Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Đúng y như lời lão Trì nói, tuyết vẫn còn tiếp diễn vào buổi chiều. Cả thành phố chìm vào khoảng lặng mênh mông với bức tường sơn màu đỏ, mái ngói nhuộm màu vàng, xanh xanh của mặt đặt bằng, nâu nâu của nhành cây cỏ, vạn vật khoác trên mình lớp áo trắng phau.

Dường như Trình Cừ bị bóng đè.

Trong giấc mộng, anh nghe thấy âm thanh văng vẳng đâu đây: “Có ai không? Cho hỏi có ai ở nhà không ạ?”

Có ai đó đang gọi ngoài cửa. Nhưng bờ mi anh nặng trĩu, đầu cũng mụ mị, không tài nào hé mắt nổi.

“Cốc cốc cốc.”

Tiếng đập cửa từ xa vọng lại, âm thanh dồn dập không ngừng. Cuối cùng anh không chịu nổi nữa đành phải mở mắt, bấy giờ mới phát hiện trời đã nhá nhem tự khi nào.

Anh giơ tay bật đèn, song đèn không sáng. Hầy, mất điện rồi.

Người đàn ông lơ mơ đặt chân dưới đất, tiếng gõ cửa trong giấc mơ ban nãy đã dứt hẳn, anh rời giường mở cửa ra xem thử, bên ngoài vắng tanh vắng ngắt. Cảnh nhà tĩnh mịch.

Màn đêm buông xuống, mặt trời khuất lấp sau ngọn núi, dưng bởi có tuyết rơi nên thinh không đượm sáng lạ lùng.

Anh ngây người trước cửa một hồi, vì gió bị chặn ở ngoài nên không cảm thấy lạnh, chắc phần nào cũng nhờ tác dụng của thuốc trị cảm.

Đương khi anh tính đóng cửa quay về, ở ngoài lại vang lên tiếng gõ.

“Cốc cốc.” Âm thanh ấy sao mà lanh lảnh: “Có ai ở nhà không?”

Lần nữa nghe thấy tiếng gọi, Trình Cừ khựng lại.

“Có người ở nhà không?”

Trình Cừ thảng thốt, ngón tay bắt đầu run rẩy. Anh đỡ trán, sốt đến độ mơ màng.

Thế rồi xoay người mở cửa.

Lần này ở ngoài đã có người, anh lấy làm ngờ vực, do lúc trước anh đứng ở hành lang hướng tây nam không hề trông thấy bóng dáng ai.

Dưới tán cây hoa mai trồng ở trong sân có cô thiếu nữ.

Mặt mũi cô bé đỏ ửng vì lạnh cóng, hai tay xoa vào nhau: “Lạy trời, có người ở nhà thế mà tưởng đi vắng hết, cứ gõ hoài.” Cô cũng không hề cất tiếng chào chú.

Mái đầu thâm thấp được túm tóc hai bên nghiêng nghiêng nhìn Trình Cừ, một bên đuôi ngựa hơi vểnh.

Lạ ở chỗ, dường như Trình Cừ cũng không cao hơn cô là mấy, gần như hai người nhìn thẳng vào nhau.

Tuyết giăng kín trời.

Đằng sau cánh cửa in bóng hình thời niên thiếu của Trình Cừ, anh mặc trên mình áo gile lông màu nâu sẫm phối cùng chiếc sơ mi trắng bên trong. Tay áo sơ mi hóa dài đến lạ.

“Tớ ở cách vách nè, vừa mới chuyển đến thôi. Ba tớ bảo hàng xóm ở kế bên có cậu bé cũng chạc tuổi con đấy. Cậu bí ẩn ghê, từ ngày chuyển về đây tớ chưa được gặp cậu lần nào.” Cô bé chỉ về phía Đông phòng.

Trình Cừ hơi lảo đảo.

“Ừ…” Giọng nói bật ra từ cuống họng.

Anh cảm thấy ngạt thở, cảnh vật dần nhạt nhòa. Anh muốn đáp lại cô, hết nheo rồi trợn mắt, những dòng nhạt nhòa ấy thình lình chảy xuống, hóa ra là nước mắt.

Cô bé mỉm cười: “Đang yên đang lành sao cậu lại khóc?”

Cậu nhóc sụt sịt, dùng tay áo lau đi nước mắt: “Không, không có gì đâu, tớ bị ốm thôi, không đáng lo ngại.”

Cậu đứng yên lặng ngắm cô tỉ mỉ không chớp. Không thể tin được.

“Ừm, thật ra tớ sang mượn cây nến. Nay ba mẹ tớ vắng nhà, chẳng ngờ lại mất điện, nhà tớ mới dọn đến nên chưa kịp mua.” Cô bé vô cùng tự nhiên ngó vào trong xem: “Chao ôi, nhà cậu cũng tối thui à, không có nến luôn hả?”

Trình Cừ sực tỉnh: “Có, có, cậu vào trong đi, ở ngoài lạnh lắm, vào đi tớ tìm cho.”

Cậu lục lọi nửa ngày mà chỉ có mỗi một cây nến, đành xấu hổ cười cười: “Cho cậu đó.”

“Không được, cậu cho tớ mượn rồi còn cậu tính sao?” Cô bé không chịu nhận.

“Tớ không sợ tối.” Trình Cừ nhìn cô, ngữ điệu nhẹ nhàng.

“Tớ cũng không sợ tối! Có điều tớ phải làm bài tập gấp, mai là hạn nộp rồi.”

“Hay cậu đem bài vở sang đây, chúng mình cùng ngồi làm?”

“Được!” Cô bé đồng ý: “Thế, thế cậu theo tớ về lấy vở bài tập được không?”

Trình Cừ cười tươi: “Đương nhiên là được.”

“Báo cúp điện là cúp ngay, thật tình.” Cô bé dẫn Trình Cừ đi về phía Đông phòng, nhảy mấy cái tránh đồ đạc nằm la liệt dưới đất: “Phòng hơi bừa bộn xíu, nhà tớ mới chuyển đến chưa được bao lâu. Ba mẹ tớ lại bộn bề công việc, vì vậy chưa có thời gian dọn dẹp lại, cậu cẩn thận kẻo ngã nhé.”

Mắt Trình Cừ đã quen với bóng tối. Cậu đứng tại Đông phòng quan sát xung quanh. Bấy giờ cậu chỉ lặng thinh đứng theo dõi, ánh mắt theo đuôi cô bé vào phòng ngủ tìm quyển bài tập.

“Cậu đứng đó chẳng nói năng gì làm tớ sợ.” Cô bé lấy vở xong liền nắm tay áo cậu: “Đi thôi.” Nhân tiện lấy từ trong túi ra một quả hồng đưa cho Trình Cừ: “Cho cậu ăn này, coi như cảm ơn cây nến của cậu. Ba tớ được cơ quan thưởng cho đấy, nếu cậu thấy ngon nhà tớ vẫn còn cả thùng cơ.” Ngón tay ấy chạm phải Trình Cừ làm cậu run bắn. Lạnh quá.

Hai người đứng giữa sân, ngẩn ngơ nom cánh cửa đóng chặt.

Ngọn nến đang cháy bên trong ô cửa sổ.

Lúc ra khỏi cửa Trình Cừ đã quên không cầm theo chìa khóa, sau khi cửa khép lại nó lập tức tự động khóa trái.

Hai cô cậu tròn mắt trông nhau.

Cô bé hỏi: “Làm sao bây giờ?”

Trình Cừ tỏ vẻ hối lỗi: “Xem ra hôm nay cậu không làm bài tập được mất rồi.”

“Hình như là vậy thật.”

“Xin lỗi cậu.”

“… Không sao, khi nào ba cậu về?”

“Ba tớ làm nghề khảo cổ, nay đây mai đó muôn nơi. Ở nhà ông nội tớ còn có chìa khóa dự phòng đấy.” Trình Cừ hồi tưởng lại, khi cậu mới mười mấy tuổi ba đã tất bật ngược xuôi, gần như không có thời gian chăm lo cho cậu. Hầu hết cậu chỉ thui thủi một mình.

“Vậy chúng ta tới nhà ông nội cậu lấy chìa khóa đi?” Cô nhóc đề nghị.

“Được.” Trình Cừ sững lại: “Cơ mà thà mình đi mua nến còn hơn.”

“Ha ha, cậu nói đúng lắm.”

Thế rồi hai cô cậu sánh bước ra đầu phố.

Trình Cừ dẫn cô đến cửa tiệm bán nến ở rõ xa, quả thật có chỗ bán gần hơn, nhưng cậu bỗng nhiên muốn đi bên cô lâu thêm một chút.

Vì cúp điện, từ hai kẻ “mới” quen biến thành tình cách mạng thắm thiết.

Cô nhóc mở lời: “Cậu tên gì?”

“Trình Cừ, còn cậu?”

“Tớ tên Triệu Phong Niên, mọi người đều gọi tớ là Tiểu Phong.”

Trình Cừ thoải mái cất giọng: “Đâu đâu cũng nói năm nay tuyết được mùa, cái tên nghe hợp thật đấy.”

“Đâu đâu cũng nói tuyết được mùa, song thế nào gọi là được mùa, cậu biết không?” Cô bé tỏ vốn tri thức.

“Là sao?”

“Là ý nghĩa trong thơ đó, đâu cũng nói được mùa nhiều tuyết. Tuy nhiên với bách tính còn lâm vào cảnh lầm than, đói rét thì không hay chút nào, bởi thậm chí họ còn không thể vượt qua khỏi mùa đông này. Ấy là bài thơ Tuyết của La Ẩn thời nhà Đường. Tên của tớ do ông ngoại tớ đặt, ông tớ là một nhà nông học. Ông ngoại tớ bảo, hoài bão lớn nhất đời mình là hi vọng ai cũng có cơm ăn áo mặc, chẳng cầu muôn đời thái bình, chỉ cầu nhà nhà ấm no, không phải chịu cảnh đói khát.”

*Chú thích: Triệu Phong Niên, từ “phong niên” trích từ bài thơ Tuyết của La Ẩn như sau:

Tận đạo phong niên thuỵ,

Phong niên sự nhược hà.

Trường An hữu bần giả,

Vi thuỵ bất nghi đa.

Dịch nghĩa – thivien.net:

Đâu đâu cũng nói năm nay tuyết được mùa.

Thế nào là được mùa?

Trường An còn có người đói rét,

Bảo được mùa nghe không thích nghi!

“Ông ngoại cậu theo đuổi chí hướng lớn lao quá.”

“Đúng thế, tớ cũng thấy vậy! Người tớ kính trọng nhất là ông ngoại, ước mơ của tớ là mai này trở thành một nhà nông học.” Tiểu Phong gật đầu: “Cậu thì sao? Sao lại tên là Trình Cừ?”

“À thì… Lúc mẹ sinh ra tớ, trên đường đến bệnh viện, ba tớ đánh con xe ba bánh không cẩn thận ngã ụp mặt xuống mương, kêu rằng Trình Câu nghe thô bỉ, thế là đặt thành Trình Cừ.” Trình Cừ gãi đầu.

*Câu với Cừ đều mang nghĩa mương, rãnh =))

“Ha ha ha ha ha…” Cô nhóc ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cậu nhóc Trình Cừ trông tấm lưng cô bé, khẽ nâng tay lên muốn chạm vào cô. Tới khi sắp chạm vào được thì cậu lại rụt ngay về.

Tiểu Phong thẳng người dậy, vẫn cười tủm tỉm: “Thật ra trước khi gặp cậu, tớ có nghe thấy tiếng bố cậu quở phạt.”

“Sao cơ? Hôm nào thế?”

“Tuần trước và cả tuần trước nữa.”

“Ba thường hay đánh mắng tớ. Suy cho cùng cũng tại tuần trước tớ cho con dế mà ông nội tớ nuôi ăn ớt chỉ thiên, cay chết nó.”

“Thế tuần trước nữa thì sao?”

“Tuần trước nữa tớ quăng một quả pháo nhân lúc chú Trương đang ngồi hố xí khiến mông chú ấy dính đầy cứt.”

“Ha ha ha ha ha! Chú Trương đó là ai vậy?”

“Là cái chú nuôi chim bồ câu ở đầu hẻm ấy, cậu gặp lần nào chưa?”

“Hình như gặp rồi thì phải. Chú ấy chọc gì đến cậu hả?”

“Chú ta mắng tớ là thằng ngỗ ngược.”

“Cớ sao lại mắng cậu như vậy?” Tiểu Phong thắc mắc.

“Bởi vì tớ ngỗ ngược thật.” Trình Cừ trả lời.

Dứt lời, cậu im lặng. Trình Cừ năm mười hai tuổi đương ở cái độ dở dở ương ương. Vì người mẹ đi bước nữa, ba lại bận việc, mỗi dịp ba về Bắc Kinh chỉ ở lại được mấy hôm, cách “dạy bảo” con đơn thuần bằng roi bằng vọt. Trong mắt người ngoài, anh là thầy, là giáo sư; song trên thực tế anh cũng là đứa trẻ chịu nhiều giáo huấn từ cha mẹ. Khi ấy, anh là con hư chính hiệu.

Hễ nhắc đến nhà ông Trình là không thể thiếu thằng con quỷ sứ đang giở trò phá phách gì. Nó trốn học, rong chơi khắp phố phường, xa nhất từng có lần đến hẳn hồ Nhạn Thê* chỉ để xem một ông cụ câu cá.

*Hồ này ở quận Hoài Nhu, gần nội thành Bắc Kinh.

Đa số nó dành thời gian tới hiệu sách tìm đọc những cuốn viết về kẻ tiểu nhân, về quân sự và lịch sử. Dựa vào chút thành tích cùng với sự sáng dạ, cộng thêm việc gia đình quen biết rộng nên không đến nông nỗi bị đuổi học.

Ngày ấy nó chẳng biết tương lai mình sẽ đi về đâu.

Mãi cho đến năm 12 tuổi, nó quen được Tiểu Phong mới chuyển đến ở Đông phòng.
Đ: Mình chia sẻ thêm một vài thông tin mình tìm hiểu được. Ở Bắc Kinh nổi tiếng với khu phố cổ Hồ Đồng (hay còn gọi Hutong) nằm giữa lòng thành phố hiện đại và bao quanh Tử Cấm Thành, được chính phủ TQ phát triển thành điểm đến du lịch.

Nơi đây có cấu trúc hình thành theo Tứ Hợp Viện, nghĩa là những ngôi nhà truyền thống Trung Quốc được xây kín 4 mặt, bao quanh là sân, giếng nước để sinh hoạt. Các khu dân cư được tạo nên từ nhiều Tứ Hợp Viện nối tiếp nhau. Nhiều Tứ Hợp Viện kề nhau thì tạo thành hutong, rồi nhiều hutong kề nhau tạo thành khu dân cư như những bàn cờ. Chắc hẳn ai coi nhiều phim Trung Quốc không xa lạ gì với kiểu nhà này đâu nhỉ? Nam chính của chúng ta ở con phố cổ mang đầy hoài niệm, cổ kính và yên bình này:

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Việt Nam mình cũng có phố cổ Hội An bao đẹp, mấy năm trước mình may mắn có dịp được đi ^^

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK