bụng chúng tôi đúng là rất ăn ý nhau.
Không sai, nếu Tần Dương đúng là hung thủ, thì cậu ta chắc chắn không phải một mình gây án! Rất nhiều sự việc trong quá trình này không thể do một người hành động được!
Thế nhưng, còn ai có thể nung nấu mãi trong lòng về cái chết của Tần Hiểu Mai, còn cam tâm tình nguyện gϊếŧ người vì Tần Hiểu Mai nữa?
Tần Hiểu Mai không có bạn trai, trước mắt cũng chưa thấy có đối tượng nào một lòng một dạ theo đuổi cô ta.
Vậy thì, là người thật thà chất phác như Tần Xuyên, hay là người điên điên khùng khùng như mẹ Tần Hiểu Mai đây?
Tôi lắc đầu, họ không giống, không giống một chút nào. Vậy ngoài họ ra, thì còn ai nữa?
Là tên "Tiểu quỷ" mặc đồ đen?
Đúng, chắc là thế nhưng tên "Tiểu quỷ" đó thực chất là ai mới được?
Giống như những gì anh Điên nói, hắn ta rốt cục là cái thứ gì đây?
Tôi nói ra suy nghĩ của mình, Văn Nhã gật đầu, đáp: "Đợi lát nữa trở về đội, anh đưa tôi đến xem đoạn ghi hình ở tòa nhà pháp y tôi hôm đó. Hừ, đồ "Tiểu quỷ" trộm xác, tao nhất định phải vạch mặt mày!"
Tôi cười, bảo: "Ừ, cô có cặp "hỏa nhãn kim tinh" tinh tường đến thế, có khi lại phát hiện ra manh mối nào đó trong đoạn ghi hình mà trước đây chúng tôi không chú ý đến cũng nên."
"Cộp! Cộp! Cộp!"
Tiếng gõ bất ngờ vào mặt kính khiến tôi giật mình, tôi nhìn theo hướng gõ, thấy bên ngoài cửa xe có một bà cụ, bàn tay vừa gõ vào kính vẫn còn dừng lại trên không, trên khuôn mặt nhăn nheo là nụ cười giản dị.
Tôi hạ kính cửa xe xuống, còn chưa kịp tiến lên, bà cụ đã cất giọng đặc chất vùng miền: "Ông chủ ơi, mua ít quả dại đi, già vừa hái trên núi xuống đây, ông nếm thử coi, ngọt lịm."
Bà cụ khoác chiếc áo màu đen đơn giản, vừa nói vừa giơ chiếc làn tre đang cắp bên tay phải lên, trong làn có một ít quả nhỏ vỏ đã ngả hồng. Bà cụ không ngừng ra hiệu bảo tôi ăn thử xem sao.
Những nếp nhăn trên khuôn mặt cụ đã hằn sâu, tóc trắng, lưng còng, tôi đoán chắc cụ cũng phải bát tuần, tầm tuổi bà ngoại tôi lúc tạ thế. Gương mặt cụ xám xịt, có thể thấy rõ những hạt cát lấm tấm, không biết để bán hết làn quả này cụ đã phải đứng bên đường bao lâu.
Tôi không ăn thử, rút ngay tờ một trăm tệ đưa cho cụ. Bà cụ nhìn tờ tiền màu đỏ, có phần ngập ngừng không biết làm gì, rồi bảo cụ không có tiền lẻ trả lại. Tôi cười, nói: "Cụ ơi! Không cần trả lại ạ! Con thích chiếc làn của cụ, muốn mua luôn một thể."
"Không, không không, cái làn rách này chẳng đáng mấy xu..." Bà cụ lắc đầu lia lịa, mấp máy miệng từ chối. Tôi thấy trong miệng cụ đã chẳng còn lại mấy chiếc răng nữa.
"Đáng ạ! Bây giờ ngoài chợ kiếm đâu ra được loại làn tre đan thủ công thế này đâu cụ." Tôi vừa cười vừa nói, vừa mở cửa xe bước xuống.
Bà cụ đặt chiếc làn xuống đất, lóng ngóng đưa tay móc từ trong túi một chiếc khăn mùi soa được gấp rất nhỏ, rồi từ từ mở ra. Tôi biết bà cụ định làm gì, bà ngoại tôi cũng thích xếp tiền ngay ngắn trong một chiếc khăn mùi soa vuông vắn, sau đó gấp cẩn thận lại và đút vào túi.
