Hiếm khi thời tiết tốt.
Một vòng huyết ngọc đứng giữa không trung, rải những tia sáng vàng nhạt xuống đầu đường phủ tuyết, tựa như thoa một lớp phấn vàng.
Tuyết đọng trên ngói xanh đã chậm rãi tan đi. Tí tách dưới mái hiên, ướt hành lang gấp khúc.
Giấu xong ám tiễn, y sải bước ra khỏi phòng.
Dưới mái hiên, một giọt nước tuyết đúng lúc rơi xuống, trượt thẳng cổ áo, rơi vào trong lớp xiêm y, rét lạnh thấu xương.
Khẽ run người, đưa tay lau, chỉ thấy hai ngón tay ấm áp nước tuyết.
Trong nội viện, tiếng quét dọn lạo xạo liên tục vẳng đến.
Chợt nghe thấy một tiếng nói: “Triển gia tỉnh rồi ạ?”
Y nhìn sang, thấy tuyết trong nội viện đã được quét sạch hơn nửa. Gã người hầu mặc áo lam, cầm chổi tre, đứng cách đó không xa mỉm cười nhìn mình. Y lấy lại bình tĩnh, nói: “Sao không ngủ thêm đi? Tuyết này quét hay không quét cũng không có gì khác nhau.”
“Quét đi vẫn tốt hơn. Huống hồ vận động một chút, thân thể cũng ấm hơn.” Gã người hầu đáp lời, lại hỏi: “Bây giờ Triển gia dùng cơm chứ ạ?”
Y ngẩn người, nghĩ đến chuyện đang nghĩ đến trong đầu, nói: “Bây giờ dùng luôn, dùng xong Triển mỗ còn đi ra ngoài có việc.”
Đảo tròng mắt một vòng, gã người hầu ‘a’ lên một tiếng, nói: “Mời Triển gia vào trong sảnh”, rồi cầm chổi, đi xuống nhà bếp.
Nghe thấy sau lưng một tiếng nói rất nhỏ: “Bạch Phúc, ta lại nằm mơ.”
Bước chân nhanh đột ngột dừng lại.
“Nhưng vì sao ngay cả trong mộng cũng chưa từng nhìn thấy hắn.”
Bạch Phúc xoay người lại, ánh mắt sáng ngời chợt ảm đạm, toát ra đau thương. Nhìn nam nhân đang vô cùng uất ức trước mắt, giọng nói nghẹn ngào như sắp khóc: “Đã lâu Triển gia không nhắc đến Ngũ gia, chỉ sợ là đã nhớ thương không chịu đựng nổi nữa rồi. Bạch Phúc không học nhiều, chỉ biết có câu ‘mộng thấy người nao, chẳng thấy người’[1]. Nhưng nếu như Triển gia muốn gặp, Bạch Phúc sẽ đi cùng ngài.”
Miệng của y hé rồi lại đóng, ánh mắt mê mang.
Bạch Phúc lau nước mắt: “Triển gia, ngài muốn thế nào ạ?”
Y lại như bị kim đâm bất ngờ, giật mình loạng choạng lùi về phía sau, đến khi ngã ngồi xuống thềm đá mới dừng lại. Ánh mắt mờ mịt giống như mất hồn, u ám mênh mông không thấy đáy.
Bạch Phúc đứng xa thấy y thất hồn lạc phách như vậy cũng không bước tới mà chỉ ngửa đầu nhắm mắt, nắm tay siết lại. Đến lúc mở ra, trong mắt ngập tràn bi thương, nói khẽ: “Triển gia, Bạch Phúc xin phép đi xuống.”
Một lát sau, trong sân chỉ còn lại một mình y ngồi trên mặt đất.
Hồi lâu, ánh mắt mới rõ ràng trở lại, rồi chuyển sang ảm đạm.
Người phương xa, tại sao vẫn chưa trở về?
*
Buổi trưa hôm ấy, y trốn ở trong phòng mình, tay cầm dao khắc, tỉ mẩn khắc cọc gỗ cao bằng người trước mặt.
Lờ mờ nhận ra là một dáng người cao ngất.
Mỗi nhát dao của y đều vô cùng nhẹ nhàng, chỉ sợ sẽ làm bị thương ‘người’ trước mặt. Mỗi một nét khắc đều vô cùng cẩn thận, vô cùng thuận tay, tựa như đang khắc chính hình dáng của mình.
Chỉ có điều, khi y chuyển dao khắc lên phần mặt, lại mãi chẳng thể xuống tay. Thảng thốt giơ dao lên rồi hạ xuống, mà chẳng thể khắc vào.
Nhíu mày, tựa như không hiểu chuyện gì, trong đôi mắt đầy vẻ sửng sốt.
Tựa như…
Tựa như y không nhớ nổi gương mặt người mình đang khắc, hoàn toàn không biết mắt mũi miệng tai nên khắc ở chỗ nào. Thật lâu sau y mới hiểu, y… đã quên mất rồi.
Ném dao xuống đất, y chán nản ngã ngồi xuống bên cạnh bức tượng gỗ. Lòng bàn tay rủ xuống bên người đầy vết thương cũ mới giao nhau, có một vài vết vẫn còn đỏ thẫm tơ máu.
Vết thương chồng chất trên tay chỉ vì người trước mắt này, vậy mà kết quả ngay cả người nọ trông như thế nào cũng không nhớ rõ. Y còn học điêu khắc để làm gì?
Chỉ lãng phí thời gian.
Y cúi thấp đầu, không nhìn rõ vẻ mặt. Cho phép bản thân chìm vào đau khổ, cho phép bản thân mệt mỏi, cho phép bản thân được nghỉ ngơi một lát. Bởi vì y rõ ràng có thể kìm nén mọi chuyện, lại bởi vì không nhớ nổi một người mà thất thố. Bởi vì đầu vai của y đang rung rung.
Chợt, có lời gì đó trào ra cổ họng, tan vào trong gió tuyết ngoài phòng.
Ngọc Đường…
Bên ngoài, gã người hầu áo lam đứng cạnh cửa, cuộn người, lệ rơi đầy mặt.