“Trở về từ niềm vui chiến thắng và nỗi đau thất bại nào,” ông ngoại nói, “các cô bé đội lacrosse thi đấu thế nào?”
“Bọn con đã thắng.” Tôi trả lời, treo chiếc mũ bảo hiểm lên tay cầm cửa bếp rồi thả chiếc ba lô xuống một chiếc ghế. “Marnie chơi tuyệt cú mèo.”
“Rất vui khi nghe thấy thế.” Ông nhấc vung ra khỏi một chiếc bình chứa súp rau đang sôi sùng sục. “Con có đem báo về cho ông không?”
“Có ạ. Ông phải đọc về con tuần này.”
“Thế ư?”
“Ba cột nhé,” Tôi bảo với ông, “Không hẳn là thư của fan hâm mộ đâu.”
Ông bật cười và nhấc một ổ bánh mỳ nóng ra khỏi lò vi sóng. “Hay lắm. Ông sẽ dán nó vào trong cuốn sổ lưu niệm về con mà ông đang giữ.”
Mẹ và tôi sống cùng ông ngoại suốt ba năm vừa qua trong một ngôi nhà dãy ngay sát đường ranh giới của thị trấn Baltimore. Đây là một khu dân cư thân thiện, nơi mà mẹ đã lớn lên, với hằng hà sa số những ngôi nhà gạch, từng hàng mái lợp đá phiến dốc đứng nối tiếp nhau, những chiếc cổng bao và những cây cổ thụ đồ sộ. Trong suốt cuộc hôn nhân lay lắt của ba mẹ, tôi đã dành rất nhiều thời gian ở đây và ở nhà chị họ Stacy. Đây là nơi mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.
Sau nhiều năm cãi vã, cuối cùng ba cũng rời bỏ mẹ và tôi, ra đi cầm theo toàn bộ tiền bạc. Hai mẹ con tôi đã tự vật lộn một thời gian, nhưng thật khó khăn. Nói cho cùng thì mẹ đã bỏ trường đại học khi mới hoàn thành một nửa khóa học, từ bỏ những giấc mơ của mình về đường học vấn và sự nghiệp để kết hôn với ba. Vì thế khi ba rời bỏ mẹ con tôi, mẹ đột nhiên phải tự mình tìm ra cách kiếm sống để có đủ cái ăn cái mặc.
Một phần trong cái biện pháp của chúng tôi là chuyển về ở hẳn với ông ngoại. Mẹ nhận một công việc thư ký trong khi tham gia khóa học ban đêm để hoàn thành bằng đại học của mình. Và ông ngoại, vốn đã nghỉ hưu một năm trước, lúc này đóng vai trò là “người mẹ” cho cả mẹ và tôi.
Lớp của mẹ học vào tối thứ 3 và thứ 5, và tôi nhận thấy cánh cửa chớp giữa nhà bếp và phòng ăn đang đóng chặt. “Mẹ đang học hở ông?” Tôi hỏi ông ngoại.
Ông gật đầu, “Một bài kiểm tra nữa từ ông thầy kinh doanh điên khùng đó.”
Tôi nhẹ nhàng mở cửa và thò đầu vào trong phòng ăn. Mẹ đang ngồi trước bàn, cúi gập người trên một cuốn vở, tay siết chặt chiếc bút đánh dấu. Mẹ ngẩng lên nhìn tôi, mái tóc đen thẳng đuột xòa xuống mắt.
“Mọi chuyện thế nào hở mẹ?”
“Hi, Daisy. Ổn cả.” Mẹ nói. “Một ngày vui vẻ chứ?”
“Vâng, một ngày thú vị.” Tôi nói, và rồi đóng cửa lại để mẹ hoàn thành nốt bài kiểm tra. “Marnie ghi hai bàn và hỗ trợ hai bàn khác.” Tôi nói với ông ngoại trong lúc mở khóa ba lô và lôi ra tờ The Pipeline cho ông. “Con đang cố thuyết phục nó cắt tóc và chơi trong các trận đấu thứ 3 và thứ 6 cho đội nam đây.” Tôi thêm vào và trải rộng tờ báo lên quầy bar được xây dựa vào một bên tường nhà bếp.
Ông ngoại liếc qua vai tôi. “Adam Logan,” ông đọc, “có phải tay trung vệ mà con luôn nhắc đến đó không? Cầu thủ mà con cho là chứa đầy tài năng nhưng chưa phát huy được ấy?”
Tôi gật đầu. “Có những lúc hắn chơi như một tài năng của trường Johns Hopkins vậy, nhưng hắn không ổn định. Đội bóng cần hắn phải ổn định phong độ của mình và dẫn dắt họ đi trên con đường hợp lý.”
“À, các cậu trai trẻ năm ngoái đã có một khoảng thời gian khó khăn với Huấn luyện viên trưởng, người mà trường con đã sa thải ấy.” Ông ngoại nhớ lại, “Đôi khi cũng cần phải có thời gian để hồi phục lại từ cách quản lý sai lầm và điều chỉnh theo Huấn luyện viên mới.”
“Huấn luyện viên Gryczgowski cần phải châm một ngọn lửa dưới mông họ.”
Ông ngoại bắt đầu đọc lá thư và mỉm cười. “Theo ông thấy thì con đã làm điều đó với cậu ta rồi.” Ông đọc tiếp, và rồi phá lên cười. “Anh chàng Logan này biết viết đấy chứ!”
“Ông không phải ngưỡng mộ hắn ta đâu ạ.”
“Chắc chắn là có rồi. Cậu ta có thể chăm chút và tung cú sút, rồi xoay chuyển thành một câu hay ho.”
Tôi nhăn nhó ngay lúc mẹ kéo cánh cửa chớp ra và bước vào bếp.
“Có chuyện gì không ổn à?” Mẹ hỏi.
“Con gái của con lại khơi mào rắc rối đấy.” Ông ngoại bảo mẹ.
Mẹ liếc nhìn qua đoạn ông đang đọc. “Con gái con ư? Ý ba là Jimmy Olsten đệ nhị à?”
Tên ông ngoại tôi là James Olstenheimer, nhưng ông lấy bút danh là Jimmy Olsten khi viết bài cho chuyên mục thể thao của tờ The Baltimore Sun.
“Đừng nói với con là nó viết điều gì đó mà mọi người không đồng ý đấy nhé.” Mẹ thêm vào với vẻ nghi ngờ chế giễu. “Con không hề biết ai trong gia đình ta từng làm điều gì như thế.”
Ông ngoại liếc nhìn tôi với vẻ ranh mãnh. “Sự khác biệt là, ba luôn nói đúng.”
“Ôi, tha cho con đi!” Tôi kêu lên.
Mẹ mỉm cười và tự mình lấy một bát súp. “Trước khi mẹ quên mất, Daisy, Stacy gọi đấy. Nó muốn ghé qua và nói về lễ cưới.”
“À, đó là một chủ đề mới.” Tôi đáp lại. Kể từ khi đính hôn, chị họ tôi cứ không ngừng nói về lễ cưới của mình. Sự kiện lớn đó sẽ diễn ra vào ngày mùng 1 tháng 5, còn tới gần 3 tuần nữa kể từ lúc này, nhưng tôi cảm giác như thể tôi đã tham dự nó hàng tỷ lần rồi vậy. Tôi đã cố tỏ ra thực sự thích thú để đền bù cho chuyện đã từ chối trở thành phù dâu phụ cho chị. Tôi biết thật vinh dự khi được nhờ như thế, nhưng tôi không phải thể loại có thể ôm một bó hoa và loạng choạng dọc theo lối đi dài loằng ngoằng trên đôi giày cao gót bọc lụa, mỉm cười với 325 khách mời.
“Stacy nói có chút rắc rối.” Mẹ thêm vào, trán hơi cau lại trong khi xúc súp ra một cái bát tô.
Hôn sự của Stacy làm mẹ lo lắng. Ổn định ở tuổi 21 có vẻ quá trẻ thật. Tôi đã chứng kiến những gì xảy ra với mẹ và sẽ không bao giờ từ bỏ những ước mơ của mình vì một gã nào đó. Và tôi quyết định sẽ không đặt mình vào một tình huống mà tôi phải phụ thuộc vào một người khác. Nhưng Stacy đã học xong đại học sớm trước một học kỳ và có thể đi dạy học nếu như bị chồng bỏ rơi. Và không giống như mẹ, ước mơ lớn nhất của Stacy từ trước đến giờ là kết hôn. Một ngôi nhà to lớn và xinh đẹp, vài đứa trẻ, và một cái họ ngắn hơn Olstenheimer - đó là mơ ước lớn nhất của Stacy - và tất cả những điều đó có thể xảy ra với vị hôn phu của chị, một luật sư thành đạt có tên là Travis Avery Clarke HI.
“Stacy nói nó sẽ ghé qua ngay sau khi làm tóc xong.” Mẹ nói với tôi.
“Chị ấy lại thử một kiểu mới à?”
“Travis không thích kiểu lần trước.” Mẹ trả lời.
“Và cả kiểu trước đó nữa.” Tôi nói.
“Mẹ biết.” Mẹ thở dài, rồi liếc nhìn đồng hồ và nuốt chửng phần còn lại của bát súp. Ông ngoại cắt một lát dày từ chiếc bánh mì còn nóng và nhét nó vào trong túi nilon cho mẹ.
“Phải đi rồi.” Mẹ nói với chúng tôi, rồi vội vã vơ lấy đám sách vở và túi xách của mình.
Sau khi mẹ đi học, tôi soạn bữa tối lên quầy bar. Ông ngoại và tôi vừa mới kịp ngồi xuống thì chuông cửa kêu vang.
“Ông sẽ chuẩn bị suất thứ ba.” Ông nói khi tôi ra mở cửa.
Stacy lao vào, cả người toàn mùi salon làm tóc.
“Tóc chị đẹp lắm.” Tôi bảo chị.
“Em nói thật lòng chứ?”
“Chị biết em luôn thật lòng mà. Trông tuyệt lắm, Stacy. Nhưng em cũng thích kiểu lần gần đây nhất. Thực ra, trông hai kiểu rất giống nhau.”
“Khác đấy chứ.” Stacy nói nhanh. “Thấy không? Cái phần quanh tai ấy.”
Tôi quan sát chị một lát. Stacy có một mái tóc đỏ dày lộng lẫy làm cho các đường nét xinh xắn trông có vẻ càng thanh thoát hơn. Tối nay mái tóc chị gồm các lọn xoăn dài và gợn sóng xếp nếp cao uốn quanh gương mặt. Chị trông xinh đẹp và cổ điển - giống hệt như chính chị tuần trước. Tôi biết Stacy đang làm gì - chính là cái kiểu mà tôi hay làm khi một biên tập viên yêu cầu tôi sửa đổi điều gì đó mà tôi không muốn thay đổi - là nghịch ngợm chỗ này chỗ kia một chút, nhưng về căn bản là vẫn giữ nó giống như cũ.
“Vào khoe ông đi.” Tôi bảo chị. “Em và ông đang dùng bữa tối. Ông đang sắp chỗ cho chị.”
“Chị không thể ăn, còn phải mặc vừa váy cưới nữa.”
“Rau cỏ không làm chị đau đâu.”
Stacy theo tôi xuyên qua phòng ăn vào nhà bếp. “Con chào ông.”
“Lại tóc nữa!” Ông kêu lên.
“Ông có thích kiểu này không?” Chị hỏi với vẻ đầy hi vọng.
“Ông thích con trọc cơ.” Ông trả lời.
Stacy từ chối món súp mà ông đưa chị nhưng cũng ngồi xuống giữa chúng tôi, ba chúng tôi ngồi thành hàng, như người ta ngồi ở quầy bar quán rượu. Sau 30 giây nghe tôi và ông xì xụp, Stacy liền với lấy một miếng bánh mì mới nướng, xé một miếng thật to, và rồi quệt đầy bơ. Tôi liếc nhìn sang phía chị.
“Chị sẽ chỉ ăn nửa bữa thôi mà.” Chị phân trần.
Tôi ngả người ra ghế, mở tủ lạnh, và với tới lấy lọ mứt mâm xôi. Tôi sẽ không bao giờ hiểu được cách nghĩ của Stacy và chị cũng sẽ không bao giờ hiểu tôi, nhưng chúng tôi biết rõ từng thói quen nhỏ nhất của nhau, và chị luôn là một kẻ tiêu diệt mâm xôi có cỡ.
Stacy quệt đám mứt lên bánh mì và lẩm bẩm một cách hài lòng. “Mình cần cái này.”
“Thế có chuyện gì xảy ra đấy?” Ông ngoại hỏi. “Linda nói có điều gì đó rắc rối.”
“Một rắc rối với một kết thúc có hậu.” Stacy nói và quay sang tôi. “Em biết đấy, em đã vô cùng tử tế về chuyện phù dâu phụ, Daisy. Và em nói đúng, 9 phù dâu phụ có lẽ là quá nhiều thật.”
Chỉ 3 thôi đã là quá nhiều nếu như tôi là người thứ 3 trong đó, nhưng tôi không nói to lên điều này. “Chị có cả tỷ bạn bè, Stacy. Em mừng vì những người bạn thân nhất của chị sẽ giúp chị việc đó. Nó giống như buổi kỷ niệm cuối cùng cho các bữa tiệc qua đêm của các chị vậy.”
“Em có nhớ đứa bạn thân tên Karen của chị không?”
“Phù dâu chính chứ gì?” Tôi nói, rồi ngoạm lấy một thìa đầy ứ nước xuýt và rau.
“Nó có thai rồi.”
“Tuyệt.” Tôi nói, và rồi chuẩn bị nuốt xuống một mồm đầy bốc khói.
“Em thay thế nó được không?”
Tôi chết nghẹn.
“Ông phải xem lại đám đậu lima mới được.” Ông ngoại nói, mặc dù ông biết thừa đám đậu đấy không phải chịu trách nhiệm gì cho việc tôi mắc nghẹn.
“Chị không thể chỉ nới váy ra thôi hay sao?” Tôi hỏi khi đã hồi trở lại.
“Karen gặp chút khó khăn và cần phải nằm tĩnh dưỡng.” Stacy giải thích.
“Thế sao chị không chọn một trong những phù dâu phụ thay thế vào đó?” Tôi lý luận.
“Chị không muốn tỏ ra thiên vị. Chị biết Karen lâu hơn những người còn lại, vì thế họ hiểu vì sao chị chọn nó. Và họ sẽ hiểu vì sao chị chọn em bởi vì chị không có chị em gái và em là đứa em họ duy nhất của chị.”
“Ồ.”
“Em nhỏ hơn Karen khoảng 1 size, vì thế thợ may sẽ có thể sửa lại váy cho vừa.” Chị nói tiếp. “Đồng ý đi, Daisy! Chị sẽ rất vui nếu như có em đứng trên đó với chị trong ngày vui lớn này của chị.”
“Vâng.” Tôi kêu ồm ộp.
Stacy ôm chầm lấy tôi. “Sẽ vui lắm đây. Lễ ra mắt. Buổi tối tổng duyệt. Bữa tiệc cuối tuần này!”
“Tiệc á?”
“Chị hi vọng em không có kế hoạch gì vào tối thứ 7.”
Ông ngoại và tôi liếc nhìn nhau. Chúng tôi đã có vé đến xem trận đấu của Orioles, và Bob Danner - người đã bắt đầu ném bóng từ khi tôi còn chưa ra đời, sẽ thắng trận thứ 300 của mình, một cột mốc lớn đối với môn bóng chày. Đài truyền hình quốc gia sẽ tường thuật và tất cả các thể loại ngôi sao thể thao có mặt ở đó. Ông ngoại và tôi đã có chỗ ngồi riêng.
“Đó là một buổi tiệc tiền đám cưới tổ chức cho các đối tác làm ăn của ông Clarke. Những người được mời chỉ bao gồm phù dâu chính và phù rể.” Stacy tiếp tục. “Nhưng Karen đã định đưa chồng nó đến, nên nếu như em muốn rủ Daniel đi cùng thì chị chắc là Travis và ba anh ấy sẽ okay thôi.”
Daniel là một gã mà tôi đã gặp mùa hè vừa rồi ở hội trại bên ngoài Washington, D.C., ở đó cả hai chúng tôi cùng làm việc như những tư vấn viên. Khoảng cách giữa nhà chúng tôi - D.C và Baltimore là quá xa để có thể hẹn hò ổn định - và dù sao thì chả ai trong hai chúng tôi muốn điều đó - nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc qua E-mail. Thực ra thì tôi thường gửi email cho hắn, đôi khi hắn trả lời và đôi khi thì không. Hắn là loại con trai như thế. Nhưng bởi vì tôi chẳng có hứng thú với ai ở trường cả nên tôi đã rủ Daniel đến đám cưới cũng như đến buổi vũ hội của trường sẽ được tổ chức vào kỳ cuối tuần cuối cùng của tháng 4.
“Đó không hẳn là một bữa tiệc gia đình, ông à.” Stacy thêm vào với vẻ có lỗi.
“Thế chị có nghĩ là em nên đi không?” Tôi hỏi, cố không tỏ ra quá hi vọng.
“Chắc chắn rồi. Chị sẽ không biết nhiều các vị khách lắm. Đó là những đối tác làm ăn và bạn bè của nhà Clarke và, ừm, loại người mà em nhìn thấy trong trang xã hội của tờ The Sun ấy. Chị sẽ cảm thấy khá hơn nếu có em ở đó, Daisy Jane.”
Tôi có thể nói gì đây? Kể từ khi Stacy bắt đầu học đại học, chúng tôi không gặp nhau thường xuyên lắm, đặc biệt là năm ngoái khi Travis bước vào đời chị. Nhưng không ai trong chúng tôi có anh chị em ruột hay anh chị em họ gần gũi, và chúng tôi đã trải qua thời thơ ấu cùng nhau. Tôi là người gần gũi nhất so với một người em gái mà chị ấy có.
“Chắc rồi.” Tôi nói với chị. “Em sẽ đến - mà không có người đi cùng đâu.”
Có khi Danner sẽ có một buổi tối tồi tệ và hoãn trận thắng thứ 300 của mình lại, tôi nghĩ thầm.
Trong phần còn lại của bữa tối, với vẻ hạnh phúc Stacy nói liên hồi về các kế hoạch trăng mật đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Khi chúng tôi ăn xong, tôi đã có thể dẫn một tour trên chiếc tàu biển mà sắp tới họ sẽ đi hưởng tuần trăng mật.
Stacy liếc nhìn đồng hồ. “Ôi không, chị đáng lẽ đã phải gặp Travis 20 phút trước để khoe anh ấy mái tóc này.”
“Nói với anh ấy em nghĩ là nó hoàn hảo.” Tôi nói.
Ông ngoại đứng dậy đưa Stacy ra cửa, và tôi bắt đầu rửa bát đĩa. Tôi chùi đám thức ăn ra hỏi đĩa và tô, lởn vởn lâu hơn cần thiết ở chỗ thùng rác, nhìn nó nghiền nát đám đậu Hà Lan như thể mỗi một quả là một tấm vé đến trận đấu tối thứ 7 vậy. Tôi không nghe thấy tiếng ông ngoại quay trở vào và nhảy dựng lên khi ông lên tiếng từ trên ngưỡng cửa.
“Quyết định khó khăn.”
“Vâng.” Tôi trả lời.
“Một cô bé mạnh mẽ, Daisy Jane của chúng ta. Cũng dịu dàng nữa.”
“Đừng làm con khóc.” Tôi bảo ông, và rồi khẽ cười. “Ôi, tốt hơn hết con nên gọi Marnie và bảo nó hủy cuộc hẹn tối thứ 7 đi. Nó sẽ có một cuộc hẹn nóng bỏng với ông ngoại của con.”