Tôi tiến lại phía trước, giữ lấy tay cụ, nhét tờ một trăm tệ vào tay cụ, nhắc lại: "Cụ ơi! Cụ không phải trả tiền thừa cho con thật mà, chiếc làn này đáng giá với số tiền này lắm."
Bàn tay cụ lạnh ngắt, khô ráp, cứ như một khúc gỗ sần sùi. Tôi cúi đầu, thấy nhiều chỗ đã cước đến nứt nẻ cả, miệng vết nứt hở ra không còn thấy sắc máu, mà trắng bạc và khô khan.
Lòng tôi bỗng thấy chua xót, không dám nhìn thêm, bèn cầm chiếc làn lên đặt vào ghế sau ô tô. Khi tôi đặt xong làn quả quay người trở lại, bà cụ vẫn đứng đó, dáng vẻ khúm núm, định nói gì rồi lại thôi, cứ như thể vừa làm việc gì đó cắn dứt lương tâm vậy.
Cụ không nỡ cầm tiền của tôi, lại không biết phải nói như thế nào.
Tôi thoáng nảy ra ý nghĩ, bèn hỏi thăm: "Cụ ơi! Nhà cụ ở đâu ạ?"
Cụ lập tức chỉ hướng cho tôi. Tôi nhìn theo, đó là một ngọn núi, cụ nói nhà mình ở lưng chừng núi. Tôi cố ý tỏ vẻ nhìn chăm chú, rồi nói: "Thế này vậy, cụ giúp con hái thêm ít quả dại nữa, mấy hôm nữa con sẽ quay lại lấy, chỗ tiền này coi như con trả trước, được không ạ?"
Nghe tôi nói vậy, bà cụ mới yên tâm nhận tiền, rồi còn dặn dò: "Thế nhất định ông phải quay lại nhé, lưng chừng núi chỉ có một căn nhà thôi, ông cứ đi dọc theo con đường nhỏ trước mặt kia kìa, đi thẳng lên núi là thấy nhà già."
"Con nhớ rồi, cụ mau về đi ạ, trời lạnh lắm." Tôi đưa hai bàn tay lên hà hơi sưởi ấm.
"Ông phải đến đấy nhé!"
Nói xong câu đó, bà cụ đi về hướng ngọn núi. Chân cụ đi đôi giày vải nhỏ, bước trên đường gập ghềnh lắc lư, trên giày còn dính những vết đất đã khô, không biết cụ đã phải vất vả thế nào mới hái được làn quả dại này. Nghĩ đến đây, tôi có phần hối hận vì mấy câu nói vừa rồi, vì chắc chắn cụ sẽ lại tiếp tục lên núi hái quả dại cho tôi nữa.
"Làm việc tốt thì nên vui mới phải chứ, sao anh buồn thế?" Giọng Văn Nhã từ bên cạnh vọng sang.
"Không có gì, tại nhìn thấy bà cụ làm tôi nhớ bà ngoại mình thôi."
"Tôi lại tưởng chuyện gì, nhớ bà thì đợi phá án xong về thăm một chuyến là xong chứ sao."
"Bà tôi mất rồi!" Tôi thở dài, nói khẽ.
"À... xin lỗi nhé!" Văn Nhã giọng lí nhí, cứ như đứa trẻ vừa làm chuyện sai trái.
Chúng tôi không nói gì nữa, im lặng nhìn bà cụ đang từ từ bước từng bước một. Lưng cụ đã còng quá rồi, khoảng cách càng lúc càng xa, tôi thậm chí chỉ còn nhìn thấy dáng người lom khom của cụ, không còn thấy phần đầu cúi xuống phía trước nữa.
"Lục Dương."
"Gì?" Tôi quay lại, nhìn Văn Nhã, hình như cô ấy vừa gọi tôi.
Văn Nhã mở miệng, cuối cùng thở dài một tiếng: "Thôi, đợi lát nữa về Đội rồi nói."
Cũng không sớm nữa, còn phải đi về thành phố gặp ba nữ phạm nhân. Chúng tôi trở lại xe, thắt dây an toàn, tôi nhìn qua kính chiếu hậu thêm một lần nữa, bà cụ vẫn đang chầm chậm bước đi, đầu cụ đã hoàn toàn không còn thấy đâu nữa, chỉ còn lại phẩn vai đưa lên.
Tôi thở dài, không nhìn nữa, nổ máy xe.
Trên đường về, tôi hỏi Văn Nhã: "Vừa rồi lúc gõ cửa, cô làm cách nào mà mẹ Tần Dương vui vẻ mời cô vào nhà thế? Sau đó mọi người nói chuyện gì mà lâu vậy?"
Danh Sách Chương: