• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:


Vương triều Đại Yên, mùa đông năm Tuyên Văn thứ 25, Yên Thiếu Đế – Mộ Dung Tư Ngạn băng hà.
Mùa xuân năm sau, thái tử Mộ Dung Câu đăng cơ đại bảo, xưng là Yên An Đế, niên hiệu [Khôn Hoà].
Khôn Hoà nguyên niên*, An Đế rầm rộ khoa cử, rộng rãi chiêu nạp hiền tài.
(*năm khởi điểm, coi như là năm số 0)
Ngày đó, trời trong nắng ấm, tơ liễu vuốt qua gò má, Yên kinh [còn gọi là kinh đô], Tử Cấm Thành, học sĩ viện Hàn Lâm – Chương đại nhân dẫn sĩ tử năm nay được đề tên trên bảng vàng đi thăm viếng lăng mộ đế quân cùng phủ Thái Học.
Đế quân lăng, cũng xưng là [Cửu Long lăng], là nơi dùng để tế bái Thái tổ hoàng đế từ khi khai quốc tới nay của Đại Yên, linh vị của chín vị đế vương, mà đương kim Thánh thượng Yên An Đế là vị quân chủ thứ mười của vương triều Đại Yên.
Phủ Thái Học là cơ cấu hành chính tối cao của Đại Yên, cũng có danh xưng là "Long môn phủ", đó là vì phàm người có thể nhận chức vào Thái Học phủ đều là quan viên từ nhất phẩm trở lên, nhất định có thể được hưởng hoàng ân cuồn cuộn, được Thánh Thượng trọng dụng.

Thật có thể nói là làm rạng rỡ tổ tông, long đằng hổ dược.

(rồng nhảy, hổ vọt)
Đế quân lăng ở phía góc Tây Bắc của Tử Cấm Thành, Chương đại nhân vừa đi, vừa không hề phiền hà giảng thuận với nhóm tân khoa tiến sĩ năm nay về công tích vĩ đại của tiên hoàng Đại Yên.
Mà trong chúng tiến sĩ, có một vị thiếu niên thân mặc quan phục thất phẩm đặc biệt khiến người ta chú ý.

Người này danh Cố Trạch, tự Huyền Minh, là tân khoa Thám Hoa được Thánh Thượng khâm điểm, lúc lâm triều được Yên An Đế thụ phong hắn làm chức Hàn Lâm viện Biên Tu*.
(*Chức quan chịu trách nhiệm biên chép quốc sử)
Vị trí Biên Tu này kỳ thật hợp ý hắn, Cố Trạch trời sinh tính thích yên tĩnh, kỳ thật cũng không có chí lớn, vốn chỉ biết múa bút một ít văn chương mà thôi, có thể làm một văn thần an an phận phận, cả đời ăn mặc không lo cũng đủ rồi.
Nhìn bức hoạ của chư đại quân vương của Đại Yên, Cố Trạch không khỏi nghĩ, không hổ là hoàng tộc họ Mộ Dung, trời sinh hậu duệ quý tộc, thật đúng là ai nấy phong thần tuấn lãng, oai hùng bất phàm...
Chúng tiến sĩ theo Chương đại nhân chậm rãi đi xa, thanh âm Chương lão cũng bắt đầu biến thành thấp thoáng khi rõ khi không, mà Cố Trạch cũng không gấp, hắn từ từ đi theo phía sau mọi người, cẩn thận dừng lại trước bức hoạ của những tiên hoàng Đại Yên cùng bia đá có khắc ghi về cuộc đời của họ.
"Ồ?" Đi tới đi tới, Cố Trạch không khỏi hoàn toàn dừng cước bộ, đơn thuần là bị thân ảnh trên một bức hoạ hấp dẫn.
Nói thế nào nhỉ, so với những quân vương khác của Mộ Dung gia, người kia có vẻ quá mức thanh tú trắng trẻo, thiếu vài phần khí phách đế vương, lại ngoài ý muốn có hơn một phần tĩnh mịch lạc lõng phong nhã của một bậc thi nhân.
Nhìn kỹ lại, nhưng phát hiện trên tấm bia đá của vị đế vương này lại không khắc gì về cuộc đời hắn lúc còn sống, là một tấm bia không có chữ!
"Yên Linh Đế Mộ Dung thị, huý danh là Nhan." Cố Trạch thầm đọc tục danh của vị quân vương này được viết trên linh vị trên tấm bia đá.
"Thì ra là hắn, trách không được..." Cố Trạch thầm nhủ, hơi gật đầu hiểu ra.

Bởi vì nói đến vị Yên Linh Đế này, thật đúng là một vị đế vương rất gây tranh cãi, vừa giống một vị thần, lại giống một ác ma, cuộc đời của người này thật đúng là không dễ viết...
"Ha ha ha, vậy ngươi cảm thấy người đó là thần hay là ma?"
Cố Trạch đang cân nhắc, đột nhiên nghe được tiếng cười khẽ như chim hoàng oanh của một thiếu nữ, hắn giật mình hoảng sợ, nhưng nhìn chung quanh thì trừ bản thân ra nào còn có người khác.

Đều nói trong trốn thâm cung nhiều oán hồn, không phải là nữ quỷ gì đó chứ...
Nghĩ đến đây, Cố Trạch đổ mồ hôi lạnh, không dám lưu lại chỗ này, vội vàng vén vạt áo quan phục, chạy chậm một đường vượt qua Chương đại nhân đang đi.
Phủ Thái Học ở góc Tây Nam của Tử Cấm Thành.

Cố Trạch vất vả chạy qua chỗ Chương học sĩ, thở hổn hển, kinh hồn chưa định lẫn vào chúng tiến sĩ.
Còn không kịp lau mồ hôi lạnh trên trán liền bị ai đó vỗ vai, chỉ thấy một thiếu niên mặt ngăm đen khoẻ mạnh nhe răng trợn mắt nói với hắn: "Vị huynh đài này, thỉnh cầu nâng cái chân cao quý của ngươi lên, ngươi đạp trúng tại hạ...."
Cố Trạch cúi phắt đầu xuống nhìn mới phát giác thì ra vừa rồi mình chạy quá mau, không cẩn thận đạp trúng chân vị nhân huynh này, vì thế liền cuống quýt dời giày quan của mình, thở dài nói: "Huynh đài, thật sự xin lỗi, là tại hạ mạo muội."
"Không sao, không sao." Hắc thiếu niên vẫn nhe răng trợn mắt cười với Cố Trạch: "Tại hạ họ Dương, tên chỉ độc một chữ Liễu, tự Mộc Sinh, là nhân sĩ kinh đô, Bảng Nhãn khoa võ năm nay, xin hỏi cao tính đại danh của huynh đài?"

"Phì", Cố Trạch thật sự không thể nhịn được khi một hán tử cao lớn thô kệch rắn chắc lại tên là Dương Liễu, vừa ôm bụng cười, vừa nói: "Dương huynh đài, thật sự thất lễ, ha ha ha, lệnh tôn thật đúng là....lấy tên hay cho ngươi nha.

Ha ha ha, tại hạ danh Cố Trạch, tự Huyền Minh, là nhân sĩ Cô Tô, kim khoa nhất giáp Thám Hoa năm nay, ngày sau còn thỉnh chỉ giáo nhiều hơn!"
Tràng cười này làm cho mặt Dương Liễu từ đen biến thành hồng, lại từ hồng biến thành đen, thực đẹp mắt.
"Ai nha nha, vị Cố huynh đài này có thể có điều không biết, vị Dương Bả Tổng đại nhân được Thánh Thượng khâm điểm này là con cháu của bậc danh tướng đó ~" Chỉ thấy một thiếu niên mặt mang ý cười bỡn cợt, chắc nghe được đoạn đối thoại giữa Cố Trạch và Dương Liễu cho nên đáp lời nói: "Không phải sao, Dương Liễu đại nhân!"
(*Bả Tổng: quân hàm thấp nhất trong lục doanh)
"Chúc lưu manh, ngươi...!" Dương Mộc Sinh hiển nhiên bực bội, sắc mặt biến hoá càng thêm đẹp mắt.
"Ai nha ha, không nói Dương Bả Tổng nữa.

Cố huynh, bỉ nhân tên Chúc Tuấn Phong, tự Cảnh Tông, nhân sĩ kinh thành, kỳ thật là bằng hữu từ nhỏ với Mộc Sinh, là kim khoa nhất giáp Bảng Nhãn, giống Cố huynh nhận chức Hàn Lâm viện Biên Tu.

Ngày sau ở chung, nếu có gì không tốt, mong được thông cảm nhiều hơn." Chúc Tuấn Phong nhận thấy sắc mặt Dương Mộc Sinh không tốt, vì thế liền thay đổi đề tài, khiêm tốn nói với Cố Trạch.
"Đâu có đâu có, ngày sau mong Chúc huynh thông cảm nhiều hơn mới phải." Cố Trạch cũng khiêm tốn nói: "Phải rồi, không biết Dương huynh đến tột cùng là hậu đại của vị danh tướng nào?" Cố Trạch rất tò mò đối với gia thất được nhắc tới vừa rồi của Dương Mộc Sinh.
"Mộc Sinh ấy à, phụ thân là đương kim Phụ quốc Đại tướng quân Dương Trung đại nhân, Dương gia bọn họ có ba huynh đệ, trên Mộc Sinh còn có hai vị huynh trưởng.

Huynh trưởng là Giám sát Ngự Sử – Dương Xu đại nhân, thứ huynh nhậm chức Đô Ti* – Dương Kỷ đại nhân, thật sự có thể nói cả nhà là hổ tướng!" Dương Mộc Sinh vừa muốn mở miệng đã bị Chúc Tuấn Phong mồm mép lanh lẹ đoạt trước.
(*là vị quan đứng đầu cơ quan Đô chỉ huy sứ ty hay Đô ty.
Với tên chức là Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, chức Đô chỉ huy sứ thường được ngộ nhận là chức trưởng quan chỉ có từ thời Minh, Trung Quốc, khi các cơ quan Đô chỉ huy sứ ty được thành lập tại cấp tỉnh.

Thật ra, chức Đô chỉ huy sứ đã được lập từ thời Đường, Trung Quốc, nguyên là chức võ quan giữ việc chinh phạt.

nguồn: wiki)
"Năm đó, Dương tướng quân vẫn hy vọng lão tam có thể là một vị thiên kim, bởi vì sốt ruột mong có nữ nhi nên sớm đã nghĩ sẵn tên rồi, không ngờ tới, vẫn sinh ra tên hỗn tiểu tử Mộc Sinh này.

Dương tướng quân năm đó ôm tên hỗn tiểu tử này, mắt hổ rưng rưng, kết quả dứt khoát kiên quyết đưa ra một quyết định vĩ đại, vẫn đặt tên tiểu tử này là Dương Liễu! Ha ha ha ha!" Chỉ thấy Chúc Tuấn Phong nói đến mặt mày hớn hở, khoa chân múa tay vui sướng, nước miếng văng khắp nơi, như thể năm đó hắn ở ngay hiện trường chính mắt nhìn thấy vậy.
"Ha ha ha ha, Chúc huynh không đi làm tiên sinh kể truyện thì quả thật là một tổn thất lớn của thiên hạ!" Cố Trạch cũng buồn cười cười nói.
"Khu khụ, yên lặng một chút, nhanh đến phủ Thái Học đi." Chương đại nhân rốt cục chú ý tới ba người này huyên náo, liền nhắc nhở.
Ba người vội vàng dừng ý cười, an phận đi theo mọi người, quy củ đi đến Thái Học phủ.
Một bước vào cửa chính Thái Học phủ, trong đình viện có thờ tượng đá của thánh hiền phu tử, nhóm tân khoa tiến sĩ từng người tiến lên tam quỳ cửu bái hành lễ.
Đông điện của Thái Học phủ là nơi Thái Sư, Thái Phó, Thái Uý, Tư Đồ cùng Đại học sĩ chờ nhất phẩm quan viên của đương triều để nghị sự.
Tây điện của Thái Học phủ là nơi Thiếu Sư, Thiếu Phó, Thái tử Thái Sư, Thái tử Thái Phó cùng Thượng Thư các bộ chờ các vị nhất phẩm quan viên để nghị sự.
Mà chính điện của phủ Thái Học lại đóng chặt, nghe nói bên trong là địa phương chuyên môn để cho đám hoàng tử hoàng tôn của Đại Yên đọc sách.
Sau khi lễ bái phu tử rồi, nhóm tân khoa tiến sĩ lại được Chương lão dẫn đến Đông điện cùng Tây điện, hành lễ với chư vị đại nhân.

Rồi sau đó, vài vị Nhất giáp văn võ Trạng Nguyên, Bảng Nhãn cùng Thám Hoa tức thì được mời ở lại hậu điện của phủ Thái Học để cùng dự tiệc tối với chư vị đại nhân.
Trận yến tiệc này cũng có danh xưng là "tiểu Hồng Môn Yến", bởi vì nhất giáp sĩ tử được đề danh kim bảng hướng đến việc được Thánh Thượng coi trọng, cho nên trên thực tế đây cũng là một buổi tiệc mở ra để các vị đại nhân chọn lựa cho mình vây cánh tâm phúc trong tương lai.


Điều này có nghĩa nếu biểu hiện tốt, kia liền có khả năng được làm môn sinh của quan lớn, ngày sau một bước lên mây cũng gần.

Mà nếu chẳng may bất hạnh hỏng việc, kia chỉ sợ nhẹ thì cả đời làm một tiểu quan không ra gì, không có ngày xuất đầu, nặng thì gieo mầm tai hoạ, vô cớ chết oan.
Nhưng Cố Trạch thực sự không chịu được sức rượu, cùng chư vị đại nhân uống mấy chung, không khỏi có chút choáng váng hoa mắt, tự giác không thể uống nhiều hơn nữa, nhưng cố tình vị Tư Đồ Triệu đại nhân trước mắt còn hứng trí bừng bừng, cũng tuyên bố muốn tái chiến một trăm hiệp với Cố Trạch.

Rơi vào đường cùng, Cố Trạch chỉ có thể lấy cớ mắc tiểu, để Dương Mộc Sinh bên cạnh tạm thời hỗ trợ ổn định vị Tư Đồ đại nhân này.
Cố Trạch rốt cục hốt thoảng chạy ra khỏi buổi Yên, cũng không biết sao, vòng tới vòng lui thế nhưng đi tới [Đế quân lăng].
Cố Trạch dùng sức xoa nhẹ hai mắt mình, lại nhéo má mình mấy cái mới phát giác mình không phải đang nằm mơ, chính mình cư nhiên lại trở về tới trước mặt bức hoạ của Yên Linh Đế.

Ngọn đèn trong lăng lay động, bóng cây bên ngoài lăng xào xạc đung đưa.
"Ha ha, ngươi lại đây!" Vẫn là thanh âm như tiếng chim hoàng oanh của thiếu nữ nghe được ban ngày, Cố Trạch trong nháy mắt cảm giác tỉnh cơn say, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng, muốn chạy trốn nhưng phát hiện hai chân nặng như đeo trì, không thể hoạt động.
Cố Trạch đang vô cùng bối rối, đột nhiên cảm giác sau lưng có ai đó vỗ vai mình, nhất thời bị doạ đến động cũng không dám động.
"Ngươi rất giống nàng*." Chủ nhân của cánh tay đang khoác lên vai mình mang theo một tia sầu bi nhàn nhạt, nhưng theo sau lại hơi khẽ cười nói: "Ha ha, ngươi khẩn trương như vậy làm gì, không ngại thì xoay người nhìn ta một chút."
(*ở đây mình biết rõ là Linh nhi đang nói ai nên để "nàng" luôn, chứ lúc này Cố Trạch cũng không biết người được nhắc tới là nam hay nữ)
Nhưng Cố Trạch nào dám cử động mảy may.
Thấy Cố Trạch bất động, thiếu nữ kia còn nói: "Ngươi đã không chịu xoay lại đây, vậy ta đành phải tự mình đi đến trước mặt ngươi thôi."
Dứt lời, chóp mũi Cố Trạch liền cảm nhận được một làn gió nhẹ mang theo một cỗ hương thơm ngát, lại vội vàng theo bản năng nhắm hai mắt lại.

Lúc này, Cố Trạch mới nhớ tới mấy câu chuyện xưa thần quái mà bà của hắn từng kể cho hắn.

Nghe nói nếu một người chạm phải ánh mắt yêu vật thì hồn phách sẽ bị hút đi.
"Này, ngươi làm vậy thực thất lễ đó." Thanh âm thiếu nữ nghe có chút buồn bực: "Nếu ngươi không mở mắt ra, ta sẽ móc hai mắt của ngươi, dù sao ngươi cũng không dùng." Cô gái uy hiếp nói.
"Đừng đừng đừng, ta...ta mở!" Cố Trạch kinh hãi, vội vàng mở hai mắt.
Vừa nhìn, Cố Trạch không khỏi có chút ngây ngốc, thiếu nữ trước mặt mĩ mục phán hề, xảo tiếu thiến hề, phu như ngưng chi, xỉ như hồ tê*, làm sao giống yêu quái gì, nhưng thật ra lại giống một thiên kim tiểu thư băng tuyết thông minh.
(Trích trong Kinh Thi – Thạc Nhân 2.
Nguồn: thivien.net
Dịch nghĩa:
Mắt của nàng đẹp đẽ, tròng đen tròng trắng phân biệt long lanh.
Nàng cười rất khéo, trông rất đẹp ở bên khoé miệng có duyên
Da của nàng trắng như mỡ đông lại
Răng của nàng trắng, vuông và sắp đều nhau như hột bầu)
[Chẳng lẽ là thiên kim của vị đại nhân nào muốn chọc ghẹo ta?] Cố Trạch thầm bồn chồn trong lòng.
Thiếu nữ kia bị Cố Trạch nhìn chằm chằm một lúc lâu liền nhướn mày, thản nhiên cười: "Đăng đồ tử*, xem đủ chưa?"
(*kẻ háo sắc)
Cố Trạch dở khóc dở cười thu hồi mục quang, bất đắc dĩ nói: "Vị tiểu thư này, ta rất mâu thuẫn, tại hạ không nhìn, tiểu thư liền muốn móc hai con mắt của tại hạ, mà tại hạ nhìn, lại không hiểu sao thành đăng đồ lãng tử, thật sự rất làm khó người khác mà...Tiểu thư ngươi..."
"Uy, ngươi tên gì?" Cô gái ngắt lời Cố Trạch còn đang thao thao bất tuyệt.

"Khụ khụ." Cố Trạch suýt nữa bị sặc: "Tại hạ họ Cố, tên chỉ có một chữ Trạch, tự Huyền Minh, nhân sĩ Cô Tô." Cố Trạch dừng lại, tiếp đó hỏi ngược lại: "Còn chưa thỉnh giáo phương danh của cô nương?"
"Tên của ta sao..." Chỉ thấy thiếu nữ kia chậm rãi xoay người, đến gần bức hoạ của Yên Linh Đế, cư nhiên lấy tay khẽ vuốt khuôn mặt của người nọ trong bức hoạ, một lúc lâu không nói gì, thật lâu sau, chỉ nghe thiếu nữ kia sâu kín thở dài: "Từ rất lâu rất lâu trước kia, người nọ gọi ta là Linh nhi."
"Linh nhi?" Cố Trạch nghe cũng không rõ ràng, lại hỏi: "Người nọ...là ai?"
Thiếu nữ kia tiếp tục không nhìn đến vẻ nghi vấn của Cố Trạch, xoay mạnh người lại, mang theo ánh mắt tràn ngập hy vọng hỏi: "Này, ngươi có muốn nghe ta kể chuyện xưa không?"
"Khụ khụ, Cố mỗ không phải tên này, Cố mỗ vừa rồi không phải đã nói tên cho cô nương sao..." Cố Trạch đối với vị Linh nhi cô nương khó có thể nắm bắt này không khỏi có chút đau đầu, nhưng khi đối diện với ánh mắt sáng quắc của thiếu nữ kia, lại cảm thấy tựa hồ nhất thời nửa khắc cũng không có cách nào thoát thân, liền khẽ thở dài, hỏi: "Linh nhi cô nương là muốn kể chuyện xưa của chính mình sao?"
"Không, là chuyện của người khác thôi."
***
Danh sách đế vương các đời của vương triều Đại Yên:
Yên Thái tổ Mộ Dung Phục, tộc Tiên Ti [1], hậu duệ hoàng tộc của Yên quốc [2] thời kỳ thập lục quốc [3], hoàng đế Tây Yên tiếng tăm lừng lẫy Mộ Dung Trùng chính là tổ tiên của ông [4].

Nhưng đáng tiếc cả đời ông hao tổn tâm cơ, lại như trước phục Yên thất bại, rồi hoá điên, thật sự có thể nói là nóng vội giấc mộng phục quốc, cuối cùng lại không được gì.

Nhưng mà may Vương Ngữ Yên cuối chung quy cũng trở lại bên cạnh ông [5], vì thế sinh hạ một nhi tử, tên Mộ Dung Long.
Yên Cao tổ Mộ Dung Long, sử xưng là "Phục hưng chi đế".

Rút kinh nghiệm từ thất bại của phụ thân, Mộ Dung Long trải qua thiên tân vạn khổ, chịu nhục, chung quy hoàn thành nghiệp lớn phục quốc, diệt Tống đánh lui Liêu, nhất thống Trung Nguyên, tranh giành Cửu Châu.

Lập quốc hào là Yên, niên hiệu Thiên Thống, truy phong phụ thân Mộ Dung Phục là Thái tổ Hoàng đế.

Bất quá, đây lại là một cố sự hấp dẫn khác.
Yên Minh đế Mộ Dung Huân, niên hiệu Chính Hoà, sử xưng là "Nhân ái chi chủ".

Trong lúc tại vị chủ trương lấy "nhân chính" (dân làm chính) trị thiên hạ, nghỉ ngơi dưỡng sức, làm lợi cho bách tính, càng thêm củng cố chính quyền cùng dân tâm của vương triều Đại Yên vừa lập quốc không lâu.
Yên Nguyên đế Mộ Dung Thanh, niên hiệu Thuỵ Lễ, cùng với phụ hoàng hợp xưng là [Minh Nguyên chi trì], trên phương diện trị quốc Nguyên đế cũng đồng dạng chủ trương lấy "nhu chính" trị quốc, khinh dao bạc phú*, khiến cho chính trị ngày càng ổn định, kinh tế sinh sôi chiếm được toàn diện đề thăng, bách tính đều khen ngợi vị minh quân này.
(*giảm nhẹ lao dịch và hạ thuế thấp)
Yên Liệt Võ đế Mộ Dung Không Phá, niên hiệu Thánh Hi, sử xưng "Thiết huyết hoàng đế".

Vị đế vương này trong lúc tại vị không ngừng khai cương thác thổ, Bắc đánh Nữ Chân, Nam diệt Đại Lý, Đông phạt Triều Tiên, Tây chinh Tây Hạ, gia cố Trường Thành, ở biên cương thiết lập Tứ đại Tiết Độ Sứ [6], vì Đại yên đánh hạ vạn dặm giang sơn vững như bàn thạch.

Đáng tiếc cả đời cực kỳ hiếu chiến, lúc tuổi già thành công vĩ đại, tuy rằng khuếch trương lãnh thổ Đại Yên, nhưng hao tài tốn của vô độ, đánh giá của bách tính đối với ưu khuyết điểm của ông cũng nửa này nửa kia.
Yên Chiêu đế Mộ Dung Quang, niên hiệu Bình Trì, kế thừa ý chí của Liệt Võ đế, vị quân chủ này trong lúc tại vị vẫn như trước trọng võ khinh văn, mấy lần chinh phạt địa khu Tây Vực.

Nhưng mà lúc Chiêu đế tuổi già, bên trong vương triều xuất hiện sự rung chuyển nghiêm trọng, vì đoạt đế vị mà cốt nhục thủ túc tương tàn, sử xưng "Loạn Bát vương."
Yên Cảnh đế Mộ Dung Huyền, niên hiệu Thuận Trinh, người thắng cuộc cuối cùng trong "Loạn Bát vương", nhưng mà cũng là một vị quân vương đoản mệnh, chỉ tại vị ba năm.
Yên Linh đế Mộ Dung Nhan, niên hiệu Sùng Ninh, một vị đế vương truyền kỳ không rõ, lưu lại một tấm bia không chữ cũng thần bí như mình.
Yên Thiếu đế Mộ Dung Tư Ngạn, niên hiệu Tuyên Văn, là phụ hoàng của đương kim Thánh Thượng, là một vị đứng đầu "trung hưng".

Trong lúc tại vị đã hoàn toàn cải biến bầu không khí trọng võ khinh văn của triều đình, chấn hưng khoa cử, tuyển hiền tài, nghe lời can gián, thiết lập biên chế tuần binh cùng Giám Sát Ngự Sử [7] ở mỗi địa phương, củng cố binh quyền, tập trung hoàng quyền.
Hết chương 1
————————————-
Chú thích
[1] tộc Tiên Ti: là tên gọi một dân tộc du mục ở phía bắc Trung Quốc, hậu duệ của người Sơn Nhung.


Người Sơn Nhung bị liên quân Tề Yên tiêu diệt vào năm 660 TCN, buộc họ chạy lên vùng đông bắc và bị đồng hóa thành người Đông Hồ, Sau thiền vu Hung Nô là Mặc Đốn tiêu diệt Đông Hồ, Đông Hồ bị phân thành người Tiên Ti và Ô Hoàn, tên gọi Tiên Ti có nghĩa là điềm tốt lành (cát tường) và Thú thần, có lẽ là chỉ tới loài tuần lộc.

(nguồn: wiki)
[2] Yên quốc: là một quốc gia chư hầu ở phía bắc của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu tới Chiến Quốc.

Thời kỳ Chiến Quốc, Yên là một trong số bảy quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng tới chiến cuộc nhất, được sử sách liệt vào Chiến Quốc Thất hùng.

Lãnh thổ của Yên bao gồm miền bắc tỉnh, đông bắc tỉnh Sơn Tây, cực đông nam khu tự trị nội Mông Cổ, phần lớn tỉnh Liêu Ninh, thành phố Thiên Tân và một phần thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày nay.
[3]Thời kỳ "Thập lục quốc": còn gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa, là một tập hợp gồm nhiều quốc gia có thời gian tồn tại ngắn ở bên trong và tại các vùng lân cận Trung Quốc từ năm 304 đến 439 kéo theo sự rút lui của nhà Tấn về miền nam Trung Quốc đến khi Bắc triều thống nhất toàn bộ phương bắc, mở ra cục diện mới là Nam Bắc Triều Tiên.
(nguồn: wiki)
Từ đây trở đi là tác giả tự mình chú thích:
[4] Một Dung Trùng: Tây Yên Uy đế Mộ Dung Trùng, khi còn nhỏ tên Phượng Hoàng, dung mạo tuấn mỹ, dũng mãnh thiện chiến.
[5] Tham khảo kết cục của [Tân Thiên long bát bộ], sự khác biệt lớn nhất giữa bản cũ và bản mới chính là cuối cùng Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên không đến với nhau, Vương Ngữ Yên kết cục vẫn quay về bên cạnh Mộ Dung Phục, mà Đoàn Dự lại thu hết tất cả muội muội của nàng.

Chung Linh, Mộc Uyển Thanh cùng thị nữ Hiểu Lôi của Ngân Xuyên Công chúa đều bị hắn nạp vào làm phi (nhịn không được muốn ói, họ Đoàn kia thật không biết xấu hổ...)
[6] Tiết Độ Sứ: chỉ tổng quản cầm binh ở những nơi quan trọng, là Trưởng quan cao cấp ở quân chính địa phương.

Tiết Độ Sứ ở đây trừ có quyền quản lý quân chính ở biên cương ra, cũng có được quyền lực làm đặc sứ biên cương, có thể đại biểu cho hoàng quyền cùng các quốc gia lân cận can thiệp đàm phán.
[7] Tuần binh chế, là để phòng ngừa võ tướng củng cố thế lực của gia tộc mình, cho nên chế độ này là yêu cầu võ tướng địa phương hàng năm đều phải đổi địa phương dẫn binh.
Giám Sát Ngự Sử, là chức vụ Trưởng quan hành chính được thiếu lập chỉ là để giám sát võ tướng địa phương cùng Thái Thú.
———————————
Bách Linh: Đại khái có thể hiểu câu truyện này được viết dựa theo lời kể của một chú chim tước thành tinh.

Giống như một câu truyện "Ngày xửa ngày xưa", hoặc như Titanic khi Rose kể về chuyện đã qua.
Mấy chương đầu khá chậm nhiệt.
*Bổ sung: Truyện này vốn hoàn thành từ năm 2014, nhưng mình mới kiểm tra lại trên Tấn Giang mới phát hiện tác giả sau khi hoàn thành thì năm 2017 có quay lại sửa chữa bổ sung tầm trong 20 chương đầu, thành ra bản raw trên Bách Gia Trang từ năm 2015 có thể có chỗ không chính xác cho lắm, mình sẽ so sánh với bản raw trên Tấn Giang để bổ sung cũng như chỉnh lại trong quá trình.

Bộ này thật sự rất nhiều từ ngữ cần chú thích, bạn nào có gì không hiểu cứ hỏi mình nhé.

Đây là lời tác giả giải thích:
Tác giả có lời muốn nói:
Đối, đây là một vương triều không có thật, xây dựng dựa trên giả thiết con cháu đời sau của Mộ Dung Phục sau khi thành công phục quốc Đại Yên.
Cho nên trong tác phẩm này, tất cả từ phục sức, điển cố, thi từ, toàn bộ đều sẽ dựa trên văn hoá Bắc Tống cùng trước đó.
2017.4.27 Tu Văn cảm nghĩ: Sĩ biệt ba năm sau Tu Văn.

(sau ba năm quay trở lại chỉnh sửa)
Thật sự là ba năm mài một kiếm, quay đầu tận thổn thức.
*Bổ sung bài thơ trong Văn án cũ: (trên Tấn Giang không có nên mình mượn tạm bên Bách Gia Trang nhé)
Mi mắt ai ngắm nhìn người ấy lún đồng tiền như hoa
Dung nhan ai làm rối loại thiên hạ của người nọ
Ai lại liều mình ngang dọc giang hà vạn dặm xã tắc
Ai lại bỏ lại người, một mình rơi vào hồng trần vạn trượng thiên nhai.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK